Pháp Vi Diệu

Bồ Tát có nghĩa là gì? Sao gọi là Bồ Tát?

Bồ Tát có nghĩa là gì? Danh xưng này là tiếng Ấn Độ, là gọi tắt của Bồ Đề Tát Đỏa. Ý nghĩa của danh xưng này là “chúng sanh tâm đạo lớn”.

Định nghĩa chữ “Bồ Tát chúng” này rốt cuộc là như thế nào? Chúng ta là người đã thọ giới Bồ Tát thì có được xem là Bồ Tát hay không? Chúng ta có bao gồm ở trong đây không? Đây là điều trước tiên phải làm cho rõ ràng.

Phật ở trong “Kinh Kim Cang” nói rất rõ ràng: “Nếu Bồ Tát có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức không phải Bồ Tát”. Đây là Thế Tôn đem tiêu chuẩn của Bồ Tát nói ra cho chúng ta rồi. Chúng ta thử nghĩ, chúng ta đã thọ giới Bồ Tát rồi, hoặc giả xuất gia, đã thọ Tam Đàn đại giới rồi, có còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả không? Nếu như vẫn còn thì đó không phải là Bồ Tát thật, ở nguyện này không có phần của chúng ta, đối tượng mà Ngài nói không phải loại này của chúng ta.

Đại Sư Thiên Thai nói, Phật có sáu loại. “Lục tức Phật”, nói từ trên lý thì không có vấn đề, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Phàm là những ai có Phật tánh đều xem là Phật. Ở trong “Hoa Nghiêm”, “Viên Giác” nói hay hơn nữa: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật”. Đây là nói từ trên lý. Trên lý không hề sai, nhưng trên sự thì khác nhau. Sự có mê – ngộ; người mê là phàm phu, ngộ rồi mới là Phật. Vậy là từ trên sự mà nói, thì có năm cấp bậc phía sau.

Thứ nhất là “Danh tự tức Phật”, hữu danh vô thực. Giống chúng ta hiện nay thọ giới Bồ Tát, đây là hữu danh vô thực. Chúng ta là ở trong quả vị Danh Tự. Người ở trong quả vị Danh Tự, bất kể bạn tu tốt như thế nào, bạn cũng không thể thoát khỏi tam giới, cái mà bạn tu học là phước báo hữu lậu trong tam giới. Sao gọi là “hữu lậu” vậy? Chính là tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả chưa buông xả, cho nên gọi đó là hữu lậu. Hữu lậu chính là bạn còn mang theo vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

“Tướng ngã” là chấp trước cái thân này là ta, khởi tâm động niệm đều vì ta, vì lợi ích của ta, đây chính là trong Kinh gọi là tướng ngã. Hiện nay, cái mà đại chúng xã hội thông thường gọi là tự tư tự lợi chính là trong Kinh Phật gọi là tướng ngã. Cho nên, chúng ta còn có ý nghĩ tự tư tự lợi là tướng ngã chưa buông xả.

“Tướng nhân”, cái đối lập với ta là người. Đây chính là nói tất cả chúng sanh hữu tình đối lập với chúng ta, đó là tướng nhân. Phạm vi mà tướng nhân bao gồm vô cùng rộng.

“Tướng chúng sanh” nghĩa là gì vậy? Đây là đem tất cả hiện tượng ở trong vũ trụ, tất cả thực vật, khoáng vật, cái mà trong Kinh Phật gọi là khí thế gian, toàn bộ đều bao gồm ở trong đó, cũng chính là cái mà chúng ta gọi là hoàn cảnh đời sống vật chất của chúng ta. Hoàn cảnh này là hiện tượng do chúng duyên hòa hợp mà sinh ra, cho nên gọi là tướng chúng sanh. Chúng sanh này không được phép xem như những con người hay như những đồ vật, đây là điều không nên, phạm vi của nó vô cùng rộng lớn.

“Tướng thọ giả” là nói thời gian. Chúng ta chấp trước có quá khứ, hiện tại, vị lai, đây gọi là ba đời.

Hay nói cách khác, bạn đối với những vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chưa có buông xả thì bạn không phải là Bồ Tát. Tiêu chuẩn của Bồ Tát đều buông xả những cái này rồi; không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả, người này mới là Bồ Tát, là Bồ Tát thật, không phải Bồ Tát giả. Buông xả một phần, chưa thể buông xả hoàn toàn, ví dụ nói, ý nghĩ tự tư tự lợi không còn nữa, buông xả rồi, nhưng sự phân biệt đối với thời gian, không gian vẫn chưa có buông xả, địa vị này gọi là Bồ Tát “Tương Tự Vị”, họ cao hơn Danh Tự Vị. Ở trong Danh Tự Vị có tự tư tự lợi, còn Bồ Tát này không có tự tư tự lợi, cũng chính là chấp ngã phá rồi, nhưng chấp pháp vẫn còn. Ở trong vị trí này, đây gọi là Bồ Tát Tương Tự Vị. Là những người nào vậy? Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát ở trong pháp giới Tứ Thánh. Ở trong Đại Thừa giai đoạn đầu và Kinh Tiểu Thừa thông thường nói Bồ Tát là có phần của họ. Nhưng trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói chư Bồ Tát của mười phương thế giới thì không có những Tương Tự Vị này, mà hoàn toàn là bốn mươi mốt vị Pháp Thân Đại Sĩ.

Chúng ta ngày nay đọc Kinh văn, nếu các bạn chú ý một chút, ở trong đó có một chữ rất then chốt, đó là chữ “chư Bồ Tát chúng”. Chữ “chư” đó, chúng ta phải chú ý. Có cái chữ này chúng ta đã hoan hỉ rồi, đại khái Danh Tự Vị cũng ở trong đó. Danh Tự Vị, Quán Hạnh Vị, Tương Tự Vị, Phần Chứng Vị, đại khái thảy đều bao gồm ở trong đó. Cách nói này của tôi cũng không phải không có căn cứ.

Tôi căn cứ vào điều gì vậy? Ở trong “Kinh Phật Quán Vô Lượng Thọ”, Đại Sư Thiện Đạo nói với chúng ta: “Tam bối vãng sanh, tổng tại ngộ duyên bất đồng”. Lời nói này hay. Chúng ta tuy ở trong Danh Tự Vị, nếu như gặp duyên thù thắng thì có thể ở ngay trong đời này, trong thời gian rất ngắn, đem chúng ta từ Danh Tự Vị nâng lên đến Quán Hạnh, Tương Tự, Phần Chứng. Có khả năng hay không vậy? Có! Tham thiền được minh tâm kiến tánh, họ nhập Phần Chứng Vị, họ đã vượt qua Danh Tự, Quán Hạnh, Tương Tự. Người niệm Phật niệm đến lý nhất tâm bất loạn cũng vượt qua rồi, cũng là người kiến tánh thành Phật rồi. Cho nên, đây là điều có căn cứ lý sự. Không những có lý, mà còn có sự thật làm chứng minh cho chúng ta. Cho nên, ở trong “chư Bồ Tát chúng” là bao gồm cả chúng ta. Đây là điểm rất đáng để chúng ta yên vui. Nhưng chúng ta cũng không được quá vui, không được quá đắc ý. Tại sao vậy? Ngài Thiện Đạo nói là do “ngộ duyên bất đồng”. Chúng ta rốt cuộc có phải gặp được duyên thù thắng nhất hay không?

Ngày nay ở Singapore, cái duyên phận này rất tốt, chúng ta gặp được rồi, nhưng có biết bao nhiêu người gặp được cũng như chưa gặp được. Tại sao vậy? Gặp được nhưng họ không tin, thế còn cách gì bây giờ? Họ chưa thật sự lý giải, không biết quý trọng duyên phận này, không chịu cần mẫn nỗ lực tu học, vậy là gặp được cũng như chưa từng gặp. Điều này thật đáng tiếc. Phàm phu thấp hèn một phẩm phiền não chưa đoạn, nếu như khi gặp được mà có thể tin, có thể hiểu, có thể hành thì họ sẽ tiến bộ rất nhanh. Chúng ta biết, nguyên nhân chúng ta dừng lại rất lâu ở trong Danh Tự Vị chính là tự tư tự lợi không thể buông xả. Người thông thường nói công phu của chúng ta không đắc lực. Công phu không đắc lực là người trong Danh Tự Vị. Công phu đắc lực là người trong Quán Hạnh Vị. Quán Hạnh là làm thật, y giáo phụng hành.

Tôi thường hay khuyên các đồng tu, nhất định không được phép thuận theo tập khí phiền não của mình. Đây là nói ở trong đời sống thường ngày. Ở trong công việc, đối nhân xử thế tiếp vật, quyết định không thuận theo tập khí phiền não của mình nữa. Hay nói cách khác, quyết định buông xả tự tư tự lợi thì công phu của bạn liền đắc lực, bạn liền từ Danh Tự Vị thăng lên đến Quán Hạnh Vị. Ở trong Quán Hạnh Vị thành tựu công phu thành khối, vãng sanh đã có phần nắm chắc. Niệm Phật vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, tuyệt đại đa số là Bồ Tát ở địa vị này. Nếu như tiến thêm một cấp nữa, đến Tương Tự Vị là kiến tư phiền não đoạn rồi, chấp trước không còn nữa, đối với tất cả pháp thế xuất thế gian không chấp trước nữa, nhưng họ vẫn còn phân biệt. Tuy chấp trước không còn, nhưng họ vẫn còn phân biệt, đó gọi là Bồ Tát Tương Tự. Bồ Tát Tương Tự Vị vãng sanh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc không phải ở Phàm Thánh Đồng Cư độ, mà là ở Phương Tiện Hữu Dư độ. Đây là điều chúng ta cần phải rõ ràng, phải minh bạch thì mới không bỏ lỡ việc lớn của chúng ta ở trong đời này. Chúng ta phải cần mẫn, phải nỗ lực, cái cơ duyên này rất không dễ gì gặp được, nhất định phải quý trọng.

Nếu bạn có thể đối với tất cả pháp thế xuất thế gian không phân biệt, thế thì bạn lại nâng cao lên một cấp, nhập Phần Chứng Vị. Phần Chứng Vị, người này đã thoát khỏi mười pháp giới rồi, sinh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc là Thật Báo Trang Nghiêm độ. Phần Chứng thì sanh đến Thật Báo, Tương Tự thì sanh Phương Tiện, Quán Hạnh thì sanh Đồng Cư. Danh Tự Vị thì không thể vãng sanh, chỉ có thể kết cái duyên với A Di Đà Phật mà thôi. Từ đó cho thấy, chỗ này gọi là “chư Bồ Tát chúng”, quả vị cấp bậc thấp nhất chính là nói Quán Hạnh Vị. Ở trong chữ “chư” này có Quán Hạnh, có Tương Tự, có Phần Chứng; ba loại Bồ Tát này gọi là “chư Bồ Tát chúng”.

Sao gọi là “Bồ Tát”? Chúng ta phải làm cho rõ ràng. Danh xưng “Bồ Tát” này là tiếng Ấn Độ, là gọi tắt của “Bồ Đề Tát Đỏa”. Người Trung Quốc thích đơn giản, đem âm đuôi của Bồ Đề Tát Đỏa lược bỏ. Bồ Đề, chúng ta gọi tắt là “Bồ”, Tát Đỏa gọi tắt là “Tát”, âm đuôi phía sau đều bỏ hết. Ý nghĩa của danh xưng này, vào thời xưa dịch thành “chúng sanh tâm đạo lớn”. Bồ Đề dịch thành đạo lớn, Tát Đỏa dịch thành chúng sanh. Chúng sanh này là chúng sanh có tâm đạo lớn. Tâm đạo lớn là gì vậy? Họ phát tâm Bồ Đề, đây gọi là tâm đạo lớn. Cách dịch mới là Đại Sư Huyền Trang về sau dịch thành “hữu tình giác”, bởi vì Bồ Tát Tát Đỏa là chúng sanh hữu tình, ý nghĩa của Bồ Đề là giác ngộ, nên dịch thành chúng sanh hữu tình giác ngộ. Hay nói cách khác, người phàm chúng ta là chúng sanh hữu tình mê hoặc, Bồ Tát là chúng sanh hữu tình giác ngộ. Chúng ta phá mê khai ngộ thì thành Bồ Tát ngay.

Sao gọi là mê? Chúng ta phải biết hiện tượng của mê là gì, chúng ta phải biết thế nào là giác và hiện tượng của giác ngộ lại là gì. Chúng ta thật sự hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch rồi thì biết phải học tập như thế nào. Nếu như chẳng biết gì cả thì chúng ta biết học ở đâu bây giờ? Giác ngộ là đối với tất cả người, tất cả sự, tất cả vật đều có thể thông đạt hiểu rõ chính xác, không có sai lầm, đây gọi là giác. Nếu như ở trong đời sống thường ngày, đối với tất cả người sự vật hoàn toàn không hiểu rõ, hoặc giả là tuy biết chút ít nhưng đều là sai lầm, không phải chính xác, đây gọi là mê.

Hiện tượng của giác ngộ, người giác ngộ chắc chắn sẽ không tạo ác nghiệp. Người giác ngộ làm sao tạo ác nghiệp được? Người mê mới tạo nghiệp, người giác ngộ không tạo nghiệp. Chúng ta hãy nói từ chỗ cạn, người giác ngộ nhất định không làm ác. Phật ở trong “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo” nói với chúng ta, người giác ngộ nhất định sẽ làm được không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không ác khẩu, không ỷ ngữ, không lưỡng thiệt, không tham, không sân, không si, vậy là giác ngộ rồi. Người mê thì hoàn toàn ngược lại, họ khởi tâm động niệm là tham sân si, tạo sát đạo dâm, tạo vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ.

Tướng của mê ngộ chúng ta phải biết, sau đó chúng ta tự mình phản tỉnh lại kiểm điểm, bản thân ta rốt cuộc là mê hay là giác, đã hiểu rõ rồi. Nếu như ta là mê thì ta không phải Bồ Tát, đời này cho dù niệm Phật cũng chưa chắc vãng sanh được. Tại sao vậy? Nghiệp lực đang lôi kéo bạn, bạn không thể thoát khỏi luân hồi.

Vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, tuy nói là “mang theo nghiệp vãng sanh”, Đại đức xưa nói rất nhiều, đó là chỉ mang theo túc nghiệp, chứ không mang theo nghiệp mới; chỉ mang theo chủng tử, chứ không mang theo hiện hành. Lời nói này nói rất rõ ràng, rất minh bạch. Phiền não hiện nay bạn không thể mang theo. Ác nghiệp mà quá khứ tạo thì có thể mang theo, ác nghiệp mà hiện nay tạo thì không thể mang theo, bạn phải biết đạo lý này. Cho nên, người giác ngộ chân chánh thì bắt đầu từ cái thời khắc giác ngộ đó, họ nhất định không tạo ác nghiệp nữa. Khởi tâm động niệm không tạo ra tự tư tự lợi nữa, họ giác ngộ rồi.

Bồ Tát hành điều mà Phật hành. Điều Phật hành là gì vậy? Đại từ đại bi, rộng độ chúng sanh. Tâm của Phật là đại từ đại bi. Đại từ đại bi dùng cách nói hiện nay để nói, đó là tâm thương yêu chân thành, thanh tịnh, bình đẳng yêu thương tất cả chúng sanh, họ không vì bản thân, mà quên mình vì người. Đây là Tâm Bồ Đề. Hạnh Bồ Tát là khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều vì lợi ích tất cả chúng sanh, ở trong đây nhất định không có một niệm vì bản thân, đời sống thường ngày của mình đều là lợi ích tất cả chúng sanh. Tại sao vậy? Bồ Tát sống ở thế gian không phải vì bản thân, họ là vì giúp đỡ tất cả chúng sanh mà sống ở thế gian này. Cái thân thể này là công cụ để giúp tất cả chúng sanh, cho nên ăn uống sinh hoạt, cái công cụ này phải bảo dưỡng cẩn thận. Bảo dưỡng nó để làm gì vậy? Vì tất cả chúng sanh phục vụ.

“Độ”, dùng cách nói hiện nay để nói, ý nghĩa chính là phục vụ, vì tất cả chúng sanh phục vụ. Hạng mục phục vụ là vô lượng vô biên. Ở trong vô lượng vô biên hạng mục, một hạng mục quan trọng nhất là giúp đỡ tất cả chúng sanh giác ngộ. Đây chính là Bồ Tát. Nếu như phục vụ nhiều đi nữa, mà không có ý nguyện giúp đỡ chúng sanh giác ngộ thì họ không phải là Bồ Tát. Cho nên, một điều này là quan trọng nhất. Hình tượng của Bồ Tát chúng ta phải biết, sau đó cần mẫn nỗ lực học theo Bồ Tát.

Học theo Bồ Tát chính là bạn phải học giác ngộ. Không học theo Bồ Tát, thì bạn chính là mê hoặc điên đảo, là phàm phu. Phàm phu niệm Phật có thể vãng sanh hay không? Không có chắc chắn. Nếu như là Bồ Tát niệm Phật thì vãng sanh là chắc chắn có phần. Bồ Tát Quán Hạnh Vị vãng sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư độ có phần nắm chắc. Điều này bạn phải biết.

Cho nên, chúng tôi ở trong các buổi giảng thường hay khuyến khích đồng tu nên đem tự tư tự lợi buông xả đi. Đây là chúng ta nói mấu chốt của chuyển phàm thành Thánh. Bồ Tát là Thánh. Bồ Tát Quán Hạnh Vị là Tiểu Thánh. Tương Tự Vị là Thánh bậc trung. Phần Chứng Vị là Đại Thánh. Chúng ta ở trong đời này, mặc dù không thể đến được Thánh lớn, nhưng Thánh nhỏ nhất định phải lấy cho được. Điều kiện của Thánh nhỏ chính là khởi tâm động niệm, tất cả hành động là vì xã hội, vì chúng sanh, không vì bản thân, người này chính là Thánh nhỏ. Công phu của bạn nhất định đắc lực, bạn vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc nhất định có phần nắm chắc. Lời giáo huấn của Phật, bạn thật sự được thọ dụng, cũng chính là chúng tôi thường nói, chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật từ bỏ thành kiến của mình, từ bỏ tập khí phiền não của mình, tất cả thuận theo lời chỉ dạy ở trong Kinh điển. Đây chính là được Phật lực gia trì.

Phật làm thế nào gia trì vậy? Phật là dùng Kinh giáo để gia trì chúng ta. Chúng ta y giáo phụng hành, vậy là đã được Phật lực gia trì. Đạo lý này mọi người cần hiểu rõ. Tuyệt đối không phải là mỗi ngày bạn đi cúng dường Phật, ở trước mặt Phật Bồ Tát tụng Kinh, hằng ngày cầu xin, cúng dường hương hoa trái cây thì Phật Bồ Tát phù hộ bạn, gia trì bạn. Hằng ngày cầu Phật Bồ Tát phù hộ bạn thăng quan, phù hộ bạn phát tài, phù hộ bạn được cái này, được cái nọ, hoàn toàn là tham sân si. Phật Bồ Tát thỏa mãn tham sân si của bạn, đâu có loại đạo lý này? Đây gọi là mê tín. Phật Bồ Tát phù hộ chúng ta toàn ở trong Kinh điển. Chúng ta đem Kinh điển học cho thông, học cho sáng tỏ. Khi đạo lý hiểu rõ rồi, phương pháp hiểu rõ rồi, y giáo phụng hành, đây chính là Phật Bồ Tát gia trì. Cho nên từ Danh Tự nâng lên đến Quán Hạnh, từ Quán Hạnh nâng lên đến Tương Tự, từ Tương Tự nâng tiếp lên đến Phần Chứng đều phải dựa vào chính mình, dựa vào chính mình làm thật. Phật có gia trì hay không? Có. Kinh điển là gia trì. Điều thứ ba trong Tịnh Nghiệp Tam Phước nói rất hay: “Phát tâm Bồ Đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”, đây chính là Phật lực gia trì.

Danh tự Bồ Tát này làm rõ ràng rồi, hy vọng các bạn đồng tu nên làm Bồ Tát thật, không nên làm Bồ Tát giả. Làm Bồ Tát giả có tội lỗi là giả mạo Bồ Tát. Trong xã hội, nếu như bạn giả mạo một người nào đó thì cảnh sát sẽ bắt bạn, bạn phải ngồi tù, ở Singapore còn bị đánh bằng roi. Bạn giả mạo Phật Bồ Tát thì có nguy không? Tội lỗi này rất nặng. Chúng ta nên làm Bồ Tát thật, không nên là Bồ Tát giả. Cho nên chữ “chư” ở chỗ này hay, khiến bản thân chúng ta cũng có thể chen vào được, chúng ta cũng có phần.

Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 171

Bài viết liên quan

Trì danh niệm Phật cầu sanh Tịnh độ là phương pháp bậc nhất

Thiện Quang

Tu học Phật pháp muốn thành tựu thì chỉ theo một vị thầy

Thiện Quang

Phương pháp đột phá không gian và thời gian

Thiện Quang

Thời Mạt Pháp kinh điển, pháp môn nào khế cơ nhất?

thienquang242017

Hữu cầu tất ứng, làm thế nào mới cầu được?

Thiện Quang

Tứ Đại Thiên Vương trong Phật giáo là những ai?

Thiện Quang

Bồ Tát là gì? Ý nghĩa của hai chữ Bồ Tát

Thiện Quang

Bàn chuyện thế gian đều bị Quỷ Thần khiển trách

Thiện Quang

Chúng sanh sáu cõi đều khổ, làm sao để cứu giúp?

Thiện Quang
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận