Trong Kinh Bát Nhã giảng cho chúng ta nghe, trí tuệ có Căn Bản Trí và Hậu Đắc Trí. Căn Bản Trí là trí tuệ chân thật, là thể của trí tuệ.
Ý nghĩa chân thật của Thiền Định
Trong “Kinh Bát Nhã” giảng cho chúng ta nghe, trí tuệ có Căn Bản Trí và Hậu Đắc Trí. Căn Bản Trí là trí tuệ chân thật, là thể của trí tuệ. Cái thể này trên Kinh nói rất rõ ràng là: “Bát Nhã Vô Tri”. Chỉ có vô tri khởi tác dụng mới là “vô sở bất tri”. Cho nên, các vị muốn cầu trí tuệ chân thật, trí tuệ chân thật là gì? Trí tuệ chân thật là vô tri, vĩnh viễn giữ gìn tự tánh thanh tịnh giác.
Đề Kinh này của chúng ta rất hay: “Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác”. Giác là không mê, vô tri không phải là mê, vô tri là không mê, mọi thứ đều rõ ràng, mọi thứ đều tường tận, không có khởi tâm, không có động niệm. Cảnh giới mà Phật Bồ Tát thị hiện ra chính là như vậy.
Cho nên, tất cả chúng sanh có nghi nan tạp chứng, thỉnh giáo với các Ngài, Phật từ bi khai thị, khi Ngài khai thị có phải suy nghĩ là vấn đề của anh ta phải giải đáp như thế nào không? Không hề có! Nếu như vừa rơi vào tư duy thì đó chính là ý thức, vậy thì mê rồi.
Ngài không hề thông qua tư duy, không thông qua tưởng tượng, bạn vừa hỏi thì tự nhiên có câu trả lời, trả lời không sai một chút nào. Đó là gì? Đó gọi là Hậu Đắc Trí. Hậu Đắc Trí từ đâu mà có? Từ Căn Bản Trí mà có. Cái ý này các vị tỉ mỉ mà thể hội.
Căn bản trí là vô tri. Mọi người nghe nói chữ “Vô” này, xem thấy chữ “Vô” này thì cho là không có bất cứ thứ gì. Nếu thấy như vậy thì sai rồi, hoàn toàn sai lầm. “Vô Tri” là gì? Họ không có khởi tâm, không có động niệm, không có phân biệt, không có chấp trước nên gọi là Vô. Vô là vô những thứ này. Vô vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, Vô khởi tâm động niệm phân biệt chấp trước, đó là Vô. “Tri” là họ cái gì cũng biết, không có thứ nào không biết. Cho nên, Vô Tri phải phân ra hai vế để xem, vô là một ý nghĩa, tri là một ý nghĩa. Họ vô vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vô khởi tâm động niệm, nhưng cái gì cũng đều biết, đó gọi là Căn Bản Trí.
Hậu Đắc Trí là Vô Sở Bất Tri, là bạn hỏi họ thì họ giải đáp liền cho bạn, đó chính là khởi tâm động niệm. Họ không khởi tâm động niệm thì họ làm sao nói với bạn? Tuy khởi tâm động niệm, nhưng không có phân biệt, chấp trước.
Cũng giống như câu trả lời của Đại Sư Vĩnh Gia với Lục Tổ. Vĩnh Gia kiến tánh rồi, Lục Tổ chứng minh cho Ngài. Sau khi chứng thật, Lục Tổ liền hỏi ông một câu: “Ông còn có phân biệt không?”. Vĩnh Gia trả lời: “Phân biệt cũng không phải là ý”. Lục Tổ gật đầu: “Ông như vậy, ta cũng như vậy”. Phàm phu chúng ta, phân biệt là rơi vào trong ý thức, cho nên nói không có phân biệt chấp trước, kỳ thực Ngài vẫn là phân biệt chấp trước, thế nhưng hoàn toàn khác với phân biệt chấp trước của phàm phu chúng ta.
Phàm phu chúng ta thật có phân biệt chấp trước, phân biệt chấp trước đó của các Ngài không phải là thật, mà tùy thuận phân biệt của chúng sanh mà phân biệt, tùy thuận chấp trước của chúng sanh mà chấp trước, cho nên đó không phải là cái ý của chính các Ngài. “Phân biệt cũng không phải là ý” là cách nói như vậy.
Nếu như Ngài không tùy thuận phân biệt của chúng ta, không tùy thuận chấp trước của chúng ta, thì Thích Ca Mâu Ni Phật không cách gì giảng Kinh. Ngài giảng Kinh nhất định phải thuận theo phân biệt của chúng ta, thuận theo chấp trước của chúng ta, thì Ngài giảng chúng ta mới có thể hiểu. Nếu như Ngài thật không có phân biệt, không có chấp trước, thì Thích Ca Mâu Ni Phật một câu cũng không nói ra.
Cho nên trên Kinh Đại Thừa nói với chúng ta, khi Phật cùng Phật gặp nhau thì không có lời nào. Đó là thật, một chút cũng không sai, đôi bên đều hiểu rõ thì còn có gì để nói. Phật gặp được Bồ Tát thì còn có nói, Bồ Tát vẫn còn có chỗ không rõ ràng, cho nên mới nói cho họ nghe. Phật Phật đạo đồng, trình độ đều như nhau thì còn có gì để nói. Không những không nói, mà ngay đến biểu thị cũng không cần, đó mới là khế nhập vào cảnh giới cứu cánh viên mãn.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 50