Phật dạy chúng ta, nếu chúng ta muốn cầu giác ngộ thì phải học tập từ đâu? Từ bố thí mà bắt tay vào, phải học từ bố thí. Vì sao vậy?
“Bố thí” là một đề tài tu học quan trọng nhất trong Phật pháp. Phật dạy chúng ta, nếu chúng ta muốn cầu giác ngộ thì phải học tập từ đâu? Từ bố thí mà bắt tay vào, phải học từ bố thí. Vì sao vậy?
Phật biết được tại vì sao bạn không giác ngộ, tại vì sao bạn mê hoặc điên đảo? Là bởi vì bạn có lòng tham, bạn có lòng bỏn xẻn, keo kiệt, chính mình có thì không chịu cho người khác; không có thì ưa thích, tham muốn mà không biết chán. Đó là mê, đó là không giác.
Nếu bạn chân thật muốn giác ngộ, bạn phải vứt bỏ lòng tham, vứt bỏ bỏn xẻn, với thế gian pháp và xuất thế gian pháp đều không có lòng tham, chính mình có thể cùng cộng hưởng với tất cả chúng sanh, đó là người giác ngộ. Cho nên Phật dạy cho chúng ta, việc đầu tiên là phải học bố thí.
Trong bố thí có tài bố thí, có pháp bố thí, có vô uý bố thí, phân ra ba loại lớn này. Bố thí tài thì nhất định có tiền tài, bố thí pháp thì được thông minh trí tuệ, bố thí vô uý thì được khỏe mạnh sống lâu.
Sau khi bạn nghe rồi, bạn nghĩ ta vì để muốn có tiền tài, muốn phát tài, muốn thông minh, muốn khỏe mạnh sống lâu, ta mới tu ba loại bố thí này, bạn làm ra có đúng hay không? Không đúng, bạn làm không được viên mãn. Thế nhưng cách làm của bạn như vậy, thử hỏi xem tiền tài, thông minh, khỏe mạnh sống lâu có thể có được hay không? Khẳng định bạn có thể đạt được. Có thể đạt được nhưng tại vì sao nói bạn không viên mãn?
Hiện tại thế gian này của chúng ta có rất nhiều người phát tài to, họ cũng rất thông minh, cũng khỏe mạnh, cũng sống lâu. Đó đều là nhân trong đời quá khứ đã tu, hiện tại có được quả báo. Chúng ta tỉ mỉ mà quan sát, sau đó chúng ta liền biết được tại vì sao nói không viên mãn. Họ vẫn là một phàm phu, họ vẫn là mê hoặc điên đảo, phước báo trong đời này họ hưởng hết rồi, đời sau thì phải làm sao? Vấn đề này sẽ lớn.
Cho nên, Phật dạy chúng ta phải bố thí. Bố thí nhất định được quả báo này. Được quả báo này thì phải làm sao? Sau khi được rồi vẫn phải đem nó xả hết, quyết định không thể để hưởng thụ. Khi vừa hưởng thụ thì hỏng rồi, liền mê rồi. Cho nên, nhà Phật dạy chúng ta: “Xả thì được”. Xả cái gì? Bạn có được rồi thì phải mau xả ra, vậy thì bạn thật cao minh.
Bạn xả được càng nhiều thì bạn có được càng nhiều, đạt được càng nhiều thì phải mau đem số lượng nhiều đó thảy đều xả hết, không nên lưu lại, vậy thì tài vật của bạn thọ dụng, trí tuệ thêm lớn, khỏe mạnh sống lâu là vĩnh hằng, là chân thật. Đây là Phật nói ra ý nghĩa này, chúng ta phải có thể thể hội.
Trên Kinh Phật thường hay nói, các đồng tu lớn tuổi đều hiểu, không những hiểu mà còn biết giảng, thế nhưng bạn không làm được. Tại vì sao không làm được? Tôi không dễ gì kiếm được ra tiền, bạn bảo tôi xả bỏ hết, ngày mai thì ai cho lại tôi? Hay nói cách khác, dường như trên Kinh Phật nói cũng không tệ nhưng không làm được, e rằng có vấn đề, có thể không phải là thật, nếu nhỡ tôi bố thí rồi, ngày mai không có cơm ăn thì phải làm sao? Cho nên không dám bố thí, thế là đối với tài, đối với pháp đều bỏn xẻn, không dám làm.
Cho nên ở ngay chỗ này, chúng ta đương nhiên có Kinh điển để làm căn cứ. Chúng ta có lòng tin đối với Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, kỳ thật lòng tin này là nửa tin nửa nghi, không phải thật đã tin, bạn không chịu làm.
Lão sư có quan hệ rất lớn đối với việc tu học của chúng ta. Khi tôi còn trẻ, thành thật mà nói rất là ngoan cố. Tôi đối với các tôn giáo hoàn toàn không thể tiếp nhận, nói một vị pháp sư nào đến giảng Kinh cho tôi nghe thì không có cửa để vào, ông ấy làm sao có thể khuyên tôi? Nếu khi tôi biện luận với ông ấy, chỉ cần mấy câu thì xô ngã ông ấy thì ông ấy làm sao có thể khuyên tôi? Quan hệ của lão sư rất lớn. Chúng ta ở ngay trong một đời, lão sư mà ta kính ngưỡng nhất, lão sư mà ta bội phục nhất, chúng ta thân cận ông ấy, học tập với ông ấy, lão sư giới thiệu với chúng ta thì ấn tượng sẽ hoàn toàn khác, tín tâm liền sẽ không như nhau.
Phật pháp của tôi là do tiên sinh Phương Đông Mỹ giới thiệu cho tôi, nếu như không phải thầy, bất cứ một người nào cũng không thể bảo tôi tin theo Phật, không thể nào có việc này. Khi tôi còn trẻ, phản đối nhất chính là Phật giáo. Tôi có ấn tượng rất tốt đối với Ki Tô giáo, X-Lam giáo, chỉ riêng đối với Phật giáo là có thành kiến. Vì sao vậy? Cho là mê tín, nói không ra được đạo lý.
Tôi ở Đài Loan học triết học với lão sư Phương, thầy giới thiệu cho tôi một cách rất có hệ thống, từ triết học phương tây nói đến cổ đại Trung Quốc. Triết học sớm nhất của Trung Quốc là “Kinh Dịch”, sau đó nói đến Chu Tử, nói đến Nhị Trình, triết học Dương Minh. Sau khi giảng xong khóa trình này thì giới thiệu cho tôi triết học Ấn Độ. Từ triết học Ấn Độ, sau cùng giới thiệu cho tôi đến triết học Phật Kinh.
Thầy nói với tôi, triết học Phật Kinh là đỉnh cao nhất của triết học trên toàn thế giới, đây mới là hưởng thụ cao nhất của nhân sanh. Tôi nghe lời nói của thầy nên mới đến chùa tìm Kinh Phật để xem. Tôi xem Phật Kinh nhưng không chào hỏi với người xuất gia. Tôi đem Kinh Phật xem thành triết học, không hề có liên quan gì với người tin theo nó. Đây là tâm trạng ban đầu đến học Phật. Cho nên, Phương tiên sinh đã ảnh hưởng tôi chí ít ba năm.
Về sau, sau khi học Phật rồi, thân cận với Đại Sư Chương Gia, Đại Sư Chương Gia kéo tôi trở lại, tôi mới biết được mình đem Kinh Phật xem thành triết học để xem là một bộ phận ở trong Kinh Phật thôi, không phải toàn diện, toàn diện thì còn cao minh hơn nhiều so với triết học.
Thế nhưng việc này Phương tiên sinh cuối đời cũng khế nhập được, cho nên cuối đời chúng tôi gặp nhau rất là vui vẻ, cuối đời thầy mới khế nhập được. Khi tôi học với thầy, thầy mới hơn 40 tuổi, vào lúc đó tôi 26 tuổi. Cho nên thiện tri thức là một nhân vật then chốt, nếu không phải là một lão sư mà ngay trong mắt bạn kính phục nhất thì bạn sẽ rất khó tiếp nhận giáo huấn của ông ấy.
Cả đời chúng ta có được lợi ích thù thắng, cả đời có được cái hay của Phật pháp, cảm ân đội đức. Nếu như không phải lão sư chỉ điểm, không phải lão sư nhắc nhở, chúng ta làm sao biết được thế gian này còn có thứ tốt đến như vậy?
Sau khi thân cận Đại Sư Chương Gia, Đại Sư Chương Gia liền dạy tôi bố thí. Tôi cũng thật chịu nghe lời. Thầy dạy tôi làm như thế nào thì tôi làm như thế đó. Đây là tục ngữ thường nói: “Cảm ứng không thể nghĩ bàn”, chân thật là càng thí càng nhiều, càng nhiều càng thí, quyết không giữ lại. Tôi hiện tại trong mấy năm gần đây, thu nhập của mỗi năm tôi khái lược tính sơ qua có hơn một triệu Mỹ kim, thế nhưng trên người không có bất cứ thứ gì, đến rồi liền cho đi, đến được nhanh thì đi cũng được nhanh, không lưu lại. Lưu lại thì sanh phiền não, lưu lại rồi thì bạn phải xem giá cả ngoại tệ gì đó thì thật là phiền não, đó không phải là việc phiền não hay sao? Phải giống như một dòng nước không ngừng chảy. Cho nên các vị đồng tu tỉ mỉ mà quan sát xem, các vị có thể ở ngay chỗ này có được lòng tin, chứng minh lời Phật nói không sai.
Bạn thấy gần đây suy thoái kinh tế, gần như mỗi một người đều bị ảnh hưởng, chỉ có Cư Sĩ Lâm là không bị ảnh hưởng. Cư Sĩ Lâm không những không bị ảnh hưởng, trái lại còn tăng thêm. Vì sao có thể tăng thêm? Bố thí quá nhiều. Thí càng nhiều thì được càng nhiều. Chỗ này là một chứng minh rất lớn để cho chúng ta thấy. Chúng ta thấy được hiện tượng này, chúng ta phải chân thật quan sát kỹ lưỡng thì chúng ta sẽ tin tưởng, chúng ta liền đoạn dứt lòng nghi hoặc, chúng ta liền dám làm.
Đầu năm nay, cư sĩ Lý Mộc Nguyên vẫn còn lo lắng. Ảnh hưởng suy thoái của kinh tế nên những thính chúng của Cư Sĩ Lâm thảy đều bị ảnh hưởng, theo lý thì thu nhập của Cư Sĩ Lâm cũng sẽ giảm đi phân nửa, thế nhưng khi chúng ta khai giảng “Kinh Hoa Nghiêm”, khi niệm Phật đường hoạt động, thu nhập bỗng chốc tăng cao, thu nhập còn nhiều hơn so với năm trước. Cho nên, lần này chúng ta đối với việc cứu trợ Trung Quốc đại lục, số lượng này tương đối khả quan.
Cư Sĩ Lâm chịu xả, chịu bố thí, tài – pháp – vô uý bố thí thảy đều đang làm. Bạn thấy, mỗi ngày Cư Sĩ Lâm cúng dường ba bữa cơm, bình đẳng cúng dường, phổ biến cúng dường, bất cứ người nào đến đây ăn cơm đều hoan nghênh, không hỏi bạn học Phật hay không học Phật, bạn có tin Phật hay không tin Phật. Tôi nghe nói cũng có tín đồ của Ki Tô giáo, cũng có tín đồ Hồi Giáo, thậm chí còn có người hủy báng Phật pháp cũng đến ăn cơm. Chúng ta cũng hoan nghênh, cũng hoan hỉ, chỉ cần đến ăn cơm thì chúng ta đều hoan hỉ, cung ứng không điều kiện, một phân tiền cũng không lấy.
Cư sĩ Lý nói với tôi, Cư Sĩ Lâm từ lúc khai trương cúng dường mọi người ăn cơm, một năm 360 ngày, mỗi ngày ba bữa cơm, một ngày cũng không thiếu. Năm xưa thì nghỉ ngày mùng một tết. Tôi nói với ông không nên nghỉ, ngày mùng một tết không có cơm ăn thì phải làm sao? Vậy thì ăn tết cái gì? Cho nên ngày mùng một tết cũng cúng dường theo thường lệ. Vậy thì tốt, như vậy mới là viên mãn.
Ông nói từ trước đến giờ chưa từng mua gạo, từ trước đến giờ chưa từng mua rau, chưa từng mua dầu, bởi vì mọi người đều biết, mỗi một người đều tặng gạo, tặng dầu, tặng rau, hoan hỉ vui vẻ mà đưa đến. Tặng đến nhưng ăn không hết vì quá nhiều, cho nên nơi đây không sợ người đến ăn cơm, càng nhiều càng tốt, càng nhiều càng hoan hỉ.
Ăn không hết thì chúng ta liền tặng đến viện dưỡng lão, tặng cho cô nhi viện, chăm sóc những đoàn thể này. Càng thí càng nhiều. Thậm chí cư sĩ Lý nói, chúng ta ra bên ngoài mua đồ, người ta đưa hàng đến Cư Sĩ Lâm, vừa thấy Cư Sĩ Lâm thì không lấy tiền, liền đi.
Tôi ở nơi đây rất ít ngồi xe công cộng, đi qua mấy lần, từ Nha Long đi đến nơi đây, ngồi xe công cộng cũng không lấy tiền của tôi. Cho nên bạn không sợ bố thí, chân thật là càng thí càng nhiều. Cư Sĩ Lâm in Kinh, đĩa ghi hình, đĩa CD bên đây, bạn xem mỗi năm tặng cho bao nhiêu? Tặng cho toàn thế giới, toàn bộ là miễn phí, không lấy một xu nào, thật chịu bố thí. Đó là bố thí pháp khai mở trí tuệ, cho nên hiện tại Cư Sĩ Lâm từ trên xuống dưới, người làm công quả mỗi mỗi đều thông minh, mỗi mỗi đều có trí tuệ.
Trí tuệ từ do đâu mà có? Do bố thí pháp đó mà. Càng thí càng nhiều. Nhất là khi niệm Phật đường hoạt động. Niệm Phật đường hoạt động không lâu, từ lúc bắt đầu đến nay chưa đầy ba tháng. Bạn thấy, thù thắng cỡ nào! Chứng minh lời của Phật nói cho chúng ta nghe một chút cũng không sai.
Cho nên bố thí xếp vào hàng thứ nhất, Bồ Tát hạnh, đó là hành vi đời sống của người giác ngộ, xếp vào điều thứ nhất. Chịu bố thí, chịu giúp đỡ người khác, hoan hỉ vui vẻ mà giúp người khác, chính mình không có không sợ, không nên vì chính mình mà lo lắng, không đáng để lo lắng.
Tất cả vì xã hội, tất cả vì nhân dân, tất cả vì chúng sanh, không nên vì chính mình, nghĩ đến cũng không nên nghĩ. Không luận bạn từ nơi cương vị công tác nào, ôm lấy loại tâm trạng phục vụ mọi người, phục vụ chúng sanh, bạn nói xem bạn có hoan hỉ, có an vui không? Quyết định không có một chút ý niệm tự tư tự lợi, đời sống của bạn sẽ rất an vui.
Bồ Tát điều thứ hai là trì giới. Ý nghĩa của trì giới chính là thủ pháp, tuân thủ giáo huấn của Phật đối với chúng ta, tuân thủ pháp luật của quốc gia, pháp qui của địa phương, nhân tình, phong tục, tập quán, khái niệm đạo đức thảy đều phải tuân thủ. Thủ pháp là công dân tốt của quốc gia, là học trò tốt của Phật.
Nhẫn nhục là lòng nhẫn nại. Không luận làm bất cứ việc gì, phải có lòng nhẫn nại thì bạn mới có thể thành tựu.
Tinh tấn là cầu tiến bộ, không ngừng đổi mới, không ngừng cầu tiến bộ.
Thiền định là chính mình có chủ tể, không bị cảnh giới bên ngoài mê hoặc, không bị cảnh giới bên ngoài dao động, đó gọi là Thiền định.
Trí tuệ là tất cả mọi việc, tất cả lý đều rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, đó gọi là trí tuệ Bát Nhã.
Phật nói cho chúng ta nghe, người giác ngộ ở ngay trong cuộc sống thường ngày cần phải tuân thủ sáu nguyên tắc này. Bố thí ở chỗ này đều hàm chứa hết năm điều khác, bởi vì trì giới, nhẫn nhục là thuộc về bố thí vô uý; tinh tấn, thiền định, trí tuệ là thuộc về bố thí pháp. Cho nên dùng một cái bố thí, đem tất cả hành môn của Bồ Tát thảy đều bao gồm hết.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 54