
Đoạn trừ sân hận thì được tám pháp hỷ duyệt nơi tâm
Nếu đoạn trừ sân hận thì được tám pháp hỷ duyệt nơi tâm: Tâm không tổn não, tâm không sân hận, tâm không tranh tụng, tâm nhu hòa ngay thật…
Kinh văn: Phục thứ Long vương, nhược ly sân nhuế tức đắc bát chủng hỉ duyệt tâm pháp. Hà đẳng vi bát?
Nhất: Vô tổn não tâm.
Nhị: Vô sân nhuế tâm.
Tam: Vô tranh tụng tâm.
Tứ: Nhu hòa chất trực tâm.
Ngũ: Đắc Thánh giả từ tâm.
Lục: Thường tác lợi ích an chúng sanh tâm.
Thất: Thân tướng đoan nghiêm chúng cộng tôn kính.
Bát: Dĩ hòa nhẫn cố, tốc sanh Phạm thế.
Thị vi bát. Nhược năng hồi hướng A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề giả, hậu thành Phật thời, đắc Phật vô ngại tâm, quán giả vô yểm.
Dịch: Lại nữa Long vương, nếu xa lìa sân hận thì được tám pháp hỉ duyệt nơi tâm. Những gì là tám?
1. Tâm không tổn não.
2. Tâm không sân hận.
3. Tâm không tranh tụng.
4. Tâm nhu hòa ngay thật.
5. Được lòng từ của bậc Thánh.
6. Sẵn lòng làm lợi ích an lạc cho chúng sanh.
7. Thân tướng đoan nghiêm chúng đều tôn kính.
8. Do hòa nhẫn mau sanh về cõi Phạm thiên.
Đó là tám pháp hỉ duyệt nơi tâm. Nếu ai hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sau khi thành Phật được tâm vô ngại của Phật, người xem không chán.
Tham sân si là tam độc phiền não. Nếu dùng cách nói hiện nay để nói thì mọi người sẽ dễ hiểu, chính là ba loại bệnh độc căn bản. Cơ thể chúng ta không khỏe mạnh, có rất nhiều bệnh tật là từ đây mà ra.
Người có sáu đường sanh tử luân hồi cũng từ đây mà ra. Nếu như đem tam độc phiền não trừ bỏ, không những cơ thể bạn khỏe mạnh trường thọ, vĩnh viễn không bị bệnh, mà hơn nữa lục đạo luân hồi cũng không còn.
Phật ở trong tất cả kinh luận đặc biệt nhấn mạnh thập thiện nghiệp đạo, đặc biệt ở trong bộ kinh này. Bộ kinh này là nhà Phật tu học, bất kể là Đại Thừa hay Tiểu Thừa, bất luận là thuộc tông phái nào, thuộc pháp môn nào, đây là môn học chung cho tất cả. Xa lìa thập thiện là không phải Phật pháp.
Hơn nữa Phật ở chỗ này đặc biệt dặn dò chúng ta, Bồ-tát sao có thể thành Bồ-tát vậy? Chính là ngày đêm thường niệm thập thiện, không hề gián đoạn, tư duy thập thiện, quan sát thập thiện, không cho phép mảy may bất thiện xen tạp, như vậy liền thành Bồ-tát, vậy liền thoát khỏi lục đạo, liền có thể chuyển phàm thành thánh.
Phàm phu chúng ta tu hành, tại sao lại gian nan như vậy? Vì thập thiện chưa có hoàn toàn làm được, dù cho làm được mấy phần mấy vẫn xen tạp bất thiện ở trong ấy. Bản thân chúng ta thật bình tĩnh mà soi lại thật kỹ càng, thập ác của chúng ta nhiều hơn thập thiện, người như vậy niệm Phật cũng không thể vãng sanh.
Cho nên quí vị phải nhớ kỹ, tại sao niệm Phật không thể vãng sanh vậy? Bởi vì thế giới Tây Phương Cực Lạc là “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”. Chúng ta không phải thượng thiện, cho dù A Di Đà Phật từ bi tiếp dẫn chúng ta, nhưng đại chúng ở nơi đó không thể dung nạp bạn, cho nên bạn vẫn không đi được. Từ đó cho thấy thập thiện là quan trọng như vậy.
Không chỉ có nhà Phật xem trọng, chúng ta hãy thử xem, tất cả mọi tôn giáo đều nói đến thập thiện. Qua đó ta thấy, thập thiện nghiệp đạo là pháp môn mà tất cả các tôn giáo thế gian đều cùng tu học, chúng ta sao có thể lơ là được.
Đời sau nếu được thân người, phải tích thập thiện nghiệp đạo. Đời sau nếu sanh thiên, cũng phải tu thập thiện nghiệp đạo. Nếu như không thể tu thập thiện, vẫn cứ tạo thập ác nghiệp là có phần trong tam đồ.
Tầm nhìn của chúng ta phải xa một chút, không nên sợ chết. Có người nào không chết đâu? Người người đều phải chết. Chết sớm một ngày với trễ một ngày chẳng có gì khác nhau, cho nên chúng ta đừng sợ chết. Vấn đề là sau khi chết sẽ đi về đâu? Đây là một vấn đề nghiêm trọng.
Nhà Phật thường nói: “Vạn pháp giai không nhân quả bất không”. Nhân quả tại sao bất không vậy? Nhân quả là chuyển biến bất không. Nhân sẽ biến thành quả, quả lại sẽ biến thành nhân, nhân quả vĩnh viễn đang tuần hoàn. Cho nên nó là chuyển biến bất không, tuần hoàn bất không, tương tục bất không, đây là chân lý, là định luật của pháp thế xuất thế gian.
Chúng ta thật sự hiểu rõ rồi, giác ngộ rồi, thì tuyệt đối không ham hưởng thụ mấy năm trước mắt này. Sự hưởng thụ này là nguồn gốc của đau khổ trong tương lai. Chúng ta có thể buông xả sự hưởng thụ vật chất, tinh thần của mấy năm này, bạn sẽ được an lạc vĩnh viễn đời đời kiếp kiếp về sau, phải hiểu đạo lý này….
Trích trong:
PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH Tập 33 – 34 – 35 – 36 – 37
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Người dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền