Đoạn trừ tham dục thì được thành tựu năm món tự tại
Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo

Đoạn trừ tham dục thì được thành tựu năm món tự tại

Nếu đoạn trừ tham dục thì được thành tựu năm món tự tại: Ba nghiệp tự tại, các căn đầy đủ, của cải tự tại, tất cả oán tặc không cướp đoạt được…

Kinh văn: Phục thứ Long vương, nhược ly tham dục tức đắc thành tựu ngũ chủng tự tại. Hà đẳng vi ngũ?

Nhất: Tam nghiệp tự tại, chư căn cụ túc cố.
Nhị: Tài vật tự tại, nhất thiết oán tặc bất đoạt cố.
Tam: Phước đức tự tại, tùy tâm sở dục vật giai bị cố.
Tứ: Vương vị tự tại, trân kỳ diệu vật giai phụng hiến cố.
Ngũ: Sở hoạch chi vật, quá bản sở cầu, bá bội thù thắng, do ư tích thời, bất san tật cố.

Thị vi ngũ. Nhược năng hồi hướng A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề giả, hậu thành Phật thời, tam giới đặc tôn, giai cộng kính dưỡng.

Dịch: Lại nữa Long vương, nếu xa lìa tham dục thì được thành tựu năm món tự tại. Những gì là năm?

1. Ba nghiệp tự tại, các căn đầy đủ.
2. Của cải tự tại, tất cả oán tặc không cướp đoạt được.
3. Phước đức tự tại, tùy lòng ưa muốn vật dụng có sẵn đầy đủ.
4. Vương vị tự tại, đồ vật quý lạ, đều được dâng hiến.
5. Được nhiều vật thù thắng, gấp trăm lần lòng mong cầu, vì thuở xưa không bỏn sẻn ganh ghét.

Đó là năm món tự tại. Nếu hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì sau khi thành Phật đặc biệt được ba cõi thảy đều cung kính cúng dường.

Ý của đoạn này sâu rộng vô cùng. Chư Bồ-tát tu hành tất cả ở một điều này, chúng sanh sáu cõi đọa lạc cũng ở một điều này. Từ đó cho thấy, điều này quan hệ với sự khác biệt giữa phàm và thánh thật quá lớn.

Trong tất cả kinh giáo, Thế Tôn nói cho chúng ta biết, “tham sân si” là tam độc phiền não, là căn bản của vô lượng vô biên phiền não. Tuy là nói ba thứ “tham sân si”, ba thứ này nếu quy thành một thì chính là tham.

Cho nên, Phật dạy Bồ-tát sáu điều ở trong nguyên tắc tu học, trong đó điều thứ nhất chính là bố thí, bố thí là để đối trị tham dục. Tuy là nói sáu điều ba-la-mật, nhưng sáu ba-la-mật nếu quy thành một thì chính là bố thí ba-la-mật.

Thế xuất thế gian đại thánh đại hiền, tại sao họ có thể trở thành thánh hiền vậy? Lìa được tham dục. Gốc của tham dục nhổ đi rồi thì người này liền thành Phật. Thật sự chịu nhổ bỏ, nhưng vẫn nhổ chưa được sạch sẽ thì người này được gọi là Bồ-tát.

Phàm phu không những không lìa mà mỗi ngày một tăng trưởng. Tăng trưởng tham dục chính là tăng trưởng cơ hội đọa lạc ba đường ác.

Lìa khỏi tham dục chính là xa lìa đường ác, chúng ta phải hiểu rõ chân tướng sự thật này. Hay nói cách khác, đời người khổ đau và ngắn ngủi, cho dù sống đến 100 tuổi cũng chẳng qua là việc trong một sát-na. Sau 100 năm, thời gian còn dài nữa thì làm thế nào? Sẽ đi về đâu? Người thông minh không thể không suy nghĩ.

Phước báo mà bạn mong cầu hiện nay nhất định không phải từ trong tham sân si mà có được. Tham sân si chỉ có tổn phước, không thể tăng phước. Phước báo mà đời nay có được là do trong đời quá khứ đã tu nhân thiện. Ác nghiệp tạo ra trong đời này thì quả báo ở đời sau. Nhân quả thông ba đời, đây là đạo lý nhất định….

Trích trong:
PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH Tập 29 -30
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Người dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền

Bài viết liên quan

Một Kinh thông tất cả Kinh thông

Thiện Quang

Khởi tâm động niệm của chúng ta chiêu cảm ra quả báo

Thiện Quang

Ngày đêm thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp

Thiện Quang

Trí Tuệ trang nghiêm đoạn dứt tất cả phân biệt vọng kiến

Thiện Quang

Tứ Như Ý Túc, Tứ Thần Túc

Thiện Quang

Tứ Nhiếp Pháp: Phương pháp tiếp cận tất cả chúng sanh

Thiện Quang

Phương Tiện trang nghiêm nên thành tựu viên mãn vi vô vi lạc

Thiện Quang

Tại sao thế giới ngày nay loạn động bất an, tranh chấp?

Thiện Quang

Tu thập thiện đạo, trì giới trang nghiêm

Thiện Quang