Pháp Ngữ

Dùng phương pháp gì tiêu trừ tập khí nghiệp chướng?

Tập khí nghiệp chướng của phàm phu chúng ta vô cùng sâu nặng, đã chướng ngại lời giáo huấn của Phật, Bồ-tát, Thánh hiền.

Do tu tập thiện nghiệp mà được phước đức

Mở đầu Tam Tự kinh của Trung Quốc liền nói: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. “Tánh” là tự tánh, là bản tánh. Bản tánh là thiện. Điều này chúng ta rất khó thể hội. Thiện này không phải là thiện của thiện ác. Thiện của thiện ác là thiện tương đối. Cho nên, chúng ta vừa nghe thấy “tánh bổn thiện” lập tức ý thức này liền rơi vào thiện của thiện ác tương đối, vậy là sai rồi, bạn không thể lý giải ý nghĩa của nó.

Ở trong kệ khai kinh nói: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Thiện của thiện ác tương đối là tập tánh, không phải bản tánh. Cái mà dưới đây gọi là “Tánh tương cận, tập tương viễn”. “Tánh tương cận”, “tánh” này là chân tánh, là bản tánh, mọi người đều như vậy, tất cả chúng sanh không hai không khác. Nhưng ở trong tập tánh là có thiện, có ác, thiện ác này là thiện ác tương đối, ý nghĩa so với “tánh bổn thiện” nói phía trước hoàn toàn không giống nhau. Đây là chỗ chúng ta cần phải hiểu rõ ràng, phải hiểu sáng tỏ. Trước khi chưa kiến tánh, các Ngài toàn là tu đức.

Trong kinh Phật nói, pháp giới tứ thánh gồm có Thanh Văn (A La Hán), Bích chi Phật, Bồ-tát, Phật (pháp giới Phật ở trong mười pháp giới). Tướng Phật này chính là trong kinh nói 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp là tu đức, không phải thuộc về tánh đức. Tại sao vậy? Họ chưa kiến tánh, cần phải phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân thì tánh đức mới hiện tiền. Vào lúc này là giống như phần trước đã nói: “Thiên vạn ức phước đức sở sanh”. “Thiên vạn ức phước đức” này không phải do tu mà có, mà là tự tánh vốn đầy đủ, đã hoàn toàn hồi phục tự tánh. Phần trước đoạn này dạy chúng ta quán thân Phật là thể hội tánh đức, còn chỗ này dạy chúng ta quán chư đại Bồ-tát tức là dạy chúng ta quán tu đức.

Chúng ta ngày nay là phàm phu, tự mình nhất định phải thừa nhận, nhất định phải tự biết rõ chính mình. Bậc thánh hiền thường hay dạy chúng ta “nhân quí tự tri”. Một người quan trọng nhất là phải biết chính mình mới có thể nói là tu hành. Nếu như tự mình không nhận thức được chính mình, không hiểu rõ chính mình, không biết chính mình thì việc tu hành này là không thể bàn đến. Mấu chốt trong việc tu hành là đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ. Cái gì là thiện, là ác? Họ không hiểu. Sao gọi là mê, ngộ? Họ cũng không hiểu. Vậy thì họ khởi tu từ đâu? Không những là tu không làm được, mà học cũng không làm được.

Chúng ta mỗi ngày đọc tụng, mỗi ngày nghe kinh, nhưng có thật sự nghe hiểu, thật sự lý giải hay không? Không có! Tại sao nói bạn chưa nghe hiểu, chưa lý giải vậy? Vì nếu bạn thật sự nghe hiểu, thật sự lý giải thì ý nghĩ của bạn đã xoay chuyển rồi. Cho nên, nhà Phật không nói “giáo học” mà nói “giáo hóa”. Phật dạy bạn, nếu bạn thật sự hiểu được, thật sự sáng tỏ rồi thì lập tức liền phát sinh thay đổi, chuyển mê thành ngộ, chuyển ác thành thiện, chuyển phàm thành thánh, bạn liền bắt đầu thay đổi, cổ nhân gọi là “đọc sách biến hóa khí chất”. Chữ “hóa” này, cách nói hiện nay là quan sát trên thành tích. “Giáo” là nói từ trên sự tướng còn “hóa” là nói từ trên thành tích. Rốt cuộc là có hiệu quả hay không và hiệu quả ra sao? Điều này thì phải xem bạn thay đổi được bao nhiêu, thay đổi ít là bạn hiểu rõ được ít phần, thay đổi nhiều là bạn hiểu rõ được nhiều phần, thay đổi lớn thì là bạn chân thật tường tận rồi.

Tập khí nghiệp chướng của phàm phu chúng ta vô cùng sâu nặng, đã chướng ngại lời giáo huấn của Phật, Bồ-tát, thánh hiền. Tuy hằng ngày chúng ta học tập, hằng ngày nghe giảng, đã học mười mấy năm, hai mươi mấy năm, ba mươi năm nhưng vẫn không hề mảy may thay đổi, vậy mới biết nghiệp chướng của mình là nặng cỡ nào.

Tuy nghiệp chướng nặng nhưng chúng ta không nên sợ! Dùng phương pháp gì để tiêu trừ nghiệp chướng đây? Không ngừng huân tu! Phương pháp này rất kỳ diệu. Phật tổ truyền xuống phải “huân tu lâu dài”, bởi vì tập khí phiền não của chúng ta quá nặng như vậy cũng là do huân tập trong thời gian dài mà ra, đạo lý là như vậy. Thời gian huân tu của chúng ta đối với lời giáo huấn của thánh hiền quá ít, không đủ! Vì vậy, nếu như có thể có sự huân tu thời gian dài, thì cuối cùng sẽ có ngày giác ngộ được.

Chúng ta thử xem các đại đức tông môn giáo hạ xưa và nay của Trung Quốc, họ cũng không phải nghe kinh, nghe giáo trong thời gian ngắn là giác ngộ, mà cũng phải mất nhiều năm, ít thì ba năm đến năm năm, đây là chúng ta nói người căn tánh lanh lợi, người căn tánh chậm thì cũng phải mất ba mươi, bốn mươi năm mới khai ngộ, trong Cao tăng truyện, trong Cao sĩ truyện chúng ta đều nhìn thấy. Từ chỗ này, chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ ràng, căn tánh chúng sanh không giống nhau, nên mỗi người nỗ lực cũng khác nhau.

Nếu chúng ta chăm chỉ nỗ lực học tập, thì có thể giúp chúng ta rút ngắn bớt thời gian mà sớm giác ngộ. Nhất định phải chăm chỉ nỗ lực! Không những chúng ta phải nỗ lực học tập ở trong kinh luận, mà điều quan trọng nhất là chúng ta phải đem nền giáo học trong kinh điển áp dụng vào đời sống thường ngày, nếu xa rời đời sống thực tế thì cửa ngộ liền bị bế tắc ngay, điểm này chúng ta phải hiểu rõ.

Tại sao cổ nhân chỉ có ba đến năm năm hoặc năm đến mười năm thì khai ngộ rồi? Là vì họ có thể đem những điều đã học áp dụng, họ có tín, giải, hành, chứng. Việc học tập trên kinh sách ở trong phòng học là tín, giải. Sau khi hiểu rồi, bạn phải áp dụng vào trong đời sống là hành. Hành là thực nghiệm. Thông qua thực nghiệm chứng thực điều bạn hiểu là không hề sai. Chỗ chứng này chính là chuyển phàm thành thánh. Hành là chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ. Cho nên, nếu bạn không thể áp dụng vào trong đời sống (đời sống bao gồm công việc, bao gồm xử sự đối người tiếp vật), thì bạn không thể khế nhập, không thể vào cảnh giới Phật Bồ-tát được.

Khế nhập chính là chứng! Vì vậy bạn chưa có hành chứng, tuy là học nhưng không thể hóa. Từ những chỗ này, chúng ta thể hội sâu sắc tâm đại từ đại bi của Phật Bồ-tát, các Ngài mãi mãi không rời bỏ chúng sanh, các Ngài có tâm nhẫn nại, không ngại phiền phức, dần dần đến dạy, lần lượt nối tiếp nhau đến chỉ dạy, khuyên nhủ. Cuối cùng có một ngày bạn sẽ giác ngộ, bạn sẽ quay đầu. Nhưng “cuối cùng có một ngày” đó, thời gian dài ngắn thì mỗi người không giống nhau, nhà Phật gọi là thượng, trung, hạ, ba căn. Thượng căn thì thời gian ngắn, trung căn thì có thể ở trong đời này mất khoảng 20 năm, 30 năm, hạ căn thì đời này không thể khai ngộ, đợi đến đời sau.

Phật Bồ-tát có tâm nhẫn nại đợi bạn đến đời sau, kiếp sau. Kiếp sau, có thể là bao nhiêu kiếp về sau, khi duyên của bạn chín mùi rồi thì bạn mới hiểu rõ ràng, mới khai ngộ. Phật không bỏ rơi, “ở trong cửa Phật, không bỏ một ai”. Sự dìu dắt của thiện hữu chính là điều mà Thiện Đạo đại sư gọi là “rốt cuộc do duyên ngộ bất đồng”.

Duyên ngộ quan trọng nhất là thiện hữu, nhà Phật gọi là thiện tri thức. Sự dìu dắt của thiện tri thức là một loại tăng thượng duyên rất quan trọng. Chúng ta có thể gặp được, có cơ duyên thường hay nghe được, hằng ngày đang nghe.

Hiện nay bản kinh có được dễ dàng, Đại Tạng Kinh làm dễ dàng, chúng ta có thể có được, hằng ngày đọc tụng. Thiện tri thức của chúng ta ngày nay là gì vậy? Kinh sách là thiện tri thức. Hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển, băng ghi âm, đĩa VCD là thiện tri thức. Nhưng bạn phải biết được phương pháp tu học.

Bí quyết của phương pháp này là: “Thâm nhập một môn, huân tu trường kỳ”. Tại sao vậy? Một môn dễ dàng được định, định liền có thể khai tuệ. Nếu bạn cùng lúc học rất nhiều môn thì sẽ khó khăn, hay nói cách khác, sẽ khiến thời gian được định, khai tuệ của bạn bị chậm lại. Nếu như bạn thâm nhập một môn, sẽ khiến cho thời gian được định, khai tuệ của bạn sớm hơn. Vì vậy, bạn phải biết phương pháp.

“Tu tập thiện nghiệp phước đức”, câu nói này đặc biệt nghiêng nặng về thập thiện nghiệp đạo. Chúng ta thật sự muốn giác ngộ thì thật sự phải có tín tâm kiên định, vĩnh viễn lìa sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, nói hai lời, nói ác khẩu, nói thêu dệt, tham, sân, si. Từ trong nội tâm đem thập ác này nhổ sạch, đây là nói từ trên tu đức.

Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không!
Trích trong: Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh tập 10

Bài viết liên quan

Sự nghiệp của Bồ Tát là gì?

Thiện Quang

Xây đạo tràng là sự nghiệp của Bồ Tát nào vậy?

Thiện Quang

Dùng phương cách gì để giúp chúng sanh thành Phật?

Thiện Quang

Vì sao phải đi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc?

thienquang242017

8 tướng thành đạo của Phật (6 tướng đầu)

Thiện Quang

Nhiếp thọ chúng sanh cúng dường

Thiện Quang

Khoa học có thể tìm ra nguồn gốc của vũ trụ không?

Thiện Quang

Một câu A Di Đà Phật đối trị hết thảy phiền não

Thiện Quang

Người niệm Phật vãng sanh 3 bậc 9 phẩm do gặp duyên không đồng

Thiện Quang

Leave a Comment