Kinh Địa Tạng

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần Thông trên cung trời Đao Lợi tập 3

Bấy giờ, đức Như Lai mỉm cười phóng ra trăm nghìn vừng mây sáng rỡ lớn. Như là: Vừng mây sáng rỡ đầy đủ, vừng mây sáng rỡ đại từ bi…

Kinh văn:

Thị thời Như Lai hàm tiếu, phóng bách thiên vạn ức đại quang minh vân. Sở vị Đại Viên Mãn Quang Minh Vân. Đại Từ Bi Quang Minh Vân. Đại Trí huệ Quang Minh Vân. Đại Bát Nhã Quang Minh Vân. Đại Tam Muội Quang Minh Vân. Đại Cát Tường Quang Minh Vân. Đại Phước Đức Quang Minh Vân. Đại Công Đức Quang Minh Vân. Đại Quy Y Quang Minh Vân, Đại Tán Thán Quang Minh Vân. Phóng như thị đẳng bất khả thuyết quang minh vân dĩ. Hựu xuất chủng chủng vi diệu chi âm.

Sở vị Đàn Ba La Mật âm, Thi Ba La Mật âm, Sằn Đề Ba La Mật âm, Tỳ Ly Da Ba La Mật âm, Thiền Ba La Mật âm, Bát Nhã Ba La Mật âm, Từ Bi âm, Hỷ Xả âm, Giải Thoát âm, Vô Lậu âm, Trí huệ âm, Đại Trí huệ âm, Sư Tử Hống âm, Đại Sư Tử Hống âm, Vân Lôi âm, Đại Vân Lôi âm….

Xuất như thị đẳng bất khả thuyết bất khả thuyết âm dĩ. Sa Bà thế giới cập tha phương quốc độ, hữu vô lượng ức thiên long quỷ thần, diệc tập đáo Đao Lợi thiên cung.

Dịch:

Bấy giờ, đức Như Lai mỉm cười phóng ra trăm nghìn vừng mây sáng rỡ lớn. Như là: Vừng mây sáng rỡ đầy đủ, vừng mây sáng rỡ đại từ bi, vừng mây sáng rỡ đại trí huệ, vừng mây sáng rỡ đại Bát Nhã, vừng mây sáng rỡ đại Tam muội, vừng mây sáng rỡ đại kiết tường, vừng mây sáng rỡ đại phước đức, vừng mây sáng rỡ đại công đức, vừng mây sáng rỡ đại quy y, vừng mây sáng rỡ đại tán thán… Đức Phật phóng ra bất khả thuyết vừng mây sáng rỡ như thế rồi lại phát ra các thứ tiếng vi diệu.

Như là: Tiếng Bố thí độ, tiếng Trì giới độ, tiếng Nhẫn nhục độ, tiếng Tinh tấn độ, tiếng Thiền định độ, tiếng Bát Nhã độ, tiếng Từ bi, tiếng Hỷ xả, tiếng Giải thoát, tiếng Vô lậu, tiếng Trí huệ, tiếng Sư tử hống, tiếng Đại Sư tử hống, tiếng Mây sấm, tiếng Mây sấm lớn…

Khi đức Phật phát ra bất khả thuyết bất khả thuyết tiếng vi diệu như thế xong, thời có vô lượng ức hàng Trời, Rồng, Quỷ, Thần ở trong cõi Ta Bà và cõi nước phương khác cũng đến hội họp nơi cung Trời Đao Lợi.

Thị thời Như Lai hàm tiếu, phóng bách thiên vạn ức đại quang minh vân.
是時如來含笑。放百千萬億大光明雲。
Bấy giờ, Như Lai mỉm cười, phóng ra trăm ngàn muôn ức vầng mây sáng rỡ lớn.

Chỗ này nói về Phật hiện tướng lành. Trong quang minh vân (vầng mây sáng) hiển lý, phóng quang. Chúng sanh lợi căn nhìn thấy hào quang đều hiểu hết những lời dạy của Phật, chẳng cần phải dùng lời nói, ‘quang minh’ tiêu biểu cho trí huệ, ‘trăm ngàn muôn ức vầng mây sáng rỡ lớn’ chính là vô lượng vô biên trí huệ, trong vòng sát-na-tế toàn bộ đều hiện ra, chẳng cần thời gian dài, trong vòng sát-na liền phơi bày vô lượng vô biên trí huệ trước mặt hết thảy đại chúng. ‘Thị thời’ tức là lúc chư Phật Như Lai tán thán, phái thị giả đến vấn an đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Thế Tôn mỉm cười. Phóng quang là tiêu biểu pháp, hào quang này từ đâu ra? Trong Chân Như bản tánh vốn có đầy đủ Bát Nhã quang minh, Phật vì chúng sanh thuyết pháp căn cứ vào chỗ này. Phật thuyết hết thảy pháp bắt đầu từ đâu? Từ trong tự tánh vốn sẵn đủ Bát Nhã thể hiện ra, hôm nay nói chỗ y cứ của hết thảy pháp, biểu hiện ra một lượt cho mọi người coi.

‘Bách thiên vạn ức’ nói chẳng hết, cho nên sau đó lược nêu ra vài điều, nếu nói kỹ thì nói không hết, giản lược nêu ra mười điều. Tuy là giản lược nêu ra, chư vị phải biết cũng giống như cách tiêu biểu pháp trong kinh Hoa Nghiêm, bất cứ câu nào cũng đầy đủ trăm ngàn muôn ức quang minh vân, một tức là hết thảy, hết thảy tức là một. Thế nên khi chúng ta nghe kinh, nghe pháp, nếu người giảng dùng tâm chân thành, tâm cung kính, thì liền cùng quang minh của Phật khởi tác dụng cảm ứng, Phật quang sẽ soi rọi đạo tràng đó cũng giống như đại quang minh vân chiếu soi trên không trung của đạo tràng tại cung trời Ðao Lợi này. Phía dưới người nói, người nghe sanh vô lượng hoan hỷ, chẳng phải do người ấy giảng hay, nói khéo, chẳng phải vậy, người hiện nay gọi đó là ‘từ trường’ chẳng giống nhau, đây là sự gia trì của Phật, từ bi gia trì, quang minh nhiếp thọ.

Nói về câu đầu tiên:

Sở vị Ðại Viên Mãn Quang Minh Vân.
所謂大圓滿光明雲。
Ðó là vầng mây sáng Ðại Viên Mãn.

‘Ðại Viên Mãn’, đây là điểm giống nhau trong những vầng mây khác nhau. Viên mãn tức là một chút khiếm khuyết đều chẳng có, chính là toàn thể tánh đức tỏ lộ. Tại sao hết thảy chúng sanh có thể khởi cảm ứng đạo giao? Tâm chúng sanh và tâm Phật không hai không khác. Sai khác ở đâu? Chúng sanh còn mê, Phật đã giác. Khi giác là tâm tánh, khi mê cũng là tâm tánh, tâm tánh chẳng có giác, mê. Trong hết thảy chúng sanh, thường nói đến hữu tình chúng sanh, chúng ta ngày nay gọi là động vật, chúng sanh hữu tình trong chín pháp giới; ngoài hữu tình chúng sanh còn có vô tình chúng sanh, ngày nay chúng ta gọi là thực vật, khoáng vật, đều từ trong tự tánh biến hiện ra. Kinh Hoa Nghiêm nói: ‘Hữu Tình và Vô Tình cùng viên mãn chủng trí’. Viên là viên mãn, đồng viên chủng trí tức là đồng thời thành Phật, là ý như vậy. Tại sao? Cùng một pháp thân, cùng một thể tánh. Đối với người giác ngộ, núi sông đại địa đều là tự thân, cùng mình là một thể, thế nên sẽ quan hoài vô điều kiện, yêu thương, bảo vệ vô điều kiện, đó gọi là ‘đại từ đại bi’, thế nên câu tiếp sẽ là ‘Ðại Từ Bi Quang Minh Vân’. Phải biết Phật như vậy, chúng ta cũng như vậy. Hôm nay Phật hiển hiện chẳng thể nghĩ bàn, vô lượng vô biên tự tánh quang minh; hôm nay chúng ta hiện ra vô lượng vô biên phiền não vô minh, chúng ta biến thành nông nỗi này, hoàn toàn phản nghịch với tánh đức, biến thành một chúng sanh đáng thương xót. Thế nên tự mình phải giác ngộ, phải quay về, phải thọ trì đọc tụng, y giáo phụng hành, người như vậy mới thật sự quay về. Vừa quay về thì cùng đại quang minh vân của Phật khởi tác dụng cảm ứng đạo giao.

Ðại Từ Bi Quang Minh Vân.
大慈悲光明雲。
Vầng mây sáng Ðại Từ Bi.

‘Từ Bi’ là chỗ nương dựa cho sự phát tâm của chúng ta. Tứ Hoằng thệ nguyện ‘Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ’ nương dựa vào cái gì mà phát tâm? Nương dựa vào tâm từ bi. Quang Minh Vân ở đây tiêu biểu cho đức năng viên mãn của chân tâm tự tánh, Bát Nhã trí huệ vốn có. Chư Phật, Bồ Tát, Bồ Tát ở đây là chỉ cho Pháp Thân đại sĩ; khi chưa chứng Pháp thân thì tánh đức chưa hiển lộ, chẳng có quang minh vân; các Ngài có đại từ bi, chẳng thể thêm quang minh vân. Thêm quang minh vân thì tối thiểu phải là Pháp Thân đại sĩ, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, thật sự cùng tâm cùng nguyện, cùng đức cùng hạnh với Phật, thì trong đoạn này hiển lộ chẳng sót, đây là sự tướng. Tứ hoằng thệ nguyện phát khởi từ chỗ này. Ðịa Tạng Bồ Tát phát nguyện này viên mãn, rốt ráo, ‘địa ngục chẳng không, thề chẳng thành Phật’, từ bi đến cùng cực! Chúng sanh khổ nạn trong địa ngục Ngài đều độ, huống chi là những chúng sanh khác, đây gọi là phổ độ chín giới chúng sanh.

Khoảng thời gian sau khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ và trước khi Di Lặc Bồ Tát giáng sanh quá dài. Trong thời gian dài như vậy chẳng có Phật ra đời, cái khổ của chúng sanh chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi. Phật, Bồ Tát chẳng có tâm từ bi sao? Có chứ, phải làm sao? Trong thời gian này Phật giao phó sự nghiệp giáo hóa chúng sanh cho Ðịa Tạng Bồ Tát. Lúc Phật chẳng ở thế gian thì Ðịa Tạng Bồ Tát đại diện cho Phật Thích Ca, Thế Tôn chẳng nhờ Bồ Tát khác, mà nhờ Ðịa Tạng Bồ Tát. Do đó có thể biết sau khi đức Phật diệt độ, khi Bồ Tát Di Lặc chưa xuất thế, dùng phương pháp gì để giáo hóa hết thảy chúng sanh? Dùng Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, đây là lời phó chúc của Thế Tôn. Ðịa Tạng Bồ Tát nhận sự ủy thác của Thế Tôn, chẳng cô phụ đức Phật Thích Ca, Ngài đích thật đảm đương trách nhiệm này, từ bi đến cùng cực! Chúng ta phải dùng ‘Ðại Từ Bi Quang Minh Vân’ phát tâm Bồ Ðề, thượng cầu hạ hóa, độ mình, độ chúng sanh. Câu thứ ba:

Ðại Trí huệ Quang Minh Vân.
大智慧光明雲。
Vầng mây sáng Ðại Trí huệ.

Ðây là chỗ y cứ cho sự tu hành của chúng ta. Bất luận tu học pháp môn nào, không có trí huệ thì không thể thành tựu, nhất định phải nương vào trí huệ, trí huệ từ đâu có? Nói cho chư vị biết, trí huệ nhất định chẳng do sự học hỏi, ghi nhớ mà có. Tôi nghe rất nhiều, đọc nhiều, nhớ nhiều, đó là thông minh của thế gian, trong kinh Phật gọi là ‘thế trí biện thông’. Trong Phật đạo, ‘thế trí biện thông’ là một trong tám nạn, nếu bạn gặp phải thì rất khó, tại sao? Kẹt vào ‘Sở tri chướng’, những gì bạn biết trở thành chướng ngại, chướng ngại bạn minh tâm kiến tánh, chướng ngại bạn đạt được định, chướng ngại bạn khai trí huệ. Trí huệ từ đâu đến? Trí huệ nhất định phải được từ thiền định, thiền định từ đâu đến? Thiền định nhất định được từ Trì giới. Ðây gọi là ‘Tam Vô Lậu Học’. Tuy Ðại thừa pháp môn chẳng coi trọng giới luật trên hình thức, Ðại thừa nói đến Tâm Ðịa Giới pháp, còn thù thắng hơn hình thức, phải làm thật sự! Thiền định là tâm thanh tịnh, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài, ‘ngoài không trước tướng, trong không động tâm’, đó gọi là thiền định, đó là chân chánh tu thiền định. Nếu lục căn chúng ta tiếp xúc với cảnh giới lục trần, vẫn còn bị cảnh giới bên ngoài thu hút, vẫn còn khởi tâm động niệm, vậy là hỏng bét rồi!

Công phu chân chánh, tu hành chân chánh ở đâu? Chính là dụng công ở chỗ sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, chúng ta dùng công phu niệm Phật, phương pháp này rất tốt. ‘Niệm đầu’ vừa động, thì dùng ‘A Di Ðà Phật’ chuyển liền, chuyển thành A Di Ðà Phật, trong đó Tam học: Giới, Ðịnh, Huệ đầy đủ cùng lúc. Nếu bạn có thể chuyển thì bạn tuân thủ pháp, đây là Trì giới. Nhìn thấy cảnh giới bên ngoài thuận tâm thì khởi tham ái, tâm tham vừa động thì ‘A Di Ðà Phật’ chuyển trở lại, đó là Trì giới. Thấy hoàn cảnh không vừa ý, trong tâm không ưa thích thì liền ‘A Di Ðà Phật’ chuyển lại. Nếu bạn có thể chuyển trở lại, tiếp nhận sự giáo huấn của Phật, Phật dạy chúng ta làm như vậy, chúng ta làm như vậy, đó là ‘Trì giới’. Sau khi chuyển trở lại, đối với hết thảy cảnh giới đều không để ý nữa, quay về niệm Phật, đó là tu ‘Ðịnh’. Nhất tâm xưng niệm A Di Ðà Phật, ‘Huệ’ ở trong đó. Thế nên nhiều người chẳng biết sự tu học của Tịnh Tông thù thắng, hoàn thành Giới – Ðịnh – Huệ tam học ngay trong một niệm, viên mãn đầy đủ. Sau đó xử sự, đãi người, tiếp vật, thiện ý tự nhiên sẽ sanh ra, thế nên công phu tu hành của bạn sâu cạn chẳng có tơ hào ẩn dấu được, đều bộc lộ trên gương mặt, âm thanh, từng cử chỉ, từng động tác của bạn, công phu tu hành của bạn làm sao ẩn dấu được? Trong ngoài như nhau. Ẩn dấu là đối với người ngu mà nói, người ngu chẳng nhìn thấy nên mới bị bạn gạt, người chân chánh có trí huệ thì không dấu nổi, vừa tiếp xúc liền hiểu rõ. Thế nên ‘đại trí huệ’ là chỗ nương dựa của sự tu hành của chúng ta. Câu thứ tư:

Ðại Bát Nhã Quang Minh Vân.
大般若光明雲。
Vầng mây sáng Ðại Bát Nhã.

Ý nghĩa của Bát Nhã và trí huệ có khi giống nhau, nhưng hai chữ này gộp chung một chỗ thì ý nghĩa đương nhiên có sai khác. Bát Nhã như trong kinh Bát Nhã nói: ‘Thật Tướng Bát Nhã, Quán Chiếu Bát Nhã, Văn Tự Bát Nhã’. Ðại trí huệ ở phía trước chúng ta giải nghĩa là Huệ trong Giới – Ðịnh – Huệ; nhưng Ðịnh nhất định phải có Giới, ‘Ðịnh cộng Giới’, người có Ðịnh sẽ chẳng phạm lỗi. Người có Huệ gọi là ‘Ðạo cộng Giới’, Trì Giới ở trong đó còn cao minh hơn nữa. Do đó ‘Huệ’ giống như ba tầng lầu, tầng thứ ba nhất định bao gồm hai tầng dưới, tầng dưới chẳng bao gồm tầng trên, Giới chẳng bao gồm Ðịnh, Ðịnh chẳng bao gồm Huệ; Ðịnh nhất định sẽ bao gồm Giới; Huệ nhất định sẽ bao gồm Giới và Ðịnh. Bát Nhã, ở đây chúng ta y theo cách nói của kinh Bát Nhã, Thật tướng Bát Nhã là Thể. Thật tướng vô tướng, cũng tức là chẳng có Phân biệt trí, Thật trí, đối với hết thảy pháp rõ ràng, minh bạch nhưng trong đó chẳng có phân biệt. Phân biệt còn không có, thì đâu có chấp trước! Thế nên được gọi là Thật Tướng Bát Nhã. Thật tướng tức là chân tướng, người đó hiểu rõ chân tướng, chúng ta thường gọi là hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh rốt ráo triệt để, trí huệ này được gọi là ‘Thật Tướng Bát Nhã’.

Thật Tướng Bát Nhã khởi tác dụng gồm có hai loại: Một là ‘Tự thọ dụng’, hai là ‘Tha thọ dụng’. Tự thọ dụng là ‘Quán Chiếu Bát Nhã’, dùng cách nói hiện nay tức là sống một đời sống có trí huệ cao tột, hoặc giống như những Pháp Thân đại sĩ đã chứng quả, các Ngài sống đời sống viên mãn trí huệ, tương ứng với quang minh vân. Phàm phu chúng ta có thể sống đời sống cao đẳng trí huệ, đó là rất hiếm có, như vậy bạn mới hiểu được Quán Chiếu. Tổng cương lĩnh của Quán Chiếu, trong kinh Kim Cang, Phật dạy: ‘Phàm những gì có tướng đều là hư vọng’. Thế nên đối với hết thảy pháp tướng, họ có thể không phân biệt, không chấp trước, có thể tùy duyên mà không phan duyên, cái gì cũng được, cái gì cũng tự tại, mỗi ngày sinh hoạt thanh tịnh, khoái lạc vô cùng! Tùy cảnh ngộ đều an lạc, phú quý có sự khoái lạc của phú quý, nghèo hèn có sự khoái lạc của nghèo hèn; phú quý, nghèo hèn là sự tướng, khoái lạc đều bằng nhau, đều bình đẳng, đều sinh hoạt rất viên mãn, đều được khoái lạc. Ðây là Quán Chiếu Bát Nhã, sự thọ dụng của chính mình. ‘Văn Tự Bát Nhã’ tức là lợi tha, Tha thọ dụng, giúp đỡ người khác. Trong Văn Tự bao gồm diễn nói, nói cách khác Quán Chiếu bao gồm sự tướng, tức là làm ra hình dáng cho người ta coi, ngày nay chúng ta gọi là ‘thân giáo’, Văn Tự Bát Nhã là ‘ngôn giáo’. Do đó có thể biết Thật Tướng Bát Nhã là ‘ý giáo’. Thân, ngữ, ý đều giáo hóa hết thảy chúng sanh, đều giúp đỡ hết thảy chúng sanh. Trong Thật Tướng tuy nói là ý giáo, nhưng chẳng có niệm đầu của ‘ý’; nếu có niệm đầu của ‘Ý’ thì không phải là Thật Tướng Bát Nhã trí huệ. Bát Nhã là ‘tức tướng ly tướng, ly tức đồng thời’ (chính ngay nơi tướng mà lìa tướng, cùng một lúc vừa là ‘lìa’, vừa là ‘chính là’), như vậy mới có thể phá trừ hết thảy mê hoặc. Câu thứ năm:

Ðại Tam Muội Quang Minh Vân.
大三昧光明雲。
Vầng mây sáng Ðại Tam Muội.

‘Tam Muội’ là Phạn ngữ, là dịch âm từ tiếng Ấn Ðộ, nghĩa là ‘Chánh thọ’, hưởng thọ chánh thường (hưởng thọ một cách chánh đáng, đúng mực, hợp lý). Phật nói sự hưởng thọ của lục đạo chúng sanh chẳng chánh thường. Các thứ hưởng thọ được quy nạp thành năm loại lớn, thân có hai loại: ‘Khổ thọ’ và ‘Lạc thọ’. Khổ thì vô lượng vô biên, Lạc cũng vô lượng vô biên, dùng hai loại này bao gồm hết cả. Tâm lý, chúng ta gọi là Tinh thần. Thân thể bằng xương thịt có hai loại ‘khổ’ và ‘lạc’ này. Tâm lý có hai loại: ‘Buồn’ và ‘Vui’. Ðó là bốn loại: Khổ và Lạc là tương đối, Buồn và Vui cũng tương đối. Sau cùng còn một loại lớn, thân chẳng có khổ và lạc, tâm lý chẳng có buồn và vui, như vậy rất tốt, trạng thái này gọi là ‘Xả thọ’, tổng cộng là năm loại này. Xả thọ rất tốt, nhưng thời gian rất ngắn, không kéo dài được, tạm thời thân xả bỏ khổ, lạc, tâm xả bỏ buồn, vui, chỉ là tạm thời. Nếu Xả Thọ này có thể duy trì mãi thì gọi là Tam Muội, tức là Chánh Thọ , thế nên Tam Muội cũng được dịch là Thiền định, chư Phật Như Lai vĩnh viễn trong Xả Thọ . Tây Phương gọi là Cực Lạc thế giới, chúng ta cứ dùng cách suy nghĩ sai lầm của chúng ta để hạn cuộc cái ‘lạc’ của Tây Phương, cứ tưởng cái ‘lạc’ này là lạc trong khổ – lạc, như vậy là sai rồi! Chẳng phải ‘lạc’ trong khổ – lạc; khổ, lạc hai bên đều xả bỏ hết, đó là ‘chân lạc’! Thế nên tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, năm thứ Thọ : Khổ, lạc, buồn, vui, xả này đều chẳng có, đó mới gọi là Cực Lạc thế giới. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa này.

Ðại Tam Muội có thể phá hết thảy chướng ngại. Khoa học gia hiện đại biết thế gian này có rất nhiều chướng ngại, thí dụ họ phát hiện không gian ba chiều, chúng ta hiện nay đang sống trong không gian ba chiều này, họ biết có không gian bốn chiều, năm chiều. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói ông đã coi báo cáo khoa học, ông nói khoa học gia đã khẳng định tối thiểu có mười một chiều không gian tồn tại. Nếu y theo cách nói của Phật pháp thì không hẳn như vậy thôi đâu, chúng ta làm sao biết được? Chúng ta biết những không gian nhiều chiều khác nhau này hình thành như thế nào, chúng ta hiểu được đạo lý này. Phật nói những không gian này là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến hiện ra, chúng ta biết hết thảy chúng sanh có vô lượng vô biên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, cho nên thời gian, không gian sẽ có vô lượng vô biên chiều, đâu thể chỉ có mười một chiều, hai chục chiều thôi đâu! Ðây là thật, chẳng phải giả. Cho dù trong không gian ba chiều, hoàn cảnh sinh sống hiện nay của chúng ta, trong đó vẫn còn rất nhiều chướng ngại. Nói ba chiều, bốn chiều là nói theo cách phân chia đại khái, cũng giống như cách nói mười pháp giới trong nhà Phật. Chúng ta gọi mỗi pháp giới là một chiều thì đó là mười chiều không gian, cộng thêm Nhất chân pháp giới thì là mười một chiều. Nhưng mỗi pháp giới lại có rất nhiều pháp giới nhỏ ở trong ấy, đếm chẳng hết. Nếu bạn thật sự đạt được Tam Muội, an trú trong Tam Muội, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều dứt hết thì sẽ phá được tất cả giới hạn này. Công phu Thiền Định cạn sâu chẳng đồng, Ðịnh cạn thì đột phá một tầng, hai tầng, Ðịnh sâu hơn thì có thể đột phá nhiều tầng hơn, chúng ta biết những tình hình này rất rõ ràng.

Trong thế gian có một số người tu Ðịnh, có một cụ kể cho tôi nghe vào thời thế chiến thứ nhì vừa qua, trong thời gian chiến tranh ấy cụ ở Giang Tây, ở đó có một vị đạo sĩ, đạo sĩ này có thần thông, nói thật ra là có công phu định lực. Nhà cụ ở hơi thấp, đạo sĩ này kêu cụ dọn nhà và nói chỗ đó vài ngày nữa sẽ bị ngập nước. Ðạo sĩ cũng ở vùng gần đó, cụ bèn sai người dò xem đạo sĩ này có dọn hay không? Cụ thấy đạo sĩ dọn nhà nên cụ cũng dọn theo. Quả đúng như vậy, hoàn toàn phù hợp với thời gian đạo sĩ này đã nói. Một dấu hiệu báo trước gì cũng chẳng có, kết quả là núi lở, chỗ ấy bị ngập, từ đó cụ mới biết vị đạo sĩ này có thần thông. Sau đó không lâu vị đạo sĩ nói ông ấy nhìn thấy chỗ nào đó xảy ra chiến tranh, nói ra phương hướng, đại khái là cách bao xa, ông đã nhìn thấy được. Cụ này là một người lính, là một quan lính cao cấp, cụ nói vị đạo sĩ này nói không đúng, cụ chẳng nghe tin này. Kết quả là ba tháng sau, người Nhật bất thình lình tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor, Hawaii), cùng với phương vị, tình huống, khoảng cách, ba tháng trước ông đã nhìn thấy rồi. Do đó có thể biết thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai đều tồn tại đồng thời. Ðó là công phu định lực nhỏ, chẳng phải đại định, có thể đột phá thời gian ba tháng, sự việc ba tháng sau ông có thể thấy. Ông ở một căn nhà nhỏ trong núi sâu, ông có thể nhìn thấy Hạ Uy Di, Trân Châu Cảng ở cách đó mấy ngàn dặm, đây là công phu định lực nhỏ thôi. Hiện nay ngoài thị thành có lưu thông ‘Thánh kinh mật mã’, ông ta có thể nhìn thấy ba ngàn năm sau, công phu định lực của ông này còn sâu hơn vị đạo sĩ kể ở trên. Ðạo sĩ này chỉ có thể nhìn thấy cảnh giới vài tháng, vài năm, vài ngàn dặm thôi. Tam Muội chẳng thể nghĩ bàn, có thể đột phá hết thảy chướng ngại.

Như Lai đã đoạn dứt vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nên năng lực của Ngài viên mãn, tận hư không trọn khắp pháp giới chẳng có gì không biết, chẳng có gì không thể, chúng ta hiểu được đạo lý này; từ đó chúng ta mới tin tưởng lời Phật nói, lời Ngài nói là thật chẳng phải giả, Ngài đích thật có năng lực này. Ngài có năng lực này, chúng ta cũng có. Ngày nay chúng ta mất hết năng lực này là vì chúng ta không có Ðịnh, trong tâm mỗi ngày vọng tưởng, phân biệt, chấp trước cả đống, thiệt thòi là ở chỗ này, chúng ta nhất định phải giác ngộ, phải hiểu rõ.

Ðại Cát Tường Quang Minh Vân.
大吉祥光明雲。
Vầng mây sáng Ðại Cát Tường.

‘Cát Tường’ ở thời cổ Trung Quốc là một chữ thông dụng trong việc hỏi thăm, chúc tụng. Cát tường là gì? Cổ đức nói đây là một từ ‘nghĩa lợi’, tức là chúng ta đáng được, đều có thể đạt được một cách viên mãn. Còn những gì không đáng được, nếu bạn muốn đạt được thì đó là ‘tai họa’, đó gọi là ‘bất nghĩa’. Chúng ta dùng tài vật để thí dụ, những đồ vật ‘bất nghĩa’ trong Phật pháp là đồ trộm cắp, bạn chẳng nên có, bất luận là dùng thủ đoạn gì, nếu bạn đạt được thì tội lỗi rất nặng. Thế nên ‘Cát tường’ là đáng được, bạn có thể đạt được viên mãn, đây là ‘nghĩa lợi’, ‘nghĩa’ tức là đáng được.

Câu này nói rõ đây là ‘đức’ đáng được. Trong Phật pháp, Ðại Bồ Ðề, Ðại Niết Bàn là những gì chúng ta muốn đạt được, trí huệ đức năng vốn sẵn có trong tự tánh là những gì chúng ta muốn đạt được, cùng với trí huệ và công đức của quả địa chư Phật chẳng hai, chẳng khác, chúng ta hiểu được ý nghĩa này. Dù là chính mình, chúng ta lấy phàm phu để nói, tánh đức của chúng ta chẳng khai mở, trong thế gian này chẳng phải chỉ một đời này thôi, mà đời đời kiếp kiếp phước báo của chúng ta có thể nói đều là tu được (nhờ tu mới được), chẳng xứng tánh. Khi kiến tánh thì trong tự tánh của bạn có trí huệ, phước báo mới có thể hiện tiền, phước báo đó mới là chân thật, giống như nước suối tuôn trào, lấy hoài chẳng hết, dùng hoài chẳng cạn, đó là phước báo xứng tánh. Trước lúc kiến tánh thì phước đức này là do tu mà được, tu được thì sẽ dùng hết, ở đây chúng ta nêu một thí dụ cho mọi người dễ hiểu. Tánh đức ví như tài sản của bạn, có gia nghiệp, trong nhà có mỏ vàng, trong mỏ vàng trữ vô cùng phong phú, đời đời kiếp kiếp đều dùng chẳng hết. Nhưng hiện nay cái mỏ vàng này bị đá bít kín, chẳng thể sử dụng, một đồng cũng chẳng có, muốn có cơm ăn phải đi làm công, bạn kiếm chút ít tiền để sống qua ngày, trong nhà tuy có tài sản ức vạn nhưng bạn chẳng sử dụng được.

Bát Nhã, trí huệ, công đức, của cải trong tự tánh chúng ta cũng giống như mỏ vàng này vậy, chưa được khai thác, cho nên hiện nay phải cực khổ đi làm chuyện vặt để kiếm chút tiền, phước báo này hưởng chẳng hết. Vả nữa, phải đi làm một cách đúng lý đúng pháp, nếu đầu cơ cầu may, làm chuyện phi pháp thì bạn sẽ phạm tội. Khi phạm tội thì những gì bạn đáng có nhưng không có được, lại còn bị pháp luật trừng phạt, đạo lý này cũng giống vậy. Thế nên chúng ta ở thế gian này phải hiểu rõ, những gì chúng ta chẳng đáng được thì nhất định không thể lấy. Chữ ‘đạo tặc’ trong nhà Phật, ý của chữ ‘đạo’ là không cho mà lấy, bất luận là dùng thủ đoạn gì, bạn chiếm được những tài vật chẳng hợp pháp là họa chứ chẳng phải là phước, nhất định phải hiểu điểm này. Cho dù những của cải trong số mạng có sẵn chúng ta cũng phải giác ngộ, sự thọ dụng trong sinh hoạt đời này nói thật ra rất ít. Chúng ta đừng nghĩ đến cả đời, nghĩ đến cả đời thì dễ phạm nhiều lỗi lầm. Người chân chánh giác ngộ sẽ nghĩ như thế nào? Một ngày, sự thọ dụng của tôi ngày hôm nay, tuyệt đối không nghĩ về ngày mai, nghĩ về ngày mai thì bạn sẽ có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì bạn sẽ sai lầm, chỉ tưởng ngày hôm nay, chẳng có ngày mai. Những gì cần dùng hôm nay còn dư lại đều bố thí cho người khác, có phước cùng hưởng với hết thảy chúng sanh. Nếu bạn hỏi ngày mai phải tính sao? Ngày mai sẽ có nhiều hơn. Tại sao lại càng nhiều hơn? Người này đang trồng phước, khi trồng phước thì phước báo sẽ vĩnh viễn tăng trưởng thêm, nó sẽ chẳng tiêu mất. Chúng ta thấy người thế gian, ở khắp nơi trên thế giới có thể thấy những người có tiền cắm cúi tích trữ, liều mạng để gia tăng của cải của mình, đối với sự nghiệp phước lợi của xã hội, nhìn thấy người nghèo khổ một cắc cũng không chịu cho. Nhưng trải qua vài năm thì họ xảy ra sai sót, nhà tan cửa nát, tài sản của họ đều tiêu hao mất hết. Hiện tượng này cổ kim trung ngoại đều có, chỉ cần lưu ý một chút thì thế gian hiện nay ngày càng rõ ràng. Tại sao không đem số còn dư đi tu phước? Ðây chính là mê hoặc điên đảo. Chúng ta nói đến ‘Cát tường’ nhất định phải hiểu ý nghĩa này. Tánh đức thì chúng ta tạm thời không bàn, trên tu đức biết mình tu như thế nào, làm sao tu mới được phước lợi to lớn, kinh này dạy cho chúng ta biết. Phía dưới thứ bảy là:

Ðại Phước Ðức Quang Minh Vân.
大福德光明雲。
Vầng mây sáng Ðại Phước Ðức.

Thêm vào ba chữ Quang Minh Vân đều là xứng tánh. Phước Ðức là trợ đạo, trong Bồ Tát Hạnh từ Bố Thí đến Thiền Ðịnh đều thuộc về trợ đạo. Do trợ duyên của Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định mới thành tựu trí huệ vô lậu. Thí dụ không có năm thứ đầu, cho dù có trí huệ, trí huệ này là hữu lậu, trí huệ hữu lậu trong Phật pháp gọi là ‘thế trí biện thông’, chẳng phải trí huệ Bát Nhã. Tại sao đức Phật đặc biệt chú trọng tu phước? Lúc chúng ta thọ Tam Quy, ‘Quy y Phật, Nhị Túc Tôn’, chữ Nhị ở đây là Phước và Huệ; Túc là viên mãn. Sau khi thành Phật, cả hai phước đức và trí huệ đều viên mãn, trong phước đức chẳng ai sánh bằng cho nên xưng là tôn quý nhất. Do đó có thể biết đức Phật tuyệt chẳng phản đối người ta tu phước, mà còn khuyến khích người ta tu phước, tại sao vậy? Tu đạo là một công việc tương đối chẳng dễ dàng, nhân duyên chướng đạo rất nhiều, lúc bạn tu học chướng ngại cho việc chứng đạo rất nhiều; phước đức có thể bảo hộ chánh pháp, có thể chân chánh hộ trì bạn. Chúng ta nói thiên long quỷ thần hộ pháp đến để hộ cho pháp của bạn, họ dựa vào cái gì để hộ pháp của bạn? Là vì thấy bạn có phước, có đức, nếu bạn chẳng có phước đức, không tu phước đức, mỗi ngày khấu đầu chắp tay, người ta chẳng đếm xỉa đến bạn thì dựa vào gì để hộ pháp cho bạn! Nếu bạn chịu tu bố thí, người ta khâm phục bạn, tán thán bạn; bạn chịu trì giới, người ta tôn kính bạn. Cho nên chúng ta yêu cầu chư Phật hộ niệm, long thiên ủng hộ, chẳng phải mỗi ngày khấu đầu, mỗi ngày cầu họ, cấu kết với họ, nịnh hót họ, không thể được! Chỉ cần mình hết lòng y theo lời Phật dạy mà làm, chẳng cần phải cầu Ngài, chẳng cần để ý, tự nhiên sẽ được hộ trì. Tại sao vậy? Ngài tôn kính bạn, bạn nổi bật trong đại chúng, người ta tạo nghiệp, bạn tu phước, là đạo lý như vậy, chúng ta phải hiểu rõ.

Trên hình thức thì chúng ta làm theo nghi thức, thật ra đây là làm cho đại chúng xem, dùng phương thức này khơi gợi đại chúng, làm cho những chúng sanh mê hoặc điên đảo này giác ngộ, hồi đầu, thế nên những nghi thức này nên làm trang nghiêm, long trọng, đạo lý là như vậy. Tuy xã hội đại chúng chẳng nhìn thấy, nhưng chúng ta làm nghi thức này trang nghiêm, long trọng thì quỷ thần nhìn thấy. Do đó có thể biết tất cả hình thức đều là để phổ độ hết thảy chúng sanh, đó chỉ là bên ngoài; có bề ngoài thì phải có nội dung bên trong, bên trong là chân tu. Nội tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác, biểu hiện ở bên ngoài là lục độ vạn hạnh, thành tựu phước báo chân thật rộng lớn. Phước báo có thể trừ chướng ngại, có thể giúp chúng ta khai trí huệ, ngạn ngữ thế gian thường nói: ‘Phước chí tâm linh’, phước báo của người này đến thì họ vô cùng thông minh. Lúc bình thường coi họ ngu khờ, nhưng khi phước báo hiện tiền thì họ sẽ đột nhiên thông minh, lời này có đạo lý. Tu định là nguyên nhân chủ yếu để khai huệ, tu phước là trợ duyên, giúp đỡ bạn khai huệ, thế nên phải phước huệ song tu. Câu kế là:

Ðại Công Ðức Quang Minh Vân.
大功德光明雲。
Vầng mây sáng Ðại Công Ðức.

‘Công đức’ khác với phước đức. Chúng ta thường gọi phước đức là phước báo, phước báo có thể cùng hưởng với người khác, công đức thì không thể. Công đức là gì? ‘Công’ là sự tu học của bạn có công phu, khi tu học có công phu thì bạn nhất định có thâu hoạch; chữ ‘đức’ này cùng nghĩa với chữ ‘được’ (đắc), bạn nhất định có được thâu hoạch. Thí dụ trì giới có công, tu giới được rất tốt, có công; thiền định là đức, nhờ Giới được Ðịnh. Giữ Giới có tốt cách mấy nhưng không thể đắc Định, công phu cứ thiếu một chút. Giữ Giới được rất tốt, tại sao không được Định? Cổ đức nói rất hay, tự mình tu hành rất tốt, nói theo cách nói hiện nay: Rất đáng kiêu ngạo, như vậy là hỏng rồi! Bạn nghiên cứu kinh điển, nghiên cứu rất hay, rất đáng kiêu ngạo; giảng kinh trên giảng đài, giảng rất hay, rất đáng tự hào, một khi vừa ngạo mạn thì hỏng rồi, công đức liền mất hết. Ngạo là gì? Phiền não, trì giới đến sau cùng phiền não hiện tiền. Trong Ðàn Kinh, Lục Tổ đại sư Huệ Năng dạy rất hay: ‘Nếu là người chân chánh tu đạo chẳng nhìn thấy lỗi người thế gian’, bạn trì giới phải trì đến lúc chẳng thấy lỗi người khác thì sẽ được Định, bạn trì giới sẽ biến thành công đức. Trì giới được Định là công đức; trì giới chẳng được Định là phước đức. Thế nên trì giới có hai loại, một là công đức, hai là phước đức. Nhờ trì giới mà được Định.

Tu Ðịnh cũng vậy, tu Ðịnh có thể khai trí huệ thì Ðịnh này biến thành công đức, như vậy thì có công. Tu Ðịnh mà chẳng thể khai trí huệ, thì Ðịnh này là thiền định thế gian, tu được tốt cách mấy, Tứ Thiền Bát Ðịnh. Chư vị phải biết Tứ Thiền Bát Ðịnh đều chưa khai trí huệ, không xuất nổi Tam Giới, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Người tu hành rất dễ khởi Tăng Thượng Mạn, đó tức là như người hiện nay nói ‘đáng được kiêu ngạo’, người ta chẳng biết tôi, tôi cao hơn người ta một bậc. Chỉ cần có tâm niệm này thì công đức của bạn hoàn toàn mất hết. Ðại công đức có thể diệt tội, có thể diệt ác, có thể sanh thiện, công đức có thể diệt ác, sanh thiện. Nếu tu học mà Ác còn tăng trưởng, Thiện chẳng thể sanh, vậy là hoàn toàn sai lầm, điều này chúng ta không thể không biết.

Cương lãnh, nguyên tắc tu hành của nhà Phật chú trọng ở ‘tu quán’. Nhà Thiên Thai nói: ‘Tam Chỉ Tam Quán’, chúng ta niệm Phật cũng chẳng tách lìa nguyên tắc tu quán. ‘Quán’ là gì? Quan niệm. Tu quán tức là sửa đổi những quan niệm sai lầm lúc trước của chúng ta trở lại, đó gọi là tu quán. Nói chung, tu học có ba giai đoạn, trong Tông Môn thường nói. Thứ nhất là ‘Quán Chiếu’, quán chiếu là gì? Thường thường nhắc nhở những quan niệm giác ngộ, thời thời khắc khắc nhắc nhở, đó là quán chiếu. Công phu quán chiếu đắc lực rồi, trong Tịnh Ðộ Tông chúng ta tức là ‘công phu thành phiến’, có công phu này nhất định được sanh Tịnh Ðộ. Tại sao vậy? Niệm niệm có thể chẳng mê, niệm niệm đều đề khởi quán chiếu, trong Tịnh Ðộ Tông chúng ta tức là một câu Phật hiệu, khi tâm địa vừa động niệm, lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, trong tâm khởi lên một tâm niệm. Tâm niệm chẳng ra ngoài thiện – ác, thuận theo ý tứ của mình thì khởi tâm tham, chẳng hợp ý tứ mình thì khởi sân khuể, sẽ động tâm niệm này, khi chẳng nghịch chẳng thuận thì khởi niệm vô ký, như vậy đều chẳng tốt. Thế nên khi lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, tánh cảnh giác rất cao, ý niệm vừa khởi thì liền ‘A Di Ðà Phật’, liền chuyển thành ‘A Di Ðà Phật’ lập tức, trong Tông Môn gọi đó là công phu quán chiếu. Cổ đức có nói: ‘Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm’. Tâm niệm vừa khởi lên, không sao hết, phải cảnh giác cho nhanh, lập tức đề khởi Phật hiệu, thay đổi tâm niệm này, đây là công phu quán chiếu. Lúc công phu quán chiếu sâu thì tự nhiên vọng tưởng, tâm niệm sẽ chẳng khởi, công phu thật có thể khống chế, sẽ chẳng khởi nữa, đây tức là ‘Sự Nhất Tâm Bất Loạn’, trong Tông Môn gọi là ‘Chiếu Trụ’, là được Định, thiền định hiện tiền.

Ðến công phu thượng tầng là ‘Chiếu Kiến’, chúng ta đọc Tâm Kinh: ‘Quán Tự Tại Bồ Tát chiếu kiến ngũ uẩn giai không’, Chiếu Kiến, ‘kiến’ là trí huệ khai mở, từ Định khai Huệ, trong Tịnh Tông chúng ta tức là ‘Lý Nhất Tâm Bất Loạn’, tức là chiếu kiến. ‘Chiếu kiến ngũ uẩn giai không’, ngũ uẩn giai không tức là chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh, nhìn thấy hết thảy pháp trong vũ trụ, chân tướng là ‘vô sở hữu, bất khả đắc’. Đức Phật nói hai câu này trong kinh ‘Ðại Bát Nhã’ lập đi lập lại mấy trăm lần, thế nên bạn xem sáu trăm quyển kinh Ðại Bát Nhã xong, không nhớ những thứ khác, đều quên hết nhưng ấn tượng của sáu chữ này rất sâu đậm! Chỉ cần bạn nhớ sáu chữ này thì bạn đã tìm được tinh tủy của sáu trăm quyển kinh Ðại Bát Nhã. Thế Tôn thuyết pháp đích thật có sự khéo léo (xảo diệu) của Ngài, sẽ làm cho bạn ghi nhớ những điểm chính yếu. Tại sao vô sở hữu, bất khả đắc? Kinh Kim Cang nói: ‘Phàm những gì có tướng đều là hư vọng’. ‘Tất cả pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng’. Phẩm Thập Ðịnh trong kinh Hoa Nghiêm nói càng thấu triệt hơn, chân tướng sự thật là gì? Sát-na-tế, đây mới là chân tướng sự thật. ‘Sát-na-tế’ tức là chẳng sanh chẳng diệt, nếu bạn thật sự thấu triệt, minh bạch, khế nhập cảnh giới này, thì xin chúc mừng bạn, bạn thật là tài giỏi. Tại sao vậy? Bạn chứng được quả vị Vô Sanh Pháp Nhẫn, Vô Sanh Pháp Nhẫn tức là hiểu rõ sát-na-tế, hết thảy pháp chẳng sanh chẳng diệt, sanh diệt đồng thời. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Ngay nơi đó hiện ra, cũng từ nơi đó diệt hết”, tức là ‘sát-na-tế’, thế nên mới vô sở hữu, thế nên mới bất khả đắc, đây là chân tướng sự thật. Nếu bạn tưởng là có sở hữu, tưởng là có sở đắc thì đó là vọng tưởng. Chúng sanh trong thập pháp giới, đừng nói lục đạo, đều chẳng tách lìa vọng tưởng. Thế mới biết cửa ải ‘vọng tưởng’ này rất khó phá, phá được cửa ải vọng tưởng này thì bạn sẽ vượt thoát thập pháp giới, bạn sẽ nhập vào Nhất Chân pháp giới. Thế nên công đức nhất định phải tu, phước đức cũng phải tu. Phước đức chú trọng trên sự tướng, công đức chú trọng trên tâm địa. Xem tiếp câu thứ chín:

Ðại Quy Y Quang Minh Vân, Ðại Tán Thán Quang Minh Vân.
大歸依光明雲。大讚歎光明雲。
Vầng mây sáng Ðại Quy Y, vầng mây sáng Ðại Tán Thán.

Quy y nói ở đây tức là quay về tự tánh, đó gọi là ‘Ðại Quy Y’, Quy y Tam Bảo, nói thật ra nhà Phật nói quy y Tam Bảo, lý luận là y cứ trên câu này. Trong Tam Bảo, thứ nhất là Phật Bảo, Phật Bảo là Tự Tánh Giác, Tự Tánh biến trọn khắp pháp giới, thế nên ở đây dùng ‘Quang Minh Vân’ để hiển thị. Phàm phu mê mất Tự Tánh, chiêu cảm vô lượng vô biên tai nạn. Chúng ta dùng một thí dụ để nói, viên mãn Tánh – Tướng, Tánh tuy chẳng có Tướng nhưng có thể hiện hết thảy Tướng, những Tướng được hiện là Tướng phần của Tự Tánh, Tánh – Tướng là một, nhất định chẳng phải hai. Chúng ta lấy Tự Tánh hiện Tướng ví như một thân thể, như vậy thì chư vị dễ hiểu; trong thân thể có một bộ phận giác ngộ, nhưng có một bộ phận mê hoặc. Bộ phận nào đang mê hoặc? Không nhất định. Một chỗ nào trên thân thể sanh ghẻ, có mủ, loét ra, sưng lên giống như một bộ phận chúng sanh đang mê hoặc. Cánh tay này sanh ghẻ, lở loét, còn cánh tay kia mau mau giúp đỡ, cánh tay kia là Phật, Bồ Tát, cánh tay này là chúng sanh, cả hai đều là một thể. Chúng sanh không biết tận hư không, trọn khắp pháp giới đều là chính mình; vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là bịnh độc, một chỗ trên thân mình sanh ghẻ, lở loét, chính mình chịu khổ. Thế nên chúng sanh thọ khổ thì Phật thọ khổ; chúng sanh được vui thì Phật được vui; đều là một thể cả.

A Di Ðà Phật là ai? Tự tánh Di Ðà. Tỳ Lô Giá Na là ai? Tự tánh Tỳ Lô Giá Na, chẳng phải ai khác, đều là chính mình. Ai biết được? Thế nên nói thật cho bạn biết, bạn sợ quá chừng, đều không tin, còn hủy báng Phật, còn tạo tội nghiệp nặng hơn. Thế nên có rất nhiều lời chân thật đức Phật chẳng nói, nói ra bạn sẽ sợ, bạn sẽ chẳng tin, không thể tiếp nhận. Nếu chúng ta quả nhiên tỉnh ngộ, hư không pháp giới đều là chính mình, lòng đại từ đại bi của bạn đối với bất cứ người nào, bất cứ chuyện gì, bất cứ vật gì đều thương mến, lòng thương ấy, lòng quan tâm chăm sóc ấy, lòng giúp đỡ ấy tự nhiên sẽ sanh lên, còn phân chia ta – người nữa sao! Bạn cung kính tôi, tán thán tôi, tôi thương mến bạn, giúp đỡ bạn; bạn hủy báng tôi, chà đạp tôi, sĩ nhục tôi, tôi vẫn thương mến bạn, vẫn giúp đỡ bạn. Tại sao vậy? Bạn mê, tôi chẳng mê. Người chẳng mê thì biết là một thể, người mê thì chia ra thành tôi, chia ra thành họ, cũng giống như trên thân thể bị bịnh, bị ghẻ vậy, những tế bào này mê hoặc điên đảo, chẳng thể điều hòa cùng với cả thân thể, chẳng hòa với mọi người; hòa thì khỏe mạnh, không hòa thì sẽ sanh bịnh.

Chư Phật Như Lai tán thán đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện trong Ngũ Trược Ác thế, dạy dỗ chúng sanh ương ngạnh, khó dạy, ý nghĩa của câu này vô cùng sâu rộng! Nhóm chúng sanh ương ngạnh, khó dạy này cũng giống như một bộ phận trên thân thể bị sưng mủ vậy, cùng với mọi người chẳng hòa, họ ở đây phân chia ta và người, chính họ đang chịu khổ chịu nạn, đọa địa ngục, biến thành ngạ quỷ, phải chịu những tội khổ này. Vốn là chẳng có, vốn là chẳng đáng có, họ nhất định phải tạo tác, nhất định phải thọ chịu, đâu có cách chi nữa! Chẳng có biện pháp. Những gì Phật có thể giúp đỡ là dạy dỗ, giảng dạy, nói rõ chân tướng sự thật, chúng ta tự mình phải giác ngộ, nhất định phải quay về, quay lại là bến bờ. ‘Quy’ chính là quay về, ‘Y’ chính là nương tựa, phải nương tựa tánh đức, ở đây dùng ‘Quang Minh Vân’ để tượng trưng, trong kinh Hoa Nghiêm dùng ‘Ðại Phương Quảng’ để tượng trưng. Ðại Phương Quảng trong kinh Hoa Nghiêm chính là Quang Minh Vân nói trong kinh này. Chư vị phải hiểu đoạn này, mười câu này, Quang Minh Vân này hàm nhiếp toàn bộ kinh Hoa Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm hàm nhiếp toàn bộ Phật pháp. Vô lượng vô biên pháp môn do mười phương ba đời hết thảy tất cả chư Phật giảng đều bao hàm trong mười thứ Quang Minh Vân này, một pháp cũng chẳng sót, chúng ta phải thể hội ý nghĩa này.

Quy y Pháp, Pháp là Tự Tánh Chánh, Tự Tánh Chánh là gì? Tự tánh vốn có sẵn trí huệ Bát Nhã. Tự Tánh Giác là ‘Căn Bản Trí’, Tự Tánh Chánh là ‘Hậu Ðắc Trí’, chúng ta gọi là ‘Quyền Trí’. Khi xử sự, đãi người, tiếp vật chúng ta phải từ chỗ này cảm nhận, khế nhập, sau đó thực hiện trong đời sống, công việc, trong khi xử sự, đãi người, tiếp vật, chúng ta sẽ khế nhập cảnh giới Phật. Nhập cảnh giới Phật thì tự nhiên sẽ siêu việt thập pháp giới, lục đạo luân hổi thì khỏi nói vì đã siêu việt thập pháp giới rồi. Chúng ta khởi tâm động niệm, những gì mình làm, mình tạo cùng Pháp Thân đại sĩ chẳng hai chẳng khác, chúng ta tuy chưa chứng Pháp Thân nhưng cùng Pháp Thân đại sĩ thật sự giống nhau, đây chính là ‘đại tâm phàm phu’ nói trong kinh Hoa Nghiêm. Ðại tâm phàm phu niệm Phật vãng sanh, nói cho chư vị biết, nhất định sẽ sanh Thật Báo Trang Nghiêm Ðộ, bốn cõi, ba bậc, chín phẩm chúng ta đều có phần. Đại sư Thiện Ðạo dạy rất hay, cổ đức trước thời đại sư Thiện Ðạo thường nói bốn phẩm thượng: Thượng Thượng phẩm, Thượng Trung phẩm, Thượng Hạ phẩm, Trung Thượng phẩm, họ nói bốn phẩm thượng này đều là Bồ Tát vãng sanh, phàm phu không có phần. Đại sư Thiện Ðạo là A Di Ðà Phật tái lai, Ngài dạy chúng ta: ‘Chín phẩm vãng sanh đều ở tại duyên, gặp duyên chẳng giống nhau’, lời này nói rất hay! Chúng ta là phàm phu, gặp duyên thù thắng thì chúng ta sẽ sanh phẩm Thượng Thượng, Bồ Tát nếu chẳng gặp duyên này thì họ vãng sanh có thể chỉ được phẩm Trung Hạ, là do gặp duyên chẳng đồng, chẳng phải do chuyện khác. Như vậy mới là pháp bình đẳng, phù hợp với giáo nghĩa của đề kinh: ‘Thanh Tịnh, Bình Ðẳng, Giác’, thế nên chúng ta đọc kinh, nghiên giáo sẽ không uổng phí.

Hiện nay thời gian của tôi hơi ít một chút, phải giảng bốn bộ kinh cùng lúc, ở đây ba bộ, tại Hương Cảng giảng Tứ Thập Hoa Nghiêm. Tôi nói tuy lạc thật (biến thành hiện thật) trong đời sống hiện tại, nhưng tôi coi những chú sớ của cổ đại đức, tôi coi rất hết lòng, tôi sẽ không nhất định nói theo họ, nhưng những gì tôi giảng nhất định khế hợp với ý tứ của họ. Nếu giảng theo chú sớ của người xưa, người hiện nay nghe không hiểu, chẳng thể tiếp nhận, cũng làm chẳng nổi. Chúng ta phải chân chánh hiểu nghĩa kinh, sách của người xưa có thể cung cấp cho chúng ta tham khảo, coi họ nói như thế nào. Sau đó coi hiện nay là thế giới như thế nào, chúng sanh hiện nay có căn cơ gì, bịnh của họ ở tại đâu? Họ cần những gì? Chúng ta có được sự khải thị của kinh điển, chú sớ của cổ đại đức, suy cũ ra mới, chúng ta giúp đỡ chúng sanh khổ nạn hiện nay.

Ngày nay giải quyết vấn đề xã hội, giải quyết vô lượng vô biên tai nạn do người tạo ra cũng vậy, tai nạn tự nhiên cũng vậy, đều phải làm một sự chuyển biến to lớn từ trong tâm, đó là nhất định phải thương yêu người đời, mở rộng tâm thương yêu mình để thương yêu hết thảy chúng sanh, được vậy thì hết thảy tai nạn đều tiêu trừ. Chỉ biết mình, chẳng biết người khác, thậm chí làm những chuyện tổn người lợi mình, đây là lời người thế gian nói, người mê hoặc điên đảo nói. Người chân chánh minh bạch nhìn thấy cái gì? Tổn hại người nhất định sẽ chẳng lợi mình, chuyện tổn hại người sẽ tổn hại mình, chư vị phải biết như vậy. Cái gì mới thật sự là lợi mình? Lợi người mới thật sự là lợi mình, lợi ích xã hội mới thật sự lợi ích gia tộc của bạn. Người thế gian mê hoặc điên đảo chẳng biết đạo lý này, chẳng biết chân tướng sự thật, tại sao vậy? Vì cả xã hội, cả thế giới là những tế bào trong thân thể của mình, chỉ lo cho bộ phận này, không lo cho bộ phận kia thì bộ phận kia sẽ sanh bịnh. Bạn phải lo cho hết thảy, ăn uống, nơi chốn, cư trú, hấp thụ dinh dưỡng, mỗi bộ phận trong thân thể đều phải đạt đến. Cung cấp thức ăn không đồng đều thì sẽ sanh bịnh, có bộ phận hấp thụ dinh dưỡng rồi, còn bộ phận khác thiếu thì tứ đại sẽ chẳng điều hòa. Dùng thí dụ này để nói cả thế giới cũng vậy, chỉ lo cho quốc gia của mình, chẳng màng đến quốc gia khác, kết quả khi quốc gia khác bị nạn, chúng ta cũng chịu liên lụy. Hiện nay mọi người từ từ thấy được sự thật này, nhưng vẫn chưa biết quay về, chưa biết nguyên nhân căn bản ở chỗ nào! Thế nên Phật pháp trước tiên mở rộng tâm lượng của chúng ta, ‘tâm bao trùm hư không, lượng gồm thâu các cõi nhiều như cát’, như vậy mới thật sự ‘quy y Chánh’; tự tánh vốn sẵn có chánh tri chánh kiến, y cứ cho hết thảy xử sự, đãi người, tiếp vật trong đời sống.

Thứ ba là ‘Quy Y Tăng’, ‘Tăng’ có nghĩa là Tịnh. Nói theo cách hiện nay là xã đoàn, đoàn thể. Phật pháp xưng bốn người là ‘chúng’, dùng cách nói hiện nay tức là một đoàn thể nhỏ. Bốn người trở lên cùng chung sinh hoạt, làm việc, thì đây là một đoàn thể nhỏ. Người trong đoàn thể này đều tu Lục Hòa Kính thì được gọi là Tăng Ðoàn, gọi là Tăng Chúng. Ai cũng tu Lục Hòa Kính, ai cũng có tâm địa thanh tịnh viên mãn, đây là Tăng Ðoàn đáng được người tôn kính trong hết thảy đoàn thể ở cõi trời, cõi người. Tại sao vậy? Họ hòa hợp, hòa mục, người Trung Quốc thời xưa cũng nói ‘Hòa vi quý’. Luận Ngữ nói: ‘Lễ chi dụng, hòa vi quý’, Hòa là tôn quý nhất, ‘Chúng trung tôn’, tôn nghĩa là đáng được người ta tôn kính, là một đoàn thể rất tôn quý. Ðoàn thể này càng lớn, số người càng nhiều, ý kiến bất hòa thì chẳng là Tăng Ðoàn, chẳng là đoàn thể được mọi người tôn kính. Ý kiến từ đâu tới? Ý kiến đều là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chư vị nghĩ thử coi đúng không? Chẳng phải chân thật, trong tự tánh vốn chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

Ý nghĩa của mười câu này rất sâu, bắt đầu bằng ‘Ðại Viên Mãn’, kết thúc bằng ‘Ðại Tán Thán’, đúng là viên mãn đến cùng cực. Tám câu ở giữa thì ‘Từ Bi’ là chỗ chúng ta phát tâm nương tựa, ‘Trí huệ’ là chỗ y chiếu cho chúng ta tu hành, ‘Bát Nhã’ phá hết thảy mê hoặc điên đảo, ‘Tam Muội’ trừ hết thảy chướng ngại, ‘Cát Tường’ là đức đáng được, ‘Phước Ðức’ là đức trợ đạo, ‘Công Ðức’ là diệt ác sanh thiện, ‘Tam Bảo’ là chỗ quy y chân thật, đây là đại cương của tánh đức viên mãn, sau cùng tổng kết bằng ‘Tán Thán’. Ai tán thán? Những người đối với Sự Lý này chẳng hiểu, chẳng rõ ràng, thì làm sao tán thán nổi! Có năng lực tán thán, có tư cách tán thán là chư Phật Như Lai, các Ngài hiểu rõ triệt để, thế nên chư Phật Như Lai tán thán thành tựu của bạn, tán thán bạn đã thật sự quay về. Ở đây chúng ta nhất định phải biết chúng sanh và Phật vốn chẳng hai, thế nên chư Phật Như Lai lễ kính chúng sanh, chỉ có chúng sanh coi thường Phật, Bồ Tát, chẳng kính trọng. Hủy báng Phật, Bồ Tát, chẳng tin Phật, Bồ Tát, vu khống Phật, Bồ Tát, nhưng Phật, Bồ Tát tuyệt chẳng vì vậy mà xa lìa chúng sanh, sẽ vĩnh viễn ở nơi đó quan hoài, vĩnh viễn thương mến. Phật chẳng xa lìa chúng sanh, chúng sanh quay lưng xa lìa Phật, Bồ Tát, đây là chân tướng sự thật. Ngày nay chúng ta học Phật, phải học Phật, Bồ Tát, phải học cách dụng tâm, học cách hành trì của Phật, Bồ Tát, chẳng thể học theo chúng sanh, nếu học chúng sanh thì chúng ta cũng sẽ luân hồi lục đạo, đã luân hồi vô lượng kiếp rồi, khổ chẳng thể tả, vẫn còn muốn tiếp tục nữa sao? Trước kia chẳng gặp kinh Ðại Thừa là chướng nạn, chẳng có duyên để giác ngộ, chẳng có duyên để quay về. Ngày nay gặp được, đích thật là nhân duyên hiếm hoi từ vô lượng kiếp. Ðã gặp rồi thì phải quý tiếc, phải từ đó quay về, chẳng tiếp tục tạo nghiệp luân hồi nữa, buông xuống hết thảy thân tâm thế giới, y giáo phụng hành, thật thà niệm Phật, như vậy mới tốt. Ðoạn phía dưới:

Phóng như thị đẳng bất khả thuyết quang minh vân dĩ.
放如是等不可說光明雲已。
Phóng ra những vầng mây sáng chẳng thể nghĩ bàn như vậy xong.

Câu này là tổng kết. Ðoạn trước Thế Tôn phóng quang, hiển thị Lý Thể sở chứng của mình, tức là hiển thị tánh đức viên mãn; Phật có, chúng sanh cũng có. Phóng quang hiện tướng lành, nói thật ra chỉ có Pháp Thân đại sĩ mới hiểu rõ, vừa nhìn thấy pháp luân viên mãn do Thế Tôn, mười phương hết thảy chư Phật Như Lai nói xong, liền tức khắc tiếp nhận viên mãn, chuyện này chỉ có Pháp Thân đại sĩ mới làm được! Thập pháp giới chúng sanh nhìn thấy, cảm thấy hy hữu, hoan hỷ tán thán, nhưng chẳng biết ất giáp gì cả, chẳng biết rốt cuộc là có ý nghĩa gì? Họ đều chẳng hiểu, vậy thì phải làm sao? Ngài thuyết pháp, không nói thì chúng ta làm sao hiểu! Thế nên:

Hựu xuất chủng chủng vi diệu chi âm.
又出種種微妙之音。
Lại phát ra những âm thanh vi diệu.

Do đó có thể biết phóng quang hiện tướng lành độ người thượng thượng căn, phát âm thanh vi diệu là để độ người trung hạ căn. Người trung hạ căn nhìn thấy hào quang chẳng hiểu được hàm ý trong đó, nhất định phải yêu cầu đức Phật thuyết pháp. Chỗ này nói: ‘Phát ra những âm thanh vi diệu’, chư vị phải ghi nhớ, đây là nói với chúng sanh trong thế giới Sa Bà, thế giới chúng ta đúng như lời của Văn Thù Bồ Tát: ‘Chân giáo thể của chỗ đó, thanh tịnh ở tại âm thanh và lắng nghe’. Trong hội kinh Lăng Nghiêm, Thế Tôn để Văn Thù Bồ Tát tuyển chọn pháp Viên Thông cho chúng ta, tức là tuyển chọn pháp môn nào thích hợp nhất cho căn tánh của chúng sanh ở thế gian này. Văn Thù Bồ Tát tuyển chọn ‘Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương’, nói rõ chúng sanh thế giới Sa Bà nhĩ căn (căn tai) lanh lợi nhất. Bạn cho họ coi, đọc kinh, bạn cho họ coi kinh chẳng dễ khai ngộ, bạn kêu họ nghe kinh thì dễ khai ngộ hơn, công đức của nhĩ căn mạnh hơn nhãn căn. Thế nhưng căn tánh của chúng sanh ở khắp nơi trong mười phương thế giới chẳng giống nhau, giống trong kinh nói người nước Hương Tích thì nhĩ căn chẳng tốt, bạn để họ coi, họ chẳng khai ngộ, nghe thì họ cũng chẳng hiểu; mời họ ăn cơm, vừa ăn thì họ liền khai ngộ, chuyện này tuyệt diệu, thế nên họ dùng cơm thơm tho (hương phạn) để làm Phật sự. Tại sao vậy? Thiệt căn (căn nếm mùi vị) lanh lợi. Thế nên hết thảy chúng sanh, căn tánh nào lanh lợi chẳng nhất định. Nếu Thế Tôn giảng kinh Ðịa Tạng ở nước Hương Tích, đoạn sau này nhất định sẽ ‘lại dùng các thứ cơm vi diệu thơm tho’, phải vậy chăng? Chính là sự việc như vậy. Sẽ chẳng ‘phát ra những âm thanh vi diệu’, đây là chuyên dùng để nói với chúng ta ở thế gian này, thế nên chỗ này phải hiểu, Phật thuyết pháp nhất định phải khế lý, khế cơ. Phía trước phóng Quang Minh Vân là khế lý, chỗ này là nói khế cơ, đều đáng để chúng ta dụng tâm học tập. Phật phóng quang, chúng ta cũng phải phóng quang, chúng ta chẳng thể rõ ràng như Phật, chúng ta phải phóng quang như thế nào? Tâm địa của bạn có từ bi chân thật thì tự nhiên sẽ hiển lộ tướng từ bi quang, người ta vừa nhìn thấy bạn liền cảm thấy ‘người này rất từ bi’; tâm địa rất thanh tịnh thì họ cảm thấy ‘người này rất thanh tịnh’, đó là phóng quang. Trong tâm bạn thật sự chứa đựng những gì trong kinh nói thì tự nhiên sẽ từ mặt, từ thân thể bạn phóng quang, không những phóng quang mà còn phát hương thơm nữa, ‘hương quang trang nghiêm’. Hương vị của phàm phu rất khó ngửi, tâm địa của người tu hành thanh tịnh quang minh, hương vị trên thân của họ rất thơm, chúng ta rất ít thấy.

Trước kia tôi ở Hương Cảng nghe các bạn đồng tu nói, nghe nói lão hòa thượng Hư Vân một năm tắm một lần, cạo đầu một lần. Y phục mùa đông hay mùa hè cũng chỉ có một bộ, hờm (ghét) trên cổ áo đóng rất dày nhưng lại có mùi thơm, chẳng khó ngửi, đây là lời một số đồng tu ở Hương Cảng nói với tôi. Ðó là mùi hương gì? Chúng ta thường gọi là Ngũ Phần Giới Hương, ‘Ngũ Phần Pháp Thân Hương’ là: ‘Giới, Ðịnh, Huệ, Giải Thoát, Giải Thoát Tri Kiến’. Chúng ta xét từ điểm này thì ý tứ liền rất viên mãn, chân thành, thanh tịnh, từ bi. Có thể thấy tánh đức tỏ lộ, chẳng có chỗ nào chẳng đến, không những thân phóng quang, toát hương thơm, ngay cả hoàn cảnh chỗ Ngài cư trú cũng toát hương thơm, hiện nay một số người chúng ta gọi là từ trường chẳng đồng. Hoàn cảnh chỗ Ngài cư trú khi chúng ta đi vào sẽ cảm thấy rất thư thái, cảm thấy rất tự tại, đó là vì hoàn cảnh chỗ Ngài cư trú có quang minh, tuy mắt thịt chúng ta chẳng thấy được làn sóng quang minh của Ngài nhưng chúng ta có thể cảm nhận được. Ðoạn này là nói về âm thanh thuyết pháp. Xin coi kinh văn:

Sở vị Ðàn Ba La Mật âm, Thi Ba La Mật âm, Sằn Ðề Ba La Mật âm, Tỳ Ly Da Ba La Mật âm, Thiền Ba La Mật âm, Bát Nhã Ba La Mật âm.
所謂檀波羅蜜音。尸波羅蜜音。羼提波羅蜜音。毘離耶波羅蜜音。禪波羅蜜音。般若波羅蜜音。
Như là tiếng Ðàn Ba La Mật, tiếng Thi Ba La Mật, tiếng Sằn Ðề Ba La Mật, tiếng Tỳ Ly Da Ba La Mật, tiếng Thiền Ba La Mật, tiếng Bát Nhã Ba La Mật.

Chúng ta nói trước sáu câu này, sáu câu này nói về Lục Ðộ. Thứ nhất ‘Ðàn Na’ là tiếng Phạn, dịch nghĩa là ‘Bố Thí’. Chư Phật, Bồ Tát, nói thật ra tức là Pháp Thân. Pháp Thân là gì? Họ khẳng định tận hư không, trọn khắp pháp giới đều là chính mình. Họ nhất định chẳng cho rằng thân này là mình, tận hư không trọn khắp pháp giới mới là chính mình, thế nên họ chứng được vô lượng thọ. Hư không pháp giới chẳng diệt, thân này của chúng ta có sanh diệt, ví giống như cái gì? Tế bào trong thân chúng ta, tế bào có lớp mới thay lớp cũ, có sanh diệt. Nhưng thân này phải trụ mấy mươi năm, thời gian của tế bào rất ngắn. Y Học hiện đại nói thân thể người ta cứ bảy năm là một chu kỳ, hết thảy tế bào có một lần thay đổi. Thế nên trước bảy năm những tế bào cũ đã mất đi, những tế bào hiện nay đều là mới hết, vĩnh viễn lớp mới thay lớp cũ. Tre già măng mọc, tại sao chúng ta chẳng đổi một cái mới, đổi cái tốt, mới hoàn toàn? Thí dụ một cái máy, linh kiện (bộ phận) trong máy hư rồi, tìm một linh kiện tương tợ như cái này rồi gắn vào thì cũng có thể dùng được, đó là đồ cũ chẳng phải mới. Tại sao không lựa một linh kiện mới hoàn toàn gắn vô, thế thì thân thể này của bạn vĩnh viễn khỏe mạnh, sống lâu, người một trăm tuổi còn giống như người trẻ tuổi vậy, tại sao? Bạn thay tế bào này bằng tế bào mới, thanh tịnh, chẳng ô nhiễm. Nhưng khi chúng ta thay đổi đều đổi tế bào ô nhiễm. Ô nhiễm như thế nào? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của bạn đã ô nhiễm, những gì đổi được đều chẳng tốt đẹp! Bạn xem con nít cũng vậy, con nít bảy tuổi, mười tuổi, đã đổi hai chu kỳ rồi, tại sao vẫn còn tốt như vậy? Vọng tưởng ít, vọng niệm ít. Nếu nói một câu khó nghe thì tâm niệm hại người, hại mình ít, thế nên những tế bào họ đổi vẫn còn mới. Tuổi càng lớn thì tâm niệm hại người hại mình càng nhiều, càng mạnh, càng đổi thì càng tệ, là đạo lý như vậy.

Chúng ta nhìn xem thế giới của Phật, Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng vậy, tại sao thể chất của người ta vĩnh viễn không thay đổi? Hình như ngưng tụ tại nơi ấy, trên thực tế có phải là ngưng tụ không? Không phải, hay là đời đời chẳng trụ. Tức là trong sự thay cũ đổi mới của họ hoàn toàn chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nghĩa là linh kiện mới vừa đổi này là hoàn toàn mới, vĩnh viễn sẽ mới hoài. Trong máy này thay mười lần, thay hai mươi lần đều là thay đồ mới, là đạo lý như vậy. Sự thiệt thòi của chúng ta ở tại đâu? Tự mình hại mình, tự tư tự lợi, chuyện này chẳng phải là ‘tự lợi’ mà là ‘tự tư tự hại’, danh từ dùng sai rồi, đâu có chuyện tự lợi? Là tự hại. Lợi tha mới là tự lợi, ai biết việc lợi tha? Phật, Bồ Tát biết lợi tha, người giác ngộ biết lợi tha. Người mê hoặc điên đảo chỉ biết tự lợi, tự lợi là tự hại, chẳng phải là tự lợi. Nói đến lợi không đúng. Chẳng nói gì khác, chỉ nói về tình trạng sức khỏe thì bạn sẽ hiểu, tự mình hại chính mình. Tại sao tế bào thay cũ đổi mới này chẳng thể đổi thành mới hoàn toàn, chẳng thể đổi thành khỏe mạnh? Phải biết tham, sân, si, mạn là độc tố bịnh hoạn nặng nhất, trong tâm của bạn có tham, sân, si, mạn thì đổi tế bào đều là tế bào bị bịnh, đều mang độc tố bịnh hoạn nghiêm trọng, bạn không có lợi gì hết! Dù con nít cũng có tâm tham, sân, si, mạn, nhưng rất yếu ớt, chẳng mạnh, những độc tố trong các tế bào thay đổi của nó rất ít, người lớn tuổi mang theo độc tố bịnh hoạn rất nhiều. Nếu chúng ta chẳng thâm nhập kinh tạng, chẳng hiểu đạo lý Ðại Thừa, chúng ta làm sao biết nổi những chân tướng sự thật này! Khoa học gia tìm tòi đến ngày nay vẫn chưa phát hiện ra, cũng chẳng tìm hiểu. Thế nên vừa mở đầu thì dùng Sáu Ba La Mật để trước mặt, hết thảy chư Phật, Bồ Tát giảng kinh thuyết pháp cho chúng sanh, dạy chúng sanh tu hành chứng quả đều chẳng ra ngoài sáu cương lãnh này.

Bố Thí gồm có ‘Bố Thí tài vật, bố thí pháp, bố thí vô úy’, khi Thế Tôn giảng kinh, thuyết pháp cho hết thảy chúng sanh thì cả ba thứ bố thí này đều trọn đủ. Giảng kinh thuyết pháp có ‘bố thí tài vật’, tài vật gì? Nội tài, nội tài là trí huệ, thể lực, đây là bố thí nội tài. Những gì nói ra là quan niệm và phương pháp, đây là ‘pháp bố thí’. Chúng sanh được pháp này, hiểu rõ pháp này, có thể lìa khỏi hết thảy âu lo, buồn rầu, khổ não, biết được con đường thoát ly luân hồi, đây là ‘vô úy bố thí’. Chư Phật, Bồ Tát làm ba thứ bố thí này. Bản thân các Ngài trì giới, ‘Trì giới’ tức là đúng như pháp, đời sống của Ngài có quy củ, Ngài thuyết pháp có lý luận, có thứ tự, chẳng có gì không đúng như pháp, như pháp chính là trì giới. ‘Nhẫn nhục’ là có tâm nhẫn nại, sanh nhẫn, pháp nhẫn, hết thảy chúng sanh chống lại, Phật, Bồ Tát có thể nhẫn, chẳng nề hà, chẳng giữ trong tâm. Ngày nay chúng ta nói những tai biến tự nhiên này cũng có thể nhẫn. Tu học Phật pháp cần phải có thời gian rất dài, phần cuối kinh Hoa Nghiêm có đoạn Thiện Tài đồng tử năm mươi ba lần tham vấn, tham học cũng rất cực nhọc, chẳng có một việc gì không thể nhẫn. Nói cách khác, Ngài có tâm nhẫn nại rất lớn nên Ngài có thành tựu to lớn. Thành tựu lớn nhỏ, nói thật ra là hoàn toàn tỷ lệ thuận theo tâm nhẫn nại, bạn có tâm nhẫn nại bao lớn thì bạn sẽ có thành tựu lớn bấy nhiêu, nếu bạn chẳng có tâm nhẫn nại thì thành tựu của bạn sẽ chẳng thể tiến triển thêm. Thế nên Nhẫn nhục xong thì mới có Tinh tấn.

‘Tỳ Ly Da’ là ‘Tinh tấn’. Tấn là tiến bộ, tinh là tinh thuần; ‘Tinh’ hoàn toàn là nói về vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; vọng tưởng, phân biệt, chấp trước ngày càng ít, đây là ‘Tinh’. Trí huệ, đức năng ngày càng sáng tỏ, càng nhiều, đây là tiến bộ. ‘Thiền định’ là trong tâm có chủ tể, chẳng bị lay động bởi hết thảy. Hiện nay đồng tu học Phật, chúng ta được Phật pháp thật sự chẳng dễ, pháp môn vô thượng hy hữu, đắc lực ở chỗ Tổ Tổ truyền thừa, chúng ta gặp được thiện tri thức mới biết được, mới hiểu được. Chẳng gặp chân thiện tri thức thì pháp môn này bày trước mặt bạn, bạn chẳng biết quý, gặp rồi mà bỏ lỡ, bạn nói như vậy đáng tiếc biết bao. Trong hết thảy pháp môn, pháp môn Tịnh Ðộ thù thắng bậc nhất, có bao nhiêu người biết được? Bao nhiêu người có thể hiểu rõ triệt để? Chỉ có hiểu rõ thật sự thì mới có thể sanh khởi lòng tin, cứu độ chúng sanh thời Mạt pháp. Thời Mạt pháp còn chín ngàn năm, phương pháp gì có thể độ những chúng sanh khổ nạn này? Chỉ có pháp môn Niệm Phật, pháp môn Niệm Phật y cứ vào kinh thứ nhất là kinh Vô Lượng Thọ.

Kinh Vô Lượng Thọ được dịch tổng cộng mười hai lần tại Trung Quốc, có mười hai bản dịch gốc. Lúc Thế Tôn còn tại thế đã giảng nhiều lần nên nguyên văn có rất nhiều bản khác nhau. Chúng ta phải coi hết những bản kinh này mới có thể nhận thức Tây Phương Cực Lạc thế giới rõ ràng, mới có thể kiên định tín nguyện, việc này rất quan trọng! Nhưng muốn gộp chung những bản dịch gốc này lại để xem thì thời đại hiện nay chẳng dễ, huống gì là thời xưa! Thế nên việc hội tập rất cần thiết. Người hội tập lần đầu tiên là cư sĩ Vương Long Thư, là một vị tại gia, bản hội tập của Ngài được ghi vào Ðại Tạng Kinh. Chư vị phải biết những tác giả, tác phẩm có thể ghi vào Ðại Tạng đều được sự thừa nhận của bốn chúng đệ tử trong Phật môn, khẳng định chẳng có sai lầm mới được ghi vào Ðại Tạng. Chẳng phải những trứ tác thông thường đều có thể ghi vào Ðại Tạng Kinh, phải được sự tiến cử của cao tăng đại đức đương thời, gởi cho nhà vua coi, hoàng đế phê chuẩn xong mới có thể ghi vào Tạng kinh, chứng minh trứ tác này chẳng có sai lầm.

Tổ Liên Trì của Tịnh Ðộ Tông chú giải Di Ðà Kinh Sớ Sao, những đoạn trích dẫn kinh Vô Lượng Thọ có hai phần ba là dùng bản ‘Ðại A Di Ðà Kinh’ của cư sĩ Long Thư, tức là bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ, như vậy là đại sư Liên Trì thừa nhận và khẳng định. Bồ Tát Long Thư tự mình đích thật niệm Phật đứng mà vãng sanh, nếu Ngài hội tập chẳng đúng, tạo tội lỗi thì Ngài làm sao có thể đứng vãng sanh? Việc này nói rõ công đức của Ngài vô lượng vô biên. Nhưng bản hội tập của cư sĩ Long Thư chỉ bao gồm bốn bản dịch gốc. Hội Kinh Vô Lượng Thọ trong kinh Ðại Bảo Tích đời Ðường, cư sĩ Long Thư chẳng xem qua nên bản hội tập của Ngài cũng chưa viên mãn. Nhiều người trong các đời sau chú ý đến vấn đề này, Bành Tế Thanh đầu đời Thanh đã làm một bản tiết hiệu, chẳng phải hội tập. Năm Hàm Phong, cư sĩ Ngụy Nguyên hội tập thành một bản nhưng những chỗ lấy – bỏ đều chẳng thích hợp, đại sư Ấn Quang có lời phê bình bản này. Thế nên đến những năm đầu Dân Quốc, cư sĩ Hạ Liên Cư phải làm một bản hội tập viên mãn nhất. Hạ lão cư sĩ là người tái lai, chẳng phải người thường. Có người nói với tôi từ bức ảnh của Ngài nhìn thấy thân thể Ngài trong suốt, việc này nói cho tôi biết Ngài chẳng phải người thường, là người tái lai, là Phật, Bồ Tát tái lai, đến để cứu độ chúng sanh thời Mạt pháp.

Tương lai kinh điển Tịnh Tông đến thời Phật pháp diệt tận, kinh Vô Lượng Thọ còn được lưu lại trên thế gian một trăm năm. Những đại đức đương thời như lão pháp sư Huệ Minh, lão pháp sư Từ Châu bên Luật Tông, lão cư sĩ Mai Quang Hy đều khẳng định tương lai bản kinh cuối cùng được lưu truyền một trăm năm chính là bản hội tập này. Bản này là bản hội tập những bản in gốc của kinh Vô Lượng Thọ hợp thành, nếu chư vị không tin thì có thể lấy năm bản dịch gốc ra đối chiếu, đừng hủy báng nữa, đừng kỳ thị nữa, tạo nên tội nghiệp vô lượng vô biên. Nếu bạn nói lão cư sĩ Hạ Liên Cư là một cư sĩ, cư sĩ chẳng có khả năng để hội tập, thế thì bạn hãy xuất gia, bạn hãy hội tập xem. Vương Long Thư là cư sĩ, Ngụy Mặc Thâm cũng là cư sĩ, những công tác hội tập từ đời Tống đến Dân Quốc đều do cư sĩ tại gia làm, đại sư Liên Trì là Tổ sư, là người xuất gia, đã khẳng định, thừa nhận. Những lời hủy báng bản hội tập này đều là thiên kiến của cá nhân, thật rất đáng tiếc!

Hiện nay ở Tân Gia Ba chúng tôi phát tâm giảng rõ bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ của lão cư sĩ Hạ Liên Cư thêm một lần, nội dung giảng lần này phải rõ hơn những lần giảng trước gấp nhiều lần. Nếu chúng ta không hiểu rõ triệt để Lý Sự, nhân quả của Tịnh Tông, trong tâm chẳng có chủ ý, niệm Phật được vài năm, gặp một người lại nói những câu bóng gió như vầy: ‘Tôi nghe nói chẳng cần phải niệm Phật nhiều như vậy, cũng chẳng cần phải trì giới, chẳng cần phải ăn chay, chỉ cần phát nguyện vãng sanh thì cũng được!’. Câu này đề xướng việc gì? Ðề xướng ‘Bổn Nguyện Niệm Phật’, như vậy là hại chết người ta! Họ chiếu theo nguyện thứ mười tám trong bốn mươi tám nguyện của đức Phật A Di Ðà ghi trong kinh Vô Lượng Thọ, lúc lâm chung một niệm, mười niệm cũng có thể vãng sanh. Lúc bình thường chuyện xấu xa gì đều làm cũng chẳng sao, đến lúc lâm chung niệm mười niệm, A Di Ðà Phật liền đến tiếp dẫn thì được vãng sanh. Lời này nói chẳng sai nhưng lúc lâm chung đầu óc của bạn có tỉnh táo, rõ ràng không? Nếu lúc lâm chung bạn bất tỉnh nhân sự, mê man ngớ ngẩn, dù cao tăng đại đức đến hộ niệm thì bạn cũng chẳng thể vãng sanh. Người hiện nay chẳng có công phu định lực, nghe lời gạt gẫm chứ chẳng nghe lời khuyên lơn, nhận đồ giả chứ chẳng nhận đồ thật. Kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ, thời đại hiện nay của chúng ta ‘Tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng’. Bạn đừng nghe theo những người đến từ bên ngoài, ‘hòa thượng bên ngoài biết niệm kinh’, coi thường người bổn xứ, mê theo, tin theo người đến từ nơi khác, bạn sẽ bị lầm, sai lầm quá đỗi! Hy vọng đồng tu niệm Phật phải quay lại, y theo lời dạy của lão pháp sư Ấn Quang: ‘Tận lực giữ trọn luân thường, Làm tròn bổn phận, Ngăn ngừa tà ác, Giữ tâm tánh chân thành, Tín nguyện niệm Phật, Cầu sanh Tịnh Ðộ’, được vậy thì đời này của chúng ta mới được độ. Thế nên ‘Thiền định’ là trong tâm có chủ tể, chẳng nghe lời đồn đãi.

Trì Giới Niệm Phật nhất định là chính xác, chẳng ăn thịt chúng sanh là tâm từ bi, bạn xem cách tiêu biểu pháp ở phía trước, mười vầng mây sáng, tiếp theo sau Ðại Viên Mãn là Ðại Từ Bi, Phật pháp lấy ‘từ bi làm gốc’, bạn làm sao xả bỏ căn bản được! Quên mất căn bản thì làm sao vãng sanh được! Niệm câu A Di Ðà Phật này, như thế nào gọi là ‘niệm’? Rất ít người hiểu việc này, bạn chỉ biết niệm trong miệng, chẳng dùng được. Người xưa nói một ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, có miệng niệm chứ không có tâm niệm, hét bể cổ họng cũng uổng công. Bạn có thể vãng sanh không? Hai chữ Bổn Nguyện giảng không sai, họ chẳng giảng rõ ràng, tâm của bạn, nguyện của bạn, hạnh của bạn phải hoàn toàn giống đức Phật A Di Ðà, sau đó niệm một câu thì một câu tương ứng, niệm mười tiếng thì mười tiếng tương ứng. Nếu tâm bạn, nguyện của bạn hoàn toàn trái nghịch với Phật, bạn niệm mười vạn tiếng cũng chẳng tương ứng. Tín – Nguyện – Giải – Hạnh của A Di Ðà Phật ở đâu? Trong kinh Vô Lượng Thọ.

Tôi giảng kinh, nói chín phẩm vãng sanh, cách nói của tôi cùng với cách nói của đại đức thời xưa có chỗ khác nhau, nhưng ý nghĩa chẳng khác, nghe cách nói của tôi thì mọi người dễ hiểu hơn. Pháp môn Tịnh Tông cũng chẳng trái nghịch giáo lý: ‘Tín – Giải – Hành – Chứng’. Pháp môn khác phải Giải (hiểu rõ lý luận) xong rồi mới Hành, pháp môn Tịnh Ðộ phương tiện, tức là bạn có thể Hành trước, vừa Hành vừa Giải, chẳng phải dạy bạn chỉ có Hành chẳng có Giải; là dạy bạn vừa Hành, vừa cầu Giải. Chỉ có Hành chứ không Giải cũng được, chúng ta thấy rất nhiều cụ già chẳng hiểu kinh giáo, cũng chẳng nghe kinh, một câu A Di Ðà Phật niệm đến cùng, lúc vãng sanh đứng, ngồi mà vãng sanh, chúng ta đều đã thấy được. Họ là hạng người như thế nào? Họ là những người thật thà. Thật thà là như thế nào? Bạn nói với họ bất cứ chuyện gì, họ đều nghe lời, họ chắc thật niệm câu A Di Ðà Phật, họ là hạng người thật thà. Người thật thà rất ít, quá ít quá ít, trong một vạn người may ra có một, hai người thật thà như vậy. Cả ngày từ sáng đến tối luôn khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là chẳng thật thà, người chẳng thật thà nhất định phải cầu Giải. Rõ ràng lý luận rồi, hiểu rõ phương pháp rồi thì niệm câu Phật hiệu này mới được tương ứng. Cứ nhẹ dạ, cứ nghe lời đồn đãi, tà thuyết là không thật thà; đến cuối cùng đánh mất nhân duyên vãng sanh thù thắng ngay trong đời này của chúng ta, bạn nói như vậy có đáng tiếc không! Nhất định đừng nghe lời đồn đãi, trong tâm phải có chủ ý, như vậy là ‘Thiền Ba La Mật’.

‘Bát Nhã Ba La Mật’ là trí huệ, tức là đối với hết thảy Lý, Sự đều rõ ràng minh bạch. Tuy rõ ràng, minh bạch nhưng tuyệt đối không chấp trước, tuyệt chẳng phân biệt, đó là chân trí huệ. Ðây là tổng cương lãnh tự hành hóa tha của hết thảy chư Phật Như Lai. Vì người diễn nói, biểu diễn là biểu diễn những thứ này, khuyến đạo hết thảy chúng sanh đều là những cương lãnh này. Xem tiếp:

Từ Bi âm, Hỷ Xả âm.
慈悲音。喜捨音。
Tiếng Từ Bi, tiếng Hỷ Xả.

‘Từ, Bi, Hỷ, Xả’ gọi là ‘Tứ Vô Lượng Tâm’, đây là khoa mục tu chính yếu của người ở trời Tứ Thiền, cõi Sắc Giới. Tham thiền mà chẳng có Từ, Bi, Hỷ, Xả thì chẳng thể sanh lên cõi trời Tứ Thiền. Công phu thiền định có giỏi cách mấy cũng chỉ có thể sanh đến trời Dục Giới, chẳng thể sanh đến Tứ Thiền, thế nên nhất định phải tu Từ, Bi, Hỷ, Xả. ‘Từ’ nghĩa là gì? Chúng ta hiện nay chẳng có, nhất định phải học tập. ‘Từ’ là vui, vui vẻ giúp đỡ người khác. ‘Bi’ là nhìn thấy người ta khổ, giúp họ lìa khổ, như vậy gọi là Bi. Giúp đỡ người ta được vui thì gọi là Từ. Hỷ là tâm hoan hỷ, nhìn thấy người khác lìa khổ được vui thì sanh tâm hoan hỷ, đó là ‘Tùy hỷ công đức’. Một số người mê hoặc điên đảo trong thế gian thấy người khác có được điều tốt lại sanh tâm đố kỵ, như vậy là sai. Ðố kỵ sẽ chịu tổn hại to lớn, hại chính mình, thế nên ‘Hỷ’ là chuyển tâm đố kỵ trở lại, chẳng có tâm đố kỵ, chỉ có tâm tùy hỷ. ‘Xả’ là buông xuống hết thảy, không chấp trước hết thảy.

Giải Thoát âm.
解脫音。
Tiếng Giải Thoát.

Giúp đỡ hết thảy chúng sanh đoạn phiền não, thoát khỏi Tam Giới, đây là tiếng Giải thoát.

Vô Lậu âm.
無漏音。
Tiếng Vô Lậu.

Tức là Thanh Tịnh âm. ‘Lậu’ là danh từ thay thế cho phiền não, ‘Vô Lậu’ là phiền não đoạn dứt, phiền não chẳng sanh.

Trí huệ âm, Ðại Trí huệ âm.
智慧音。大智慧音。
Tiếng Trí huệ, tiếng Ðại Trí huệ.

Ðây là hai trí Quyền, Thật. Phật pháp dùng Trí huệ làm mục tiêu chung cực cho sự giáo học, trong Tam Học: Nhờ Giới được Ðịnh, nhờ Ðịnh được khai trí huệ. Trong kinh đức Phật dạy chúng ta: ‘Bát Nhã có thể sanh trí huệ’, Bát Nhã chính là Thật Tướng Trí huệ. Còn Trí huệ chính là hai trí Quyền, Thật. Chư Phật, Bồ Tát dùng hai thứ trí huệ này giúp đỡ hết thảy chúng sanh, và giúp chúng sanh đều khai mở hai trí huệ này.

Sư Tử Hống âm, Ðại Sư Tử Hống âm.
師子吼音。大師子吼音。
Tiếng Sư Tử Hống, tiếng Ðại Sư Tử Hống.

Ðây là thí dụ, thí dụ oai đức của Phật, Bồ Tát thuyết pháp, dạy học giống như tiếng Sư tử hống, dùng Sư tử ví Bồ Tát, dùng Ðại Sư tử ví Phật. Bồ Tát có thể dạy người Tam Thừa; Phật có thể dạy hết thảy chúng sanh, kể cả Ðẳng Giác Bồ Tát, thế nên xưng là Ðại Sư tử.

Vân Lôi âm, Ðại Vân Lôi âm.
雲雷音。大雲雷音。
Tiếng Mây Sấm, tiếng Mây Sấm Lớn.

Ðây là thí dụ. Vân có thể trút mưa, trút là đổ. Lôi là sấm chớp, có thể chấn động tâm người, thí dụ oai lực, thí dụ sức chấn động của nó. Phật, Bồ Tát thuyết pháp có thể chấn động hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng sanh; pháp của Phật nói ví như mưa pháp, trút xuống đồng đều khắp nơi, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước. Giống như trong kinh Pháp Hoa nói lúc mưa rơi xuống, cây lớn hấp thụ nước nhiều, cọng cỏ hấp thụ nước ít, mưa chẳng có phân biệt cho người này nhiều một chút, cho người kia ít một chút, là do căn tánh của con người khác nhau. Thế nên hết thảy chúng sanh nghe Phật thuyết pháp, người căn tánh nhỏ được lợi ích nhỏ, người căn tánh lớn đạt được lợi ích lớn. Người thiện căn sâu dày ngộ nhập sâu, người thiện căn cạn cợt ngộ nhập cạn, chẳng phải Phật có phân biệt, chúng sanh căn tánh chẳng giống nhau nên mới có các hiện tượng sai khác. Ðây là dùng ‘vân lôi’ để thí dụ, thí dụ Phật thuyết pháp đều phổ biến, chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, thí dụ oai đức của Phật thuyết pháp có thể làm cho hết thảy chúng sanh giác ngộ. Lại xem phần kinh văn tiếp theo:

Xuất như thị đẳng bất khả thuyết bất khả thuyết âm dĩ.
出如是等不可說不可說音已。
Nói ra những âm thanh bất khả thuyết bất khả thuyết như vậy xong.

Câu này tổng kết âm thanh thuyết pháp.

Sa Bà thế giới cập tha phương quốc độ, hữu vô lượng ức thiên long quỷ thần, diệc tập đáo Ðao Lợi thiên cung.
娑婆世界及他方國土。有無量億天龍鬼神。亦集到忉利天宮。
Thế giới Sa Bà và những cõi nước ở phương khác có vô lượng ức trời, rồng, quỷ, thần đều tụ đến Ðao Lợi thiên cung.

Âm thanh thuyết pháp của Phật quả nhiên có hiệu quả, chấn động cả hư không pháp giới, chẳng phải chỉ có thế giới Sa Bà chúng ta. Sa Bà thế giới là khu vực giáo hóa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đây là một đại thiên thế giới. ‘Tha phương quốc độ’ là những cõi nước ở ngoài Sa Bà, hết thảy cõi nước chư Phật đều bị chấn động. Những chúng sanh có duyên ở mười phương thế giới, có duyên với ai? Có duyên với đức Phật Thích Ca Mâu Ni, với Ðịa Tạng Bồ Tát. Vì pháp hội lần này muốn tuyên dương Ðịa Tạng Bồ Tát tu nhân chứng quả, các thứ công đức độ hóa chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn. Đặc biệt là đối với những chúng sanh có duyên với Ðịa Tạng Bồ Tát trong mười phương vô lượng vô biên cõi nước, thiên long quỷ thần cũng đến Ðao Lợi thiên cung để tham dự pháp hội này. Thế nên pháp hội lần này có Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác. Kinh văn phía sau nói với chúng ta thiên long, thần chúng, quỷ vương toàn bộ đều đến, pháp hội này thiệt là vô cùng thù thắng, chúng ta xem đoạn kinh tiếp theo:

Sở vị Tứ Thiên Vương thiên, Ðao Lợi thiên, Tu Diệm Ma thiên, Ðâu Suất Ðà thiên, Hóa Lạc thiên, Tha Hóa Tự Tại thiên.
所謂四天王天。忉利天。須焰摩天。兜率陀天。化樂天。他化自在天。
Ðó là cõi trời Tứ Thiên Vương, cõi trời Ðao Lợi, cõi trời Tu Diệm Ma, cõi trời Ðâu Suất Ðà, cõi trời Hóa Lạc, cõi trời Tha Hóa Tự Tại.

Ðoạn này nói về cõi Trời Dục Giới. Dục Giới có sáu tầng, vì thời gian có hạn chúng ta chẳng thể nói kỹ về đoạn này. Pháp sư Thánh Nhất lần trước đã giảng kinh Ðịa Tạng ở Cửu Hoa Sơn, Ngài có giảng ký, giảng ký này đơn giản rõ ràng, đều có giới thiệu sơ lược. Ở đây tôi chỉ giới thiệu cõi trời Tứ Thiên Vương, giới thiệu cho quý vị một cõi. Tứ đại thiên vương, dân gian Trung Quốc tục gọi là Tứ Ðại Kim Cang, khi đến chùa miếu xem, tượng của các Ngài thường được đặt ngay cửa cổng chính giống như bảo vệ vậy, đây là thần hộ pháp, thật ra là ‘Tứ Thiên Vương thiên’, Tứ đại thiên vương đích thực trong nhà Phật đại biểu cho hộ pháp. Trong Thiên Vương điện có cung phụng Tứ đại thiên vương, đồng thời cũng cung phụng Di Lặc Bồ Tát; Di Lặc Bồ Tát ở cõi trời Ðâu Suất, là Hậu Bổ Phật của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tại sao cúng Di Lặc Bồ Tát ở điện Thiên Vương? Vả nữa, tượng của Di Lặc Bồ Tát chẳng giống với tượng Bồ Tát truyền thống của Ấn Ðộ, mà tạo hình giống hòa thượng Bố Ðại đời Tống ở Trung Quốc. Thời Nam Tống, hòa thượng Bố Ðại xuất hiện ở Phụng Hóa, Chiết Giang, Ngài mập mạp, cả ngày cười toe toét, luôn vác một bao vải trên lưng. Hòa thượng Bố Ðại từ nơi nào đến? Chẳng ai biết, và cũng chẳng ai biết Ngài tên gì, họ gì, cả ngày từ sáng đến tối Ngài luôn vác bao vải nên cái bao này trở thành dấu hiệu tượng trưng của Ngài, khi người ta nhìn thấy liền xưng Ngài là hòa thượng Bố Ðại, do đó hòa thượng Bố Ðại bèn nổi danh. Lúc viên tịch Ngài nói với mọi người rằng Ngài chính là hóa thân của Di Lặc Bồ Tát, vừa nói xong thì Ngài liền ngồi yên, thị tịch. Từ đó người Trung Quốc tạo tượng Di Lặc Bồ Tát giống như hình dáng của hòa thượng Bố Ðại.

Ngài biểu thị cái hình tướng này, nói thật ra trong kinh thường nói đệ tử Phật hóa hiện trên thế gian này đối với Phật pháp thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói; diễn là biểu diễn, Ngài hoàn toàn biểu diễn cho người ta xem, làm một gương tốt cho xã hội đại chúng, để cho người khác nhìn thấy có thể sanh tâm giác ngộ. Bụng to tượng trưng cho tánh đức bao dung, thị hiện bao dung; tâm lượng người thế gian quá nhỏ, chẳng thể bao dung người khác. Di Lặc Bồ Tát đại từ đại bi, Di Lặc là Từ Thị, đại biểu từ bi, thế nên thị hiện hình tướng này là có thể bao dung, Ngài có thể bao dung. Cái túi vải cũng có ý nghĩa bao dung, khi đến đâu người ta cúng dường cái gì Ngài đều bỏ vào túi vải này, chẳng phân biệt sang hèn, chẳng phân biệt tốt xấu, hết thảy đều bình đẳng bỏ vào túi.

Có người hỏi: ‘Kính thưa hòa thượng Bố Ðại, Phật pháp là gì?’. Ngài bèn buông túi vải xuống đất. Như vậy có ý nghĩa gì? ‘Buông xuống’; ai nhìn thấy cũng hiểu là buông xuống. Sau khi buông xuống rồi thì sao? Ngài vác túi vải lên và đi mất. Sau khi buông xuống, thì ‘nhấc lên’. Buông xuống nghĩa là trong tâm hoàn toàn chẳng có vướng mắc; nhấc lên cái gì? Vì xã hội đại chúng phục vụ. Chẳng có tâm riêng tư, hoàn toàn hiến dâng. Buông xuống nổi, nhấc lên được, là tượng trưng cho ý nghĩa này. Mặt luôn nở nụ cười tươi, chúng ta để hình tướng cười tươi của Ngài ở chỗ dễ nhìn thấy nhất, vừa bước vào cửa liền thấy Ngài, học theo Ngài phải buông xuống, nhấc lên nổi, phải học tánh đại từ đại bi của Ngài, luôn cười tươi, thường sanh tâm hoan hỷ, hoan hỷ tiếp dẫn hết thảy đại chúng, thế nên mới đặt hình tướng của Ngài ở Thiên Vương điện, như vậy chứa đựng ý nghĩa gì? Hộ pháp. Hộ cho ai? Hộ cái gì? Tiêu biểu cho ý nghĩa ‘Hộ từ bi tâm’. Bảo hộ tâm từ bi của mình, phải buông xuống, nhấc lên, đừng quên ý nghĩa này! Giữ cho mình thường sanh tâm hoan hỷ, tươi cười tiếp đón người ta. Hòa thượng Bố Đại biểu hiện tánh đức của chúng ta, phải hộ trì từ chỗ này. Bạn xem ý nghĩa này sâu sắc không, như vậy mới có tư cách vào cửa Phật. Bước vào cửa Phật cần phải có điều kiện gì? Phải có điều kiện này, thật sự buông xuống nổi, tâm địa thanh tịnh vô vi, chân chánh có thể nhấc lên, dùng Lục Ðộ giáo hóa hết thảy chúng sanh, tượng trưng cho ý nghĩa như vậy.

Tứ Thiên Vương: Ðông Phương Trì Quốc Thiên Vương tượng trưng ‘Làm tròn trách nhiệm’; Nam Phương Tăng Trưởng Thiên Vương tượng trưng cho ‘Cầu tiến bộ’, luôn cầu tiến, tuyệt chẳng lạc hậu; Tây Phương Quảng Mục Thiên Vương, Bắc Phương Ða Văn Thiên Vương tượng trưng ‘Học rộng nghe nhiều’. Người Trung Quốc có câu: ‘Ðọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường’, thành tựu cho học vấn, đức năng chân thật của mình, sau đó bạn mới có thể phục vụ xã hội, quốc gia, và hết thảy chúng sanh. Nếu bạn chẳng có trí huệ, đức năng thì bạn lấy gì để phục vụ! Là tượng trưng cho ý nghĩa này. Ý nghĩa vô cùng viên mãn, đây là ý nghĩa tượng trưng của Tứ Thiên Vương.

Trong kinh Phật nói cho chúng ta biết, thọ mạng của Thiên nhân là năm trăm tuổi. Một ngày trên cõi Tứ Vương Thiên bằng năm mươi năm ở cõi người chúng ta, một năm cũng có ba trăm sáu mươi ngày, năm mươi năm ở nhân gian bằng một ngày của họ nên thọ mạng của họ rất dài. Càng lên cao thì tăng gấp bội, thế nên thiên phước rất lớn.

Ðược rồi! Hôm nay chúng tôi giảng đến đây.

Trích trong:
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba
Tập 3-4

Bài viết liên quan

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 6

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 3: Quán chúng sanh nghiệp duyên tập 2

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 4

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 2: Phân thân tập hội tập 1

Thiện Quang

Ý nghĩa của chữ Kinh trong Phật Pháp

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 3: Quán chúng sanh nghiệp duyên tập 1

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 7

Thiện Quang

Cơ sở cho sự tu học Ðại Thừa

Thiện Quang

Ý nghĩa danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát

Thiện Quang

Leave a Comment