Kinh Địa Tạng phẩm 2: Phân thân tập hội tập 1
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện quyển thượng phẩm thứ 2: Phân thân tập hội tập 1 – Mục 1: Hóa Thân Cùng Quyến Thuộc.
Kinh văn: (Hán văn)
Nhĩ thời bách thiên vạn ức bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết, vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, sở hữu địa ngục xứ, phân thân Địa Tạng Bồ Tát, câu lai tập tại Đao Lợi thiên cung.
Dĩ Như Lai thần lực cố, các dĩ phương diện dữ chư đắc giải thoát tùng nghiệp đạo xuất giả, diệc các hữu thiên vạn ức na-do-tha số, cộng trì hương hoa lai cúng dường Phật.
Bỉ chư đồng lai đẳng bối, giai nhân Địa Tạng Bồ Tát giáo hóa, vĩnh bất thoái chuyển ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Thị chư chúng đẳng cửu viễn kiếp lai, lưu lãng sanh tử lục đạo thọ khổ tạm vô hưu tức. Dĩ Địa Tạng Bồ Tát quảng đại từ bi thâm thệ nguyện cố, các hộ quả chứng.
Ký chí Đao Lợi, tâm hoài dũng dược chiêm ngưỡng Như Lai, mục bất tạm xả.
Dịch: (Bản dịch của HT Thích Trí Tịnh)
Lúc đó phân thân Địa Tạng Bồ Tát ở các nơi có địa ngục trăm nghìn muôn ức bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết, vô lượng vô số thế giới đều đến hội họp tại cung trời Đao Lợi.
Do nhờ thần lực của Như Lai, phân thân đó hiệp với những chúng đã được giải thoát ra khỏi chốn nghiệp đạo ở mười phương, cũng đều đông đến số nghìn muôn ức na do tha, đồng cầm hương hoa đến cúng dường Phật.
Những chúng cùng đến với phân thân đó, thảy đều nhờ Địa Tạng Bồ Tát giáo hóa làm cho trụ nơi đạo Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác trọn không còn thối chuyển.
Những chúng đó từ kiếp lâu xa đến nay trôi lăn trong vòng sanh tử ở trong sáu đường, chịu những điều khổ sở không có lúc nào tạm ngừng dứt, nhờ lòng từ bi lớn và thệ nguyện sâu dày của Ngài Địa Tạng Bồ Tát, nên tất cả đều chứng được đạo quả.
Đại chúng đó khi đã đến cung trời Đao Lợi, lòng họ vui mừng hớn hở, chiêm ngưỡng đức Như Lai mắt nhìn mãi không rời.
————————————–
Nhĩ thời bách thiên vạn ức bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết, vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, sở hữu địa ngục xứ, phân thân Ðịa Tạng Bồ Tát, câu lai tập tại Ðao Lợi thiên cung.
爾時百千萬億不可思。不可議。不可量。不可說。無量阿僧祇世界。所有地獄處分身地藏菩薩。俱來集在忉利天宮
Lúc đó phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát từ những chỗ có địa ngục ở số trăm ngàn vạn ức chẳng thể nghĩ, chẳng thể bàn, chẳng thể tính, chẳng thể nói vô lượng a-tăng-kỳ thế giới đều đến tụ hội tại cung trời Ðao Lợi.
Chư vị có thấy ý hướng thật sự của đoạn kinh văn này ở đâu không? ‘Nhĩ thời’ là lúc đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở cung trời Ðao Lợi, lúc mở pháp hội này; lúc chư Phật Như Lai, Bồ Tát từ mười phương thế giới, đại chúng vân tập; Thế Tôn cùng Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát một người hỏi, một người đáp ở cuối đoạn này. Con số nêu ở đây thật là một con số ‘thiên văn’, chẳng có biện pháp chi tính nổi. ‘Trăm ngàn vạn ức chẳng thể nghĩ, chẳng thể bàn, chẳng thể tính, chẳng thể nói’, sau đó là ‘vô lượng a-tăng-kỳ thế giới’; thế giới vô biên, chúng sanh vô tận. ‘Những chỗ có địa ngục, phân thân Ðịa Tạng’, Kim Ðịa Tạng ở Cửu Hoa Sơn của chúng ta cũng là một trong những phân thân của Ngài, vô lượng vô biên phân thân, ‘đều đến tụ hội ở cung trời Ðao Lợi’. Chư vị phải biết đây là để nói rõ những người tạo tội nghiệp đọa địa ngục nhiều như vậy nên Ðịa Tạng Bồ Tát mới phân thân, phân ra nhiều thân như vậy, [từ việc này] bạn mới biết có bao nhiêu địa ngục! Thế gian này có bao nhiêu người tạo tội nghiệp địa ngục! Ý tứ chính là ở chỗ này. Thế nên nhìn thấy hiện tượng này thật đáng sợ vô cùng! Tại sao chúng sanh tạo tội nghiệp? Vì chẳng có người dạy, hết thảy chúng sanh đều có thiện căn, đều có tâm hướng thiện, tiếc là chẳng có người hướng dẫn, chẳng có người giúp đỡ. Trong kinh này dụng ý chân chánh của Phật chính là dạy chúng ta phải học theo Ðịa Tạng Bồ Tát, phải làm phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát. Chúng ta có thể phát nguyện, có thể tự làm gương mẫu, hướng dẫn, luôn luôn khuyên hết thảy chúng sanh đoạn ác tu thiện, đây là tâm của Ðịa Tạng Bồ Tát, nguyện của Ðịa Tạng Bồ Tát, hạnh của Ðịa Tạng Bồ Tát.
Tứ chúng đồng tu phải nhớ làm gương cho đại chúng ở mọi nơi, ở nhà thì làm gương cho gia đình, ở đạo tràng này thì làm gương cho tứ chúng đồng tu ở đây. Ðừng nói người kia không làm thì tại sao tôi phải làm? Nói vậy là bạn sai rồi. Người đó đọa địa ngục, tại sao tôi không đọa địa ngục? Không phải là ý nghĩa này sao? Ông đó đọa địa ngục, tôi phải cứu ông đó, làm sao tôi cứu ông được? Tôi làm gương mẫu cho ổng thấy, như vậy mới đúng. Ổng tham tiền tài, tại sao tôi không tham? Ổng tranh đoạt quyền lợi, tại sao tôi không tranh? Ðây là làm một hình tượng địa ngục, kéo hết mọi người vô địa ngục, như vậy là sai rồi. Chúng ta nhìn thấy người ta đọa địa ngục, chúng ta phải nêu gương tốt ‘làm thế nào thoát ly địa ngục, siêu việt biển khổ’, như vậy mới đúng. Người khác tham tài, tranh đoạt lợi lộc, rất nhiều người làm, tất cả người trên thế giới đều làm nhưng tôi, cá nhân tôi không làm. Người làm thì mê hoặc điên đảo, người chẳng làm thì giác ngộ, quay về, phải hiểu đạo lý này. Ở thế giới này dùng miệng để khuyên người rất khó! Bạn khuyên người ta làm, nhưng tại sao bạn không làm? Làm sao người ta tin được? Nhất định tự mình phải làm được thì mới có thể khơi gợi được lòng tin của người khác, mới có thể dẫn dắt người ta hướng thiện, nhất định phải đích thân thực hành. Phật dạy Thánh nữ Bà La Môn như vậy, cũng tức là dạy chúng ta, nhất định phải hết lòng, quay về, dũng mãnh tinh tấn. Xem đoạn kinh kế tiếp:
Dĩ Như Lai thần lực cố, các dĩ phương diện dữ chư đắc giải thoát tùng nghiệp đạo xuất giả, diệc các hữu thiên vạn ức na-do-tha số, cộng trì hương hoa lai cúng dường Phật.
以如來神力故。各以方面與諸得解脫從業道出者。亦各有千萬億那由他數。共持香華來供養佛。
Do nhờ thần lực của Như Lai, phân thân từ mỗi phương cùng những chúng đã được giải thoát khỏi chốn nghiệp đạo đông đến số ngàn muôn ức na-do-tha cùng cầm hương hoa đến cúng dường Phật.
Ðoạn văn này nói đại chúng cùng đến với Ðịa Tạng Bồ Tát, đại chúng này thật ra là những vị tiếp nhận sự giáo hóa của Ðịa Tạng Bồ Tát và đã giác ngộ rồi, trong kinh Hoa Nghiêm gọi họ là Ðại Tâm Phàm Phu. Hôm nay phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát đều tụ hội đến Ðao Lợi Thiên Cung, những Ðại Tâm phàm phu này thoát thân từ địa ngục cũng theo Ðịa Tạng Bồ Tát đến cung trời Ðao Lợi để yết kiến đức Phật. Ðại hội ở Ðao Lợi Thiên Cung hôm ấy vô cùng thù thắng, vì sao? Hết thảy chư Phật Như Lai đều ở chỗ đó, sự cúng Phật này vô cùng viên mãn. Ðại chúng ở Cực Lạc thế giới, vãng sanh về Cực Lạc thế giới phải phân thân đến các cõi nước chư Phật ở khắp hư không pháp giới để cúng dường, nghe pháp. Hôm nay chư Phật Như lai đều tụ tập ở giảng đường này, họ chẳng cần phân thân đến các cõi nước, những Ðại Tâm phàm phu này đến cùng Ðịa Tạng Bồ Tát có phước báo to lớn, ở một nơi cùng lúc có thể cúng dường hết thảy chư Phật Như Lai, việc này thù thắng biết bao! Còn thù thắng hơn Cực Lạc thế giới nữa! Từ chỗ này chúng ta mới thể hội được sự thù thắng của Ðịa Tạng pháp môn, tu học Ðịa Tạng thù thắng, chỗ nào cũng hiển thị hạng nhất, siêu việt Cực Lạc thế giới, đây là đại căn đại bổn của hết thảy pháp môn. Họ đều cầm hương hoa đến cúng dường Phật, ‘hương hoa’ là tiêu biểu pháp, ‘hương’ tiêu biểu cho lòng tin thanh tịnh, ‘hoa’ tiêu biểu cho y giáo phụng hành, ‘hoa’ tượng trưng cho ‘nhân’, tu nhân chứng quả, đây là tiêu biểu ‘như giáo tu hành cúng dường’, như vậy mới là chân chánh cúng dường. Xin xem tiếp kinh văn:
Bỉ chư đồng lai đẳng bối, giai nhân Ðịa Tạng Bồ Tát giáo hóa, vĩnh bất thoái chuyển ư A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề.
彼諸同來等輩。皆因地藏菩薩教化。永不退轉於阿耨多羅三藐三菩提。
Những chúng cùng đến ấy đều nhờ Ðịa Tạng Bồ Tát giáo hóa, làm cho vĩnh viễn chẳng thoái chuyển nơi A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề.
Ở đây Phật dạy chúng ta, nói với chúng ta, những đại chúng cùng đến với Ðịa Tạng Bồ Tát có thể tham dự hội kinh ở cung trời Ðao Lợi, đều tiếp nhận sự giáo hóa của Ðịa Tạng Bồ Tát được sanh Tín Căn, chúng ta gọi là Ngũ Căn, Ngũ Lực: ‘Tín, Tấn, Niệm, Ðịnh, Huệ’. Họ có căn, cái này rất quý, có căn mới vĩnh viễn chẳng thoái chuyển nơi Vô Thượng Bồ Ðề. Tín căn của những người này thành tựu xong, niệm niệm đều hướng về Vô Thượng Bồ Ðề, hết thảy pháp trong thế gian và xuất thế gian đều chẳng lưu luyến, chỉ tìm cầu Vô Thượng Bồ Ðề.
Thị chư chúng đẳng cửu viễn kiếp lai, lưu lãng sanh tử lục đạo thọ khổ tạm vô hưu tức.
是諸眾等久遠劫來。流浪生死六道受苦暫無休息。
Những chúng sanh này từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, trôi lăn trong sanh tử, chịu khổ trong sáu đường, chưa từng tạm ngưng.
Nói những phàm phu này, những Ðại Tâm phàm phu này, kể lại lúc trước trong sáu nẻo luân hồi, nói thật ra chính là nhóm người chúng ta, mệt mỏi sanh tử chưa từng nghỉ ngơi qua.
Dĩ Ðịa Tạng Bồ Tát quảng đại từ bi thâm thệ nguyện cố, các hộ quả chứng.
以地藏菩薩廣大慈悲深誓願故。各獲果證。
Nhờ lòng từ bi quảng đại và thệ nguyện sâu dầy của Ðịa Tạng Bồ Tát, nên tất cả đều chứng được quả vị.
Câu này nói về nhân duyên được độ. Nương nhờ lời dạy từ bi và các thứ phương tiện của Ðịa Tạng Bồ Tát, hiển thị câu ‘từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa’ thường nói đến trong Phật pháp, Ðịa Tạng Bồ Tát là tâm đại từ bi. Chủng chủng phương tiện là nói sự khéo léo của Ngài, vì chúng sanh làm ra nhiều thị hiện; nói cách khác: Vì chúng sanh làm ra những hình tượng khác nhau. Làm cho hết thảy chúng sanh thấy sắc, nghe âm thanh, tiếp xúc những hình tượng này có thể cảm nhận và tỉnh ngộ, biết quay về, đây chính là thiện xảo phương tiện của Bồ Tát. Thế nên Bồ Tát vì chúng sanh làm thầy, làm mô phạm, hướng dẫn, sau khi họ tiếp xúc liền tỉnh ngộ và quay về tu hành chứng quả. Tuy quả vị này chẳng giống những quả vị thường nói như Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, mà là ‘quả vị’ Ðại Tâm Phàm Phu, việc này vô cùng quý báu. Bồ Ðề tâm được sanh khởi, phiền não chưa đoạn thì gọi là Ðại Tâm phàm phu.
Ký chí Ðao Lợi, tâm hoài dũng dược chiêm ngưỡng Như Lai, mục bất tạm xả.
既至忉利。心懷踊躍瞻仰如來。目不暫捨。
Khi đến cung trời Ðao Lợi, lòng họ vui mừng hớn hở chiêm ngưỡng đức Như Lai, mắt nhìn mãi không rời.
Hình dung nhóm người này, khi đến cung trời Ðao Lợi vui mừng hớn hở, hoàn toàn biểu lộ ra ngoài, hiển lộ lòng cảm ân. Cảm kích sự giáo huấn của Ðịa Tạng Bồ Tát, cảm kích ân đức của chư Phật nhiếp thọ, hoàn toàn hiển lộ chẳng giữ lại. Hãy xem tiếp kinh văn:
Nhĩ thời Thế Tôn thư kim sắc tý, ma bách thiên vạn ức bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết vô lượng a-tăng-kỳ thế giới chư phân thân Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát đảnh.
爾時世尊舒金色臂。摩百千萬億不可思。不可議。不可量。不可說無量阿僧祇世界諸分身地藏菩薩摩訶薩頂。
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn đưa cánh tay sắc vàng xoa đảnh các phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát trong trăm ngàn vạn ức chẳng thể nghĩ, chẳng thể bàn, chẳng thể tính, chẳng thể nói vô lượng a-tăng-kỳ thế giới.
Ý nghĩa này, nói nhiều con số này, ý tứ vô cùng sâu dầy! Hiển thị chúng sanh ở mười phương thế giới tạo vô lượng vô biên ác nghiệp, ý nghĩa chân chánh là ở chỗ này. Cho nên Ðịa Tạng phải phân nhiều thân như vậy để giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn ấy. Ðịa Tạng Bồ Tát phân thân càng nhiều, chúng ta mới biết địa ngục càng nhiều; biết địa ngục càng nhiều thì biết số người tạo tội nghiệp địa ngục, chịu khổ báo địa ngục càng nhiều. Ở Ðao Lợi thiên cung, Thế Tôn an ủi Ðịa Tạng Bồ Tát, xoa đảnh xong.
Nhi tác thị ngôn:
而作是言。
Rồi nói rằng:
Xoa đảnh là an ủi. Phật nói:
Ngô ư ngũ trược ác thế, giáo hóa như thị cang cường chúng sanh, lịnh tâm điều phục xả tà quy chánh. Thập hữu nhất nhị thượng ác tập tại.
吾於五濁惡世。教化如是剛強眾生。令心調伏捨邪歸正。十有一二尚惡習在。
Ta ở trong đời ác Ngũ Trược giáo hóa những chúng sanh ương ngạnh như vậy, làm cho tâm họ điều phục, bỏ tà về chánh. Trong mười phần còn một, hai phần vẫn theo thói ác.
Ðây là lúc đức Phật Thích Ca Mâu Ni phó chúc Ðịa Tạng Bồ Tát ở thiên cung, trách nhiệm của Ðịa Tạng Bồ Tát nặng hơn bất cứ người nào. Lúc Phật không còn tại thế, sứ mạng giáo hóa chúng sanh phải ủy thác cho Ðịa Tạng Bồ Tát. Chư vị phải biết đạo lý này ở đâu? Tại sao đức Phật Thích Ca chẳng giao chuyện độ hóa chúng sanh cho Quán Thế Âm Bồ Tát? Tại sao không giao cho Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát? Ðều là đại Bồ Tát hết, tại sao không giao cho các Ngài mà phải nhờ Ðịa Tạng Bồ Tát? Nói thật ra những Bồ Tát đó độ không nổi, chẳng có cách gì độ được, chỉ có Ðịa Tạng Bồ Tát có thể độ mà thôi. Mọi người hiểu ý nghĩa này không? Ðịa Tạng Bồ Tát dạy việc gì? Hiếu thân Tôn sư. Nếu người này không hiếu kính cha mẹ, không tôn kính sư trưởng, thì Bồ Tát, Phật nào đến cũng độ chẳng nổi. Sự dạy học của Ðịa Tạng Bồ Tát là xây dựng nền móng, dạy lớp một Tiểu học, Quán Thế Âm Bồ Tát dạy lớp hai, Văn Thù Bồ Tát dạy lớp ba, Phổ Hiền Bồ Tát dạy lớp bốn; lớp một còn chưa dạy hoàn hảo thì những lớp phía trên không thể dạy nổi. Thế nên chư vị phải hiểu thành Phật bắt đầu từ chỗ nào? Hiếu thân Tôn sư. Lớp Ðịa Tạng Bồ Tát dạy chính là lớp Hiếu thân Tôn sư, nếu lớp này học không được, thì khỏi cần nói những lớp khác. Hiếu thân Tôn sư được hoàn hảo rồi, Quán Thế Âm Bồ Tát mới ra sức được, mới dạy đại từ đại bi được, mở rộng Hiếu thân Tôn sư ra, đó là việc Quán Thế Âm Bồ Tát dạy, đạo lý là như vậy. Thế nên lúc Phật chẳng còn tại thế, nhất định phải để Ðịa Tạng Bồ Tát thay thế Phật. Cho dù không thể đề cao cảnh giới này, bạn chân chánh làm được Hiếu thân Tôn sư thì sẽ không đọa ba đường ác; tuy không ra khỏi Tam giới, nhưng cũng chẳng đọa ba đường ác, bởi vậy nên đây là căn bản của Phật pháp.
Nếu chúng ta không thể xây dựng pháp căn bản thì nói thật ra học Phật chỉ là một [trồng một] nhân lâu xa mà thôi. Trong kinh Hoa Nghiêm có nói đến mười loại căn cơ, đây là viễn cơ, tức là đời này không đạt được lợi ích, trong Phật pháp bạn chỉ un đúc một chút hạt giống vào A Lại Da thức của bạn, phải đợi đời sau, đời sau nữa, nhiều đời nhiều kiếp sau, đến khi nào nhân duyên chín muồi mới làm tiếp tục, giúp chúng sanh trồng nhân cho kiếp lâu xa, trong đời này nhất định sẽ chẳng thâu hoạch được hiệu quả. Nếu trong pháp môn Ðịa Tạng này vun bồi cơ sở rồi, cũng nghĩa là làm được phước thứ nhất trong Tam Phước, chư vị phải biết, cả bộ kinh Ðịa Tạng giảng về điều gì? Chính là ‘Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không sát hại, tu mười nghiệp thiện’, chính là bốn câu này. Năm xưa tôi ở các thành thị miền đông nước Mỹ giảng Ðại Ý kinh Ðịa Tạng, có nhiều người cảm thấy kỳ lạ: “Tịnh Không pháp sư chuyên tu Tịnh Ðộ, chuyên hoằng Tịnh Ðộ, tại sao lại giảng kinh Ðịa Tạng?”, có người hỏi tôi như vậy. Tôi nói: “Quý vị không hiểu, những gì tôi giảng chính là phước thứ nhất trong ‘Tịnh Nghiệp Tam Phước’, vẫn chuyên tu chuyên hoằng, chẳng lìa khỏi Tịnh Tông.”. Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy phu nhân Vi Ðề Hy, Vi Ðề Hy phu nhân muốn cầu sanh Tây Phương Tịnh Ðộ, thỉnh đức Phật Thích Ca dạy phương pháp vãng sanh cho bà. Trước khi truyền dạy phương pháp Niệm Phật, Ngài dạy bà tu Tịnh Nghiệp Tam Phước, dạy bà đây là cơ sở, ba đời chư Phật đều nhờ cơ sở này mới thành tựu. Giống như xây nhà vậy, dạy bạn làm sao xây nhà? Phải dạy bạn đắp nền móng, đắp nền móng đàng hoàng rồi mới dạy bạn làm sao xây tiếp, bạn coi chuyện này quan trọng biết bao. Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện này chính là phước thứ nhất trong Tam Phước. Bạn nói quan trọng hay không!
Tại sao ở đạo tràng mới xây dựng tôi nhất định phải giảng kinh Ðịa Tạng mà chẳng giảng kinh khác? Không có tâm hiếu thuận cha mẹ, tôn sư trọng đạo thì không cần nói chuyện gì hết, bạn làm sao xây dựng Phật pháp? Phật pháp là giáo học, giáo dục, đạo thầy trò (Sư đạo), Sư đạo xây dựng trên cơ sở Hiếu đạo. Nếu chẳng có Hiếu đạo thì chẳng có Sư đạo, vậy còn phải nói gì nữa? Thế nên việc này rất quan trọng. Trong hai mươi mấy năm nay tôi vẫn chẳng quên đề xướng việc xây Từ đường, Từ đường là một trung tâm để dạy đạo Hiếu từ xưa đến nay ở Trung Quốc. Theo chánh sách hiện nay của chánh phủ, Từ đường của mỗi nhà chẳng còn nữa, đã bị phế bỏ rồi, âu cũng là một việc tốt. Sau khi phế bỏ thì phải xây cái mới, cái mới này nên xây như thế nào? Nên xây Từ đường cộng đồng, đừng xây cho từng nhà. Mỗi một huyện chỉ xây một Từ đường, Từ đường cho trăm họ. Trước kia là cho từng họ: Từ đường họ Trương, Từ đường họ Lý, cái mới của chúng ta phù hợp với chánh sách của quốc gia, xây Từ đường cộng đồng, tốt lắm! Người cả nước đoàn kết thành nhất tâm, mỗi năm mùa xuân, thu làm lễ cúng tế tổ tiên, do Huyện trưởng đứng ra cúng tế, như vậy hay lắm! Mỗi huyện có Từ đường chung của huyện, tốt lắm, chúng ta đề xướng Hiếu đạo; đừng xây cho từng họ từng họ nữa, làm cho các họ, tông tộc từng họ trong cả nước có thể đoàn kết lại. Phế bỏ một cái [tức từ đường cho riêng từng họ], kiến thiết một cái mới, tiến bộ hơn trước, thù thắng hơn trước. Như vậy là rất đúng. Tôi đề xướng xây dựng Tông Từ cho trăm họ, không những mỗi huyện nên xây một cái, những nơi ở hải ngoại có kiều bào đều nên xây dựng giống vậy.
Trích trong:
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba
Tập 7