Lộc hết thì người chết, bạn phải nên biết tiếc phước
Sau khi hưởng hết phước báo mà vẫn còn thọ mạng thì bạn cũng phải chết. Vì sao vậy? Vì phước đã hết rồi. Lộc hết thì người chết.
Tuyệt đối không phải chết là hết
Thời đại này mọi người đều biết được là sẽ có đại tai nạn giáng xuống. Tai nạn từ đâu mà đến vậy? Từ lòng người trái lẽ thường. Thế nào là thường? Ngũ giới thập thiện là thường. Trái nghịch ngũ giới thập thiện gọi là trái lẽ thường. Trái lẽ thường thì sẽ có hung tai, thuận lẽ thường thì sẽ có phước lành.
Trong kinh Phật đã nói rất rõ ràng những đạo lý này. Cảm Ứng Thiên cũng nói rất thấu triệt. Kinh Phật là do Thánh nhân của Ấn Độ xưa nói. Còn Cảm Ứng Thiên là do Thánh Hiền của Trung Quốc xưa nói. Chúng ta cũng có thể đem nó xem như là những lời tiên tri của người xưa. Những lời tiên tri này là có lý luận để làm căn cứ.
Cát hung họa phước đích thực là ở trong một niệm. Xem bạn chuyển biến cái niệm này như thế nào. Nếu bạn vẫn tiếp tục tạo nghiệp, vẫn tiếp tục có tâm bất thiện, vậy thì thật sự đúng như Phật đã nói là “biển nghiệp mênh mông, biển khổ vô biên”.
Biển nghiệp là do bạn tạo, biển khổ là thọ báo của bạn. Trong đời quá khứ tuy bạn có được một chút dư phước, bạn sẽ hưởng hết rất nhanh. Huống hồ là trong đời sống hằng ngày bạn lại không biết tiếc phước (trân quý phước báo). Dù bạn có phước báo lớn đến đâu thì bạn có thể hưởng được mấy ngày?
Ấn Quang Đại sư cả đời dạy người tiếc phước. Bất luận là gặp người nào thì Ngài cũng thường hay nhắc nhở. Khi ăn cơm thì ăn hết thật sạch sẽ, một hột cơm cũng không bỏ thừa, không lãng phí, đó là tiếc phước. Khi mình ăn cơm thì phải nghĩ đến người khác, trong thiên hạ vẫn còn biết bao nhiêu người hoạn nạn không có cơm ăn. Mặc áo thì mặc cho sạch sẽ, gọn gàng chỉnh tề, đó là tiếc phước. Quần áo mặc bị rách rồi thì cũng không sao, có thể vá lại. Hễ giặt sạch sẽ, có thể che thân, có thể giữ ấm cơ thể là được rồi. Trong thế gian chúng sanh khổ nạn không có quần áo để mặc vẫn còn rất nhiều, niệm niệm đều nghĩ đến hết thảy chúng sanh. Hơn nữa còn tận tâm tận lực giúp đỡ hết thảy chúng sanh. Thường hay giữ cái tâm như vậy là tâm thiện. Trong đời sống hằng ngày không thể không lưu ý.
Người chân thật tu hành thì một mảnh giấy cũng không được lãng phí, vật chất có được là không dễ dàng. Tuy rằng ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển nhưng vẫn phải kiêng dè, không được lãng phí, có thể tiết kiệm được thì tận hết khả năng mà tiết kiệm. Bạn sẽ có dư phước hưởng không hết.
Nếu mặc tình lãng phí thì chẳng bao lâu bạn sẽ hưởng hết phước báo của bạn. Sau khi hưởng hết phước báo mà vẫn còn thọ mạng thì bạn cũng phải chết. Vì sao vậy? Vì phước đã hết rồi. Lộc hết thì người chết.
Giả sử bạn có thọ mạng 100 năm nhưng mới 60 tuổi mà bạn đã hưởng hết phước báo rồi, vậy thì bạn phải chết lúc 60 tuổi. Nếu như bạn có thọ mạng là 60 tuổi, bạn cả một đời tiếc phước, khi đủ 60 tuổi mà phước báo của bạn vẫn chưa hưởng hết thì thọ mạng của bạn sẽ được kéo dài cho đến khi hưởng hết phước báo.
Thật ra mà nói, người hiện nay cái mà họ hưởng thụ đó đều là dư phước của đời trước. Trong đời này họ chỉ hưởng phước, họ không tu phước. Người thế gian hiện nay chẳng mấy ai coi trọng cái đạo lý này, nói với họ chưa chắc họ chịu tin.
Người học Phật thường thường tiếp xúc với kinh giáo của Thánh nhân, cơ hội được nghe chân tướng sự thật của những lý luận này tương đối nhiều. Vì sao họ không chuyển đổi lại được? Vì họ bị ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội, đại đa số mọi người không tin, cho rằng những gì Phật Bồ-tát nói chưa chắc là thật.
Chúng ta thấy có rất nhiều người mang theo thái độ hoài nghi để học Phật. Tuy họ nghe được rõ ràng, minh bạch rồi nhưng khi cảnh giới hiện tiền thì họ vẫn thuận theo cảnh giới mà bị xoay chuyển, không thể quay đầu trở lại.
Phật thường nói “quay đầu là bờ”. Họ không thể quay đầu lại cho nên “tuổi thọ hết thì phải chết”. Sau khi họ chết rồi vẫn còn dư ương. Cái dư ương này là trầm luân trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh tam ác đạo. Ác đạo vào thì dễ mà ra thì rất khó.
Tuyệt đối không phải là nói một khi đã chết là hết, chết rồi thì cái gì cũng không còn. Nếu như thật sự chết rồi là hết thì chúng ta không cần phải học Phật, mà chân tướng sự thật là chết rồi sẽ rất khủng khiếp. Đây là lời thật. Tôi nói những lời này ở trên giảng đài đã mấy mươi năm rồi. Sau khi chết thì không có cách để cứu. Phải nên nhân lúc hơi thở còn chưa đoạn dứt mà quay đầu thì vẫn còn kịp.
Trong kinh luận nói việc Phật độ chúng sanh rất hay. Trong sáu cõi, vì sao Phật lại thị hiện làm Phật ở cõi người? Vì sao trong năm cõi còn lại đều không thị hiện làm Phật? Đây là nói rõ trong cõi người tuy rằng khổ nhưng dễ quay đầu.
Cõi trời vui nhiều khổ ít nên rất khó giác ngộ, đây cũng chính là nói “giàu sang học đạo khó”. Trong ba đường ác thì quá khổ, không có tâm trí nào để học Phật được, cho nên Phật độ họ rất khó khăn. Chỉ có cõi người là khổ nhiều vui ít, tương đối dễ giác ngộ, dễ tiếp nhận giáo huấn của Phật. Chúng ta nhất định phải hiểu được chân tướng sự thật của cõi người.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên tập 7