Người ta hủy báng, nhục mạ, hãm hại chúng ta, chúng ta tán thán, cảm ân, cảm tạ họ. Đó là thật, vì họ tiêu nghiệp chướng, tăng phước huệ cho chúng ta.
Chúng ta chính mình tâm chánh, ngôn chánh, hạnh chánh, người bên ngoài có nói thế nào cũng không có quan hệ gì. Mọi người thấy sai rồi, ngộ nhận rồi, đây là điều luôn không thể tránh khỏi. Thế gian có một người nào có thể vừa lòng tất cả mọi người? Không thể nào, Phật cũng không làm được.
Thế gian này có bao nhiêu người mắng Thích Ca Mâu Ni Phật, có bao nhiêu người mắng Phật A Di Đà? Chúng ta nghe đã quá nhiều. Phật cũng có người mắng, chúng ta bị người khác mắng thì có quan hệ gì chứ? Phật tiếp nhận người ta mắng, chúng ta cũng phải tiếp nhận người ta mắng, không nên có một câu biện bạch.
Chúng ta đối với người thì chân thành, cung kính, tán thán. Người ta hủy báng chúng ta, nhục mạ chúng ta, hãm hại chúng ta, chúng ta tán thán họ, cảm ân họ, cảm tạ họ. Đó là thật, vì họ tiêu nghiệp chướng cho chúng ta, tăng phước huệ cho chúng ta, cho nên có người nào không phải là ân nhân của ta?
“Trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ ba đường”, người thường giữ cái tâm này là Bồ Tát Trung Trụ. Cho nên, chúng ta phải học “tịnh niệm liên tục”. Trong cái niệm này là tịnh, “tịnh” chính là quyết định không có xen tạp. “Tương tục” là công phu không gián đoạn. Từ nơi công phu mà nói, có thể đạt đến được “Tức Niệm Ly Niệm” thì công phu của bạn liền có kết quả, công phu của bạn liền được thuần thục.
Tức Niệm Ly Niệm chính là người thông thường hay nói “niệm mà không niệm, không niệm mà niệm”. Không niệm cùng niệm là một, không phải là hai. Đây gọi là vào pháp môn không hai.
Pháp môn không hai là cảnh giới của Pháp Thân Đại Sĩ. Bạn có thể vào được pháp môn không hai thì thoát khỏi mười pháp giới (không cần nói sáu cõi, mà siêu việt luôn mười pháp giới), biết được tất cả pháp thế xuất thế gian đều là pháp bất nhị, biết được trên Kinh Phật nói với chúng ta là lời thật. (Chỗ này tôi chỉ nói ra một ít, vì phía sau còn giảng rất tỉ mỉ).
Tận hư không khắp pháp giới là chính mình. Phàm phu chúng ta không biết, phàm phu luôn cho rằng chính mình cùng người khác là đối lập. Không phải như vậy, mà tận hư không khắp pháp giới là chính mình mới là chân tướng. Bạn có thể thấy được, bạn có thể khẳng định, việc này ở trên Kinh Phật nói là bạn chứng được Pháp Thân Thanh Tịnh.
Chứng được Pháp Thân Thanh Tịnh thì liền thành Phật, mức độ thấp nhất là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát. Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát thì thành Phật, “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Họ thành Phật thật, không phải Phật giả, trong Phán giáo, Đại Sư Thiên Thai nói là “Phần Chứng Tức Phật”. Tuy là chưa viên mãn, chỉ là Phần Chứng Tức Phật, nhưng họ chứng là thật, không phải giả.
Họ chứng được cái gì? Họ thừa nhận, họ khẳng định tận hư không khắp pháp giới đều là chính mình, cho nên tâm đại từ bi sanh khởi ra. Đại từ bi là đối với tất cả chúng sanh không có điều kiện. “Vô duyên đại từ” (duyên là điều kiện), đại từ bi không hề có điều kiện. “Từ” là quan tâm, thương yêu, tôn trọng, toàn tâm toàn lực chăm sóc, đối đãi với tất cả chúng sanh không có điều kiện.
“Đồng thể đại bi”, bi là nhìn thấy tất cả chúng sanh có khổ nạn thì giúp cho họ thoát ly khổ nạn, thoát khỏi khó khăn không có điều kiện, vì sao vậy? Vì đồng thể, bao gồm tất cả chúng sanh cùng đồng một thể với chính mình. Một tâm một pháp giới, cho nên pháp giới gọi là Nhất Chân. Bồ Tát Trung Trụ biểu thị ở đây ý nghĩa rất sâu, đó là lý, đó gọi là nhìn thấu.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 10