Ở trong đạo tràng đắc tội với người khác có chịu nhân quả?
https://youtu.be/8SndR_7u_L4
Con ở trong đạo tràng làm việc, vì hộ trì đạo tràng, khi chấp hành những quy củ mà đạo tràng chế định lại đắc tội với người khác liệu có nhân quả không?
Câu hỏi thứ mười bốn: Con ở trong đạo tràng làm việc, vì hộ trì đạo tràng, khi chấp hành những quy củ mà đạo tràng chế định lại đắc tội với người khác, xin hỏi có như pháp không? Liệu có nhân quả không ạ? Phải nên làm việc sao cho tốt?
Hiện nay làm việc cho đạo tràng khó, đúng thật là vô cùng khó khăn. Người chấp sự không phải là phàm phu. Giống như trường mẫu giáo vậy, chúng ta đến tu hành đều là những bạn nhỏ ở trường mẫu giáo, chấp sự là cô giáo dạy trẻ, cho nên người chấp sự trong đạo tràng là Bồ-tát, không phải người thường.
Bồ-tát có vô lượng trí huệ, có vô lượng phương tiện thiện xảo, khi đang chấp hành nhiệm vụ thì các Ngài dùng thái độ nghiêm khắc để giáo huấn, nhưng người ta sẽ kính sợ đối với các Ngài, vừa sợ vừa yêu quý các ngài, đây chính là Bồ-tát. Nếu khi bạn chấp hành mà đắc tội với người, người ta có oán hận, vậy thì sai rồi.
Oán hận, oan gia nên giải không nên kết. Cho nên, việc này là việc khó làm, không phải người bình thường làm được. Trong đây có nhân quả, nhân quả thì xem mức độ oán hận của đối phương, mức độ oán hận sâu thì họ nhất định muốn báo thù, vậy thì không có cách gì, đời đời kiếp kiếp oan oan tương báo, không ngừng không dứt.
Nói chung, nhất định phải nghe kinh nhiều, phải tu hành nhiều, chỉ có nghe kinh, tu hành. Thời xưa, tất cả chấp sự trong đạo tràng đều là người tu hành, sau khi về hưu thì nhận lấy công việc này, cho nên kinh nghiệm của họ rất phong phú, họ cũng nhận được sự tôn kính của người.
Ở thời đại trước đây, đại khái Pháp sư giảng kinh thông thường, pháp sư tu hành, giống như ở niệm Phật đường lãnh chúng, ở thiền đường lãnh chúng, từ 70 tuổi trở lên thì về hưu, về hưu thì đi làm hộ pháp, đi làm người hộ trì. Cho nên họ có kinh nghiệm, họ cũng biết cảnh giới của người tu hành, người tu hành công phu đắc lực hay không đặc lực, họ có thể giúp đỡ nhanh chóng.
Đạo tràng hiện nay khó, đặc biệt chúng ta ở nơi này, bạn nói đây là đạo tràng cũng được, bạn nói không phải là đạo tràng cũng được, vì không phải là chùa chiền chính quy. Cho nên chúng tôi thành lập một Hiệp Hội Giáo Dục Phật-đà, mọi người cùng nhau tu học.
Cho nên vì sao phải đặc biệt xem trọng Đệ Tử Quy, xem trọng Thập Thiện Nghiệp Đạo, xem trọng Thái Thượng Cảm Ứng Thiên? Học ba thứ này rồi thì đạo tràng đó bất luận là chấp sự hay hay là đồng tu, đều có thể chung sống hòa mục, có thể hợp tác lẫn nhau. Nếu ai nấy đều không học thì đạo tràng là đạo tràng đấu tranh, bạn đi đâu mới thấy được đạo tràng Lục Hòa Kính chứ?
Đạo tràng nhỏ có hai người ở, hằng ngày đều cãi nhau, bạn còn có cách gì không? Đây là hiện tượng mạt pháp, đây là hiện tượng Phật pháp suy đến chỗ cực điểm, chúng tôi xem thấy rồi rất đau lòng!
Có phương pháp gì không? Chính mình nghiêm túc nỗ lực tu học. Càng ở trong hoàn cảnh này càng phải gấp rút dụng công, vì sao vậy? Chúng ta không có năng lực thành tựu người khác thì ít nhất phải thành tựu chính mình. Nếu chính mình không thể thành tựu thì cả đời này của bạn đã trải qua vô ích rồi, đó gọi là thật sự đáng tiếc.
Chúng tôi thường khuyến khích người ở đạo tràng hộ trì đạo tràng, thực sự chính mình không thể nào nhẫn chịu, nhưng chúng ta cũng đừng đắc tội với người khác, chúng ta có thể rời bỏ công việc này, có thể từ chức. Trong đạo tràng có người nào đó đi làm thì đó là việc của họ, đạo tràng có thể làm thành hay không, hoặc là đạo tràng hoàn toàn thất bại thì đó là nghiệp báo của chúng sanh khu vực này.
Chúng sanh khu vực này có phước thì tự nhiên có người tốt đến hộ trì, đến làm, không có phước báo thì Phật Bồ-tát đến cũng chẳng có tác dụng. Cho nên là phước báo của chúng sanh, bản thân chúng ta chỉ có nguyện lực. Bạn phải hiểu rằng, Phật ở trong Kinh thường nói “Tâm, Phật, chúng sanh tam vô sai biệt”.
Nguyện lực của chúng ta phát ra so với nghiệp lực của chúng sanh là bình đẳng, nguyện lực của chúng ta kết hợp với Phật lực mới giúp đỡ được chúng sanh. Nếu không có sự gia trì của Phật lực thi chúng ta sẽ không có cách nào chống lại nghiệp lực của chúng sanh.
Vào lúc này chính mình phải khéo tu, hi vọng chính mình đến thế giới Cực Lạc thành Phật rồi, thừa nguyện tái lai cũng không muộn. Đạo lý này nhất định phải hiểu, cho nên nhất định không được miễn cưỡng, như vậy là được.
Câu hỏi thứ mười lăm: Xin hỏi cư sĩ quải đơn đến đạo tràng, nếu đã cúng dường đạo tràng rồi, có cần phải góp chi phí ăn ở và sinh hoạt hay không?
Việc này tình hình mỗi đạo tràng không giống nhau. Tôi nghe nói có một số đạo tràng cần phải góp tiền, phải nộp tiền cơm nước hằng ngày. Có một số đạo tràng phân phối cho bạn một số công việc, họ không thu tiền của bạn. Rốt cục kiểu nào như pháp, kiểu nào không như pháp? Điều này rất khó nói, trong đây có rất nhiều nguyên nhân, chúng ta không nên đi phê bình người khác.
Chính chúng ta có bao nhiêu năng lực thì làm bấy nhiêu việc, nếu không có năng lực thì đừng miễn cưỡng, vậy mới tốt. Phật dạy chúng ta, bố thí càng thí thì càng có nhiều. Trong quá trình tu học 56 năm, tôi có được chứng minh.
Những năm trước, khi tôi còn ở Singapore, tôi rời Singapore đã được 4 năm, Cư Sĩ Lâm Singapore cúng dường ăn uống cả ngày miễn phí vô điều kiện. Mỗi ngày ba bữa, còn có điểm tâm, buổi tối có trà nóng, cũng có mì nóng, tối khuya cũng cúng dường, lúc nào bạn cũng có thể đến ăn. Tin Phật, không tin Phật cũng được, tuyệt đối không hỏi bạn có phải là Phật tử không. Đây là bố thí rộng khắp.
Sau khi làm rồi, đúng thật là ở Singapore chỉ có một nơi như vậy. Nhiều người biết nhiều rồi, tặng gạo, tặng mì, tặng rau, tặng dầu, chúng tôi không cần bỏ tiền ra mua. Người giúp đỡ trong đó toàn là làm công quả, một ngày có một, hai trăm người làm công quả. Mỗi ngày ăn uống đều vượt quá 1.000 người, ngày cuối tuần cao nhất đạt đến 4.000 người, vô cùng náo nhiệt. Rất nhiều người thấy kỳ lạ, hỏi tiền của các vị ở đâu ra? Chính chúng tôi cũng không biết. Cứ vậy có thể duy trì hình như được ba năm, sau khi tôi rời khỏi thì tôi không biết nữa, hình như nghe nói hiện nay không còn nữa.
Cho nên, Phật dạy chúng ta càng bố thí thì càng có nhiều. Thí tài thì được tài phú, bố thí pháp được thông minh trí huệ, bố thí vô úy được sức khỏe trường thọ, hễ bạn nghiêm túc nỗ lực tu ba cái nhân này thì nhất định sẽ đạt được quả báo. Nhưng đạt được quả báo rồi không được hưởng, vừa hưởng thụ quả báo thì phiền não sẽ hiện tiền, tham sân si tăng trưởng, có tổn hại rất lớn đối với đạo nghiệp. Có phước báo thì phải đem phước báo đó tiếp tục bố thí ra, như vậy là tốt nhất, vĩnh viễn giữ gìn tâm thanh tịnh của chính mình.
Cả đời này tôi chưa từng xây dựng đạo tràng, điều này mọi người đều biết, cả đời không có đạo tràng. Chỗ ở của tôi ở Hồng Kông là do bà cụ Trần cúng dường. Tôi chỉ có quyền sử dụng, quyền tài sản là của bà ấy. Tôi không cần quyền tài sản, muốn quyền tài sản thì phiền phức sẽ đến, tôi có sử dụng, chính là cho tôi mượn dùng. Rất hiếm có, bà ấy cho tôi một chiếc chìa khóa, tôi có thể mở cửa vào nhà, tất cả chi phí điện thoại, chi phí điện nước… tôi đều không biết, đều do bà ấy chi trả, điều này rất như pháp. Nếu tặng quyền tài sản cho tôi thì những chi phí này tôi phải chịu trách nhiệm, tôi phải nghĩ cách đi kiếm tiền, vậy thì rất đau khổ rồi. Cái gì cũng không cần thì mới nhẹ nhàng, mới tự tại.
Câu hỏi thứ mười sáu: Xin hỏi nhân viên làm việc ở đạo tràng, quản lý quỹ tiền của đạo tràng, nếu đời này không liễu đạo, liệu có phải mang lông đội sừng trả không?
Không phải, bởi vì bạn là nhân viên làm thuê trong đạo tràng, bạn không phải đến tu đạo, điều này không cần thiết. Người đến đạo tràng để tu đạo, tiếp nhận cúng dường của tứ chúng, vậy thì bạn phải nghiêm túc tu hành, nếu bạn không nghiêm túc tu hành, đời này không liễu đạo thì đời sau mang lông đội sừng trả. Bạn là nhân viên, được thuê đến làm thì không vấn đề gì, bởi vì bạn không phải là đến để tu hành, bạn đến để làm việc.
Câu hỏi thứ mười bảy: Ở trong đạo tràng, có một số nhân viên thường trụ lấy pháp bảo ở chỗ lưu thông, lấy danh nghĩa cá nhân để kết duyên với người khác, như vậy có tính là phan duyên không?
Có thể được, bởi vì pháp bảo là phải lưu thông, người nào cầm đi lưu thông chúng ta đều hoan nghênh, thậm chí họ lấy đi bán chúng ta cũng hoan nghênh. Vì sao vậy? Người mua nói chung đều sẽ xem, đều có chỗ tốt. Chúng ta đừng phân biệt, đừng chấp trước những điều này, lưu thông pháp bảo càng rộng càng tốt, người nào đi lưu thông chúng ta đều hoan nghênh, thái độ như vậy là được.
Trích đoạn trong:
Học Phật Vấn Đáp Tập 7
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không