
Phản bội người thân thuộc, chạy theo người ngoài
Phản bội người thân thuộc, chạy theo người ngoài không chỉ có một việc. Những sự việc này rất nhiều, ở đây chẳng qua cũng chỉ nêu vài ví dụ mà thôi.
Các vị đồng học, xin mời xem tiếp Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 96: “Khí thuận hiệu nghịch, bội thân hướng sơ.” (Bỏ thuận theo nghịch. Phản bội người thân thuộc, chạy theo người ngoài). Kinh văn từ điều thứ 90 đến đoạn này đều là thuộc về “việc ác không kiêng dè”.
Tạo tác ác nghiệp, trong xã hội hiện tại có thể nói là đã hình thành nên phong khí, mọi người đều xem sự việc này thành chuyện bình thường. Trong xã hội mỗi một góc độ nào chúng ta cũng đều có thể nhìn thấy, lớn mà nói là không thuận chân lý, nhỏ mà nói là không thuận lễ nghĩa.
Trong chú giải, các vị xem qua thì đều biết, câu ở phía sau là: “Phản bội người thân thuộc, chạy theo người ngoài”. Nhà Nho dạy học nhất định là từ thân đến sơ, dần dần mới đến mở rộng phạm vi phục vụ, mở rộng hiệu quả phục vụ.
Phật pháp tuy là nói hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới là một thể, nhưng trong hành môn cũng không ngoại lệ, Phật cũng dùng cách như vậy để dạy chúng ta “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Sau đó lại đem hiếu dưỡng phụng sự này mở rộng ra đến hết thảy chúng sanh trong xã hội. Có thể thấy đại Thánh đại Hiền thế xuất thế gian khi dạy người ta cũng có thân có sơ, không trái nghịch với thứ tự.
Ý nghĩa trong đây rất sâu rất rộng, chúng ta phải bình tâm tỉ mỉ thể hội xem hai năm nay chúng ta đi theo phương hướng đa nguyên văn hóa, chúng ta qua lại với rất nhiều đoàn thể tôn giáo khác nhau, có một số người phê bình, nói chúng ta là “bỏ thuận theo nghịch, phản bội người thân thuộc, chạy theo người ngoài”.
Đã từng có người đến đối chất với cư sĩ Lý Mộc Nguyên. Cư sĩ Lý đã đem tất cả chân tướng sự thật về những việc mà chúng tôi đã làm nói cho họ nghe. Họ cũng không đơn giản, ngay lúc đó liền sám hối, thừa nhận bản thân họ đã sai, đã trách sai người rồi.
Chúng tôi đối với người Trung Quốc, đối với Phật giáo đã làm rất nhiều việc, chỉ là không nêu ra mà thôi, làm được một chút việc tốt thì việc gì phải đi tuyên bố với mọi người chứ? Việc qua lại với người ngoài thì một số phương tiện truyền thông họ đến đưa tin, đó là sự việc của họ, chúng tôi cũng không muốn họ đến đưa tin, mà đa phần là do các tôn giáo khác họ đã chủ động mời các phóng viên này đến tham dự và đưa tin về chuyến thăm, đây không phải là ý của chúng tôi.
Chúng tôi ít nhiều cũng còn tiếp nhận nền văn hóa truyền thống cổ xưa, cũng hiểu được một chút đạo lý. Nhà Nho, nhà Phật, nhà Đạo đều dạy chúng ta phải biết tích âm công. Thế nào gọi là âm công? Đó là làm việc tốt không nên để cho người khác biết, không nên tuyên truyền rộng rãi. Chúng tôi hiểu rõ đạo lý này, đều âm thầm mà làm, tận tâm tận lực mà làm, không có tư tâm, không có danh văn lợi dưỡng. Chúng tôi đang âm thầm làm, trong lúc làm cũng chân thật làm theo giáo huấn của Phật, hành môn giúp đỡ giải môn. Giải và Hành tương bổ tương thành cho nhau.
Nhà Phật thường nói giải môn là khai trí huệ. Chân thực muốn khai trí huệ thì nhất định phải y giáo phụng hành, vậy thì cái trí huệ này mới có thể khai mở được. Đối với những nghĩa lý sâu sắc mà Phật đã nói về Phật tánh và Pháp tánh, chúng ta dần dần sẽ có được sự lĩnh hội, thể ngộ rằng hư không pháp giới hết thảy chúng sanh là một thể, việc này chúng ta dần dần có thể khẳng định được. Bồ-đề tâm mà Phật Bồ-tát đã nói, từ chỗ này mà sanh khởi.
Chúng ta cũng thể hội được phát Bồ-đề tâm thực sự không phải là việc dễ dàng, thảo nào vừa phát Bồ-đề tâm thì liền thành Phật Đạo. Nhà Thiền thường nói “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, vừa phát tâm Bồ-đề thì liền thành Phật.
Các vị hãy xem Kinh Hoa Nghiêm, Viên Giáo Sơ Trụ Bồ-tát được gọi là Phát Tâm Trụ. Phát Tâm Trụ ý nghĩa là gì? “Phát tâm” chính là phát Bồ-đề tâm. “Trụ” chính là bất thoái, bất thoái thì mới gọi là “trụ”. Bồ-đề tâm sau khi đã phát rồi vĩnh viễn không thoái nữa, đây gọi là Phát Tâm Trụ.
Chúng ta ngày nay phát một niệm tâm, nhưng cảnh giới nào đó hiện tiền thì chúng ta lập tức liền thối chuyển, cho nên không thể thành tựu. Các Ngài phát tâm rồi thì vĩnh viễn không thoái chuyển. Đạo lý gì vậy? Các Ngài đã hiểu rõ lý, cũng đã làm được sự. Lý và sự có thể dung thành một thể, không phải là hai sự việc, cho nên mới có thể trụ tâm bất thoái. Chúng ta chưa đạt đến cảnh giới này, muốn đạt đến cảnh giới này thì không thể không nỗ lực. Một mặt nỗ lực cầu giải, một mặt nỗ lực phụng hành.
Ở đây trong chú giải có mấy câu, tôi đọc qua một lần: “Phản bội thân thuộc, chạy theo người ngoài, không chỉ có một việc”. Những sự việc này rất nhiều, ở đây chẳng qua cũng chỉ nêu vài ví dụ mà thôi, “Như dối lừa, chống trái cha mẹ”. Che giấu cha mẹ mình, hiện nay gọi là người đó yêu thương gia đình bên vợ hơn yêu thương gia đình bên mình, tôn kính cha mẹ vợ hơn cha mẹ mình, cái ý đầu tiên là ý này.
Đối với anh em thì tính toán từng chút, nhưng đối với bạn bè, với người ngoài thì khảng khái rộng rãi. Dòng họ đói lạnh không thể chăm lo, nhưng nhìn thấy người khác thì lại sẵn lòng chăm lo, đây chính gọi là “bạc bẽo đối với người đáng nên đối xử trọng hậu, hậu đãi những người đáng nên đối xử sơ sài”.
Người đáng nên đối xử trọng hậu mà bạn lại bạc đãi họ, người không nên hậu đãi thì bạn lại rất trọng đãi, hiện tượng này trong xã hội ngày nay rất phổ biến. Các vị sẽ thắc mắc vì sao vậy? Kết luận thì cũng không gì ngoài hai chữ “lợi hại”. Đối với tôi có lợi, tôi đối với họ tốt là có điều kiện, trước mắt đối với tôi không có lợi thì tôi không lo đến.
Cha mẹ tuổi đã già, tôi hiện tại không cần họ chăm lo nữa, tôi có thể mặc kệ họ rồi, gia đình bên vợ thì họ có thể chăm lo cho tôi cho nên tôi phải đặc biệt trọng đãi họ. Hoàn toàn là vì chủ nghĩa công danh lợi lộc, ân nghĩa không còn nữa, không biết báo ân, không biết hành nghĩa, việc này tạo thành loạn động trong xã hội….
Trích đoạn trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không
Tập 108