Pháp Ngữ

Phật Bồ Tát độ chúng sanh như thế nào?

Phật Bồ Tát độ chúng sanh, có câu là Phương tiện có nhiều cửa, đường về nguồn chẳng hai, đây là do trí huệ viên mãn, khéo léo cao độ biểu hiện ra.

Nhĩ thời Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật ngôn: ‘Thế Tôn! Ngã thừa Phật Như Lai oai thần lực cố, biến bách thiên vạn ức thế giới, phân thị thân hình cứu bạt nhất thiết nghiệp báo chúng sanh, nhược phi Như Lai đại từ lực cố, tức bất năng tác như thị biến hóa.

爾時地藏菩薩摩訶薩白佛言。世尊。我承佛如來威神力故。遍百千萬億世界。分是身形救拔一切業報眾生。若非如來大慈力故。即不能作如是變化。

Lúc đó Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch đức Phật: ‘Bạch Thế Tôn! Con nương nhờ sức oai thần của Phật Như Lai nên chia được thân hình này đến khắp trăm ngàn vạn ức thế giới để cứu vớt hết thảy chúng sanh bị nghiệp báo, nếu không nhờ sức đại từ của Như Lai thì chẳng thể biến hóa được như thế.

Phật, Bồ Tát độ chúng sanh, có câu là ‘Phương tiện có nhiều cửa, đường về nguồn chẳng hai’, đây là do trí huệ viên mãn, khéo léo cao độ biểu hiện ra. Có rất nhiều sự sắp đặt mà tâm tư, quan niệm của phàm phu chúng ta chẳng thể đạt đến được.

Phàm phu nhất định không thể nhìn trước mắt, trước mắt chỉ là thủ đoạn, nhất định phải nhìn mục đích. Nếu mục đích là thuần chánh thì thủ đoạn phi pháp cũng là thuần chánh, việc này rất cao minh; nếu mục đích là tà ác, dù thủ đoạn có thiện đến đâu cũng là tà ác.

Như lúc trước cha mẹ, thầy giáo dạy học trò vậy, có khi mắng chúng, đánh chúng, trách mắng chúng, nhưng đều có ý tốt, đều hy vọng chúng hướng đến chỗ tốt, sau này sẽ được kết quả tốt. Nếu mỗi ngày đều cưng chìu, hết thảy đều thuận theo ý thích của học trò, tập cho chúng nhiều tánh xấu, đến khi chúng lớn lên làm điều tà vạy, thế thì cha mẹ, thầy giáo đều có lỗi. Phương pháp của Phật, Bồ Tát giáo hóa chúng sanh còn cao minh hơn, đặc biệt hơn.

Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy Thắng Nhiệt Bà La Môn, Cam Lộ Hỏa Vương, Phạt Tô Mật Ða Nữ, dùng phương pháp tham, sân, si, hình như đều hoàn toàn phản nghịch với đạo, nhưng sau cùng xem kết quả của họ đều là thanh lương tự tại, đều có thể xa lìa tham, sân, si, chứng được công đức viên mãn của tự tánh, thế nên đó đều thuộc về thiện xảo phương tiện.

Trong kinh Ðịa Tạng chúng ta nhìn thấy hiện tượng này, còn thù thắng hơn sự biểu diễn của ba vị Bồ Tát trong kinh Hoa Nghiêm, đều dùng địa ngục, những quỷ vương ác độc này, quỷ vương đều là Bồ Tát hóa thân, chẳng phải quỷ vương thật sự. Quỷ vương thật làm sao có thể tham dự pháp hội của đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở cung trời Ðao Lợi được? Cõi người còn cao hơn cõi quỷ, cao hơn nhiều, nhưng Người cũng không tham dự pháp hội của Thế Tôn thì làm sao Quỷ, Súc Sanh có thể tham dự? Trong hàng quỷ vương có vị thị hiện thân súc sanh, họ đều là đại Bồ Tát, đều là những nhân vật giống Ðịa Tạng Bồ Tát; nói cách khác tất cả đều là Ðịa Tạng Bồ Tát.

Ngày nay chúng ta có thể lý giải được cách dạy học của Phật, chân chánh có thể phát tâm, y theo lý luận và phương pháp của kinh này để tu học, cũng phát tâm ‘Ðịa ngục chẳng không, thề chẳng thành Phật’, vậy thì chúng ta cũng gia nhập vào câu lạc bộ của Ðịa Tạng Bồ Tát, cũng là nhân vật hàng đầu như Ðịa Tạng Bồ Tát.

Ðịa ngục tiêu biểu cho cái gì? Khổ nạn. Tất cả những khổ nạn chúng sanh trong thế gian, họ còn chưa thoát khổ, còn chưa thể phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, Bồ Tát chịu ở lại thế gian vĩnh viễn giáo hóa chúng sanh, chẳng thành Phật đạo. Thật ra ‘chẳng thành Phật đạo’ là hình thức, chẳng phải thật; Ðịa Tạng Bồ Tát từ kiếp lâu xa đã sớm thành Phật rồi. Học trò của Ngài thành Phật nhiều như vậy, thì đâu có lý nào thầy giáo không thành Phật cho được? Chỉ là chẳng ở ngôi vị Phật mà thôi. Phật cũng giống như hiệu trưởng, Ngài không làm hiệu trưởng, vĩnh viễn làm người giáo viên; học trò đã làm hiệu trưởng rồi, thầy giáo còn làm giáo viên trong trường, là ý nghĩa như vậy, chúng ta nhất định phải hiểu.

Ðịa Tạng Bồ Tát tôn trọng Phật là biểu diễn cho chúng ta xem. Tuy là thầy của Phật, Phật là học trò của Ngài, nhưng hôm nay thầy vẫn còn ở địa vị Bồ Tát, học trò là địa vị Phật, nhất định phải biểu thị tôn sư trọng đạo, điểm này chúng ta phải học theo. Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta phải thường ghi nhớ, làm gương tốt cho chúng sanh; xã hội đại chúng hiện nay có bao nhiêu người biết hiếu thuận cha mẹ? Bao nhiêu người biết tôn trọng sư trưởng? Sư là thầy giáo, Trưởng là trưởng bối. Chúng ta phải đề xướng, nếu chúng ta không làm thì đợi ai làm?

Ở nơi đây có một số lão pháp sư đến thăm viếng, hoặc chúng ta đi thăm viếng những lão pháp sư ở nơi khác, chúng ta phải biết, tuổi của họ cao hơn chúng ta, thời gian họ xuất gia lâu hơn chúng ta, giới lạp cao hơn chúng ta, nhất định phải mời họ ngồi ở phía trên. Tuy chúng ta là khách, là thượng khách của họ, chúng ta cũng phải nhường ghế thượng khách cho họ. Tại sao phải làm như vậy? Tôn sư trọng đạo. Khi họ nhường cho chúng ta thì muôn vàn đừng ngồi chễm chệ lên ghế ấy; việc này cũng có thể làm, chẳng phải không thể làm. Tại sao? Bạn hôm nay là khách, là khách chính, thì có thể như vậy. Nhưng khi chúng ta mời họ ngồi lên ghế thượng tọa, thì càng có lợi cho việc giáo hóa chúng sanh hơn nữa, phải hiểu đạo lý này. Niệm niệm vì Phật pháp, niệm niệm vì chúng sanh, như vậy mới đúng.

Hiện nay hết thảy chúng sanh, phần đông người trên toàn thế giới càng ngày càng tăng thêm tham, sân, si, tam độc tăng trưởng sẽ đem đến tai nạn khắp thế giới. Hóa giải tai nạn phải bắt đầu từ đâu? Từ tâm con người, Ðịa Tạng Bồ Tát làm gương mẫu cho chúng ta. Pháp hội tại Ðao Lợi thiên cung ngày hôm nay, Ðao Lợi thiên chủ là chủ nhân, Thích Ca Mâu Ni Phật và Ðịa Tạng Bồ Tát đều là khách quý, Phật xưng tán Bồ Tát, Bồ Tát cung kính Thế Tôn, cung kính lẫn nhau. Tại sao? Vì hết thảy chúng sanh, chúng ta phải hiểu ý nghĩa này, tinh thần, hình tượng chúng ta đều phải học tập.

Bồ Tát bạch Phật ngôn’, ‘bạch’ là lời người nhỏ nói với người lớn, là lời kính trọng; nói rất khiêm hư, rất cung kính. ‘Con nương nhờ sức oai thần của chư Phật Như Lai’, Ngài chẳng nói mình có khả năng. Ngày nay tôi có khả năng này, phân thân độ hóa chúng sanh ở vô lượng vô biên thế giới, là nhờ Phật lực gia trì. Thật ra không nương Phật gia trì Ngài cũng làm được, đây là lời khiêm nhường, cung kính, làm gương mẫu cho hàng hậu học chúng ta, chúng ta có khả năng làm được, cũng cảm kích lực lượng của đại chúng gia trì.

Chúng ta hôm nay cử hành pháp hội tại đây, bất luận pháp hội lớn hay nhỏ, đều phải nhờ sức mạnh của đại chúng, trước khán đài, phía sau khán đài, trong và ngoài đạo tràng, xã hội đại chúng xuất lực xuất tiền, thiện ý tán dương đều là thần lực gia trì. Bồ Tát hiểu rõ nên có tâm chân thành cảm ân, phàm phu mê hoặc chẳng biết. Tuy Phật dạy chúng ta, luôn nhắc nhở nhưng chúng ta không giác ngộ.

Từ sáng đến tối bất luận là lúc nào chúng ta hồi hướng ‘Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ’, niệm hai câu này đến thuộc làu rồi, có hiểu ý nghĩa trong ấy không? Thật sự là không hiểu. Nếu bạn hiểu thật thì hết thảy chúng sanh đối với mình đều có ân đức. Người hộ trì, người tán thán, cúng dường có ân đức, nói thêm với quý vị, người hủy báng, người phá hoại cũng có ân đức, người hãm hại cũng có ân đức.

Những việc trái nghịch này công đức ở chỗ nào? Công đức là làm cho chúng ta phản tỉnh, cảnh giác. Bồ Tát giáo hóa chúng sanh, một người thì từ mặt chánh, một người thì từ mặt trái, mặt chánh khuyến thiện, mặt trái giúp bạn cảnh giác, đoạn dứt ác. Giúp bạn nhìn đến mặt trái này, bạn sẽ nghĩ như vậy chẳng tốt, mình phải đoạn dứt nhân ác, thị hiện đủ thứ quả báo ác để nhắc nhở bạn, làm cho bạn giác ngộ. Nếu chẳng có những nghịch duyên này, những ‘tăng thượng duyên’ nghịch này, thì người ta sẽ mê hoặc trong thuận cảnh, chẳng biết giác ngộ. Thế nên mỗi khi nghịch cảnh xảy ra, người ta có thể giác ngộ, lập tức quay về, đó chẳng phải là ân đức hay sao! Trong kinh Ðịa Tạng, những việc giống như vậy rất nhiều, chúng ta phải xem xét kỹ.

‘Cứu vớt hết thảy những chúng sanh bị nghiệp báo’, những chúng sanh khổ nạn tạo nghiệp thọ báo này, đặc biệt là ở địa ngục, trong địa ngục tạo tội nghiệp nặng nhất, thọ khổ cùng cực. Ðịa Tạng Bồ Tát dùng đại nguyện lực để giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn này, nên dùng thân gì để được độ thì Ngài bèn hiện thân đó, nên dùng phương pháp gì để giáo hóa thì Ngài bèn dùng phương pháp đó, thiện xảo phương tiện vô cùng.

Cuối cùng nói nếu chẳng phải đại từ lực của Như Lai gia trì, ‘thì sẽ chẳng thể biến hóa được như thế’, những dụng ý, cách làm này, trong nhà Phật chúng ta gọi là ‘hành pháp’ phương pháp tu hành, đều nhắc nhở chúng ta, đều đau lòng rát miệng thị hiện ở đây để dạy chúng ta.

Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký tập 10

Bài viết liên quan

Niệm A Di Đà Phật để hàng phục phiền não

Thiện Quang

Làm Phật Bồ Tát có gì khác với phàm phu?

Thiện Quang

Có chấp Ngã thì không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi

Thiện Quang

Ngoài tâm mà cầu pháp thì không thể có được

Thiện Quang

Khẩu nghiệp: Quả báo của ác khẩu, nói dối, thêu dệt, lưỡi hai chiều

Thiện Quang

Phiền não là chướng ngại Niết Bàn, Sở tri chướng ngại Bồ Đề

Thiện Quang

Tham sân si đã che mất đi trí tuệ của bạn

Thiện Quang

Con cái vì sao không nghe lời cha mẹ?

Thiện Quang

Vì sao chư Phật tán thán A Di Đà Phật và Địa Tạng Bồ Tát?

Thiện Quang

Leave a Comment