Pháp Ngữ

Tam giải thoát môn: Không, Vô tướng, Vô nguyện

Không, vô tướng, vô nguyện còn gọi là tam giải thoát môn; vô nguyện có Kinh gọi là vô tác, ý nghĩa như nhau, Đại – Tiểu Thừa đều có.

Niệm Phật vãng sanh là pháp môn đặc biệt

Trong Tiểu Thừa nói, bạn có thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi, nhất định là từ trong ba pháp môn này mà thành tựu. Trong pháp Đại Thừa nói, ba pháp môn này có thể giúp bạn siêu việt mười pháp giới, bạn liền chứng được Pháp Giới Nhất Chân, cho nên “tam giải thoát pháp môn” thông cả Đại – Tiểu Thừa. Danh tướng tuy là như nhau, nhưng cảnh giới không giống nhau.

Thí dụ nói “Không môn”, người Tiểu Thừa chứng được ngã không, chỗ này có thể siêu việt được sáu cõi; người Đại Thừa chứng được “pháp không” thì không chỉ ngã là không mà pháp cũng không, cho nên họ có thể siêu việt mười pháp giới, họ có thể chứng được Pháp Giới Nhất Chân.

Cửa không là từ tự tánh và từ trên lý thể tất cả vạn sự vạn vật mà nói, đó là trên Kinh thường nói “tướng có tánh không, sự có lý không”. Họ có thể từ tướng thấy được tánh, từ sự có thể quan sát được lý. Họ chân thật tường tận được sự tướng là huyễn hóa, như trên “Kinh Kim Cang” đã nói “mộng huyễn bào ảnh”.

Bạn không thể nói nó không có, bạn cũng không thể nói nó có. Nếu bạn nói nó không có, nó hiện tướng, đích thực có cái tướng này tồn tại. Nếu bạn nói nó có, cái tướng này là giả tướng, không phải thật tướng, cái tướng này là sát na sanh diệt không thực tại. Nếu như bạn cho rằng tướng là thật có thì bạn sai rồi, thì bạn mê trên cái giả tướng đó. Tướng là giả, không phải là thật. Từ nơi cửa này mà bước vào, cũng chính là từ nơi pháp môn này, phương pháp này ngộ nhập mà thoát sanh tử siêu ba cõi thì bạn chính là từ cửa không mà vào, từ trong cửa không mà chứng đạo. Nếu như không vào được cửa này thì học môn này không có được lợi ích, chúng ta thường nói là không khế cơ, không khế hợp căn cơ của chính mình. Chính mình không phải căn cơ này thì tu học pháp môn này sẽ không dễ gì khế nhập.

Cái cửa này không thể vào thì còn có một cái cửa nữa là “Vô tướng”. Nhập không là vào từ cửa không. Cái vô tướng này, tướng là hữu môn, có thể từ nơi hữu môn mà vào. “Hữu”, vì sao gọi là vô tướng? Bởi vì tướng là duyên sanh. Trên “Kinh Bát Nhã” thường nói: “Vạn pháp duyên sanh”, phàm hễ pháp do nhân duyên sanh đều không có tự tánh, cho nên từ ngay chỗ này tỉ mỉ mà quan sát, thấy ra được tướng là giả tướng.

Nếu bạn chân thật có thể thấy ra được tất cả tướng đều là giả tướng thì bạn đã nhìn thấu. Nhìn thấu là chân thật thông suốt, chân thật thông đạt, chân tướng sự thật này đã bị bạn nhìn thấu. Sau khi nhìn thấu thì bạn liền tự nhiên không còn chấp trước đối với hiện tướng này, bạn liền có thể buông bỏ. Buông bỏ cái gì? Buông bỏ chấp trước! Vừa buông bỏ chấp trước thì liền siêu việt sáu cõi, như vậy mà vào cửa thì bạn chính là từ cửa vô tướng mà vào.

Nếu như không cách gì vào được cửa này, thì vẫn còn một cửa nữa là “Vô nguyện”. Vô nguyện vừa rồi mới nói qua, cũng gọi là “Vô tác”. Trong Phật pháp, việc thứ nhất chính là dạy bạn phát nguyện. Bạn không có nguyện thì làm sao được? Không có nguyện thì làm sao có thể thành công?

Cho nên có một số đồng tu đến hỏi tôi, họ nói chúng ta làm việc tốt, nếu như không cầu bất cứ thứ gì, đó mới là việc tốt chân thật. Lời nói này không sai, nhưng trên thực tế như đúng mà sai. Bạn không có mong cầu, bạn thật đạt đến không mong cầu chăng? Bụng đói rồi còn phải có cơm ăn, bạn vẫn là có sở cầu. Mệt rồi bạn còn phải nghỉ ngơi, thì sao bạn có thể nói là vô sở cầu? Nếu như chân thật đến được vô cầu, đó không phải là cảnh giới phàm phu của chúng ta, mức độ thấp nhất phải là Pháp Thân Đại Sĩ mà trên “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói, đó là chân thật đến được vô niệm. Họ thì có thể được, chúng ta không thể được. Cho dù ở trong cảnh giới đó, họ vẫn thị hiện có sở cầu.

Đừng nói là Bồ Tát Viên Sơ Trụ, Bồ Tát Đẳng Giác, mà chư Phật Như Lai thừa nguyện tái lai đến giúp chúng sanh chúng ta cũng phải thị hiện phát nguyện. Thích Ca Mâu Ni Phật không phải ở nơi đây thị hiện tám tướng thành đạo hay sao? Không phải đã dạy chúng ta phát Tứ Hoằng Thệ Nguyện hay sao? A Di Đà Phật phát ra bốn mươi tám nguyện, vì sao mà vô nguyện? Vô nguyện thì làm sao có thể thành tựu? Cho nên văn tự trong đây, hàm nghĩa của nó nhất định phải hiểu cho tường tận. Nếu là nhìn văn hiểu nghĩa thì ba đời chư Phật đều bị hàm oan, bạn hiểu sai đi ý nghĩa của Ngài.

Cái “vô nguyện” ở ngay chỗ này là nói “lìa tâm năng sở”, nguyện này mới gọi là nguyện chân thật. Người thế gian đều có nguyện vọng, thế nhưng nguyện vọng của người thế gian không dài lâu, qua vài ngày thì họ lại thay đổi chủ ý, gặp được duyên họ lại thoái tâm. Đó là do nguyên nhân gì? Đó là bởi vì cái nguyện mà họ phát ra là vọng tâm, không phải chân tâm. Thông thường người thế gian chúng ta nói là, bạn vì sao phải phát ra cái nguyện này? Đó tại vì bạn vẫn còn có một đạo lý, có một lý do để mà đi làm. Cái lý do đó của bạn mất đi thì bạn phải làm sao? Cái nguyện đó không thoái chuyển thì là thay đổi. Đây có thể biết đó là giả, không phải là thật.

Chân thật phát nguyện thì không có điều kiện. Chư Phật Như Lai là “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”, chính là không có điều kiện, đối với tất cả chúng sanh hữu tình vô tình đều quan tâm thanh tịnh bình đẳng, thương yêu bình đẳng. Đó là thật, không phải là giả. Phàm hễ có điều kiện thì đều là giả, đều là không thật. Có điều kiện là có năng có sở. Năng sở là hai pháp. Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư đã nói, hai pháp thì không phải Phật pháp, Phật pháp là pháp không hai.

Có thể đoạn dứt hai bên năng sở thì đó mới gọi là vô nguyện, mới thật gọi là vô tác, sau đó chúng ta mới có thể hiểu được câu đại đức xưa đã nói là “làm mà không làm, không làm mà làm”. Đó là lìa khỏi cả hai bên, hai bên đều không chấp trước.

Không phải nói vô nguyện thì không làm. Phải làm! Bạn xem A Di Đà Phật phát bốn mươi tám nguyện, mỗi nguyện đều hiện thực, đó là có nguyện. Chúng ta lại hỏi A Di Đà Phật có chấp trước đối với bốn mươi tám nguyện hay không? Không có, tâm địa thanh tịnh không nhiễm một trần, Ngài liền vô nguyện. Có nguyện cùng vô nguyện là một, không phải là hai, điều này tuyệt diệu.

Do đây có thể biết, cái cửa vô nguyện này chính là thường gọi pháp môn không hai. Cho nên vào đạo, có từ cửa không mà vào, có từ cửa có mà vào, có từ cửa không hai mà vào. Vô tác, vô nguyện chính là cửa không hai, hai mà không hai, “nguyện tức vô nguyện, vô nguyện tức nguyện”. Rất nhiều Bồ Tát Đại Thừa từ cái cửa này mà khế nhập cảnh giới của Như Lai quả địa, chính là Pháp Giới Nhất Chân.

Chúng ta tu học Tịnh Độ, sanh vào thời kỳ Mạt Pháp, chúng ta phải hiểu những đạo lý này. Chúng ta có năng lực từ ba cửa này mà vào hay không? E rằng bất cứ cửa nào trong ba cửa này chúng ta cũng không thể vào được, không cách gì tiến vào được. Ba cửa này là con đường thông lộ, hiện tại chúng ta phải mở con đường sau, không đi ba cửa này, cho nên Tịnh Độ Tông gọi là pháp môn đặc biệt, “môn dư đại đạo”. Ngoài ba cửa chính quy ra vẫn còn có một cửa, cửa này rất đặc biệt, cửa này rất nhiều Bồ Tát đều không biết, cho nên cửa này gọi là pháp khó tin.

Nếu bạn nói cho người khác nghe “không, vô tướng, vô nguyện”, mọi người đều biết, sẽ không hoài nghi, họ rất dễ dàng tin tưởng. Nếu bạn nói “niệm Phật vãng sanh” thì họ không tin tưởng. Niệm Phật vãng sanh dường như không có trong ba cái cửa này, đây là một pháp môn đặc biệt riêng biệt, “pháp ngoài cửa lớn”. Đó là nói thông thường Đại – Tiểu Thừa khế nhập, không luận họ tu học một pháp môn nào, nên gọi là tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, đến sau cùng quy nguyên đều không ngoài ba cửa này. Đó là trên Kinh Đại-Tiểu Thừa thường nói.

Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 41

Bài viết liên quan

Trí tuệ chân thật có thể giải quyết mọi vấn đề

Thiện Quang

Tam Quy Y là gì? Vì sao phải thọ trì Tam Quy?

Thiện Quang

Quả báo của kẻ hủy báng Tam Bảo, khinh chê giáo pháp

Thiện Quang

Quả báo của kẻ cống cao ngã mạn, tà tri tà kiến

Thiện Quang

Phương pháp niệm Phật 10 niệm cho người bận rộn

Thiện Quang

Sát na là gì?

Thiện Quang

Tiêu chuẩn để được thân Trời, Người là gì?

Thiện Quang

Chân tướng của tất cả vạn pháp trong vũ trụ nhân sinh

thienquang242017

Thời này chỉ có niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ mới thành tựu

Thiện Quang

Leave a Comment