Kinh Vô Lượng Thọ

Thân cận A Di Đà Phật thì rất nhanh thành Phật

Niệm Phật vãng sanh, thân cận A Di Đà Phật thì rất nhanh thành Phật, không cần phải mất thời gian rất dài, cho dù nghiệp chướng sâu nặng vẫn đới nghiệp vãng sanh hạ hạ phẩm.

Kinh văn: “Du bộ thập phương, hành quyền phương tiện”.

Các vị Bồ Tát ở trên Kinh đều tu hạnh Phổ Hiền. Câu thứ nhất là “Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ Chi Đức”. Bồ Tát tu hạnh Phổ Hiền là những người nào? Từ những người sơ phát tâm như chúng ta đến các vị đẳng giác; người sơ phát tâm tuy chưa chứng quả, nhưng chân thật phát tâm, một lòng một dạ muốn học hạnh Phổ Hiền, thì người này chính là Đại Tâm Phàm Phu mà trên Kinh Hoa Nghiêm đã xưng tán. Đại Tâm Phàm Phu ở ngay trong một đời này liền có cơ duyên làm Phật. Cơ duyên gì vậy? Niệm Phật vãng sanh, thân cận A Di Đà Phật thì rất nhanh thành Phật, không cần phải mất thời gian rất dài, cho dù nghiệp chướng sâu nặng vẫn đới nghiệp vãng sanh hạ hạ phẩm.

Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói với chúng ta, hạ hạ phẩm sanh đến Thế giới Tây Phương Cực lạc cũng chỉ cần mười hai kiếp thì “hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”. Thời gian mười hai kiếp so với vô lượng kiếp, so với ba A Tăng kỳ kiếp là rút ngắn lại được rất nhiều.

Nếu chúng ta so sánh, việc này sẽ thấy rất rõ ràng. Cũng giống như bình thường Phật đã nói ở trong các Kinh, hoa khai kiến Phật là địa vị gì vậy? Là địa vị “phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân”. Đó là phương tiện nói. Nếu như chân thật nói thì “ngộ vô sanh” là chứng được vô sanh pháp nhẫn.

Bồ Tát vô sanh pháp nhẫn là địa vị thất địa, bát địa, cửu địa. Các vị thứ khác chúng ta không tính, tam hiền vị thì không nói. Chúng ta nói Viên giáo, tam hiền vị của Viên giáo, từ Viên Giáo Sơ Trụ tu đến thập hồi hướng mãn là phải một A Tăng kỳ kiếp thì bạn mới đến đăng địa, sơ địa.

Sơ địa là mở đầu A Tăng kỳ kiếp thứ hai. Sơ Địa Bồ Tát tu đến thất địa, bảy vị thứ này lại là một A Tăng kỳ kiếp. Hai A Tăng kỳ kiếp mãn rồi, bạn mới đăng Bát địa. Số tự A Tăng kỳ kiếp là số tự thiên văn, chúng ta không cách gì tính đếm.

Lấy pháp môn thông đồ để nói, chứng được Viên giáo sơ trụ, tu đến vô sanh nhẫn vị cần phải hai A Tăng kỳ kiếp. Chúng ta là phàm phu, không phải là Sơ Trụ Bồ Tát, một phẩm phiền não chúng ta cũng chưa đoạn, thế nhưng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc chỉ cần thời gian mười hai kiếp thì chứng được địa vị vô sanh pháp nhẫn, cũng chính là chứng được địa vị của Bồ Tát Thất Địa.

Không thể so sánh, thời gian này được rút ngắn rất nhiều. Mười hai kiếp là nói không luận Phật nguyện gia trì, chính là nói không được oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì, bạn ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc tu hành mười hai kiếp thì liền chứng được vô sanh pháp nhẫn.

Thế giới Tây Phương Cực Lạc là đạo tràng tu hành, có thể nói là ở tận hư không khắp pháp giới, đạo tràng của Phật A Di Đà là đạo tràng đệ nhất. Bạn ở nơi đó tu hành nhanh. Vì sao được nhanh? Chỉ có tiến bộ mà không có thoái lui.

Nơi chốn đó của Ngài là viên chứng tam bất thoái, hạ hạ phẩm vãng sanh cũng là viên chứng tam bất thoái, cho nên không có thoái chuyển, Bồ Tát tu hành có tiến mà không có lùi. Các thế giới phương khác thông thường đều là tiến thì ít mà thoái thì nhiều, cho nên cần phải có thời gian dài đến như vậy.

Sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, không có một người nào mà không được sức gia trì của Phật. A Di Đà Phật từ bi đến tột đỉnh, bốn mươi tám nguyện mỗi nguyện đều gia trì người hành trì niệm Phật vãng sanh, cho nên người hạ hạ phẩm vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc không cần phải trải qua mười hai kiếp mới hoa nở thấy Phật, mà sắp gần đến bên đó thì hoa nở thấy Phật. Do nguyên nhân gì vậy? Do oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì. Làm sao chúng ta biết được?

Trong bốn mươi tám nguyện nói được rất rõ ràng là sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là bậc A Duy Việt Trí Bồ Tát. A Di Đà Phật nói ra đều phải tính, Ngài tuyệt nhiên không nói người như thế nào vãng sanh mới là A Duy Việt Trí Bồ Tát. Nếu Ngài không có nói thì chính là lời nói chung chung, chỉ cần sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì thảy đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát. Vậy thì còn gì bằng!

Hay nói cách khác, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn liền bình đẳng với thất địa, bát địa, cửu địa. Cho nên, Đại Sư Ngẫu Ích trong “Kinh Di Đà Yếu Giải” nói: “Đó là cảnh giới không thể nghĩ bàn”. Nếu bạn nói họ là Bồ Tát thất địa thì không phải. Vì sao vậy? Phiền não một phẩm cũng chưa đoạn. Nếu bạn nói họ là phàm phu, nhưng trí tuệ, công đức, thọ dụng của họ hoàn toàn giống với Bồ Tát thất địa, bát địa. Đó là chỗ không thể nghĩ bàn của Thế giới Tây Phương Cực Lạc.

“Yếu Giải” của Đại Sư Ngẫu Ích cũng không thể nghĩ bàn. Chúng ta biết Đại Sư Ấn Quang là Bồ Tát Đại Thế Chí ở Thế giới Tây Phương tái sanh. Đại Sư tán thán “Yếu Giải” là “Cho dù là Cổ Phật tái lai làm chú giải cho “A Di Đà Kinh” cũng không thể nào vượt qua được bổn này”. Vậy thì “Yếu Giải” này được đưa lên đến tột định rồi. Nâng “Yếu Giải” chính là nâng Đại Sư Ngẫu Ích. Nếu Đại Sư Ngẫu Ích không phải là A Di Đà Phật tái sanh thì nhất định cũng là Bồ Tát Quán Thế Âm tái sanh, nếu không sẽ không được Bồ Tát Đại Thế Chí tán thán đến như vậy. Cho nên, chúng ta phải biết pháp môn này thù thắng không gì bằng.

“Du bộ thập phương, hành quyền phương tiện”. “Du bộ” là tham học. Người Thế giới Tây Phương Cực Lạc đích thực là như vậy, mỗi ngày đều đến mười phương thế giới để bái Phật. Bái Phật chính là thăm hỏi, thân cận chư Phật Như Lai. Chư Phật Như Lai là người phước đức đệ nhất đẳng của thế xuất thế gian. Thường hay thân cận các Ngài, thường hay nghe giáo huấn của các Ngài, thì trí tuệ của chính mình liền khai mở, đức hạnh cũng dần dần được viên mãn. Đó là thân cận thiện tri thức.

Người thân cận thiện tri thức là người thông minh, vào cùng một hàng với chư Phật Như Lai, vào câu lạc bộ của các Ngài, ngày ngày hòa chung với chư Phật Như Lai, bạn thử nghĩ xem, bạn làm sao mà không thành Phật? Không phải hòa chung với Bồ Tát mà mỗi ngày cùng ở chung với Phật, du bộ mười phương, tiếp nhận giáo huấn của Phật, khai trí tuệ. Mỗi ngày thân cận chư Phật, cúng dường thừa sự chư Phật, tu phước báo, cho nên cơ hội tu phước tu huệ quá viên mãn.

Ngày nay, chúng ta muốn tu phước, tu huệ cũng không tìm được chỗ để tu, không biết được nơi nào có phước, luôn luôn dùng sai cái tâm, tu sai rồi. Ở thế gian này chúng ta thấy được quá nhiều, đặc biệt là người có tiền của muốn làm một chút việc tốt, nhưng kết quả là đem tiền của bỏ vào trong biển lớn, đá chìm đáy nước, không có lợi ích gì. Không những họ không có lợi ích, mà còn rước lấy rất nhiều lỗi lầm.

Thế nhưng người Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì không như vậy, họ gặp được bậc chân thiện tri thức, biết được nơi nào là phước điền chân thật. Trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh. Mười phương cõi nước chư Phật, nhất định sẽ gặp được bạn bè quá khứ, quyến thuộc, đồng tham đồng học nhiều đời nhiều kiếp. Gặp được rồi, họ không nhận biết bạn nhưng bạn sẽ nhận biết họ. Vì sao vậy?

Trên Kinh nói, bạn sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì trí tuệ, thần thông, đức năng của bạn gần như hoàn toàn hồi phục, gần giống như A Di Đà Phật. Thân bằng quyến thuộc, bạn bè thân thiết từ vô lượng kiếp trước, bất cứ họ đang ở đường nào, ở cõi nào, bạn xem thấy đều biết rất rõ ràng. Phàm hễ có duyên thì thấy được sẽ sanh tâm hoan hỉ, bạn liền có cơ hội đến giáo hóa họ.

“Hành quyền phương tiện”, phương tiện này chính là tùy loại hóa thân, tùy cơ diễn giáo. Thế giới Tây Phương Cực Lạc, người hạ hạ phẩm vãng sanh chỉ cần thấy Phật A Di Đà, ở bên cạnh A Di Đà Phật, đi nhiễu quanh một vòng là được rồi, liền có năng lực đến thế giới khác tùy loại hóa thân, như trong “Phổ Môn Phẩm” đã nói, đáng dùng thân gì để độ thì liền có năng lực thị hiện ra thân đó. Loại năng lực này, nếu ở trên Kinh Đại thừa thông thường nói, cần phải đạt được Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, Biệt Giáo Sơ Địa Bồ Tát, cũng chính là nói phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân thì mới có được năng lực này.

Phật Bồ Tát trong mười pháp giới không có năng lực này, họ không làm được tùy loại hóa thân. Bồ Tát trong Pháp Giới Nhất Chân thì liền có thể làm được. Cho nên nhất định phải nên biết, cơ hội vãng sanh quyết định không thể để lỡ qua. Để lỡ rồi thì thật sai lầm, thật đáng tiếc. Bất cứ thứ gì ở thế gian cũng đều là giả, chỉ có một việc này là thật. Chúng ta là phàm phu nghiệp chướng sâu nặng đến như vậy, kiến tư phiền não làm gì có thể đoạn được?

Thông thường tu hành, sơ quả Tiểu thừa chúng ta cũng không có năng lực chứng được thì tám mươi tám phẩm kiến hoặc, chúng ta có bản lĩnh đoạn được hay sao? Không đoạn được, hay nói cách khác, sơ quả cũng không đạt được.

Thế nhưng chúng ta chân thật phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm cầu sanh Tịnh Độ, nhờ oai thần Phật gia trì, việc này nhất định có thể đạt được. Sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc liền siêu việt mười pháp giới. Cho nên, trí tuệ năng lực này nhờ oai thần Phật gia trì, nên không hề khác với Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, chỉ có vượt qua họ chứ không thể kém hơn họ.

Ở mười phương thế giới, đáng dùng thân gì để độ thì có thể thị hiện tám tướng thành đạo. Loại công đức lợi ích thù thắng này tra hết Đại Tạng Kinh cũng tìm không ra. Thị hiện rất nhiều thân, có thể tùy cơ nói pháp. Chúng sanh ưa thích nghe pháp gì, bạn liền giống như chư Phật Như Lai nói pháp môn đó cho họ nghe, khiến họ được độ.

Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 28

Bài viết liên quan

Giữ gìn chánh pháp là công đức đệ nhất

Thiện Quang

Tám Tướng Thành Đạo phần 1

Thiện Quang

Phật A Di Đà tu hành ở nhân địa như thế nào?

Thiện Quang

Người niệm Phật bị đọa địa ngục là do nguyên nhân gì?

Thiện Quang

Nguyện thứ nhất: Nguyện trong nước không có ác đạo

Thiện Quang

Nguyện thứ 28: Nguyện nước không có tên Bất thiện

Thiện Quang

Phá thành phiền não, lấp ao tham dục

Thiện Quang

Dứt sạch gốc khổ sanh tử – Sanh tử căn bản là gì?

Thiện Quang

Phải nỗ lực tu thiện, bồi đắp lỗi lầm của mình

Thiện Quang