Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa trọn bộ 600 tập
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa được lão Pháp sư Hòa Thượng Tịnh Không chủ giảng, trọn bộ gồm có 600 tập (Kinh Vô Lượng Thọ lần 11).
Giới thiệu đôi nét về Hòa Thượng Tịnh Không
Lão Hòa thượng Tịnh Không sinh năm 1927 tại huyện Lô Giang, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Thời niên thiếu Hòa thượng từng sống tại Kiến Âu Phúc Kiến. Thời kỳ 8 năm kháng chiến, Hòa thượng đi học tại Quý Châu. Thời thanh niên Hòa thượng nghiên cứu đọc Kinh sử cổ văn, rất thích triết học. Sau đó Hòa thượng theo học với nhà triết học lớn là giáo sư Phương Đông Mỹ, Phật sống Chương Gia Đại Sư và lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam tại Đài Loan. Hòa thượng nghiên cứu học tập triết học và Kinh Phật trong thời gian 13 năm. Năm 1959, Hòa thượng 32 tuổi thì được thế phát xuất gia tại chùa Lâm Tế Viên Sơn, Đài Loan. Năm 1977, Hòa thượng bắt đầu nhận lời mời diễn giảng, dạy học khắp nơi trên thế giới. Băng đĩa và tranh sách giảng Kinh thuyết pháp tính đến hàng trăm triệu bản, lưu hành khắp nơi nhưng không hề có bản quyền, hoan nghênh sao chép, in ấn, tặng miễn phí cho những ai cần đến.
Lão Hòa thượng Tịnh Không sinh ra trong hoàn cảnh nghèo, lúc trẻ rất vất vả. Nhiều năm nay được hàng ngàn vạn tín đồ khắp nơi trên thế giới cung kính cúng dường, nhưng Lão Hòa thượng không hề giữ riêng cho mình mà lập tức hiến tặng bố thí lại ngay. Phương thức chủ yếu của Lão Hòa Thượng là ấn tống sách Phật, Kinh Phật, giúp đỡ cho sự nghiệp giáo dục và y tế.
Chỉ tính ở trong nước, Lão Hòa thượng đã quyên tặng xây dựng được gần 100 trường tiểu học tình thương. Xin đơn cử vào tháng 6 năm 2005, Lão Hòa thượng một lần quyên tặng 33 triệu Nhân Dân Tệ cho quỹ Hội Thiếu niên nhi đồng Trung Quốc để giải quyết vấn đề thiếu hụt dụng cụ trong nhà trường. Tính đến nay Lão Hòa thượng đã quyên tặng rất nhiều tài vật, không sao thống kê hết được.
Lão Hòa thượng cả đời dồn sức vào việc giáo dục và giảng dạy Phật pháp, gắng sức đề xướng phá trừ mê tín, khơi gợi chánh tri chánh kiến, vạch rõ ý nghĩa cốt tủy của Phật giáo. Phật giáo không phải là thắp nhang lễ Phật cầu phù hộ, mê tín tôn giáo, cũng không phải xem Phật giáo như một môn học để nghiên cứu học thuật, mà Phật giáo thật sự có lợi ích, phá mê khai ngộ, khiến cho đông đảo chúng sanh có thể thực sự tiếp nhận được nền giáo dục tốt nhất.
Học Phật ở chỗ thay đổi bản chất, tu hành ở chỗ thay đổi quan niệm. Chỉ cần tu học đúng như lý như pháp thì bất kỳ tai nạn đau khổ, bất hạnh nào cũng đều có thể lần lượt hóa giải. Bên cạnh đó, việc nâng cao phẩm chất lương thiện, hồi phục tâm tánh, tăng trưởng đạo đức, cải thiện phong khí xã hội, giáo hóa bồi dưỡng nhân tâm và hoằng dương nền giáo dục văn hóa truyền thống cũng được Lão Hòa thượng Tịnh Không hết sức hoằng dương tán thán.
Rất nhiều người đã tỉ mỉ xem băng đĩa dạy học của Lão Hòa thượng Tịnh Không đã thu được lợi ích lớn, nên thành tâm, thành ý y giáo phụng hành, tu học Phật pháp. Họ đã hoặc là chuyển nguy thành an hoặc là hóa giải tai họa hoặc là bệnh nặng được tiêu trừ hoặc là giảm bớt phiền não, ai cũng cảm ơn không ngớt.
Kiểu tu học Phật pháp phá trừ mê tín triệt để này, khiến cho vô số gia đình được hòa mục kiết tường, vô số nam nữ lão ấu ngừa ác hành thiện, mãi được bình an. Lão Hòa thượng Tịnh Không đại trí tuệ, đại từ bi, thật đúng là một vị sư trưởng mà mọi người ngày nay không thể không biết. Chúng tôi cầu nguyện cho thật nhiều nơi, thật nhiều người, thật nhiều gia đình có phúc, có trí tuệ, có duyên biết đến Lão Hòa thượng, học được thật nhiều điều và thu được lợi ích thật lớn.
Lời mở đầu
Ngày hôm nay nhằm tiết Thanh Minh Âm lịch, chúng tôi chọn ngày hôm nay để bắt đầu giảng Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa. Đối với mọi người, danh xưng này dường như rất xa lạ, nhưng các vị đồng tu đã lâu trong nhà Phật biết Tịnh Độ Đại Kinh là kinh Vô Lượng Thọ.
Kinh Vô Lượng Thọ hiện thời có chín phiên bản khác nhau, bản được chúng tôi chọn lựa chính là bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Sắp theo thứ tự triều đại trước sau, bản này là bản cuối cùng, là bản thứ chín. “Giải” (解) là chú giải, do đệ tử cụ Hạ là lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ chú giải. Duyên khởi này cũng rất chẳng thể nghĩ bàn!
Trong giáo pháp Đại Thừa, cũng như trong Phật môn, mọi người đều cảm thấy kinh Vô Lượng Thọ rất hy hữu. Vì sao? Vì thuở đức Thế Tôn tại thế, giảng kinh, dạy học suốt bốn mươi chín năm; trong bốn mươi chín năm, Ngài đã giảng khá nhiều kinh luận, các kinh luận khác lão nhân gia chỉ giảng một lần, chẳng hề giảng trùng lặp, chỉ riêng kinh Vô Lượng Thọ được giảng trùng lặp mấy lượt. Đối với sự phiên dịch tại Trung Quốc, từ Dịch Kinh Mục Lục, chúng ta thấy kinh này có mười hai bản dịch, được phiên dịch nhiều lần nhất.
Từ triều Hán cho đến triều Tống, trong vòng tám trăm năm, dịch mười hai lần. Lẽ đương nhiên, nếu cùng một bản gốc, tuy có nhiều bản dịch, đương nhiên văn tự trong các bản dịch ấy khác nhau, nhưng nội dung chắc chắn là đại đồng tiểu dị. Như kinh Kim Cang có sáu bản dịch, từ Đại Tạng Kinh, chúng ta có thể thấy sáu bản dịch ấy có cùng một nguyên bản (bản gốc), cũng có nghĩa là đức Thế Tôn chỉ giảng kinh Kim Cang một lần.
Kinh Vô Lượng Thọ rất lạ lùng, những bản dịch sai biệt rất lớn. Chỗ rõ ràng nhất, mà cũng là phần trọng yếu nhất trong kinh này, chính là bổn nguyện của A Di Đà Phật. Hiện tại, chỉ còn lại năm bản trong mười hai bản dịch, đã thất truyền bảy bản. Hiện thời, trong Đại Tạng Kinh có mục lục ghi tựa đề của các bản dịch ấy, nhưng không có văn bản. Đây là chuyện rất đáng tiếc nuối!
Trong năm bản dịch gốc còn được lưu truyền, hai bản ghi bốn mươi tám nguyện, hai mươi bốn nguyện cũng được ghi trong hai bản, còn bản dịch đời Tống chép ba mươi sáu nguyện, sai biệt quá lớn! Nếu bảo nguyên bản chỉ có một loại, chắc chắn không thể nào có sự sai biệt này. Đó là chuyện chẳng thể xảy ra được!
Do vậy, từ chỗ có ba loại bổn nguyện sai biệt, cổ đại đức phán đoán: Đối với bảy bản dịch đã thất truyền, do không biết nội dung nên chẳng dám bàn tới, từ năm bản dịch này, khẳng định đức Thế Tôn tối thiểu giảng kinh Vô Lượng Thọ ba lần. Ba lượt nói bổn nguyện của A Di Đà Phật, đức Thế Tôn nói các điều nguyện không giống nhau, nên mới có sai biệt. Dự đoán này rất hợp la-tập (logic), bọn chúng ta cũng đều có thể chấp nhận. Nhiều lần tuyên giảng đâu phải dễ! Nếu không phải là hết sức trọng yếu, đức Thế Tôn chẳng thể tuyên giảng nhiều lượt.
Trong Đại Tạng Kinh, gần như chẳng tìm được dấu vết những bộ kinh khác được tuyên giảng nhiều lần. Sở dĩ, thuở còn tại thế, đức Phật đã tuyên giảng bộ kinh này nhiều lần, vì đây là một bộ kinh vô cùng trọng yếu. Nhất là chúng ta thấy Thiện Đạo đại sư đã nói hai câu, ngài Thiện Đạo là người đời Đường, theo truyền thuyết Ngài là A Di Đà Phật tái lai, lời ngài Thiện Đạo nói chính là lời A Di Đà Phật nói!
Ngài dạy: “Như Lai sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải” (Sở dĩ đức Như Lai xuất hiện trong thế gian chỉ vì muốn nói biển bổn nguyện của Phật Di Đà), có nghĩa là nói: Thập phương chư Phật thị hiện trong thế gian chỉ vì nguyên nhân này….
Mời quý bạn đọc Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa trọn bộ gồm 600 tập (được chia thành 10 quyển ở dưới) – Lão Pháp Sư Hòa Thượng Tịnh Không chủ giảng tại những file PDF dưới đây.
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Quyển 1: Tập 1 đến tập 60
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Quyển 2: Tập 61 đến tập 120
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Quyển 3: Tập 121 đến tập 180
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Quyển 4: Tập 181 đến tập 240
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Quyển 5: Tập 241 đến tập 300
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Quyển 6: Tập 301 đến tập 360
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Quyển 7: Tập 361 đến tập 420
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Quyển 8: Tập 421 đến tập 480
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Quyển 9: Tập 481 đến tập 540
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Quyển 10: Tập 541 đến tập 600