Ý nghĩa thật sự của việc hành trì thời khóa sáng tối
Phật dạy mọi người hành trì hai thời khóa sáng tối. Dụng ý của thời khóa sáng là để nhắc nhở chúng ta. Thời khóa tối là phản tỉnh.
Tuyệt đối không phải chết là hết
Chúng ta xem câu thứ chín trong Cảm Ứng Thiên. “Toán tận tắc tử” (tuổi thọ hết phải chết). Câu này là tổng kết. Phía trước đã nói “thiên địa hữu tư quá chi thần” (trong trời đất có các vị thần trông coi tội lỗi), theo sự tạo ác nặng hay nhẹ của người thế gian mà có hình phạt thích hợp. Phía trước đã nói sáu câu. Câu này là tổng kết, “toán tận” thì người này sẽ chết. Câu nói này là Thái Thượng đã lao tâm khổ trí để răn dạy chúng ta, cũng là sự cảnh cáo đối với chúng ta.
Tập khí ác của chúng sanh quá sâu, điều này phải từ bản thân chúng ta mà tự kiểm điểm thì chúng ta sẽ có sự hiểu biết sâu sắc. Chúng ta biết được lỗi lầm của chính mình, rất muốn sửa đổi nó nhưng sửa không được. Thế nhưng sửa không được thì đến sau cùng là một con đường chết, hơn nữa là chết rất là bi thảm.
Sau khi chết rồi thì nhất định là đọa tam đồ. Vì sao vậy? Chúng ta hãy kiểm điểm kỹ. Trong đời này, thậm chí là trong một ngày, từ sáng đến tối, mỗi khi chúng ta khởi tâm động niệm thì có mấy cái là thiện niệm, có mấy cái là ác niệm? Ngôn ngữ, tạo tác của chúng ta có mấy cái là thiện hạnh, có mấy cái là ác hạnh? Không phản tỉnh thì không biết, chúng ta từ từ suy nghĩ phản tỉnh thì sẽ liền hiểu rõ.
Phật dạy mọi người hành trì hai thời khóa sáng tối. Tôi đã nói điều này rất nhiều lần rồi. Dụng ý của thời khóa sáng là để nhắc nhở chúng ta. Chúng ta đọc một đoạn kinh văn rồi tự mình y theo để tu hành, nhắc nhở chính mình trong ngày hôm nay mỗi khởi tâm động niệm ngôn ngữ tạo tác phải dựa theo tiêu chuẩn của Kinh giáo. Thời khóa tối là phản tỉnh. Chúng ta trong ngày hôm nay có làm được theo giáo huấn của Phật hay không? Có thì biểu dương khích lệ. Nếu vẫn chưa làm được thì ngày mai nhất định phải làm cho được. Đây là ý nghĩa thật sự của việc hành trì thời khóa sáng tối.
Chúng ta tu pháp môn Tịnh tông, thời khóa sáng thì tụng 48 nguyện trong Kinh Vô Lượng Thọ. Bốn mươi tám nguyện có lý luận, có sự tướng, có phương pháp tu học, có cảnh giới, là đại tâm đại nguyện của A Di Đà Phật. Chúng ta sáng sớm đọc tụng đoạn kinh văn này là hướng về A Di Đà Phật để học tập cái đại tâm đại nguyện của Ngài. Thời khóa sáng chúng ta đã làm rồi, đoạn kinh văn này đã đọc rồi, vậy có phát tâm hay không? Nếu tâm nguyện của chúng ta hoàn toàn không tương ưng với kinh văn đã đọc tụng thì đọc tụng kinh là vô ích, làm thời khóa này là uổng công.
Thời khóa tối thì chúng ta tụng từ phẩm 32 đến phẩm 37. Đoạn Kinh văn này là nói về cái gì? Nói về ngũ giới thập thiện. Chúng ta tỉ mỉ mà kiểm điểm ngày hôm nay, khởi tâm động niệm ngôn ngữ tạo tác có tương ưng với giáo huấn của Phật hay không? Nếu không tương ưng thì chúng ta tạo ác, tạo tội rồi. Tạo tội ác thì niệm Phật làm sao có thể vãng sanh? Chúng ta niệm Phật mà công phu không được đắc lực là do nguyên nhân này.
Mỗi ngày dường như là đều hành trì thời khóa sáng tối, kỳ thực là không có làm, những gì đã làm chỉ là hình thức, trên thực chất là không có làm. Nếu quý vị thật sự hành trì thời khóa sáng tối thì công phu của các vị thật sự là tiến bộ vượt bậc. Nền tảng đạo nghiệp của các vị sẽ được vun đắp kiên cố. Bản thân các vị sẽ cảm thấy được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ. Không cần đi hỏi người khác mà tự mình có thể cảm thấy được.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên tập 7