Học Phật Vấn Đáp tập 9 phần 5: Làm thế nào để tránh sự phản đối của người nhà và sự cười nhạo của người khác bởi vì ăn chay giới sát?
Câu hỏi thứ nhất: Đệ tử thường xuyên làm công việc lưu thông pháp bảo, cần phải tiếp xúc với các đóng góp của tín chúng. Bởi con sợ lỡ lấy nhầm tiền công đức để dùng cho cá nhân, nên con thường bỏ thêm tiền của mình vào hòm công đức. Xin hỏi nếu thật sự lấy nhầm tiền đóng góp của đại chúng, cách làm này có thể bù đắp được không ạ?
Có thể bù đắp, đây gọi là lỗi, không gọi là tội, vẫn là lỗi lầm. Cách làm nên như thế nào? Nếu là khoản đóng góp của đại chúng, cho dù là hòm công đức, ngày ngày đều phải ghi chép, bạn có một cuốn sổ ghi chép.
Hôm nay, hòm công đức có bao nhiêu tiền, hôm qua hòm công đức có bao nhiêu tiền, cả tháng tính ra bao nhiêu, không được dùng cho mục đích khác. Không phải là chính mình ở đó tùy tiện lấy được, phải dùng cho khéo, chính mình có để vào đó bao nhiêu tiền đi nữa, cho dù để rất nhiều, vẫn là có lỗi lầm. Vì sao vậy?
Đây là không như pháp, không thể làm tấm gương cho người học Phật thông thường. Công đức chân thật chính là: “Học vi nhân sư, Hành vi thế phạm”, những gì chúng ta làm là tấm gương tốt nhất cho người khác. Đây không phải là tấm gương tốt. Cho nên bạn phải hiểu đạo lý này, tốt nhất không nên làm như vậy.
Câu hỏi thứ hai: Làm thế nào để tránh sự phản đối của người nhà và sự cười nhạo của người khác bởi vì ăn chay, giới sát?
Người khác cười nhạo không có vấn đề gì. Chúng tôi thường nói, cười chết là người ta chết, chúng ta không chết. Điều này không quan trọng. Nhưng với người nhà thì bạn phải làm ra hình tượng tốt cho họ xem. Hình tượng tốt này, bạn đang ở nhà ăn chay, họ ăn thịt, sau một hai năm, sức khỏe của bạn tốt hơn họ, tinh thần của bạn tốt hơn họ, trí huệ của bạn tốt hơn họ thì họ sẽ phục thôi.
Cho nên, bạn phải lấy hình tượng để cho họ xem, làm được tốt hơn, đặc biệt là phải nói rõ ràng vì sao phải ăn chay? Họ không tin Phật pháp, không tin nhân quả, nhưng chúng ta nói trên cơ sở khoa học thì họ sẽ tin.
“Bệnh từ miệng vào”, đây là ngạn ngữ đã truyền lại suốt mấy nghìn năm, họ sẽ không phản đối. Bệnh từ miệng vào, cho nên đồ chúng ta ăn thì phải có lựa chọn. Thông thường lựa chọn vệ sinh, điều này mọi người đều xem trọng, bảo vệ sinh lý. Sinh lý là sức khỏe vật chất. Con người ngoài sức khỏe vật chất ra thì còn có sức khỏe tinh thần. Tinh thần là gì? Là cảm xúc.
Tín đồ Hồi giáo hiểu được phải bảo dưỡng sinh lý, còn phải bảo dưỡng tính tình, cho nên những động vật tính tình không tốt thì họ sẽ không ăn. Họ ăn nhiều nhất là thịt cừu, tính tình của cừu ôn hòa. Điều này rất có đạo lý.
Khi tôi tiếp xúc với họ, thấy rất có đạo lý. Tôi tiếp xúc với họ khi tôi học cấp hai, bạn cùng lớp có mấy người là tín đồ Hồi giáo. Chúng tôi là bạn bè rất tốt, nên tôi cũng thường hay đến nhà họ chơi, họ cũng dẫn tôi đi tham quan nhà thờ Hồi giáo, nhờ vậy tôi hiểu rõ họ hơn.
Nhưng trong Phật giáo là ăn chay. Tôi là căn cứ vào những kinh nghiệm thời xưa này, vệ sinh, vệ tánh. Chế độ ăn chay trong Phật giáo nhấn mạnh đến việc bảo vệ tâm từ bi của chính mình, là vệ tánh. Đó gọi là nghe thấy âm thanh, không nỡ ăn thịt nó.
Bạn xem thấy động vật rất sống động, làm sao bạn nhẫn tâm ăn thịt chúng? Bảo vệ tâm từ bi của chính mình, cho nên chế độ ăn uống này của nhà Phật là hoàn mĩ nhất, nó có vệ sinh, vệ tánh, vệ tâm.
Ban đầu tôi lựa chọn ăn chay là theo đạo lý này. Lúc đó tôi mới học Phật được nửa năm, tiếp xúc với Phật giáo được nửa năm. Tôi hiểu rõ đạo lý này, cho nên lựa chọn bảo vệ tâm từ bi của chính mình, bảo vệ sức khỏe.
Tôi nghĩ như vậy có lẽ người trong nhà bạn sẽ có thể tiếp nhận. Sức khỏe của chế độ ăn chay nhất định vượt hơn ăn thịt. Bạn xem Lão Hòa thượng Bổn Hoán năm nay 101 tuổi. Năm ngoái khi Ngài một trăm tuổi, tôi đi thăm Ngài, sức khỏe vô cùng tốt, chỉ hơi lãng tai một chút.
Chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất vui vẻ trong nửa giờ. Hôm đó, tôi đi có mang theo một chuỗi hạt, không phải là chuỗi này, là chuỗi hạt rất bình thường. Ngài vội vàng chạy về phòng lấy ra một chuỗi hạt, có lẽ là hạt ngọc thạch gì đó cho tôi: “Thầy là Đại pháp sư, làm sao đeo chuỗi này được?”, liền đổi chuỗi hạt cho tôi, rất vui.
Cả đời ăn chay, xuất gia từ nhỏ, 101 tuổi vẫn không cần người chăm sóc, thật khó có được. Bạn xem người học Phật xuất gia, tại gia, người ăn chay lâu năm, sức khỏe đều rất tốt. Tấm gương này tốt. Hà tất phải ăn thịt chúng sanh chứ?
Câu hỏi thứ ba: Mẹ của đệ tử thắp hương lạy Phật, thỉnh thoảng cũng niệm Phật, nhưng phản đối đệ tử niệm Phật. Mẹ nói thắp hương lạy Phật là vì con cháu cầu phú quý bình an, cầu sanh Tây Phương quá khó, không có ai làm được. Xin Lão pháp sư khai thị.
Vấn đề này, bạn hãy xem nhiều “Vãng Sanh Truyện”, xem nhiều “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục” thì bạn sẽ hiểu vãng sanh không khó. Phải nói với mẹ của bạn là có thể chuyển được ý niệm thì bà có thể vãng sanh.
Ngàn vạn không được để cho bà chướng ngại con cái mình học Phật, đây là lỗi lầm rất lớn. Đây là gì? Đoạn pháp thân huệ mạng của người, tội nghiệp này rất nặng.
Phải nên dẫn dắt người cả nhà mình học Phật, người cả nhà thành tựu. Học Phật phải nên thường nói đạo lý mà Phật dạy cho bà ấy nghe. Bà ấy thuộc về mê tín, không biết chút gì về Phật pháp, cho nên mới có thái độ như vậy.
Câu hỏi thứ tư: Người thời nay thường xem người học Phật tu thiện như quái vật, không bình thường, thậm chí còn cười nhạo, rất nhiều người học Phật cảm thấy chướng ngại nặng nề mà thoái chuyển. Xin hỏi làm sao mới có thể không bị thoái chuyển?
Chỉ cần bạn kiên định chí hướng thì sẽ không thoái chuyển. Khi tôi mới học Phật, bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên của tôi cũng đều nói tôi không bình thường, cũng đều nói tôi như là quái vật.
Đặc biệt sau này tôi bỏ việc để xuất gia, thật sự là quái vật, họ nói anh ta mê rồi, bị Phật giáo mê rồi, mê quá sâu. Nhưng hai mươi năm sau, khi họ về hưu rồi, thường hay nghe tôi giảng trên truyền hình, trên internet.
Khi gặp tôi thì nói: “Con đường Thầy đi là đúng rồi!”. Họ mới hiểu được tôi không phải là quái vật, mà chính họ là quái vật. Chúng ta trong đời sống, năm sau ta vui sướng hơn năm trước, họ thì năm sau lại khổ sở hơn năm trước. Sự tương phản này quá lớn! Khi về già không có ai có thể so với tôi. Đây là tình huống thực tế đã bày ra trước mắt, bạn không thể không tin tưởng.
Nhưng học Phật có thật sự học Phật, có giả học Phật. Giả là mê tín, mê tín thì không được. Thật sự học Phật, Phật pháp ở trong Kinh điển, Phật pháp là giáo dục, điều này nhất định phải làm cho rõ ràng.
Cả đời Thích Ca Mâu Ni Phật dạy học, trước sau đều chưa từng làm Kinh sám Phật sự, trước sau đều chưa từng làm Pháp Hội lần nào. Đức Phật Ngài trong 49 năm chính là dạy học, dạy học không phân biệt giai cấp. Bạn phải tìm hiểu về Ngài. Bạn không hiểu về Ngài, tùy tiện phê bình Ngài, bạn đổ oan cho người tốt. Đổ oan cho người tốt là có tội lỗi. Ngài có cống hiến rất lớn đối với xã hội.
Từ khi Ngài nhập diệt đến nay, theo cách tính của người ngoại quốc thì là 2.550 năm. Năm ngoái Liên Hợp Quốc còn tổ chức một hoạt động kỷ niệm 2.550 năm Đức Phật nhập diệt. Người thông thường có thể làm được không? Toàn thế giới có nhiều người tin Ngài như vậy, có nhiều người học tập với Ngài như vậy, lẽ nào những người này đều không bình thường, chỉ có bạn có bình thường thôi ư? Phải suy nghĩ thật nhiều!
Nếu bạn muốn phê bình Ngài, tôi thường hay nói, bạn hãy tìm hiểu về Ngài thì bạn mới có tư cách để phê bình. Nếu bạn không tìm hiểu về Ngài thì sự phê bình này của bạn là sai lầm. Giống như chúng ta phê bình một bài văn vậy, nhất định phải đọc bài văn này thật tỉ mỉ mấy lần, những chỗ nào có vấn đề, bạn mới có thể đề xuất ý kiến.
Đối với Kinh điển Phật pháp, căn bản là bạn chưa tiếp xúc đến, chẳng biết chút gì mà bạn đã dám phê bình, bạn quá to gan rồi. Chẳng biết chút gì, bạn không có tư cách để nói chuyện. Nhất định phải làm cho rõ ràng. Phật pháp hoan nghênh mọi người phê bình, Phật pháp không sợ phê bình. Nhưng nếu muốn phê bình, trước hết hãy nghiên cứu Kinh điển, như vậy thì mới đúng.
Trích đoạn trong:
Học Phật Vấn Đáp Tập 9
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không