Đại Sư là tôn xưng đối với Phật, Bồ Tát Đẳng Giác chỉ có thể gọi là Đại Sĩ, không được gọi là Đại Sư. Ngay chỗ này các vị đồng tu phải ghi nhớ.
Bồ Tát thông thường gọi là Đại Sĩ, chúng ta thường gọi Quán Âm Đại Sĩ, Phổ Hiền Đại Sĩ, gọi Đại Sĩ, cũng gọi là Chánh Sĩ. Chánh là Chánh giác, Chánh Đẳng Chánh Giác, là ý như vậy. Chúng ta cũng gọi họ là Khai Sĩ. Khai Sĩ chính là Đại Triệt Đại Ngộ, Minh Tâm Kiến Tánh. Khai Sĩ, Chánh Sĩ, Đại Sĩ đều là tôn xưng của Bồ Tát.
Ngay chỗ này các vị đồng tu phải ghi nhớ, không được gọi là Đại Sư (chữ “Sư” của lão sư). Đại Sư là tôn xưng đối với Phật. Bồ Tát Đẳng Giác chỉ có thể gọi là Đại Sĩ, không được gọi là Đại Sư.
Hiện tại chúng ta xem thấy có rất nhiều người xuất gia xưng là Đại Sư, xưng hô như vậy không tốt, người xưa gọi là qua mặt. Bạn thành Phật rồi chưa? Bạn chưa thành Phật không thể xưng Đại Sư.
Phật là Đạo Sư của trời người, bạn tự xưng Đại Sư thật quá đáng. Bồ Tát Quán Âm còn không dám xưng là Đại Sư. Văn Thù, Phổ Hiền nhìn thấy Đại Sư phải đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu phía hữu ba vòng, bạn có phước báo lớn như vậy chưa? Bạn có thể gánh vác nổi hay không? Đây là thường thức phổ thông, chúng ta phải nên hiểu. Chúng ta tôn xưng người là tôn kính đối với họ, thế nhưng nếu vượt quá thì biến thành không tôn kính.
Thí dụ chúng ta tôn xưng người, nhìn thấy người thì gọi tiên sinh là rất tôn kính rồi, nếu như nhìn thấy bạn mà gọi Tổng Thống tiên sinh, chẳng phải là mắng bạn hay sao? Có phải vậy không? Bạn không phải là tổng thống, tôi nhìn thấy bạn liền chào: “Tổng Thống tiên sinh, xin chào ông!” là vượt quá mức rồi. Việc này các vị nhất định phải hiểu. Bạn xem thấy người xuất gia mà gọi là Đại Sư thì là quá đáng, thì cũng giống như chúng ta gọi mọi người là Tổng Thống tiên sinh vậy, danh phận không phù hợp.
Thường thức này chúng ta nên hiểu. Người hiện tại không biết, ngay đến một chút Phật học thường thức này cũng không biết, cho rằng gọi Đại Sư là tôn kính, làm gì biết được ý nghĩa chân thật. Việc này là không nên.
Bạn xem Ngài Ấn Quang, chúng ta gọi là Ấn Quang Đại Sư là sau khi Đại Sư Ngài viên tịch rồi, Ngài không còn ở đời, chúng ta tôn kính Ngài như vậy thì được. Khi Ngài còn ở đời, bạn xem thấy, năm xưa Pháp sư Ấn Quang Ngài lưu truyền cái gì? Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, không phải Đại Sư.
Sau khi Đại Sư Ngài viên tịch, chúng ta mới gọi Ấn Quang Đại Sư Văn Sao. Bạn xem thấy những năm đầu, khi mới đưa ra là Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, Ấn tổ chính mình cũng không hề xưng là Đại Sư. Mọi người ở trước mặt Ngài cũng nhất định không dám gọi Ngài là Đại Sư, nếu gọi vậy thì Ngài liền mắng người đó ngay. Cho nên, ở trong nhà Phật chúng ta có một số xưng hô quen thuộc.
Nhiều đời trước, các tông phái xưng “Tổ Sư”, đó là tổ sư của một tông phái nào đó. Gọi “Pháp sư”, phiên dịch kinh điển gọi là Tam Tạng Pháp sư, không hề xưng Đại Sư; thông đạt kinh giáo thì gọi là Kinh Sư Pháp sư, thông đạt Luật Tạng thì xưng là Luật sư, thông đạt Luận Tạng thì xưng là Luận sư. Những xưng hô này thường nghe thấy, làm gì nghe nói có Đại Sư, không ai dám dùng cách xưng hô này.
Vào thời trước làm thầy giáo của Hoàng Đế thì gọi là Quốc sư. Chúng ta xem thấy trong “Hoa Nghiêm”, Đại Sư Thanh Lương là thầy của Hoàng Đế, Ngài xưng là Quốc sư, cũng không dám xưng Đại Sư.
Thế nhưng các vị phải nên biết, chỉ có tổ sư của Tịnh Độ tông có thể xưng Đại Sư, đó là trải qua nhiều đời công nhận, tổ sư của các tông phái khác đều không thể xưng Đại Sư, chỉ có Tịnh Độ tông. Vì sao vậy?
Tịnh Độ tông là dạy người một đời bình đẳng thành Phật, tất cả chư Phật dùng pháp môn này, bạn ngày nay cũng dùng phương pháp này khuyên người niệm Phật, cũng bình đẳng thành Phật, không hề khác biệt với Phật, cho nên chỉ có tổ sư của Tịnh Độ tông có thể xưng Đại Sư.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 4