Phật Thuyết Kinh A Di Đà là kinh giới thiệu về cõi Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà và pháp môn niệm Phật để chúng sanh có thể được vãng sanh về cõi này.
Trong thời kỳ Mạt Pháp, đặc biệt là trong thời đại hiện tại, con người phiền não nặng nề, lắm khổ nạn. Nếu muốn đạt được lợi ích chân thật trong một đời, giải quyết vấn đề hiện tiền, thì bất cứ cá nhân, gia đình, sự nghiệp, cũng như nói ở một mức độ cao hơn là giải quyết một vấn đề vĩnh hằng, thường được nhà Phật gọi là “sanh tử đại sự” thật sự hữu hiệu, thật sự thực hiện được phương cách giải quyết vấn đề ấy, thì trong tất cả hết thảy pháp môn, chỉ có mình pháp môn Tịnh Độ (pháp môn niệm Phật, chuyên niệm A Di Đà Phật) là có thể đảm đương!
Cổ đức nói pháp môn này đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng, ổn thỏa, thích đáng, trọn đủ những điều thù thắng khôn sánh. Các vị tổ sư đại đức đều khác miệng cùng lời gọi pháp môn này là “pháp khó tin”. Từ cổ đến nay, những người tu trì pháp môn Tịnh Độ thật sự đạt thành tựu chỉ có hai hạng người:
Hạng thứ nhất là những người thiện căn sâu dày, căn tánh rất nhạy bén, đặc biệt thông minh, vừa nghe đến đạo lý và sự thật trong pháp môn này, liền có thể tin tưởng sâu xa, chẳng nghi ngờ, dốc cạn lòng Thành tiếp nhận.
Hạng thứ hai là những kẻ có phước, phước được nói ở đây chẳng phải là phước trong ngũ dục, lục trần của thế gian. Sự vinh hoa, phú quý trong thế gian toàn là giả. Phước báo chân chánh chính là nghe kinh này xong, tuy chưa hiểu đạo lý, vẫn tin tưởng sâu đậm, chí thành tuân hành.
Khó nhất là những kẻ lưng chừng, hạng này chiếm đến đa số, tức là những kẻ được các vị cao tăng, đại thiện tri thức các đời buốt lòng rát miệng giảng giải, giới thiệu pháp môn Tịnh Độ, nhưng họ vẫn nửa tin, nửa ngờ, không chịu dốc lòng tu tập; họ cũng thuộc vào hàng căn tánh bậc trung.
Phật giáo chính là nền giáo dục tốt nhất của đức Phật dành cho hết thảy chúng sanh, trọn chớ nên coi Phật giáo là tôn giáo. Đức Phật thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, giảng kinh hơn ba trăm hội. Những pháp do Phật nói ra được người đời sau chỉnh lý, truyền sang Trung Quốc, lại được các vị cổ đức phiên dịch, chỉnh lý, phân loại, biên tập thành một bộ đại tùng thư, mệnh danh là Đại Tạng Kinh. Có thể dùng một câu nói để bao quát toàn bộ nội dung Đại Tạng Kinh: “Giảng nói chân tướng của vũ trụ và nhân sinh”.
Nguyên vì chư Phật nghĩ thương xót quần mê, tùy theo từng căn cơ mà lập cách hóa độ. Trở về nguồn thì chẳng hai, nhưng phương tiện có nhiều cửa. Trong hết thảy các phương tiện, cầu lấy một phương tiện thẳng chóng nhất, viên đốn nhất, thì không gì bằng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.
Lại nữa, trong hết thảy các pháp môn Niệm Phật, cầu lấy một pháp đơn giản nhất, dễ dàng nhất, ổn thỏa nhất, thích đáng nhất, thì không gì bằng “tín, nguyện, chuyên trì danh hiệu”. Vì thế, ba kinh Tịnh Độ cùng được lưu hành trong cõi đời, nhưng cổ nhân lại xếp riêng kinh A Di Đà vào khóa tụng thường ngày, há chẳng phải là vì thấy pháp Trì Danh thích hợp trọn khắp ba căn, thâu nhiếp Sự lẫn Lý chẳng sót, bao trùm Tông lẫn Giáo chẳng thừa, thật là chẳng thể nghĩ bàn đó ư?
Kinh này có tựa đề là Phật Thuyết A Di Đà Kinh. Có những bộ kinh, phần tựa đề được bắt đầu bằng hai chữ “Phật Thuyết”, có kinh chẳng thêm hai chữ này. Như Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh đều chẳng thêm hai chữ “Phật Thuyết”, nhưng cả hai kinh ấy quả thật đều do đức Phật nói. Theo thông lệ, nếu câu thứ nhất trong phần Chánh Tông của kinh điển được bắt đầu bằng “Phật Thuyết” thì tựa đề kinh sẽ ghi thêm hai chữ “Phật Thuyết”. Nếu không phải là hai chữ “Phật Thuyết” thì không thêm.
Từ nội dung và tánh chất, những kinh do đức Phật được giảng được phân loại thành “mười hai phần giáo”. Trong ấy, có một loại là Vô Vấn Tự Thuyết (không ai hỏi mà đức Phật tự nói): Đức Phật thấy cơ duyên của chúng sanh đã chín muồi, có thể tiếp nhận một tầng giáo hóa nào đó, liền chẳng do ai hỏi mà tự nói. (Thông thường, có người thỉnh pháp thì đức Phật mới thuyết pháp. Chỉ riêng A Di Đà Kinh, không ai thỉnh pháp mà đức Phật tự nói.)
A Di Đà (Amitābha) là tiếng Phạn, A là Vô, Di Đà là Lượng, Phật là Giác. A Di Đà Phật chính là Vô Lượng Giác. Phật vốn là hết thảy vô lượng, nhưng trong kinh này chỉ đặc biệt nói đến hai ý nghĩa, tức là Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang. Thọ chỉ thời gian, tức quá khứ, hiện tại, vị lai. Quang chỉ không gian, tức mười phương thế giới. Thời gian và không gian bao gồm hết thảy. Quang và Thọ tượng trưng cho không gian và thời gian, nhưng hai chữ “quang, thọ” sống động, ý nghĩa sâu xa vượt hẳn “thời gian, không gian”. Trong hết thảy các thứ vô lượng, thọ mạng quan trọng nhất. Nếu thọ mạng hữu hạn thì hết thảy trí huệ, tài nghệ, đức năng, của cải đều vô ích.
Phật Thuyết Kinh A Di Đà lược tả về cõi Tây Phương Cực Lạc trang nghiêm đẹp đẽ nơi Đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp và pháp môn trì danh niệm Phật cho đến nhất tâm bất loạn để được vãng sanh về cõi này. Là một trong ba bộ kinh chính của Tịnh Độ tông, được Tịnh độ tông sử dụng làm nền tảng cho tư tưởng của mình.
Hai bộ kinh còn lại là kinh Vô Lượng Thọ (nói về tiền thân Đức Phật A Di Đà và 48 lời phát nguyện cứu độ chúng sinh của Ngài) và kinh Quán Vô Lượng Thọ (nói về phép quán tưởng niệm Phật). Ngoài ra, Tịnh Độ Tông còn có một bộ luận rất nổi tiếng là Vô Lượng Thọ Kinh Luận.
Kinh A Di Đà được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán bởi Pháp sư Cưu Ma La Thập (344 – 413) thời Diêu Tần. Ông là người gốc Ấn Độ, cũng là một trong những dịch giả Phật giáo nổi tiếng, chuyên dịch các kinh sách từ tiếng Phạn sang tiếng Hán.
Kinh A Di Đà là bản kinh khen ngợi công đức của đức Phật A Di Đà và được tất cả các chư Phật hộ niệm. Kinh do Đức Phật Thích Ca tự giảng nói đến chúng sinh biết đến cõi Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà và cách để chúng sinh có thể được vãng sanh về cõi này.
Mời quý bạn tụng đọc Phật Thuyết Kinh A Di Đà – Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch tại file PDF dưới đây.