Pháp Vi Diệu

Niệm Phật công phu làm sao đắc lực?

Niệm Phật công phu làm sao đắc lực? Buông xả vạn duyên, nhất tâm chuyên chú, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra, thảy đều buông xuống.

“Văn ngã danh dĩ”. Trong câu này ý nghĩa quan trọng là “văn danh”. Bạn nghe thấy danh hiệu của A Di Đà Phật, bạn nghe thấy bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” này, tên Phật và tên Kinh đều giống nhau, đều ở trong một câu này. Chúng ta hiện nay cũng nghe Kinh Phật rất nhiều lần rồi, hằng ngày cũng đang niệm, Phật hiệu cũng thường xuyên đang niệm, chúng ta có được “thanh tịnh, giải thoát, phổ đẳng tam muội” hay chưa? Một câu này chính là chúng ta bình thường nói Niệm Phật Tam Muội, bạn có đạt được chưa? Chưa đạt được. Chưa có đạt được, chúng ta văn danh rồi? Chữ “văn” ở trong văn danh có ý nghĩa rất thâm diệu. Chúng ta có văn hay không? Không có. Người nào biết văn vậy? Bồ Tát biết văn. Chúng ta hiện nay không phải Bồ Tát. Chúng ta hiện nay là nghe Kinh, nghe Phật hiệu, nghe mà không văn. Cũng xem như có chút công phu, nghe nhưng mà không văn. Các bạn biết, chữ này là một trong tam tuệ của Bồ Tát. Tam tuệ của Bồ Tát là “văn, tư, tu”, ở Tỳ kheo gọi là tam học, Tiểu Thừa gọi là tam học, Đại Thừa gọi là tam tuệ. Chữ “văn” này là “văn tuệ”, không phải nói chúng ta nghe thấy, cái này không phải văn. Tam tuệ rốt cuộc là như thế nào? Tuệ của tam tuệ là chữ “tuệ” của “giới định tuệ”. Từ đó cho thấy, nếu chúng ta muốn được “văn tuệ” thì trước tiên phải hoàn thành tam học “giới định tuệ”.

Phật ở trong Kinh thường nói: “Do giới được định, do định khai tuệ”. Sau khi tuệ vừa khai rồi thì bạn chính là Bồ Tát. Tuệ chưa khai thì bạn không phải là Bồ Tát. Bạn mới biết được giới quan trọng cỡ nào.

Ngày nay, cách chúng ta tu giới là như thế nào? Chúng ta đem lời dạy của Phật Đà hạ đến mức thấp nhất. Tuyệt đối không nên bàn quá cao đến sự tu trì của Bồ Tát. Nhất định phải thừa nhận chính mình là phàm phu nghiệp chướng sâu nặng. Bắt đầu học từ đâu vậy? Bắt đầu học từ “ngũ giới thập thiện”. Ngũ giới thập thiện còn không thể làm được thì bạn vĩnh viễn ở trong quả vị Danh Tự.

Niệm Phật công phu làm sao đắc lực? Cổ đức nói là: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn”, công phu này không đắc lực. Trong miệng niệm A Di Đà Phật mà trong tâm nghĩ ngợi lung tung thì không thể vãng sanh. Cho nên, niệm Phật phải thật niệm. Sao gọi là thật niệm? Buông xả vạn duyên, nhất tâm chuyên chú, trong mười hai giờ trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra, thảy đều buông xuống. Tại sao vậy? Không liên quan gì với ta. Nếu bạn niệm như vậy thì công phu của bạn mới đắc lực, bạn mới niệm đến đắc định. Đây gọi là trì giới niệm Phật.

Tịnh Nghiệp Tam Phước nói rất hay, phước thứ nhất là “từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp”. “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát” là đức. Tích lũy công đức, công là gì vậy? Công là Thập Thiện Nghiệp Đạo, bạn phải tu Thập Thiện Nghiệp Đạo, đây là quan trọng hơn hết, đây là căn bản của căn bản Phật pháp. Nếu như xa rời thập thiện, nếu như lơ là thập thiện thì nền móng của bạn không có. Chúng ta thường hay dùng thực vật để ví dụ. Thập thiện là gì? Thập thiện là gốc. Gốc của bạn hỏng rồi, bạn làm sao có thể thành tựu? Những điều bạn tạo tác đều là ác nghiệp, quả báo của bạn là ở tam đồ. Tất cả pháp thế xuất thế gian không có gì khác, trong mắt Bồ Tát thấy rất rõ ràng. Thấy việc gì vậy? Nghiệp nhân quả báo, đền trả lẫn nhau mà thôi. Người phàm dù có thông minh trí tuệ đi nữa cũng không cách gì biết trước được. Chỉ có Thánh nhân có thể biết trước. Bạn muốn hỏi, Thánh nhân căn cứ vào cái gì có thể biết trước? Thánh nhân thông đạt tất cả sự lý nhân quả, nên họ biết. Đối với sự lý nhân quả không thể thông đạt sáng tỏ, dựa vào sự tưởng tượng, suy đoán, tính toán của chúng ta đều sẽ có sai lầm, đều không thể đạt được chân tướng.

Chúng ta dụng công trì giới niệm Phật. Dùng phương pháp trì giới niệm Phật được tâm thanh tịnh, càng niệm thì tâm càng thanh tịnh, vọng niệm ít đi, phiền não nhẹ rồi, trí tuệ tự nhiên tăng trưởng ngay. Đây là hiện tượng của niệm Phật công phu đắc lực. Bạn đắc lực hay không là nhìn ngay chỗ này, tự mình biết. Cho nên, chúng ta niệm Phật là cầu tâm thanh tịnh.

Trong “Kinh Di Đà” nói với chúng ta: “Nhất tâm bất loạn, tâm không điên đảo”, đây là điều mà người niệm Phật chúng ta muốn cầu. Nhất tâm bất loạn chính là tâm thanh tịnh. Tâm không điên đảo thì trí tuệ liền hiện tiền. Từ đó cho thấy, phương pháp chúng ta dùng, phương pháp trì giới niệm Phật là tu định, là tu tuệ, phước tuệ song tu. Nhưng tu hành tám mươi bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, pháp môn thù thắng nhất không gì bằng niệm Phật. Ở trong pháp môn niệm Phật, phương pháp thù thắng nhất không gì bằng niệm A Di Đà Phật. Lời nói này không phải tôi nói, mà là Phật nói, là chư Bồ Tát nói. Ở trong Kinh Đại Thừa nói rất nhiều, chúng ta nên tin tưởng.

Trong Kinh thường nói pháp tạng, pháp bảo. Hạt nhân của pháp tạng, pháp bảo là gì vậy? Chính là một câu Thánh hiệu “A Di Đà Phật” này. Chư Phật Như Lai, Phật Phật truyền nhau chính là pháp bảo này. Lịch đại tổ sư, cái mà tổ tổ truyền nhau cũng là pháp bảo này. Pháp bảo này, khi chúng ta nghe đến, thấy đến dường như là quá bình thường, không hề xem như là pháp bảo để đối xử. Nguyên nhân là gì vậy? Bạn nhận thức chưa đủ về pháp bảo này. Đây quả thật là của báu, bạn chưa có nhìn ra được, bạn không biết được.

Cư sĩ Mai Quang Hi ở trong phần lời tựa của bộ Kinh này nói với chúng ta rất rõ ràng, thời đại Tùy Đường, cao tăng đại đức Trung Quốc và những cao tăng đại đức người Hàn Quốc, Nhật Bản du học tại Trung Quốc đã từng thâm nhập nghiên cứu thảo luận đối với vấn đề: Tất cả Kinh mà Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói trong 49 năm, bộ Kinh nào là quan trọng nhất, có đầy đủ tính đại biểu nhất? Mọi người đều công nhận là “Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm”. Cho nên người thông thường gọi “Hoa Nghiêm” là “vua của các Kinh” là như vậy mà ra. “Kinh Hoa Nghiêm” đến cuối cùng, Bồ Tát Phổ Hiền “Thập Đại Nguyện Vương dẫn về Cực Lạc”. Ý nghĩa này rất lớn. Cho nên, họ đem Kinh điển của Tịnh Độ tông làm một cuộc so sánh lại với “Kinh Hoa Nghiêm”, thế là mới phát hiện “Kinh Vô Lượng Thọ” đứng đầu. Tại sao vậy? “Hoa Nghiêm” đến cuối cùng quy về “Vô Lượng Thọ”. “Kinh Vô Lượng Thọ” là tổng kết của “Kinh Hoa Nghiêm”. Đây là đem so sánh với Hoa Nghiêm rồi. Chúng ta hãy xem tiếp, bản “Kinh Vô Lượng Thọ” mà ngày nay chúng ta dùng là bản hay nhất. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư đã đem toàn Kinh chia thành 48 phẩm, phẩm nào là đứng đầu vậy? Nếu chúng ta quan sát tỉ mỉ, từ xưa đến nay, những tổ sư đại đức này đã khẳng định, đoạn Kinh văn quan trọng nhất trong “Kinh Vô Lượng Thọ” không gì bằng 48 nguyện. Bốn mươi tám nguyện là do A Di Đà Phật tự mình nói, Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta thuật lại. Ngài thuật lại với chính bản thân A Di Đà Phật nói không có gì khác. Vậy thì chúng ta biết rồi, “Kinh Vô Lượng Thọ” là đứng đầu, 48 nguyện là đứng đầu. Bốn mươi tám nguyện, nếu như lại tiếp tục nghiên cứu thật kỹ, nguyện nào là đứng đầu? Người xưa đã làm công việc này rồi, chúng ta không cần bận tâm lo nghĩ. Người xưa đều nói nguyện thứ mười tám là đứng đầu, gọi là đại nguyện căn bản.

Nguyện thứ mười tám là gì vậy? “Mười niệm ắt sanh”, chính là nói rõ danh hiệu “A Di Đà Phật” là đứng đầu. Nếu bạn không quan sát phân tích như vậy thì bạn làm sao biết được sáu chữ hồng danh này là pháp bảo vô thượng, là pháp tạng cứu cánh? Chỉ có người biết mới quí nó, mới muốn giữ lấy nó, niệm niệm đều không xa rời. Đây là chân thật sáng tỏ, thật sự thông đạt, thật sự nắm chắc được pháp bảo. Người biết đem cái pháp bảo này biến thành pháp bảo của mình, biến thành bí tàng của mình thì người này đâu có đạo lý nào không làm Phật? Chúng ta ngày nay lơ là câu danh hiệu này, thường xuyên quên mất rồi, không có coi trọng câu danh hiệu này là không nhận thức về câu danh hiệu này.

Chính là bởi vì chúng ta không nhận thức công đức bất khả tư nghì của danh hiệu, cho nên mới lơ là, không chịu cần mẫn nỗ lực tu tập, tuy niệm câu danh hiệu này nhưng mà không thể đạt được hiệu quả. Hiệu quả của nó chính là chỗ này gọi là “thanh tịnh, giải thoát, phổ đẳng tam muội”. Đây mới nói có một nửa, đây là nói Niệm Phật Tam Muội.

Câu Kinh văn phía dưới nói: “Chư thâm tổng trì”, đây là nói trí tuệ đã khai rồi.

Câu phía trước chúng ta chưa đạt được. Phổ đẳng tam muội là ba giai đoạn; trước tiên được thanh tịnh, tiếp theo sẽ được giải thoát, cuối cùng sẽ được phổ đẳng. Đây là nói công phu niệm Phật của chúng ta. Chúng ta được tâm thanh tịnh, tức là giai đoạn thứ nhất có rồi, lại có thể được giải thoát. Giải thoát là gì? Tự tại. Nói giải thoát thì mọi người không hiểu, nói tự tại là bạn hiểu ngay. Thân tâm tự tại, đời sống tự tại, làm việc tự tại, đối nhân xử thế tiếp vật tự tại. Muốn được đại tự tại, trước tiên phải được tâm thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh, bạn làm sao được tự tại? Cho nên chúng ta ngày nay niệm Phật mỗi ngày, niệm Phật đường hai mươi bốn giờ niệm Phật, hiệu quả của chúng ta ở chỗ nào?

Gần đây, chúng tôi có mời Pháp sư Thường Tuệ của chùa Bách Quốc Hưng Long Trường Xuân, tôi hy vọng bà có thể đến niệm Phật đường nơi đây để niệm Phật ba tháng. Các bạn xem, bà đã đạt được thanh tịnh, giải thoát, phổ đẳng tam muội rồi, bà được đại tự tại, tâm địa bà thanh tịnh. Chúng tôi mời bà đến đây niệm Phật ba tháng để làm mẫu cho chúng ta thấy, mọi người cùng cố gắng học tập. Gần đây tôi nghe nói, bà đã hơn 400 ngày không hề ngủ, mỗi ngày 24 giờ niệm Phật, thân thể tự tại vui vẻ. Bà năm nay 65 tuổi. Tôi với bà chưa từng gặp mặt nhau, chỉ nghe giọng nói của bà qua điện thoại, giọng nói của bà giống như nữ sinh vài ba chục tuổi vậy. Bà là tỳ kheo ni, bà chưa từng đi học, ở Trung Quốc nói bà không có văn hóa, chỉ là thật thà niệm Phật. Có thể thấy thật sự có người làm được, làm ra cho chúng ta thấy. Không phải chúng ta chỉ nói những lý luận này ở trên Kinh điển, thật sự có người dựa vào đạo lý phương pháp này để làm, bà thật sự đạt được rồi.

Chướng ngại lớn đầu tiên ở trong đây chính là tự tư tự lợi mà tôi thường nói, chúng ta phải đem nó trừ bỏ. Vấn đề này nếu như không thể trừ bỏ sạch đi thì tâm thanh tịnh của bạn chắc chắn không thể đạt được. Phát tâm Bồ Đề, niệm niệm vì tất cả chúng sanh, phải biết tùy duyên, không phan duyên. Nếu như phan duyên thì tâm bạn không thanh tịnh, nôn nóng muốn làm cái việc tốt này, làm cái việc tốt kia, vậy thì không được, tuyệt đối không được phép. Tất cả do duyên phận, gặp được rồi chúng ta phải làm trọn vẹn, không gặp được thì thôi. Không gặp được thì không nên đi tìm, khi đi tìm thì bạn vẫn là ham muốn công đức, bạn vẫn còn tâm tham trong đó, bạn vẫn chưa có buông xả. Tất cả phải học điều mà Bồ Tát Phổ Hiền dạy chúng ta: “Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”. Tùy thuận, tùy duyên thì tốt, không hề có mảy may miễn cưỡng, cách làm này thì tâm thanh tịnh vĩnh viễn không mất đi, tự tại bạn đã đạt được rồi. Từ đó cho thấy, văn tuệ của Bồ Tát là cần phải đầy đủ tam học giới định tuệ.

Chúng ta dùng phương pháp gì để tu giới định tuệ vậy? Dùng phương pháp trì danh niệm Phật để tu giới định tuệ. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất của chúng ta là tập khí phiền não đã tạo thành nghiệp chướng to lớn. Việc này nhất định chúng ta phải dùng ngũ giới thập thiện để tiêu trừ nó. Hạ quyết tâm kiên định học tập thập thiện nghiệp đạo, quyết định đem thập ác nghiệp xả bỏ sạch thì chướng ngại trên đường Bồ Đề của chúng ta liền giảm ngay. Đây là chướng ngại lớn, nghiêm trọng nhất. Chướng ngại này nếu không trừ bỏ thì chúng ta một bước cũng không cách gì tiến triển được. Cho nên, lần này chúng ta lợi dụng thời gian nửa giờ vào buổi sáng để cùng với các bạn học tập thật kỹ “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo”. Chúng tôi đã giảng qua bốn lần, nhưng vẫn chưa có giảng đến Kinh văn, mới nói đến một thiên “Thượng Dụ” của Hoàng đế Ung Chánh. Chúng tôi dùng thiên này thay cho lời mở đầu. Trong “Thượng Dụ” nói với chúng ta về tầm quan trọng của việc học bộ Kinh điển này.

Người mà đầy đủ “giới định tuệ” chính là Bồ Tát.

Văn tuệ nghĩa là gì vậy? Văn là tiếp xúc, không nhất định là tai nghe, mà mắt thấy cũng gọi là văn. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, dùng chữ “văn” này làm đại biểu. Văn là tiếp xúc, gọi là văn tuệ.

Tư tuệ nghĩa là gì vậy? Tư tuệ là thông đạt, sáng tỏ. Các bạn phải biết, nó không có giai đoạn, vừa tiếp xúc liền thông đạt, sáng tỏ ngay.

Tu tuệ là gì vậy? Tu tuệ là không mê.

Cho nên, tam tuệ của Bồ Tát là không có trước sau, là đồng thời đầy đủ; văn tư tu đồng thời đầy đủ, vừa tiếp xúc liền thông đạt, liền sáng tỏ, liền không mê hoặc. Từ không mê hoặc mà nói gọi là tu tuệ, từ thông đạt sáng tỏ gọi là tư tuệ, từ tiếp xúc gọi là văn tuệ, “văn ngã danh tự”. Từ đó cho thấy, Bồ Tát vừa nghe danh hiệu A Di Đà Phật thì họ thông đạt sáng tỏ, họ biết đây là tâm truyền của chư Phật, biết đây là pháp tạng của chư Phật, là pháp bảo chân thật. Họ thông đạt, sáng tỏ, nắm chắc cái này, những thứ khác thảy đều buông xả, thảy đều xả bỏ rồi, đó là tu tuệ. Sáng tỏ là tư tuệ, vừa tiếp xúc là văn tuệ. Bất kể là nghe thấy Phật danh, danh hiệu A Di Đà Phật, hoặc giả nghe thấy đề Kinh của “Kinh Vô Lượng Thọ”, tam tuệ của họ liền đầy đủ, cho nên họ có thể đạt thanh tịnh, giải thoát, phổ đẳng tam muội.

Chúng ta hiện nay đã hiểu rõ rồi, chúng ta chưa vào được giai đoạn này. Nguyên nhân do đâu vậy? Chúng ta không có hạ công phu trên cơ sở. Chúng ta đối với Kinh giáo này, tuy đã nghe nhiều lần như vậy, đã niệm mấy ngàn lần rồi, thậm chí có một số đồng tu niệm đến cả vạn lần, thế nhưng tại sao tập khí phiền não vẫn không thể trừ hết? Truy cứu nguyên nhân căn bản của nó, điều mà lão cư sĩ Hạ Liên Cư nói là: “Bạn chưa có làm thật”. Lão cư sĩ nói hai chữ này hay: “Làm thật!”. Cách làm như thế nào vậy? Y giáo tu hành. Đây chính là điều mà Đại sư Thiện Đạo dạy chúng ta. Phật ở trong Kinh dạy chúng ta cần phải làm như thế nào thì chúng ta cứ thật thà làm như thế ấy, dạy chúng ta không được phép làm thì chúng ta quyết định không làm, đây chính là “làm thật”. Phật dạy chúng ta: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, chúng ta nhất định phải cần mẫn thật thà làm theo. Những điều trái ngược lại với điều này, đó là điều mà Phật không bảo chúng ta làm, chúng ta quyết định không làm, đặc biệt là mười nghiệp ác. Học Phật phải học từ những chỗ này.

Phật ở trong bộ Kinh này nói lý luận phương pháp, giáo huấn thật sự rất nhiều. Những lời giáo huấn nào nhằm vào thói xấu to lớn hiện nay của chúng ta, chúng ta tự mình phải biết. Tập khí phiền não của mỗi người không giống nhau. Chúng ta nhất định phải khắc phục phiền não nghiêm trọng nhất của mình thì chúng ta mới có thể được tương ưng. Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, mười nghiệp ác quyết định không được làm. Đặc biệt là ý nghĩ tham-sân-si, ba độc phiền não này chúng ta không thể không đoạn.

Những điều Phật dạy chúng ta làm là thập thiện, lục độ. Trong lục độ, mặt trái của bố thí là tham lam keo kiệt. Chúng ta phải đem tập khí phiền não tham lam keo kiệt này xả thật sạch sẽ, xả thoải mái. Mặt trái của trì giới là nghiệp ác. Đại biểu của nghiệp ác là thập ác. Phàm những gì là tự tư tự lợi đều là nghiệp ác. Tại sao vậy? Tăng trưởng tham sân si, tăng trưởng chấp ngã. Đây là chướng ngại to lớn khiến chúng ta không có cách gì được tâm thanh tịnh, không có cách gì được giải thoát, cho nên chúng ta không buông xả làm sao được? Mặt trái của nhẫn nhục là sân hận, đố kỵ, bạn nhất định phải buông xả.

Tại sao chúng ta tu sáu Ba La Mật của Bồ Tát không thành công vậy? Chính là chúng ta chưa có đem mặt trái của nó trừ hết. Tham lam keo kiệt chưa có xả sạch thì làm sao bố thí được? Nghiệp ác không trừ hết thì làm sao có thể trì giới? Đố kỵ, sân hận không trừ hết thì làm sao có thể nhẫn nhục? Giải đãi, lười biếng không trừ hết thì sao có thể tinh tấn? Tâm tán loạn, nghĩ ngợi lung tung không trừ hết thì làm sao có thể đắc định? Ngu si không trừ hết thì làm sao có thể khai trí tuệ? Cho nên phải biết, Phật dạy chúng ta như thế nào thì chúng ta phải nên tu học như thế ấy. Phật là người từ bi đến cực điểm, chỉ trách bản thân chúng ta không nghiêm túc, không học cho thật đường hoàng, cho nên chúng ta không thể thành Bồ Tát nổi, không thể thành Phật nổi, niệm Phật công phu không đắc lực. Thậm chí còn có một số người từ bỏ cả việc tu học của mình để phục vụ cho đại chúng. Điều này kể cũng khá. Phục vụ cho đại chúng là tu phước đức. Chủ, khách điên đảo rồi! Tu phước đức thì không thể ra khỏi lục đạo, đời sau của bạn hưởng được một chút phước báo ở trong lục đạo. Hưởng phước ở đường nào trong lục đạo vậy? Phải xem nghiệp nhân quả báo của bạn. Muốn biết bạn có thể đến lại cõi người để hưởng phước hay không, thì phải xem ngũ giới thập thiện có đầy đủ hay không. Nếu đầy đủ ngũ giới thập thiện thì đời sau được phước báo nhân thiên. Nếu như ngũ giới thập thiện bất toàn thì chúng ta biết, quả báo nhất định là đi hưởng ở đường súc sanh và đường ngạ quỷ. Người hưởng phước cõi súc sanh thì biến thành vật cưng nuôi ở trong nhà người ta. Chúng ta thấy rất nhiều nhà nuôi vật cưng, chúng thật là có phước báo. Chúng ta thử nghĩ xem, đời trước nó có tu phước, cho nên đời này được người cả nhà hầu hạ nó. Cả nhà người với người cũng vẫn có ý kiến khác nhau, cũng vẫn thường hay cãi nhau, nhưng mà đối với con vật cưng này thì không có người nào mà không yêu quý, chẳng có phàn nàn gì cả, đó là do đời trước nó có tu phước báo được tốt.

Người tu phước ở trong cõi ngạ quỷ, Đài Loan thường hay cúng Vương Da Công, ở đây là cúng Đại Bạch Công, Trung Quốc đại lục cúng sơn thần, thổ địa, đây đều là những người có phước báo cõi ngạ quỷ.

Năm xưa, Pháp sư Đàm Hư ở Hồng Kông giảng Kinh thường hay nhắc đến một đồ đệ tham thiền của Pháp sư Đế Nhàn. Công phu tham thiền của ông rất khá. Đạo tràng Thiền tông Trung Quốc thời đó rất nổi tiếng, là chùa Giang Thiên Trấn Giang. Ông là Hòa thượng thủ tọa của chùa Giang Thiên, sau khi chết đi đã làm thổ địa. Khi ông chết, con gái của ông nằm mộng thấy cha của cô làm ông thổ địa, mẹ của cô làm bà thổ địa. Cô bèn khóc sướt mướt, đến chùa kể với Pháp sư Đế Nhàn. Pháp sư Đế Nhàn nghe xong chợt hiểu ra, đúng lúc ngay cổng chùa của Ngài đã xây mới một ngôi miếu thổ địa, Ngài nói: “Có lẽ là đây rồi”. Cho nên, Ngài đến nơi đó để tụng Kinh siêu độ cho ông, vả lại còn bảo ông: “Nếu anh đã thật sự làm thổ địa rồi, thì anh thị hiện một chút để chúng tôi xem thử nào”. Lão Hòa thượng vừa nói, quả nhiên không sai, ngay ở nơi tụng Kinh của họ có một cơn gió xoáy nhỏ, giống như vòi rồng vậy. Lão Hòa thượng nhìn thấy, gật đầu nói: “Có lẽ chính là ông ta. Tu phước, không tu tuệ”.

Phật pháp đối với sự lý, nhân quả thế xuất thế gian nói vô cùng thấu triệt. Ân đức của Phật không gì sánh bằng. Ân đức của cha mẹ tuy lớn, nhưng cũng không thể sánh với Phật. Ân đức của Phật chúng ta có tiếp nhận hay không? Không có! Chưa có chạm vào được ân đức của Phật. Nguyên nhân ở chỗ nào vậy? Hằng ngày nghe mà không thấy, nhìn mà không thấy. Chúng ta tự mình mê hoặc điên đảo, tập khí phiền não của bản thân chướng ngại quá nặng, không chịu nghe lời của Phật, không tin lời của Phật. Mỗi ngày khởi tâm động niệm vẫn cứ bị tập khí phiền não của mình làm chủ, vậy thì làm sao được? Có mấy người thật sự tin Phật? Được mấy người thật sự tiếp nhận lời giáo huấn của Phật, y giáo phụng hành? Trong số người niệm Phật chúng ta, có mấy người thật sự hiểu được công đức danh hiệu của A Di Đà Phật là bất khả tư nghì? Thật là quá ít rồi. Những vị Bồ Tát này biết được. Các Ngài vừa tiếp xúc liền thông đạt, liền sáng tỏ, liền làm thật. Bởi vì làm thật (làm thật chính là nhất tâm niệm Phật), cho nên họ đã được tâm thanh tịnh. Tại sao họ được tâm thanh tịnh? Buông xả vạn duyên, không những buông xả tất cả nghiệp duyên thế gian, mà Phật pháp cũng buông xả.

Các bạn đồng tu nên biết, trước đây Đại Sư Liên Trì đã làm tấm gương cho chúng ta thấy. Đại Sư Liên Trì lúc còn trẻ thông Tông, thông Giáo, đạo đức, học vấn, hành trì của bản thân Ngài đều được người khác tôn kính. Tại một sườn núi nhỏ ở ngoại thành Hàng Châu, nhìn thấy thế đất đại khái phong cảnh rất đẹp, Ngài đã tự mình ngay nơi đó dựng một am tranh nhỏ, ở nơi đó mà tu hành. Thời gian lâu rồi bị người ta phát hiện, trên núi nhỏ này có một người xuất gia ở, đạo đức, học vấn, đức hạnh của Ngài đều tốt. Sau khi truyền ra thì người gần gũi Ngài tụ về càng nhiều, dần dần ở bên cạnh am tranh này lại xây thêm rất nhiều kiến trúc, cuối cùng đã thành một tùng lâm lớn, chính là chùa Vân Thê. Đạo tràng không phải do Ngài có kế hoạch xây, mà là Ngài thật sự có đức hạnh, có tu trì, nên mọi người mong được gần gũi Ngài, cho nên đại điện đó của Ngài gọi là “Thần Vận Điện”, chứng tỏ không phải do con người tạo, mà là chư Phật Bồ Tát, quỷ thần đến giúp Ngài tạo. Đại Sư Liên Trì lúc tuổi về chiều, đây là thị hiện nói cho chúng ta biết, việc gì Ngài cũng đã buông xả rồi, một quyển “Kinh A Di Đà”, một câu “A Di Đà Phật”. Đây chính là “chư Bồ Tát chúng, văn ngã danh dĩ, giai tất đãi đắc, thanh tịnh, giải thoát, phổ đẳng tam muội”. Đại Sư Liên Trì đã đạt được, ngay cả Phật pháp Ngài cũng thảy đều đã buông xả.

Hiện nay, ở Trung Quốc đại lục còn có một vị lão pháp sư, Ngài cũng đã đạt được. Vị lão pháp sư này tên là gì các bạn có biết hay không? Cư sĩ Lý Mộc Nguyên thường hay nhắc đến, nghe nói thầy là sư phụ của Pháp sư Long Căn, hiện nay vẫn còn sống. Thầy thông Tông, thông Giáo, người ta gọi thầy là từ điển sống. Các vị biết là vị nào hay không? Thử hỏi cư sĩ Lý xem. Nghe nói hiện nay thầy cũng nghe “Kinh Vô Lượng Thọ”, triệt để buông xả, mỗi ngày niệm “Kinh Vô Lượng Thọ”, niệm “A Di Đà Phật”, những điều mà cả đời thầy tu học thảy đều buông xả rồi. Đây đều là người ở trong nguyện này. Thầy có thể triệt để buông xả vạn duyên, một bộ Kinh, một câu danh hiệu, đó chính là nguyện thứ bốn mươi bốn của A Di Đà Phật đã gia trì thầy. Chúng ta phải từ chỗ này mà thể hội.

Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 171-172

Bài viết liên quan

Thiền Định là gì? Cách tu Thiền Định như thế nào?

Thiện Quang

Vì sao công phu của bạn cả đời không đắc lực?

Thiện Quang

3 loại đau bệnh theo quan điểm đạo Phật

thienquang242017

Quả báo của việc săn bắn là điên cuồng, mất mạng

Thiện Quang

Đới Nghiệp có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc không?

Thiện Quang

An vui của người niệm Phật không có gì sánh được

Thiện Quang

Vô trụ là gì?

thienquang242017

Chúng ta nên làm điều này trong sinh hoạt hàng ngày

Thiện Quang

Lúc nào thì Phật sẽ đến tiếp dẫn bạn vãng sanh?

Thiện Quang
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận