Vì sao nhất định phải vô trụ vậy? Phật không phải yêu cầu người một cách vô lý, vì vô trụ tương ưng với chân tướng sự thật, có trụ thì trái với chân tướng sự thật.
Quán Vô Trụ Bồ Tát
Đây là công phu đích thực đắc lực rồi. Những gì đã nói phía trước đều là điều kiện cơ bản. Chúng ta học Phật đã nhiều năm rồi, cũng đã nghe rất nhiều Kinh, nhưng tôi muốn hỏi công phu của bạn như thế nào? Phiền não của bạn giảm chưa? Trí tuệ của bạn có tăng trưởng không? Tư tưởng, lời nói, việc làm của bạn, ác nghiệp có giảm hay chưa? Thiện nghiệp có tăng hay không? Những việc này thuộc về vấn đề của công phu. Thành thật mà nói, người học Phật chúng ta công phu không đắc lực, cũng chính là nói, Phật pháp đã học rồi, hằng ngày cũng đang niệm Phật nhưng chưa chắc được vãng sanh. Chưa chắc chắn vãng sanh mà nói là chắc chắn, đó gọi là đại vọng ngữ, tội nghiệp đó là đọa địa ngục A Tỳ. Người chân thật đích thực phải nói lời thành thật là “chưa chắc chắn!”. Chưa chắc chắn chính là công phu không đắc lực.
Phật ở chỗ này dạy chúng ta “Quán Vô Trụ”. Quý vị thấy danh hiệu này liền nghĩ đến Kinh Bát Nhã, trong Kinh Kim Cang nói: “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”, Quán Vô Trụ chính là “ưng vô sở trụ”. Trước đây vào đời Đường, Tổ thứ sáu của Thiền tông – Đại Sư Huệ Năng, Ngài đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh chính ở hai câu này trong Kinh Kim Cang. Cho nên “Quán” là quán sát thế gian, không phải bảo bạn nghĩ, vừa nghĩ liền sai rồi. Nghĩ là gì vậy? Nghĩ là rơi vào trong ý thức, quán không dùng ý thức.
Thiền tông tham thiền, vì sao gọi là tham, gọi là tham cứu mà không nói là nghiên cứu? Nghiên cứu chưa thoát khỏi tâm ý thức, cũng chính là ngày nay chúng ta nói chưa thoát khỏi tư duy, tưởng tượng. Chúng ta thử nghĩ lại xem, đó là thuộc về nghiên cứu, đó là dùng tâm ý thức. “Tham” không dùng ý thức, “quán” cũng không dùng ý thức; không dùng tâm ý thức gọi là “quán”, dùng tâm ý thức thì không phải là “quán”.
Thế nào gọi là không dùng tâm ý thức? Điều này không phải là dễ hiểu. Trước tiên chúng ta phải hiểu tướng trạng của tâm ý thức là như thế nào? Tác dụng của tâm ý thức ra làm sao? Sau đó mới dần dần thể hội nó. Cái tâm này là A Lại Da thức, gieo chủng tử (ngày nay chúng ta gọi là để lại ấn tượng), sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần đều để lại ấn tượng rất sâu, để lại ấn tượng là tác dụng của A Lại Da. Chúng ta thấy sắc, nghe tiếng thì liền phân biệt. Phân biệt là tác dụng của thức thứ sáu, do phân biệt mà chấp trước, khởi tham ái, sinh ra tình cảm, gây nên phiền não, thế là liền chấp trước kiên cố. Chấp trước là Mạc Na thức. Nếu chúng ta hiểu được điều này thì tổng thể cũng có thể hiểu được một ít.
Những người tham thiền, họ nghiên cứu Kinh giáo, công phu thế nào mà có thể được đắc lực? Họ không dùng tâm ý thức, cũng chính là nói, họ không phân biệt, không chấp trước, nghiên cứu Kinh giáo cũng không phân biệt, cũng không chấp trước. Không những không phân biệt, không chấp trước, mà còn không để lại ấn tượng, vậy thì cao minh. Nghiên cứu Kinh giáo là như thế, ngay trong cuộc sống thường ngày cũng là như thế, xử sự, ứng xử với người, với công việc, với sự vật, cho đến việc mặc áo, ăn cơm đều không phân biệt, đều không chấp trước, đều không để lại ấn tượng.
Cho nên Thiền tông, quý vị có lẽ nghe nói trà Triệu Châu, ý nghĩa không phải dễ hiểu. Khi người ta đến thăm Hòa thượng Triệu Châu, Ngài nói: “Uống trà đi”, chỉ có một câu này Ngài đã độ hóa tất cả chúng sanh. Bạn không nên cho rằng, “uống trà đi” là bạn đi xếp ly trà để uống trà. Câu “Uống trà đi” đó của Ngài chính là bảo bạn trong cuộc sống thường ngày, trong việc ăn uống sinh hoạt không để lại ấn tượng, không phân biệt, không chấp trước.
Có thứ nào mà chẳng phải là thiền? Có thứ nào mà chẳng phải là công phu? Chỉ cần ở trong tất cả pháp không phân biệt, không chấp trước, không để lại ấn tượng thì chính là vô trụ; có một chút phân biệt, chấp trước thì tâm của bạn liền có trụ. Có trụ là hỏng rồi, có trụ thì sinh phiền não, sẽ khởi chướng ngại, vô trụ mới tương ưng với pháp tánh.
Vì sao nhất định phải vô trụ vậy? Phật không phải yêu cầu người một cách vô lý, vì vô trụ tương ưng với chân tướng sự thật, có trụ thì trái với chân tướng sự thật, chính là phía trước chúng ta đã nói Thiện Tư Duy, vô trụ là Thiện Tư Duy, có trụ là bất thiện.
Trong Kinh Kim Cang, Phật nói rất hay: “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc”, ba tâm bất khả đắc. Nói rõ tâm năng đắc không thể được, tâm năng đắc chẳng thể được. Nếu bạn cho rằng có đắc thì là giả, không phải thật. Cảnh giới bên ngoài là cái bạn sở đắc. Trong Kinh nói rất rõ, “vạn pháp duyên sanh”, ngay cả Phật pháp cũng là duyên sanh, cho nên không nên chấp trước Phật pháp. Phật nói: “Pháp còn phải buông, huống hồ phi pháp”, chữ pháp này là Phật pháp, Phật pháp tại sao phải xả vậy? Vì Phật pháp là pháp do nhân duyên sanh, phàm là pháp do nhân duyên sanh thì ngay thể đều là không, không thể có được. Bạn thấy, sở đắc cũng chẳng thể được, hai bên năng – sở đều chẳng thể được thì làm sao bạn có thể trụ? Trụ có nghĩa là đắc, cho nên tâm của bạn vừa có trụ là sai rồi.
Chúng ta ngày nay đối với vạn sự, vạn pháp, Phật dạy chúng ta phải tùy duyên. Tùy duyên là tự tại, sao cũng được, có cũng tốt, không có cũng tốt, đều được đại tự tại, tuyệt đối không có một tí ý niệm được mất, không có một chút ý niệm lấy bỏ. Đối với tất cả pháp không lấy, không bỏ, không được, không mất, đây gọi là vô trụ. Từ đó cho thấy, vô trụ chính là Niết Bàn, công phu vô trụ đạt đến cực điểm chính là cảnh giới đại Niết Bàn, ở trong Tam Học Giới-Định-Huệ mà nói, đây thuộc về định công, thiền định rất sâu.
Định phải có huệ, nếu định mà không có huệ thì định này vô dụng, không khởi tác dụng, cho nên định nhất định phải có huệ. Huệ là gì vậy? Sinh tâm. Tuy sinh tâm nhưng vẫn vô trụ, vậy mới là cao minh. Sinh tâm và vô trụ là một việc, không phải hai việc. Nếu như bạn nói sinh tâm làm trở ngại vô trụ, vô trụ trở ngại sinh tâm, đây là quan niệm của người thế gian chúng ta, cũng là hiện tượng thật của người thế gian.
Ví dụ chúng ta nói, công việc của tôi quá bận rộn, quá nhiều việc, thù tiếp quá nhiều làm trở ngại tâm thanh tịnh của tôi, tôi phải tu tâm thanh tịnh nên phải xa rời tất cả những công việc đó, cái gì cũng không cần hỏi, tôi mới có thể đạt được tâm thanh tịnh; bận bịu đến như vậy mà bảo tâm phải thanh tịnh thì khó quá, việc này làm không được. Nhất định phải làm được, vì sao vậy? Biết rằng tướng là giả, thể là không, tướng giả thì có bận rộn hơn đi nữa vẫn là giả, làm gì có chướng ngại?
Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, đó chính là cảnh giới Hoa Nghiêm, vào được cảnh giới không chướng ngại. Công phu như vậy, thọ dụng như vậy là thọ dụng chân thật, hoàn toàn đắc lực ở Quán Vô Trụ. Quan sát tất cả pháp thế xuất thế gian là vô sở hữu, Phật nói trong Kinh là “mộng huyễn bào ảnh, như lộ như điện”. Phật dạy chúng ta “thường quán sát như vậy”, đây chính là tu “Quán Vô Trụ”. Bạn có thể thường xuyên quan sát tất cả pháp thế xuất thế gian như vậy thì bạn chính là Quán Vô Trụ Bồ Tát, công phu của bạn làm sao không đắc lực được?
Công phu niệm Phật đắc lực thì dứt khoát được sinh Tịnh Độ, hơn nữa, phẩm vị nhất định cũng rất cao, không ở trung hạ phẩm, cho nên việc này rất quan trọng. Bạn có được loại công phu tu hành này, trên đề Kinh đã nói tổng cương lĩnh tu hành, bạn có thể đạt được tổng cương lĩnh này chính là “Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác”. Ngày nay chúng ta không đạt được Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác chính là do lo được, lo mất, có tâm được mất, có tâm lấy bỏ, nghiêm trọng hơn là có tâm tham, sân, si, mạn, còn có tâm cống cao đố kỵ, vậy thì hỏng rồi! Đây là chướng ngại lớn nhất cho việc tu hành trong đời này của chúng ta.
Trước đây ở nơi này, chúng ta đã từng dùng thời gian bốn tháng để giảng bộ Kinh Kim Cang (những băng ghi âm này hiện nay cũng đang lưu hành). Vì sao phải giảng bộ Kinh này vậy? Thực tình nói, chính là quan sát rất nhiều bạn đồng tu niệm Phật công phu không đắc lực, không thể buông xả. Cho nên giảng bộ Kinh Kim Cang giúp mọi người biết rõ mà buông xả, hy vọng công phu niệm Phật của chúng ta được thành tựu, không thể được nhất tâm bất loạn thì chí ít phải được công phu thành khối, chúng ta quyết định có thể vãng sanh đến được cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Việc này Kim Cang Bát Nhã có sự giúp ích rất lớn đối với chúng ta.
Ở trong Quán Vô Trụ Bồ Tát còn có một tầng ý nghĩa sâu hơn, đó là vô trụ nhất định phải sinh tâm. Nếu như vô trụ không sinh tâm, chính là Thế Tôn quở trách hàng Nhị thừa trốn vào Niết Bàn, chỉ có tự lợi mà không thể lợi tha. Tự lợi mà không lợi tha cũng không tệ, cũng rất khó được, không hề sai, thế nhưng các vị nhất định phải hiểu, không lợi tha thì tánh đức của bạn không được viên mãn.
Hay nói cách khác, nhất định phải sinh tâm, nhất định phải đem sinh tâm và vô trụ hợp lại thành một, không được phân thành hai, vì phân thành hai thì bạn chỉ chứng đắc được một nửa, quyết định không viên mãn, cho nên nhất định phải sinh tâm. Chúng ta lấy Kinh Hoa Nghiêm làm ví dụ để nói, lấy địa vị thấp nhất của những vị Bồ Tát trong Kinh này là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, địa vị công phu tu chứng của các Ngài đã ở vào cảnh giới không phân biệt, không chấp trước tất cả pháp thế xuất thế gian. Không chấp trước thì các Ngài đã ra khỏi sáu cõi luân hồi, không phân biệt thì các Ngài ra khỏi mười pháp giới, phân biệt chấp trước đã thật sự dứt sạch rồi, thật sự là thâm nhập vô trụ, “ưng vô sở trụ”, các Ngài đã đến Nhất Chân Pháp Giới.
Nhất Chân Pháp Giới chính là pháp giới vô trụ, chính là pháp giới ưng vô sở trụ, sinh đến nơi đó là sơ trụ Bồ Tát. Nếu chứng đến quả vị viên mãn, hướng lên còn có 41 giai đoạn là Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, đến Diệu Giác mới thành Phật, còn có nhiều vị thứ như vậy. Nhiều vị thứ như vậy thì cách tu thế nào? Sinh tâm. Bạn không sinh tâm thì bạn không thể đạt đến Phật quả cứu cánh viên mãn. Sinh tâm gì vậy? Sinh tâm hóa độ tất cả chúng sanh. Loại hóa độ đó như Kinh Kim Cang đã nói: “Độ vô lượng vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh nào được độ”. “Độ vô lượng vô biên chúng sanh” là sinh tâm, “thật không có chúng sanh nào được độ” là vô trụ, đây là một, không phải hai. Một câu này áp dụng thì chính là 53 tham học của Kinh Hoa Nghiêm.
Năm mươi ba tham của Kinh Hoa Nghiêm gọi là trải sự luyện tâm. Lịch là trải qua, cảnh giới nào cũng đều phải trải qua, thảy đều phải trải qua. Phải hòa quang đồng trần với tất cả chúng sanh, phải hòa chung với họ, không có phân chia. Luyện tâm là luyện Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác, trải sự luyện tâm. Nếu bạn không trải qua trên sự tướng thì tất cả thành tựu bạn nói không đáng tin.
Quí vị hãy xem thử Trúc Song Tùy Bút của Liên Trì Đại Sư, đây là bút ký của Tổ sư, trong Trúc Song Tùy Bút có một điều (ở chỗ nào tôi cũng không nhớ rõ, đây là sách tôi xem ba mươi mấy năm trước, còn có một chút ấn tượng thôi), trong đó có đưa ra một chuyện khiến tôi ấn tượng rất sâu sắc. Câu chuyện đó là có một lần, một pháp sư đến viếng thăm Đại Sư Liên Trì. Đại Sư Liên Trì liền bịa ra một chuyện kể cho ông ta nghe: Có một người tu hành sống ở trong núi sâu mấy mươi năm, giới luật tinh nghiêm, định công rất sâu, công phu thành tựu rồi…
Có một lần, người trong thành phố gặp được Pháp sư, họ rất ngưỡng mộ, rất khâm phục giới luật, đạo hạnh của vị Pháp sư này. Ở trong khu nội thành náo nhiệt, họ xây một giảng đường, mời Pháp sư xuống núi để hoằng pháp. Sau khi Pháp sư xuống núi không được bao lâu, đời sống phồn hoa nơi thành thị Ngài đều bị tiêm nhiễm tất cả, tham, sân, si, mạn đều hiện ra, đạo tâm cũng không còn, định cũng mất sạch rồi, vô cùng đáng tiếc!
Vị Pháp sư này liền đến thỉnh giáo với Đại Sư Liên Trì, đó là vị nào vậy? Đại Sư Liên Trì nói chính là ông anh (chính là vị Pháp sư ấy). Ngài nói rõ bạn tu hành ở trong núi sâu, chưa trải qua sự tôi luyện ở trong hồng trần này thì không tính đến. Từ xưa đến nay, bao nhiêu người tu hành ở trong núi có thành tựu, nhưng vừa xuống núi là tiêu liền, toàn bộ đều bị hủy sạch, chúng ta thường nói là “không vượt qua được khảo nghiệm”.
Cho nên Phật nói hoa sen là không phải nói hoa sen nở ở trong nước, hoa sen nở trong nước có gì hiếm lạ đâu! Hoa sen mà Phật Thích Ca Mâu Ni nói là hoa sen nở ở trong lửa, đây mới là hiếm lạ, mới trân quý. Lửa là tiêu biểu cho năm dục sáu trần. Ở trong năm dục sáu trần mà thanh tịnh vô nhiễm, vậy là thành công. Cho nên vô trụ sanh tâm, đây là Phật pháp cao cấp ở trong Phật pháp.
Người bình thường chúng ta có thể học vô trụ, không nên học sanh tâm. Chúng ta vẫn phải chia nó ra thành giai đoạn, sau khi thật sự được vô trụ thì trải sự luyện tâm tiếp, chưa đến được cảnh giới vô trụ thì việc này làm không nổi, vừa làm là có vấn đề ngay. Việc này ở đây thuận tiện khuyến khích đồng tu, ở trong Quán Vô Trụ Bồ Tát hàm chứa nghĩa sâu, “vô trụ sinh tâm, sinh tâm vô trụ”. Chúng ta đảo ngược lại câu này để đọc thì mới có thể thấy được ý nghĩa, “vô trụ sinh tâm, sinh tâm vô trụ”, ý nghĩa liền xuất hiện. Đây là chân thật có trí tuệ, đích thực có định lực, vượt qua được khảo nghiệm. Khi chưa vượt qua được khảo nghiệm thì chúng ta phải tránh, không nên để cảnh giới bên ngoài quấy nhiễu chúng ta. Nếu như thật sự có định lực, thật sự có công phu thì có thể không cần tránh né, vì sao vậy? Chúng ta có thể chuyển cảnh giới, cảnh tùy tâm chuyển, chúng ta sẽ không bị nó chuyển, vậy thì được. Tự mình không thể chuyển cảnh giới thì quyết định phải tránh.
Người mới học, Phật đã xây dựng cho chúng ta rất nhiều quy củ, nhất định phải tuân thủ. Tại sao vậy? Vì chúng ta vô tri. Cũng như ở trường dạy học vậy, bạn thấy đấy, quy củ ở tiểu học rất nhiều, thầy giáo đôn đốc rất nghiêm khắc, lên trung học thì hơi nới một chút, lên đại học thì càng mở rộng hơn, đến nghiên cứu thì không có ai quản lý bạn. Tại sao vậy? Bạn đã trưởng thành, có trí tuệ, bản thân bạn có thể tự chăm sóc chính mình nên không cần người khác quản lý.
Phật pháp càng cao cấp thì càng rộng mở, Phật pháp cấp càng thấp thì càng bảo thủ. Tiểu thừa thì giống tiểu học, quy củ quản lý rất nghiêm khắc, một tí sai lầm cũng không được phạm. Phật pháp Đại thừa thì đã mở rộng rất nhiều, bạn có định, có huệ, không cần người ta quản lý bạn như thế nữa. Pháp thế gian như vậy, Phật pháp cũng như vậy. Ở trong Nhất Chân pháp giới dứt khoát không có ai quản lý bạn, quyết định không có ai can thiệp đến bạn, mọi việc đều như pháp.
Như Phu Tử đã nói: “Thất thập tùng tâm sở dục, nhi bất du cũ”, đây là Khổng Phu Tử tự mình nói ra cảnh giới của Ngài, sau 70 tuổi thì tùy theo tâm ý của mình, mọi cử chỉ đều hợp với phép tắc, hợp với lễ độ, vậy là cao minh. Cho nên, Pháp Thân Đại Sĩ chính là tùng tâm sở dục, hoặc là chúng ta nói tùy tâm sở dục, nhưng họ đều không trái với pháp tánh, hoàn toàn tương ưng với tánh đức, đây mới gọi là Pháp Thân Đại Sĩ. Hai câu này chính là trong Kinh Hoa Nghiêm mà Đại Sư Thanh Lương đã nói, “cảnh giới sự sự vô ngại”, không chướng ngại! Kinh này không hề khác với Kinh Hoa Nghiêm, nghĩa của Kinh Hoa Nghiêm đều ở trong Kinh này.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 7-8