Cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi
Cụ túc chúng giới, câu này chính là dạy chúng ta phải trì giới. Không phạm oai nghi, oai nghi dùng lời hiện đại mà nói là lễ tiết.
Tịnh Nghiệp Tam Phước: Phước Thứ Hai
Câu thứ hai, “Cụ túc chúng giới”. Câu này chính là dạy chúng ta phải trì giới. “Chúng giới”, “chúng” là rất nhiều, “giới” này là nghĩa rộng, không phải là nghĩa hẹp, không phải nói năm giới, mười giới, giới Tỳ Kheo, giới Tỳ Kheo ni, giới Bồ Tát, phạm vi đó rất là nhỏ hẹp. Nghĩa của chữ “giới” này rộng hơn so với phạm vi này.
“Giới” ở đây nghĩa là giới điều. Chúng giới là chỉ cái gì? Là lời giáo huấn của Phật dạy bảo cho chúng ta ở trong tất cả Kinh. Tất cả Kinh quá nhiều, chúng ta cũng không cách gì thọ trì. Thực tế mà nói, ngay trong một đời của chúng ta chỉ thọ trì một bộ Kinh, y theo lời răn dạy của một bộ Kinh mà làm thì rất viên mãn rồi, nhất là một bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” này.
Phía trước đã từng giới thiệu qua với các vị đồng tu, “Kinh Vô Lượng Thọ” chính là cương yếu của “Kinh Đại Hoa Nghiêm”, tinh hoa của “Kinh Đại Hoa Nghiêm”. Kinh này triển khai chính là “Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm”. “Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm” triển khai ra chính là toàn bộ “Đại Tạng Kinh”. Chúng ta đã chọn trúng được tinh hoa, chọn trúng được tinh yếu. Nếu chúng ta y theo giáo huấn của bổn Kinh mà tu hành thì sẽ đầy đủ được chúng giới.
Thứ ba, “Không phạm oai nghi”. Oai nghi, dùng lời hiện đại mà nói là lễ tiết. Trong thế pháp, quan niệm đạo đức, phong tục tập quán, nhân tình lễ tiết, chúng ta cần phải biết. Nhất là vào thời đại hiện đại này, tin tức giao thông thuận tiện, không gian hoạt động của chúng ta rộng lớn, thường hay có kỳ nghỉ đi ra nước ngoài để du lịch, đi tham quan. Đến một khu vực nào, trước tiên phải dò xét một chút phong tục tập quán, phong thổ nhân tình của khu vực đó, để nhập cảnh tùy tục.
Tuy cùng ở với người khu vực đó thời gian ngắn, thậm chí chỉ một – hai ngày, nhưng cũng kết với họ một cái duyên hoan hoan hỉ hỉ. Ngay trong cái duyên hoan hỉ, chúng ta đem Phật pháp tặng cho họ. Chúng ta đi ra ngoài thường đem theo một ít lễ vật nhỏ tùy thân để tặng, đến đâu cũng kết duyên với mọi người, thậm chí chỉ là một tấm hình Phật in rất xinh đẹp, phía sau in mấy câu Kinh văn, tùy lúc chúng ta tặng cho mọi người, vậy thì tốt.
Mỗi niệm không quên quan tâm chúng sanh, thương yêu chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh. Tấm hình Phật nhỏ tặng cho họ chính là thương yêu họ, quan tâm họ, giúp đỡ họ, khiến cho họ nghe qua tai là mãi trồng được thiện căn. Họ có hứng thú, có tâm hoan hỉ thì chúng ta liền liên hệ với họ, thường không ngừng gửi tặng những vật như băng đĩa ghi hình cho họ.
Tóm lại, mỗi giờ mỗi phút đều phải lưu ý, phải đem Phật pháp giới thiệu cho người khác, nhất định phải từ “bất phạm oai nghi” mà làm, để cho người khác xem thấy chúng ta liền sanh tâm hoan hỉ, không nên để người khác nhìn thấy chúng ta liền sanh tâm chán ghét, vậy thì sai rồi. Phải làm cho người khác xem thấy sanh tâm hoan hỉ. Cái hoan hỉ đó phải nỗ lực mà làm, còn phải cầu Tam Bảo gia trì.
Chúng ta học Phật, phải đem tấm thành tích học Phật bày ra. Tấm thành tích là gì? Tấm thành tích rõ ràng nhất là ở ngay trên mặt, học Phật tướng mạo đổi tốt, thân thể đổi tốt.
Bạn xem thấy ở trong hội trường của chúng ta, có một vị Lão pháp sư Hàn Quốc hiếm có. Năm nay ông 80 tuổi, chỉ một mình lữ hành, mang một đống hành lý. Thân thể ông khỏe mạnh, có rất nhiều người bốn mươi hay năm mươi tuổi cũng không thể sánh với ông ấy. Đây là biển hiệu thành tích của nhà Phật. Ông ấy niệm A Di Đà Phật.
Lần này ông ấy đến thăm tôi và đề ra “tín tâm niệm Phật”. Ngay trong tín tâm có đầy đủ tất cả Phật pháp. Người Trung Quốc nói “nhất tâm niệm Phật”, “nhất tâm” chính là tín tâm. Nếu như trong đây có hoài nghi, có xen tạp thì không gọi tín tâm. Tín tâm này của ông ấy chính là Đại Sư Ngẫu Ích nói “lục tín” trong “Yếu Giải” của Ngài: “Tín tự, tín tha, tín sự, tín lý, tín nhân, tín quả”. Không có hoài nghi, không hề gián đoạn, đây gọi là tín tâm niệm Phật, nhất định sẽ nắm được phần vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Người hiện tại tuy là vẫn chưa đi, nhưng đã được ghi danh vào sổ ở Thế giới Cực Lạc rồi, không còn vấn đề nào nữa, có thể đi bất cứ lúc nào. Năm nay ông ấy 80 tuổi, tuy tuổi tác đã lớn, nhưng đối với thế giới này của chúng ta, đối với tất cả chúng sanh, ông ấy chân thật là rất thương yêu, quan tâm.
Ông chỉ sợ Phật pháp về sau không có người kế thừa, nên nghe nói chúng ta ở nơi đây mở lớp bồi dưỡng, một tốp pháp sư trẻ tuổi tu học pháp môn Tịnh Độ, ông ấy hoan hỉ không gì bằng, đặc biệt đến nơi đây thăm viếng chúng ta. Thấy chúng ta có người kế thừa, nên ông ấy vãng sanh không còn gì lo lắng, có thể an tâm đi rồi. Chúng ta đối với hành trì của lão pháp sư rất là tôn kính, tán thán.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 24