Nguyện thứ 39 của A Di Đà Phật, nguyện này người xưa nêu ra đề mục là “trang nghiêm vô tận nguyện”. Đại đức xưa nói với chúng ta “nghiêm”.
Kinh văn: Ngã tác Phật thời, quốc trung vạn vật, nghiêm tịnh, quang lệ, hình sắc thù đặc, cùng vi cực diệu, vô năng xứng lượng. Kỳ chư chúng sanh, tuy cụ thiên nhãn, hữu năng biện kỳ hình sắc, quang tướng, danh số, cập tổng tuyên thuyết giả, bất thủ chánh giác.
Dịch: Khi con thành Phật, vạn vật trong cõi nước con đều trang nghiêm thanh tịnh sáng chói, hình sắc thù thắng vi diệu không thể tả xiết, dù có thiên nhãn cũng không thể diễn tả hết vẻ đẹp về hình sắc, hình tướng lộng lẫy và số lượng chúng sanh ở đó v.v… Nếu không được như vậy, thề không thành Chánh giác.
Nguyện văn từ nguyện thứ ba mươi chín đến nguyện bốn mươi ba, năm nguyện này đều là nói y chánh trang nghiêm, cũng chính là chúng ta gọi là hoàn cảnh đời sống của Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đặc biệt là nguyện thứ ba mươi bảy đến nguyện bốn mươi mốt, đoạn Kinh văn này là nói trang nghiêm diệu lạc. Nguyện thứ bốn mươi hai và bốn mươi ba là hương quang phổ nhiếp. Chúng ta từ ngay trong nguyện thứ năm, có thể khái lượt hiểu rõ y chánh trang nghiêm của Thế giới Cực Lạc.
Nguyện này người xưa nêu ra đề mục là “trang nghiêm vô tận nguyện”. Đại đức xưa nói với chúng ta “nghiêm”.
“Ngã tác Phật thời”, chữ “ngã” này là A Di Đà Phật tự xưng. A Di Đà Phật ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc thị hiện thành Phật đã mười kiếp rồi, cho nên mỗi nguyện trong 48 nguyện này đều hiện thực, không có nguyện nào hư giả, dùng lời hiện tại mà nói, mỗi nguyện đều đã thực tiễn.
“Trang nghiêm vô tận”. Sao mới gọi là trang nghiêm? Chúng ta phải có thể chân thật thể hội đến nghĩa thú ở trong này. Hiện tại, thế giới này của chúng ta đang đi đến thời đại của khoa học kỹ thuật cao, chúng ta từ ngay trong màn hình của vi tính, truyền hình vệ tinh truyền phát xem thấy rất nhiều hình ảnh mới lạ, hình ảnh biến hóa khôn lường, vậy có xem là trang nghiêm hay không? Lại tỉ mỉ mà quán sát, văn minh khoa học ngày càng tiến bộ, các sản phẩm mới ra làm cho chúng ta không thể nhận ra, những cái này lại có xem là trang nghiêm hay không?
Ở trong Phật pháp nói, đây đều không phải trang nghiêm. Trang nghiêm chân thật của Phật pháp là gì? Cần phải tương ưng với tánh đức, đó mới là trang nghiêm. Thế Tôn trong đại Kinh nói với chúng ta, tự tánh chúng ta ngay trong chân như bổn tánh vốn dĩ đầy đủ vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng. Đức năng, dùng lời hiện tại mà nói, là vô lượng vô biên thần thông năng lực, là tự tánh chúng ta vốn dĩ đầy đủ, vô lượng đức tướng.
Chúng ta ở chỗ này xem thấy trang nghiêm của Thế giới Tây Phương Cực Lạc, ở trong “Hoa Nghiêm” chúng ta xem thấy trang nghiêm của Thế giới Hoa Tạng Tỳ Lô Giá Na Phật, đều là từ trong tự tánh tự nhiên lưu xuất ra. Trên Kinh thường nói “pháp vốn như vậy”, vốn dĩ chính là như vậy, đây mới là chân thật trang nghiêm vô tận.
Khoa học chúng ta ngày nay dù có phát triển hơn, nhưng nếu so sánh với tánh đức thì không đáng kể gì, nó quá nhỏ không đáng để nói, làm gì có thể được gọi là trang nghiêm? Thế là chúng ta ở trong Phật pháp thể hội được, trang nghiêm chân thật của Phật pháp là Giới-Định-Huệ.
“Quốc trung vạn vật”. Thứ nhất chính là nói “nghiêm tịnh”. “Nghiêm” chính là trang nghiêm. Ngày nay chúng ta gọi là “chân thiện mỹ huệ”, có thể tương ưng với bốn chữ này mới là trang nghiêm mà trong Phật pháp nói. “Tịnh” là thanh tịnh.
“Quang lệ”, “quang” là quang minh, “lệ” là hoa lệ, toàn là tánh đức lưu lộ. Thế gian này của chúng ta, bao gồm tất cả các pháp đều không phải là chân thường, nó là sát na sát na đang thay đổi, vô thường. Thế gian này bao gồm tất cả vạn vật đều là vô thường. Trên “Kinh Bát Nhã” nói với chúng ta, chúng ta có thể hưởng thụ, thọ dụng cái tâm này. Tâm là vô thường.
Trên “Kinh Kim Cang” nói “ba tâm không thể được”, ý này rất sâu rất rộng. Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai cũng không thể được. Thử hỏi xem, bạn lấy cái gì để hưởng thụ? Bạn lấy cái gì để đắc? Có thể đắc, có thể hưởng thụ thì đó là giả, là hư vọng, không phải là sự thật. Vậy thì cái mà bạn có được, cái hưởng thụ lại là một việc gì vậy?
Sở đắc sở thọ, năm dục sáu trần. Năm dục, thông thường người thế gian gọi là “tài, sắc, danh, thực, thùy”. Sáu trần trong Phật pháp đã nói là “sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”, là đối tượng của sáu căn chúng ta. Những thứ này ở trên Kinh Phật nói với chúng ta là nhân duyên sở sanh pháp, nó không có tự tánh, duyên khởi tánh không, ngay thể tức không, không thể có được. Đây là nói rõ, năng đắc sở đắc đều không thể được.
Trong bất khả đắc, bạn ngày ngày ở nơi đó sợ được sợ mất, bạn sẽ sanh bệnh. Bệnh này thì nghiêm trọng, còn nghiêm trọng hơn bất cứ thứ bệnh ung thư nào. Ung thư chỉ là bệnh nhỏ không đáng kể gì, nhưng rất nhiều người bệnh ung thư chết rồi. Vì sao mà họ chết? Sợ mà chết! Vốn dĩ là bệnh nhỏ, chân thật là do sợ mà chết.
Nếu như bạn bị ung thư rồi, hoàn toàn không có việc gì. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên không phải là một minh chứng hay sao? Ông không bị nó hù chết. Những người giống như Lý cư sĩ thì không ít, tôi gặp được rất nhiều, họ đều không việc gì. Cho nên tôi nói bệnh ung thư mà chết đều là do sợ mà chết, chính mình hù chết chính mình, bạn nói xem có oan uổng hay không?
Chân thật đại bệnh là nhận giả làm thật, đây mới là đại bệnh. Biết được “vạn pháp giai không”, bạn còn có cái gì không thể buông xả? Biết được “nhân quả bất không”, vậy bạn chắc chắn sẽ không làm ác. Trên “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh”, Thế Tôn có mấy câu khai thị rất hay. Ngài nói với Long Vương (Kinh này giảng ở trong Long cung, người đương cơ là Long Vương Sa Kiệt La): “Bồ Tát có một phương pháp có thể khiến tất cả vĩnh viễn lìa khỏi ác đạo khổ”. Đó là phương pháp gì vậy?
Phật dạy bảo chúng ta: “Ngày đêm tư duy quán sát thiện pháp, quyết không cho phép một ly một lai pháp bất thiện xen tạp ở trong”, như vậy liền có thể vĩnh đoạn tất cả ác. Cách này thì rất hay. Bạn phải nên biết tâm của chúng ta là tốt, tâm của mỗi một người đều tốt, chân tâm của mỗi một người cùng tâm của chư Phật Như Lai không hề khác nhau, vì sao các Ngài có thể thành Phật, còn chúng ta lại ở trong sáu cõi chịu khổ chịu nạn? Không gì khác, tâm của các Ngài cũng giống như cái ly đựng nước, những thứ đựng bên trong đều là thiện, một chút ác đều không có.
Tâm này của chúng ta thì rất đáng lo, đem tất cả người xấu việc xấu của thế gian đều đựng vào trong đó, vì thế tâm của chúng ta hư rồi. Bạn xem, có oan uổng hay không? Những ác niệm, ác hạnh của người khác không hề có liên quan gì với chúng ta, vốn dĩ không có liên quan, chúng ta hà tất phải đem những thứ này đựng vào ở trong tâm của chúng ta, làm cho tâm của chúng ta bị ô nhiễm. Đây mới là căn bản của đại bệnh. Cho nên, giáo huấn này của Phật Bồ Tát rất hay.
Cư sĩ Lý Mộc Nguyên muốn tôi viết mấy chữ tặng cho đồng tu Đại Lục, tôi liền đem đoạn Kinh văn này viết ra mười thiên, đích thực là biện pháp tốt nhất. Chúng ta xem thấy chỗ tốt, thiện tâm, thiện niệm, thiện hạnh của người khác, thì chúng ta phải đem đựng vào trong tâm của chúng ta. Nếu thấy được ác tâm, ác niệm, ác hạnh của người khác thì nhất định không nên đựng vào. Bạn có thể làm được hay không? Chân thật có thể làm được! Nếu bạn không chịu làm, vậy thì còn cách nào?
Các bạn thấy lần trước cư sĩ Hứa Triết đến chỗ này, cư sĩ Lý Mộc Nguyên thỉnh giáo với bà, bà có cái cách nhìn thế nào đối với những người ác, việc ác? Bà nêu ra một thí dụ: “Tôi xem người ác, việc ác của thế gian cũng giống như ta đi ở trên đường xem thấy người đi qua đi lại vậy”. Thí dụ này rất hay.
Các bạn mỗi ngày đi trên đường, người trên đường đi qua đi lại, có người nào bạn ghi nhớ trong tâm hay không? Không có. Đây chính là trong Phật pháp đã nói “thấy mà không thấy, nghe mà không nghe”, có thể thấy chúng ta làm đến được, chúng ta ngày ngày đều đang làm. Trên đường xem thấy sự vật, bạn có ghi nhớ trong tâm không? Những người nói chuyện ở trên đường, bạn đều nghe được, bạn có ghi nhớ trong tâm hay không? Hỏi bạn một người cũng không nhớ được, hỏi bạn người ta nói cái gì thì bạn đều không hề biết, chẳng phải là thấy mà không thấy, nghe mà không nghe hay sao. Vì sao vậy? Bạn không hề đem nó để vào trong tâm.
Chúng ta đối với tất cả nghịch cảnh ác duyên thảy đều dùng thái độ này. Tâm thanh tịnh của chính mình là trong chân tâm không dung nạp một chút gì bất thiện, làm cho tâm mình tràn đầy thuần thiện, con người này liền có thể làm Phật. Phật là như vậy mà tu thành….
Trích đoạn trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không
Tập 165-166