Pháp Ngữ

10 loại danh hiệu của Phật

Quý vị đồng tu học Phật đối với thuật ngữ trong Phật pháp nhất định phải có sự lý giải chính xác. Thế gian này có rất nhiều người không nghiên cứu Phật Pháp…

Phần dưới là mười loại đức hiệu.

Thứ nhất là “Như Lai”. Quý vị đồng tu học Phật đối với thuật ngữ trong Phật pháp nhất định phải có sự lý giải chính xác. Thế gian này có rất nhiều người không nghiên cứu Phật Pháp, có lẽ đã đọc nhiều tiểu thuyết, đặc biệt là Tây Du Ký, khi nhắc đến Phật giáo thì nói: “Tôi biết trong Phật giáo Phật Như Lai là lớn nhất, Tôn Ngộ Không cũng không thể lộn nhào khỏi bàn tay của Như Lai”. Nói những lời này đều không phải người trong nghề. Ý nghĩa của Như Lai, nói một cách dễ hiểu đó là “kim Phật như cổ Phật tái lai” (Phật hiện tại giống như cổ Phật tái lai), thành Phật rồi thì Phật Phật đạo đồng. Phật hiện tại giống như cổ Phật tái lai không khác biệt, cho nên xưng Ngài là Như Lai.

Trong kinh Kim Cang có giải thích, ý nghĩa của cách giải thích này khá sâu, tuy nhiên nói được vô cùng viên mãn: “Như Lai giả chư pháp như ý” (Như Lai là chân như của vạn pháp). Cách giải thích này vô cùng hay. “Trong tất cả pháp, pháp pháp giai Như” (pháp nào cũng đều Như). Câu nói này có vẻ khó hiểu, tất cả pháp này là nói về hình tướng. “Giai như”, “như” là gì? “Như kỳ tánh”, “tánh” tức là chân tâm, tức là bổn tánh. Phật nói với chúng ta: “Tất cả vạn tướng đều là chân tâm biến hiện ra”. Cho nên Cổ Đức dùng tỉ dụ để nói, giống như vàng và đồ vật, dùng vàng để làm đồ vật, mọi thứ đồ vật đều là vàng. Đồ vật là tướng, tức là vạn tướng, vàng là thể, “năng thành chi thể”, mọi thứ đều là vàng. Đây là ý nghĩa của chữ “như”, pháp pháp đều như, có pháp nào không phải là chân như bổn tánh? Cho nên ý nghĩa này nói rất sâu, nhưng ý nghĩa này nói được vô cùng viên mãn. Cho nên cách nói sâu hay nói cạn chúng ta đều phải hiểu được.

Thứ hai, “Ứng Cúng”, “ứng” là đáng. Phật là thầy hướng dẫn của trời người, ân huệ của Ngài đối với đại chúng thật rất lớn. Phật giáo hóa chúng sanh là vô điều kiện, cũng không phân biệt kén chọn, so với tâm lượng giáo học của Khổng Lão Phu Tử Trung Quốc còn vĩ đại hơn nhiều. Khổng Lão Phu Tử là “hữu giáo vô loại” (dạy học không phân biệt) việc này Phật cũng có, tuy nhiên Khổng Lão Phu Tử nói với bạn một sự việc, nếu bạn phản ứng không giỏi thì Khổng Lão Phu Tử không muốn dạy nữa. Căn phòng của chúng ta vuông vức bốn góc, nêu ra một góc để dạy bạn, chỗ này là góc vuông, nếu bạn không biết ba góc còn lại thì Phu Tử sẽ không dạy nữa. “Cử nhất ngung nhi bất dĩ tam ngung phản” (dạy một phương diện mà không thể suy ra ba phương diện khác) thì Khổng Phu Tử sẽ không dạy nữa. Nhưng Thích-ca Mâu-ni Phật chịu dạy, người dù ngu hơn nữa Ngài cũng không bỏ rơi, hễ họ chịu học với Ngài thì Ngài sẽ dạy. Ví dụ trong nhóm đệ tử của Phật, Ngài Châu-lợi-bàn-đà, nếu gặp Khổng Lão Phu Tử thì Khổng Lão Phu Tử nhất định không dạy ông, thế nhưng gặp Thích-ca Mâu-ni Phật, Phật từ bi vẫn giúp đỡ ông. Phật có phương tiện thiện xảo, vẫn dạy ông khai ngộ. Cho thấy sự giáo học của Phật thật sự vượt hơn Phu Tử. Bởi thế ân đức đó đối với chúng ta thật rất lớn. Cho nên Phật xứng đáng nhận được sự cúng dường của trời người. Sinh hoạt của Phật vô cùng đơn giản, yêu cầu đối với mọi người không hề hà khắc.

Sinh hoạt của Phật chỉ cần bốn sự cúng dường. Phật ở thế gian phải ăn cơm, mỗi ngày ăn một bữa, bạn xem đơn giản biết bao. Chúng ta nên cúng dường Ngài một bát cơm, Phật cũng không lựa chọn cơm, thức ăn bạn cúng dường ngon hay dở, Ngài không phân biệt, cũng không chấp trước. Về y phục, việc cúng dường y phục. Một chiếc áo có thể mặc rất nhiều năm, không phải cúng dường mỗi ngày, khi y phục rách rồi thì cúng dường cho Ngài một cái mới. Ngọa cụ là dùng để ngủ, ngọa cụ cũng rất đơn giản. Khi đau bệnh thì cúng thuốc men. Tức là bốn sự việc này, Ngài xứng đáng tiếp nhận sự cúng dường của mọi người. Ngoài những thứ này ra, Phật không cần gì cả, đó là đối với xã hội lúc đó. Xã hội hiện nay thì khác, xã hội hiện nay có thể nói là nơi nơi đều khá giả, điều kiện sinh hoạt vật chất so với trước kia tiện lợi hơn rất nhiều. Do đó, hiện nay cúng dường không giống như trước, cúng dường quá nhiều, quá đáng rồi. Kết quả nảy sanh ra tệ nạn, sanh ra tệ nạn gì? Người xuất gia vốn dĩ khi mới xuất gia tâm rất tốt, sau khi xuất gia, Phật tử tại gia cúng dường quá phong phú, do đó mà tâm tham liền nổi dậy, dính liền với tâm tham là tâm sân khuể, tâm đố kỵ, tâm kiêu mạn, tất cả đều bộc phát. Tất cả đều do đồng tu tại gia cúng dường mà ra, điều này phiền phức lớn rồi. Đồng tu tại gia phải hiểu rằng việc tạo nghiệp này rất đáng sợ. Nghiệp này rất nặng. Cho nên chúng ta muốn thật sự tu phước thì phải có trí huệ, không có trí huệ mà xử sự theo tình cảm thì không thể nào tránh khỏi tạo tội nghiệp. Chúng ta sống trong xã hội này, người xuất gia nhất định phải nhận rõ tệ nạn của thời đại này. Tôi cũng thường nhận sự cúng dường của quý vị. Nhưng tôi rất phập phồng lo sợ, chỉ sợ bị đọa lạc, cho nên quý vị cúng dường cho tôi, tôi liền chuyển tay dùm quý vị để cúng dường cho người khác. Phương pháp cúng dường của tôi thứ nhất là in kinh, cúng dường rộng khắp cho mọi người trên toàn thế giới, ấn tống kinh sách để cúng dường. Mấy năm nay lại thêm một mục nữa là làm học bổng, giúp đỡ cho một số học sinh nghèo ưu tú. Tiền của quý vị cúng dường tôi dùng làm hai việc này, toàn bộ đều bố thí sạch sẽ. Trong nhà Phật có câu nói rất thật, đây là nói với những người xuất gia: “Kiếp này không liễu đạo, mang lông đội sừng để trả nợ”. Món nợ này thật đáng sợ. Tôi làm như vậy thì tôi không còn lo sợ nữa, cho dù tôi không thể liễu đạo thì cũng có rất nhiều người trả thay cho tôi, tôi không phải tự mình trả. Phật Bồ-tát, thực tế mà nói, những bậc tu hành chứng quả từ A-la-hán trở lên xứng đáng tiếp nhận cúng dường, làm phước điền chân thật cho tất cả chúng sanh, đây là chính xác.

Danh hiệu thứ ba là “Đẳng Chánh Giác”, “Đẳng” tức là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, ở đây gọi tắt là “Đẳng Chánh Giác”. Đây là mục đích tối cao của việc học Phật, là nguyện vọng chân thật của chúng ta. Câu này nếu dùng cách nói hiện nay là trí huệ rốt ráo viên mãn, cho nên Phật pháp là phương pháp của trí huệ, học Phật là nền học vấn của trí huệ, học Phật tức là phải khai mở trí huệ.

Danh hiệu thứ tư là “Minh Hạnh Túc”, “minh” tức là quang minh, là chỉ cho trí huệ. “Hạnh” là hành vi trong sinh hoạt hằng ngày, hành vi không một mảy may lỗi lầm. “Túc” nghĩa là viên mãn. Trí huệ của Ngài viên mãn, đức hạnh viên mãn, không một mảy may lỗi lầm, gọi là “Minh Hạnh Túc”. Nếu dùng Giới Định Huệ để nói thì “Minh” là huệ, “Hạnh” là giới, “Túc” là định, cũng có thể biểu đạt sự viên mãn của Giới Định Huệ tam học.

Danh hiệu thứ năm là “Thiện Thệ”, danh hiệu này rất không dễ hiểu. Chữ “thệ” nghĩa là viễn ly, là tịch diệt. Cái gì “diệt” mất? Phiền não diệt mất, vọng tưởng diệt mất, phân biệt chấp trước diệt mất, đó gọi là “thệ”. A-la-hán đã làm được nhưng không thiện, Phật và đại Bồ-tát có thiện. Là thiện gì? Là thiện xảo, gọi là tức tướng ly tướng, đó là thiện. Cũng tức là trong kinh Đại Thừa thường nói: “Vô trụ Niết-bàn”, như kinh Kim Cang nói cũng là ý nghĩa này, khác hoàn toàn với cách nói về Niết-bàn của Tiểu Thừa. Niết-bàn của người Tiểu Thừa thật sự là an trú trong cảnh giới Niết-bàn. Tâm của Phật và đại Bồ-tát thì trong cảnh giới Niết-bàn còn thân là tại thế gian, “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”, tâm cảnh của các Ngài là cảnh giới Niết-bàn. Cho nên gọi là vô trụ Niết-bàn, “không trụ Niết-bàn, không trụ sanh tử”. Không trụ Niết-bàn là ở tại thế gian hoằng pháp lợi sanh giáo hóa đại chúng. Không trụ sanh tử thì tâm địa các Ngài thanh tịnh tịch diệt. Thanh tịnh tịch diệt tức là “thệ”, giáo hóa tất cả chúng sanh là “thiện”, ý nghĩa của “thiện thệ” là vậy.

Danh hiệu thứ sáu là “Thế Gian Giải”, chữ này dễ hiểu. Thế gian pháp bất luận là lý, là sự, là thể, là dụng, không có một thứ nào Phật không hiểu rõ. “Giải” tức là hiểu rõ mọi thứ, đều có thể thông đạt.

Danh hiệu thứ bảy là “Vô Thượng Sĩ”. Thời xưa, ở Trung Quốc, những người có học, rõ lý gọi là “sĩ”. Xã hội thời xưa của Trung Quốc có thể nói là xã hội của phần tử trí thức, mọi người đa số đều tôn sùng người có học. Chỗ gọi là “vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao” (mọi ngành đều là thấp kém, chỉ có đọc sách là cao quý). Người đọc sách có thể hiểu rõ lý cho nên xã hội vô cùng tôn kính người có học, dù người có học rất nghèo. Trong những buổi hội họp, chiếc ghế lớn của chủ tọa nhất định là nhường cho người có học ngồi, cho thấy sự tôn trọng đối với phần tử trí thức. Đây là điểm đặc sắc trên toàn thế giới. Các dân tộc khác, chúng ta chưa từng thấy tôn sùng người có học, tôn trọng giáo dục như vậy. Đây là điều mà người Trung Quốc thời xưa coi trọng. “Vô Thượng Sĩ” là chí cao vô thượng trong phần tử trí thức, không có ai cao hơn các ngài nữa. Đây là cách xưng tán đối với Phật, Phật là người có đạo đức, có học vấn.

Danh hiệu thứ tám là “Điều Ngự Trượng Phu”. Danh hiệu này là cách xưng đối với việc giáo hóa chúng sanh của Phật. “Điều” là điều tâm, tâm chúng sanh tràn đầy vọng tưởng, phiền não, chấp trước, Phật có thể điều giải, điều hóa họ. “Ngự” nghĩa là thống lĩnh, trong đó mang ý nghĩa chỉ đạo. Phật có thể chỉ dạy chúng ta, chỉ thị cho chúng ta con đường nhân sinh hạnh phúc tươi sáng. Lời này là thật, không những có thể dạy chúng ta hiện tiền được hạnh phúc mỹ mãn, quan trọng hơn là Ngài có thể giúp chúng ta vĩnh thoát luân hồi, giúp chúng ta ngay trong đời này liễu sanh tử xuất tam giới. Ngay trong đời này chúng ta có thể chứng được bất sanh bất diệt. Lời nói này nghe có vẻ huyền hoặc giống như thần thoại, kỳ thật đây là sự thật vô cùng chính xác. Con người ai mà không chết, con người đều phải chết, chết rồi thì phải luân hồi, không một ai có thể thoát khỏi luân hồi.

Tuy nhiên, quý vị nên biết chỉ những người tu học Phật pháp là thành công, người tu hành chứng quả thì không còn sanh tử nữa. Đương nhiên đây không phải là công phu tầm thường. Phật nói rõ cho chúng ta sanh tử từ đâu đến? Bạn vì sao lại có sanh tử, vì sao lại có luân hồi? Bởi vì bạn có vọng tưởng, có phiền não. Vọng tưởng và phiền não là nhân duyên của sanh tử luân hồi, là cái gốc của sanh tử luân hồi. Cho nên đoạn hết vọng tưởng, đoạn hết phiền não thì sanh tử luân hồi không còn nữa. Câu này nói thì dễ nhưng làm thì khó. Có mấy người ngay trong đời này có thể đoạn sạch vọng tưởng phiền não? Phật pháp, nhất là Phật Pháp Đại Thừa, vô lượng Pháp môn, “pháp” là phương pháp, “môn” là con đường nhập môn, đều là phương pháp đoạn phiền não, phá vọng tưởng, giống như kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai”. Đây là lời Phật nói, chúng ta cùng với chư Phật Như Lai vốn không hai không khác, vốn không có sinh tử, vốn không có luân hồi. Vì sao lại biến thành tình trạng như thế này? Phật nói: “Chỉ vì vọng tưởng, chấp trước mà không thể chứng đắc”, lời này đã nói toạc ra gốc bệnh của chúng ta. Vì chúng ta có vọng tưởng, có chấp trước, chấp trước tức là phiền não. Có những thứ này khiến chúng ta vốn là Phật nhưng không cách gì chứng đắc quả vị Phật, không cách gì chứng đắc được sự tự tại của Phật, biến thành tình trạng như hiện nay. Bệnh căn tìm được rồi, hễ tiêu trừ cái gốc này thì chúng ta sẽ khôi phục lại bản lai diện mục của mình. Sự giáo học của Phật pháp nói tóm lại đều là giải quyết vấn đề này.

Chúng ta biết vọng tưởng, chấp trước là phiền não, tập khí sanh ra đã có từ vô thủy kiếp đến nay, muốn đoạn trừ đâu phải chuyện dễ dàng. Cho nên người tu hành thì nhiều, kẻ liễu sanh tử thì rất ít. Đặc biệt là hoàn cảnh hiện nay của chúng ta, đối với người tu hành chân chánh thì những chướng ngại đó không biết là tăng thêm bao nhiêu trăm ngàn vạn lần so với người xưa, nguyên nhân gì vậy? Ngày nay sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, nơi nơi đều đang dụ hoặc chúng ta, những gì không để tâm chúng ta được thanh tịnh thì gọi là ma chướng. Ma chướng hiện nay tăng thêm trăm ngàn vạn lần so với thời xưa. Thành tựu đương nhiên càng khó khăn. May thay chúng ta gặp được Pháp môn niệm Phật này. Lợi ích của Pháp môn niệm Phật ở chỗ nào? Là đới nghiệp vãng sanh. Nghiệp là gì? Nghiệp chính là vọng tưởng chấp trước. Không cần phá vọng tưởng chấp trước cũng có thể liễu sanh tử, xuất tam giới, điều này thật phi thường. Trong thời mạt pháp này, chúng sanh nghiệp chướng sâu nặng gặp được Pháp môn này mới có hy vọng được cứu độ. Chúng ta dùng phương pháp này, dùng câu Phật hiệu Nam-mô A-di-đà Phật để điều tâm, lấy năm khoa mục Tam Phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Độ, Mười Đại Nguyện Vương để tu chính hành vi trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, đây chính là “ngự”. “Ngự” tức là tu chính hành vi sai trái của chúng ta. Trong bộ kinh này, đối với phàm phu chúng ta Phật thật sự đã làm hai chữ “điều ngự” này được rất viên mãn rồi, thật sự đã đạt được hiệu quả rất tốt. Chúng ta phải y giáo phụng hành.

“Trượng phu” là xưng tán. Thời xưa xưng tán Phật là đại trượng phu, chữ “đại trượng phu” này giống với ý nghĩa “đại anh hùng” của người Trung Quốc. Người như thế nào mới được gọi là đại trượng phu? Những việc người khác không làm được mà họ có thể làm, đây mới được gọi là đại trượng phu. Những việc gì người khác không làm được? Liễu sanh tử thoát luân hồi, đoạn phiền não phá vọng tưởng đây là điều người khác không thể làm được nhưng họ làm được. Phật, Bồ-tát được gọi là Đại Trượng Phu. Cho nên, Phật điện là nơi chúng ta cúng Phật, trên tấm bảng đều viết “Đại Hùng Bảo Điện”, “hùng” là anh hùng – đại anh hùng bảo điện. Ở đây ý nói những việc người thế gian không làm được, Phật làm được, Phật là đại anh hùng, Phật là đại trượng phu, “điều ngự trượng phu” là ý nghĩa này. Bốn chữ này hợp lại có thể nói là giáo hóa chúng sanh có thể thuận lợi như ý, tùy tâm mong muốn, là mang ý nghĩa như vậy.

Danh hiệu thứ chín là “Thiên Nhân Sư”, đây là điều mà chúng ta phải đặc biệt lưu ý. Phật ở tại thế gian, thân phận Ngài không phải là quốc vương, không phải là Thiên Chúa, không phải Thượng Đế, không phải là Thiên Thần mà là vị thầy của nhân gian. Thiên thần cũng bái Ngài làm thầy, cho nên thân phận của Ngài là vị thầy, như vậy chúng ta là học trò của Phật, thiên thần cũng là học trò của Phật, Thượng Đế cũng là học trò của Phật. Cho nên quan hệ giữa mọi người chúng ta với Phật là quan hệ thầy trò. Phật là thầy của chúng ta. Chúng ta xưng Thích-ca Mâu-ni Phật là Bổn Sư, “Bổn” là căn bản, là người đầu tiên khởi xướng nền giáo dục này, chúng ta xưng Ngài là Bổn Sư, cho nên là “Thiên Nhân Sư”.

Danh hiệu thứ mười là “Phật”. Chúng ta thường nói, Phật có nghĩa là giác, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn thì xưng là Phật. Tự giác mà không giác tha là A-la-hán Thánh giả Tiểu Thừa. Tuy nhiên, quý vị cũng nên biết rõ Thánh Giả Tiểu Thừa nói không giác tha là các ngài không chủ động đi giác tha, nhưng nếu chúng ta cầu họ, bái họ làm thầy thì họ vẫn chịu dạy chúng ta. Chúng ta không bái họ làm thầy, không đi cầu họ thì họ không chủ động đến dạy chúng ta. Đây gọi là tự giác, còn Bồ-tát là tự giác giác tha, các Ngài không giống như vậy. Chúng ta không tìm các Ngài nhưng các Ngài vẫn đến tìm chúng ta, chúng ta không cầu các Ngài, nhưng các Ngài sẽ tìm phương kế để chúng ta đi cầu các Ngài. Các Ngài có những phương thức như vậy. Các Ngài chủ động giáo hóa chúng sanh, chủ động giúp đỡ tất cả chúng sanh, đây là tự hành hóa tha. Bồ-tát tự hành hóa tha cũng chưa viên mãn, phiền não của chính mình chưa đoạn hết, vô minh cũng là phiền não, phiền não có ba thứ: kiến tư phiền não, trần sa phiền não, vô minh phiền não. Đại Bồ-tát đã đoạn hết kiến tư phiền não, trần sa phiền não cũng đoạn hết, còn vô minh phiền não chưa đoạn hết. Đẳng Giác Bồ-tát vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá. Như vậy vẫn chưa viên mãn, đến khi một phẩm sanh tướng vô minh sau cùng đã đoạn xong thì thành Phật mới là viên mãn. Đây là giác hạnh viên mãn mới xưng là Phật. Đây là mười đức hiệu của Phật, hiển thị trí huệ đức năng trên quả địa của Phật.

Sau cùng, “Thế Tôn”, là người xứng đáng được thế gian tôn kính nhất thì xưng là Thế Tôn. Thế Tôn là tổng kết của mười danh hiệu này, đầy đủ mười đức hạnh này thì là người xứng đáng được người thế gian tôn kính nhất cho nên xưng là Thế Tôn. Như vậy ở đây đã giới thiệu sơ lược mười danh hiệu cho quý vị rồi.

Trích đoạn trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH – Giảng năm 1994
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không
Tập 7

Bài viết liên quan

Chướng ngại khiến trí tuệ của bạn không khởi được tác dụng

Thiện Quang

Chúng ta học Phật là cầu cái gì?

Thiện Quang

Tai biến trên địa cầu này là trách nhiệm của chính mình

Thiện Quang

Nghiệp lực có thể lớn như núi Tu Di, sâu như biển cả

Thiện Quang

Hộ pháp còn quan trọng hơn so với hoằng pháp

Thiện Quang

Thế giới Tây Phương Cực Lạc là đạo tràng đệ nhất

Thiện Quang

Chướng ngại lớn nhất trên con đường giác ngộ là gì?

Thiện Quang

Người niệm Phật không nên sợ chết

Thiện Quang

Lục đạo luân hồi là có thật, chẳng giả

Thiện Quang

Leave a Comment