Pháp Ngữ

5 trọng tội đọa địa ngục Cực Vô Gián, Đại A Tỳ

Có đại địa ngục hiệu là Cực Vô Gián, lại có địa ngục tên là Ðại A Tỳ. Tội Ngũ Nghịch là cực ác, phía sau sẽ nói tường tận về tội Ngũ Nghịch.

Hữu đại địa ngục hiệu Cực Vô Gián, hựu hữu địa ngục danh Đại A Tỳ.

有大地獄號極無間。又有地獄名大阿鼻。

Có đại địa ngục hiệu là Cực Vô Gián, lại có địa ngục tên là Ðại A Tỳ.

Hôm qua đã giới thiệu đến chỗ này, ý tứ ở trong ấy rất sâu, rất rộng, nói rõ thì thật ra nói chẳng hết. Nhưng chúng ta cần phải hiểu những chỗ quan trọng, nguyên nhân tạo thành địa ngục là gì, tại sao phải thọ những quả khổ trong ấy? Ðiểm này vô cùng quan trọng. Trong kinh Ðịa Tạng Thập Luân nói ‘tội Ngũ Nghịch’ là cực ác, phía sau sẽ nói tường tận về tội Ngũ Nghịch.

‘Giết cha, giết mẹ’, ơn đức cha mẹ quá lớn, sinh mạng của ta có được là nhờ cha mẹ. Nếu chúng ta có thể quán sát kỹ càng, cha mẹ chăm sóc cho con thơ cẩn thận đến cùng cực, từ lúc sơ sanh đến ba tuổi, đứa con chẳng thể rời khỏi mẹ, được sự quan tâm, bảo bọc của mẹ từng giờ, từng phút nên mới có thể không tổn thương tánh mạng. Còn người cha, hiện nay trách nhiệm của người làm cha chẳng bằng người thời xưa. Thời cổ người làm cha chẳng những phải dạy lúc trẻ còn nhỏ, lúc còn bồng ẵm, lúc mẹ mang thai là phải dạy rồi, đó là thai giáo, như vậy mới làm tròn trách nhiệm của người cha. Thế nên ân đức to lớn của cha mẹ, trong thế pháp chẳng có gì sánh nổi. Chẳng biết ân đức thì chẳng biết báo ân, vậy mà còn sát hại, tội này cực nặng, đọa ‘Cực Vô Gián’, đọa ‘Ðại A Tỳ’.

Tội nghiệp thứ hai là ‘Giết A La Hán’, A La Hán là thánh nhân tu hành chứng quả, làm thầy cho trời và người, làm phước điền chân chánh cho thế gian, nơi Ngài trụ là nơi để cho hết thảy chúng sanh trồng phước. Nếu bạn giết A La Hán tức là hủy diệt phước điền của chúng sanh, những người ở vùng đó sẽ chẳng có phước báo, bởi vậy nên tội này rất nặng. Giết A La Hán chẳng kết tội với một vị A La Hán, mà kết tội với những chúng sanh ở địa phương đó, cho nên tội này rất nặng. Thế gian hiện nay chẳng có A La Hán? Chúng ta tin chắc chắn cũng phải có La Hán ‘ứng chân’. Hóa thân của Phật, Bồ Tát trong thế gian cũng rất nhiều, đâu thể nói không có A La Hán? Nhưng phàm phu chúng ta nhận chẳng ra, bạn muốn tìm A La Hán để giết cũng chẳng tìm ra. Tuy vậy có tội tương đương, tương đương nghĩa là tội ngang bằng với tội giết A La Hán, tội ngang bằng này là tội giết ai? Thiện tri thức. Người có đức hạnh, có học vấn, và từ bi giáo hóa chúng sanh ở địa phương đó, giết hại hạng người như vậy thì cũng tương đương với giết hại A La Hán, tội này rất nặng. Không những không được giết hại, ngay cả tội hủy báng cũng chẳng nhẹ, đây là việc chúng ta nhất định phải biết rõ. Thế gian có nhiều người vô tri, cố ý hoặc vô ý hủy báng những vị thiện tri thức. Vô ý là chẳng biết, cố ý tức là có dụng tâm, cốt ý, trong đó đố kỵ chiếm phần lớn. Hiện nay còn có một số người có sách lược làm thế nào nâng cao thân phận của mình trong xã hội, nâng cao mức nổi danh của mình, nâng cao danh vọng của mình, dùng phương pháp gì? Họ phê phán, bài bác người có tiếng tăm, được nhiều người kính ngưỡng ở địa phương đó, do vậy nên họ được nổi danh. Ðây là cố ý, tạo các tội nghiệp trong địa ngục Vô Gián, A Tỳ. Ðây là tâm tà ác cùng cực, họ chẳng sợ nhân quả báo ứng, chỉ vì một chút danh lợi, ích lợi trước mắt mà dám tạo ra tội nghiệp cực nặng này, đây là nghiệp nhân của địa ngục Vô Gián.

Tội nghiệp thứ ba là ‘làm cho thân Phật ra máu’. Hiện nay Phật chẳng còn tại thế, nhưng cũng có tội tương đương, đó tức là dùng ác tâm phá hoại hình tượng của Phật, bất luận là tượng đúc bằng xi măng, khắc bằng gỗ, hoặc làm bằng kim loại, hoặc là tranh vẽ nên hình tượng của Phật, Bồ Tát, là dùng tâm sân hận phá hoại, tội này chính là tội Ngũ Nghịch. Nếu là vô ý làm tổn hoại thì là ‘lỗi lầm’, chẳng phải là ‘tội’, vậy thì còn nhẹ. Nếu là vô ý thì sám hối cũng được! Có thể sám hối. Nếu là ác ý thì không thể sám hối.

Tội chót ‘phá hòa hợp tăng’, tức là phá hoại Tăng Ðoàn. Tăng đoàn hòa hợp thật ra rất khó gặp được, ở đây cũng có tội tương đương. Phá hoại tín ngưỡng của người khác, phá hoại tâm nguyện của người khác, phá hoại sự tu học của người khác cũng bằng với tội phá hòa hợp tăng; tội này cũng rất nặng, chúng ta không thể không biết. Trong ấy cũng có vô ý và cố ý, phải biết chỗ khác nhau. Cố ý là ác ý, vô ý là chẳng hiểu rõ những lý luận, chân tướng sự thật này. Thí dụ như trong kinh thường nói đến ‘tự tán hủy tha’, tự mình tán thán pháp môn tu học của mình, cứ mặc tình hủy báng những pháp môn khác, cũng là tội nghiệp loại này. Hiện nay ở nhiều nơi trong thế gian chúng ta nghe nói những người tạo tội nghiệp, tạo những tội nghiệp này. Chúng ta nhất định phải hiểu: Phật, Bồ Tát thuyết pháp là ứng cơ mà thuyết, cho nên Phật pháp không có định pháp. Kinh Bát Nhã nói rất rõ ràng: “Không những Phật chẳng có định pháp có thể nói, Ngài cũng chẳng có pháp để nói”. Thậm chí nói đến rốt ráo, nếu có người nói Phật thuyết pháp tức là báng Phật.

Nói đến đây, chúng ta phải thâm nhập, thấu hiểu kỹ càng những lời khai thị này của Phật, từ đó bạn mới không tạo tội báng pháp nữa. Vì đó là ứng cơ ban cho sự giáo huấn. Căn tánh của tôi và căn tánh của bạn chẳng hoàn toàn tương đồng, nghĩa là cùng tu pháp môn Tịnh Ðộ, cùng niệm A Di Ðà Phật nhưng cũng chẳng giống nhau hoàn toàn. Nghĩa là như thế nào? Tôi thích truy đảnh niệm Phật: A Di Ðà Phật, A Di Ðà Phật, A Di Ðà Phật, .., niệm từng câu tiếp theo nhau thật nhanh. Người kia thích niệm chầm chậm, A .. Di .. Ðà .. Phật .., hai người này sẽ chẳng giống nhau, cả hai đều có thể vãng sanh. Người này nói cách niệm của mình chính xác, cách kia của bạn chắc chắn là sai, vậy thì chẳng phải là cãi lộn rồi sao? Chẳng giống nhau! Thế nên phải hiểu rõ đạo lý này. Cùng bịnh cảm, khi thầy thuốc ra toa đương nhiên phần lớn toa thuốc sẽ giống nhau nhưng có chút sai khác, sẽ có chỗ chẳng giống nhau. Bạn uống thuốc của bạn lành bịnh rồi, khi nhìn thấy toa thuốc của người kia có một vài vị khác, bạn bèn phê bình họ, sai rồi, thể chất của họ khác với thể chất của bạn. Cùng một toa thuốc, cùng một thầy thuốc, nhưng phân lượng cho tôi khác với lượng của bạn. Cho tôi dùng ba tiền, cho bạn thì bốn tiền, như vậy mà hai người phải đánh nhau sao? Rốt cuộc là ai đúng, ai sai? Vì thể chất chẳng giống nhau nên mới có sự sai khác như thế. Phật giảng kinh thuyết pháp độ chúng sanh cũng giống như vậy, do đó nếu bạn nói cái này đúng, cái kia sai thì bạn đã báng Phật, báng Pháp, báng Tăng. Tại sao? Hết thảy kinh đều do Phật nói ra, vậy là bạn báng Phật; bạn tùy tiện phê bình kinh điển, lấy bộ kinh này phê bình bộ kinh kia, lấy kinh kia phê bình kinh này, vậy là báng Pháp; người y chiếu kinh luận tu hành chứng quả là Tăng. Bạn tùy ý phê bình, hủy báng Tam Bảo tạo nên tội nghiệp Vô Gián, tạo tội này, đây đều là ngu mê, vô tri. Chúng ta phải hiểu rõ.

Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký tập 16

Bài viết liên quan

Tử Sanh Đại Sự: Sau khi chết rồi bạn đi về đâu?

Thiện Quang

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có sanh tử hay không?

Thiện Quang

Quả báo của nóng giận, tham lam, bỏn xẻn

Thiện Quang

Vì sao chư Phật tán thán A Di Đà Phật và Địa Tạng Bồ Tát?

Thiện Quang

Danh hiệu Đẳng Chánh Giác có ý nghĩa là gì?

Thiện Quang

Phải làm thế nào mới có thể tránh khỏi kiếp nạn?

Thiện Quang

Danh hiệu Thế Gian Giải có ý nghĩa là gì?

Thiện Quang

Thần Chú Phổ Hiền Bồ Tát tiếng Phạn và tiếng Việt

Thiện Quang

Tánh Tướng Lý Sự Nhân Quả là muôn sự vật trong vũ trụ

Thiện Quang

Leave a Comment