8 tướng thành đạo của Phật (6 tướng đầu)
Dưới đây nói đến 8 tướng thành đạo. Điều này chư vị đồng tu đều rất quen thuộc, nhưng trong đó có chỗ đáng để chúng ta học hỏi nên chúng ta không thể bỏ qua.
Chúng tôi xin đọc một đoạn kinh văn:
“Nguyện ư vô lượng thế giới thành Đẳng Chánh Giác. Xả Đâu-suất, giáng vương cung, khí vị xuất gia, khổ hạnh học đạo. Tác tư thị hiện, thuận thế gian cố”.
(Nguyện ở vô lượng thế giới chứng Phật quả. Rời cung trời Đâu-suất, giáng sinh vào cung vua, bỏ ngôi vị mà xuất gia, khổ hạnh học đạo. Thị hiện như thế để thuận theo thế gian).
Phần trước nói đến những vị Đại Thánh dự hội. Trí huệ và đức năng của họ hiển thị một cách rất cụ thể. Trong hạnh Bồ-tát, Phổ Hiền hạnh là thù thắng nhất, họ đều tu Hạnh Phổ Hiền, đồng tâm đồng nguyện với Phật. Tận hư không khắp pháp giới, lấy pháp môn này để tiếp dẫn quảng đại chúng sanh. Phần dưới cho chúng ta một thí dụ: Những bậc Thánh giả này, giống với chỗ nói trong phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa là: nên dùng thân gì để độ được thì họ liền hiện thân đó.
Giống như ba mươi hai ứng thân của Quán Thế Âm Bồ-tát, ba mươi hai là ba mươi hai loại. Trong mỗi loại đó, sự tướng ứng hóa, thực tế mà nói là vô lượng vô biên, hiển thị ra đức năng của những vị Bồ-tát này. Chỗ này cho chúng ta một tỉ dụ, “Ưng dĩ Phật thân nhi đắc độ giả, tức hiện Phật thân nhi vi thuyết Pháp” (nên dùng thân Phật để độ được thì hiện thân Phật để thuyết pháp). Chúng ta xem đoạn này là ví dụ hiện thân Phật, nếu cần dùng thân Bồ-tát thì Ngài liền hiện thân Bồ-tát mà thuyết pháp. Chỗ này là nêu lên hiện thân Phật, tức là “nguyện ư vô lượng thế giới thành Đẳng Chánh Giác” (Nguyện ở vô lượng thế giới chứng Phật quả). Đây chính là hiện thân Phật. Các vị phải biết tuy hiện thân Phật nhưng vẫn dùng pháp môn niệm Phật để giáo hóa tất cả chúng sanh niệm Phật thành Phật. Bởi vì pháp môn này là pháp môn đệ nhất, là pháp môn viên mãn, cứu cánh, là pháp môn giúp tất cả chúng sanh bình đẳng được độ, thật sự là thù thắng không gì sánh bằng.
Phần dưới đây nói đến tám tướng thành đạo. Điều này chư vị đồng tu đều rất quen thuộc, nhưng trong đó có chỗ đáng để chúng ta học hỏi nên chúng ta không thể bỏ qua. “Xả Đâu-suất”, Bồ-tát muốn đến thế gian này thị hiện thành Phật thì phải rời khỏi trời Đâu-suất. Hoàn cảnh sinh hoạt của trời Đâu-suất rất tốt, vô cùng vui sướng, vô cùng tự tại. Đâu-suất là Phạn ngữ, dịch sang nghĩa Trung Quốc là “Tri túc” (biết đủ), Đâu-suất thiên tức là Tri Túc thiên. Tri túc thì thường lạc. Hiện tại trên thế gian này có rất nhiều người đích thực có địa vị rất cao, có rất nhiều tiền bạc, nhưng họ vẫn rất khổ, vì sao lại khổ? Vì không tri túc. Có tiền tài rồi lại muốn có thêm, nhiều rồi lại muốn nhiều thêm, cái này mới thật là khổ. Tri túc thì vui ngay. Tri túc là gì? Người tri túc không mong cầu, người đến mức độ vô cầu thì như tục ngữ chúng ta nói là “phẩm cách tự nhiên cao”. Thật sự được vui là tri túc. Tầng trời này gọi là trời Tri Túc, tất cả Đẳng Giác Bồ-tát, Bổ Xứ Tôn giả, Bổ Xứ tức là Hậu Bổ Phật, đều từ trời Đâu-suất giáng xuống. Chỗ này mang ý nghĩa biểu pháp rất sâu. Nói cách khác, Bồ-tát tu hành, nếu chưa đến mức tri túc thì công phu của Bồ-tát chưa viên mãn, họ vẫn chưa biết đủ mà, tri túc rồi thì thành Phật ngay. Trong các bộ kinh lớn chúng ta thấy Bồ-tát cũng tham, tham độ chúng sanh, tham công đức, cho nên họ vẫn chưa biết đủ. Biết đủ rồi thì thành Phật ngay, chúng ta nhất định phải ghi nhớ việc này. Bất luận là thế pháp hay xuất thế pháp đều phải biết đủ. Ví dụ, hiện nay chúng ta học Phật Pháp, kinh điển của Phật pháp rộng lớn bao la như biển cả. Hiện nay chúng ta thấy Đại Tạng Kinh đều dùng loại chữ nhỏ để xuất bản, bìa dày như vậy mà vẫn phải có đến một trăm quyển. Nếu xem qua một lần từ đầu đến cuối thì phải mất bao nhiêu năm mới có thể xem hết. Thứ nào cũng muốn học, Tông Phái nào cũng muốn học, pháp môn nào cũng muốn học, bộ kinh luận nào cũng muốn học, đó gọi là tham, như vậy thì không buông xả được. Chúng ta biết đủ, một bộ kinh tức là một bộ kinh Vô Lượng Thọ là được rồi. Như Cổ Đức nói: “Tam tạng mười hai bộ nhường cho những người không biết đủ đi ngộ, tám vạn bốn ngàn hạnh nhường cho người không biết đủ đi hành”. Còn chúng ta biết đủ rồi, một bộ kinh, một câu A Di Đà Phật, điều này vui biết mấy. Biết đủ thì vui. Tu hành cũng như thế, nhất định phải biết đủ. Nội dung của bộ kinh này đã bao hàm hết tất cả kinh, phía trước đã báo cáo cùng quý vị rồi, cho nên phải xả được, phải buông xuống được. Xả Đâu-suất, trong tám tướng thành đạo thì tướng thứ nhất là giáng sanh.
“Giáng vương cung” là tướng thứ hai và thứ ba: Giáng vương cung, Phật ứng hóa đến thế gian này, tuyệt đối không giáng sanh vào gia đình dân giả bình thường, vì sao? Vì sức ảnh hưởng không lớn, chúng ta là thân nghiệp báo, tự mình không thể làm chủ, nghiệp lực dẫn bạn đi đầu thai, khi gặp duyên thì không thể không đi. Phật, Bồ-tát là nguyện lực, không phải nghiệp lực. Nguyện lực thì có thể tùy mình lựa chọn, cho nên các Ngài nhất định chọn vào gia đình quốc vương để giáng sanh. Sau khi hạ sanh là thân phận Thái Tử. Sau đó xuất gia mới thật là hy hữu. Người thế gian từ sáng đến tối đầu óc toàn suy nghĩ những thứ danh văn lợi dưỡng, từ sáng đến tối bận rộn cũng là danh văn lợi dưỡng. Bồ-tát giáng sanh vào vương cung, danh văn lợi dưỡng đều đầy đủ cả. Nếu nói về địa vị thì tương lai Ngài là quốc vương. Người Trung Quốc gọi là “quý vi thiên tử, phú hữu tứ hải”. Phú quý, danh lợi của thế gian Ngài đều có đầy đủ, Ngài có thể buông bỏ để xuất gia khiến chúng ta phải nghiêm túc mà suy nghĩ. Chúng ta ngày ngày tranh danh đoạt lợi, còn Ngài thì vì sao không cần? Cách làm này có thể khiến chúng ta khai ngộ, khiến chúng ta hiểu rõ ý nghĩa chân chánh của kiếp người, giá trị chân chánh của kiếp người, phải có niềm vui, hạnh phúc chân chánh thì người này mới không uổng qua một đời. Một đời đều là khổ cực, một đời đều là bận rộn, không hiểu vì ai mà bận rộn. Người này thật đáng thương. Trong kinh Phật thường nói: “Khả lân mẫn giả” (kẻ đáng thương xót), không hiểu bận rộn vì ai? Cổ nhân cũng nói: Vì ai mà cực khổ? Vì ai mà bận rộn? Họ không biết. Họ đáng thương biết bao. Thậm chí bận rộn để được cái gì? Bận rộn đến ba bữa cơm cũng không có thời giờ ăn, bạn bảo đáng thương biết mấy. Ăn không ngon, ngủ không yên, suốt ngày bận rộn đến tối, địa vị họ dù có cao hơn, tiền bạc có nhiều hơn đi nữa cũng chỉ là những người rất đáng thương. Họ không hạnh phúc như chúng ta, chúng ta ba bữa cơm ăn đúng giờ, tối ngủ rất thoải mái, như vậy rất có phước báo, rất vui vẻ, rất hạnh phúc.
Giáng sanh trong hoàng cung là hai tướng trong tám tướng thành đạo. Một tướng là đầu thai, một tướng là ra đời trong hoàng cung. Khí vị xuất gia là tướng thứ tư trong tám tướng. Ngài xả bỏ ngôi vua, xả bỏ phú quý để đi xuất gia. Nếu không phải là người có trí huệ chân chánh, người triệt để hiểu rõ chân tướng sự thật thì họ không thể làm nổi. Người thế gian đều bị mê hoặc trong danh lợi, liều mạng mà cướp đoạt, bây giờ không phải là tranh thủ mà là cướp đoạt, “tranh danh đoạt lợi”. Ngài xả bỏ hết, vì sao? Vì Ngài thật sự giác ngộ rồi, thật sự hiểu rõ rồi, những thứ này là giả, là không, là phiền phức, là đau khổ, tuyệt đối không phải là hạnh phúc, không phải vui vẻ. Tôi vừa nói: Người có tiền, có địa vị, suốt ngày bận rộn ngay đến thì giờ ăn cơm cũng không có, thì giờ ngủ nghỉ cũng không có, bạn bảo đáng thương biết bao. Còn Ngài hiểu rồi, Ngài ngộ rồi, không cần nữa, đồ giả mà nên Ngài xuất gia đi tu đạo, khổ hạnh học đạo. “Khổ hạnh”, người thế gian nghĩ rằng người xuất gia rất khổ, đây là dùng nhãn quan của thế tục để nhìn. Kỳ thật họ là người vui sướng nhất. Kiếp người ở thế gian này không có gì vui sướng bằng điều này. Tôi lúc mới xuất gia thọ giới, vị Hòa Thượng truyền giới của chúng tôi là Đạo Nguyên lão Pháp Sư đã kể cho chúng tôi một câu chuyện, câu chuyện này có thật:
Vào năm đầu dân quốc, lúc Ngài còn là một chú tiểu. Ngài thấy trong thôn của Ngài có một người ăn xin, người ăn xin này sống rất đắc ý, rất tự tại, mỗi ngày ra ngoài xin cơm, tối đến tùy tiện vào trong miếu cũ ngủ một giấc. Sau này con của ông giàu có, là tài chủ của địa phương đó, đương nhiên mọi người liền nói: “Anh xem gia thế của anh lớn như vậy, giàu như vậy, tại sao anh để cha anh ra ngoài đi xin cơm, làm kẻ ăn mày như vậy?”. Người con cũng cảm thấy mất mặt, tìm đủ mọi cách, phái rất nhiều người tìm cha về. Sau khi tìm về rồi, thay quần áo mới cho ông, phụng dưỡng ông đàng hoàng. Đại khái qua một tháng sau, người cha này lại lén đi mất, lại đi xin ăn nữa. Người ta hỏi ông đang làm gì? Ông nói: “Cuộc sống của tôi như vậy mới tự tại, nhốt tôi trong đó hưởng thụ, việc này không tự tại, làm gì bằng mỗi ngày đi khắp nơi rong chơi, du sơn, ngọan thủy, đi đến đâu ăn đến đó, đi đến đâu ngủ đến đó. Cuộc sống như thế, thoải mái biết bao, tự tại biết bao”
Ông có triết học nhân sinh của ông, có niềm vui thật sự của ông. Thông thường chúng ta nhìn thấy người xin ăn gọi là ăn mày. Thức tế ông làm ăn xin không phải vì bị bắt buộc, không phải vì gia đình không có ăn, gia đình ông rất giàu có. Ông là người vui vẻ, ông đã nhìn thấu hồng trần, cảnh giới của người này thật phi thường, tuyệt đối không phải người bình thường. Người thông thường cho là khổ, nhưng người xuất gia mới có nhiều lạc thú, sinh hoạt đơn giản, ít tạo nghiệp. Tâm địa thanh tịnh thì nhu cầu ít. Người xuất gia trước kia là “ba y một bát”, cái gì cũng không có, cái này mới thật sự vui sướng, không có chút tích lũy nào, mỗi ngày ăn một bữa, một bữa cơm rất dễ kiếm. Hơn nữa người cúng dường cũng rất tôn kính, rất hoan hỷ. Chỉ ăn một bữa có đủ không? Đầy đủ rồi. Vì sao vậy? Vì tâm thanh tịnh. Thân thể chúng ta là một bộ máy, máy thì phải động, nó phải vận động, vận động thì cần có năng lượng để chuyển động nó. Năng lượng là từ ẩm thực mà có. Quý vị nên biết, năng lượng tiêu hao 95% là tiêu hao trên vọng tưởng, phiền não. Cho nên, người thế gian một ngày phải ăn ba bữa, còn phải ăn điểm tâm, còn phải ăn khuya, thật là khổ. Kết quả ăn xong rồi thì sao? Ăn đến mức khắp người bệnh tật, bệnh từ miệng vào mà, làm sao họ không sanh bệnh được chứ? Người tu hành vọng tưởng ít, phiền não ít, họ tiêu hao năng lượng ít, cho nên mỗi ngày bổ sung một lần là đủ rồi. Cuộc sống như vậy không phải cầu cạnh người, vui sướng biết bao, hạnh phúc biết bao. Cho nên chúng ta đối với ẩm thực phải hiểu biết, tu hành là tu tâm thanh tịnh. Tâm địa càng thanh tịnh thì việc ăn uống của bạn nhất định tự nhiên sẽ giảm thiểu, không cần nhiều thì bạn đã đủ rồi. Cho dù ăn ba bữa thì bạn cũng ăn rất ít. Thể lực của bạn chắc chắn rất bình thường, nhất định rất khỏe mạnh. Người thế tục không hiểu được đạo lý này, không hiểu được cảnh giới này, cho đó là khổ, thực tế mà nói đó là thường lạc, chân lạc. “Học đạo”, đạo là gì? Đạo tức là tâm thanh tịnh, là tâm bình đẳng, là giác mà không mê, là học cái này.
“Tác tư thị hiện, thuận thế gian cố”.
(Thị hiện như thế để thuận theo thế gian).
Hai câu này đã nói rõ căn nguyên rồi. Các Ngài là thị hiện không phải lần này mới phát tâm xuất gia, các Ngài là thị hiện, đến để biểu diễn. Giống như Đức Bổn Sư Thích-ca của chúng ta. Vào ba ngàn năm trước Thích-ca Mâu-ni xuất hiện tại Ấn Độ thị hiện tám tướng thành đạo. Chúng ta đều nghĩ rằng Thích-ca Mâu-ni ngồi dưới cội Bồ-đề đêm nhìn sao trời bỗng nhiên đại ngộ thành Phật. Chúng ta chỉ thấy tướng này, trên thực tế trong kinh Phạm Võng Thế Tôn nói với chúng ta, Ngài lần này đến đây thị hiện làm Phật đã là lần thứ tám ngàn rồi. Chúng ta mới bỗng nhiên đại ngộ rằng: Ngài là “tác tư thị hiện, tùy thuận thế gian”. Người thế gian đến đều phải tìm cha mẹ để đầu thai, nếu Phật xuất hiện tại thế gian này mà không có cha mẹ, từ trên trời giáng xuống thì Ngài giáo hóa chúng sanh sẽ khó. Chúng ta nhìn Ngài: Chúng ta là do cha mẹ sinh ra, còn Ngài thì từ trên trời xuống, vậy thì làm sao chúng ta có thể bằng Ngài được? Chúng ta làm sao có thể học thành đạo được? Chúng ta là cha mẹ sanh, Ngài cũng biểu diễn là do cha mẹ sanh, chúng ta từ nhỏ lớn lên, Ngài cũng từ nhỏ lớn lên, Ngài có thể thành Phật, chúng ta cũng có thể thành Phật, khiến chúng ta có thể tăng trưởng tín tâm. Ngài làm gương cho chúng ta xem.
Tuy là thị hiện, nhưng trên mặt giáo hóa mà nói thì đích thực là sự thật. Nếu chúng ta hiểu được đạo lý này, hiểu được phương pháp này, y giáo tu hành thì ngay đời này chắc chắn có thể ra khỏi tam giới, thoát sanh tử, thành Phật đạo. Cho thấy sự thị hiện của Thế Tôn không hề lừa dối chúng ta, đều là sự thật.
“Dĩ định huệ lực, hàng phục ma oán”.
(Đem sức định huệ hàng phục ma oán).
Đây là tướng thứ năm hàng ma. Câu này ý nói tâm của đồng tu chúng ta thường không buông xả được, gọi là ma chướng, nghiệp chướng. Ma chướng và nghiệp chướng là cùng một việc. Thế nào là ma? Trước tiên chúng ta phải nhận thức được nó thì sẽ có phương pháp hàng phục nó. Nếu không nhận thức được nó thì chúng ta không cách gì đối phó được nó. Kinh Lăng-nghiêm có một tỉ dụ: Ví dụ chúng ta muốn bắt kẻ trộm thì bạn phải nhận biết nó, bạn mới có thể bắt được nó. Nếu không nhận biết được nó thì bạn đến chỗ nào để bắt nó? Tỉ dụ này rất hay. Như vậy ma là gì? Kinh Bát Đại Nhân Giác nói rất rõ ràng, rất minh bạch: Ma có bốn loại, chúng ta không thể không biết.
Thứ nhất là ngũ ấm ma, thân thể này của chúng ta là thân ngũ ấm. Ngũ ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là vật chất, nhục thân này của chúng ta gọi là sắc thân. Thọ, tưởng, hành, thức là tâm, cùng với tác dụng của tâm lý. Con người của chúng ta là do ngũ ấm kết hợp thành, bản thân của ngũ ấm chính là ma. Bạn xem thân này phiền phức biết mấy. Nếu không liễu sanh tử thì bạn làm sao thoát được ngũ ấm ma? Bồ-tát tu hành, trên con đường Bồ-đề có biết bao chướng nạn, căn nguyên đều là ngũ ấm. Trong kinh Lăng-nghiêm nói có năm mươi loại ấm ma, năm mươi loại lớn, năm mươi loại lớn này chính là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong mỗi ấm có mười loại, mười loại lớn, năm mươi loại ấm ma cho thấy ngũ ấm quả thật là cội nguồn của ma oán. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng. Loại thứ hai là phiền não ma: Tham sân si mạn, những thứ này dày vò chúng ta. Ma nghĩa là dày vò, khiến thân tâm chúng ta không được thanh tịnh, không được tự tại, cái này rất khổ. Thứ ba là thiên ma: Loại này ở bên ngoài. Chúng ta gọi là hoàn cảnh bên ngoài, không phải từ nơi bản thân. Ngũ ấm, phiền não đều là tự thân, đều là từ bản thân mình. Không thuộc về hai loại này mà thuộc về sự chướng ngại ở bên ngoài thì gọi là thiên ma. Đây là chướng ngại của hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất ở bên ngoài. Thứ tư là tử ma: Con người không thể sống mãi trên thế gian, con người sẽ phải chết, chúng ta là người học Phật thì không nên kiêng kỵ. Người thế gian sợ chết, nghe đến chết thì không vui, rất không muốn. Chúng ta là người học Phật biết được có sanh tất có tử, chết là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, thọ mạng ngắn ngủi, công phu tu hành của chúng ta chưa thành tựu thì đã phải chết rồi, như vậy sự tu trì của kiếp này thật là vô cùng đáng tiếc, tu chưa xong mà. Cho dù được luân hồi trở lại thì vẫn bị cái “mê cách ấm”. Sự việc của kiếp trước đã quên sạch sẽ, cho dù gặp được thiện duyên, gặp được thiện tri thức tốt thì vẫn phải tu lại từ đầu. Mỗi vị đồng tu ngồi đây đều là người tái lai, đều là người trở lại trong kiếp quá khứ, đều đã từng tu trong đời trước cũng tu rất khá, thế mà vừa luân hồi đến kiếp này nghĩ xem như thế nào? Chúng ta sẽ hiểu rõ cái chết quả thật dày vò chúng ta. Nếu không chết thì sự tu học của chúng ta đã sớm thành tựu rồi.
Thế giới này có sanh tử luân hồi cho nên vô cùng rắc rối, chúng ta có thể tìm đến một nơi không có tử ma không? Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đến nơi đó thì mọi người đều là vô lượng thọ, hoàn cảnh này tốt lắm. Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều không có bốn thứ ma chướng này, còn thế giới này của chúng ta thì không một ai có thể tránh khỏi.
“Oán” là oán gia, thứ này vô cùng rắc rối. Oán gia là gì? Những chúng sanh mà chúng ta đã sát hại đến đòi mạng trả thù. Chúng ta chiếm lợi ích của người khác, thiếu nợ thì phải đòi nợ, thiếu mạng thì phải đền mạng, thiếu nợ thì phải trả nợ, đây là oán gia trái chủ. Vào năm 1979, tôi ở Hồng Kông, giảng Kinh Lăng-nghiêm tại giảng đường Quang Minh. Giảng đường Quang Minh là do lão Hòa Thượng Thọ Dã xây dựng. Trên giảng đường Ngài có treo một bộ đối liễn, tôi xem thấy rất cảm động. Câu trên viết: “Phu thê thị duyên, hữu thiện duyên, hữu ác duyên, oan oan tương báo” (vợ chồng là duyên, có thiện duyên, có ác duyên, oan oan tương báo). Câu dưới viết: “Nhi nữ thị trái, hữu thảo trái, hữu hoàn trái, vô trái bất lai” (con cái là nợ, có đòi nợ, có trả nợ, không nợ không đến). Ngài nói rất đúng, không sai chút nào cả. Chân tướng sự thật trong quan hệ giữa người và người trong thế gian là gì? Báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ, là làm những việc này, đây chính là oán. Chúng ta thật sự nhìn thấu việc thế gian rồi là tu định, tu huệ. Nhìn thấu là huệ, như như bất động là định, nhìn thấu sự việc rồi mới có thể hàng phục ma oán, nhất định phải nhìn thấu, phải buông xuống, nhìn thấu là huệ, buông xuống là định, vậy thì ma oán sẽ không quấy nhiễu bạn nữa. Cho nên nhất định phải có định huệ lực, không có định lực, không có trí huệ thì không thể nhìn thấu, không thể buông xuống. Từ sáng đến tối, từ mùng một đầu năm đến ba mươi cuối năm, bạn làm sao có thể thoát khỏi bàn tay của ma chứ? Đây là điều chúng ta cần phải giác ngộ, cần phải hiểu rõ.
“Đắc vi diệu pháp, thành Tối Chánh Giác”.
(Đắc pháp vi diệu, thành bậc Tối Chánh Giác).
Đây là tướng thứ sáu trong tám tướng thành đạo. Thành đạo là thị hiện thành Phật, làm thế nào để thành Phật? Trong Di-đà Yếu Giải Ngẫu Ích Đại Sư nói rất hay, ĐứcThích-ca Mâu-ni Phật là do niệm Phật mà thành Phật. Câu nói này đích thực trước đây chưa từng nghe nói qua, trước đây chưa ai nói như vậy, [chỉ có] Ngẫu Ích Đại Sư nói như vậy. Ngài có chứng cứ, chứng cứ ở trong kinh A-di-đà. Chúng tôi mỗi ngày tụng kinh A-di-đà mà không phát hiện ra, Ngài vừa chỉ điểm, chúng tôi xem lại, quả thật không sai. Cho nên được “vi diệu pháp” tức là gặp được pháp môn niệm Phật này, pháp môn niệm Phật này là pháp tối vi diệu. Chúng sanh hữu tình trong chín pháp giới nếu thật sự gặp được rồi, thật sự tin tưởng thì niệm Phật sẽ thành Phật. Thế Tôn trong nhiều đại Kinh đại luận nói với chúng ta một nguyên lý rất quan trọng, đó là “nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”. Câu nói này quả là chân lý, nếu bạn muốn hỏi: Thế Tôn giảng kinh nói pháp bốn mươi chín năm, câu nói nào là quan trọng nhất, thì tôi sẽ cho bạn biết câu nói này là quan trọng nhất “nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”. Cho nên Phật dạy chúng ta niệm Phật, trong tâm chúng ta niệm Phật, tưởng Phật thì sẽ thành Phật, từ tâm tưởng sanh mà. Quý vị phải biết niệm cái gì thì thành cái đó. Đây cũng là nguyên lý trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói với chúng ta: “Thập pháp giới y chánh trang nghiêm, duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Thức chính là tâm tưởng, thập pháp giới y chánh trang nghiêm từ đâu mà có? Là do tâm tưởng biến hiện ra. Thập pháp giới, chúng ta tưởng Phật thì hiện pháp giới Phật, tưởng Bồ-tát thì hiện pháp giới Bồ-tát, tưởng La-hán thì hiện pháp giới La-hán. Hiện nay người thế gian nghĩ những gì? Ngày ngày nghĩ phát tài, nghĩ phát tài là pháp giới gì? Là pháp giới của ngạ quỷ, tâm tham mà. Tham là ngạ quỷ, sân khuể là địa ngục, ngu si là súc sanh. Họ ngày ngày đều tưởng những thứ này, cho nên trong tương lai đều phải đi làm quỷ, bạn bảo có oan uổng không chứ? Hôm này chúng ta đã hiểu rõ chân tướng sự thật này, hiểu rõ đạo lý này rồi thì chúng ta tưởng Phật “ức Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai, tất định kiến Phật”. Nó là từ tâm tưởng mà sanh. Đây là “pháp vi diệu, thành Tối Chánh Giác”. Mười phương ba đời tất cả chư Phật thành Phật đều từ đạo lý này, đều từ phương pháp này, từ đây chúng ta mới khẳng định, mới hoàn toàn tin tưởng. Cho nên quý vị nên nhớ kỹ: Bạn ngày ngày nên tưởng đến hạnh phúc, tưởng đến vui vẻ, đừng tưởng đến phiền não, đừng tưởng đến đau khổ, tại sao? Đều là từ tâm tưởng sanh mà, ngày tháng đã khổ lắm rồi mà ngày ngày bạn còn tưởng đến cái khổ, đó là trong khổ lại thêm khổ nữa. Tuổi đã cao rồi bạn nghĩ đến già thì lão hóa rất nhanh. Sau khi già rồi, người già đều có bệnh, ngày ngày đều nghĩ đến bệnh thì không bệnh cũng sanh ra rất nhiều thứ bệnh. Cho nên, cái này là tưởng già, tưởng bệnh, tưởng chết, đây là cách nghĩ không lành mạnh. Đây là căn bệnh nặng của tư tưởng kiến giải. Người học Phật chúng ta không nghĩ chuyện này mà ngày ngày chỉ tưởng A-di-đà Phật, tưởng thế giới Tây Phương Cực Lạc y chánh trang nghiêm, như thế là đúng. Đây là tâm lý khỏe mạnh nhất, chúng ta thường nói tâm lý khỏe mạnh, tâm lý vệ sinh, đây là tâm lý khỏe mạnh nhất, tâm địa thanh tịnh. Dùng tâm thanh tịnh để tưởng Phật, chúng ta mỗi ngày tụng kinh Vô Lượng Thọ, nghĩ tưởng những đạo lý, những cảnh giới, những lời giáo huấn mà Phật giảng trong kinh thì chúng ta sẽ giống như Phật vậy. Thường thường nghĩ tưởng, ngày ngày nghĩ tưởng, không hay không biết thì thành Phật rồi. Đây chính là sự gia trì của Thích-ca Mâu-ni Phật đối với chúng ta, đây là ân đức của Phật đối với chúng ta. Nếu Phật không dạy chúng ta thì chúng ta làm sao có thể biết được? Đây đích thật là chân tướng sự thật, là bí mật của vũ trụ, ở chỗ này Phật đã phơi bày nói rõ cho chúng ta rồi. Cho nên thành tối chánh giác chính là thành Phật.
Trích đoạn trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH – Giảng năm 1994
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không
Tập 4