Chư Phật không sanh diệt, chúng ta có sanh diệt không?
Chư Phật Như Lai không có sanh diệt, vậy chúng ta muốn hỏi chúng ta có sanh diệt hay không? Chúng ta cũng không có sanh diệt.
Người niệm Phật chân thật là không sanh không diệt
Kinh văn: “Ư thử trung hạ, nhi hiện diệt độ”. Khoa này chỉ có hai câu, ý nghĩa hai câu này rất sâu rộng.
Phật Bồ Tát có diệt độ hay không? Xin nói với các vị, không có! Phật đã chứng được không sanh không diệt thì làm gì còn có sanh tử? Cho nên sanh tử là thị hiện, cũng giống như biểu diễn trên sân khấu, lên đài xuống đài là biểu diễn, không phải là thật. Là vì “ư thử trung hạ”, đối với người căn tánh trung hạ mà nói diệt độ, nói xuất sanh. Người căn tánh thượng đẳng rất rõ ràng, Phật “đến mà không đến, đi mà không đi”.
Trên “Kinh Bát Nhã” đã nói “Như Lai giả”, ý nghĩa Như Lai là gì? “Không có chỗ đến, cũng không có chỗ đi”, đó gọi là Như Lai. Ý này rõ ràng đã nói ra, Như Lai là xuất sanh, “sanh mà không sanh, diệt mà không diệt”, căn bản là không có sanh diệt, không có đạo lý sanh diệt này. Chúng ta để lại khi giảng “Kinh Hoa Nghiêm” sẽ thảo luận tỉ mỉ với các vị, trên “Kinh Hoa Nghiêm” có một đoạn nói đến “không sanh không diệt”.
Đích thực là không có sanh diệt. Chư Phật Như Lai không có sanh diệt, vậy chúng ta muốn hỏi chúng ta có sanh diệt hay không? Chúng ta cũng không có sanh diệt.
Giả như chúng ta có sanh diệt thì chúng ta khác với chư Phật Như Lai rồi. Chúng ta không giống với chư Phật Như Lai chỉ là ở mê ngộ khác nhau thôi, ngoài mê ngộ ra, không có thứ nào khác nhau. Thí dụ “không sanh không diệt”, chư Phật Như Lai rõ ràng tường tận, vì các Ngài giác; chúng ta không rõ ràng, không tường tận đối với những việc này, cho rằng thật có sanh diệt, vậy là hiểu sai rồi! Cho nên nói thật là “không sanh không diệt”.
Nói thật ra thì không có người nào hiểu, mọi người đều sẽ kháng nghị, nói là ông nói xằng bậy, nói giả thì liền gật đầu thừa nhận. Bạn nói xem, vậy thì còn cách nào! Cho nên chư Phật Như Lai nói lời thành thật, chỉ có ở trên hội Hoa Nghiêm nói thật với những vị Pháp Thân Đại Sĩ này, nói với những vị này họ đều gật đầu, nói giả với họ thì họ lắc đầu. Đổi lại trường hợp này của chúng ta, nói giả thì mọi người đều gật đầu, nói thật thì đều lắc đầu. Đây chính là chỗ mà chúng ta khác với chư Phật Bồ Tát, thực tế mà nói chính là hai chữ “mê – ngộ”.
Tất cả vạn sự vạn pháp, thể tánh, hiện tướng, tác dụng không liên quan với mê ngộ, trong đây không có mê ngộ. Mê ngộ ở người, mê ngộ không ở pháp, trong pháp không có mê ngộ. Chính bởi vì đạo lý này, chân tướng sự thật này, cho nên Phật mới nói “chỉ nói pháp nhất thừa”. Cũng chính là nói, tất cả chúng sanh đích thực là có thể bình đẳng thành Phật, trên từ Bồ Tát Đẳng Giác, dưới đến địa ngục A Tỳ đều có thể bình đẳng thành Phật. Vậy thì còn gì sánh bằng!
Có thể khiến cho tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật thì nương vào pháp môn gì? Xin nói với các vị, bất cứ pháp môn nào cũng làm đến được, “pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Thế nhưng căn tánh của chúng sanh không như nhau, từ nơi căn tánh của chúng sanh mà nói, để bình đẳng thành Phật thì “pháp môn niệm Phật” là pháp môn thù thắng nhất. Nếu từ trên lý luận mà nói thì bất cứ pháp môn nào cũng đều như nhau. Căn tánh của chúng sanh thì không như nhau, cơ duyên không như nhau, gặp được các pháp môn đó, chúng ta vẫn không thể thành tựu, không hề được thuận tiện và thù thắng như pháp môn này.
Cho nên Thế Tôn thị hiện tám tướng thành đạo đều là đối với người căn tánh trung, hạ mà thị hiện, mới có tám tướng thành đạo, trong hàng thượng căn thì không có. Cho nên Ngài đến để diễn kịch, đến biểu diễn để người căn tánh trung hạ chúng ta từ ngay trong biểu diễn của Ngài mà thể hội, mà giác ngộ, mục đích đều là hy vọng chúng ta đại triệt đại ngộ.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 42