Pháp Ngữ

Chúng ta nên làm điều này trong sinh hoạt hàng ngày

Trong hành môn của Bồ-tát, sáu cương lĩnh này hoàn toàn là dạy chúng ta trong sinh hoạt hằng ngày, cho đến tiêu chuẩn đối người, tiếp vật, xử sự.

Phần dưới là nói về hành vi sinh hoạt vô cùng cụ thể. Đây là hành vi sinh hoạt khỏe mạnh, vui tươi, là hành vi sinh hoạt bình thường của chư Phật Bồ-tát. Chúng ta phải biết cách làm, đương nhiên càng phải biết vì sao phải làm.

“Thường hành Bố Thí cập Giới, Nhẫn
Tinh Tấn, Định, Huệ, lục Ba-la”

(Thường tu bố thí, giới, nhẫn nhục
Tinh tấn, định, huệ sáu Ba-la)

“Thường” là vĩnh viễn không gián đoạn. “Bố thí” là gì? Là buông xuống, là xả, bạn phải chịu xả, phải chịu buông xuống. Buông cái gì? Phải buông xuống hết, phải xả bỏ hết tất cả những gì làm ô nhiễm tâm thanh tịnh của chúng ta. Danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn của thế gian đều là những thứ làm ô nhiễm tâm thanh tịnh, đều là gốc bệnh của sanh tử phiền não. Cho nên phải xả bỏ cho thật sạch sẽ rốt ráo, đó là dạy bạn Bố Thí. Người thế gian nghe đến Phật pháp, biết Phật pháp là hay, Bồ-tát đã tu bố thí Ba-la-mật rồi cũng đều nói ra được điều này. Vì sao tự mình không chịu làm? Vì luyến tiếc. Nói cách khác không buông nổi. Vì sao không thể buông xuống? Cuộc sống của chúng ta quá khổ, khó khăn lắm mới có được. Rất khó mới có được nên bảo bạn phải bỏ đương nhiên cũng khó. Chúng ta không biết nhân quả ở bên trong, không biết đạo lý ở bên trong, cho nên mới có rất nhiều chướng ngại. Bởi thế nhất định phải thường thường đọc tụng kinh điển Đại Thừa, phải lĩnh hội giáo nghĩa trong kinh Đại Thừa, hiểu rõ đạo lý rồi, rõ ràng nhân quả rồi thì tự nhiên bạn sẽ chịu xả, tự nhiên bạn sẽ chịu buông xuống.

Đã hiểu rõ lý, trong tâm khai giải rồi. Chúng ta sở dĩ không chịu xả vì e sợ cuộc sống của mình có khó khăn. Thí dụ nói tiền tài, sau khi xả bỏ rồi thì ngày tháng của tôi sẽ rất khổ sở. Cái này là do chúng ta đang khởi vọng tưởng, nghĩ sai rồi, không phải là chân tướng sự thật. Tiền tài đó càng xả thì cuộc sống của bạn càng tự tại, càng phong phú, hoàn toàn tương phản với sự tưởng tượng của chúng ta. Chúng ta không rõ đạo lý, không biết được chân tướng của sự thật, cho nên trong lòng mới có xan tham. Tham là tham cầu, xan là không nỡ xả, nên mới có nhiều bệnh như vậy. Cho nên xả tài thì tiền tài của bạn nhất định không thiếu thốn. Bạn bố thí pháp thì nhất định được thông minh trí huệ. Bạn có thể giúp đỡ tất cả những người bị khổ nạn thì bạn nhất định sẽ khỏe mạnh trường thọ, nhân duyên quả báo tơ hào không sai. Bồ-tát tu bố thí, đưa bố thí vào cương lĩnh tu hành thứ nhất, cho thấy nó quan trọng vô cùng.

“Giới” là trì giới, một trong sáu đại cương lĩnh của Bồ-tát hạnh. Phạm vi của trì giới vô cùng rộng lớn, là nghĩa rộng không phải nghĩa hẹp, nói nghĩa rộng là sao? Tức là thủ pháp, chúng ta phải tuân thủ tất cả những lời giáo huấn của Phật. Không chỉ là ngũ giới, thập giới, Tỳ-kheo giới, Bồ-tát giới, không chỉ là những giới này, phạm vi đó quá nhỏ hẹp, mà chúng ta phải tuân thủ tất cả những lời dạy bảo. Ngoài việc này ra, chúng ta ngày nay sống tại thế gian, chúng ta không thể rời khỏi xã hội, không thể rời khỏi mọi người, chúng ta phải sống chung với mọi người trong xã hội để duy trì xã hội. Quốc gia có hiến pháp, địa phương có luật lệ quy định, đối với những phong tục tập quán, quan niệm đạo đức thông thường không có văn tự ghi chép chúng ta đều có nghĩa vụ phải tuân thủ. Như vậy mới có thể duy trì sự an định phồn vinh của xã hội, điều này là trì giới.

Điều thứ ba là “nhẫn nhục”, nhẫn nhục tất cả sự việc. Chúng ta phải có lòng nhẫn nại, xử sự đối người tiếp vật đều phải nhẫn nại, còn tu học thì sao? Càng phải nhẫn nại. Trong kinh Kim Cang, Phật nói với chúng ta “nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn” (hết thảy các pháp do Nhẫn mà thành tựu) câu nói này đích thực là chân lý. Bất luận là Phật pháp, thế pháp chúng ta đều phải có tâm nhẫn nại, chỉ có tâm nhẫn nại mới có thể đạt được thành tựu viên mãn.

Tiếp theo là “tinh tấn”, tôi nghĩ câu này người hiện đại có cảm xúc rất sâu. Thời đại này đang tiến bộ không ngừng, đặc biệt là khoa học ngày càng mới lạ, đều đang cầu tiến bộ, “tấn” tức là tiến bộ. Tuy nhiên, Phật dạy chúng ta phải tinh tấn. “Tinh” là thuần mà không tạp, không phải tạp tấn, không phải loạn tấn, mà là tinh tấn. Điều này dùng cho pháp thế gian cũng vô cùng chính xác. Chúng ta học ở trường, khoa hệ mà chúng ta học “một môn tinh tấn” thì sẽ rất dễ thành tựu. Bước vào xã hội, làm bất cứ ngành nghề nào, bạn tinh tấn trong ngành nghề của mình thì cũng rất dễ thành tựu. Cùng một đạo lý như vậy, học Phật pháp cũng không là ngoại lệ. Trong Phật pháp, pháp môn vô lượng, Phật không bắt chúng ta môn nào cũng phải học. Không phải như vậy, mà muốn chúng ta thâm nhập một môn, không phải bảo chúng ta học tất cả các môn. Chỉ có một môn mới vào được, cho nên phải tinh tấn. Hai môn, ba môn sẽ không vào được. Giống như giảng đường của chúng ta đây, ba mặt đều có nhiều cửa, bạn muốn vào thì chỉ có thể đi vào một cửa, bạn muốn cùng một lúc đi vào hai, ba cửa, bạn thử xem có thể vào được hay không? Thế nhưng trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện rõ ràng lại nói “pháp môn vô lượng thệ nguyện học” như vậy nghĩa là sao?

Quý vị phải biết, đó là sau khi đã vào cửa rồi, bạn có thể thông đạt tất cả pháp môn để giúp đỡ tất cả mọi người. Bạn xem họ thuộc căn cơ gì thì bạn chỉ dẫn họ đi từ cửa đó mà vào, cho nên cửa nào bạn cũng biết. Còn khi mình nhập môn là chỉ một cửa thôi, vào được một môn rồi thì các môn đều thông đạt hết. Trong Phật môn chúng ta thường nói một bộ kinh thông thì tất cả kinh đều thông, là đạo lý như vậy. Nói cách khác, chúng ta muốn thông tất cả kinh, làm cách nào để thông? Một bộ kinh thông rồi thì tất cả kinh đều thông. Phải biết đạo lý này, nếu bạn quả thật hiểu rõ như vậy rồi thì học Phật sẽ không khó, không hiểu rõ thì mới thật là khó.

Cho nên bạn phải thật thông một bộ kinh, rốt cuộc phải thông đến đâu mới được gọi là thông? Phải thông đến tự tánh, đó mới là thông. Nhà Thiền nói “Minh Tâm Kiến Tánh” kiến tánh thì thông rồi. Giáo hạ nói “Đại Khai Viên Giải”. “Đại Khai Viên Giải” là cùng một cảnh giới với “Minh Tâm Kiến Tánh” của Thiền Tông, là một sự việc, chỉ là cách nói khác, vậy thì thông rồi. Còn Tịnh Độ Tông chúng ta thì gọi là “Nhất Tâm Bất Loạn”. Cho nên bạn hễ đạt đến Nhất Tâm Bất Loạn thì bạn thông rồi. Nhất Tâm Bất Loạn, Đại Khai Viên Giải, Minh Tâm Kiến Tánh, danh từ tuy có khác nhưng sự thật chỉ là một việc, cùng một cảnh giới. Vì sao đến cảnh giới này thì tất cả đều thông? Bởi vì Phật nói với chúng ta, đương nhiên đây là sự thật “tất cả các pháp thế xuất thế gian đều là tự tánh lưu xuất ra”. Đã kiến tánh rồi, vậy còn pháp nào không thông nữa chứ? Đương nhiên là thông đạt. Đương nhiên hiểu rõ. Tất cả pháp thế xuất thế gian đều có thể thông đạt hiểu rõ. Đây là điều mà người học Phật không thể không biết. Bạn thật sự hiểu rõ thì bạn mới một lòng một dạ, một môn thâm nhập. Trong Tịnh Tông của chúng ta, chúng ta niệm Phật, chúng ta tu hành, mục đích của chúng ta là cầu Niệm Phật Tam-muội, Niệm Phật Tam-muội thành tựu rồi, đó là điều mà chúng ta đã nói ở phía trước: “Trí huệ quảng đại thâm như hải, nội tâm thanh tịnh tuyệt trần lao”, cảnh giới này sẽ lập tức hiện tiền. Cho nên phải tinh tấn, tối kỵ nhất là tạp tấn, loạn tấn, thì rất khó thành tựu. Bởi thế học điều gì không thể học tạp.

Trong Tây Phương Xác Chỉ, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ-tát nói với chúng ta: “Niệm Phật tối kỵ là xen tạp”. Xen tạp thì rất khó thành tựu. Không những không thể xen tạp pháp thế gian mà Phật pháp cũng không thể xen tạp. Tỉ như chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, công khóa mỗi ngày của chúng ta chỉ niệm Kinh Vô Lượng Thọ hoặc niệm kinh A-di-đà, đây tức là chuyên. Ngoài kinh A-di-đà ra ta còn phải niệm kinh Kim Cang, còn phải niệm Phẩm Phổ Môn, còn phải niệm kinh Dược Sư, rồi lại phải lạy Đại Bi Sám, đây gọi là xen tạp. Vậy cái tấn này gọi là loạn tấn, quá nhiều thì loạn tấn, hỗn loạn lung tung là tạp tấn, việc này rất khó mà thu được hiệu quả. Cho nên phải biết chuyên.

Vậy những người thích bái Sám? Chư Phật Bồ-tát quả có phương tiện, có Tịnh Độ sám. Nói tóm lại, đều không xả bỏ Pháp môn này. Như thế là đúng. Cư sĩ Hạ Liên Cư biên soạn quyển Tịnh Tu Tiệp Yếu, đây là Sám Pháp đơn giản nhất, nếu vẫn còn chê chưa đủ, Ngài còn soạn một bộ Bảo Vương Tam-muội sám, điều này thì được, đều thuộc về Tịnh Tông, cái này dùng cho những người thích bái Sám.

Kỳ thật bất luận là bái Sám gì đều không tốt bằng bái A-di-đà Phật, đây mới gọi là tinh chuyên, thật sự tinh tấn, sau khi tinh tấn tất có định, chúng ta thường gọi là thiền định. Thiền định là cách gọi chung, tuyệt đối không phải chỉ cho việc tĩnh tọa tu thiền trong Thiền Tông. Thiền định trong Lục Độ là tâm có chủ tể, không bị ngoại cảnh bên ngoài cám dỗ gọi là định.

Chúng ta cử một tỉ dụ, trong thế gian pháp, ở nơi chợ búa hiện nay, bất luận là sản phẩm gì, đều rất mới lạ. Bạn xem rồi không động tâm, đây là bạn có định, đã được định rồi thì không bị cám dỗ. Trong việc tu hành có rất nhiều Pháp môn, rất nhiều phương thức, bạn nghe qua rồi, nhìn thấy rồi, tôi vẫn chỉ niệm A-di-đà Phật của tôi, không bị nó lay động. Không phải vừa nhìn thấy thì “Ồ! Có một vị thiền sư mới tới, chúng ta đi học ngồi thiền, đằng kia có một vị Thượng Sư Mật Tông mới đến, tôi phải đi học niệm chú”, như thế là sai. Như vậy là bạn không có định, tâm của bạn duyên theo cảnh giới mà chuyển, bạn không làm chủ được. Cho nên định là trong tâm có chủ tể, không bị ngoại cảnh làm lay chuyển, đây gọi là thiền định. Cho đến sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, chúng ta có qui luật của mình, không bị hoàn cảnh làm chuyển biến, những thứ này đều gọi là “Định”. “Huệ”, đơn giản mà nói là có khả năng phân biệt chân giả. Hiện nay, thế gian này đồ giả nhiều lắm, phải có khả năng phân biệt. Ngay đến Phật pháp cũng có chân có giả, có tà có chánh, có thị có phi, có lợi có hại, bạn có khả năng phân biệt thì đây là trí huệ.

Do đây có thể biết trong hành môn của Bồ-tát, sáu cương lĩnh này hoàn toàn là dạy chúng ta trong sinh hoạt hằng ngày, cho đến tiêu chuẩn đối người, tiếp vật, xử sự. Chúng ta phải phù hợp với tiêu chuẩn này, gọi là sáu Ba-la-mật. Ba-la là tiếng Phạn, ý nghĩa là viên mãn, công đức viên mãn. Chúng ta hết lòng tu học thì nhất định sẽ đạt được nguyện vọng mong muốn trong việc tu học của chính mình. “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng” (trong cửa Phật hễ có cầu tất có ứng).

Trích đoạn trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH – Giảng năm 1994
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không
Tập 8

Bài viết liên quan

Vì sao tín tâm có thể thoái, có thể thay đổi?

Thiện Quang

10 loại danh hiệu của Phật

Thiện Quang

Người niệm Phật thân có quang minh, ma chẳng thể phạm

Thiện Quang

Phàm phu vì sao trong và ngoài không thấu suốt?

Thiện Quang

Nhìn thấu, buông bỏ có thể thành vô thượng đạo

Thiện Quang

9 hạng người thường đọa Đại Địa Ngục A Tỳ

Thiện Quang

Tâm Bồ Đề của chúng ta vì sao không thể phát khởi?

Thiện Quang

Thế gian này loại người nào có phước báo lớn nhất?

Thiện Quang

Chư Phật không sanh diệt, chúng ta có sanh diệt không?

Thiện Quang

Leave a Comment