Hộ pháp còn quan trọng hơn so với hoằng pháp
Hộ pháp còn quan trọng hơn so với hoằng pháp. Thế gian này nhân tài hoằng pháp rất nhiều, nhưng nếu không gặp được thiện hộ nhiệt tâm thì cũng sẽ bị dìm mất.
Các vị cần phải biết, hộ pháp còn quan trọng hơn so với hoằng pháp. Thực tế mà nói, thế gian này không phải không có người hoằng pháp, nhân tài hoằng pháp rất nhiều, nhưng nếu không gặp được thiện hộ nhiệt tâm thì nhân tài hoằng pháp cũng sẽ bị dìm mất, ngay trong một đời của họ chỉ có thể tự lợi mà không thể lợi tha. Những sự thật đạo lý này trước đây chúng ta cũng đã từng nói qua mấy lần.
Trong giảng đường chúng ta mỗi lần giảng đều có không ít đồng tu mới đến. Đồng tu cũ tuy là đã nghe qua, thế nhưng e là thời gian lâu rồi nên rất có thể đã quên rồi, đồng tu mới thì chưa nghe qua, cho nên nói nhiều một chút cũng không ngại gì, cũng có chỗ hay.
Người hoằng pháp này cũng giống như là một giáo viên rất giỏi ở thế gian, họ có học vấn, có đức hạnh, có phương pháp giáo học rất tốt, nhưng nếu như không có người muốn theo học với họ thì cũng là vô ích, họ cũng không thể phát huy được tác dụng.
Nếu như muốn có người theo họ học, đương nhiên trước tiên phải có người thành lập một học đường. Trung Quốc vào thời xưa, thành lập học đường phần nhiều là tư thục, mời một thầy giáo, có khoảng mười mấy đến hai-ba mươi học trò, vị thầy giáo này mới có thể phát huy sở trường của ông ấy. Nếu như không có người thành lập học đường thì ông ấy không cách gì phát huy được đức năng của ông ấy.
Vào thời hiện đại, một vị thầy giáo giỏi nếu như không có một trường học tốt; người phụ trách của trường học này là hiệu trưởng, hiệu trưởng không quen biết đối với thầy giáo này, không mời thỉnh ông ấy thì ông ấy cũng không có cơ hội giáo học, cho nên nhất định phải có người quen biết ông ấy, phải có người mời thỉnh ông ấy, trọng dụng ông ấy, thì ông ấy mới có thể phát huy sở trường đặc biệt của mình, mới có thể chân thật giáo huấn một phương. Giáo hóa một phương, công đức chân thật có phải là của ông ấy không? Không thể xem là của ông ấy, đó là của người hộ pháp.
Bạn xem thấy ngày nay mở lớp dạy học, làm giáo dục có được thành tựu rất tốt, thì quốc gia xã hội sẽ khen thưởng, ban tặng cho hiệu trưởng. Nếu như trường học do tư nhân làm thì nhất định là khen tặng phần thưởng cho hội trưởng của họ.
Người mở lớp học, công là của họ, nhưng nếu làm không được tốt thì lỗi cũng ở nơi họ. Đối với nơi này họ phải gánh lấy trách nhiệm giáo dục. Họ có thể làm được tốt, họ có huệ nhãn, có thể mời được giáo viên tốt nhất để giúp cho họ chấp hành giáo học, cho nên họ là người chủ đạo chánh sách giáo học, họ xếp đặt giáo trình. Giáo viên chẳng qua là đến để chấp hành, giúp họ, thay họ lên lớp mà thôi. Cho nên, công đức là ở nơi người mở lớp (ngày nay chúng ta gọi là hộ pháp).
Các vị phải nên biết, hoằng pháp và hộ pháp là một thể, thế nhưng hộ pháp vẫn là quan trọng hơn so với hoằng pháp. Nếu như không có người hộ trì, thì Phật Bồ Tát ra đời cũng không thể lợi ích chúng sanh. Trách nhiệm của hộ pháp rất nặng, công đức của hộ pháp rất lớn.
Thích Ca Mâu Ni Phật đem công việc hộ pháp này ủy thác cho ai? Chúng ta xem thấy được ở trên Kinh, Phật đem công việc của hộ pháp ủy thác cho quốc vương, đại thần, đại phú, trưởng giả. Họ có năng lực hộ pháp, có oai thế, có tiền của, họ có thể xây dựng đạo tràng, họ có thể bố trí an ổn cho những vị pháp sư này, bồi dưỡng pháp sư, khải thỉnh pháp sư ở nơi này hoằng pháp lợi sanh. Họ chuyên mở trường học, làm Đổng sự trưởng, mời thỉnh pháp sư đến trụ trì đạo tràng này.
Trụ trì trong đạo tràng giống như Đổng sự trưởng trong một công ty, pháp sư giảng kinh trong đó là người phụ việc, mỗi người một công việc. Ông chủ là Đổng sự trưởng, là hộ pháp. Không có sự hộ trì của họ, người xuất gia làm gì có tiền của, làm gì có đủ lực? Đừng nói xây một đạo tràng là khó khăn, che một chồi tranh cũng không phải dễ, làm sao phát huy được sở trường của họ?
Cho nên, chúng ta ở nơi đây giảng kinh nói pháp, công lao là của Cư Sĩ Lâm. Ông chủ là Đổng sự trưởng của Cư Sĩ Lâm. Công đức hoằng pháp lợi sanh là của họ, vì do họ làm. Nếu họ không mời chúng ta đến giảng kinh thì chúng ta không cách gì đến được nơi đây. Nếu họ không mở lớp bồi dưỡng pháp sư trẻ thì không có người nào có thể đến đây được. Cho nên, ngày nay chúng ta giảng kinh ở nơi đây có rất nhiều đồng tu được lợi ích. Hiện tại nhờ vào thiết bị khoa học, không những thính chúng hiện tiền được lợi ích, mà các đồng tu ở trước truyền hình cũng được lợi ích.
Hôm qua thầy Ngộ Đạo gọi điện thoại cho tôi (hiện tại thầy đang ở Canada), thầy nói với tôi: “Tiền đồ của Tịnh Tông Hoa Kỳ cùng Canada là một mảng sáng lạn. Hiện tại số lượng người đọc Kinh Vô Lượng Thọ và niệm Phật nhiều vô kể. Ngoài ra còn có một số người nước ngoài đọc Kinh Vô Lượng Thọ rất tốt”. Tôi liền hỏi thầy ấy: “Họ không hiểu được ý nghĩa, làm sao có thể đọc được tốt đến như vậy?”. Thầy nói: “Cuốn “Kinh Vô Lượng Thọ” của Singapore có phiên âm La-tinh, người nước ngoài căn cứ vào phiên âm đó đọc ra tiếng Trung Quốc không hề sai, thế nhưng giảng nói điều gì thì họ không hề biết”. Tôi nói: “Rất tốt, rất khó được!”.
Có rất nhiều người nước ngoài cũng đang đọc “Kinh Vô Lượng Thọ”. Quyển kinh này chúng ta có thể hiến tặng cho họ, nơi nào cần đến thì chúng ta đều có thể tặng cho. Người nước ngoài dùng phiên âm La-tinh đích thực rất thuận tiện, như Đài loan dùng chú âm phù hiệu thì họ không cách gì đọc được, nếu họ có được thì cũng không thể dùng. Quyển chú âm của Singapore thì rất dễ dùng. Tịnh tông có thể mở rộng đến như vậy, tốc độ nhanh như vậy là nhờ vào sức mạnh của truyền hình.
Mỗi ngày chúng ta đều ở trên đài truyền hình phát sóng một giờ đồng hồ, người ở trên toàn nước Mỹ và Canada nhận được từ truyền hình. Cho nên ngày nay chúng ta đến đây giảng kinh, thính chúng không thể hạn lượng, mắt thịt chúng ta nhìn thấy nhiều người đến như vậy, còn số người ngồi trước tivi ở các quốc gia khu vực khác chúng ta không nhìn thấy được thì không biết là nhiều đến bao nhiêu. Lợi ích vô biên!
Công đức lợi ích này của ai vậy? Vẫn là của Hội trưởng Cư Sĩ Lâm, của những ông chủ này. Cho nên, công đức của hộ pháp không thể nghĩ bàn. Nếu như muốn Phật pháp hưng vượng, thì bốn chúng đệ tử chúng ta đều phải biết làm công việc hộ pháp.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 19