Kinh Địa Tạng

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 11

Kinh Địa Tạng Bồ Tát quyển thượng phẩm thứ nhất: Thần Thông Trên Cung Trời Đao Lợi tập 10 – Mục 5: Bà La Môn nữ cứu mẹ phần 2.

Kinh văn:

Thời Bà La Môn nữ tầm lễ Phật dĩ tức quy kỳ xá. Dĩ ức mẫu cố đoan tọa niệm Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai. Kinh nhất nhật nhất dạ. Hốt kiến tự thân, đáo nhất hải biên kỳ thủy dũng phất, đa chư ác thú tận phục thiết thân, phi tẩu hải thượng đông tây trì trục, kiến chư nam tử nữ nhân bách thiên vạn số xuất một hải trung, bị chư ác thú tranh thủ thực đạm.

Hựu kiến Dạ Xoa, Kỳ hình các dị, Hoặc đa thủ đa nhãn đa túc đa đầu, khẩu nha ngoại xuất lợi nhận như kiếm, Khu chư tội nhân sử cận ác thú, Phục tự bác quặc, Ðầu túc tương tựu, kỳ hình vạn loại bất cảm cửu thị.

Thời Bà La Môn nữ dĩ niệm Phật lực cố tự nhiên vô cụ. Hữu nhất quỷ vương danh viết Vô Ðộc, khể thủ lai nghinh bạch Thánh Nữ viết: ‘Thiện Tai Bồ Tát! Hà duyên lai thử’.

Thời Bà La Môn nữ vấn quỷ vương viết: ‘Thử thị hà xứ? Vô Ðộc đáp viết: ‘Thử thị Ðại Thiết Vi sơn Tây diện đệ nhất trùng hải’. Thánh nữ vấn viết: ‘Ngã văn Thiết Vi chi nội, địa ngục tại trung thị sự thật phủ?’. Vô Ðộc đáp viết: ‘Thật hữu địa ngục’.

Thánh nữ vấn viết: ‘Ngã kim vân hà đắc đáo ngục sở?’. Vô Ðộc đáp viết: ‘Nhược phi oai thần tức tu nghiệp lực, phi thử nhị sự chung bất năng đáo’.

Thánh nữ hựu vấn: ‘Thử thủy hà duyên nhi nãi dũng phất, đa chư tội nhân cập dĩ ác thú?’. Vô Ðộc đáp viết: ‘Thử thị Diêm Phù Ðề tạo ác chúng sanh tân tử chi giả’. Kinh tứ thập cửu nhật hậu, vô nhân kế tự vi tác công đức cứu bạt khổ nạn, sanh thời hựu vô thiện nhân đương cứ bổn nghiệp sở cảm địa ngục, tự nhiên tiên độ thử hải. Hải Đông thập vạn do-tuần hựu hữu nhất hải kỳ khổ bội thử, bỉ hải chi Đông hựu hữu nhất hải kỳ khổ phục bội. Tam nghiệp ác nhân chi sở chiêu cảm, cộng hiệu nghiệp hải kỳ xứ thị dã.

Thánh nữ hựu vấn quỷ vương Vô Ðộc viết: ‘Địa ngục hà tại?’. Vô Ðộc đáp viết: ‘Tam hải chi nội thị đại địa ngục’. Kỳ số bách thiên các các sai biệt. Sở vị đại giả cụ hữu thập bát. Thứ hữu ngũ bách khổ độc vô lượng. Thứ hữu thiên bách diệc vô lượng khổ.

Thánh nữ hựu vấn đại quỷ vương viết: ‘Ngã mẫu tử lai vị cửu, bất tri hồn thần đương chí hà thú?’. Quỷ vương vấn thánh nữ viết: ‘Bồ Tát chi mẫu tại sanh tập hà hành nghiệp?’. Thánh nữ đáp viết: ‘Ngã mẫu tà kiến cơ hủy Tam Bảo’, Thiết hoặc tạm tín toàn hựu bất kính, Tử tuy nhật thiển vị tri sanh xứ.

Vô Ðộc vấn viết: ‘Bồ Tát chi mẫu tánh thị hà đẳng?’. Thánh nữ đáp viết: ‘Ngã phụ ngã mẫu câu Bà La Môn chủng’. Phụ hiệu Thi La Thiện Kiến, mẫu hiệu Duyệt Ðế Lợi.

Vô Ðộc hiệp chưởng khải Bồ Tát viết: ‘Nguyện Thánh giả khước phản bổn xứ, vô chí ưu ức bi luyến’. Duyệt Ðế Lợi tội nữ sanh thiên dĩ lai kinh kim tam nhật. Vân thừa hiếu thuận chi tử vị mẫu thiết cúng tu phước, bố thí Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai tháp tự. Phi duy Bồ Tát chi mẫu đắc thoát địa ngục, ưng thị Vô Gián tội nhân thử nhật tất đắc thọ lạc câu đồng sanh ngật.

Quỷ vương ngôn tất hiệp chưởng nhi thoái. Bà La Môn nữ tầm như mộng quy. Ngộ thử sự dĩ, Tiện ư Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai tháp tượng chi tiền lập hoằng thệ nguyện: ‘Nguyện ngã tận vị lai kiếp, ứng hữu tội khổ chúng sanh quảng thiết phương tiện sử linh giải thoát’.

Phật cáo Văn Thù Sư Lợi: ‘Thời quỷ vương Vô Ðộc giả đương kim Tài Thủ Bồ Tát thị, Bà La Môn nữ giả tức Ðịa Tạng Bồ Tát thị’.

Dịch:

Lễ Phật xong, Thánh Nữ liền trở về nhà. Vì thương nhớ mẹ, nên Thánh Nữ ngồi ngay thẳng niệm danh hiệu của Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai trải suốt một ngày một đêm, bỗng thấy thân mình đến một bờ biển kia. Nước trong biển đó sôi sùng sục, có rất nhiều thú dữ thân thể toàn bằng sắt bay nhảy trên mặt biển, chạy rảo bên này, xua đuổi bên kia. Thấy những trai cùng gái số nhiều đến nghìn muôn thoạt chìm thoạt nổi ở trong biển, bị các thú dữ giành nhau ăn thịt.

Lại thấy Quỷ Dạ Xoa hình thù đều lạ lùng: Hoặc nhiều tay, nhiều mắt, nhiều chân, nhiều đầu… răng nanh chĩa ra ngoài miệng bén nhọn dường gươm, lùa những người tội gần thú dữ. Rồi Quỷ lại chụp bắt người tội, túm quắp đầu chân người tội lại, hình trạng muôn thứ chẳng dám nhìn lâu.

Khi ấy, Thánh Nữ nhờ nương sức niệm Phật nên tự nhiên không kinh sợ.

Có một Quỷ Vương tên là Vô Độc, đến cúi đầu nghinh tiếp, hỏi Thánh Nữ rằng: “Hay thay Bồ Tát! Ngài có duyên sự gì đến chốn này?”.

Thánh Nữ hỏi Quỷ Vương rằng: “Đây là chốn nào?”.

Quỷ Vương Vô Độc đáp rằng: “Đây là từng biển thứ nhứt ở phía Tây núi đại Thiết Vi”.

Thánh Nữ hỏi rằng: “Tôi nghe trong núi Thiết Vi có địa ngục, việc ấy có thiệt như thế chăng?”.

Vô Độc đáp rằng: “Thiệt có địa ngục”.

Thánh Nữ hỏi rằng: “Nay tôi làm sao để được đến chốn địa ngục đó?”.

Vô Độc đáp rằng: “Nếu không phải sức oai thần, cần phải do nghiệp lực. Ngoài hai điều này ra ắt không bao giờ có thể đến đó được”.

Thánh Nữ lại hỏi: “Duyên cớ vì sao mà nước trong biển này sôi sùng sục như thế, và có những người tội cùng với các thú dữ?”.

Vô Độc đáp rằng: “Những người tội trong biển này là những kẻ tạo ác ở cõi Diêm Phù Đề mới chết, trong khoảng bốn mươi chín ngày không người kế tự để làm công đức hầu cứu vớt khổ nạn cho; lúc sống, kẻ đó lại không làm được nhân lành nào cả.

Vì thế nên cứ theo nghiệp ác của họ đã gây tạo mà cảm lấy báo khổ ở địa ngục, tự nhiên họ phải lội qua biển này.

Cách biển này mười muôn do tuần về phía Đông lại có một cái biển, những sự thống khổ trong biển đó gắp bội hơn biển này.

Phía Đông của biển đó lại có một cái biển nữa, sự thống khổ trong đó càng trội hơn.

Đó đều là do những nghiệp nhân xấu xa của ba nghiệp mà cảm vời ra, đồng gọi là biển nghiệp, chính là ba cái biển này vậy”.

Thánh Nữ lại hỏi Quỷ Vương Vô Độc rằng: “Địa ngục ở đâu?”.

Vô Độc đáp rằng: “Trong ba cái biển đó đều là địa ngục, nhiều đến số trăm nghìn, mỗi ngục đều khác nhau. Về địa ngục lớn thời có 18 chỗ, bậc kế đó có 500 chỗ đủ không lường sự khổ sở, bậc kế nữa có đến nghìn trăm cũng đầy không lường sự thống khổ”.

Thánh Nữ lại hỏi Quỷ Vương rằng: “Thân Mẫu của tôi mới khuất gần đây, không rõ thần hồn của người phải sa vào chốn nào?”.

Quỷ Vương hỏi Thánh Nữ rằng: “Thân mẫu của Bồ Tát khi còn sống, quen làm những nghiệp gì?”.

Thánh Nữ đáp rằng: “Thân mẫu của tôi mê tín tà đạo, khinh chê ngôi Tam Bảo, hoặc có lúc tạm thời tin chánh pháp, xong rồi chẳng kính. Dầu khuất không bao lâu, mà chưa rõ đọa lạc vào đâu?”.

Vô Độc hỏi rằng: “Thân mẫu của Bồ Tát tên họ là gì?”.

Thánh Nữ đáp rằng: “Thân phụ và thân mẫu của tôi đều dòng dõi Bà La Môn. Thân phụ tôi hiệu là Thi La Thiện Kiến. Thân mẫu tôi hiệu là Duyệt Đế Lợi”.

Vô Độc chắp tay thưa Thánh Nữ rằng: “Xin Thánh Nữ hãy trở về, chớ đem lòng thương nhớ buồn rầu quá lắm nữa. Tội nữ Duyệt Đế Lợi được sanh lên cõi Trời đến nay đã ba ngày rồi.

Nghe nói nhờ con gái của người có lòng hiếu thuận, vì mẹ mà sắm sửa lễ vật, tu tạo phước lành, cúng dường chùa tháp, thờ đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Chẳng phải chỉ riêng thân mẫu của Bồ Tát đặng thoát khỏi địa ngục, mà ngày đó, những tội nhân Vô Gián cũng đều được vui vẻ, đồng đặng thác sanh cả”.

Nói xong, Quỷ Vương chắp tay chào Thánh Nữ mà cáo lui.

Bấy giờ, Thánh Nữ dường chiêm bao chợt tỉnh, rõ biết việc đó rồi, bèn đối trước tháp tượng của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà phát thệ nguyện rộng lớn rằng:

“Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng đó được giải thoát”.

Đức Phật bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi rằng: “Quỷ Vương Vô Độc trước đó nay chính là ông Tài Thủ Bồ Tát. Còn Thánh Nữ Bà La Môn đó, nay là Địa Tạng Bồ Tát vậy”.

Xin mở kinh. Lần trước giảng tới đoạn đức Phật dạy cô Bà La Môn dùng pháp môn Niệm Phật sẽ biết được mẹ mình sau khi chết thần hồn thác sanh vào cõi nào. Chúng ta biết Phật pháp Ðại Thừa, Tiểu Thừa, pháp môn vô lượng vô biên, môn nào cũng có thể thành Vô Thượng Ðạo. Tại sao Phật chẳng dạy cô dùng phương pháp Tham Thiền, Trì Giới, Trì Chú? Tại sao không dạy những pháp môn này mà lại đặc biệt dạy pháp môn Niệm Phật, chúng ta nhất định phải hiểu hàm ý ở đây. Bất cứ pháp môn nào cũng có thể đạt được Ðịnh, đều có thể khai Huệ, tổng cương lãnh của việc tu học Phật pháp tức là Ðịnh, Huệ, chư vị nhất định phải hiểu việc này. Cho nên vô lượng pháp môn đều là phương pháp tu Ðịnh, Huệ, đều là cánh cửa để khai trí huệ, phương pháp và cửa vào chẳng giống nhau, nhưng mục tiêu đạt được hoàn toàn giống nhau. Trong ấy đích thật có sự sai khác dựa trên căn tánh khó hay dễ, duy chỉ có pháp môn Niệm Phật là bao trùm cả ba căn, bất luận là lợi căn [hay] độn căn, hơn nữa thành tựu nhanh chóng, ổn thỏa, thích đáng, dễ dàng, thế nên Phật dùng pháp môn này để dạy cô. Cô quả thật rất giỏi, nếu nói theo pháp môn của chúng ta, cô thuộc về người hạng căn tánh thượng đẳng; vì cô chỉ niệm một ngày một đêm liền đạt được nhất tâm bất loạn, được Ðịnh. Trong Ðịnh, cảnh giới hiện tiền, chỉ có cô mới có thể nhìn thấy. Nếu Phật nói cho cô biết mẹ cô đã sanh lên trời Ðao Lợi được ba ngày rồi, chưa chắc cô có thể tin tưởng, vì chẳng chắc thật. Cô nghĩ có lẽ Phật thấy cô rất đáng thương nên an ủi mình, chưa chắc đã là thật. Nhưng Phật chẳng nói dối, nhất định phải là thật. Lòng tin này chẳng chắc thật. Cô đích thân đến địa ngục để xem, thế thì chẳng nói lời nào được nữa.

Hơn nữa mẹ cô làm sao có thể sanh lên trời? Nhất định chẳng do Phật lực, hôm qua [tôi] đã nói với chư vị. Nhờ tăng thượng duyên của mẹ giúp cho cô dũng mãnh tinh tấn, nội trong một ngày có thể thành tựu Niệm Phật Tam Muội, mẹ cô nhờ công đức này nên được sanh lên trời. Nếu cô chẳng thể dũng mãnh tinh tấn, chẳng đạt được Niệm Phật Tam Muội, thì mẹ cô chẳng được phước lớn như vậy. Phước của mẹ cô lớn hay nhỏ là dựa trên công phu tu trì của cô sâu hay cạn. Lý luận này mới hợp tình, hợp lý, hợp pháp. Thế nên thời xưa khi con cháu đỗ đạt vinh hiển, cha mẹ và tổ tiên của người ấy đều được triều đình phong thưởng; tại sao triều đình phải phong thưởng cha mẹ, tổ tiên? Chúng ta thấy trong lịch sử khi triều đình phong quan, tuy cha mẹ của người ấy chẳng còn tại thế, đã qua đời, đều phong tước vị cho cha mẹ bằng với tước vị của người ấy. Tại sao? Người ấy là hiếu tử, thành tựu của ông ấy là nhờ cha mẹ dạy dỗ, ông ấy vì muốn báo ân cha mẹ nên mới dũng mãnh tinh tấn; cha mẹ, ông bà đối với ông ấy đều là tăng thượng duyên thiện, là đạo lý như vậy nên triều đình mới phong thưởng. Ði khắp nơi trong các cõi nước của chư Phật, hư không pháp giới, đạo lý này đều được hết thảy chúng sanh khẳng định, chân lý vĩnh hằng chẳng thay đổi chính là ở chỗ này. Ðọc kinh này xong chúng ta mới biết làm sao siêu độ, siêu độ sẽ được lợi ích gì, đây là thật chẳng giả.

Kinh Ðịa Tạng là kinh căn bản của Ðại Thừa Phật pháp, thật ra phải giảng kỹ nhưng thời gian có hạn, chúng tôi chỉ giảng hai mươi buổi, bốn mươi giờ, chẳng thể nói kỹ. Tương lai chúng tôi nhất định sẽ tìm thời gian giảng kỹ hơn, đây là pháp căn bản cho sự tu học của chúng ta, nhất định không được coi thường. Chúng ta xem tiếp kinh văn:

Thời Bà La Môn nữ tầm lễ Phật dĩ tức quy kỳ xá, dĩ ức mẫu cố.
時婆羅門女尋禮佛已即歸其舍。以憶母故。

Lúc đó Thánh Nữ Bà La Môn lễ Phật xong liền trở về nhà. Vì nhớ mẹ.

Câu này quan trọng. Tại sao có thể y giáo phụng hành? Tại sao có thể ‘ngồi ngay ngắn niệm’, ngồi ngay ngắn tức là dùng tâm chân thành, nhất tâm niệm Phật. ‘Vì nhớ mẹ’ tức là phát tâm Bồ Ðề, tương ứng với nguyên tắc của kinh Vô Lượng Thọ: ‘Phát Bồ Ðề Tâm, Nhất hướng chuyên niệm’.

Ðoan tọa niệm Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai. Kinh nhất nhật nhất dạ.

端坐念覺華定自在王如來。經一日一夜。

Ngồi ngay thẳng niệm Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai. Trải qua một ngày một đêm.

Cô không ngủ, không nghỉ! Trong Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục chúng ta thấy pháp sư Oánh Kha đời Tống, truyện ký ghi vị tỳ-kheo phá giới này đã làm rất nhiều ác nghiệp. Ưu điểm của ông là tự mình biết đã tạo ác quá nhiều nên tương lai nhất định sẽ đọa địa ngục. Ðã biết rồi tại sao còn tạo nghiệp? Vì tập khí quá nặng, khi gặp ác duyên chẳng thể tự kiềm chế. Nhưng ông biết tương lai đọa địa ngục rất dễ sợ, nghĩ đến quả báo này nên ông rất sợ. Ông hỏi những đồng tham đạo hữu, họ cho ông một cuốn Vãng Sanh Truyện. Coi xong ông rất cảm động, đóng cửa lại niệm Phật, không ngủ, không ăn, cũng không uống nước, niệm suốt ba ngày ba đêm, A Di Ðà Phật đến. Kinh Di Ðà nói nếu [niệm] một ngày, nếu hai ngày, nếu ba ngày đến bảy ngày, chúng ta thấy được, đây là thật chẳng giả. Chúng ta niệm Phật hết bảy ngày, niệm hết bảy lần bảy ngày nhưng cũng không thấy Phật, đó là vì chẳng đúng như pháp, vừa niệm vừa khởi vọng tưởng, tạp niệm, cho nên chẳng có cảm ứng. Niệm Phật đúng cách thì một tạp niệm cũng chẳng có. Giống pháp sư Oánh Kha vì sợ đọa địa ngục, cứu mạng khẩn cấp nên chẳng khởi một tạp niệm, đây là người có căn tánh hạng trung bình. Thánh Nữ Bà La Môn là người thượng căn, một ngày một đêm liền thành tựu, pháp sư Oánh Kha ba ngày ba đêm thành tựu, chí thành khẩn thiết cảm động Phật đến ứng. Ðây là một ngày một đêm đạt được Niệm Phật Tam Muội, được Sự Nhất Tâm Bất Loạn.

Hốt kiến tự thân, đáo nhất hải biên kỳ thủy dũng phất, đa chư ác thú tận phục thiết thân, phi tẩu hải thượng đông tây trì trục. Kiến chư nam tử nữ nhân bá thiên vạn số xuất một hải trung, bị chư ác thú tranh thủ thực đạm.

忽見自身。到一海邊其水涌沸。多諸惡獸盡復鐵身。飛走海上東西馳逐。見諸男子女人百千萬數出沒海中。被諸惡獸爭取食噉。

Bỗng thấy thân mình đến một bờ biển, nước biển sôi sùng sục, có nhiều thú dữ toàn thân bằng sắt bay nhảy trên biển, chạy qua chạy lại đuổi nhau, lại thấy nhiều người trai và gái, số nhiều đến trăm ngàn muôn, thoạt chìm thoạt nổi trong biển, bị các thú dữ tranh giành ăn nuốt.

Ðây là cảnh giới trong Ðịnh, cô thấy được hiện tượng địa ngục, thấy những người này đang thọ tội, chúng ta xem đoạn kinh tiếp theo:

Hựu kiến Dạ Xoa.

又見夜叉。

Lại thấy Dạ Xoa.

Dạ Xoa là ác quỷ trong địa ngục.

Kỳ hình các dị.

其形各異。

Hình dáng khác nhau.

Hình dáng kỳ quái

Hoặc đa thủ đa nhãn đa túc đa đầu, khẩu nha ngoại xuất lợi nhận như kiếm.

或多手多眼多足多頭。口牙外出利刃如劍。

Hoặc nhiều tay nhiều mắt, nhiều chân nhiều đầu, răng mọc chìa ra ngoài, bén nhọn như gươm.

‘Lợi nhận như kiếm’ [ý] nói răng của họ bén nhọn.

Khu chư tội nhân sử cận ác thú.

驅諸罪人使近惡獸。

Lùa những tội nhân đến gần thú dữ.

Thú dữ trong địa ngục rất nhiều, đều đang ăn thịt tội nhân. Ðương nhiên tội nhân nhìn thấy thú dữ thì chạy! Những quỷ Dạ Xoa xua đuổi, bắt những tội nhân này lại cho thú dữ ăn thịt, không phải chỉ xua đuổi mà thôi.

Phục tự bác quặc.

復自搏攫。

Lại tự chụp bắt.

‘Bác quặc’ là đánh bằng roi, lôi kéo rồi liệng.

Ðầu túc tương tựu, kỳ hình vạn loại bất cảm cửu thị.

頭足相就。其形萬類不敢久視。

Túm quắp đầu và chân lại, hình trạng muôn thứ, chẳng dám nhìn lâu.

‘Chẳng dám nhìn lâu’, không nhẫn tâm nhìn thấy cảnh ấy, nhìn thấy trong lòng tê tái. Ðây là cảnh tượng những người tạo ác nghiệp trong thế gian này, đọa địa ngục chịu khổ. Thánh Nữ Bà La Môn đích thân nhìn thấy. Ðoạn kinh kế tiếp:

Thời Bà La Môn nữ dĩ niệm Phật lực cố tự nhiên vô cụ.

時婆羅門女以念佛力故自然無懼。

Lúc ấy Thánh nữ Bà La Môn nhờ sức niệm Phật nên tự nhiên không sợ hãi.

Cô nhìn thấy hiện tượng địa ngục, nhờ sức Niệm Phật Tam Muội giúp cô nhìn cảnh tượng này mà chẳng sợ hãi. Nhưng khởi lòng thương xót, chẳng nhẫn tâm nhìn thấy trạng thái bi thảm này. Vào đến địa ngục, trong ấy cũng có người đến tiếp chuyện với cô.

Hữu nhất quỷ vương danh viết Vô Ðộc, khể thủ lai nghinh bạch Thánh Nữ viết: ‘Thiện Tai Bồ Tát! Hà duyên lai thử’.

有一鬼王名曰無毒。稽首來迎白聖女曰。善哉菩薩何緣來此。

Có một quỷ vương tên là Vô Ðộc, cúi đầu nghinh đón, hỏi Thánh Nữ rằng: ‘Lành thay, Bồ Tát! Duyên gì đến đây?’

Cảnh giới địa ngục chỉ có hai hạng người thấy được: Một là tội nhân đến đó để chịu tội; hai là Bồ Tát đến đó độ hóa chúng sanh, chỉ có hai hạng người này. Trừ hai hạng này ra, địa ngục ở ngay trước mặt bạn cũng chẳng nhìn thấy. Lúc trước lão cư sĩ Châu Kính Trụ kể cho tôi nghe một câu chuyện, chuyện này có thật, cụ viết trong sách của cụ. Nhân vật chính trong câu chuyện này là cha vợ của cụ, tức là ông Chương Thái Viêm. Lúc ông Chương còn sống đã từng làm chức phán quan cho Ðông Nhạc đại đế, dùng cách nói hiện nay tức là Bí Thư trưởng, địa vị rất cao ở Trung Quốc. Địa vị của ông Chương chỉ thấp hơn Diêm La vương, Diêm La vương cũng giống như ông vua cai trị toàn quốc, còn ông giống như một Chư Hầu, cai trị một vùng, lớn hơn một tỉnh và trong đó có năm ngục, năm ngục này có đại quỷ vương, quản trị năm sáu tỉnh. Ông Chương là một người học Phật, biết hình phạt trong địa ngục rất thê thảm, vô cùng tàn khốc. Ông có tâm nhân từ, một ngày nọ đề nghị với đại đế Ðông Nhạc xin phế trừ hình phạt Bào Lạc trong địa ngục; Bào Lạc là gì? Ðốt cột sắt cho nóng đỏ lên rồi bắt tội nhân ôm cột, vô cùng tàn khốc, chúng ta gọi là hình phạt chẳng nhân đạo, hy vọng đại đế Ðông Nhạc có lòng nhân từ, phế bỏ hình phạt tàn khốc này. Đại đế Ðông Nhạc chẳng nói gì hết chỉ sai hai tiểu quỷ dẫn ông Chương đi đến chỗ xử phạt để xem. Ông Chương liền đi theo hai tiểu quỷ này, đại khái là đi hết một đoạn đường rồi hai tiểu quỷ này nói với ông: ‘Tới rồi, chỗ xử phạt ở đó kìa’. Ông nhìn về phía ấy nhưng không thấy gì cả, lúc đó ông mới vỡ lẽ, tự nhiên hiểu được. Kinh Phật nói đây là cảnh giới do nghiệp lực biến hiện ra, chẳng phải do Diêm La vương thiết lập, Diêm La vương chẳng có cách gì phế trừ, là do nghiệp lực biến hiện ra, từ đây mới hiểu đạo lý giảng trong kinh Phật.

Những cảnh giới trong địa ngục này, những dụng cụ tra tấn, dạ xoa, ác quỷ đều là hình tướng do ác nghiệp của mình biến hiện tạo nên, cũng như nằm mộng vậy; Tướng có nhưng Thể không, Sự có nhưng Lý không, cảnh tượng sai khác muôn vàn, đều là do ý niệm vọng tưởng biến hiện ra. Thế nên Phật dạy rất hay: ‘Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh’, tam ác đạo cũng từ tâm tưởng sanh, tại sao trong tâm có ác niệm! Chúng ta hiểu được đạo lý này rồi mới biết. Nếu chẳng muốn nhìn thấy tam ác đạo thì nhất định phải dứt trừ những ác niệm trong tâm, không những không thể nói lời ác, thân không thể tạo ác nghiệp, ý niệm cũng không được khởi lên. Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh, hết thảy cảnh giới đều là ‘pháp’, chẳng có một chuyện gì chẳng từ tâm tưởng sanh.

Người có định lực nhìn thấy, Thánh nữ Bà La Môn vừa chứng Niệm Phật Tam Muội vì cô nhớ mẹ nên cảnh giới này liền hiện ra. Quỷ vương Vô Ðộc đến tiếp đón cô. Khể thủ là lễ bái, tiếp đón cô rất lễ phép. Hỏi cô: “Lành thay Bồ Tát’, Thiện Tai là xưng tán, hiếm có dịp được Bồ Tát quang lâm đến địa ngục, chẳng biết vì nguyên nhân gì mà Ngài đến đây?”. Xin xem tiếp kinh văn:

Thời Bà La Môn nữ vấn quỷ vương viết: ‘Thử thị hà xứ? Vô Ðộc đáp viết: ‘Thử thị Ðại Thiết Vi sơn Tây diện đệ nhất trùng hải’.

時婆羅門女問鬼王曰。此是何處。無毒答曰。此是大鐵圍山西面第一重海。

Lúc đó Thánh nữ Bà La Môn hỏi quỷ vương: ‘Ðây này là nơi nào?’ Vô Ðộc trả lời: ‘Ðây là tầng biển thứ nhất ở phía Tây núi Ðại Thiết Vi’.

Ðây là cảnh giới cô nhìn thấy. ‘Núi Ðại Thiết Vi’ rốt cuộc là ở chỗ nào? Trong kinh Phật nói ở chính giữa Tứ Ðại Bộ Châu là núi Tu Di, núi Tu Di rốt cuộc là ở đâu? Bảy tầng núi, tám tầng biển, bảy tầng núi ở đâu? Trong kinh nói biển nước mặn, chúng ta hiện nay thấy nước biển có vị mặn. Cảnh Phật nói chẳng phải cảnh giới của phàm phu chúng ta, phàm phu chúng ta chẳng nhìn thấy. Chuyện này có thật không? Chắc chắn là thật. Tại sao chúng ta chẳng nhìn thấy? Chúng ta chẳng có khả năng đột phá các tầng lớp không gian, nếu chúng ta có công phu định lực, có thể nhìn thấy không gian bốn chiều, năm chiều, sáu chiều, thì những chân tướng sự thật này sẽ phơi bày trước mắt. Ðịa ngục này, tầng biển thứ nhất ở phía Tây của núi Thiết Vi, Thánh nữ có thể nhìn thấy trong Ðịnh, giới hạn trong Ðịnh đã bị đột phá. Chúng ta biết ở Trung Quốc vào đời Ðường, đại sư Trí Giả đọc kinh Pháp Hoa nhập Định, trong Ðịnh, Ngài nhìn thấy núi Linh Thứu, thấy đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh Pháp Hoa ở núi Linh Thứu, Ngài còn ở lại nghe một buổi. Ðây là nói trong lúc nhập Định, Ngài đã siêu việt thời gian. Đại sư Trí Giả cách Phật Thích Ca khoảng một ngàn bảy trăm năm, đây là nói Ngài có thể quay trở về quá khứ; tự mình ở núi Thiên Thai, ngồi ở đó như như chẳng động, Ngài có thể nhìn thấy núi Linh Thứu ở Ấn Ðộ, đây là siêu việt không gian. Do đó chỉ cần có công phu định lực, trong Định chẳng còn phân biệt, chấp trước nữa thì có thể đột phá thời gian và không gian. Thời quá khứ và hiện nay, có nhiều người tu Ðịnh đều có khả năng này, đây là việc chúng ta có thể tin được. Huống chi là Thánh nữ Bà La Môn chân thành, khẩn thiết, dũng mãnh tinh tấn, đạt được Niệm Phật Tam Muội, thế nên cô nhìn thấy cảnh giới địa ngục. Hãy xem đoạn kinh tiếp theo:

Thánh nữ vấn viết: ‘Ngã văn Thiết Vi chi nội, địa ngục tại trung thị sự thật phủ?’.

聖女問曰。我聞鐵圍之內。地獄在中是事實不。

Thánh nữ hỏi: ‘Tôi nghe trong núi Thiết Vi có địa ngục, việc ấy có thật không?’

‘Tôi nghe’ nghĩa là lúc trước thường đọc kinh, nghe kinh, nghe trong kinh Phật nói biển lớn trong núi Thiết Vi có đại địa ngục. Hỏi rằng ‘Đó phải là sự thật hay chăng?’ Từ đây có thể thấy tuy thường nghe kinh, thường đọc kinh, cũng tin tưởng lời Phật giảng, nhưng vẫn đánh dấu hỏi như thường. Nếu không hoài nghi, đến chỗ này còn hỏi quỷ vương làm gì! Chẳng cần hỏi họ. Do đó mới biết khó xây dựng lòng tin dường nào, trong kinh điển Ðại Thừa, đại kinh đại luận như Hoa Nghiêm, Ðại Trí Ðộ Luận, đức Phật nhiều lần nói rõ lòng tin rất khó được, ‘lòng tin là mẹ của công đức, cội nguồn của đạo’[1]. Cội nguồn của Bồ Tát tu hành chứng đạo là ở tại lòng tin, lòng tin chân chánh được xây dựng, chẳng lay động thì tu hành chứng quả đâu cần ba đại a-tăng-kỳ kiếp? Chẳng cần lâu như vậy. Lòng tin của phàm phu chúng ta được gọi là ‘đạo tâm như sương móc’ (lộ thủy đạo tâm), rất dễ bị lay động, một cơn gió thổi nhẹ thì lòng tin bay mất tiêu rồi, vậy thì còn thành tựu gì nữa! Trong kinh chúng ta đọc được rất nhiều, chúng ta cũng thấy rất nhiều, từ xưa đến nay thế pháp, Phật pháp, bất hiếu cha mẹ, bội sư phản đạo, nếu có thành tựu thì đều lọt vào Ma đạo, sau này chẳng thành tựu trong Phật đạo, mà là [thành tựu trong] Ma đạo, chúng ta tin hay không? Những thứ này đều do Phật nói trong kinh, là do Ma nhiếp trì. Chánh pháp nhất định là từ hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, y theo lời dạy mà tu học đúng như lý, như pháp thì mới thành tựu. Ðây là chuyện chúng ta không thể không hiểu khi đọc kinh luận Ðại Thừa, không thể không lắng lòng thể hội. Hãy xem tiếp câu trả lời của Vô Ðộc:

Vô Ðộc đáp viết: ‘Thật hữu địa ngục’.

無毒答曰。實有地獄。

Vô Ðộc trả lời: ‘Ðịa ngục có thật’.

Trả lời một cách vô cùng khẳng định, đích thật là có địa ngục. Nói thật ra trong sáu nẻo, những nẻo khác tạo ác ít, cơ hội tạo ác ít, còn trong thế gian này cơ hội tạo ác quá nhiều. Thiên nhân thì hiếu thiện hiếu đức, chỉ có A Tu La tập khí chưa đoạn vẫn còn tiếp tục tạo ác. Chúng sanh trong ác đạo, chúng ta gọi là cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục chỉ có thọ tội, hoàn toàn không có cơ hội tạo ác. Cơ hội tạo ác trong cõi ngạ quỷ và cõi súc sanh đều ít, rắn độc thú dữ tâm ác độc nhưng nó cũng sát hại chúng sanh khác loại, sự sát hại rất hạn chế, trong một đời nó có thể sát hại bao nhiêu sinh mạng? Chúng ta coi những thú dữ như sư tử, hổ, khi chúng nó ăn no rồi, những con thú nhỏ ở kế bên đi tới đi lui, hình như nó không nhìn thấy vậy. Chúng ta xem thấy trong chương trình ‘Ðộng vật kỳ quan’ trên TV, cả đời nó sát sanh cũng ít, đâu có bằng con người! Con người giết hại sinh mạng không nhất định là vì miếng ăn, thế nên rất dễ tạo nghiệp. Người giết người không phải vì muốn ăn thịt người, ngày nay những võ khí nguyên tử, một trái bom nguyên tử dội xuống có thể giết hại mấy trăm ngàn người, mấy triệu người, bạn nói tội nghiệp này nặng bao nhiêu! Họ làm sao không đọa địa ngục cho được! Ðịa ngục từ đâu đến? Từ ác nghiệp biến hiện nên, tuyệt chẳng phải do Phật tạo ra, cũng chẳng phải do quỷ thần tạo ra, mà do nghiệp lực của mình biến hiện ra. Chúng ta xem kinh văn:

Thánh nữ vấn viết: ‘Ngã kim vân hà đắc đáo ngục sở?’.

聖女問曰。我今云何得到獄所。

Thánh nữ hỏi: ‘Tôi làm thế nào đến được địa ngục này?’.

Thánh nữ hỏi Vô Ðộc quỷ vương: ‘Tại sao tôi lại đến chỗ này?’ Chính cô cũng cảm thấy rất kinh ngạc.

Vô Ðộc đáp viết: ‘Nhược phi oai thần tức tu nghiệp lực, phi thử nhị sự chung bất năng đáo’.

無毒答曰。若非威神即須業力。非此二事終不能到。

Vô Ðộc trả lời: ‘Nếu không phải oai thần thì phải là nghiệp lực. Ngoài hai sức này ra thì trọn chẳng thể đến được’.

Vậy là đã nói rõ, giống như lúc nảy chúng ta nói về chuyện của ông Chương Thái Viêm, ông Chương chẳng tạo nghiệp địa ngục và cũng chẳng phải Bồ Tát nên địa ngục ngay trước mặt nhưng ông không nhìn thấy. Nếu chẳng phải hai nguyên nhân này, đi vô địa ngục cũng chẳng thấy gì hết. Nhất định phải có hai điều kiện: Thứ nhất là ‘oai thần’, đó là Bồ Tát đến địa ngục để độ hóa chúng sanh, họ có thể thấy; thứ hai là ‘nghiệp lực’, tức là tội nghiệp đọa địa ngục, quả báo hiện ra.

Thánh nữ hựu vấn: ‘Thử thủy hà duyên nhi nãi dũng phất, đa chư tội nhân cập dĩ ác thú?’.

聖女又問。此水何緣而乃涌沸。多諸罪人及以惡獸。

Thánh nữ lại hỏi: ‘Do duyên gì mà nước biển sôi sùng sục, lại có nhiều tội nhân và thú dữ như vậy?’.

Cô hỏi Vô Ðộc tại sao nước ấy lại sôi như vậy? ‘Dũng phất’ là như nước sôi vậy, nước này rất nóng, chẳng lạnh, tình trạng biển này như vậy. Nhiều tội nhân và thú dữ trong nước này, do duyên cớ gì? Kinh Lăng Nghiêm nói về tình hình này vô cùng tường tận, nói rõ hiện tượng và đạo lý cho chúng ta, đó là ‘tạo Thập Tập Nhân [2], thọ Lục Giao Báo [3]’, ‘tập’ tức là tập khí, bạn tạo mười thứ tập khí chẳng thiện, tức là tập khí của mười ác nghiệp, thượng phẩm thập ác thì bạn sẽ cảm thọ lục giao báo trong địa ngục.

Vô Ðộc đáp viết: ‘Thử thị Diêm Phù Ðề tạo ác chúng sanh tân tử chi giả’.

無毒答曰。此是閻浮提造惡眾生新死之者。

Vô Ðộc trả lời: ‘Ðó là những chúng sanh tạo ác trong Diêm Phù Ðề vừa chết’.

Ðây là tình huống mà Thánh nữ thấy, ‘Diêm Phù Ðề’ tức là địa cầu chúng ta, chẳng phải là chỗ khác, là bổn địa chúng ta. Những người này vừa chết.

Kinh tứ thập cửu nhật hậu, vô nhân kế tự vi tác công đức cứu bạt khổ nạn, sanh thời hựu vô thiện nhân đương cứ bổn nghiệp sở cảm địa ngục, tự nhiên tiên độ thử hải.

經四十九日後。無人繼嗣為作功德救拔苦難。生時又無善因當據本業所感地獄。自然先渡此海。

Quá bốn mươi chín ngày không có người kế tự làm công đức để cứu vớt khổ nạn, lúc sanh tiền lại chẳng làm việc thiện, nên cứ theo bổn nghiệp mà chiêu cảm quả địa ngục, tự nhiên phải đến biển này trước.

Chúng ta đọc câu này: ‘Tạo ác chúng sanh’, đọc đến những câu kinh này lông tóc dựng đứng, đây chẳng phải nói người khác mà là nói đến chính chúng ta. Chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, giống như kinh Ðịa Tạng có nói: ‘chẳng có gì không phải tội’. Hiện nay mỗi ngày đều tạo, mỗi tâm niệm đều tạo, tạo không ngừng, khi hơi thở này không trở lại được nữa thì làm sao đây? Ðúng như trong Phật pháp có nói: ‘Chúng sanh sợ quả, Bồ Tát sợ nhân’, Bồ Tát có tâm cảnh giác, chúng sanh ngu si, ngu muội, lúc quả báo chưa hiện tiền thì không màng đến, không tin tưởng, đến lúc quả báo xảy ra thì hối hận không kịp, thế nên [đức Phật] mới dạy chúng ta dứt ác, tu thiện. Cái gì là thiện? Phật dạy cho chúng ta pháp căn bản, ba thứ tịnh nghiệp ‘Tam Phước’ nói trong ‘Quán kinh’. Phật dạy rõ ràng, minh bạch như vậy, ba thứ này là ‘chánh nhân Tịnh nghiệp của ba đời chư Phật’, đó chính là Thiện. Trái ngược với Thiện tức là Ác. Trong một đời chúng ta, những gì mình làm tương ứng với Thiện hay tương phản với Thiện, tương phản tức là Ác; nếu tương ứng với Thiện thì sẽ được phước báo trong cõi trời, người, nếu tương ứng với Ác thì sẽ chịu quả báo trong ba đường ác, trong địa ngục.

Trong Tịnh Nghiệp Tam Phước [4], điều thứ nhất là phước nhân thiên, nếu bạn làm được thì đời sau sẽ sanh đến cõi người, cõi trời hưởng phước; nếu làm không được thì coi tội nghiệp của bạn nặng hay nhẹ mà đi thọ báo trong ba đường ác. Ba đường ác là: ‘Ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục’, coi bạn tạo ác nhẹ hay nặng.

Ðiều thứ hai là phước Tiểu Thừa, nếu bạn làm được tương ứng, y giáo phụng hành, quả báo nhất định sẽ ở cõi trời, hưởng phước trời. Nếu tu hành có công phu, chứng đến Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả thì sẽ sanh đến Ngũ Bất Hoàn thiên cõi trời Tịnh Cư để hưởng phước. Nếu trái ngược thì nhất định sẽ sanh vào địa ngục, ác quỷ thọ báo, chẳng có súc sanh. Trong cõi người có súc sanh, quả báo của súc sanh thì nhẹ hơn, còn địa ngục và ngạ quỷ thì quả báo nặng hơn, tại sao vậy? Phước của điều thứ hai lớn hơn phước của điều thứ nhất, cho nên nếu bạn tu được thì phước sẽ lớn, nếu trái ngược thì đọa lạc cũng khổ hơn, cùng một đạo lý.

Ðiều thứ ba là phước báo Ðại Thừa, nếu bạn y giáo phụng hành thì bạn sẽ làm Bồ Tát, siêu phàm nhập thánh; nếu trái ngược thì nhất định sẽ đọa địa ngục, chẳng đọa ngạ quỷ, súc sanh, nhất định đọa địa ngục.

Chúng ta phải hiểu rõ ràng, minh bạch, hiểu cả Lý lẫn Sự, rồi sau đó mình mới tin sâu chẳng nghi. Trong đời sống hằng ngày phải luyện công phu ở nơi nào? Nơi khởi tâm động niệm, niệm niệm đều tương ứng với Phật, niệm niệm đều tương ứng với Ðạo, Ðạo là gì? Ðạo là Chân Như Tự Tánh, tương ứng với tánh đức, đời này chúng ta hy vọng vãng sanh mới có thể đạt được, làm sao có thể làm ác hoài được! Ðời người ngắn ngủi, đau khổ, đặc biệt là thời đại ngày nay, cả thế giới động loạn, tai biến vô thường, nhất định phải giác ngộ hết thảy sự việc trên thế gian đều như mộng, như huyễn, một thứ gì cũng chẳng đạt được, đây là sự thật.

Gần đây chúng ta thấy kinh tế Ðông Nam Á suy thoái, bao nhiêu người có tiền có của, lúc bình thường đều là những người hiển hách ghê gớm, [một thời gian sau thì] nghe người ta nói họ tự sát rồi. Tại sao lại tự sát? Bị phá sản? Trong kinh Phật dạy: ‘Tài là vật chung của năm nhà’[5], chúng ta hiểu rồi, không tiêm nhiễm mảy may, một lòng hướng về đạo, được vậy thì chúng ta mới được cứu. Trong kinh Phật nói: ‘Tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ’ là ngũ dục, là năm cội gốc của địa ngục; nếu bạn tham luyến chẳng xả, thì bạn sẽ có phần tham dự vào cảnh giới địa ngục giảng trong kinh Ðịa Tạng này. Những cảnh giới mà Thánh nữ thấy ở đó là những chúng sanh tạo ác nghiệp trên địa cầu của chúng ta, bạn hãy xem chúng sanh tạo ác nghiệp nhiều hay ít! Ở đây chẳng nói người tin Phật mới đọa địa ngục, người không tin Phật thì sẽ chẳng đọa địa ngục, chẳng có việc này. Nếu nói người không tin Phật sẽ không đọa địa ngục, vậy thì chúng ta đừng tin Phật nữa; người không tin Phật vẫn đọa địa ngục như thường, bất luận là bạn tin hay không tin. Bạn tu thiện thì nhất định sẽ sanh lên trời, tạo ác thì nhất định sẽ đọa lạc, đây là đạo lý nhất định, bất kể là bạn tin hay không tin.

‘Những người mới chết, sau bốn mươi chín ngày’, chẳng có con cháu vun bồi phước cho họ. Ðạo lý và phương pháp cúng thất cho người mất đều phát xuất từ kinh Ðịa Tạng. Trong kinh Phật đã nói lúc người ta chết rồi nhưng chưa đi đầu thai, đây là thân Trung Ấm. Thân Trung Ấm mỗi bảy ngày phải trải qua một lần ‘biến dịch’ sanh tử, họ rất khổ, cho nên mỗi bảy ngày nên làm một lễ siêu độ nhằm giảm bớt nỗi đau khổ của họ, tu phước cho họ. ‘Lúc còn sanh tiền chẳng trồng thiện nhân’, chẳng làm việc thiện gì cả. ‘Nên cứ theo bổn nghiệp mà chiêu cảm quả địa ngục, tự nhiên phải đến biển này trước’. ‘Tự nhiên’ nghĩa là không có bất cứ ai cưỡng bức họ. Ðịa ngục chẳng do người ta tạo dựng, cũng chẳng do Diêm La vương thiết lập, tự nhiên khi nghiệp lực hiện tiền thì mới có hiện tượng này. Chúng ta xem tiếp đoạn kinh tiếp theo:

Hải Đông thập vạn do-tuần hựu hữu nhất hải kỳ khổ bội thử, bỉ hải chi Đông hựu hữu nhất hải kỳ khổ phục bội.

海東十萬由旬又有一海其苦倍此。彼海之東又有一海其苦復倍。

Phía Đông mười vạn do-tuần của biển này còn có một biển, những sự khổ ở đó gấp bội biển này. Phía Đông của biển đó lại có một biển, sự khổ ở đó lại gấp bội lên.

Càng vô trong thì tội nghiệp càng nặng thêm, sự khổ gia tăng gấp mấy lần những gì bạn thấy ở đây. Hiện nay những cảnh bạn nhìn thấy là tầng biển thứ nhất, tội nghiệp còn nhẹ, tội cực nặng bạn chưa thấy.

Tam nghiệp ác nhân chi sở chiêu cảm, cộng hiệu nghiệp hải kỳ xứ thị dã.

三業惡因之所招感。共號業海其處是也。

Do ác nhân của ba nghiệp chiêu cảm nên, gọi chung là biển nghiệp, chính là chỗ này.

Cảnh bạn nhìn thấy trong kinh Phật gọi là ‘biển nghiệp’, biển nghiệp là biển khổ. Ba nghiệp là thân, ngữ, ý tạo tác ác nghiệp nên bị những quả báo này. Ðịa ngục là như vậy, mười pháp giới cũng như vậy, hiện tượng này đều do tự tâm biến hiện. Kinh Hoa Nghiêm nói về một nguyên tắc chung, cương lãnh chung là ‘duy tâm hiện, duy thức biến’, duy tâm hiện trong ấy chẳng có thức, chẳng có thức nghĩa là chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chư vị nên biết vọng tưởng là A Lại Da, chấp trước là Mạt Na, phân biệt là ý thức thứ sáu. Nếu chẳng dùng tám thức, năm mươi mốt tâm sở thì đó chính là ‘duy tâm hiện’, cảnh giới duy tâm hiện, trong kinh Phật gọi đó là Nhất Chân pháp giới. Nếu bạn rơi vào vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì sẽ khởi biến hóa trong Nhất Chân pháp giới, duy thức biến, tùy theo nghiệp lực của bạn. Nghiệp lực chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, biến hiện ra thập pháp giới. Thập chẳng phải là một con số, chư vị phải hiểu, ‘thập’ tiêu biểu cho vô lượng. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mỗi người chẳng giống nhau, pháp giới biến hiện của mỗi người chẳng giống nhau, thế nên pháp giới vô lượng vô biên. Nếu rơi vào tham, sân, si, mạn thì những cảnh giới biến hiện ra chính là biển nghiệp nói ở đây, Thánh nữ Bà La Môn đích thân nhìn thấy biển nghiệp này. Xin xem tiếp kinh văn:

Thánh nữ hựu vấn quỷ vương Vô Ðộc viết: ‘Địa ngục hà tại?’.

聖女又問鬼王無毒曰。地獄何在。

Thánh nữ lại hỏi quỷ vương Vô Ðộc: ‘Ðịa ngục ở đâu?’.

Cô hỏi: ‘Ðịa ngục ở đâu?’.

Vô Ðộc đáp viết: ‘Tam hải chi nội thị đại địa ngục’.

無毒答曰。三海之內是大地獄。

Vô Ðộc trả lời: ‘Trong ba biển đều là đại địa ngục’.

Biển nghiệp mà bạn nhìn thấy hôm nay chính là địa ngục.

Kỳ số bách thiên các các sai biệt.

其數百千各各差別。

Số nhiều trăm ngàn, mỗi ngục đều khác nhau.

Có địa ngục lớn, lại còn địa ngục nhỏ phụ thuộc.

Sở vị đại giả cụ hữu thập bát.

所謂大者具有十八。

Những địa ngục lớn, tổng cộng có mười tám.

Ðây là như người thế gian chúng ta nói đến mười tám tầng địa ngục. ‘Mười tám’ địa ngục là nói đến những địa ngục lớn.

Thứ hữu ngũ bách khổ độc vô lượng. Thứ hữu thiên bách diệc vô lượng khổ.

次有五百苦毒無量。次有千百亦無量苦。

Bậc kế đó có năm trăm, vô lượng sự khổ độc. Bậc kế nữa có đến trăm ngàn, cũng có vô lượng sự khổ.

Ðại địa ngục trong kinh nói có tám ngục lạnh, tám ngục nóng. Trong kinh Phật nói đại địa ngục đều ở phía dưới núi Thiết Vi. Chúng ta coi kinh tiếp:

Thánh nữ hựu vấn đại quỷ vương viết: ‘Ngã mẫu tử lai vị cửu, bất tri hồn thần đương chí hà thú?’.

聖女又問大鬼王曰。我母死來未久。不知魂神當至何趣

Thánh nữ lại hỏi đại quỷ vương: ‘Mẹ tôi mới chết chưa lâu, không biết thần hồn của bà đã đi đến cõi nào?’.

Cô đến hỏi thăm chuyện của mình. Cô nói với quỷ vương Vô Ðộc rằng mẹ cô vừa mất không lâu, không biết hiện nay thần hồn của bà ở nơi đâu? Người thế gian chúng ta gọi [thần hồn] là ‘linh hồn’.

Quỷ vương vấn thánh nữ viết: ‘Bồ Tát chi mẫu tại sanh tập hà hành nghiệp?’.

鬼王問聖女曰。菩薩之母在生習何行業。

Quỷ vương hỏi Thánh nữ: ‘Mẹ của Bồ Tát lúc còn sống thường làm những nghiệp gì?’.

Hỏi cô: ‘Mẹ cô lúc còn sống làm nghề gì?’ Hỏi làm nghề gì thì biết nghiệp của bà tạo là gì, thiện hay chẳng thiện, đại khái có thể phán đoán sau khi chết đi thì bà sẽ sanh đến cõi nào.

Thánh nữ đáp viết: ‘Ngã mẫu tà kiến cơ hủy Tam Bảo’.

聖女答曰。我母邪見譏毀三寶。

Thánh nữ trả lời: ‘Mẹ tôi tà kiến, khinh chê hủy báng Tam Bảo’.

Tri kiến chẳng chánh, đây là chánh và tà. Chánh tri chánh kiến là gì? Chúng ta phải rõ ràng, minh bạch. Nói thật ra, tri kiến của lục đạo phàm phu đều chẳng chánh, đây là điều chúng ta phải biết. Nếu chúng ta có chánh tri chánh kiến thì làm sao lại sanh đến lục đạo! Ngoài lục đạo là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật; Thanh Văn là Chánh giác, Bồ Tát là Chánh Ðẳng Chánh Giác. Quỷ vương hỏi Thánh nữ, xưng cô là Bồ Tát, rằng: ‘Mẹ của Bồ Tát, lúc còn sống làm nghề gì?’ Thánh nữ nói mẹ cô ‘tà kiến’. Tà và chánh đều có tiêu chuẩn, trong Phật pháp thì tri kiến của A La Hán mới được kể là chánh tri chánh kiến, thế nên trong kinh Phật nhắc chúng ta lúc còn chưa chứng quả vị A La Hán thì không thể tin tri kiến của mình, nếu bạn cho rằng tri kiến của bạn là chính xác thì sẽ có vấn đề. Tại sao nói tri kiến của A La Hán mới là chánh tri chánh kiến? A La Hán đã đoạn dứt Kiến Tư phiền não, cũng nghĩa là coi việc gì cũng khách quan, nói như vậy thì quý vị dễ hiểu hơn. Tại sao? Ngài không có ‘Ngã (Tôi)’, vô ngã, đã đoạn dứt ngã chấp rồi.

Lục đạo phàm phu khởi tâm động niệm đều có ‘Tôi’, có ‘Tôi’ thì sẽ có thành kiến, có quan niệm chủ quan, tự nhiên bạn sẽ nhìn sự việc sai lầm; tôi tưởng là đúng, tôi tưởng là chính xác, có một cái nhìn của tôi, như vậy là ‘hỏng’ mất rồi. Thế nên đoạn dứt Kiến Tư phiền não thì tri kiến mới được kể là ‘chánh’, tiêu chuẩn là ở chỗ này. Chưa đoạn Kiến Tư phiền não thì chánh tri chánh kiến ở đâu ra! Hiện nay chúng ta phải làm sao? Chúng ta mới bắt đầu học Phật, một phẩm Kiến Tư phiền não cũng chưa đoạn, biện pháp duy nhất là nương nhờ vào Phật, thế nên phải nói đến tầm quan trọng của ‘Tam Quy Y’, y pháp chứ không y người. Học pháp nhất định phải có thầy chỉ đạo, nếu không có thầy chỉ dẫn thì bạn chẳng có biện pháp nương dựa trong Phật pháp. Kinh luận Phật nói quá nhiều, nếu bạn nương dựa vào tất cả kinh luận, thì bạn chẳng có trí huệ, trong kinh này Phật nói Không, trong kinh kia lại nói Có, rốt cuộc là Không hay là Có? Bạn sẽ trở nên mờ mịt, lộn xộn, bạn sẽ chẳng có cách gì để nương dựa. Lúc tôi mới học Phật, đại học Ðài Loan có một giáo sư rất nổi danh, hiện nay đã qua đời. Ông nói với tôi: ‘Có lúc kinh Phật nói có lý, có lúc thì chẳng có lý’.

Tôi nói: ‘Chỗ nào chẳng có lý?’.

Ông nói: ‘Tôi đã coi kinh Kim Cang’.

Tôi hỏi: ‘Kinh Kim Cang nói như thế nào?’.

Ông nói: ‘Giống như hai thùng nước, đổ qua đổ lại, có khi thì nói Có, [xong rồi] có chỗ lại nói Không, rốt cuộc là Không hay là Có?’ Làm cho người hiểu đôi đàng đều được.

Thế nên Phật nói: ‘Phật pháp nếu không có ai giảng thì dù có trí cũng chẳng hiểu được’, đừng thấy là giáo sư đại học nổi tiếng [mà tưởng là ông ta thông suốt], không đúng đâu! Do đó mới biết chánh tri chánh kiến khó lắm! Nếu chẳng có chánh tri chánh kiến, nếu là người tà kiến còn ‘khinh chê Tam Bảo’. Sợ là chúng ta tuy đã xuất gia nhưng cũng phạm lỗi này, chẳng biết chẳng giác lại tạo ra những tội nghiệp này, chính mình cũng chẳng biết; cứ tưởng là mình tài giỏi lắm, chẳng có sai lầm, luôn nhìn thấy lỗi của kẻ khác.

Thiết hoặc tạm tín toàn hựu bất kính.

設或暫信旋又不敬。

Hoặc là tạm tin, nhưng liền chẳng kính.

Bốn câu này của cô, chúng ta nghĩ kỹ một chút, quan sát thế gian này rồi tự phản tỉnh, chắc mình cũng đều phạm. Lòng tin của chúng ta là đạo tâm sương móc, khi có khi không, chẳng vượt nổi thử thách, khi gặp một chút sóng gió, đạo tâm chúng ta liền mất hết. Chữ ‘kính’ này càng không dễ, ‘kính’ phát sanh từ lòng tin, nếu không tin thì làm sao có tâm kính trọng? Ðối với Phật, Bồ Tát, đối với cha mẹ còn không cung kính, thì làm sao có thể kính người, kính sự, kính vật? Làm không được, từ đó bạn mới biết việc này rất khó! Ðọc xong bốn câu này chúng ta phải nhắc nhở chính mình, thường lấy bốn câu này để trước mặt làm ‘bài minh’[6].

Tử tuy nhật thiển vị tri sanh xứ.

死雖日淺未知生處。

Tuy mới chết chưa lâu, mà chưa biết thác sanh về đâu.

‘Nhật thiển’ nghĩa là chết chẳng lâu, chẳng biết hiện giờ bà sanh vào chốn nào? Câu này nói quỷ vương đại khái đã biết bà sanh vào cõi nào.

Vô Ðộc vấn viết: ‘Bồ Tát chi mẫu tánh thị hà đẳng?’.

無毒問曰。菩薩之母姓氏何等。

Vô Ðộc hỏi: ‘Mẹ của Bồ Tát tên họ là gì?’.

Hỏi thêm một lần: Tên của mẹ cô là gì?

Thánh nữ đáp viết: ‘Ngã phụ ngã mẫu câu Bà La Môn chủng’.

聖女答曰。我父我母俱婆羅門種。

Thánh nữ trả lời: ‘Cha mẹ tôi đều thuộc dòng Bà La Môn’.

Ở Ấn Ðộ họ được kể là quý tộc, từ thời xưa đến nay bốn dòng họ giai cấp rất nghiêm, tôn quý nhất là Bà La Môn.

Phụ hiệu Thi La Thiện Kiến, mẫu hiệu Duyệt Ðế Lợi.

父號尸羅善現。母號悅帝利。

Cha tôi tên Thi La Thiện Kiến, mẹ tên Duyệt Ðế Lợi.

Nói tên cha mẹ ra, tên này rất tốt, đều là tên tốt. Tuy tên tốt nhưng việc làm chẳng tốt, Danh chẳng phù hợp với Thật.

Vô Ðộc hiệp chưởng khải Bồ Tát viết: ‘Nguyện Thánh giả khước phản bổn xứ, vô chí ưu ức bi luyến’.

無毒合掌啟菩薩曰。願聖者却返本處。無至憂憶悲戀。

Vô Ðộc chắp tay thưa với Bồ Tát: ‘Xin Thánh giả hãy trở về bổn xứ, đừng quá thương nhớ buồn rầu nữa’.

Vô Ðộc nghe xong, ‘khải’ nghĩa là rất cung kính, rất cung kính báo cáo với Thánh nữ. ‘Khải’ nói theo ngôn ngữ hiện nay nghĩa là ‘báo cáo’, nói một cách cung kính: ‘Xin Ngài trở về, đừng lo nhớ nữa’. Tại sao?

Duyệt Ðế Lợi tội nữ.

悅帝利罪女。

Tội nhân Duyệt Ðế Lợi.

Ðích thật bà đã đến địa ngục rồi, đã đến thọ khổ, không sai, chuyện của bà mọi người đều biết.

Sanh thiên dĩ lai kinh kim tam nhật.

生天以來經今三日。

Sanh lên trời đến nay đã ba ngày rồi.

Hiện nay bà chẳng ở nơi này nữa, bà đã ở đây thọ tội, nhưng bà đã được sanh lên trời, sanh lên trời Ðao Lợi.

Vân thừa hiếu thuận chi tử vị mẫu thiết cúng tu phước, bố thí Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai tháp tự.

云承孝順之子為母設供修福。布施覺華定自在王如來塔寺。

Nghe nói nhờ con bà hiếu thảo, vì mẹ thiết cúng, tu phước bố thí chùa tháp thờ đức Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai.

Nghe nói bà có con gái hiếu thuận, tu phước cho bà. Cô tu phước, cúng Phật bố thí, đây là lòng hiếu cảm đến thiên địa, tâm hiếu chân thành, cảm động thiên địa quỷ thần. Trong kinh giảng cho chúng ta hiếu dưỡng phụ mẫu gồm dưỡng thân cha mẹ, dưỡng tâm cha mẹ, dưỡng chí cha mẹ; người thế gian thường trông mong con trai thành rồng, con gái thành phượng, đó là ‘chí’ của cha mẹ; nghĩa là hy vọng con cái tương lai có thành tựu chân chánh, tài ba xuất chúng. Nhưng rất nhiều bậc cha mẹ trong thế gian có tà kiến, cứ tưởng đạt được công danh phú quý trong thế gian tức là tài giỏi hơn người, quan niệm này sai lầm. Như thế nào mới gọi là ‘tài ba xuất chúng’? Siêu phàm nhập thánh, thành Phật, thành Bồ Tát mới thật sự là ‘tài ba xuất chúng’, hết thảy thành tựu trong thế gian chẳng thể so sánh nổi. Thành tựu tới đâu trong thế gian cũng chẳng thoát ra khỏi lục đạo luân hồi, chỉ có thành Phật thành Bồ Tát không những siêu việt lục đạo, mà còn siêu việt thập pháp giới, đó mới là thành tựu chân chánh. Người làm cha mẹ nhưng chưa học Phật chẳng biết đạo lý này, chẳng hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta đã tiếp xúc Phật pháp nên hiểu rõ, chúng ta phải làm cho bằng được; không thể nói cha mẹ không biết thì chúng ta không làm. Chuyện tốt, chuyện thiện tuy cha mẹ chẳng biết, đợi đến khi chúng ta làm được rồi, cha mẹ sẽ đạt được lợi ích lớn lao. Mẹ của Bồ Tát đâu phải là người thường!

Cúng Phật, bố thí ba hạnh này đều có. Ở đây nói ‘thiết cúng’, chúng ta đã đọc phía trước, Thánh nữ Bà La Môn cúng dường hình tượng của Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai, vì vào thời Tượng pháp [chỉ có thể cúng dường hình tượng của Phật], cảm động Phật đến dạy cô phương pháp tu hành, sau đó cô về nhà dũng mãnh tinh tấn y giáo phụng hành, đó là tu phước, bố thí. Tu phước, bố thí cho ai? Cho mẹ mới mất của cô. Thế nên sự bố thí của cô làm là bố thí pháp, đó chẳng phải là bố thí tài vật. Trong sự cúng dường có pháp cúng dường, Y giáo phụng hành cúng dường, phước này lớn lắm! Thế nên quỷ vương nói:

Phi duy Bồ Tát chi mẫu đắc thoát địa ngục.

非唯菩薩之母得脫地獄。

Không phải chỉ có mẹ của Bồ Tát được thoát địa ngục.

Không phải chỉ có mẹ của Bồ Tát được thoát địa ngục, thoát ly khổ hải.

Ưng thị Vô Gián tội nhân thử nhật tất đắc thọ lạc câu đồng sanh ngật.

應是無間罪人此日悉得受樂俱同生訖。

Những tội nhân trong ngục Vô Gián hôm đó đều được an lạc, đều được thác sanh hết.

Mẹ Bồ Tát được người con hiếu, được phước của bà nên sanh lên trời, những người cùng chịu tội ở địa ngục đều được hưởng ké, đều nhờ phước đó mà cùng sanh lên trời; không phải chỉ có mẹ Bồ Tát được sanh lên trời, những người trong địa ngục cùng chịu tội với bà lúc đó đều được sanh lên trời. Từ đó bạn mới biết phước báo của sự bố thí thật chẳng thể nghĩ bàn! Công đức y giáo tu hành của Thánh nữ Bà La Môn chẳng thể nghĩ bàn! Ðây là sự thật, chẳng phải kể chuyện đời xưa, không phải lấy chuyện này để khuyến thiện. Chư vị phải biết, đây là chuyện thật một trăm phần trăm, khi bạn tu hành thành tựu sẽ độ được biết bao nhiêu người. Thế nên trong Phật pháp thường nói chẳng thể nghĩ bàn, cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, từ chỗ này chúng ta cũng có thể hiểu được vài phần.

Quỷ vương ngôn tất hiệp chưởng nhi thoái.

鬼王言畢合掌而退。

Quỷ vương nói xong, chắp tay cáo lui.

Quỷ vương báo cáo chuyện này xong rồi cáo lui.

Bà La Môn nữ tầm như mộng quy.

婆羅門女尋如夢歸。

Thánh nữ Bà La môn dường như nằm mộng tỉnh dậy.

Cũng như nằm mộng vậy, thật ra cô chẳng phải trong mộng, mà là trong Ðịnh. Từ trong Định xuất Định.

Ngộ thử sự dĩ.

悟此事已。

Biết chuyện này xong.

Cô giác ngộ rồi, biết rõ hoàn toàn chuyện này, hoàn toàn minh bạch.

Tiện ư Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai tháp tượng chi tiền lập hoằng thệ nguyện: ‘Nguyện ngã tận vị lai kiếp, ứng hữu tội khổ chúng sanh quảng thiết phương tiện sử linh giải thoát’.

便於覺華定自在王如來塔像之前立弘誓願。願我盡未來劫。應有罪苦眾生廣設方便使令解脫。

Bèn trước tháp tượng của Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai lập hoằng thệ nguyện: ‘Tôi nguyện từ nay đến tận kiếp vị lai sẽ vì chúng sanh mắc phải tội khổ mà rộng lập phương tiện làm cho họ được giải thoát’.

Ðây là lần phát nguyện đầu tiên trong khi tu nhân của Ðịa Tạng Bồ Tát. Lần thứ nhất phát tâm học Phật là đại trưởng giả, nhìn thấy hình tượng của Phật rồi phát tâm. Phía trước tôi đã nhắc nhở các bạn đồng học: Hình tượng phải hoàn hảo, thường thường nghĩ đến chúng ta là đệ tử Như Lai, đặc biệt là đệ tử Di Ðà. Di Ðà là ‘ánh sáng tôn quý nhất, vua trong các vị Phật’, làm sao chúng ta có thể làm mất mặt A Di Ðà Phật được! Nếu tâm niệm chúng ta khởi lên một niệm chẳng thiện thì sẽ có lỗi với đức Phật A Di Ðà, khi chúng ta làm một việc chẳng thiện thì chúng ta sẽ chịu tội nghiệp rất nặng, làm sao xứng đáng là học trò của A Di Ðà Phật! Học trò của A Di Ðà Phật là như thế này ư? Chân chánh làm một học trò tốt của A Di Ðà Phật nhất định phải y giáo phụng hành. Tại sao dạy bạn mỗi ngày phải đọc tụng Ðại Thừa? Chính là để ghi nhớ lời dạy của A Di Ðà Phật, những gì Phật dạy chúng ta làm, chúng ta làm được hay chưa? Những gì Phật dạy chúng ta chớ nên làm, chúng ta còn làm không? Chân chánh làm học trò của A Di Ðà Phật đúng như ý nghĩa của nó thì trong đời này bạn nhất định sẽ được vãng sanh Tịnh Độ. Trong đời hiện tại, nếu người ta không tôn kính bạn cũng chẳng có gì lạ! Người ta là phàm phu, phàm phu mắt thịt, ngay cả Phật họ cũng chẳng tôn kính thì làm sao họ tôn kính bạn! Nhưng bạn phải biết chư Phật hộ niệm, tán thán, long thiên quỷ thần, Bồ Tát tôn trọng bạn, tại sao vậy? Những người này có Tha Tâm Thông, có Thiên Nhãn Thông, họ có thể nhìn thấy tâm thiện của bạn, họ biết bạn khởi tâm động niệm [gì]; phàm phu chẳng biết, phàm phu ngu si.

Ðịa Tạng Bồ Tát ở đây dạy chúng ta phát nguyện, làm ra gương mẫu cho chúng ta coi, nguyện này tức là Tứ Hoằng Thệ Nguyện. ‘Nguyện tôi tận cùng kiếp vị lai’, trên thời gian chẳng có chấm dứt, vĩnh hằng. Chẳng phải nói chuyện này tôi phải làm trong vòng bao lâu, nói tôi phải làm trong một kiếp, mười kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, không phải vậy. Mà là tận cùng kiếp vị lai. Ðối tượng giúp đỡ là những chúng sanh tội khổ này, cũng chẳng nói nhất định; ‘chúng sanh mắc phải tội khổ’, chẳng chọn oán hay thân, chỉ cần nhìn thấy có chúng sanh chịu khổ nạn thì liền ‘rộng lập phương tiện làm cho họ độ thoát’. Rộng lập phương tiện gì? Ðoạn phiền não, học pháp môn, thành Phật đạo, đây đều là rộng lập phương tiện. Chúng ta chẳng đoạn phiền não, chẳng học pháp môn thì dùng phương pháp gì để độ chúng sanh? Do đó mới biết Bồ Tát đoạn phiền não, đoạn tập khí, học pháp môn chẳng vì mình mà là vì hết thảy khổ nạn chúng sanh, chúng ta phải có tâm nguyện này, hết thảy những việc tu học của mình hôm nay đều vì họ, chẳng vì mình; nếu vì mình thì có thể qua loa sơ sài, có thể tùy tiện. Nhưng nhìn thấy vô số chúng sanh đang tạo tội nghiệp cực nặng, một tí tâm giải đãi hàm hồ chúng ta đều không thể khởi được, vì sao? Vì phải dạy dỗ những chúng sanh khổ nạn này, việc gì cũng phải hết lòng, phải dũng mãnh tinh tấn.

Nếu vậy bạn hỏi: Tự tôi tu hành thành tựu, được không? Có thể độ chúng sanh không? Kinh này bày ra đây, cô Bà La Môn một người tu hành, một người thành tựu, không những mẹ cô được độ, những người cùng chịu khổ với mẹ cô, những chúng sanh cùng đọa địa ngục với mẹ cô đều được sanh lên trời, không phải sự thật bày ra ngay chỗ này sao? Chúng ta còn nghi hoặc gì nữa? Một người thành tựu có thể độ được vô lượng vô biên chúng sanh. Chỉ sợ là cá nhân bạn không thể thành tựu, giả bộ làm như thật thì không được, giả dối thì giúp đỡ người khác được sao? Nhất định phải làm thật sự từ bản thân của mình. Dùng lời nói của thế gian chúng ta đề ra Bốn Ðiều Tốt: ‘Giữ tâm tốt, làm việc tốt, nói lời tốt, làm người tốt’, những năm gần đây chúng tôi đề xướng việc này ở khắp nơi trên thế giới, làm một gương tốt cho xã hội đại chúng, làm cho đại chúng nhìn thấy hình tướng này. Ðoạn đầu trong kinh nói về Trưởng Giả Tử, hình tướng của Phật thị hiện làm cho xã hội đại chúng tiếp xúc đến hình tượng này có được cảm ngộ, có thể cảm động, như vậy là đã độ chúng sanh. Họ giác ngộ, quay về, học theo bạn, học theo Phật, người như vậy sẽ được độ. Người được độ dần dần thêm nhiều, một người giác ngộ sẽ dạy những người xung quanh, thân bằng quyến thuộc của họ, hàng xóm láng giềng, bạn xem sức ảnh hưởng này bao lớn? Nhất định đừng cho rằng cá nhân tôi một người tu hành có ích gì đâu, trong kinh dạy chúng ta, một người tu hành sanh ra hiệu quả chẳng thể nghĩ bàn. Ðiểm quan trọng nhất trong phẩm kinh này là đoạn sau cùng Ðịa Tạng Bồ Tát làm ra gương tốt dạy chúng ta phát tâm.

Phật cáo Văn Thù Sư Lợi: ‘Thời quỷ vương Vô Ðộc giả đương kim Tài Thủ Bồ Tát thị, Bà La Môn nữ giả tức Ðịa Tạng Bồ Tát thị’.

佛告文殊師利。時鬼王無毒者當今財首菩薩是。婆羅門女者即地藏菩薩是。

Phật nói với Văn Thù Sư Lợi: ‘Quỷ vương Vô Ðộc lúc trước bây giờ là Tài Thủ Bồ Tát, còn Thánh nữ Bà La Môn đó chính là Ðịa Tạng Bồ Tát’.

Ðây là chuyện vô lượng kiếp về trước, hiện nay đều đã thành tựu. Vô Ðộc quỷ vương ngày trước bây giờ là Tài Thủ Bồ Tát, Thánh nữ Bà La Môn ngày trước bây giờ là Ðịa Tạng Bồ Tát. Ðây là chuyện lúc còn tu nhân vô lượng kiếp về trước.

Trích trong:
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba
Tập 7

Bài viết liên quan

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần Thông trên cung trời Đao Lợi tập 3

Thiện Quang

Cơ sở cho sự tu học Ðại Thừa

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 2: Phân thân tập hội tập 1

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 8

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 2

Thiện Quang

Bổn Nguyện là gì?

Thiện Quang

Ý nghĩa danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 3: Quán chúng sanh nghiệp duyên tập 1

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 2: Phân thân tập hội tập 2

Thiện Quang

Leave a Comment