Kinh Địa Tạng

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 5

Trời Phạm Chúng, Trời Phạm Phụ, Trời Đại Phạm, Trời Thiểu Quang, Trời Vô Lượng Quang, Trời Quang Âm, Trời Thiểu Tịnh, Trời Vô Lượng Tịnh…

Kinh văn: Phạm Chúng thiên, Phạm Phụ thiên, Đại Phạm thiên. Thiểu Quang thiên, Vô Lượng Quang thiên, Quang Âm thiên. Thiểu Tịnh thiên, Vô Lượng Tịnh thiên, Biến Tịnh thiên. Phước Sanh thiên, Phước Ái thiên, Quảng Quả thiên. Vô Tưởng thiên. Vô Phiền thiên, Vô Nhiệt thiên, Thiện Kiến thiên, Thiện Hiện thiên, Sắc Cứu Cánh thiên. Ma Hê Thủ La thiên.

Dịch: Trời Phạm Chúng, Trời Phạm Phụ, Trời Đại Phạm, Trời Thiểu Quang, Trời Vô Lượng Quang, Trời Quang Âm, Trời Thiểu Tịnh, Trời Vô Lượng Tịnh, Trời Biến Tịnh, Trời Phước Sanh, Trời Phước Ái, Trời Quảng Quả, Trời Nghiêm Sức, Trời Vô Lượng Nghiêm Sức, Trời Nghiêm Sức Quả Thiệt, Trời Vô Tưởng, Trời Vô Phiền, Trời Vô Nhiệt, Trời Thiện Kiến, Trời Thiện Hiện, Trời Sắc Cứu Cánh, Trời Ma Hê Thủ La.

Sắc Giới có mười tám tầng trời. Chúng ta xem tiếp kinh văn:

Phạm Chúng thiên, Phạm Phụ thiên, Ðại Phạm thiên.
梵眾天。梵輔天。大梵天。
Trời Phạm Chúng, trời Phạm Phụ, trời Ðại Phạm.

Ðây là cõi Sơ Thiền. Ba cõi trời Sơ Thiền này, chúng ta gọi là ba tầng, nhưng trên thật tế chỉ là một tầng, phước báo hưởng thọ chẳng giống nhau. ‘Phạm Chúng’ ví như nhân dân, người dân thường; ‘Phạm Phụ’ ví như đại thần, quan cao, quan lớn, sự hưởng thọ đương nhiên cao hơn dân thường; ‘Ðại Phạm thiên’ ví như thiên vương, phước báo càng lớn hơn. Cùng một tầng trời có ba hạng hưởng thọ khác nhau. Tuy cõi Sơ Thiền ở Sắc Giới có hưởng thọ, chư vị phải biết họ chẳng có ý niệm, tâm địa thanh tịnh. ‘Phạm’ là tiếng cổ Ấn Ðộ, dịch nghĩa là thanh tịnh. Sơ Thiền tâm địa đã thanh tịnh rồi, lên cao hơn thì chẳng cần nói nữa, càng lên cao càng thanh tịnh. Nhị Thiền gọi là ‘Quang Thiên’.

Thiểu Quang thiên, Vô Lượng Quang thiên, Quang Âm thiên.
少光天。無量光天。光音天。
Trời Thiểu Quang, trời Vô Lượng Quang, trời Quang Âm.

Cổ đức nói: Đại khái, Sơ Thiền vẫn còn tổ chức giống xã hội nhân gian, có nhân dân, có quan liêu, có quốc vương; Nhị Thiền trở lên chẳng còn nữa, thế giới bình đẳng, chân chánh cộng hòa, chẳng có quốc vương, đại thần gì hết, mọi người đều bình đẳng. Tuy bình đẳng nhưng phước báo vẫn còn sai khác, sai khác do đâu mà có? Công phu tu hành mỗi cá nhân chẳng giống nhau. Thí dụ chúng ta học trong trường, cùng một lớp thì mọi người đều giống nhau, lúc thi cử thì có hạng nhất, hạng nhì, vẫn còn xếp hạng, vậy thì có chỗ chẳng bằng nhau, trong chỗ đồng có chỗ không đồng. Lúc chưa thành Phật thì hiện tượng này vẫn tồn tại. Cùng là Ðẳng Giác Bồ Tát, Ðẳng Giác Bồ Tát cùng nhau thi cử cũng có hạng nhất, hạng nhì, hạng ba. Chỉ đến quả địa Như Lai thì mới hoàn toàn bình đẳng, một chút sai khác cũng chẳng có, những đạo lý và sự việc này chẳng khó hiểu. ‘Trời Thiểu Quang’ có ánh sáng nhưng ít hơn so với cõi khác; ‘Trời Vô Lượng Quang’ thì ánh sáng nhiều hơn. Ánh sáng này từ đâu đến? Nói cho chư vị biết tâm thanh tịnh sẽ phóng quang, tâm địa thanh tịnh sẽ phóng ánh sáng.

Thật ra hết thảy vạn vật đều phóng quang. Hôm trước sư Ngộ Toàn đem hình cho tôi xem, Sư nói ở ngoài đời có một dụng cụ có thể chụp ‘Quang’ của người. Sư đi chụp rồi lấy tấm hình cho tôi xem; tôi nói muôn vàn đừng bị gạt, đừng bị người ta gạt. Ðích thật con người có Quang, vật cũng có Quang, ngay cả cỏ cây cũng có Quang, đây là sự thật. Quang của mỗi người có màu sắc khác nhau, lớn nhỏ khác nhau, một số người luyện Khí Công có thể nhìn thấy, người có công phu định lực thì chẳng cần nói nữa. Nhìn thấy Quang trên thân người của bạn, người luyện khí công gọi đó là ‘Khí’, họ gọi bằng danh từ ‘Khí’, người tu thiền định gọi đó là ‘Quang’. Từ màu sắc và cường độ lớn nhỏ của Quang có thể biết tâm hạnh của người này là thiện hay ác. Tâm địa thiện lương từ bi, tâm thiện, hạnh thiện phóng ra Quang màu vàng kim, đây là thù thắng nhất, tốt nhất. Kế đó là màu vàng, màu kém hơn một chút. Tại sao quỷ thần nhìn thấy người tu hành thì tôn kính? Họ nhìn thấy Quang, năng lực này của họ là [nhờ quả] báo [mà có] được, quỷ thần có quả báo được Ngũ Thông. Họ nhìn thấy người tâm địa hiền lương, từ bi, hạnh thiện, chẳng phải là người tu hành, nhưng Quang của những người này cũng tốt, quỷ thần nhìn thấy đều tôn kính, chẳng dám làm tổn hại.

‘Trời Quang Âm’ có thể dùng Quang để diễn đạt âm thanh. Ở cõi Nhị Thiền, người ta trao đổi ý kiến chẳng cần nói chuyện, nói chuyện rất mệt, nói nhiều thì hao hơi, mệt thân thể. Họ trao đổi bằng cách phóng quang, người khác nhìn thấy Quang ấy đều hiểu ý nghĩa chứa đựng trong đó. Ngôn ngữ rất có hạn, ngôn ngữ rất vụng về, từ Nhị Thiền trở lên chẳng dùng ngôn ngữ, dùng phóng quang để thay thế. Cõi Tam Thiền còn cao hơn nữa, tâm địa thanh tịnh hơn, Tam Thiền gọi là ‘Tịnh Thiên’.

Thiểu Tịnh thiên, Vô Lượng Tịnh thiên, Biến Tịnh thiên.
少淨天。無量淨天。遍淨天。
Trời Thiểu Tịnh, Trời Vô Lượng Tịnh, Trời Biến Tịnh.

Cũng là dựa trên sự sai khác của tâm thanh tịnh mà nói, đây là ba cõi trời Tam Thiền. Tam Quang, Tam Tịnh đều là công hạnh cao thấp. Tứ Thiền rất đặc biệt, tất cả có chín thứ chẳng giống nhau, có chín cõi trời.

Phước Sanh thiên, Phước Ái thiên, Quảng Quả thiên.
福生天。福愛天。廣果天。
Trời Phước Sanh, trời Phước Ái, trời Quảng Quả.

Ðây là cõi trời thông thường ở cõi Tứ Thiền, giống với cõi Tam Thiền kể trên. ‘Phước Sanh, Phước Ái, Quảng Quả’ gọi là Phước thiên. Phước báo lớn nhất thì không có Tam Tai. Ở đó không có Tam Tai, Tam Tai là Hỏa tai, Thủy tai, Phong tai. Hỏa tai có thể thiêu đến cõi Sơ Thiền. Sơ Thiền có cả ba Hỏa, Thủy, Phong tai, chẳng thể tránh. Nhị Thiền thì bị Thủy tai, nước có thể tràn ngập đến trời Nhị Thiền. Nhị Thiền không có Hỏa tai, nhưng có Thủy tai, Phong tai. Ở cõi trời Tam Thiền tâm địa thanh tịnh, chẳng có Thủy và Hỏa tai, nhưng lại có Phong tai. Ðến cõi Tứ Thiền thì phước báo lớn hơn, cả ba Thủy, Hỏa, Phong tai đều chẳng có. ‘Thủy, Hỏa, Phong’ được gọi là Ðại Tam Tai trong kinh Phật. Tiểu Tam Tai là: ‘Kiếp đao binh, ôn dịch, cơ cẩn’, cơ cẩn nghĩa là đói khát. Chúng ta rất khó hiểu được ý nghĩa của Ðại Tam Tai, Tiểu Tam Tai. Lúc trước đọc kinh cũng lơ là đọc lướt qua, khi giảng kinh thì y chiếu chú giải của người xưa cũng lướt qua.

Mấy năm trước tôi đến Nhật Bản phỏng vấn, đến Quảng Ðảo (Hiroshima) và Trường Kỳ (Nagasaki), đến tham quan tận nơi những chỗ bị dội bom nguyên tử, mới tự nhiên hiểu được Tiểu Tam Tai nói trong kinh Phật chính là chiến tranh nguyên tử. Chỗ bị nổ bom nguyên tử là nơi bị đao binh kiếp. Chiến tranh tám năm giữa Trung Quốc và Nhật chưa kể là Tiểu Tam Tai, chiến tranh nguyên tử mới là Tiểu Tam Tai. Trong kinh Phật nói kiếp đao binh kéo dài bao lâu? Bảy ngày bảy đêm. Chiến tranh kéo dài bảy ngày bảy đêm là kiếp đao binh. Chiến tranh tám năm giữa Trung Quốc và Nhật chẳng phải là kiếp đao binh, thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ nhì cũng chưa phải là kiếp đao binh. Chiến tranh nguyên tử, bom nguyên tử nổ xong, [sau khi đến Nhật Bản] chúng tôi mới bỗng nhiên hiểu được chuyện Phật nói chính là chuyện này. Sau khi nổ xong, phóng xạ tồn tại bảy tháng bảy ngày. Sau bảy tháng bảy ngày này bạn chưa chết, mạng của bạn còn giữ được. Có nhiều người bị nổ bom chẳng chết liền, nhưng trong bảy tháng bảy ngày bị phóng xạ, họ sống nổi hay không thì sau bảy tháng mới có thể xác định. Phật gọi đây là ôn dịch, ôn dịch chính là việc này, là nạn bị phóng xạ. Người Nhật nói với chúng tôi, chỗ bị nổ bom đến năm thứ tám sau khi bom nổ mới mọc cỏ, nghe xong chúng tôi mới hiểu được lời Phật nói, cơ cẩn (nạn đói) kéo dài bảy năm bảy tháng và bảy ngày, sau đó đất mới mọc cây cỏ được, nếu cây cỏ chẳng mọc nổi thì người ta đương nhiên sẽ bị đói. Chúng ta hãy suy nghĩ xem, sức mạnh của võ khí nguyên tử hiện nay so với trái bom nổ ở Quảng Ðảo không biết là mạnh gấp bao nhiêu lần. Ở Quảng Ðảo, Trường Kỳ bị nổ bom vì bị bụi phóng xạ nghiêm trọng nên tám năm sau cây cỏ mới mọc nổi. Thế nên đại chiến thế giới lần thứ ba xảy ra tức là Tiểu Tam Tai mà Phật đã nói. Ðại Tam Tai là sự hủy diệt của tinh cầu, ngày nay chúng ta nhìn thấy hỏa tai, những tinh cầu phát ra ánh sáng đó chính là hỏa, toàn thể là một biển lửa, mặt trời chính là biển lửa. Chúng ta rất khó hiểu rõ trạng thái của Ðại Tam Tai, hiện nay tình hình của Tiểu Tam Tai đại khái thì chúng ta có thể hiểu được đôi chút, thiệt đáng sợ vô cùng! Cõi trời Tứ Thiền mới là cõi trời đủ phước báo, chẳng bị Tam Tai.

Trong Ðại Trí Ðộ Luận, Phật nói người ở trời Sắc Giới chủ yếu là tu thiền định, nếu chỉ tu thiền định mà không tu phước thì đâu có phước báo lớn như vậy! Thế nên họ phải tu Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả, đây là chỗ tồn tâm của thiên nhân trên trời Sắc Giới. Họ bố thí, trì giới, tu bố thí thì tâm được vui, bố thí nhiều thì khoái lạc càng nhiều. Thế nên họ có thể xả, chịu thí, nhờ vậy mới có thể dùng công phu định lực của họ sanh đến cõi trời Tứ Thiền. Sự khác biệt ở cõi Tứ Thiền cũng do công phu định lực sâu hay cạn, phước tu được ít hay nhiều, từ đó mới sanh ra những tướng trạng khác biệt.

Vô Tưởng thiên.
無想天。
Trời Vô Tưởng.

Cõi Tứ Thiền còn một tầng đặc biệt, ‘Trời Vô Tưởng’. Trong kinh Phật nói đây là trời ngoại đạo, hơn phân nửa đều là học Phật, giải sai ý tứ của Phật. Tu Ðịnh, trong Ðịnh, ý niệm gì cũng chẳng khởi lên, một niệm chẳng sanh, vô tưởng, tu thành công thì vãng sanh về cõi này. Chỉ có Ðịnh, chẳng có Huệ là sai lầm; ý nghĩa của Thiền Ðịnh là trong Ðịnh có Huệ. ‘Thiền Na’ là Phạn ngữ, dịch nghĩa là ‘Tịnh Lự’, ‘Tịnh’ là Ðịnh, ‘Lự’ là có công phu Quán Chiếu, cũng có nghĩa là họ hiểu rõ, họ chẳng Ðịnh đến nỗi không biết gì cả. Một niệm chẳng sanh, nhưng mọi việc đều rõ ràng, chuyện gì cũng minh liễu, như vậy mới gọi là Thiền Ðịnh. Nếu chỉ là một niệm chẳng sanh, việc gì bên ngoài cũng chẳng biết, như vậy là không được, là có Ðịnh chẳng có Huệ, tu như vậy thành công thì tương lai sẽ vãng sanh về cõi trời Vô Tưởng. Sự tu hành trong Phật pháp là ‘Ðịnh Huệ đẳng trì’ gọi là Thiền Ðịnh. Sa Ma Tha, Tỳ Bà Xá Na, ‘Sa Ma Tha’ dịch nghĩa là Chỉ Tức, ‘Tỳ Bà Xá Na’ dịch là Quán Tưởng, hoặc Quán Kiến, Quán Sát, có những nghĩa như vậy. Chỉ tu một thứ thì sẽ lệch về một bên, đều chẳng thể thành tựu. Người chỉ tu Ðịnh thì dễ hôn trầm, tu thành công thì sanh về cõi Trời Vô Tưởng. Người chỉ tu Huệ thì không thể được Ðịnh, tâm nhảy loạn xạ, vọng tưởng rất nhiều. Tại sao chú trọng tại Thiền Ðịnh? Thiền là Ðịnh – Huệ đều bằng nhau, Ðịnh – Huệ đẳng trì, công phu này mới chính xác.

Năm thứ sau này là chỗ thánh nhân tu hành:

Vô Phiền thiên, Vô Nhiệt thiên, Thiện Kiến thiên, Thiện Hiện thiên, Sắc Cứu Cánh thiên.
無煩天。無熱天。善見天。善現天。色究竟天。
Trời Vô Phiền, trời Vô Nhiệt, trời Thiện Kiến, trời Thiện Hiện, trời Sắc Cứu Cánh.

Thông thường còn xưng là ‘Ngũ Bất Hoàn thiên’, ai trụ ở đó? Tiểu Thừa Tam Quả, cũng được gọi là ‘Tịnh Cư thiên’, thế nên Tứ Thiền là Phàm Thánh Ðồng Cư Ðộ. Trời của phàm phu là trời Phước Sanh, Phước Ái, Quảng Quả và Vô Tưởng, thiên nhân ở bốn cõi trời này chẳng nhìn thấy thiên nhân ở trời Tịnh Cư, biết là họ ở nơi đó tu hành nhưng không nhìn thấy họ. Giống như ở thế gian này, địa cầu chúng ta cũng là Phàm Thánh Ðồng Cư Ðộ, có Phật, Bồ Tát, A La Hán trụ ở địa phương này, loài người chúng ta chẳng nhìn thấy họ. Quý vị tụng Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, trong ấy nói đạo tràng của tôn giả Ca Nặc Ca ở Tứ Xuyên, người thường đến đó thì thấy toàn là núi hoang vu, chẳng nhìn thấy gì hết, lúc quốc sư Ngộ Ðạt đến đó nhìn thấy đạo tràng trang nghiêm. Phải có duyên mới nhìn thấy cõi Phàm Thánh Ðồng Cư Ðộ, không có duyên thì chẳng thấy. Trong kinh nói tôn giả Ca Diếp còn chưa nhập Niết Bàn, còn ở núi Kê Túc, Ngài cũng thường ra ngoài đời, lúc ra thì chúng ta cũng chẳng nhận biết được, Ngài biết biến hóa. Ngài phải đợi Phật Di Lặc ra đời, truyền y bát của đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho Phật Di Lặc. Phật Di Lặc xuất thế, trong kinh nói năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau (5,670,000,000 năm), tôn giả Ca Diếp phải đợi thời gian dài như vậy. Tâm người được thanh tịnh, thọ mạng được tự tại, muốn trụ bao lâu thì trụ bấy lâu, chẳng trở ngại.

Thế nên tôi khuyên mọi người phải phát nguyện, nguyện lực phải mạnh hơn nghiệp lực thì bạn mới chuyển, mới được tự tại. Nếu bạn không chịu phát nguyện, đời này bạn nhất định sẽ chịu vận mạng chi phối, bạn sẽ chẳng thoát nổi vận mạng. Nhất định phải phát đại nguyện xả mình vì người, thì bạn mới được tự tại, đời sống tự tại, thọ mạng tự tại, trụ thế tự tại, giáo hóa tự tại, hết thảy sự nghiệp chẳng có gì là không tự tại, nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn! Tại sao không chịu phát nguyện! Ðời Ðường, đại sư Pháp Chiếu, tổ thứ tư Tông Tịnh Ðộ, Ngài nhìn thấy Ðại Thánh Trúc Lâm Tự của Văn Thù Bồ Tát trên núi Ngũ Ðài, đây là người có duyên. Ngài nhìn thấy Văn Thù, Phổ Hiền, nhìn thấy pháp hội hơn một vạn người tụ hội, Văn Thù Bồ Tát đang giảng kinh thuyết pháp, Ngài còn ở đó nghe một buổi, còn thỉnh giáo Văn Thù Bồ Tát: ‘Phật pháp đã đi đến đời Mạt pháp, căn tánh người đời Mạt pháp độn, tu pháp môn gì dễ thành tựu?’. Văn Thù Bồ Tát dạy Ngài tu pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ. Pháp Chiếu vốn là tham thiền, nghe xong lời dạy của Văn Thù Bồ Tát, phát nguyện chuyên tâm niệm Phật. Ngài còn thỉnh giáo: ‘Làm thế nào niệm Phật?’. Văn Thù Bồ Tát dạy phương pháp niệm Phật cho Ngài. Sau đó Ngài rời khỏi Ngũ Ðài Sơn, trên đường về đi đến đâu Ngài cũng đều ghi dấu hiệu, sợ lạc đường, muốn lần sau trở lại. Kết quả là làm dấu được vài chỗ rồi quay trở lại, chùa chẳng còn nữa, chỉ còn một cảnh núi hoang vu, thế mới biết là chẳng thể nghĩ bàn, đạo tràng đã biến mất. Phàm phu chẳng nhìn thấy Phàm Thánh Ðồng Cư Ðộ, chẳng có duyên ấy thì chẳng nhìn thấy cảnh giới của thánh nhân.

Trong kinh nói Phàm Thánh Ðồng Cư Ðộ có ba chỗ: Một là thế giới Sa Bà của chúng ta, thứ hai là trời Ðâu Suất tức là tầng trời thứ tư trên cõi Dục Giới, Ðâu Suất Nội Viện là đạo tràng của Di Lặc Bồ Tát, thiên nhân trời Ðâu Suất chẳng nhìn thấy, chỉ nghe nói, chẳng biết ở đâu. Thứ ba là trời Tịnh Cư ở cõi trời Tứ Thiền tức là Ngũ Bất Hoàn thiên, ba chỗ này là Phàm Thánh Ðồng Cư Ðộ. Họ ở chỗ này tu hành, tuy đều là thánh nhân Tam Quả, tại sao gọi là ‘Bất Hoàn’? Chẳng còn đến Dục Giới nữa, họ sẽ thành tựu ở chỗ đó. Trong kinh nói người lợi căn sẽ trụ ở Ngũ Bất Hoàn thiên, trực tiếp ở đó chứng quả A La Hán và siêu việt Tam giới, siêu việt sáu nẻo luân hồi, đây là A La Hán lợi căn. Nếu kém hơn, họ còn phải thông qua Tứ Không thiên mới có thể xuất Tam giới; người lợi căn chẳng cần thông qua Tứ Không thiên, trực tiếp chứng quả A La Hán, liền xuất Tam giới, đây là thiên nhân cõi trời Tịnh Cư. Chúng ta không cần phải giới thiệu thêm về Ngũ Bất Hoàn thiên. Kiến Tư phiền não trong Tam giới gọi là Kiến Tư Hoặc, tam giới tám mươi mốt phẩm; Tam giới chia thành chín cõi, mỗi cõi có chín phẩm, chín nhân chín thành tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc, đến Ngũ Bất Hoàn thiên mới đoạn hết, đoạn hết mới chứng quả A La Hán.

Năm xưa đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện trên thế gian này, thị hiện thành Phật dưới cây Bồ Ðề, sau khi thành Phật giáo hóa chúng sanh. Giáo hóa chúng sanh cần có người khải thỉnh, nếu không ai mời thì Phật chẳng thể dạy. Người thế gian tuy biết đức Phật nhưng ai biết được đây là một người có đại trí huệ, đại đạo sư cho trời và người, ai biết được? Người thế gian chẳng có người thỉnh thì Phật phải nhập Niết Bàn, phải thị hiện diệt độ. Thiên nhân ở trời Tịnh Cư nhìn thấy, họ thấy đức Phật Thích Ca thị hiện nên mau mau xuống để thỉnh cầu, thiên nhân cõi trời Tịnh Cư thay thế chúng ta thỉnh cầu nên đức Phật mới trụ thế tám mươi năm, giảng kinh thuyết pháp cho chúng ta trên ba trăm hội, chúng ta phải cảm kích người cõi trời Tịnh Cư. Nếu họ không thỉnh pháp thì thế gian này của chúng ta chẳng nghe được Phật pháp, họ cũng rất từ bi, thương xót hết thảy chúng sanh khổ nạn, khuyến thỉnh Như Lai thuyết pháp. Cõi cuối cùng:

Ma Hê Thủ La thiên.
摩醯首羅天。
Trời Ma Hê Thủ La.

Có một số kinh nói Ma Hê Thủ La tức là Sắc Cứu Cánh thiên. Ở đây tại sao phải liệt kê tên này riêng ra? Trong kinh cũng có nói, Ma Hê Thủ La là thượng thủ của thiên nhân cõi Tịnh Cư, ý nghĩa này cũng hay. Tịnh Cư thiên tức là Ngũ Bất Hoàn thiên, vị đại đức được tôn kính nhất xưng là Ma Hê Thủ La. Ðây là do thiền định được đại tự tại nên Ma Hê Thủ La cũng có thể xưng là Ðại Tự Tại thiên. Ðây là mười tám tầng trời Sắc Giới, giới thiệu đơn giản đến đây.

Trích trong:
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba
Tập 5

Bài viết liên quan

Ý nghĩa danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 7

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 2

Thiện Quang

Ý nghĩa của chữ Kinh trong Phật Pháp

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 11

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 4

Thiện Quang

Bổn Nguyện là gì?

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 2: Phân thân tập hội tập 1

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 8

Thiện Quang

Leave a Comment