Kinh Địa Tạng

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 6

Chữ nãi chí ở đây ngụ ý đã lược bớt. Ðã lược bớt ‘Tứ Không thiên, Vô Sắc Giới thiên’. Thiên nhân ở trời Vô Sắc Giới thật sự là phàm phu rất thông minh, rất có trí huệ.

Kinh văn: Nãi chí Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thiên.
Dịch: Cho đến Trời Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng Xứ.

Câu tiếp theo:

Nãi chí Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thiên.
乃至非想非非想處天。
Cho đến trời Phi Tưởng Phi Phi Tướng Xứ.

Chữ nãi chí ở đây ngụ ý đã lược bớt. Ðã lược bớt ‘Tứ Không thiên, Vô Sắc Giới thiên’. Thiên nhân ở trời Vô Sắc Giới thật sự là phàm phu rất thông minh, rất có trí huệ. Ở Trung Quốc cổ đại, Lão Tử xuất hiện vào triều nhà Châu, thời đại Xuân Thu (722 truớc công nguyên đến 481 trước công nguyên), cùng thời với Khổng Tử, lớn tuổi hơn Khổng Tử. Người này rất thông minh, Ngài nói: ‘Tôi có một mối lo lớn vì tôi có thân này’. Ngài nói tôi có một mối lo lớn, vì sao? Vì tôi có cái thân này. Thân là gốc khổ, nếu không có thân thể thì tốt biết mấy, tự tại biết mấy; Ngài là phàm phu bậc cao nên mới biết thân là gốc khổ. Làm sao xả bỏ thân, không cần nữa? Ngài chán ghét sắc thân, cộng thêm công phu định lực của Ngài, đích thật có thể xả bỏ sắc thân này, lìa khỏi, thăng lên cõi trên, phần nhiều chúng ta gọi là Linh Giới; y theo Phật pháp thì chỉ có thần thức chẳng có sắc thân, hạng này chúng ta xưng là ‘Vô Sắc Giới’. Người cõi trời Sắc Giới đã xả bỏ Dục, đã xả bỏ ngũ dục lục trần, phiền não nghiêm trọng này, thoát ra khỏi Dục Giới đến cõi Sắc Giới. Sắc Giới vẫn còn sắc tướng, thân thể, hoàn cảnh cư trú, những thứ này còn phiền phức, còn chưa rốt ráo, xả bỏ những thứ này thì lên đến Tứ Không thiên. Tứ Không thiên vẫn còn trong phạm vi của lục đạo, chưa thoát ra khỏi lục đạo.

Cõi thứ nhất ở Tứ Không thiên là ‘Không Xứ thiên’, sau khi lìa khỏi Sắc Giới thì vào Không Xứ, tâm duyên hư không chẳng có sắc tướng, Ðịnh này gọi là Hư Không Ðịnh. Thứ nhì gọi là ‘Thức Xứ thiên’, ‘Không’ cũng xả bỏ, Không và Sắc là hiển hiện tương đối cho nên hư không chẳng chân thật. Họ xả bỏ luôn Không, xả Không rồi vẫn còn Thức tồn tại, chỗ họ duyên vào được đặt tên là ‘Thức Xứ’. Thật ra xả Không là chẳng chấp vào Không, chứ không phải thật sự xả bỏ Không. Chẳng còn chấp trước tướng Không, ý niệm Không và Sắc đối lập nhau trong tâm chẳng còn nữa, lúc đó còn Thức, nên gọi là ‘Thức Xứ’. Người tu hành đến mức này nếu phát hiện Thức vẫn còn là một chuyện phiền phức, vẫn chưa rốt ráo, Thức chính là Phân Biệt, Phân Biệt cũng xả luôn thì sẽ vào ‘Vô Sở Hữu Xứ thiên’, tầng thứ ba ở Vô Sắc Giới. Lúc tu Ðịnh này thì buông xả hết thảy cảnh giới Trong – Ngoài, cảnh giới hai bên Trong – Ngoài đều buông xả, xả bỏ hết nên gọi là ‘Vô Sở Hữu’. Ðến tầng cao nhất ‘Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thiên’, vì ngay cả Thức cũng chẳng duyên vào nên gọi là ‘Phi Tưởng’; chỗ chẳng khởi tác dụng cũng chẳng duyên vào nên gọi là ‘Phi Phi Tưởng’. ‘Phi Tưởng Phi Phi Tưởng’ là cảnh giới cao nhất trong Tam giới. Cách giải thích Phi Tưởng Phi Phi Tưởng rất nhiều, [chư vị] có thể tham khảo cách giải thích trong kinh luận, kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng, một số Phật Học Ðại Tự Ðiển cũng có giải thích rõ, trên đây đã giải thích về Vô Sắc Giới thiên.

Phần đông những Học Nhân đến cảnh giới này cho rằng đó là đại Niết Bàn trên quả vị của Như Lai, họ chẳng biết đây là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng thiên, cứ tưởng nhập vào cảnh giới này thì vĩnh viễn chẳng sanh chẳng diệt. Ðâu biết họ còn thọ mạng, thọ mạng của họ chính là công phu định lực, công phu định lực của họ có thể duy trì được bao lâu? Trong kinh nói tám vạn đại kiếp, con số này rất lớn. Tám vạn đại kiếp là gì? Thế giới này trải qua một lần ‘thành, trụ, hoại, không’ gọi là một đại kiếp. Ðại kiếp này có bốn Trung kiếp, tức là ‘thành, trụ, hoại, không’. Thế giới Sa Bà chúng ta hiện nay đang ở kiếp ‘trụ’. Tám vạn đại kiếp tức là thế giới này ‘thành, trụ, hoại, không’ tám vạn lần, họ có công phu định lực sâu như vậy, thọ mạng dài như vậy. Sau tám vạn lần thế giới ‘thành, trụ, hoại, không’ thì họ vẫn phải đọa lạc, chẳng thể nâng cao thêm nữa, chỉ có thể đọa xuống. Ðọa lần này thì đọa rất thê thảm! Người ta thường nói trèo cao, té nặng. Kinh Lăng Nghiêm nói người trời Tứ Không đọa xuống, hơn phân nửa là đọa vào địa ngục A Tỳ. Từ nơi cao nhất rớt xuống chỗ thấp nhất, tại sao? Vì báng Phật, báng Pháp, báng Tăng; vì lỗi hủy báng Tam Bảo nên phải đọa địa ngục A Tỳ. Tại sao họ có ý niệm hủy báng Tam Bảo? Họ tưởng mình đã thành Phật, chứng được đại Niết Bàn, tại sao ngày nay vẫn còn đọa lạc? Trong tâm liền hoài nghi rằng lời chư Phật Như Lai là giả, chẳng phải thật, thế nên đọa lạc. Vì họ hiểu sai, nhận lầm, đó chẳng phải cảnh giới Niết Bàn của Như Lai. Không những chẳng phải quả địa Như Lai, mà cũng chẳng phải là quả địa Tiểu Thừa, hoàn toàn hiểu lầm.

Thế nên khi càng tu lên trên, trong cảnh giới ấy tà – chánh rất khó phân biệt, đây là lý do tại sao trong kinh Lăng Nghiêm đức Thế Tôn giảng Năm Mươi Ấm Ma cho chúng ta. Khi ma cảnh hiện tiền mà chúng ta cho đó là cảnh giới Phật thì sẽ bị lầm to. Thế nên người sơ học chúng ta muốn tránh ma cảnh thì phương pháp duy nhất là phải y giáo phụng hành, tuyệt đối thuận theo những gì Phật dạy trong kinh; tuyệt đối chẳng thể nương dựa những gì người khác nói, chẳng giống lời Phật dạy trong kinh, như vậy mới có thể tránh rơi vào ma đạo. Quan trọng nhất là chúng ta phải tin Phật, chúng ta học theo Phật, chúng ta thân cận một thiện tri thức, những gì vị thiện tri thức này nói phù hợp với lời trong kinh thì chúng ta mới tin; trong kinh chẳng nói như vậy thì chúng ta không tin, chẳng thể học theo họ. Phật nói vô lượng pháp môn, nói là vì ứng theo cơ duyên lúc đó nên mới nói, cơ duyên khác nhau thì Phật nói pháp khác nhau, vì thế chúng ta muốn học pháp môn nào, y theo kinh điển nào, điểm này vô cùng quan trọng, được vậy mới chẳng đến nổi giải sai chân thật nghĩa của Như Lai. Thí dụ Phật nói với chúng ta Tây Phương Cực Lạc thế giới tuyệt đối là có thật, chúng ta tu Tịnh Ðộ thì chỉ noi theo kinh điển Tịnh Ðộ. Trong kinh điển khác Phật nói vạn pháp đều không, nếu bạn nói trong kinh đức Phật nói hết thảy pháp đều không, nên Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng không, thế thì trật lất, bạn tin như vậy thì chẳng phải bạn đã bỏ uổng cơ hội này hay sao. ‘Học pháp môn nào thì chỉ tu học noi theo kinh điển của pháp môn đó mà thôi’, những kinh điển nói khác với kinh này thì tuyệt đối chẳng thể y theo kinh đó.

Thật ra đạo lý này rất cạn cợt, chẳng sâu lắm, chẳng khó hiểu. Giống như học trong trường đại học hiện nay, bạn học khoa hệ nào, nhất định phải học theo khóa trình của khoa hệ đó, bạn chẳng thể học khoa khác; nếu bạn học lớp của khoa hệ khác, chẳng giống với khoa mục của bạn, không những không trợ giúp mà ngược lại có thể phá hoại, đây không phải là đạo lý này sao! Trong kinh Phật thường dùng Y Vương để thí dụ, thí dụ này càng rõ hơn nữa. Thầy thuốc bắt mạch cho bịnh nhân rồi kê toa thuốc, người khác không dám uống theo toa thuốc của bạn, vì bịnh của họ không giống bịnh này. Nếu uống thuốc này, uống vô rồi thì xong ngay, người khác uống thuốc này thì chết liền. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, tám vạn bốn ngàn toa thuốc khác nhau, chữa cho tám vạn bốn ngàn người bịnh khác nhau, làm sao uống bừa bãi được! Thế nên chúng ta tu pháp môn vãng sanh, nhất định phải noi theo ‘kinh vãng sanh’. Trong Ðại Tạng kinh thì tam kinh nhất luận gọi là ‘kinh vãng sanh’, đó là kinh Di Ðà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, Vãng Sanh Luận của Thiên Thân Bồ Tát. Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm, Ðại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương là sau này mới thêm vào, thêm rất đúng, cũng có thể noi theo, tuyệt đối sẽ không tạo thành vấn đề, hiện nay xưng là ‘Ngũ Kinh Nhất Luận’. Chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh phải nương nhờ những kinh điển này, như vậy là không sai, chẳng thể nương vào những kinh khác. Nếu những gì nói trong kinh điển khác tương ứng, phù hợp với lý luận, phương pháp, cảnh giới nói trong Ngũ kinh Nhất luận này thì chúng ta có thể tham khảo, nếu không tương ứng thì chúng ta tuyệt đối không thể đọc, nhất định đừng xem, được vậy thì công phu của chúng ta mới có thể nắm vững, mới có thể thành tựu.

Nếu kinh gì bạn cũng xem, kinh gì cũng học, vậy thì bạn bị phiền phức lớn lắm, không những bạn tự tu học chẳng thể thành tựu mà cũng chẳng thể giáo hóa chúng sanh. Khi bạn giáo hóa chúng sanh, lấy một chút ở chỗ này, lấy một ít ở chỗ kia, sẽ làm cho chúng sanh loạn đến mê hoặc điên đảo. Ngày nay học Phật vô cùng khó khăn, tại sao tôi không dạy trong Phật Học Viện, đạo lý là như vậy. Phật Học Viện mở ra rất nhiều lớp học, mời rất nhiều pháp sư, giảng cho học sinh ngày ngày đều điên đảo, như say, như cuồng, chẳng đạt được hiệu quả. Bản thân tôi học Phật đạt được một chút lợi ích vì may mắn, gặp được thiện tri thức, do một người dạy, chỉ tiếp nhận lời của một nhà, đi theo một con đường, nên rất đơn thuần, chẳng phức tạp, chẳng có nghi hoặc, điểm này rất quan trọng, vô cùng quan trọng! Sau này chúng tôi mới hiểu cái mà nhà Nho, nhà Phật gọi là Sư Thừa chính là ý nghĩa này. Tôi chỉ học theo một thầy, nghe lời của một thầy mà thôi, vị thầy này đối với tôi phải chịu trách nhiệm. Nếu tôi còn muốn học theo người khác thì người thầy này chẳng có cách gì để dạy. Thật sự thân cận thiện tri thức, noi theo Sư Thừa của người xưa, bạn theo sát vị thầy này, nhất định chẳng thể học theo người thứ hai, chẳng thể nghe lời dạy của người thứ hai, được vậy thì bạn mới thành tựu. Vị thầy này phải chịu trách nhiệm nhân quả đối với bạn, trách nhiệm này rất nặng, nếu chỉ sai đường cho bạn, dẫn đi lầm đường thì vị thầy này phải thọ ác báo. Nếu bạn chẳng chịu tiếp nhận, bạn cứ đi khắp nơi nghe người khác, vẫn còn xem bài của người khác, vậy thì người thầy này sẽ chẳng chịu trách nhiệm cho bạn.

Hiện nay trở về sau có lẽ Sư Thừa sẽ chẳng còn nữa, chẳng thể còn nữa, cho nên có thể thành tựu được hay không hoàn toàn ở tại mỗi cá nhân. Nói cách khác chẳng có vị thầy hết lòng phụ trách dạy bạn, nói thật ra thầy giáo muốn tìm học sinh như vầy cũng tìm không ra, hoàn toàn nhờ giác ngộ của mình. Muốn chân chánh giác ngộ, chân chánh thành tựu thì cũng phải đi theo đường cũ, học theo một vị thầy.

Tôi khuyên mọi người, ngày nay chúng ta học theo ai?
Học theo A Di Ðà Phật.
A Di Ðà Phật ở nơi đâu?
Kinh Vô Lượng Thọ chính là A Di Ðà Phật.

Chúng ta đọc kinh Vô Lượng Thọ, tiếp nhận lời dạy của A Di Ðà Phật, những gì A Di Ðà Phật dạy chúng ta làm thì chúng ta làm hết lòng; những gì A Di Ðà Phật chẳng dạy chúng ta làm, chúng ta nhất định không làm, chúng ta chỉ nghe lời dạy của A Di Ðà Phật, chẳng nghe bất người nào, được vậy thì đời này bạn nhất định sẽ vãng sanh!

Ngoài ra còn một vị đại đức có thể giúp chúng ta là đại sư Ấn Quang, mỗi câu mỗi chữ trong Ấn Quang Ðại Sư Văn Sao đều tương ứng với kinh vãng sanh, nên thường thường đọc Văn Sao của Ấn Tổ, làm bạn với Ấn Tổ, nghe lời dạy của Ngài, làm theo lời dạy của Ngài, đoạn ác tu thiện, giữ trọn luân thường, làm tròn bổn phận, tin sâu nhân quả, chắc thật niệm Phật, nhất định sẽ được vãng sanh Tịnh Ðộ. Ðây là con đường cầu vãng sanh, xuất ly tam giới lục đạo duy nhất trong đời này của chúng ta, ngoài đường này ra thì chẳng còn con đường thứ hai nào khác.

Trích trong:
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba
Tập 5

Bài viết liên quan

Kinh Địa Tạng phẩm 3: Quán chúng sanh nghiệp duyên tập 2

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 7

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 5

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 8

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 4

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 2: Phân thân tập hội tập 1

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 1

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 2

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 3: Quán chúng sanh nghiệp duyên tập 1

Thiện Quang

Leave a Comment