Làm thế nào từ tâm ô nhiễm trở về thanh tịnh?
Làm thế nào từ nhiễm trở về thanh tịnh? Chúng ta dùng phương pháp niệm Phật. Tịnh Tông dùng chấp trì danh hiệu, tín nguyện trì danh, “tâm tịnh tức độ tịnh”.
“Trần lao” là ô nhiễm, tức là vọng tưởng phân biệt chấp trước, phải đào thải cho sạch sẽ rốt ráo những thứ này, khôi phục lại tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là chân tâm, tâm thanh tịnh tức là bổn tánh. Lục Tổ Đại Sư lúc thành tựu, Ngài hướng về Ngũ Tổ để trần thuật tâm đắc của Ngài. Ngũ Tổ truyền pháp, đem kinh Kim Cang giảng cho Ngài, giảng đến chỗ “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (nên không chỗ trụ mà sanh tâm kia) thì Ngài liền khế nhập, Ngài hiểu rõ ngay. Ngài nói ra tâm đắc của mình, câu đầu tiên là: “Hà kỳ tự tánh bổn lai thanh tịnh” (nào ngờ tự tánh vốn là thanh tịnh), cho nên tâm thanh tịnh là bổn tâm của chúng ta, là bổn lai diện mục của chúng ta. Tâm của chúng ta hiện nay không thanh tịnh mà bị ô nhiễm, như vậy công việc hiện nay chúng ta phải làm là làm thế nào để từ chỗ ô nhiễm quay về với thanh tịnh. Đây chính là thật sự tu hành, bạn nắm được cương lĩnh tu hành chân chánh đó thì bạn đã thực sự biết dụng công rồi. Làm cách nào khôi phục lại cái tâm ô nhiễm của chúng ta trở thành thanh tịnh? Tám vạn bốn ngàn pháp môn. “Pháp” là phương pháp, “môn” là cửa vào, bất luận pháp môn nào đều là vì mục tiêu này.
Làm thế nào từ nhiễm trở về thanh tịnh? Hôm nay, chúng ta dùng phương pháp niệm Phật. Tịnh Tông dùng chấp trì danh hiệu, tín nguyện trì danh, “tâm tịnh tức độ tịnh”. Xin thưa với quý vị, tâm đã được thanh tịnh rồi thì bạn cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ được bảo đảm, cảm ứng đạo giao với Tây Phương Tịnh Độ. Lúc đó có thể nói là tự tại vãng sanh, muốn ra đi lúc nào thì sẽ ra đi lúc đó. Chúng ta hôm nay muốn đi nhưng đi không được, đạo lý là ở đâu? Tâm không thanh tịnh, không tương ưng với Tịnh Độ, nhất định phải niệm đến tâm thanh tịnh. Phàm là những thứ làm tâm ô nhiễm, chúng ta đều phải cảnh giác, biết đó là sai lầm, cần phải lìa bỏ. Bạn xem, Thế Nhiêu Vương là quốc vương xử lý việc chính trị của quốc gia, dù làm tốt đi nữa thì vẫn làm ô nhiễm tâm thanh tịnh, cho nên Ngài cần phải xả bỏ ngôi vua của mình, xả bỏ phú quý, vì sao? Hy vọng đem tâm ô nhiễm trở về với thanh tịnh, đạo lý chân chánh là ở chỗ này.
Trích đoạn trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH – Giảng năm 1994
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không
Tập 7