Pháp Ngữ

Lục Độ: 6 đại cương của Bồ Tát hạnh

Lục độ là Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Bát-nhã. Sáu điều này tôi nghĩ quý vị đều rất quen thuộc, là 6 đại cương của Bồ Tát hạnh.

Lục độ là “Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Bát-nhã”. Sáu điều này tôi nghĩ quý vị đều rất quen thuộc. Tuy nhiên, người biết được “tinh nghĩa” của nó thì không nhiều, cho nên mỗi người ai cũng biết niệm mà không biết tu, điều này thật đáng tiếc. Nhất định phải biết được tinh nghĩa của nó để biết cách tu như thế nào. Cách tu là đem nó biến thành đời sống hằng ngày của chúng ta.

Bố thí: Trong đó có bố thí tài, có bố thí pháp, bố thí vô úy. Trong bố thí tài, có nội tài, ngoại tài: vật ngoài thân là ngoại tài, thân thể, sức lực của chúng ta là nội tài. Ví dụ trong đạo tràng này có rất nhiều đồng tu đến làm công quả, bỏ sức ra là bố thí nội tài, cúng dường nội tài. Xuất tiền là ngoại tài, vật ngoài thân là ngoại tài. Chúng ta dùng sức lao động để làm việc là nội tài, đều là bố thí cúng dường. Chúng ta từ sáng đến tối ở nhà phục vụ, vì cả nhà mà làm việc là bố thí cho cả nhà, cúng dường cả nhà. Nếu bạn hiểu rõ thì bạn biết bạn đang tu Bồ-tát đạo ở trong gia đình, bạn đang tu Bồ-tát hạnh nên bạn sẽ làm việc rất vui vẻ, tâm địa thanh tịnh, tràn đầy trí huệ, tràn đầy hỷ duyệt. Nếu bạn mê hoặc điên đảo: “Tôi vì cả nhà mà làm việc cực khổ, làm lao công, ngày ngày hầu hạ họ, ngay đến câu cảm ơn cũng không có”. Suốt ngày hờn giận thì tuy nói là bố thí nhưng trong đó mang theo phiền não, cho nên tương lai quả báo của bạn không được tự tại. Điều này Phật Bồ-tát đã nói, vì sao học Phật sẽ mang đến cho bạn niềm hạnh phúc vui vẻ chân thật, công việc đều làm rất vui vẻ, không hề khởi phiền não? Vì tôi đang bố thí cúng dường, tôi đang tu phước, tu phước đương nhiên là việc vui vẻ. Chúng ta ở trong đoàn thể, tận tâm tận lực làm việc cũng là đang tu bố thí. Trong công ty hãng xưởng, chúng ta phục vụ ông chủ, phục vụ công ty cũng là bố thí, cũng là cúng dường. Bất luận là lúc nào, bất luận ở nơi nào, nếu không dùng ngoại tài thì là dùng nội tài. Ngày ngày, mọi lúc mọi nơi đều đang tu bố thí, đều đang tu cúng dường, nhưng rất tiếc bạn không có quan niệm này, vậy thì bạn đang ở đó tạo nghiệp. Bạn xem, đáng tiếc biết bao. Ý niệm vừa chuyển thì cái nghiệp đó tức thời biến thành bố thí cúng dường, biến thành Bồ-tát nghiệp, bạn xem nghiệp lục đạo phàm phu chuyển thành Bồ-tát nghiệp, Tịnh nghiệp rồi. Học Phật thì phải biết chuyển, chuyển cảnh giới, không phải chuyển việc làm, không phải chuyển sự tướng, chuyển ý niệm thì bạn sẽ vô cùng vui vẻ. Hơn nữa, Phổ Hiền Bồ-tát không hề nhàm chán, không hề mệt mỏi. Vì sao không nhàm chán? Vì pháp hỷ sung mãn. Đây là nói bố thí. Chư vị hãy lắng tâm để lĩnh hội ý nghĩa này, sau đó ngày ngày đều làm, chúng ta phải “chuyển phàm thành Thánh”. Trước kia chúng ta là phàm phu, cảm thấy mình cực khổ đều là vì kẻ khác, kẻ khác vẫn không cảm kích, khi làm thì oán than rên siết, trong tâm bất bình. Ý niệm vừa chuyển thì tâm bình ngay, vui vẻ ngay. Trong tâm vừa vui vẻ thì khoẻ mạnh trường thọ, phải chuyển trở lại quan niệm này.

Trì giới: Tức là thủ pháp (giữ pháp), đây thuộc về nghĩa rộng không phải nghĩa hẹp. Bất luận làm việc gì đều phải có trình tự nhất định, có phương pháp nhất định, phải tuân thủ. Chuyện công, chuyện tư, chuyện lớn, chuyện nhỏ, đều phải có quy tắc. Chúng ta phải hiểu, phải tuân thủ mới khiến những gì chúng ta làm đều như pháp, mọi thứ đều ngăn nắp, có thứ tự không loạn, rành mạch rõ ràng.

Nhẫn nhục: Tức là nhẫn nại, bất luận làm việc gì thành công đều phải nhờ tâm nhẫn nại, chuyện lớn phải nhẫn nại nhiều, chuyện nhỏ thì nhẫn nại ít. Người không có tâm nhẫn nại thì làm việc không thể thành tựu, nhất định phải có tâm nhẫn nại. Phải quan sát sự việc cho rõ ràng, minh bạch, biết được cơ duyên khi nào chín muồi, không quá bận tâm, nôn nóng. Có được tâm như vậy thì từ từ nó sẽ “định” lại.

Cho nên sau đó có tinh tiến, thiền định. “Tiến” là tiến bộ, “tinh” là tinh thuần không tạp loạn. Chúng ta cầu học, học ngành nào thì cầu tiến bộ ở trong ngành đó. Sau khi tốt nghiệp, bước vào xã hội làm việc trong ngành nghề nào thì cầu tiến bộ trong ngành nghề đó, thế mới đúng. Tâm của bạn chuyên nhất. Trong tiến bộ sẽ được “định”, định tức là Tam-muội mà chúng ta thường nói. Tam-muội tức là hưởng thụ bình thường. Hưởng thụ bình thường chính là người ta thường nói hạnh phúc vui vẻ, sự nghiệp thuận lợi, thành công mỹ mãn. Sáu điều cương lĩnh này của Bồ-tát và mười nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát thật sự có thể giúp chúng ta đạt đến. Quý vị hãy suy xét kỹ xem làm cách nào để ứng dụng vào cuộc sống, ứng dụng vào gia đình, ứng dụng vào sự nghiệp. Vì nó là sống chứ không phải chết. Kinh Phật nếu học mà không có chỗ dùng thì ai học làm gì. Chỗ lợi ích của nó là vừa học xong thì lập tức có chỗ dùng, dùng rồi thì lập tức có hiệu quả, thật sự là nhanh chóng, lập tức thấy có hiệu quả.

Tâm thanh tịnh tất sanh trí huệ, cho nên điều sau cùng Bát-nhã tức là trí huệ. Tâm thanh tịnh, tâm có chủ tể, trong tâm không loạn động, không có tạp niệm, không có vọng tưởng thì sẽ sanh trí huệ, hạnh nguyện vô lượng vô biên. Phật quy nạp thành mấy điều đại cương, cho nên Bồ-tát hạnh có sáu đại cương là Lục Độ. Phổ Hiền Bồ-tát có mười đại cương lĩnh tức là Thập Đại Nguyện Vương, đầy đủ vô lượng hạnh nguyện tánh đức. Thuận tánh đức thì chúng ta xưng tán tánh đức này. “An trụ nhất thiết công đức pháp trung”, tất cả pháp công đức này, xưa nay, một số Đại Đức đều cho là vô lượng công đức trên quả địa Như Lai. Thực tế nếu phối hợp với phần trên mà nói, phần trên là tánh đức, tuy nhiên cần phải tu đức thì tánh đức mới có thể hiển hiện ra. Cho nên, phải thật sự tu. Như vậy câu này chúng ta nên dựa vào giáo nghĩa của bổn Tông để nói, “nhất thiết công đức pháp” này tức là chỉ cho bộ kinh Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ tức là “nhất thiết công đức pháp môn”. Chúng ta, đem tâm an trụ nơi kinh Vô Lượng Thọ, mỗi ngày chúng ta đọc nó, mỗi ngày suy nghĩ, mỗi ngày thực hành. Có nghĩa là: “tôi phải làm cho bằng được, phải biến nó thành hành vi trong cuộc sống thực tế của chính mình”. Đây thật sự là an trụ nơi “nhất thiết công đức pháp trung”. Tất cả là viên mãn, một chút công đức cũng không sót, công đức viên mãn.

Trích đoạn trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH – Giảng năm 1994
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không
Tập 3

Bài viết liên quan

Bổn nguyện niệm Phật có thể vãng sanh hay không?

thienquang242017

Sát na là gì?

Thiện Quang

Hữu cầu tất ứng, làm thế nào mới cầu được?

Thiện Quang

Người muốn sanh Tịnh Độ rất nhiều, tại sao đi không được?

Thiện Quang

Công phu tu hành như thế nào mới có lực?

Thiện Quang

Nỗ lực đoạn ác tu thiện thì phước báo liền hiện tiền

Thiện Quang

Vì sao bạn phải niệm Phật, đọc Kinh?

Thiện Quang

Tướng Thành Đạo Thứ 7: Chuyển Pháp Luân

Thiện Quang

Kinh Vô Lượng Thọ là kinh khế lý, khế cơ nhất

thienquang242017

Leave a Comment