Ngồi xếp bằng quay mặt vào vách có phải là Thiền Định?
Hiện tại chúng ta xem thấy rất nhiều người tu định, mỗi ngày họ ngồi thiền thời gian rất dài, nhưng không hề thấy họ được định. Do nguyên nhân gì vậy?
Hiện tại chúng ta xem thấy rất nhiều người tu định, mỗi ngày họ ngồi thiền thời gian rất dài, nhưng không hề thấy họ được định. Do nguyên nhân gì vậy? Thành thật mà nói, chưa có nhẫn nhục thì họ làm sao được định. Người ta tán thán mấy câu thì vui mừng, mắng vài câu thì tức giận vài ngày không tiêu được, vậy thì làm sao được định.
Họ ngồi xếp bằng, quay mặt vào vách, dáng vẻ rất giống, chúng ta thấy rất rõ ràng, họ xếp bằng quay mặt vào vách để khởi vọng tưởng, không phải thật vào định. Làm sao biết được họ khởi vọng tưởng? Mắng họ vài câu thì họ khởi tức giận, cho nên đó là giả, không phải thật; khởi tâm động niệm vẫn có danh vọng lợi dưỡng, vẫn còn phải quấy nhân ngã, đều là phiền não, không liên quan gì với sự tu hành tu tập, nên họ không thể được định. Người chân thật được định thì tâm địa mát mẻ tự tại.
Thế nào là định? Tâm thanh tịnh là định, tâm bình đẳng là định. Tâm của họ thanh tịnh, bình đẳng thì không có phiền não. Ý niệm tham-sân-si-mạn không sanh thì tâm thanh tịnh.
Thế nào là bình đẳng? Không có phải quấy nhân ngã thì bình đẳng. Có phải quấy nhân ngã thì không bình đẳng, có tham-sân-si-mạn thì không thanh tịnh.
Cho nên, công phu của thiền định trừ bỏ được hoàn toàn phiền não, bất bình, đó là sức định. Sức định đạt đến được trình độ nhất định thì trí tuệ liền khai.
Sau thanh tịnh, bình đẳng thì là giác. Giác chính là trí tuệ Bát Nhã. Bát Nhã hiện tiền thì công đức liền thành tựu. Công đức gì vậy? Đem phiền não, vọng tưởng, chấp trước chuyển đổi lại, đó là công đức. Cho nên các vị phải nên biết, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước cũng không phải là việc xấu.
Ngày nay chúng ta có phiền não nhiều, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước rất nặng, xin nói với các vị, đó là việc tốt, không phải việc xấu. Ngay khi công phu thiền định của bạn sâu thì sẽ chuyển phiền não thành Bồ Đề, vừa chuyển thì quay lại.
Trong Tướng tông nói: “Chuyển Đệ Lục ý thức, vi diệu quán sát trí; chuyển Mạt Na thức, vi bình đẳng tánh trí; chuyển Tiền Ngũ thức, vi thành sở tác trí; chuyển A Lại Da, vi đại viên cảnh trí”. Điều kiện gì mới có thể chuyển được vậy? Phải có sức định, thiền định ở mức độ sâu thì chuyển được. Sự chuyển đổi này chính là trong định sanh trí tuệ thì bạn liền chuyển được.
Xin nói với các vị, nếu như không có phiền não thì không có Bồ Đề. Phiền não càng nhiều thì Bồ Đề càng lớn, cho nên chúng ta không nên sợ phiền não, cũng không cần phải lo, vì đến lúc đó chúng ta chuyển đổi lại thành vô thượng Bồ Đề.
Cho nên thành thật mà nói, trong Phật pháp nói “chuyển”, tuyệt nhiên không phải nói “diệt”, vì nếu nói đem phiền não đoạn diệt, khi phiền não diệt mất rồi thì Bồ Đề cũng đoạn diệt luôn, vậy thì phiền phức sẽ to.
Bồ Đề Niết Bàn là gì? Đó chính là tự tánh Bát Nhã. Tự tánh Bát Nhã bị mê vọng, nên chuyển biến thành phiền não. Vốn dĩ là Bồ Đề, bởi vì mê mất tự tánh cho nên mới biến thành phiền não.
Hiện tại vừa giác ngộ thì lại đem nó chuyển đổi lại, việc này chính là như vậy, không phải thật đã đoạn. Thật đã đoạn rồi thì Bồ Đề cũng không có, tự tánh cũng không còn, vậy thì luống không, là sai rồi!
Phật pháp không phải là đoạn diệt không. Ý nghĩa chữ “không” trong Phật pháp nói rất sâu. “Không” không phải là vô, không phải là đoạn diệt, mà “không” là có.
Hữu vi thì vì sao nói “không”? Hữu là không tự tánh, không có tự thể, cho nên pháp là do duyên sanh. Duyên khởi tánh không. Phàm hễ nhân duyên sanh ra đều không có tự tánh, không có tự thể.
“Đương thể giai không, liễu bất khả đắc”, không phải không có tướng, không phải không có tác dụng. Tướng, tác dụng chúng ta có thể dùng, nhưng quyết định không thể chấp trước, không thể chiếm hữu nó. Bạn muốn chiếm hữu, chấp trước nó, vậy thì sai rồi. Khác biệt giữa phàm và thánh chính ở ngay khoảng một niệm.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 26