Phật dạy chúng ta phải nỗ lực tu thiện để bù đắp lỗi lầm
Trong đời quá khứ hoặc đời này, những việc chúng ta đã làm sai rất nhiều, đều là có lỗi lầm, cho nên Phật khuyên bảo chúng ta phải nỗ lực tu thiện, bồi đắp lỗi lầm của chúng ta.
Phật dạy chúng ta phải “tu công, bổ quá”. Trong đời quá khứ hoặc ngay trong một đời này, những việc chúng ta đã làm sai rất nhiều, đều là có lỗi lầm, cho nên Phật khuyên bảo chúng ta phải nỗ lực tu thiện, bồi đắp lỗi lầm của chúng ta.
Người thế gian thường hay nói, chúng ta tạo tác tội nghiệp, bây giờ lập công, lấy công chuộc tội. Trên pháp luật thế gian có rất nhiều người làm như vậy, nhưng trong Phật pháp thì không được vậy.
Trong Phật pháp thì thiện quyết định có quả thiện, ác quyết định có ác báo, nhất định không thể nói “tôi ngày trước đã tạo ra rất nhiều tội ác, hiện tại tôi tu đại thiện, vậy tội của tôi có thể không cần trả báo”, không hề có việc như vậy. Đó là không phù hợp với định luật nhân quả.
Thế nhưng nếu như bạn ngay đời này nỗ lực tu thiện, sức mạnh của thiện đặc biệt mạnh thì quả thiện của bạn sẽ được hưởng trước, còn tội nghiệp mà bạn tạo, ác báo sẽ chậm lại, sẽ lùi lại, báo sau.
Nếu như lực lượng ác mạnh thì cái ác sẽ báo trước, cái thiện mà bạn làm sẽ báo sau, không hề không báo. Đó là định luật của nhân quả, chân lý của nhân quả. Chúng ta hiểu rõ được đạo lý này thì chúng ta không thể không khiếp sợ đối với nhân quả.
Chân thật là sợ nhân quả, vì sao vậy? Quả báo không hề sót lọt, chỉ là báo sớm hay báo trễ mà thôi, không hề không báo. Khởi một ác niệm đều phải nhận lấy báo ác, khởi một niệm thiện cũng có quả thiện. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm ba nghiệp đều đang tạo.
Tu công bù lỗi, Phật khuyên bảo chúng ta việc này không phải nói đem công bù tội, mà là hy vọng quả thiện của chúng ta báo trước, quả ác sẽ được chậm lại, làm cho nó lùi lại sau.
Giả như thiện căn của chúng ta rất lớn, chúng ta sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, việc này quá tốt, đến nơi đó để làm Phật. Sau khi làm Phật rồi, chúng ta muốn hỏi những tội nghiệp đã tạo trong đời quá khứ còn phải trả báo hay không?
Nếu như bạn nói làm Phật rồi, làm Bồ Tát rồi thì không trả báo nữa thì định luật nhân quả sẽ nói không thông. Xin nói với các vị, làm Phật làm Bồ Tát đến sau cùng vẫn phải trả báo, thế nhưng quả báo đó ở trên cảm thọ hoàn toàn không giống như chúng ta.
Hiện tại khi chúng ta trả báo chân thật là cảm thấy vô cùng thống khổ. Khi Phật Bồ Tát thọ báo thì rõ ràng, tường tận, “ồ! Nó đến rồi, đời quá khứ là do tạo ra cái nhân đó, cho nên hiện tại phải chịu quả báo này, đây là trả nợ”, cho nên trả được rất hoan hỉ, rất tự tại, từng món trong sổ đều xóa hết, đều tiêu hết, vậy an lạc dường nào.
Đời trước chúng ta gạt người ta rất nhiều tiền, chúng ta tạo ra cái nghiệp này, đời này gặp được người ta gạt tiền của chúng ta mang đi hết, chúng ta rất khổ sở. Nếu như chúng ta biết được đời trước ta đã gạt họ, hiện tại họ gạt ta, vừa lúc phải trả, một chút áo não cũng không có. Bị gạt mà còn thấy rất thoải mái, còn rất an vui, làm sao có thể giống nhau được? Cho nên Phật Bồ Tát khi đến đây chịu quả báo thì an vui tự tại.
Bạn thấy An Thế Cao thật cũng đã làm Phật, làm Bồ Tát rồi, nhưng ông vẫn phải đến Trung Quốc để chịu báo, để trả hai lần thiếu nợ mạng. Đời trước ông đã giết lầm một người, đời này đến ngay nơi đó cũng bị người ta giết nhầm lại. Giết nhầm mà vẫn còn có tội. Ông đã đoán trước, nên nói với bạn của ông: “Hôm nay tôi sẽ gặp nạn này, sẽ gặp phải sự việc này, sẽ bị chết đi. Anh nói với quan phủ là không nên trị tội người này, đây là do nghiệp lực đời trước của tôi như thế nào đó, đời này phải gánh lấy quả báo này, tôi đến đây là để trả nợ mạng”.
Không thể nói thành Phật, thành Bồ Tát thì không chịu báo, làm gì có đạo lý này. Thế nhưng cũng có trường hợp không chịu báo, đó là đối phương hai bên đều rất tường tận, “ta thiếu anh ấy một mạng, anh ấy biết rõ, anh ấy nói tôi không cần anh trả mạng”, vậy thì được, vậy thì không việc gì.
Vị Bồ Tát này đến nơi đây giảng kinh nói pháp, gặp oan gia trái chủ, nhưng những oan gia trái chủ này nghe được Phật pháp thấu hiểu rồi, “thôi vậy, món nợ về trước chúng ta bỏ qua vậy, không nên trả, không cần nữa”, vậy thì không việc gì. Cho nên, quả báo nhất định là chân thật.
Báo và không báo đều ở nơi duyên, phải xem thời tiết nhân duyên đó của bạn. Duyên có lúc có thể thao túng ở chính nơi tay chúng ta, chính mình có thể làm chủ. Phật dạy cho chúng ta “tu công bổ quá”, ý nghĩa chính ngay chỗ này.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 18