Thiên tai nhân họa từ nơi nào đến vậy?
Thiên tai nhân họa từ nơi nào đến vậy? Từ tham sân si mà biến hiện ra. Tâm tham nặng, tâm tham là nước, thủy tai liền hiện tiền; tâm sân nhuế nặng thì nạn lửa liền hiện tiền; ngu si là nạn gió; tâm địa không bình đẳng là động đất.
Phật pháp giảng cho chúng ta nghe một cách thấu triệt, chánh báo (ý niệm) của chúng ta chuyển rồi thì y báo liền theo đó mà chuyển đổi, y báo là hoàn cảnh chúng ta sinh sống.
Trong kinh Hoa Nghiêm có nói thế giới Hoa Tạng là hoàn cảnh sinh hoạt của Tỳ-lô-giá-na Phật. Lại xem, thế giới Cực Lạc là hoàn cảnh sinh hoạt của A Di Đà Phật, gọi là đài hương, cây báu.
Thanh tịnh, trang nghiêm từ đâu mà ra vậy? Đều là từ chân thành, từ bi, bình đẳng giáo hóa chúng sanh mà chiêu cảm biến hiện ra.
Ngày nay, chúng ta cư trú trên địa cầu này, địa cầu là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta, mọi người đều nhìn thấy, rất nhiều người nói địa cầu này đã bệnh rồi, bệnh rất nghiêm trọng, nơi nơi đều có thiên tai nhân họa.
Thiên tai nhân họa từ nơi nào đến vậy? Từ tham sân si mà biến hiện ra. Tâm tham nặng, tâm tham là nước, thủy tai liền hiện tiền; tâm sân nhuế nặng thì nạn lửa liền hiện tiền; ngu si là nạn gió; tâm địa không bình đẳng là động đất. Mọi người trong xã hội hiện nay có tâm thái như thế nào mà chiêu cảm những thiên tai nhân họa này?
Thiên tai nhân họa có thể được tiêu trừ, có thể được hóa giải, tôi thường nói, chính trị không giải quyết được, vũ lực quân sự không giải quyết được, kinh tế không giải quyết được, khoa học kỹ thuật cũng không làm được, mà do ở nhân tâm, phải chuyển biến nhân tâm, chỉ có sự dạy dỗ của Thánh hiền mới có thể làm được. Giáo học của Thánh Hiền là giáo học bình đẳng.
Tôi đã tiếp xúc, trò chuyện với rất nhiều lãnh tụ tôn giáo trên thế giới. Hiện tại mọi người đều ý thức được rằng tai nạn trên thế gian này thật đáng sợ. Họ đều mong cầu chúng ta làm sao có thể hòa bình, chung sống hòa thuận, có thể hợp tác với nhau. Ý thức này rất là tốt. Trong Phật pháp gọi là “thỉ giác”, là bắt đầu giác ngộ rồi. Đây là một hiện tượng tốt.
Nếu muốn thực hiện nguyện vọng của chúng ta thì phải thông qua giáo dục. Tôi nói với họ, hiện nay tôn giáo không có cách gì giải quyết vấn đề, bởi vì chúng ta chỉ có “Tôn” mà không có “Giáo”, mọi người nghĩ thử xem có đúng hay không?
Tôi đã nói trong hội nghị hòa bình tôn giáo thế giới ở Sydney, chúng ta có “Tôn”, càng cần phải xem trọng “Giáo dục”. “Tôn giáo”, giáo là giáo dục, làm thế nào dạy bảo tín đồ của các vị phát huy đại ái bình đẳng.
Trong Thiên Chúa giáo, Ki-tô giáo có câu nói: “Thượng đế yêu thương thế nhân”. Các vị nghĩ xem, câu nói “Thượng đế yêu thương thế nhân” này tuyệt đối không phải là nói Thượng đế chỉ yêu thương tín đồ của Ngài.
Người tín ngưỡng Thượng đế thì Thượng đế yêu thương họ; người không tín ngưỡng Thượng đế thì Thượng đế vẫn yêu thương họ, bởi vì họ là con người. Bởi vì Ngài yêu thương nhân loại mà, không hề nói có khác biệt ở trong đó.
Nhà Phật nói chân thật từ bi bình đẳng, yêu thương tất cả chúng sanh. Dùng tâm yêu thương chân thành vô tư mà đối đãi, phục vụ tất cả chúng sanh vô điều kiện thì vấn đề này liền được giải quyết.
Nếu còn mang điều kiện thì không thể giải quyết được vấn đề, cho nên phải phục vụ tất cả chúng sanh vô điều kiện. Chúng ta học rồi thì phải làm được. Học rồi mà không làm được, vậy thì có ích gì? Ta vẫn chiêu cảm đến tai nạn. Sau khi học rồi thì phải lập tức áp dụng, phải làm cho được.
Ngày nay chúng ta thăm hỏi các tôn giáo, các dân tộc, chúng ta phải đem lòng yêu thương chân thành, vô tư cúng dường, nhiệt tình giúp đỡ. Chúng ta được lời hưởng ứng thì chứng minh lời Phật Bồ-tát đã nói, chứng minh Thái Thượng đã nói là “duy nhân tự chiêu”. Chúng ta chiêu cảm đến rất nhiều chúng sanh cũng yêu mến chúng ta.
Từ điểm này, chúng ta liền có thể lĩnh hội một cách sâu sắc rằng xã hội an định, thế giới hòa bình là có hy vọng. Phải nhờ vào các tôn giáo trên khắp thế giới nhiệt tâm dẫn dắt, phát huy đại ái, vậy mới có thể giải quyết tai họa trước mắt. Chúng ta phải nên lĩnh hội sâu sắc cái ý này.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên tập 3