Thiên tai nhân họa xảy ra là do nguyên nhân gì?
Do nhân duyên gì mà phải chịu các loại quả báo thiên tai nhân họa: Chiến tranh, đói kém, tật bệnh, chết chóc, tai họa do người, tai vạ từ trời?
Trong Vựng Biên trích dẫn một đoạn trong kinh Hoa Nghiêm: “Diêm-phù-đề nội, ngũ trược chúng sanh, bất tu Thập Thiện, chuyên tạo ác nghiệp, sát, đạo, tà dâm, vọng ngôn, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, tham, sân, tà kiến, bất hiếu phụ mẫu, bất kính Tam Bảo, cánh tương phẫn tranh, hỗ kiến hủy nhục, nhậm tình khởi kiến, phi pháp mưu cầu. Dĩ thị nhân duyên, đao binh, cơ cẩn, tật bệnh, tử, tang, nhân họa, thiên hình, chủng chủng thọ báo” (trong cõi Diêm-phù-đề, chúng sanh ngũ trược chẳng tu mười điều thiện, chuyên tạo nghiệp ác, giết, trộm, tà dâm, nói dối, nói thêu dệt, ác khẩu, nói đôi chiều, tham, sân, tà kiến, bất hiếu với cha mẹ, chẳng kính trọng Tam Bảo, do giận dữ mà tranh chấp với nhau, hủy báng, nhục mạ lẫn nhau, theo tình chấp mà khởi sinh tà kiến, mong cầu phi pháp. Do nhân duyên ấy mà phải chịu các loại quả báo: chiến tranh, đói kém, tật bệnh, chết chóc, tai họa do người, tai vạ từ trời…).
Đoạn kinh văn này dường như là nói tình trạng xã hội chúng ta hiện nay. Thử suy nghĩ một chút, chúng ta sống trong môi trường này, điều Phật nói ra, chúng ta có phạm hay không? Nếu như có thì phải biết sám hối, phải biết sửa chữa lỗi lầm; nếu như không có thì cần phải nỗ lực động viên mình, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.
Thế gian này không có gì đáng để chúng ta lưu luyến. Thiên kinh vạn luận, Phật đều khuyên dạy chúng ta phải tu tịnh nghiệp. “Diêm-phù-đề nội” (trong cõi Diêm-phù-đề) thực tế chính là nói trái đất này của chúng ta. Chúng sanh đời ngũ trược ác thế, năm loại ô nhiễm nghiêm trọng, chúng tôi đã nói tường tận trong kinh A Di Đà rồi, trong Kinh Vô Lượng Thọ cũng nói rất nhiều.
Tu hành vào thời đại này, trong đời chúng ta, trong kinh luận có rất nhiều phương pháp mà chúng ta không dùng được. Chúng ta chỉ mong cầu mức độ thấp nhất, phương pháp có hiệu quả nhất, đảm bảo một đời này chúng ta không những không đọa ba đường ác mà nhất định còn có thể thoát khỏi tam giới, thập pháp giới.
Chúng ta ngày nay duyên có rồi, thật sự là nhân duyên hi hữu từ vô lượng kiếp đến nay. Chúng ta đời này gặp được rồi, may mắn không gì bằng. Sau khi gặp được rồi, chúng ta làm sao để nắm giữ, nhất định thành tựu, đây đều là do chính mình. Gặp được rồi, tin được, hiểu được thì đây là thiện căn. Có thể nghiêm túc nỗ lực làm thì đây là phước đức.
Thiện căn, phước đức, nhân duyên, ba điều kiện đầy đủ thì chúng ta đời này chắc chắn thành tựu. Tai nạn từ vô lượng kiếp đến nay đều có thể tránh được, đây là lời giáo huấn của chư Phật Như Lai.
Mức độ tu học thấp nhất là ngũ giới, thập thiện, phải làm được từ trên tâm địa. Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác lấy cái này làm tiêu chuẩn. Tích lũy công đức phải nương theo điều mà Thế Tôn đã nói trong kinh Pháp Hoa, đó là lấy phẩm vị thứ năm làm tiêu chuẩn. Những tiêu chuẩn này đều là thấp nhất, ai ai cũng có thể làm được.
Cổ nhân nói, pháp môn này là “vạn người tu, vạn người vãng sanh”, lời nói này là sự thật. Không đi được là do bạn không phụng hành đúng như đạo lý đã được dạy bảo. Tu hành đúng như đạo lý đã được dạy bảo thì đâu có lý nào mà không thành tựu?
Ngày nay chúng ta không cần nói hoa mỹ suông, không cần nói quá cao, quá huyền, cái đó không có lợi ích, không sát thực tế. Môi trường chúng ta sống hiện nay là gì? Trước mắt chúng ta là mức độ như thế nào?
“Pháp” nhất định phải khế hợp căn cơ của chúng ta thì chúng ta mới có thể có được sự thọ dụng chân thật. Trong kinh nói mấy câu này rất nghiêm trọng, chúng ta phải cảnh giác. “Không tu thập thiện, chuyên tạo ác nghiệp”, hai câu nói này là nói tổng quát.
Sau đó nêu ra thập ác: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, tham, sân, tà kiến là si. Chúng ta nhất định phải cảnh giác, chúng ta có mười nghiệp ác này hay không? Thực hành vào trong đời sống, Phật nói: “Bất hiếu phụ mẫu, bất kính Tam Bảo”.
Hiếu kính là căn bản xử thế của con người. Giáo dục của nhà Nho, nhà Phật đều là lấy “đạo hiếu” làm nền tảng, đến mục tiêu cuối cùng cũng chỉ là hoàn thành đạo hiếu. Cái ý này chúng tôi ở trong các buổi giảng nói rất nhiều rồi.
Chúng ta đối với hai chữ “hiếu kính”, quả thật mà nói là không hiểu. Đây cũng khó trách! Tại sao không hiểu vậy? Không có người dạy thì bạn làm sao mà biết được? Phật nói trong kinh, nhĩ căn của chúng sanh cõi Diêm-phù-đề nhạy bén nhất; thấy mà hiểu, điều này thì khó; nghe mà hiểu thì dễ hơn nhiều, do nhĩ căn nhạy bén. Thế nhưng trong đời này không có duyên phận gặp được thiện tri thức, không có người đem những sự việc này giảng rõ ràng cho chúng ta, cho nên chúng ta căn bản là không biết.
“Hiếu thân, tôn sư”, nhận thức bốn chữ này, cách giảng giải như thế nào còn không biết thì làm sao mà bạn biết làm được? Chúng tôi đã giảng qua kinh Địa Tạng. Mỗi lần giảng kinh gặp phải những kinh văn này chúng tôi đều giảng tỉ mỉ. Hy vọng các đồng tu chúng ta huân tập thật nhiều, sau đó mới có thể thật sự hành trì ở trong đời sống, đề cao sự cảnh giác của mình, khích lệ mình nghiêm túc nỗ lực tu học.
Trong kinh văn nói: “Cánh tương phẫn tranh”, đây là đạo lý đương nhiên, trong kinh Phật gọi là đấu tranh kiên cố, mỗi một người đều chấp trước tà kiến của chính mình, thế gian chúng ta gọi là thành kiến. Mỗi người đều có kiến giải của riêng mình, kiến giải đôi bên không giống nhau liền xảy ra tranh chấp. Người tranh với người, nước tranh với nước, vậy thì có nguy không! Tiếp theo nói: “Hỗ kiến hủy nhục”. Đôi bên phỉ báng lẫn nhau, nhục mạ lẫn nhau. “Nhậm tình khởi kiến”. “Nhậm” là buông trôi, “tình” là tình chấp. Hoàn toàn tùy thuận theo tình cảm chấp trước của mình mà sinh khởi tà tri tà kiến.
“Phi pháp mưu cầu”. Cầu danh, cầu lợi dưỡng, cầu địa vị. Những cái mà bạn mong cầu đều dùng cách thức không chính đáng, không hợp lý, không hợp pháp để mưu cầu. Thử hỏi xem, có thể cầu được hay không? Cũng có khi cầu được. Tại sao bạn cầu được vậy? Vì trong mạng bạn có. Trong mạng không có thì có cầu cũng không cầu được. Những sự việc này ở trong Liễu Phàm Tứ Huấn nói rất rõ ràng, quý vị có thể xem nhiều lần.
Trước đây chúng tôi có giải thích cặn kẽ về Liễu Phàm Tứ Huấn, còn lưu giữ băng ghi âm, mọi người có thể nghe nhiều một chút. Có câu là “Mọi thứ đều do mạng, chẳng chút nào do người quyết định”. Lời nói này rất có đạo lý, cũng là chân tướng sự thật.
Nhưng nhà Phật lại nói: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng ” (trong cửa Phật có cầu ắt có ứng), xưa nay tổ sư đại đức dạy chúng ta lời nói này rất hay. Trường hợp Thiền sư Vân Cốc dạy Viên Liễu Phàm là một ví dụ rất rõ ràng.
Khi tôi mới học Phật, Đại sư Chương Gia chỉ dạy tôi “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”, nhưng phải cầu như lý như pháp. Mưu cầu không như pháp thì chắc chắn không cầu được. Mưu cầu không như pháp mà có được là do trong mạng của bạn có sẵn, nhưng bạn đã bị tổn phước. Trong mạng có mười phần, bởi vì bạn mưu cầu phi pháp nên chỉ có được năm phần, đã tổn mất một nửa rồi. Bạn cần phải biết những đạo lý sự thật này. Bởi do nhân duyên này nên thế gian này mới có chiến tranh. Chiến tranh là nhân họa, bị đói kém, bị bệnh tật, ở đây nói bệnh tật là ôn dịch.
Mấy năm nay quý vị thấy súc sanh bị dịch bệnh nghiêm trọng. Ở Anh, bò bị ôn dịch; mấy năm trước ở Hồng Kông, gà bị ôn dịch; Đài Loan, heo bị ôn dịch, bị giết trên một triệu con. Nhưng một ngày nào đó, đến khi người bị ôn dịch thì làm thế nào? Điều này rất có thể xảy ra. “Thiên tai, nhân họa, chủng chủng thọ báo”. Thọ báo từ đâu ra vậy? Là tự mình tạo tác.
Người không hiểu rõ chân tướng sự thật nên họ không tin, còn chúng ta tin. Chúng ta nhìn thấy súc sanh thọ báo, phải nghĩ đến súc sanh đời trước cũng là người, tại sao đời này chúng lại mang thân súc sanh? Vì tạo nghiệp bất thiện nên ngày nay đọa vào thân súc sanh. Đọa vào cái thân này còn phải chịu ác báo, bạn nói thử xem, thê thảm cỡ nào! Từ đó cho thấy, đều là tự làm tự chịu, nhất định không phải do người khác tạo ra.
Năm nay là năm 1999, lời tiên tri cổ xưa của toàn thế giới đều nói năm nay có tai nạn lớn. Những tin tức này in thành sách rất nhiều, chúng ta có thể xem thấy ở khắp nơi. Hôm qua, đồng tu Đài Loan điện thoại nói với tôi, xã hội Đài Loan hiện nay đại khái cũng chịu sự ảnh hưởng của loại tin tức này, lòng người phập phồng bất an.
Trên đài truyền hình có một số người giải thích loại tiên tri này không phải hoàn toàn đáng tin, khuyên mọi người không nên tin theo, hãy cứ định tâm trở lại. Đây là một phương pháp làm yên lòng người trong xã hội, nhưng không phải là phương pháp cứu cánh viên mãn. Phương pháp rốt ráo viên mãn là phải nói rõ ràng những chân tướng sự thật này.
Vận mệnh chắc chắn là có, mỗi người đều có vận mệnh, gia đình có vận mệnh, quốc gia cũng có vận mệnh, thế giới vẫn là có vận mệnh. Vận mệnh là do bản thân chúng ta tạo nên thì đương nhiên chúng ta có thể thay đổi được vận mệnh của mình. Cổ nhân hiểu được đạo lý này, cho nên vào thời xưa, khi gặp phải bị thiên tai nhân họa thì đế vương và đại thần đều sám hối; phản tỉnh sám hối, sửa đổi lỗi lầm, đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức.
Người xưa biết làm như vậy, trong nhà gặp phải bất hạnh thì người cả nhà sám hối, người cả nhà sửa chữa lỗi lầm; quốc gia gặp phải những tai nạn thì đế vương dẫn đầu tu pháp sám hối. Đây là rất có đạo lý, hoàn toàn không phải là mê tín.
Người hiện nay tự cho rằng mình thông minh, tự cho rằng tri thức khoa học vượt qua tất cả. Thực tại mà nói, nếu như mê tín khoa học thì không bằng mê tín cổ thánh tiên hiền. Nên biết rằng tri thức hiểu biết của cổ thánh tiên hiền đã được tích lũy cả hàng trăm hàng ngàn năm, sẽ không có sai lầm.
Khoa học rốt cuộc có sai lầm hay không, hiện nay vẫn chưa được phát hiện, bởi vì thời gian của nó đến nay không dài. Hay nói cách khác, chưa được lịch sử khảo nghiệm. Lời giáo huấn của cổ nhân đã trải qua sự kiểm chứng của lịch sử, chúng ta sao có thể lơ là được?
Cho nên nói đến lý luận và phương pháp tránh hung tìm kiết, vẫn là ở trong Phật pháp, ở trong sách xưa của Nho gia, Đạo gia. Trước tiên, nhất định phải làm cho rõ ràng, sáng tỏ khái niệm thiện-ác, tà-chánh, thị-phi, thì chúng ta mới biết được cái gì là ác, phải đoạn ác như thế nào; cái gì là thiện, phải tu thiện như thế nào. Trong cuộc đời ngắn ngủi này của chúng ta nên nắm chắc cơ duyên hi hữu khó gặp.
Trong kinh Phật thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó được nghe”. Tin được, hiểu được, y giáo phụng hành thì chúng ta có thể xa lìa tai họa; thật sự có thể tiêu nghiệp chướng, vượt qua tất cả khổ ách. Đây là việc mà con người có thể làm được, phải tìm ra nguyên nhân của kiết hung họa phước rồi đem nguyên nhân của hung họa tiêu trừ.
Tiêu trừ từ đâu vậy? Tiêu trừ từ trong tâm. Cái gốc của tích phước phải bồi dưỡng từ trong tâm thì tự nhiên chúng ta sẽ không gặp tai họa ở trong cuộc đời nữa. Thật sự sám trừ nghiệp chướng, thật sự tu tích công đức từ ngay hôm nay và từ ngay bây giờ. Hy vọng mọi người chúng ta hiểu rõ và nghiêm túc nỗ lực khích lệ mình làm.
Chúng ta là một người tu hành, tâm lượng phải phát cho lớn, thay thế cho tất cả chúng sanh mê hoặc điên đảo của cả thế gian này. Chúng ta tu thay cho họ, cũng có thể tiêu trừ tai nạn cho họ. Trước tiên là tiêu trừ tai nạn của chính mình, mặc dù không thể tiêu trừ hết được tai nạn của họ thì ít nhất cũng có thể tiêu trừ một phần nào tai nạn của họ; tai nạn giảm nhẹ và thời gian tai nạn rút ngắn. Hiệu quả này là chắc chắn.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên tập 7