Pháp Vi Diệu

Tịnh Nghiệp Tam Phước: Phước Thứ Nhất

Trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, phước thứ nhất có bốn câu “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”.

Trong “Tam phước”, phước thứ nhất là phước báo nhân thiên, có bốn câu.

Câu thứ nhất, “Hiếu dưỡng cha mẹ”

Người học Phật chúng ta, nếu như làm người mà cũng làm không tốt thì làm Phật Bồ Tát nhất định sẽ không có phần. Muốn học làm Bồ Tát, học làm Phật, trước tiên bạn phải làm người cho tốt. Cho nên, Đại sư Ấn Quang đề xướng “Giữ tâm tốt, làm việc tốt, nói lời hay, làm người tốt”. Chúng ta đem giáo huấn của Tổ sư phổ biến rộng lớn. Người làm tốt, trong Kinh nói việc thứ nhất là hiếu dưỡng cha mẹ. Chữ “dưỡng” này hay, không chỉ phải dưỡng cái thân của cha mẹ, chăm sóc đi đứng, đời sống tuổi già của cha mẹ. Tuổi tác của cha mẹ lớn rồi, thể lực suy yếu, cần có người chăm sóc, đây là dưỡng cái thân của cha mẹ. Đời sống đi đứng chăm sóc rồi, nếu như để cha mẹ thường hay lo buồn thì cũng là bất hiếu, chưa thể tận được hiếu.

Cha mẹ lo buồn điều gì? Đại khái rất khó xả chính là con cháu. Nếu như con cái nhiều, con cái bất hòa thì cha mẹ sẽ lo lắng. Con cái đều thành gia rồi, giữa chị em bạn dâu bất hòa, cha mẹ cũng buồn lo. Nếu như con cháu nhiều, quyến thuộc nhiều, thì điều mà cha mẹ buồn lo phân tâm sẽ càng nhiều.

Do đây có thể biết, phải dưỡng tâm của cha mẹ, để cha mẹ không có lo buồn, hoan hỉ vui vẻ mà trải qua ngày tháng. Việc này thì không dễ. Không những gia đình hài hòa, thân tộc hòa thuận, bè bạn hòa kính mà đi học ở trường phải tôn trọng lão sư, hòa thuận với các đồng học, hữu ái đồng học; làm việc ở trong xã hội phải tôn trọng người lãnh đạo, hòa thuận đối với đồng liêu của bạn thì cha mẹ của bạn mới có thể an lòng.

Trung Quốc thời xưa, những người làm đế vương, vì quốc gia, vì địa phương chọn ra nhân tài lãnh đạo thì họ đề bạt những hiếu tử, nên gọi là “Trung thần xuất thân từ hiếu tử”. Họ ở trong nhà có thể tận hiếu, nên khi được tuyển chọn ra thì họ tự nhiên liền có thể tận trung đối với tổ quốc. Trung hiếu là một thể, trong đó không có giới hạn.

Người thế gian nói hiếu, nhà Nho nói hiếu, Đạo gia nói hiếu, đại khái đến chỗ này có thể nói là rất viên mãn. Thế nhưng trong nhà Phật nói hiếu thì vẫn chưa được. Nếu như dùng tiêu chuẩn của nhà Phật để nói thì bạn làm như vậy chỉ mới làm được một phần mười, vẫn còn chín phần mười bạn chưa làm được, thế nhưng một phần mười này đối với người thế gian mà nói là rất viên mãn rồi.

Chúng ta xem một gương đại hiếu trong lịch sử Trung Quốc thời xưa, đó là vua Thuấn. Ở phía trước đã nói, dưỡng thân của cha mẹ, dưỡng tâm của cha mẹ, ông thật đã làm được rất viên mãn, không chỉ người thời đó tán thán, mà người đời sau chúng ta xem thấy ghi chép này, tâm cung kính tự nhiên liền sanh khởi. Vì sao Phật pháp nói bạn chưa tận được hiếu?

Phật pháp hiểu rõ tường tận, sinh mạng là vĩnh hằng, không phải chỉ một đời, mà còn có đời quá khứ, có đời vị lai. Nếu như bạn để cho cha mẹ bạn vẫn cứ ở trong sáu cõi luân hồi thì bạn là đại bất hiếu. Nếu muốn cha mẹ thoát khỏi sáu cõi luân hồi thì trước tiên chính bạn phải thoát khỏi sáu cõi luân hồi, khi đó bạn mới có thể giúp đỡ cha mẹ, bạn mới có thể giúp đỡ thân bằng quyến thuộc của bạn. Nếu chính bạn không thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi, chữ hiếu nói trong nhà Phật bạn còn kém quá xa. Đây chính là nói phải “dưỡng cái chí của cha mẹ”, ý nghĩa trong đây rất sâu rộng.

Con cái có thể làm Phật, làm Bồ Tát thì việc báo hiếu đối với cha mẹ mới xem là làm đến được viên mãn. Nếu lấy tiêu chuẩn của nhà Phật mà nói, nhất định bạn phải chứng được quả Phật viên mãn thì chữ hiếu này mới làm đến viên mãn. Bồ Tát Đẳng Giác vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, cho nên hiếu đạo còn kém khuyết một phần, chưa làm được viên mãn. Đây là nhà Phật cùng nhà Nho nói hiếu trên cảnh giới có chỗ không giống nhau, thế nhưng học thuyết, tu trì, giáo học của Nho và Phật đều lấy hiếu làm căn bản, đều là kiến lập ở trên nền tảng của hiếu đạo. Đó là điểm giống nhau, thế nhưng cảnh giới thì không giống nhau.

Câu thứ hai, “Phụng sự sư trưởng”

Đây là sư đạo. Sư đạo được xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo. Phật pháp khẳng định, người học Phật chúng ta cung kính đối với Phật, lạy Phật mỗi ngày, nhưng bạn không cung kính đối với cha mẹ, cho nên bạn học Phật không thành. Các vị thử tỉ mỉ mà nghĩ tưởng xem, bạn học Phật học được mấy năm, thậm chí học được mấy mươi năm mà vẫn cứ là một phàm phu, chưa vào được cảnh giới của Phật. Do nguyên nhân gì vậy? Bạn vừa mở đầu đã sai. Bạn phải nên làm thế nào? Cha mẹ ở nhà là hai vị Phật sống, Phật tượng bằng gỗ, xi măng bạn bái lạy mỗi ngày, còn cha mẹ là hai vị Phật sống thì bạn không lạy. Bạn học thế nào vậy? Bạn làm sao có thể có được thành tựu? Chỗ này không phải tôi dạy bạn, đây là Thế Tôn dạy cho chúng ta.

Cha mẹ ở nhà là hai vị Phật sống, tuy không cần mỗi ngày sáng sớm bạn thức dậy, hướng đến cha mẹ dập đầu ba lạy, cha mẹ cũng không hy vọng bạn làm như vậy, thế nhưng cái tâm cung kính hiếu thuận đối với Phật như thế nào thì nhất định đối với cha mẹ cũng phải y như vậy.

Người học Phật chúng ta mỗi ngày đều tụng khóa sớm, trước phải lễ Phật, sau đó tụng Kinh, niệm Phật, tam quy, hồi hướng. Bạn làm những thứ này để làm gì vậy? Sau khi làm rồi, chúng ta phải đem dùng ở ngay trong đời sống hôm nay. Cha mẹ là hai vị Phật sống, ngoài cha mẹ ra còn phải coi tất cả chúng sanh đều là Phật thì chúng ta liền vào được cảnh giới “Hoa Nghiêm”.

Cha mẹ là Phật, người khác không phải là Phật, việc này thông thường Kinh Đại thừa nói: “Nếu như bạn có thể xem tất cả chúng sanh đều là Phật, thì bạn vào được cảnh giới “Hoa Nghiêm””. Cái tâm cung kính này không có thì làm sao được? Phật là thầy giáo, Phật dạy chúng ta phải đặt cha mẹ ở ngôi thứ nhất, thầy giáo đặt ở ngôi thứ hai.

Hiện tại chúng ta xem thấy rất nhiều gia đình, cha mẹ phản đối con cái học Phật, có đạo lý hay không vậy? Có đạo lý! Cha mẹ thấy con cái xem thấy pháp sư thì cúi đầu kính lễ, cung kính cúng dường sư phụ của họ; trong khi cha mẹ muốn mua một ít đồ thì họ rất khó mà đưa tiền ra, sắc mặt cũng rất khó coi.

Người làm cha mẹ liền nghĩ, vì sao hòa thượng là người ngoài, không có liên quan gì với bạn mà bạn thân thích đến như vậy, còn ân dưỡng dục của cha mẹ đối với bạn thì bạn thảy đều quên, người ngoài nói ra vài câu lừa dối thì bạn liền tin tưởng. Vậy thì làm sao mà cha mẹ bạn không cảm thấy đau lòng, làm sao cha mẹ bằng lòng để bạn đi học Phật? Cho nên, cha mẹ không hề làm sai. Ai làm sai vậy? Pháp sư làm sai. Pháp sư không dạy nên con cái không hiểu chuyện, không hiểu Phật pháp.

Mỗi ngày bạn cung kính đối với cha mẹ, mỗi ngày cúng dường cha mẹ bao đỏ, cha mẹ sẽ nói: “Con cái của tôi học Phật thật đúng!”. Họ liền khuyên mọi người học Phật, sẽ không chướng ngại. Mỗi ngày cúng dường cha mẹ bao đỏ là đúng, không cần phải nhiều, bạn thấy như các bạn cúng dường pháp sư vậy, trong bao đỏ đó hai đồng, ba đồng thì được rồi, bạn mỗi ngày đều cúng dường như vậy, không nên quên. Như vậy thì bạn chính là “tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức”, vậy thì bạn chính là “cụ túc vô lượng hạnh nguyện”.

Bạn học rồi mà không chịu làm thì làm sao được? Nếu bạn chưa làm thì bắt đầu từ sáng ngày mai bạn phải làm. Kinh này các vị không nghe suông mà phải nỗ lực làm, làm cho người trong gia đình bạn đều sanh tâm hoan hỉ. Bạn học Phật làm cả nhà đều hoan hỉ, đều học Phật, sau đó bạn mới khuyên cha mẹ bạn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đó là đại hiếu. Như vậy thì “Phụng sự sư trưởng”, cha mẹ bạn sẽ không phản đối bạn bái lão sư hay đi học Phật. Lão sư phải cố gắng dạy bảo bạn làm thế nào hiếu dưỡng cha mẹ, thương yêu anh em, cùng xã hội đại chúng hòa thuận ở với nhau, hợp tác lẫn nhau, làm cho xã hội này phồn vinh, hưng vượng và an định. Đó là giáo học. Vị lão sư này đáng được chúng ta tôn kính, đáng được chúng ta học tập.

Sau đó chúng ta lại đem tâm lượng mở rộng ra, đó chính là pháp môn của Bồ Tát Quán Âm. Các vị phải nên biết, “hiếu thân tôn sư” mà phía trước đã nói là pháp môn Địa Tạng, đây là pháp chuyển đổi tốt tâm địa, tử tưởng, hành vi của chúng ta. Khi vừa nâng lên thì là pháp môn Quán Âm. Bồ Tát Quán Thế Âm đại từ đại bi.

Câu thứ ba, “Từ tâm bất sát”

“Từ tâm bất sát” là bồi dưỡng, mở rộng tâm từ bi của bạn. Từ bi chính là thương yêu. Người thế gian nói “yêu”, mọi người đều biết Kitô giáo nói “bác ái”. Lịch sử của chúng ta sớm hơn Kitô giáo, theo cách nói của người phương tây, chí ít cũng sớm hơn 5.000 năm, nhưng nếu theo ghi chép của lịch sử Trung Quốc thì sớm hơn 1.000 năm.

Phật pháp vì sao không dùng từ “yêu”? Yêu là cảm tình cho nên mới đổi tên gọi khác là “từ bi”. Từ bi là có lý trí, yêu có lý tính, không phải yêu của cảm tình. Yêu của lý tính thì gọi là từ bi, việc này chúng ta cần phải nên hiểu. Phải bồi dưỡng tâm yêu thương, mở rộng tâm yêu thương một cách thanh tịnh và bình đẳng.

Sau đó Phật dạy chúng ta ngay trong cuộc sống thường ngày phải “tu mười nghiệp thiện”. Chúng ta nhất định phải tuân thủ mười nguyên tắc này.

Câu thứ tư, “Tu mười nghiệp thiện”

Thứ nhất là “Thân nghiệp”. Thân nghiệp gồm:

“Không sát sanh”. Chúng ta không những không tổn hại tất cả chúng sanh, mà nếu như chúng ta khiến cho chúng sanh phiền não thì chúng ta có lỗi lầm. Chỗ nào Bồ Tát ở thì khiến cho tất cả chúng sanh sanh tâm hoan hỉ. Đạo lý này chúng ta phải hiểu. Chúng ta phải nỗ lực mà học tập, phải đem nó làm cho được.

“Không trộm cắp”. Phạm vi không trộm cắp ở đây rất rộng lớn. Trên Kinh Phật đích thực phiên dịch là “bất dư thủ”. Vật, đồ vật đã có chủ, nếu người chủ không đồng ý thì chúng ta không thể lấy đi. Không những không thể lấy mang đi mà cũng không thể di động nó, vì nếu như bạn di dời nó, tuy là bạn chưa dùng đến nó, thế nhưng khi người chủ đến muốn tìm cũng tìm không được, bạn đã làm cho họ sanh phiền não, vậy thì cũng không được. Cho nên điều cấm giới này không dễ gì làm được. Người học Phật phải từ ngay chỗ này mà nỗ lực học tập làm theo.

“Không tà dâm”. Đây là đối với đồng tu tại gia. Người tu tại gia đều có chồng vợ, đều có hôn phối. Chồng vợ là đạo nghĩa, nhất định phải giữ lễ, giữ phép, có tình, có nghĩa, có ân, có đức. Đây đều là ba điều mà thân thể tạo tác nên Phật nêu ra cho chúng ta ba nguyên tắc quan trọng.

– Thứ hai là “Khẩu nghiệp”. Lời nói thì rất dễ dàng phạm phải, cho nên Phật đã nói ra bốn điều.

Không vọng ngữ”. Không vọng ngữ chính là không lừa gạt người khác.

Không hai lời”. Hai lời chính là khiêu khích phải quấy.

Không ác khẩu”. Ác khẩu chính là lời nói thô lỗ, làm cho người nghe rất là khó nghe, thậm chí còn sanh ra lỗi lầm.

Không thêu dệt”. Thêu dệt là lời nói bóng bẩy, ngon ngọt, mê hoặc người khác. Hiện tại chúng ta xem thấy một số truyền hình, phim ảnh, ca múa, có lúc thì màu vàng, có lúc thì màu xám, loại này đều là thuộc về thêu dệt mà trong Phật pháp đã nói, khiến cho mọi người rất thích nghe, nhưng bên trong dạy người đều không phải là chánh pháp, đều là phá hoại đạo đức xã hội chứ không phải xây dựng. Cho nên những thứ này chúng ta cần phải nên ít tiếp xúc, chính mình càng không nên làm những việc này.

Thứ ba là ý nghiệp, chính là khởi tâm động niệm.

Trong ý nghiệp nhất định phải học “không tham, không sân, không si”. Thuận cảnh không sanh tâm tham ái, nghịch cảnh cũng không khởi tâm sân hận, đối với tất cả sự lý rõ ràng, tường tận, thông suốt, thấu đáo, đó là trí tuệ, chính là không mê. Tham-Sân-Si nhà Phật gọi là phiền não ba độc, vì tất cả ác pháp đều là từ tham-sân-si mà sanh ra. Chúng ta ngay trong lúc giảng giải thường hay vận dụng danh từ hiện đại, gọi là bệnh độc.

Bệnh độc nghiêm trọng nhất gọi là tham-sân-si. Nếu như bên trong có tham-sân-si, ngoài có mê hoặc của năm dục sáu trần, con người này làm sao có thể chịu nổi, làm sao mà không bị bệnh chứ? Không những thân bị bệnh mà y báo cũng tùy theo đó mà chuyển. Y báo là hoàn cảnh sinh hoạt, hoàn cảnh sinh hoạt cũng biến đi càng ngày càng xấu.

Hiện tại các vị đều biết, đại hoàn cảnh sinh hoạt hiện tại của chúng ta mỗi năm càng tệ đi. Đại hoàn cảnh sinh hoạt là địa cầu. Hiện tại trong xã hội có rất nhiều người nói địa cầu này bệnh rồi. Địa cầu vì sao bệnh chứ? Bạn thấy khí hậu khác thường, tai nạn triền miên, hơn nữa tai nạn mỗi năm một nghiêm trọng hơn. Địa cầu này chân thật bệnh rồi. Địa cầu vì sao bệnh? Là tâm của chúng ta không tốt.

Trong tâm của chúng ta có tham-sân-si, cho nên thân có bệnh, hoàn cảnh đời sống cũng có bệnh, đúng như Phật pháp đã nói “đời ác năm trược”. Trước đây chúng ta đọc câu “đời ác năm trược” này không dễ gì cảm xúc được, vì thấy thế gian này rất đẹp mà sao Phật lại nói thế giới này là đời ác năm trược.

Ngày nay chúng ta đọc đoạn Kinh văn này mới sâu sắc cảm nhận được Thích Ca Mâu Ni Phật thật rất trác tuyệt, trí tuệ chân thật, vào ba ngàn năm trước Ngài đã biết được địa cầu của chúng ta bệnh rồi, chân thật là tướng năm trược hiện tiền.

Chúng ta có thể làm được bốn câu “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Hiện tại phải làm ngay, phải nỗ lực chăm chỉ mà làm thì bạn niệm danh hiệu Phật sẽ tương ưng với Phật. Cũng giống như điện báo, đường truyền đã được thông, chúng ta vừa niệm A Di Đà Phật thì liền có cảm ứng với A Di Đà Phật.

Nếu như bạn không làm được bốn câu này thì cho dù một ngày bạn niệm mười vạn danh hiệu Phật, nhưng một lời A Di Đà Phật cũng không nghe thấy, vì bên trong có chướng ngại, đường điện tín không thông.

Bạn cần phải làm cho được chỗ này, đó chính gọi là “Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”.

Nếu việc này bạn làm không được thì một ngày bạn niệm mười vạn danh hiệu, Đại đức xưa nói: “Đau mồm rát họng chỉ uổng công”.

Cho nên, người niệm Phật rất nhiều, người vãng sanh không nhiều, nguyên nhân chính ngay chỗ này. Chúng ta không thể không hiểu. Bạn hiểu được rồi, đem những lỗi lầm thiếu sót thay đổi lại, thì bạn cùng với A Di Đà Phật liền có thể giao thông, liền có thể qua lại, ngay trong mỗi niệm liền có cảm ứng. Từ trên nền tảng này phước đức trời người này mà nâng cao, thì mới vào được cửa Phật….

Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 23

Bài viết liên quan

Ý nghĩa danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát

Thiện Quang

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm 1: Pháp Hội Thánh Chúng

Thiện Quang

Nguyện thứ 23: Nguyện chán thân nữ chuyển thân nam

Thiện Quang

Đại tịch định là gì?

Thiện Quang

Nguyện thứ 2: Nguyện không đọa ba đường ác

Thiện Quang

Trì danh niệm Phật là con đường tắt nhất để thành Phật

Thiện Quang

Phổ Hiền Hạnh Nguyện: Thỉnh Phật Trụ Thế

Thiện Quang

Chính mình phải sanh tâm hổ thẹn, trách cứ chính mình

Thiện Quang

Thích Ca Mâu Ni Phật suốt đời giảng kinh, giảng những gì?

Thiện Quang