Nguyện thứ 2: Nguyện không đọa ba đường ác

Nguyện thứ hai là Nguyện không đọa ba đường ác. Nguyện này là nối tiếp nguyện trước mà có. Đây là chỗ chân thật thù thắng trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Kinh văn: “Sở hữu nhất thiết chúng sanh, dĩ cập Diệm-ma-la giới, tam ác đạo trung, lai sanh ngã sát, thọ ngã pháp hóa, tất thành A-nậu-đa-la tam miệu tam Bồ Đề, bất phục canh đọa ác thú. Đắc thị nguyện, nãi tác Phật. Bất đắc thị nguyện, bất thủ vô thượng chánh giác”.

Dịch: Nếu có chúng sanh trong ba đường ác cho đến từ địa ngục sanh về cõi con, thọ giáo pháp của con, tất thành A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, không đọa lại ba đường ác nữa. Được như vậy con mới làm Phật. Nếu không được như nguyện, thề không thành Vô thượng Chánh giác.

Đây là nguyện thứ hai, “Bất đọa ác thú nguyện”. Nguyện này là nối tiếp nguyện trước mà có. Đây là chỗ chân thật thù thắng trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Trong nguyện thứ nhất đã nói qua với quí vị là thế gian khổ nhất (đây là nói mười pháp giới) không gì bằng ác đạo.

Ác đạo từ đâu mà có vậy? Từ ác nghiệp biến hiện ra. Đúng như Phật thường nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Đây là tư tưởng vô cùng bất thiện biến hiện ra loại cảnh giới này. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ác đạo, như vậy đã nói rõ là người của thế giới Tây Phương Cực Lạc không có người nào là người ác.

Phàm là sanh đến thế giới Cực Lạc đều cùng “Chư thượng thiện nhân, câu hội nhất xứ”. Dù cho trong A-lại-da thức chủng tử tập khí ác vẫn chưa thể đoạn hết, nhưng thế giới Tây Phương Cực Lạc không có duyên ác, bất kể là môi trường nhân sự hay môi trường vật chất cũng đều tốt đẹp đến cực điểm; nhân ác không gặp được duyên ác thì không khởi hiện hành, đây là nguyên nhân đích thực của thế giới Tây Phương Cực Lạc có thể không có ác đạo.

Phàm là người vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, ở chỗ này chúng ta phải đặc biệt lưu ý, chúng ta cầu mong vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc không thể không biết, về thế giới Tây Phương Cực Lạc cần có điều kiện gì vậy? Cổ đức đã nói với chúng ta, nhất định phải đầy đủ ba điều kiện là tín, nguyện, hạnh. Ý nghĩa của ba chữ này rất sâu, rất rộng, chúng ta dứt khoát không được coi thường. Sao gọi là tín? Sao gọi là nguyện? Sao gọi là hạnh? Nếu như hỏi chi tiết như vậy, thì vấn đề đều được hỏi ra hết rồi.

Chúng ta có phải thật sự tin hay không? Trong “Yếu Giải Kinh A Di Đà”, Ngẫu Ích Đại sư nói với chúng ta tín có sáu loại. Nói sáu loại là giảm đến mức không thể giảm nữa. Sáu loại này đều ở trong kinh Vô Lượng Thọ.

Thứ nhất là tin chính mình. Mình có Phật tánh, mình hiện tại là Phật chưa thành, nên nhớ mình là Phật nhưng hiện tại vẫn chưa thành tựu, là Phật chưa thành tựu. Gọi là chưa thành tựu vì còn mang rất nhiều tập khí, phiền não, ác nghiệp, là một vị Phật như vậy. Đây là thân phận của chúng ta hiện nay.

Thứ hai, tin rằng Phật A Di Đà, Thích Ca Thế Tôn, các Ngài là Phật đã thành. Chưa thành, đã thành gom hết, chúng ta đều là Phật, điều này phải tin chắc. Không tin rằng mình là Phật, thì mình làm sao có thể làm Phật chứ? Tín tâm phải được xây dựng từ chỗ này.

Địa vị của Phật là gì vậy? Ở trong tất cả kinh luận Đại thừa đều nói rất hay: “Đạo sư trong tam giới”, mẫu mực của trời người. Cho nên, tấm gương tốt nhất, mẫu mực tốt nhất của tất cả chúng sanh trong mười pháp giới chính là chư Phật Như Lai. Chúng ta phải có tín tâm, chúng ta có thể làm được.

Tâm thanh tịnh là chân tâm của chúng ta, là bản tánh của chúng ta, trong đó vốn dĩ không có phiền não, không có chấp trước, không có phân biệt, không có vọng tưởng. Hiện nay có hay không vậy? Xin thưa với quí vị, hiện nay vẫn không có. Nếu như ở trong tự tánh thật sự có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì đó không phải chân tánh, ở trong chân tánh nhất định không có.

Chư Phật Như Lai từ trong tự tánh nhìn tất cả chúng sanh (tất cả chúng sanh là bao gồm tất cả con người, tất cả chúng sanh hữu tình, chúng sanh vô tình) đều là chư Phật Như Lai. Mắt Phật nhìn tất cả chúng sanh đều là chư Phật Như Lai. Tại sao vậy? Thấy tánh, không chấp tướng. Chúng ta ngày nay mê rồi.

Mê chỗ nào vậy? Chấp tướng không thấy tánh, hoàn toàn tương phản với Phật, Bồ Tát, cho nên gọi là điên đảo vọng tưởng. Chúng ta điên đảo rồi. Điên đảo chính là vọng tưởng, không điên đảo gọi là chánh niệm. Chư Phật Bồ Tát là chánh niệm, chúng ta là vọng tưởng. Chúng ta phải hiểu cho rõ ràng, sáng tỏ tại sao có những tên gọi này.

Nguyện thứ hai và nguyện thứ nhất có gì khác biệt vậy? Khác biệt ở chỗ thế giới Tây Phương Cực Lạc không những không có ba đường ác, không những không có duyên ác, mà thậm chí là người từ “Diệm Ma La giới” đi vãng sanh. “Diệm Ma La giới” là nói địa ngục, là tầng thấp nhất ở trong lục đạo. Những chúng sanh trong địa ngục duyên chín muồi rồi cũng có thể vãng sanh.

Thưa quí vị, Bồ Tát Địa Tạng độ chúng sanh trong địa ngục là độ loại chúng sanh nào vậy? Chúng ta phải hiểu rõ. Ở trong Phật pháp thường nói: “Phật không độ người không có duyên”. Chúng sanh không có duyên, Phật Bồ Tát độ không nổi. Phật độ chúng sanh cũng giống như ở thế gian này của chúng ta vậy. Phật Bồ Tát độ người ở trong thế gian này của chúng ta, người đó cũng phải có duyên với Ngài, không có duyên Ngài cũng không độ nổi. Không có duyên tức là không nghe theo lời chỉ dạy, không tin tưởng, đối với họ thì Phật Bồ Tát cũng đành chịu thôi. Độ chúng sanh ở trong địa ngục cũng như vậy.

Xin thưa thêm với quí vị đồng tu, chúng sanh ở trong địa ngục, cơ hội được độ ít hơn so với nhân gian chúng ta. Bạn muốn hỏi đạo lý gì vậy? Phật đã từng nói ở trong kinh rằng: “Giàu có khó học đạo, nghèo cùng khó học đạo”. Người giàu có hằng ngày hưởng lạc, bạn bảo họ đến đây để nghe kinh niệm Phật, họ chịu không nổi, họ sẽ không đến.

Người nghèo cùng mỗi ngày ba bữa ăn còn chẳng đủ no, bạn bảo họ đến đây để nghe kinh hai giờ đồng hồ, họ đứng ngồi không yên, họ suy nghĩ không biết ngày mai làm sao có cơm để ăn. Cho nên, cơ duyên được độ nhiều nhất là những gia đình bậc trung, đời sống tạm ổn, không quá giàu có, cũng không phải quá bần tiện. Quí vị thử nhìn thật kỹ người đến Phật đường chúng ta để nghe kinh, để niệm Phật, đều chẳng phải là những người này hay sao?

Dùng ví dụ này để xem lục đạo, cõi trời cũng giống như nhà giàu có, Phật độ chúng sanh ở cõi trời không dễ đâu! Người được độ rất ít. Độ chúng sanh ở ba đường ác cũng khó! Ba đường ác cũng giống như nhà bần tiện vậy, đặc biệt là địa ngục, khổ nạn quá nhiều rồi, rất khó quay đầu. Phật Bồ Tát gặp được họ, chỉ dạy cho họ, nhưng họ thật không dễ gì tiếp nhận.

Ở trong ác đạo, những chúng sanh nào có thể được độ vậy? Thưa với quí vị, vẫn là người thiện căn phước đức sâu dày. Tôi muốn hỏi bạn, thiện căn phước đức sâu dày tại sao bị đọa địa ngục?

Đọa địa ngục là nhất thời hồ đồ, sai chỉ một niệm, tạo nên ác nghiệp địa ngục, đã tạo nghiệp ngũ nghịch thập ác, nhưng thiện căn của họ quả thật rất dày. Người này đọa vào địa ngục, Bồ Tát Địa Tạng giúp họ tương đối dễ dàng thôi. Bồ Tát chỉ dạy, họ thật sự sám hối ngay, thật sự quay đầu, thật sự giác ngộ rồi, thì một niệm cũng có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc.

Cho nên pháp môn Tịnh-độ thù thắng, không thể nghĩ bàn. Cửu giới chúng sanh, từ Bồ Tát cho đến tận địa ngục A Tỳ, chúng sanh chín pháp giới đều bình đẳng được độ. Pháp môn này hy hữu, tám mươi bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, khiến tất cả chúng sanh bình đẳng được độ. Ngoài pháp môn này ra không tìm được pháp môn thứ hai nào nữa. Chúng ta cần hiểu rõ sự thật này. Gặp được pháp môn này thật không dễ dàng. Gặp được nhất định phải nắm lấy cho thật chắc.

Khi nào chúng ta vãng sanh về thế giới Cực Lạc vậy? Càng sớm càng tốt, còn chờ đợi gì nữa chứ! Thế giới này quá khổ rồi! Thế nhưng vẫn xả không được, muốn chịu khổ thêm chút nữa, khổ vẫn chưa ngán hay sao? Vãng sanh càng sớm càng tốt. Nhất định phải dụng công, nhất định phải nỗ lực.

Đây là chỗ khác nhau giữa nguyện thứ hai và nguyện thứ nhất, chứng tỏ “Ngũ thừa bình đẳng tề nhập báo thổ”. Đây là câu mà ở trong kinh Phật thường hay nói. Chúng ta thuận theo ý của câu này, hay nói cách khác, chúng sanh trong chín pháp giới bình đẳng vãng sanh bất thối thành Phật. Cách nói này mọi người nhận thức sẽ càng rõ ràng hơn.

Chín pháp giới bao gồm ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, đều bình đẳng vãng sanh bất thối thành Phật. Nhưng nhất định nhân duyên phải đầy đủ. Nhân là thiện căn từ vô lượng kiếp, chỉ vì trong đời này nhất thời hồ đồ.

Chữ “Nhất thời” này xin thưa với quí vị, không phải thường ngày, là khi sắp mạng chung nhất thời hồ đồ, một niệm cuối cùng vẫn là tham sân si, người này liền đọa ba đường ác. Có vãng sanh được hay không quyết định là ở một niệm sau cùng là có niệm A Di Đà Phật không. Một niệm sau cùng mà niệm A Di Đà Phật, thì người này chắc chắn được vãng sanh.

Cho nên phàm là người vãng sanh, không có ai mà không đại thiện, đại phước; thiện phước mới được vãng sanh. Một niệm sau cùng niệm A Di Đà Phật là đại thiện, đại phước báo, họ đến thế giới Cực Lạc để làm Phật rồi….

Trích đoạn trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không
Tập 105-106

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phật Pháp không có Bản Quyền, mọi sự sao chép từ Pháp Vi Diệu đều được hoan nghênh!