Có lỗi mà biết sửa thì còn điều thiện nào hơn

Người ta nào phải Thánh Hiền, ai mà không có lỗi, có lỗi mà biết sửa thì còn điều thiện nào hơn? Có lỗi cũng không nên sợ mà quý ở chỗ có thể sửa đổi.

Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 123. Nếu đếm ngược thì là đoạn thứ hai của quyển sách này: “Kỳ hữu tằng hành ác sự, hậu tự cải hối, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, cửu cửu tất hoạch cát khánh. Sở vị chuyển họa vi phúc dã.” (Nếu kẻ đã từng làm chuyện ác, về sau sửa đổi, hối hận, chẳng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, lâu ngày chầy tháng, ắt được cát khánh, đó gọi là chuyển họa thành phước vậy.)

Đoạn văn này tổng kết đoạn nhỏ “suy gốc nhớ nguồn” ở phần trước. “Người ta nào phải Thánh Hiền, ai mà không có lỗi, có lỗi mà biết sửa, thì còn điều thiện nào hơn?”. Có lỗi cũng không nên sợ mà quý ở chỗ có thể sửa đổi.

Trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, chúng ta thấy vua A-xà-thế tạo tác tội ngũ nghịch thập ác, tội nghiệp mà chúng ta tạo ra so với ông thì tội của chúng ta quá nhẹ. Ông tạo tội rất nặng, quả báo của ông là ở địa ngục A-tỳ. Thế nhưng con người này trong đời quá khứ thiện căn sâu dầy, khi lâm chung ông hối hận, dùng tâm chân thành mà sám hối, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, ông được vãng sanh. Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói câu chuyện này cho chúng ta nghe, đây là A Xà Thế Vương Kinh trong Đại Tạng Kinh.

Phật nói với chúng ta ông không những được vãng sanh mà phẩm vị là thượng phẩm trung sanh, điều này thật sự nằm ngoài suy đoán của chúng ta, là một tấm gương rất tốt cho chúng ta. Tạo tác tội nghiệp cực nặng vẫn có thể vãng sanh, vấn đề là bạn thật sự phải sửa đổi, sửa đổi lại từ trong nội tâm, biết được chính mình sai rồi, về sau vĩnh viễn không bao giờ tái phạm lỗi lầm này nữa.

Hủy báng Tam Bảo, tội lỗi này cũng đều là đọa địa ngục A-tỳ. Lịch đại Tổ Sư Đại Đức khi chưa học Phật đều tạo tội nghiệp này, sau khi học Phật rồi thì sám hối. Bồ-tát Thiên Thân thời kỳ đầu học Tiểu Thừa thì hủy báng Đại Thừa. Sau đó tiếp nhận sự giáo huấn của anh Ngài, biết được chính mình sai rồi, Ngài thề trước Phật muốn cắt lưỡi mình để sám hối. Anh trai Ngài liền nói với Ngài: “Trước đây em dùng lưỡi mình để hủy báng Đại Thừa thì sao bây giờ em không dùng chính cái lưỡi này để tán thán Đại Thừa, vì sao lại muốn cắt lưỡi của mình đi?”. Lúc này Ngài liền tỉnh ngộ ra, từ đó về sau Ngài tán thán Đại Thừa. Đây là tấm gương tốt của việc sửa ác thành thiện.

Giả như chúng ta trước đây đã từng báng Phật, báng Pháp, báng Tăng, tạo tác tội nghiệp này thì ngày nay chúng ta làm ngược lại, tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán Tăng, như vậy thì đúng rồi. Đây là Bồ-tát Thiên Thân thị hiện mô phạm làm ra tấm gương cho chúng ta xem. Quay đầu, cần phải dùng hành động để quay đầu, tâm và hạnh đều quay đầu, điều này mới có thể tiêu nghiệp chướng.

Hai câu “Không làm các điều ác, vâng làm các điều lành”, hiện nay đã trở thành khẩu hiệu suông của nhà Phật, ai cũng biết nói. Câu “Giữ tâm ý thanh tịnh, là lời chư Phật dạy”, không những người hiện nay biết nói mà người xưa cũng biết nói.

Ngày xưa, vào thời nhà Đường, Bạch Cư Dị gặp Ô Sào Hòa Thượng, vì sao gọi vị Pháp sư này là Ô Sào? Vì ông làm một cái lều sống ở trên cây giống như tổ chim vậy. Bạn hiểu được cuộc sống của ông vô cùng đơn giản, vạn duyên buông xuống, là một người tu hành lâu năm.

Bạch Cư Dị gặp Ngài, khi đó Bạch Cư Dị là thái thú Hàng Châu, thái thú giống như chức thị trưởng hiện nay vậy. Ông gặp được hòa thượng Ô Sào liền thỉnh giáo với Ngài: đại ý của Phật giáo là gì? Hòa thượng Ô Sào liền nói bốn câu này: “Không làm các điều ác, vâng làm các điều lành, giữ tâm ý thanh tịnh, là lời chư Phật dạy”.

Bạch Cư Dị nghe rồi liền cười nói: “Lời nói này đứa trẻ ba tuổi cũng biết”. Hòa thượng Ô Sào trả lời một câu: “Tuy rằng đứa trẻ ba tuổi có thể nói nhưng ông lão tám mươi vẫn chưa làm được”.

Bạch Cư Dị sau khi nghe rồi suy nghĩ thấy rất có đạo lý, chính là cần phải làm được. Làm thế nào mới có thể làm được? Sự việc này vô cùng vô cùng quan trọng, có quan hệ đến tiền đồ của chúng ta, có quan hệ đến đời sau của chúng ta. Đời sau là quả báo, đời này là hoa báo. Nói cách khác, không những quan hệ đến đời sau mà còn quan hệ đến trước mắt của chúng ta, trước mắt có thể tránh hung gặp kiết.

Thế Tôn từ bi đến cực điểm, trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo có một đoạn khai thị vô cùng quan trọng nhằm vào việc con người chúng ta ngày nay làm thế nào để đoạn ác tu thiện. Phật nói Bồ-tát có một phương pháp có thể vĩnh viễn đoạn dứt nỗi khổ của ác đạo, điều này không chỉ là tam ác đạo mà lục đạo đều là khổ.

Bồ-tát có một phương pháp có thể xa lìa hết thảy nỗi khổ của ác đạo. Đó chính là trong nhãn quang của Phật Bồ-tát thì thập pháp giới đều là ác đạo, cho nên ác đạo ở đây không phải là chỉ tam đồ, mà tam thiện đạo, ngay cả Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát và Phật trong thập pháp giới đều là ác đạo. Vì sao vậy? Vì chưa minh tâm kiến tánh, chưa khế nhập nhất chân pháp giới, chỉ có nhất chân pháp giới mới là chánh đạo, là thiện đạo, thập pháp giới đều là ác đạo.

Phật nói Bồ-tát có một phương pháp, Bồ-tát ở đây là pháp thân đại sĩ, nhất chân pháp giới Bồ-tát, phương pháp này là phương pháp gì? Ngài dạy chúng ta “Ngày đêm”, ngày đêm chính là không được gián đoạn, thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp, không được một mảy may có bất thiện xen tạp.

Câu nói này quan trọng, chúng ta cả ngày khởi tâm động niệm, ngôn ngữ hành vi cần phải thường xuyên nghĩ đến thiện pháp. Chúng ta trong cuộc sống thường ngày, từ sớm đến tối tiếp xúc với hết thảy người, hết thảy việc, hết thảy vật phải thường xuyên nghĩ đến những điều thiện của họ, không được nghĩ những điều ác của họ. Nếu nghĩ điều ác của họ thì chính là biến điều ác của họ thành điều ác của chính mình, bạn nói xem con người này quá ngu si rồi. …

Trích đoạn trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không
Tập 127

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phật Pháp không có Bản Quyền, mọi sự sao chép từ Pháp Vi Diệu đều được hoan nghênh!