Công đức của hộ pháp, hoằng pháp
Chúng ta nhất định phải biết, Phật pháp có hai hệ thống. Một là hoằng pháp, một loại khác là hộ pháp, người xuất gia là nội hộ, làm trụ trì…
Trưa hôm qua, chủ tịch Đức giáo mời tôi cùng với cư sĩ Lý Mộc Nguyên và cư sĩ Phó dùng cơm. Chúng tôi có ba người, phía họ có bảy người. Bữa cơm này kéo dài từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Chúng tôi đã nói rất nhiều về vấn đề hiện thực trong xã hội hiện nay, đôi bên trao đổi ý kiến, tuy là ăn cơm nhưng thực tế là đang nghiên cứu, thảo luận. Đức giáo là một chi phái thuộc về Đạo giáo. Tuần trước, Chủ tịch của họ giới thiệu Đạo Đức kinh tại Cư Sĩ Lâm, bản thân ông là một luật sư, vô cùng hiếm có, cũng rất ham học. Làm thế nào đem văn hóa bản địa đề xướng lên? Thang Ân Tỉ người Anh nói rất hay: “Nếu muốn cứu vãn tai nạn của thế kỷ sau, chỉ có học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp đại thừa”. Chúng tôi cùng nhau đàm đạo, tôi đặc biệt nhấn mạnh chuyên tu, chuyên hoằng. Khi trở về, tôi còn bàn vấn đề này với cư sĩ Lý Mộc Nguyên tại Cư Sĩ Lâm, pháp sư Ngộ Đạo cũng có ở đó. Sự thành tựu của đạo nghiệp đức hạnh, sự thể hiện của chân thành từ bi không giống với hạnh phàm phu.
Mấy ngày trước có người nói với tôi là lão pháp sư Minh Sơn đã nói: “Pháp sư Tịnh Không cả đời chỉ chuyên giảng kinh, Ngài mới có thể giảng hay được. Tôi vừa phải làm hội trưởng, vừa phải làm phương trượng, biết bao nhiêu chuyện tạp sự, tôi không thể chuyên tâm”. Dụng ý của lời nói này thật là rất sâu. Tôi khi mới bắt đầu học Phật là hiểu rõ đạo lý này. Tôi có hai tấm gương tốt ở trước mắt. Một vị là tiên sinh Phương Đông Mỹ, thầy cả đời dạy học, không làm công việc hành chánh. Một vị khác là bạn học của tôi, cư sĩ Phó Lạc Thành, ở thư viện cũng có không ít đồng tu đã gặp ông ấy, ông là giáo sư lớp tiến sĩ đại học Đài Loan, cả đời dạy học. Có một lần, hình như là đại học Thành Công Đài Nam mời ông làm viện trưởng viện văn học, làm được một học kỳ, ông liền từ chức trở về. Chúng tôi cùng nhau dùng cơm, ông nói với tôi: “Đây hoàn toàn không phải việc của con người làm, phải ứng phó rất nhiều người và việc, tâm loạn cả lên”.
Chúng ta nhất định phải biết, Phật pháp có hai hệ thống. Một hệ thống là cả đời lập chí làm giáo viên, tôi cứ là giảng kinh, cứ dạy học, ngoài điều này ra, tất cả việc khác không nghe, không hỏi, bạn sẽ đi đến con đường thành công, bạn quả thật có thể đoạn phiền não, có thể khai trí tuệ, bạn có thể được tâm thanh tịnh, bạn ở ngay trong đời này chắc chắn thoát khỏi lục đạo luân hồi. Một loại khác là hộ pháp, người xuất gia là nội hộ, làm trụ trì, làm chủ nhà, làm chấp sự tự viện là nội hộ. Nội hộ tâm địa phải chân thành, tâm địa phải công bằng, tâm địa phải thanh tịnh. Nội hộ lo việc xây dựng đạo tràng, quản lý đạo tràng, mời pháp sư đến nơi này để giảng kinh thuyết pháp. Trước đây trưởng thư viện Hàn làm nội hộ, ở nơi đây cư sĩ Lý Mộc Nguyên làm nội hộ, dốc toàn bộ tinh thần quản lý đạo tràng, ứng phó mọi phương diện, để người giảng kinh, người học đạo được tâm an lý đắc. Đây là tu phước, điều này sẽ được chư Phật Bồ-tát gia trì. Ngạn ngữ thường nói: “Phước chí tâm linh”, bạn dùng công đức này hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ thì chắc chắn được sanh.
Hàn quán trưởng có công đức gì vậy? Thành tựu ngày nay của tôi chính là công đức của bà. Không có bà hộ trì chúng tôi đã tiêu từ lâu rồi. Hơn 30 năm trước, hoàn cảnh lúc đó tôi chỉ có hai đường có thể chọn lựa, một là hoàn tục, một là theo kinh sám Phật sự, đâu được như ngày nay, làm sao có thể ở đây giảng kinh Hoa Nghiêm? Là điều không thể! Cho nên, quản lý đạo tràng, xây đạo tràng, tất cả mọi thứ đều giao cho bà, bà đến hộ trì, công đức vô lượng vô biên. Khi bà vãng sanh, đó là phước báo hiện tiền. Các đồng tu chúng ta đều nhìn thấy, bà bị bệnh mà không có vẻ bị bệnh. Bạn nhìn thấy khí sắc, dung mạo của bà, bà chết mà không có tướng chết. Vãng sanh hai tuần sau bà mới được nhập liệm, đậy quan tài, vậy mà sắc mặt vẫn tươi nhuận, thân người mềm mại. Trước khi vãng sanh hai hay ba ngày, bà nhìn thấy A Di Đà Phật hai lần và một lần nhìn thấy Liên Trì Hải Hội.
Cho nên, bạn phải hiểu rằng, công đức hoằng pháp với hộ pháp là bình đẳng, không chỉ là bình đẳng, tôi vẫn thường nhấn mạnh, công đức của hộ pháp hơn hẳn hoằng pháp! Hoằng pháp thì dễ, hộ pháp thì khó, bạn không phải là Bồ-tát đích thực thì không thể hộ pháp. Hộ pháp chắc chắn phải hứng chịu biết bao nhiêu sự dày vò khổ nạn, chịu sự phỉ báng, làm nhục của bao nhiêu người, thậm chí là hãm hại. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên bị người ta vu cáo, chính phủ điều tra ông sáu lần. Sau khi điều tra xong, chứng minh ông trong sạch, đích thực là người ta vu cáo. Thẩm phán pháp viện nói với Lý Mộc Nguyên, ông có thể kiện ngược lại người ấy, họ có tội vì đã vu cáo ông. Lý Mộc Nguyên mỉm cười, người học Phật chúng tôi tất cả lấy từ bi làm gốc, không truy cứu. Vị thẩm phán này vô cùng khâm phục. Thế gian người bình thường không làm được. Chúng ta chịu những khổ nạn, không muốn để người khác chịu những khổ nạn này thêm nữa. Người khác dày vò chúng ta, chúng ta không muốn dùng những phương pháp này để dày vò trở lại người ta. Cho nên, công đức của hộ pháp bất khả tư nghì. Về sau tôi xem thấy ở trong kinh Đại Niết Bàn, Phật cũng nói như vậy, vậy là chứng thực rồi. Trong kinh Đại Niết Bàn, Phật nói công đức của hộ pháp hơn hẳn hoằng pháp.
Chúng ta thấy trong Lục Tổ Đàn kinh, nếu như đại sư Huệ Năng không có được sự hộ trì của pháp sư Ấn Tông, Ngài cũng không biết phải làm sao, ai nhận ra Ngài? Ai biết đến Ngài? Ấn Tông thật tuyệt vời! Ngài không phải người bình thường. Lúc đó ở Lãnh Nam, Ngài là vị cao tăng đại đức được mọi người tôn kính, ngưỡng mộ nhất. Ngài gặp Tổ Huệ Năng, biết Tổ đắc pháp ở Tổ Hoàng Mai, liền thế độ cho Ngài. Sau khi thế độ xong thì bái Tổ làm thầy. Các vị thử nghĩ, ai có thể làm được? Đem thành tựu cả đời của mình toàn bộ dâng hiến cho đại sư Huệ Năng, người phàm không làm được. Đây là chư Phật Như Lai thị hiện. Phàm phu có người nào không tham cầu danh vọng, lợi dưỡng? Bản thân đạt được rồi, làm sao chịu dâng hiến cho người khác? Cho nên, sự thành tựu của đại sư Huệ Năng chính là sự thành tựu của Ngài Ấn Tông.
Ở trong pháp thế gian, nếu các vị đọc sách thì biết, sự thành tựu của Quản Trọng là sự thành tựu của Bảo Thúc Nha. Không có Bảo Thúc Nha thì bản lĩnh lớn nhất của Quản Trọng cũng chỉ là anh chàng bình dân, học vấn mà cả đời ông ôm ấp không cách gì phát huy được. Cho nên, công đức của người hộ trì hơn hẳn người đương sự. Người hộ trì là thân phận gì vậy? Giống như xây trường học, họ là chủ tịch của ngôi trường này, là giám đốc của ngôi trường này, là hiệu trưởng của ngôi trường này. Người đương sự là giáo viên. Giáo viên có học thức, có đức hạnh, có năng lực, nếu không có nhà trường đến mời bạn, bạn có tác dụng gì? Bạn đến đâu để phát huy được? Nhất định phải có nhà trường tốt, có những chủ tịch, hiệu trưởng tốt này đến mời bạn thì bạn mới có thể phát huy, bạn mới có thể thi thố tài năng giáo hóa chúng sanh. Cho nên, Thích Ca Mâu Ni Phật đem công việc hộ pháp giao phó cho quốc vương đại thần để họ đến hộ pháp. Phật pháp truyền đến Trung Quốc, vua và dân Trung Quốc đã tiếp nhận nền giáo dục Phật Đà. Đế vương và đại thần hộ pháp, giáo dục Phật Đà do quốc gia thúc đẩy, cho nên giáo dục Phật Đà đã trở thành văn hóa Trung Quốc, dung hòa thành một thể với văn hóa vốn có của Trung Quốc, hiện nay không thể tách rời được. Chính phủ địa phương làm hộ pháp. Bạn thấy trong sách xưa, thậm chí trong sách cổ văn đều đọc thấy, quan chức địa phương đối với người xuất gia rất tôn kính, rất nhiều quan chức còn đích thân đến nghe pháp sư giảng kinh thuyết pháp, giữ lễ của người đệ tử.
Nền giáo dục của Phật Đà, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đoạn này là trung tâm, quy kết về tâm thiện, niệm thiện, hạnh thiện. Niệm là tư tưởng, hạnh là hành vi, như vậy mới có thể “lệnh chư thiện pháp niệm niệm tăng trưởng, bất dung hào phân bất thiện gián tạp”. Thành tựu thuần thiện, nhà Nho gọi là “Chỉ ư chí thiện” mà không hề đưa ra được biện pháp thật rõ ràng, thật cụ thể. Biện pháp này ở trong kinh Phật, nhà Nho chỉ nói cương lĩnh, nhà Phật thì nói chi tiết. Cho nên, chúng ta muốn giác ngộ, muốn cứu chính mình, Ấn Quang đại sư thường đem chữ “Tử” dán ở trên trán là vô cùng có đạo lý. Hằng ngày luôn nghĩ rằng mình sắp chết rồi, chết rồi sẽ đọa địa ngục, bạn có được tâm cảnh giác này, có tâm sợ hãi này, bạn mới thật sự biết đoạn ác tu thiện. Bạn không có tâm cảnh giác này là mê hoặc điên đảo, vô cùng đáng sợ.
Cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói cho tôi biết, lớp tập huấn quyết định phải làm. Lần này là Trung Quốc và Singapore hợp lại làm, chúng ta xem như khóa đầu tiên của sự hợp tác. Trước đây chúng ta tự mình làm, lớp hợp tác này là lần đầu tiên. Thời gian tu học là một năm, có lẽ là nửa năm đầu ở Singapore, nửa năm sau ở Trung Quốc. Những việc chi tiết này do cư sĩ Lý và Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc thương lượng. Chúng tôi phụ trách dạy học, chúng tôi phải làm cho tốt công việc, bổn phận của mình. Ngoài việc giảng kinh dạy học ra, việc gì cũng không nghe, không hỏi, định tâm ngay trên công việc thì đạo nghiệp của chúng ta mới có thành tựu. Phải đem danh vọng, lợi dưỡng buông xả cho thật sạch sẽ thì phiền não sẽ nhẹ, trí tuệ sẽ ngày càng tăng trưởng. Người không có trí tuệ là do phiền não không chịu xả hết, quy về gốc rễ chính là tôi thường nói tự tư tự lợi, đây là gốc bệnh của chúng ta. Gốc bệnh không trừ bỏ là có bất thiện xen tạp ở trong đó. Cho dù bạn tu thiện nghiệp mà không phải thuần thiện thì không thể vãng sanh. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là “Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”, câu nói này phải đặc biệt nhớ kỹ. Chúng ta không phải thuần thiện, không phải thượng thiện thì niệm Phật tốt cỡ nào cũng không thể vãng sanh. Việc gì phải ở trong đời này tạo tội nghiệp chứ? Ở trong đời này đọa địa ngục chứ?
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không!
Trích trong: Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh tập 13