Công phu niệm Phật có cần đạt đến nhất tâm bất loạn?
Thế giới Tây Phương Cực Lạc là thanh tịnh, vi diệu. Mỗi người vãng sanh cũng phải niệm đến nhất tâm bất loạn mới có thể cảm ứng, mới được vãng sanh.
Chúng ta cũng hiểu rõ, mười phương thế giới của chư Phật nếu so sánh với thế giới Tây Phương Cực Lạc thì sao? Đúng là một sự đối chiếu rất rõ ràng. Mười phương thế giới là do tạp tâm biến hiện ra nên mới có thập pháp giới, còn thế giới Tây Phương Cực Lạc là do Di-đà nhất tâm bất loạn mà thành tựu. Cho nên thế giới này là thanh tịnh, là vi diệu. Mỗi người vãng sanh cũng phải niệm đến nhất tâm bất loạn mới có thể cảm ứng, mới được vãng sanh.
Giảng đến chỗ này, những bạn đồng tu có lẽ sẽ có nghi vấn, cho là nhất tâm bất loạn thì khó quá. Vậy nếu tôi không được nhất tâm thì đời này tôi không còn hy vọng gì sao? Đây đích thực là một vấn đề nghiêm trọng, một vấn đề thật. May thay, đức A-di-đà đích thật là từ bi, chúng ta không cần phải niệm đến nhất tâm cũng được vãng sanh. Tuy nhiên nếu tâm tạp loạn thì nhất định không được được vãng sanh, tối thiểu cũng phải niệm đến công phu thành phiến, công phu thành phiến là thế nào? Đây là bờ mé của sự nhất tâm bất loạn, chưa đến, chỉ mới đạt đến một chút, chỉ mới có một chút hình bóng thì được vãng sanh. Điều này thì chúng ta có thể làm được, đây không phải thật sự là nhất tâm, chỉ là tương tợ nhất tâm, chỉ giống một chút. Công phu niệm Phật của chúng ta đắc lực, có thể đè vọng tưởng phiền não xuống, người xưa có tỉ dụ là: “đem đá đè cỏ”, cái gốc chưa được nhổ hết, đem đá đè lên thì cỏ không mọc được nữa. Có trình độ này thì được vãng sanh, như vậy thì chúng ta mới yên tâm. Cho nên điều kiện vãng sanh của bổn kinh không có nói nhất tâm bất loạn. Trong phẩm Tam Bối Vãng Sanh (ba bậc vãng sanh), kinh văn rất rõ ràng, rất minh bạch, dạy chúng ta yếu lĩnh của sự niệm Phật, đó là “nhất hướng chuyên niệm”, câu phía trước là “phát Bồ-đề tâm”. Hễ nhất hướng chuyên niệm là được, kinh không có nói nhất tâm bất loạn. Nhất hướng chuyên niệm thì dễ làm hơn. Trong kinh Di-đà nói đến nhất tâm bất loạn, cái tiêu chuẩn đó thì cao.
Năm xưa Thế Tôn giảng kinh Di-đà, trong nguyên bản tiếng Phạn không có nhất tâm bất loạn, câu nhất tâm bất loạn này là do Đại Sư Cưu-ma-la-thập dịch ra. Ngài dịch thành nhất tâm bất loạn khiến chúng ta cảm thấy khó khăn. Còn bản dịch của Đại Sư Huyền Trang là trực dịch, hiện nay bản này cũng được lưu thông rồi. Trong phần độc bản của Tịnh Độ Ngũ Kinh, chúng tôi lấy từ trong đó. Quý vị xem bản dịch của Huyền Trang Đại Sư thì sẽ hiểu rõ, trong kinh không có nói nhất tâm bất loạn mà nói là “nhất tâm hệ niệm”. Nhất tâm hệ niệm này cùng ý nghĩa với “nhất hướng chuyên niệm”, vậy thì chúng ta cảm thấy không quá khó. Vậy Đại Sư La-thập có dịch sai không? Nếu Đại Sư La-thập dịch sai kinh thì Đại Sư Huyền Trang (sau Đại Sư La-thập rất nhiều năm) nhất định đã sửa lại cho đúng. Đại Sư Huyền Trang không nói Đại Sư La-thập dịch không đúng, vả lại người học trò đắc ý nhất của Đại Sư Huyền Trang là Ngài Khuy Cơ có viết một bản chú giải cho Kinh Di-đà, vẫn chọn bản của Đại Sư La-thập, không dùng bản dịch của thầy mình. Do đây có thể biết thầy trò họ vô cùng bội phục bản dịch của Đại Sư La-thập, Ngài dịch không sai.
Vậy thì nhất tâm bất loạn là sự việc thế nào? Hễ niệm đến công phu thành phiến, lúc chúng ta vãng sanh, Phật đến tiếp dẫn, trước tiên là lấy ánh sáng chiếu vào chúng ta. Phật quang vừa chiếu thì nghiệp chướng của chúng ta tiêu trừ hết, nâng cao công phu của chúng ta lên. Cho nên chúng ta hễ niệm đến công phu thành phiến, lúc lâm chung vừa thấy được Đức A-di-đà thì địa vị lập tức được nâng cao lên, cao hơn gấp bội, đạt đến sự nhất tâm bất loạn. Cho nên Ngài La-thập dịch nhất tâm bất loạn không sai. Nếu chúng ta tự mình thật sự dụng công, thật sự niệm đến nhất tâm bất loạn rồi thì lúc lâm chung, khi Phật đến tiếp dẫn, ta lại có thể nâng công phu lên. Sự nhất tâm nâng lên đến Lý nhất tâm. Cho nên sự gia trì của Phật là gấp bội sự tu trì của chúng ta, điều này nói rõ chúng ta tự mình dụng công là vô cùng quan trọng. “Tiện nhất kỳ tâm” (nhất tâm, tâm không có niệm nào khác) vô cùng, vô cùng quan trọng.
Chúng ta ngày nay niệm Phật phải nhất tâm xưng niệm, cũng tức là phải chuyên tâm niệm Phật, tốt nhất đừng có tạp niệm, đừng nên xen tạp. Mới học đương nhiên không tránh khỏi xen tạp, phải đề cao cảnh giác, làm cho sự xen tạp này mỗi năm một ít dần, mỗi tháng một ít dần. Đây tức là tiến bộ, đây tức là công phu đắc lực. Nếu chúng ta niệm Phật đã được nhiều năm rồi mà hiện tượng tạp niệm vẫn y như cũ, không có tiến bộ, đó là công phu của chúng ta không đắc lực, như vậy không nắm chắc vãng sanh, so ra thì tương đối khó khăn. Công phu đắc lực thì chính mình sẽ nắm chắc phần vãng sanh. Đây là sự thọ dụng chân thật. Từ chỗ này chúng ta thấy được bí quyết của thế giới Cực Lạc là ở tại nhất tâm.
Trích đoạn trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH – Giảng năm 1994
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không
Tập 9