Pháp Ngữ

Danh hiệu Thiện Thệ có ý nghĩa là gì?

Thiện Thệ có ý nghĩa là gì? Thiện là ý nghĩa tốt đẹp, thiện hảo; Thệ là ý nghĩa đi qua. Câu nói này rất đơn giản, dường như cũng rất dễ dàng hiểu.

Ý nghĩa 10 danh hiệu của Phật là gì?

“Thiện” là ý nghĩa tốt đẹp, thiện hảo; “Thệ” là ý nghĩa đi qua, nếu như danh từ này đơn giản mà nói là “dễ đi”. Câu nói này rất đơn giản, dường như cũng rất dễ dàng hiểu. Dễ đi, bạn đi đến nơi nào vậy? Thô thiển mà nói, con người đều phải chết, có người nào mà không chết, chúng ta không nên sợ chết.

Ngày trước có người nói với tôi là sanh tử sự đại. Tôi nói với họ, việc sanh tử không lớn, không có gì đáng ngại. Họ nghe rồi cũng rất kinh ngạc. Tôi nói với họ: “Tử sanh mới là việc lớn”. Họ cũng ngẩn ra, chết là sao? Sau khi chết rồi đi về đâu? Việc này mới là việc lớn.

Sau khi chết rồi, trong Phật pháp nói với chúng ta, trước mặt chúng ta bày ra mười con đường, mười pháp giới, bạn đi đến một pháp giới nào? Cái chọn lựa này là việc lớn. Thế nhưng các vị phải nên biết, không phải lúc bạn lâm chung mới chọn lựa, lúc lâm chung thì không còn kịp nữa, hiện tại bạn phải mau giác ngộ, hiện tại thì phải biết chọn lựa.

Đặc biệt là chúng ta sống trong thời đại này, thời đại này trong Phật kinh gọi là “đời ác năm trược”, hơn nữa còn trược ác đến cùng tột, có thể không cảnh giác sao? Nếu còn mê muội không cảnh giác, vậy thì thật đáng lo. Sau khi chết rồi, rất ít người không đọa vào ba đường, bạn nói xem sự việc này có to lớn không?

Thế gian này, rất nhiều quốc gia, thậm chí còn rất nhiều lời tiên đoán cổ xưa từ những khu vực, bao gồm Trung Quốc chúng ta cũng có rất nhiều lời tiên đoán, nói tai nạn của thế gian này, đặc biệt là Ki Tô giáo, Ki Tô giáo nói 1999 là ngày tàn của thế giới.

Năm 1999 là năm tới rồi, Thượng Đế phải tính hết sổ với người thế gian này, phán xét sau cùng. Chúng ta nghe những lời nói này không tin tưởng, không cho rằng đó là thật. Nếu như là thật thì phải làm sao? Đương nhiên có rất ít người tin sự việc này là thật, số người cực ít, đại đa số là không tin.

Không những không tin đối với lời tiên đoán này, ngay đến Thượng Đế cũng không tin. Thế nhưng cổ thánh tiên hiền Trung Quốc chúng ta dạy bảo chúng ta quan sát xã hội, quan sát tư tưởng, kiến giải, hành vi của con người thì bạn liền có thể xem thấy được thế gian này trị hay loạn.

Nếu như lòng người thế gian này hướng thiện, đó là trị thế, thiên hạ thái bình. Nếu như lòng người hiểm ác, đều tạo tham-sân-si, đều tạo ra mười ác nghiệp, vậy thì nhất định có rất nhiều tai nạn lớn.

Chúng ta xem qua xã hội hiện tại, trong hai mươi mấy năm qua, tôi thường hay qua lại rất nhiều quốc gia khu vực trên thế giới, tôi đã nhìn thấy được năm nghịch mười ác mỗi năm thêm nhiều, không chỉ không giảm nhẹ mà ngay đến tạm dừng cũng không thấy, năm sau tăng hơn năm trước, vậy có gì đáng lo bằng? Cho nên chết chúng ta không sợ, đặc biệt là người học Phật, người học Phật quyết không sợ chết. Sau khi chết rồi đi đến nơi đâu? Đây là vấn đề quan trọng nhất ngay trước mắt chúng ta.

Thời gian người sống ở thế gian này rất ngắn. Tôi nghĩ lại lúc tôi còn trẻ, những việc lúc tôi sáu – bảy tuổi, tôi đều nhớ được rất rõ ràng. Tôi sanh ra ở nông thôn, nghĩ tình hình vào lúc đó cũng giống như là việc của ngày hôm qua. Một trăm năm như khảy móng tay, tôi có thể hội, tôi có cảm giác này.

Chúng ta ở ngay trong cuộc sống này, thật giống như trong kinh đã nói là “nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên”. Được thân người, nghe Phật pháp, nhất là ngay trong lúc nghe Phật pháp thù thắng thứ nhất.

Pháp môn Tịnh Độ thù thắng không gì bằng, pháp môn này vạn người tu vạn người vãng sanh, một chút cũng không giả. Nếu bạn có thể chân thật thành tựu, kinh điển không cần nói nhiều, bộ kinh Vô Lượng Thọ này không thể không thấu triệt, không thể không tường tận, sau đó y theo lý luận phương pháp cảnh giới trong kinh điển này mà tu hành, ngay trong đời này của bạn nhất định thành Phật. Đó mới gọi là Thiện Thệ. Thiện Thệ là đi thành Phật. Nếu như bạn không thể thành Phật, vậy thì không được xem là Thiện Thệ. Đây là từ trên sự mà nói.

Lại từ trên lý mà nói, xin nói với các vị, “Thệ” chính là vô trụ, “Thiện” chính là sanh tâm. Chúng ta dùng hai câu nói trên kinh Kim Cang để nói là “ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” cũng là ý nghĩa của Thiện Thệ. Vô trụ, tại vì sao dạy bạn vô trụ? Bởi vì tất cả pháp đều không phải là chân thật, tâm của bạn phải trụ vào trong pháp thì sai rồi. Tâm có thể cũng là giả.

Kinh Kim Cang nói với chúng ta, tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được, bạn có thể trụ cái tâm đó? Không thể được. Thế xuất thế gian tất cả pháp đều là do duyên sanh, phàm hễ do nhân duyên sanh thì đều không có tự thể, cho nên Phật nói: “Ngay thể là không thì không thể có được”. Phật sợ chúng ta thể hội không được ý nghĩa này, còn đặc biệt nêu ra thí dụ nói với chúng ta là “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”. Đây là thật, không phải là giả.

Hiện tại khoa học kỹ thuật phát triển, máy chụp hình rất tiện lợi, gần như mỗi một người đều có máy chụp hình. Nếu bạn muốn hỏi, bạn có máy chụp hình hay không? Đại đa số mọi người đều có. Các vị chơi máy chụp hình có ngộ ra gì không? Các vị chơi máy chụp hình chụp lấy tướng, ấn xuống thì chẳng phải là dính tướng rồi hay sao? Tôi cũng biết chụp hình, kinh nghiệm chụp hình của tôi rất phong phú, đã chụp mấy mươi năm.

Tôi không giống như các vị, khi tôi ấn xuống đóng mở ống kính máy, tôi liền biết được đó chính là sanh diệt. Hiện tượng của sanh diệt chỉ là một sát na, một sát na đó đi qua, vĩnh viễn sẽ không có cái sát na đó nữa, sát na đó không giống như sát na trước, cho nên cảm thọ của tôi hoàn toàn khác với các vị. Đây chính là trên kinh Kim Cang đã nói: “Như lộ diệc như điện”. Điện là ánh chớp. Kinh Hoa Nghiêm đã nói “Sát Na tế”, đó chính là chân tướng của vũ trụ nhân sanh.

Trong hiện tượng này chúng ta có thể thể hội được, nói rõ cái gì? Nói rõ chân tướng sự thật không tồn tại, cho nên Phật gọi nó là “mộng huyễn bào ảnh”, một chút cũng không sai. Đây là nói rõ tất cả các pháp bất khả đắc, “vạn pháp giai không”. Cái tâm năng đắc bất khả đắc, cái pháp bạn có được cũng không thể được, tâm của bạn làm sao có thể trụ được chỗ nào?

Cái trụ này chính là ý nghĩa của sự vướng bận, trong tâm của bạn có nhớ nghĩ. Bạn phải biết đó là giả, không phải là thật. Cho nên Phật nói ra chân tướng này, dạy chúng ta “không nên có chỗ trụ”. Khi nào không có chỗ trụ thì chân tâm liền hiện tiền. Chỉ cần bạn có chỗ trụ thì cái tâm trụ đó chính là vọng tâm, không phải chân tâm. Cách nói này của tôi các vị có thể nghe hiểu không?

Nếu như bạn còn nghe không hiểu, tôi sẽ nói rõ với bạn hơn một chút. Mỗi ngày trong lòng bạn vướng bận, niệm niệm đều không thể quên đi, thì chính là tâm của bạn có chỗ trụ. Người bạn nghĩ tưởng đến, người già luôn nghĩ đến con cháu, cái tâm đó của bạn dính ở nơi con cháu.

Người trẻ một ngày từ sớm đến tối nghĩ đến tiền, tâm của bạn dính chặt vào tiền. Thật đáng thương! Không biết được năng trụ sở trụ đều là một mảng không. Bạn xem, bạn ngày ngày bận rộn là gì? Sau khi giác ngộ rồi thì không còn, không để ở trong lòng, sự thì có hay không? Sự thì có, tuyệt đối không thể nói, bạn chứng được vô trụ rồi thì bạn không còn quan tâm đến con cháu nữa, không còn quản chúng nữa, vậy thì bạn hoàn toàn sai lầm. Vẫn là thương chúng, vẫn là quan tâm chúng, vẫn là chăm lo chúng mà không để trong lòng.

Trong lòng thanh tịnh bình đẳng, vậy thì đúng. Đó gọi là gì vậy? “Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, không có chướng ngại. Nếu như tâm của bạn có trụ thì có chướng ngại, tâm vô trụ thì không có chướng ngại. Cho nên kinh Hoa Nghiêm là pháp giới không chướng ngại. Pháp giới không chướng ngại gọi là pháp giới nhất chân. Mười pháp giới là có chướng ngại, pháp giới nhất chân không chướng ngại. Đây là ý nghĩa của “Thệ”.

“Thiện” là sanh tâm. Vô trụ cùng sanh tâm là một sự việc, không phải là hai việc. Sanh tâm gì vậy? Sanh tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi. Cái tâm này sanh, tự thọ dụng chính là chứng được báo thân Phật, Phật thân báo thân; tha thọ dụng chính là tùy loại hóa thân, tùy cơ nói pháp, đó gọi là sanh tâm. Tuy sanh tâm nhưng họ tương ưng với vô trụ, tuy vô trụ mà họ tương ưng với sanh tâm, cho nên vô trụ cùng sanh tâm là một sự việc, không phải là hai sự việc. Đây chính là Phật Bồ Tát.

Phàm phu chúng ta là như thế nào vậy? Phàm phu sanh tâm có trụ, sanh tâm thì trụ. Không giống như Phật Bồ Tát, Phật Bồ Tát sanh tâm vô trụ, phàm phu sanh tâm có trụ. Khi vừa có trụ, sanh tâm liền không tốt, thì không phải là thiện. Sanh ra cái tâm gì vậy? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Phật Bồ Tát sanh ra cái tâm là tâm giới định huệ, phàm phu sanh tâm là phiền não, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, sanh ra cái tâm này.

Then chốt chính là một cái có trụ, một cái không có trụ. Tâm không trụ là chân tâm, chân tâm khởi dụng; có trụ là vọng tâm. Vọng tâm biến ra sáu cõi luân hồi, chân tâm biến pháp giới nhất chân, thọ dụng hoàn toàn không tương ưng. Nếu bạn hiểu được rõ ràng đạo lý này rồi, bạn ở ngay trong cuộc sống thường ngày liền được tự tại.

Ngay trong cuộc sống thường ngày chúng ta có thể thọ dụng, không nên chiếm hữu, không nên chấp trước, bạn có thể thọ dụng, vậy bạn chính là Thiện Thệ. Nếu như bạn ở ngay trong thọ dụng, bạn còn có thể lợi ích tất cả chúng sanh thì bạn là Bồ Tát. Chính mình chỉ có thọ dụng mà không hề chấp trước, cũng không tích cực đi giúp đỡ tất cả chúng sanh thì là Tiểu Thừa La Hán, Bích Chi Phật. Đại Thừa hay Tiểu Thừa, giới hạn chính ngay chỗ này.

Phật Bồ Tát xả mình vì người. Việc xả mình vì người là chúng ta nói, trên thực tế, ở trong cảnh giới đó của các Ngài, các Ngài không có cái ý niệm ta và người thì làm gì có xả mình vì người gì đó. Vậy thì đây cũng là trên kinh Kim Cang Phật đã nói: “Bồ Tát lìa ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tu tất cả thiện pháp”. Vẫn là vô trụ sanh tâm.

Lìa ngã tướng, lìa nhân tướng, lìa chúng sanh tướng, lìa thọ giả tướng, thảy đều lìa khỏi hết thì chính là vô trụ. Tu tất cả thiện pháp chính là sanh tâm. Vậy phàm phu chúng ta tu tất cả thiện pháp có ngã, có nhân, có chúng sanh, có thọ giả, vậy thì có trụ. Bạn đem những thứ này làm cho rõ ràng, làm cho tường tận rồi, sau đó bạn liền biết được làm thế nào học Phật.

Muốn học Phật thì “vô trụ sanh tâm”, người học Phật “lìa bốn tướng tu tất cả thiện pháp”, đó mới gọi là tích công bồi đức, vô lượng công đức. Nếu như không thể lìa bốn tướng tu tất cả thiện pháp, đó là phước báo hữu lậu thế gian, bạn tu phước không phải là tu công đức, tu công đức nhất định phải lìa bốn tướng. Sự việc này rất khó.

Tôi cảm thấy tôi đã giảng được rất rõ ràng, nhưng xem thấy biểu hiện của các vị dường như chưa nghe được tường tận. Thực tế là rất khó hiểu, rất không dễ dàng thể hội, thế nhưng nếu không hiểu cho tường tận, hiểu cho thông suốt thì chúng ta không cách gì thực tiễn ngay trong đời sống.

Không thể thực tiễn ngay trong đời sống thì kinh này của chúng ta đã giảng uổng công, tại sao vậy? Không có được thọ dụng. Then chốt là chúng ta phải đem từng câu từng chữ đều phải biến thành đời sống thực tế của chính mình, thì Phật pháp mới trở thành có hữu dụng, học rồi thật có ích, chân thật có chỗ tốt, chân thật có lợi ích. Cái điểm này rất quan trọng.

Cho nên chúng ta quyết không chú trọng đàm huyền nói diệu, vậy thì không ý nghĩa gì. Chúng ta phải làm thế nào học tập? Thiện Thệ. Phương pháp tu học đơn giản nhất chính là niệm niệm không nên nghĩ chính mình, niệm niệm vì chúng sanh. Hiện tại chúng sanh khổ, làm thế nào giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn này?

Giúp đỡ chúng sanh khổ nạn, các vị nhất định phải nên biết, không phải nói chúng sanh không có ăn, chúng ta vội vàng đưa chút đồ ăn đến cho họ ăn, chúng sanh không có đồ mặc thì vội vàng đưa quần áo đến cho họ mặc, đây là thông thường trong xã hội gọi là từ thiện cứu tế. Loại cứu tế này có giải quyết được vấn đề hay không? Không thể giải quyết được vấn đề.

Thích Ca Mâu Ni Phật cả đời có làm qua việc này không? Không hề làm qua. Chúng ta không hề xem thấy trong kinh điển là Thích Ca Mâu Ni Phật vào lúc nào đó đi cứu tế. Vì sao không hề xem thấy? Thích Ca Mâu Ni Phật mỗi ngày chỉ xin một bát cơm, chính mình ăn vừa đủ, làm gì có dư để cho người?

Có thể thấy được Thích Ca Mâu Ni Phật cả đời không làm qua những việc này, thế nhưng Ngài có làm sự nghiệp từ thiện cứu tế hay không? Ngài làm, Ngài làm được viên mãn, làm được triệt để, làm được cứu cánh. Giúp đỡ chúng sanh phá mê khai ngộ, đó mới chân thật cứu tế.

Ngài xem thấy người khổ nạn, người không có cơm ăn, không có quần áo mặc, Ngài nói với họ là họ vì sao mà không có cơm ăn, anh vì sao mà không có quần áo mặc, anh tại vì sao mà bị tai nạn. Đem đạo lý giảng cho họ nghe rõ ràng, nhân trước quả sau nói cho họ nghe tường tận.

Họ chính mình giác ngộ rồi, họ chính mình quay đầu, vừa quay đầu thì họ được phước báo, đó là chân thật cứu tế, đó là từ bi cứu giúp chân thật. Mọi người không hiểu. Chúng ta học Phật đối với tầng đạo lý chân tướng sự thật này không thể nào xem thường, nhất định phải tỉ mỉ thể hội. Cho nên, Phật cứu chúng sanh là giúp chúng sanh phá mê khai ngộ.

Phật nói với chúng ta, khổ nạn của chúng sanh từ do đâu mà có? Do mê mà có. Bởi vì bạn mê hoặc bạn mới tạo ác nghiệp, bạn tạo ác nghiệp bạn mới thọ ác báo, nguyên nhân căn bản ở mê hoặc. Tất cả phước đức an lạc từ do đâu mà có? Từ giác ngộ mà có, cho nên Phật cứu hộ đối với tất cả chúng sanh là từ nơi căn bản mà làm.

Bạn giác ngộ rồi, bạn muốn có bất cứ phước báo gì đều không khó. Bạn biết rõ lý luận, hiểu được phương pháp, y theo phương pháp mà tu học thì nhân thiện được quả thiện, chỉ cần bạn chịu làm.

Một phần cày bừa tự nhiên có một phần thu hoạch, nhân duyên quả báo không sót mảy trần. Nhờ người khác cứu giúp không phải là biện pháp, không thể giải quyết vấn đề. Nhờ người khác bố thí cúng dường, tương lai về sau còn phải trả nợ, làm gì có chuyện ăn không.

Người xuất gia tiếp nhận cúng dường của bốn chúng đồng tu, trong Phật pháp thường nói: “Một hạt gạo của thí chủ, nặng như núi Tu Di, đời nay không liễu đạo, mang lông đội sừng để trả”. Vẫn là phải đền trả, cơm này không dễ ăn, vẫn là chính mình cày bừa thì tương đối thuận tiện.

Nghiệp nhân quả báo trong đây sâu rộng vô ngần, tình huống sự thật rộng lớn vô biên, nếu như không phải Phật nói cho chúng ta nghe, ngay trong một đời này của chúng ta nhất định không nghĩ ra được.

Cho nên ân đức của Phật đối với chúng ta, cha mẹ cũng không thể sánh được với Phật. Ân đức của cha mẹ một đời một kiếp, sinh mạng của chúng ta có được là nhờ cha mẹ, ân đức của Phật đời đời kiếp kiếp, vĩnh viễn không có bờ mé. Ai biết được? Người giác ngộ biết được, cho nên tri ân báo ân.

Làm thế nào báo ân?

Chỉ có y giáo phụng hành, đó mới là chân thật báo ân Phật. Có thể tin, có thể hiểu, có thể hành, có thể chứng đối với kinh điển. Cái gì gọi là chứng? Đem đạo lý phương pháp mà Phật đã nói trong kinh điển hoàn toàn ứng dụng ngay trong đời sống chính là chứng quả. Bạn ở ngay trong đời sống đạt được chứng minh.

Thí dụ Phật nói với chúng ta, bố thí tài được tiền của, bạn hiểu rõ được đạo lý này, biết được phương pháp này, bạn tu bố thí tài quả nhiên phát tài được tiền của, đó gọi là chứng. Nếu bạn không phát được tài thì bạn chưa chứng. Bố thí pháp được thông minh trí tuệ, bố thí vô úy được khỏe mạnh sống lâu. Có lý luận, có phương pháp, có chân tướng sự thật, chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày đích thực là có thể đạt được, đó gọi là chứng.

Các pháp Phật nói ra là vô lượng vô biên, mỗi thứ chúng ta đều đem nó chứng thực, đều đem nó chứng minh, đó gọi là chứng quả. Thế nên Phật nói với chúng ta đều là nói ra những cương lĩnh, nguyên lý, nguyên tắc, chúng ta phải sâu sắc mà thể hội, đem những nguyên lý nguyên tắc này ứng dụng ngay trong cuộc sống, ứng dụng ở trong công việc, ứng dụng ở trong đối nhân xử thế tiếp vật, không có pháp nào không tương ưng, không có việc nào không tương ưng, thì bạn hoàn toàn sống ngay trong Phật pháp.

Phật pháp là giác pháp, sống ở trong giác ngộ, cũng sống ở trong trí tuệ viên mãn, đó gọi là học Phật, đó gọi là tu hành chứng quả. Tu hành chứng quả chính là việc như vậy thôi. Ở trong đây quyết không phải là hư huyền, quyết không luống không, quyết không phải là cao không với tới, sâu không thể dò được. Đều là ở ngay trong cuộc sống thường ngày, nói rõ đều là việc thường ngày trong nhà, làm gì có chút nào kỳ lạ đâu?

Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 62

Bài viết liên quan

Vì sao tín tâm có thể thoái, có thể thay đổi?

Thiện Quang

Làm thế nào để tiếp nối huệ mạng của Phật?

Thiện Quang

Làm thế nào thoát khỏi tam khổ?

Thiện Quang

Thế nào gọi là an trụ?

Thiện Quang

Tín Giải Hành Chứng: Trình tự tu học Phật pháp

Thiện Quang

Ngũ giới, Thập thiện là nền tảng của Phật Pháp

Thiện Quang

Người muốn sanh Tịnh Độ rất nhiều, tại sao đi không được?

Thiện Quang

Phàm phu và Phật có cùng một tự tánh, linh tánh

Thiện Quang

Quán Vô Trụ: Vì sao nhất định phải vô trụ?

Thiện Quang

Leave a Comment