Kinh Địa Tạng phẩm 2: Phân thân tập hội tập 2
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện quyển thượng phẩm thứ 2: Phân thân tập hội tập 2 – Mục 2: Đức Như Lai An Ủi Ủy Thác.
Xin mở kinh, phẩm thứ nhì: Phân Thân Tập Hội, bắt đầu từ đoạn thứ hai.
Nhĩ thời Thế Tôn thư kim sắc tý, ma bách thiên vạn ức bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết vô lượng a-tăng-kỳ thế giới chư phân thân Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát đảnh.
爾時世尊舒金色臂。摩百千萬億不可思。不可議。不可量。不可說無量阿僧祇世界諸分身地藏菩薩摩訶薩頂。
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn đưa cánh tay sắc vàng xoa đảnh các phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát trong trăm ngàn vạn ức chẳng thể nghĩ, chẳng thể bàn, chẳng thể tính, chẳng thể nói vô lượng a-tăng-kỳ thế giới.
Lần trước giảng đến chỗ này, ý tứ trong đó rất sâu. Từ đoạn khai thị này của Thế Tôn chúng ta biết phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát thật là vô lượng vô biên. Tại sao Bồ Tát phải dùng nhiều phân thân như vậy? Chúng ta phải nghĩ đến vấn đề này, nhất định là vì chúng sanh tạo ác nghiệp ở mười phương thế giới quá nhiều, nên Ðịa Tạng Bồ Tát cần phải phân thân đi độ hóa. Ðây là hiển thị ý nghĩa này, người tạo ác nghiệp nhiều vô lượng vô biên. Thế Tôn nói tiếp:
Nhi tác thị ngôn:
而作是言。
Rồi nói rằng:
Ðây là lời Phật Thích Ca nói:
Ngô ư ngũ trược ác thế, giáo hóa như thị cang cường chúng sanh, lịnh tâm điều phục xả tà quy chánh. Thập hữu nhất nhị thượng ác tập tại.
吾於五濁惡世。教化如是剛強眾生。令心調伏捨邪歸正。十有一二尚惡習在。
Ta ở trong đời ác Ngũ Trược giáo hóa những chúng sanh ương ngạnh như vậy, làm cho tâm họ điều phục, bỏ tà về chánh. Trong mười phần còn một, hai phần vẫn theo thói ác.
Ðức Phật an ủi Ðịa Tạng Bồ Tát, Ðịa Tạng Bồ Tát từ bi đến cùng cực. Cùng một đạo lý, đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng từ bi đến cùng cực, Bồ Tát phân thân vô lượng vô biên, Phật có khác gì đâu? Trong kinh Phạm Võng chúng ta thấy trăm ngàn ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật. Ðịa Tạng và Thế Tôn như vậy, chúng ta liền liên tưởng đến hết thảy chư Phật Bồ Tát chẳng có vị nào không như vậy. Thế nên việc này nói cho chúng ta biết Phật, Bồ Tát còn nhiều hơn số người tạo tội nghiệp, lòng đại từ đại bi này chúng ta chẳng tìm đủ ngôn từ để tán thán. Nhưng chúng sanh đích thật ương ngạnh khó giáo hóa, tập khí quá nặng. Phật, Bồ Tát giáo hóa chúng sanh, dạy cho họ cải tà quy chánh, ở đây nói ‘trong mười người có một, hai vẫn còn tập khí ác’, nói cách khác, bảy tám người trong mười người đã được Phật, Bồ Tát độ thoát rồi, như vậy số người được độ thoát không phải rất nhiều sao? Chư vị nên biết số người nói ở đây là chỉ những chúng sanh căn cơ chín muồi, không nói đến những chúng sanh căn cơ chưa chín muồi. Cũng có nghĩa là thiện căn, phước đức của họ đã thành thục rồi, Phật, Bồ Tát đến tạo duyên phụ giúp họ, là ý tứ như vậy. Ða số những người này đều có thể tiếp nhận Phật pháp, y giáo phụng hành, nhưng vẫn còn thiểu số một, hai trong mười người, vẫn còn tập khí ác. Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy có mười loại chúng, liệt kê ra mười loại đến nghe kinh trong những đoàn thể nhỏ, chúng ta có thể nhận biết được. Trên thật tế thì trong đạo tràng của chúng ta cũng có thể nhận biết. Nếu họ chẳng có thiện căn phước đức, chúng ta giảng kinh ở đây họ đời nào chịu đến nghe! Cũng rất chăm chú nghe, hình như cũng rất gắng sức tu hành, nhưng một lát thôi rồi tập khí tật xấu gì cũng khởi lên lại, đây là thuộc về ‘một, hai trong mười’ này. Hạng này được độ trong đời này không? Không thể được, chỉ trồng thiện căn mà thôi. Cho nên Phật giao những chúng sanh này cho Ðịa Tạng Bồ Tát, Phật chưa độ hết những người căn tánh chưa chín muồi này, nhờ Ðịa Tạng Bồ Tát độ tiếp, mãi cho đến khi Phật Di Lặc ra đời. Chúng ta xem tiếp kinh văn:
Ngô diệc phân thân thiên bách ức, quảng thiết phương tiện.
吾亦分身千百億。廣設方便。
Ta cũng phân thân ngàn trăm ức, rộng bày phương tiện.
Ở đây đức Phật Thích Ca nói ra, phía trước là nói sơ lược, ở đây nói kỹ hơn, chia căn tánh của chúng sanh thành bốn loại, ba loại trong đó đều được độ, loại chót chính là ‘một, hai trong mười’, cụ thể nói rõ ra.
Hoặc hữu lợi căn văn tức tín thọ.
或有利根聞即信受。
Hoặc có kẻ lợi căn, vừa nghe liền tin nhận.
Ðây là người thượng thượng căn, vừa tiếp xúc Phật pháp liền tin tưởng, liền tiếp nhận, y giáo phụng hành, họ liền được độ, đây là [chúng sanh] được độ vào thời Chánh pháp. Hạng thứ hai:
Hoặc hữu thiện quả cần khuyến thành tựu.
或有善果勤勸成就。
Hoặc kẻ có thiện quả, phải ân cần khuyên bảo mới thành tựu.
Thiện căn, phước đức cũng khá sâu dầy, nhưng thua hạng người kể trên. Nếu chúng ta xếp vào ba thời kỳ trong pháp vận của Phật, đây là [chúng sanh] được độ trong thời Tượng pháp, còn thuộc hàng lợi căn, tốt hơn chúng ta bây giờ.
Hoặc hữu ám độn cửu hóa phương quy.
或有暗鈍久化方歸。
Hoặc có kẻ ám độn, giáo hóa thật lâu mới có thể quay về.
Ðây là hạng căn tánh ám độn. ‘Ám’ là không có trí huệ, ‘độn’ là căn tánh không lanh lợi. Ðối với chúng sanh hạng này, Phật cũng chẳng bỏ rơi. ‘Cửu hóa’ nghĩa là phải dùng thời gian rất dài để giúp đỡ họ. Chúng ta thường nói ‘đi sâu vào một môn, huân tu trong thời gian dài’, họ từ từ cũng sẽ giác ngộ. Ðây là những chúng sanh thời Mạt pháp.
Hoặc hữu nghiệp trọng bất sanh kính ngưỡng.
或有業重不生敬仰。
Hoặc có kẻ nghiệp nặng, chẳng sanh lòng kính ngưỡng.
Ðây không phải là những người bên ngoài, là chỉ bốn chúng đệ tử trong nhà Phật, thậm chỉ cũng đã xuất gia, thọ giới, làm pháp sư, làm trụ trì, đối với Phật pháp chẳng sanh kính ngưỡng. Tuy nhìn thấy tượng Phật cũng đảnh lễ, lạy, tuyệt chẳng y giáo phụng hành, như vậy là không có lòng kính ngưỡng; nếu có lòng kính ngưỡng thì nhất định sẽ y giáo phụng hành. Họ chẳng chịu làm, Phật dạy chúng ta không tham, [nhưng họ] cứ tham, chẳng bỏ lỡ, Phật dạy chúng ta không si, họ vẫn si mê như cũ, hạng người này chính là ‘không sanh lòng kính ngưỡng’. Tại sao không sanh kính ngưỡng? Nghiệp chướng nặng, tuy họ nghe lời Phật giảng, cũng biết nói, nhưng lại hoài nghi. Coi trọng lợi ích trước mắt, họ chẳng chịu xả bỏ, chẳng chịu buông xuống, cùng người thế gian tranh danh đoạt lợi, sai lầm ở chỗ này. Hạng chúng sanh này tức là loại ‘một, hai trong mười’ nói ở trên. Họ tiếp xúc Phật pháp, trồng thiện căn trong ấy nhưng đời này không thể thành tựu. Ðây là sau khi pháp của Thế Tôn đã diệt, vị Phật kế đó, Di Lặc Bồ Tát thành Phật, khi nào mới đến? Trong ‘Kinh Di Lặc Hạ Sanh’ nói năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau, Phật Di Lặc mới hạ sanh. Thời gian này được tính như thế nào? Trên thật tế chư vị tính thử xem, không khó, có thể tính ra. Di Lặc Bồ Tát hiện nay đang ở trời Ðâu Suất, một ngày ở trời Ðâu Suất bằng bốn trăm năm ở nhân gian, thọ mạng người cõi trời Ðâu Suất rất dài, cũng tính một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, y theo cách tính này; Tứ Vương thiên thọ mạng năm trăm tuổi, Ðao Lợi thiên thọ mạng một ngàn tuổi, Dạ Ma thiên thọ mạng hai ngàn tuổi, Ðâu Suất thiên thọ mạng bốn ngàn tuổi. Cách tính bốn ngàn tuổi là một ngày của họ bằng bốn trăm năm ở cõi người, cứ như vậy tính ra, đại khái tức là năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm, con số này là do người đời trước tính ra. Chính xác hay không chẳng quan hệ, bạn có thể tự tính được.
Sau thời gian dài như vậy, Phật Di Lặc mới xuất hiện ở nhân gian. Thời gian không có Phật trước đó thật là dài, quá dài, trong thời gian này Thế Tôn nhờ Ðịa Tạng Bồ Tát thay thế Phật độ hóa những chúng sanh khổ nạn. Cho nên lúc Phật không trụ thế, Ðịa Tạng Bồ Tát là người đại diện cho Phật. Do đó trong pháp hội chúng ta thấy Văn Thù, Phổ Hiền Bồ Tát rất cung kính Ðịa Tạng Bồ Tát, vì Ðịa Tạng Bồ Tát là người đại diện cho Phật. Trong những kinh điển khác chúng ta thấy lễ tiết, ngôn từ không giống nhau, rất là cung kính.
Như thị đẳng bối chúng sanh, các các sai biệt phân thân độ thoát.
如是等輩眾生。各各差別分身度脫。
Những hạng chúng sanh sai khác như vậy, Ta đều phân ra nhiều thân khác nhau để độ thoát cho từng hạng.
Ân đức lớn lao của chư Phật, Bồ Tát đối với chúng sanh trên thế gian này chẳng có gì bằng, ai có thể sánh bằng? Trong mỗi niệm không hề xả bỏ chúng sanh, căn chín muồi cũng độ, căn chưa chín muồi cũng độ. Căn chưa chín thì giúp cho họ trở thành chín; đã chín rồi thì nhất định sẽ được độ. Thời Mạt pháp chúng sanh có căn cơ chín muồi chính là Tịnh Ðộ, người có thể chân chánh tin tưởng lời dạy trong Tịnh Ðộ, chắc thật niệm Phật cầu nguyện vãng sanh. Người có căn cơ chín muồi trong thời Mạt pháp sanh đến Tây Phương Cực Lạc thế giới bất thoái thành Phật, đó là căn chín muồi. Chúng sanh căn tánh chưa chín muồi trong thời Mạt pháp là những ai? [Là những người] chẳng thể tiếp nhận giáo pháp Tịnh Ðộ. Ngày nay chúng ta thấy những người học Thiền, học Mật, học những pháp môn khác, chúng ta rất rõ ràng, tại sao vậy? Trong đời này họ nhất định chẳng có khả năng tự mình đoạn phiền não, những pháp môn thông thường chẳng ngoại lệ. Khi Kiến Tư phiền não đoạn dứt mới có thể vượt thoát khỏi sáu nẻo luân hồi, tuy thoát khỏi sáu nẻo luân hồi nhưng vẫn còn trong mười pháp giới, mười pháp giới vẫn còn là một vòng quanh quẩn to lớn, vẫn còn giới hạn. Còn phải đoạn Trần Sa phiền não, rồi tiến lên phá một phẩm vô minh mới siêu việt mười pháp giới, chứng được Pháp Thân, vãng sanh về Nhất Chân pháp giới.
Nhất Chân pháp giới nói trong kinh Hoa Nghiêm hơn phân nửa là Hoa Tạng thế giới. Khó lắm! Chuyện này quá khó, khó vô cùng! Ðừng nói đoạn hết [tất cả] Kiến Tư phiền não, một phẩm Kiến Tư cũng chẳng dễ, có bao nhiêu người có thể phá Thân Kiến của mình, có thể không nghĩ về sự hưởng thọ của thân này? Cửa ải này phá xong thì mới phá một phần của Kiến Tư, mới phá một phẩm của tám mươi tám phẩm. Tuyệt chẳng khởi tâm động niệm muốn cho thân này hưởng thọ thì mới phá được một phẩm Thân Kiến; tám mươi tám phẩm mới phá được một phẩm thì chẳng dùng được. Từ chỗ này chúng ta mới biết tu học những pháp môn khác thật sự cần phải có lợi căn, thiện quả như Phật nói mới được. Lợi căn, thiện quả gì chúng ta cũng không có, chỉ có một chút thiện căn, phước đức, nhân duyên này, nghe được giáo pháp Tịnh Ðộ, hết lòng chắc thật niệm Phật, như vậy mới có được một chút thành tựu.
Ðoạn kinh văn phía sau giảng về phổ hiện sắc thân, như kinh Lăng Nghiêm nói nên dùng thân gì để độ hóa thì Phật, Bồ Tát dùng thân đó. Phật, Bồ Tát ở thế gian, chúng ta phàm phu mắt thịt nhìn không ra, nói thật ra trong thế gian có rất nhiều, rất nhiều, trong những người buôn bán, người giúp việc cũng có Phật, Bồ Tát. Chúng ta không có cảnh giác cao nên thường mắc lỗi, khinh mạn, khinh dễ Phật, Bồ Tát, tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp, tự mình không biết, Phật, Bồ Tát tuyệt đối chẳng trách mắng bạn. Những người hiểu rõ sự thật này nhất định sẽ chẳng dám khởi tâm khinh mạn đối với hết thảy chúng sanh. Ý nghĩa quan trọng của chư Phật, Bồ Tát thị hiện như vậy là để dạy chúng ta tu Phổ Hiền Hạnh ‘Lễ Kính Chư Phật’, đối với hết thảy người, sự, vật đều phải chân thành cung kính, đoạn dứt phiền não cống cao ngã mạn của mình. Mọi người đều biết trong lịch sử, hai vị Hàn Sơn, Thập Ðắc ở chùa Quốc Thanh là hóa thân của Văn Thù và Phổ Hiền. Các Ngài làm gì trong chùa? Làm công việc lặt vặt, chẻ củi, gánh nước trong nhà bếp. Có ai kính trọng các Ngài! Phong Can là A Di Ðà Phật tái lai, Ngài làm gì trong chùa? Giã gạo, làm công việc nặng nhọc trong nhà bếp, phục vụ đại chúng, trong chùa không có một ai kính trọng Ngài. Sau này người ta biết được, mới biết Phật, Bồ Tát vốn đang chăm sóc cho chúng ta, chúng ta mỗi ngày mắc lỗi với các Ngài, có hối hận cũng không kịp. Ðạo tràng của chúng ta không lẽ chẳng có Phật, Bồ Tát hay sao? Có thể Phật, Bồ Tát đang làm việc trong nhà bếp mà các bạn không biết, mỗi ngày đều dèm chê họ. Thế nên phải biết hóa thân của chư Phật, Bồ Tát thật sự đều ở xung quanh chúng ta. Ở đây nêu ra vài thí dụ để nói rõ thêm:
Hoặc hiện nam tử thân, hoặc hiện nữ nhân thân, hoặc hiện thiên long thân, hoặc hiện thần quỷ thân.
或現男子身。或現女人身。或現天龍身。或現神鬼身。
Hoặc hiện thân người nam, hoặc hiện thân người nữ, hoặc hiện thân trời, rồng, hoặc hiện thân quỷ, thần.
Mắt thịt chúng ta nhìn chẳng thấy những vị này, họ thấy chúng ta, họ ở xung quanh chúng ta, có thể ảnh hưởng chúng ta. Lúc trước lão cư sĩ Châu Kính Trụ kể cho tôi nghe nhân duyên dẫn cụ học Phật, ban đêm cụ nhìn thấy quỷ nên mới tin tưởng. Cụ là người học khoa học, cũng làm quan khá lớn, cứ cho rằng những chuyện này là mê tín, chẳng bao giờ chịu tin. Cụ tiếp xúc được rất nhiều, nhưng thấy người khác, nghe người khác kể đều coi như nghe kể chuyện cổ tích, bán tín bán nghi. Cụ làm sao sanh khởi lòng tin chân chánh được? Cụ kể cho tôi nghe, trong thời kháng chiến cụ đang ở Trùng Khánh, ban đêm đánh bài ‘mà chược’ đến một, hai giờ khuya mới về nhà. Lúc đó chẳng có xe, phải đi bộ, cách rất xa mới có một cột đèn, đại khái cỡ chừng hai mươi nến, trên đường tối đen như mực. Trên đường đi về nhà, khoảng đường khá dài, cũng chẳng có cảm giác gì khác lạ. Cụ thấy có một người đang đi trước cụ chẳng xa, là một người đàn bà, cụ cứ đi như vậy cũng chẳng để ý. Sau khi đi được một lúc cụ bỗng nhiên giựt mình, [đặt câu hỏi] tại sao bà này đi lang thang một mình trong đêm tối? Nghĩ như vậy nên cụ nổi da gà, nhìn kỹ lại mới thấy bà này chỉ có phân nửa thân phía trên, chẳng thấy thân phía dưới, lúc bấy giờ cụ mới thật sự khiếp sợ. Nhờ gặp chuyện này nên cụ mới bắt đầu học Phật. Sau khi học Phật, cụ nói chắc là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát ‘hoặc hiện thần quỷ thân’, nếu chẳng thấy tận mắt, bất kỳ ai nói, cụ cũng sẽ bán tín bán nghi, coi như nghe chuyện cổ tích, nhờ [cụ nhìn thấy bà này nên] mới bước vào cửa Phật. Phía dưới:
Hoặc hiện sơn lâm xuyên nguyên, hà trì tuyền tỉnh, lợi cập ư nhân, tất giai độ thoát.
或現山林川原。河池泉井。利及於人。悉皆度脫。
Hoặc hiện núi rừng, nguồn sông, đồng bằng, sông hồ, suối giếng để làm lợi ích cho con người, làm cho tất cả đều được độ thoát.
Ðây là hiện ‘Thân vô tình’. Hiện nay mọi nơi đều đề xướng du lịch ngắm cảnh, lúc bạn đi du lịch, đi chơi nhìn thấy những cây cối, hoa cỏ, những cảnh núi sông này, sau khi nhìn thấy bèn có cảm nhận giác ngộ, [những cảnh tượng này] đều là chư Phật, Bồ Tát biến hiện. Tại sao người khác nhìn thấy không khai ngộ mà bạn nhìn lại khai ngộ? Cho nên một người khai ngộ không nhất định phải là nhân duyên gì, phàm những gì giúp đỡ bạn khai ngộ, bất luận là người, sự, vật đều là Phật, Bồ Tát gia trì. Từ đó bạn mới biết, không những Phật, Bồ Tát thị hiện làm chúng sanh hữu tình mà còn thị hiện chúng sanh vô tình ở xung quanh bạn nữa. Chúng ta không biết ngôn ngữ, thân thể tạo tác, khởi tâm động niệm [của chúng ta], thậm chí tự mình không biết mình ngu si ám độn, nhưng Phật, Bồ Tát biết rõ ràng, minh bạch. Người Trung Quốc thời xưa có câu: ‘Trên đầu ba thước có thần minh’, lời này chẳng giả. Số quỷ thần nhiều, số Phật, Bồ Tát còn nhiều hơn, đều là đại từ đại bi, niệm niệm không gì chẳng là cảm hóa chúng ta, làm cho chúng ta quay về, sớm một ngày thoát khỏi lục đạo luân hồi, không tạo ác nghiệp nữa. Thế nên phàm những gì có lợi cho chúng sanh, đặc biệt là có lợi cho chúng sanh khai ngộ, giải thoát, chúng ta biết đều là Phật, Bồ Tát gia trì, chẳng có nơi nào Phật, Bồ Tát không hiện thân.
Hoặc hiện Thiên Ðế thân, hoặc hiện Phạm Vương thân.
或現天帝身。或現梵王身。
Hoặc hiện thân Thiên Ðế, hoặc hiện thân Phạm Vương.
Chúng ta đọc đến đây thì đừng coi thường những tín đồ tôn giáo khác. Ðối với hết thảy tín đồ tôn giáo khác chúng ta phải cung kính, tâm và thái độ cung kính họ cùng tâm và thái độ đối với Phật, Bồ Tát chẳng khác. Tại sao vậy? Những hạng chúng sanh nào Phật độ không được, họ tin Thượng Ðế, thì Phật, Bồ Tát bèn hiện thân Thượng Ðế để độ họ, như vậy không phải là cùng một chuyện hay sao? Chẳng có gì khác nhau hết. Chẳng qua là Ngài chỉ quẹo qua một ngõ khác mà thôi, phải sanh lên trời rồi sau đó mới học Phật. Hiện nay chúng ta đang học Phật thì thù thắng hơn họ rất nhiều, họ phải đi đường vòng quanh. Họ chẳng cung kính chúng ta là đương nhiên rồi, họ chẳng hiểu, có thành kiến, có chấp trước, bài xích. Chúng ta đối với họ chẳng thể không cung kính, chúng ta biết Phật, Bồ Tát hóa thân trên trời và nhân gian vô lượng vô biên. ‘Thiên Ðế’ là danh xưng của người Trung Quốc gọi Ngọc Hoàng đại đế, là vị được Ðạo Giáo sùng bái. Thượng Ðế của một số tôn giáo Tây Phương đại khái là Ðao Lợi thiên chủ. ‘Phạm Vương’ là Ðại Phạm thiên vương, có một số tôn giáo ở Ấn Ðộ sùng bái Ðại Phạm thiên.
Hoặc hiện Chuyển Luân Vương thân.
或現轉輪王身。
Hoặc hiện thân Chuyển Luân Vương.
Chuyển Luân Vương là người có phước báo lớn nhất trong cõi người. Những báo cáo về khoa học cận đại thường đăng tin có những vật phi hành chẳng rõ từ đâu ngoài không gian xuất hiện trên trái đất. Những báo cáo này rất nhiều, thậm chí còn nói có người ngoài không gian. Luân Bảo của Luân Vương nói thật ra rất giống với dĩa bay, đây là công cụ giao thông và cũng là võ khí của Ngài. Cho dù những người này lái dĩa bay đến đây, có phải họ là Chuyển Luân Vương không? Không chắc, Chuyển Luân Vương sai người đến đây khảo sát tình hình, nhất định chẳng phải Chuyển Luân Vương. Làm sao biết được? Chuyển Luân Vương từ bi, đối với hết thảy chúng sanh tuyệt đối chẳng gây tổn hại. Thế nên chúng ta có thể nói nếu là công cụ giao thông của Luân Vương thì họ nhất định là sứ giả của Luân Vương. Cũng giống như ngày nay chúng ta phái người đi thám hiểm ngoài không gian, phi hành gia Mỹ đã đi, phi hành gia Nga cũng đi rồi, tuyệt đối chẳng phải tổng thống Mỹ, tổng thống Nga, là họ phái người đi, đây là chuyện chúng ta có thể tưởng tượng được. Hiện thân Chuyển Luân Vương.
Hoặc hiện cư sĩ thân.
或現居士身。
Hoặc hiện thân cư sĩ.
Người tại gia học Phật.
Hoặc hiện Quốc Vương thân, hoặc hiện Tể phụ thân.
或現國王身。或現宰輔身。
Hoặc hiện thân Quốc Vương, hoặc hiện thân Tể phụ.
Tể phụ là quan, chúng ta gọi là quan lớn, hiện nay những chức Tổng lý, Thủ tướng, Bộ trưởng đều là [chức] Tể phụ.
Hoặc hiện quan thuộc thân.
或現官屬身。
Hoặc hiện thân các quan thuộc.
Ðây là những quan viên trong chính phủ, là thân phận người tại gia.
Hoặc hiện Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thân.
或現比丘.比丘尼.優婆塞.優婆夷身。
Hoặc hiện thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.
Ðây là thị hiện thân phận của người học Phật. Vì ở đây có ghi Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, phía trước ghi cư sĩ, giữa hai hạng này có chỗ khác nhau. Cư sĩ không nhất định là người học Phật, là những người tại gia có học thức, có đạo đức, chẳng làm quan. Ở đây có chút sai khác như vậy.
Nãi chí Thanh Văn, La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát đẳng thân, nhi dĩ hóa độ, phi đản Phật thân độc hiện kỳ tiền.
乃至聲聞.羅漢.辟支佛.菩薩等身。而以化度。非但佛身獨現其前。
Cho đến thân Thanh Văn, La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, v.v… để hóa độ, chứ chẳng phải chỉ có thân Phật hiện ra trước chúng thôi đâu.
Ðức Phật Thích Ca thị hiện lần này là dùng thân Phật thị hiện. Ngoại trừ dùng thân Phật ra, Ngài còn dùng những thân khác thị hiện, trăm ngàn vạn ức Ứng hóa thân đều ở trong thế gian chúng ta. Nếu chúng ta hỏi đức Phật Thích Ca hiện nay có ở đây không? Ðương nhiên là có, chẳng dùng thân Phật để xuất hiện. Phàm phu chúng ta cứ cho rằng đức Phật Thích Ca đã diệt độ rồi, là thân tướng của Phật diệt độ. Nếu Ngài thị hiện thân người nam, người nữ, thiên long, quỷ thần, cư sĩ, tể quan, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni thì chúng ta làm sao nhận ra? Lúc nào cũng có, nơi nào cũng có. Trên lịch sử chúng ta chỉ biết đại sư Trí Giả là đức Phật Thích Ca Mâu Ni tái lai, Ngài hiện thân tỳ-kheo. Ðây là thân phận lộ ra mọi người mới biết được, thân phận khác chưa lộ ra quá nhiều, quá nhiều! Thân phận lộ ra chỉ là một phần vạn, hai phần vạn mà thôi, đại đa số thân phận chẳng lộ ra. Nếu thân phận thường thường lộ ra thì có ảnh hưởng phụ đối với sự hoằng truyền Phật giáo, chẳng có lợi cho việc giáo hóa chúng sanh, chỉ lâu lâu mới lộ một lần, việc này chúng ta nhất định phải biết. Thế nên đối với hết thảy mọi người phải giữ lòng cung kính, thái độ của chúng ta phải thường giữ tâm hoan hỷ, phải hiểu đạo lý này, chư Phật, Bồ Tát không ai là chẳng vậy. Xem tiếp đoạn kinh kế:
Nhữ quán: Ngô lũy kiếp cần khổ, độ thoát như thị đẳng nan hóa cang cường tội khổ chúng sanh.
汝觀吾累劫勤苦。度脫如是等難化剛強罪苦眾生。
Ông xem: Ta trải qua bao số kiếp cần cù khổ nhọc độ thoát những chúng sanh ương ngạnh, đầy tội khổ, khó khai hóa như thế.
Ðức Phật Thích Ca thị hiện làm gương mẫu cho Bồ Tát, dạy Bồ Tát phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân thì sẽ có khả năng biến hóa trăm ngàn vạn ức hóa thân. Ðáng nên học Phật, quảng độ chúng sanh. Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, Biệt Giáo Sơ Ðịa Bồ Tát có thể tùy loại hóa thân. Trong kinh Lăng Nghiêm chúng ta thấy Quán Thế Âm Bồ Tát, chư vị nhất định phải biết Quán Thế Âm Bồ Tát trong kinh Lăng Nghiêm là Sơ Trụ Bồ Tát, chẳng phải là Ðẳng Giác Bồ Tát. Ngài thuật lại quá trình tu hành của mình, lý luận và phương pháp tu hành, báo cáo cho đại chúng biết. Công phu của Ngài là ‘Xoay trở vào trong nghe Tự Tánh, Tánh thành Vô Thượng Đạo’. Phá một phẩm vô minh, kiến tánh xong thì Ngài có năng lực ba mươi hai Ứng. Thế nên trong hội Lăng Nghiêm chúng ta biết Quán Âm là Sơ Trụ Bồ Tát, Phát Tâm Trụ, Bồ Ðề tâm vừa mới phát bèn có năng lực lớn như vậy. Quán Âm Bồ Tát trong kinh Hoa Nghiêm, sau này sẽ giảng đến Năm mươi ba lần tham vấn của Thiện Tài đồng tử, tham vấn Quán Thế Âm Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát này đại biểu quả vị Thất Hồi Hướng, Thất Hồi Hướng Bồ Tát. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn là Ðẳng Giác Quán Thế Âm Bồ Tát. Bồ Tát giống như Phổ Hiền trong kinh Hoa Nghiêm vậy, có ‘Ðạo Tiền’, có ‘Ðạo Vị’, Ðạo Tiền là trước lúc chứng Ðẳng Giác, có thể nói là từ quả vị Sơ Tín đến Pháp Vân Ðịa gọi là Ðạo Tiền; Ðẳng Giác là Ðạo Vị. Sau khi thành Phật, thả chiếc bè Từ, lại dùng thân Bồ Tát độ hóa chúng sanh, cùng việc Thế Tôn nói ở đây chẳng nhất định phải hiện thân gì, Ngài có khả năng tận hư không, trọn khắp pháp giới cùng hết thảy chúng sanh cảm ứng đạo giao, chúng sanh có cảm, Ngài liền có ứng. Cảm của chúng sanh có hiển, có ẩn, hiển là gì? Có tâm cầu Phật, Bồ Tát. Ẩn là gì? Tâm niệm cầu Phật, Bồ Tát tự mình cũng chẳng biết, việc này rất kỳ lạ. Tại sao mình cầu Phật, Bồ Tát đến giúp đỡ mà tự mình chẳng biết? Nói thật ra là vì thiện căn phước đức của mình đã chín muồi, tự mình chẳng biết. Nhưng mức chín muồi này của bạn cảm động đến Phật, Bồ Tát, chư Phật, Bồ Tát nhất định sẽ ứng hóa đến tạo cho bạn tăng thượng duyên, để giúp đỡ bạn, thành tựu cho bạn. Bạn chẳng tìm Ngài, Ngài đến tìm bạn, trong kinh Vô Lượng Thọ có nói: ‘Làm người bạn chẳng thỉnh của hết thảy chúng sanh’, bạn chẳng mời họ, họ tự động tới. Phía sau là đoạn Thế Tôn nhờ Ngài:
Kỳ hữu vị điều phục giả tùy nghiệp báo ứng, nhược đọa ác thú thọ đại khổ thời, nhữ đương ức niệm, ngô tại Ðao Lợi thiên cung ân cần phó chúc, lịnh Sa Bà thế giới chí Di Lặc xuất thế dĩ lai chúng sanh, tất sử giải thoát vĩnh ly chư khổ ngộ Phật thọ ký.
其有未調伏者隨業報應。若墮惡趣受大苦時。汝當憶念。吾在忉利天宮殷勤付囑。令娑婆世界至彌勒出世已來眾生。悉使解脫永離諸苦遇佛授記。
Còn những kẻ chưa được điều phục thì theo nghiệp mà chịu báo ứng. Nếu họ đọa vào đường dữ và chịu nhiều sự đau khổ thì ông nên nhớ Ta ở cung trời Ðao Lợi đã ân cần phó chúc [ông] làm cho chúng sanh ở thế giới Sa Bà đến lúc đức Phật Di Lặc xuất thế đều được độ thoát, vĩnh viễn xa lìa các sự khổ, được gặp Phật và được thọ ký.
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni tại cung trời Ðao Lợi ân cần ủy thác công việc giáo hóa chúng sanh cho Ðịa Tạng Bồ Tát, vô cùng rõ ràng, minh bạch. [Những người] đã từng trong thời gian giáo hóa của Thế Tôn, kể cả thời Mạt pháp, cũng có nghĩa là trong pháp vận mười hai ngàn năm của đức Phật Thích Ca, những người đã được nghe danh hiệu Phật, nhìn thấy tượng Phật, lúc Phật còn tại thế đã thấy Phật, lúc Phật chẳng còn tại thế đã nhìn qua hình tượng của Phật, hoặc là tượng điêu khắc, hoặc là tranh vẽ. Hoặc nghe đến danh hiệu của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhìn qua hình tượng của Tam Bảo, bất luận Tam Bảo này là thật hay giả, có tu hoặc chẳng có tu, đều không quan trọng vì chỉ cần họ có dịp tiếp xúc thì đều được trồng thiện căn. Tuy đã trồng thiện căn nhưng ác nghiệp tập khí của họ quá nặng. Có thiện căn dầy thì sanh một chút cung kính, không chịu y giáo phụng hành; thiện căn mỏng thì không những chẳng sanh tâm cung kính, ngược lại còn hủy báng. Thế nên chư vị phải biết, lúc mới học Phật chúng ta bị một chút hủy báng chẳng đáng kể gì hết. Chư Phật Như Lai ứng hóa nơi thế gian này, bị hủy báng quá nhiều, quá nhiều rồi, Phật chẳng giữ trong tâm, đây là việc chúng ta nên học các Ngài. Bị những sự sỉ nhục, hủy báng này, chúng ta nhìn chúng sanh tạo tội nghiệp phải nên khởi tâm thương xót, làm sao chúng ta có thể phiền họ được? Làm sao có thể trách họ được? Nếu còn sanh khởi tâm muốn trả đũa thì bạn hoàn toàn sai mất rồi. Bạn phải biết họ ngu si, họ chẳng có trí huệ, phiền não tập khí của họ quá nặng nên họ mới tạo tác ác nghiệp, thương xót họ còn không kịp thì có lý nào trách móc họ! Ðây là chư Phật, Bồ Tát thị hiện cho chúng ta xem, dạy chúng ta làm sao học tập. Người tạo ác nghiệp thì nhất định phải đọa địa ngục, ‘nếu đọa vào đường dữ và lúc chịu nhiều đau khổ’, đây là đọa địa ngục, tạo tội nghiệp trong Phật pháp.
Sau đó là lời Thế Tôn phó chúc, ‘nhữ đương ức niệm’, ‘nhữ’ là chỉ Ðịa Tạng Bồ Tát, lời này là nói với Ðịa Tạng Bồ Tát: Ông nên nghĩ đến. ‘Ngô’ là đức Phật Thích Ca tự xưng, Thế Tôn ‘tại Ðao Lợi thiên cung’, hôm nay ‘ân cần phó chúc’, nhờ ông làm việc này. ‘Lịnh Sa Bà thế giới, chí Di Lặc xuất thế dĩ lai chúng sanh’, đây chẳng phải là chúng sanh thông thường, đều đã gặp được Phật pháp, những chúng sanh tạo tội nghiệp nơi Tam Bảo, chúng ta phải hiểu rõ việc này. Cũng như phía trước có nói: ‘Một, hai trong mười người’, số lượng trong đó rất nhiều. Mãi đến lúc Phật Di Lặc xuất thế, thời gian này dài năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm, là người xưa nói như vậy.
‘Tất sử giải thoát, vĩnh ly chư khổ, ngộ Phật thọ ký’, Ðịa Tạng Bồ Tát dùng pháp môn gì? Nói cho quý vị biết Ngài dùng pháp môn Niệm Phật. Nghiệp chướng, tập khí của chúng sanh đời Mạt pháp rất nặng, những pháp môn khác nhất định không thể thành tựu. Tuy nói pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp, nhưng căn tánh chúng sanh chẳng đồng, tập nhiễm chẳng đồng, tu học những pháp môn khác khó khăn, pháp môn Niệm Phật dễ hơn. Phía trước chúng ta thấy cô Bà La Môn, sau đó là cô Quang Mục, cả hai đều dùng pháp môn Niệm Phật. Chỉ có pháp môn Niệm Phật, vãng sanh đến Tây Phương Cực Lạc thế giới mới được thật sự giải thoát, vĩnh viễn xa lìa các sự khổ, gặp Phật A Di Ðà được Ngài thọ ký, đây đều là sự thật.
Nhĩ thời chư thế giới phân thân Ðịa Tạng Bồ Tát, cộng phục nhất hình thế lệ ai luyến.
爾時諸世界分身地藏菩薩。共復一形涕淚哀戀。
Bấy giờ các phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát ở các thế giới hợp lại thành một hình, rơi lệ ai luyến.
Ðây là Ðịa Tạng Bồ Tát tiếp nhận lời phó thác của đức Phật Thích Ca, lúc đó Ngài rất cảm động. Vô lượng phân thân có thể hợp thành một thân.
Bạch kỳ Phật ngôn: ‘Ngã tùng cửu viễn kiếp lai mông Phật tiếp dẫn, sử hoạch bất khả tư nghị thần lực cụ đại trí huệ’.
白其佛言。我從久遠劫來蒙佛接引。使獲不可思議神力具大智慧。
Bạch Phật rằng: ‘Từ số kiếp lâu xa đến nay, con nhờ đức Phật tiếp độ dẫn dắt, khiến cho con có thần lực chẳng thể nghĩ bàn, đầy đủ trí huệ rộng lớn’.
Ðây là những lời cảm ơn, chúng ta phải thể hội ý tứ này, ‘tri ân báo ân’. Ðịa Tạng Bồ Tát có thành tựu như vậy, Ngài nghĩ lúc ban đầu cũng là phàm phu tu học thành tựu. Ðược sự giúp đỡ của chư Phật, Bồ Tát nên Ngài mới có thành tựu như vậy. Luôn luôn chẳng quên cội nguồn, đoạn kinh này dạy chúng ta phải tri ân. Thân chúng ta có được từ cha mẹ, cha mẹ sanh mình, nuôi mình. Khi mình khôn lớn thành người rồi, có bao nhiêu người có thể nghĩ đến ân đức của cha mẹ? Cầu học, học thành tài rồi, có được bằng cấp, có bao nhiêu người nghĩ đến ân đức của thầy giáo? Trong kinh Ðại Bát Nhã, Phật nói Nhị Ðịa Bồ Tát có tám môn cần phải học, một môn trong đó chính là ‘Tri ân báo ân’. Chư vị phải biết, Nhị Ðịa Bồ Tát là tiêu biểu pháp, Nhị Ðịa tri ân báo ân, vậy thì Sơ Ðịa, Thập Hồi Hướng, Thập Hạnh, Thập Trụ, Thập Tín có cần tu không? Tất cả đều phải tu. Hoa Nghiêm nói lời chân thật cho chúng ta, một vị thứ tức là hết thảy vị, hết thảy vị tức là một vị. Thế nên chúng ta có thể học được ‘đại pháp’ từ trong kinh Hoa Nghiêm. Những gì mỗi vị Bồ Tát tiêu biểu, phía sau chúng ta sẽ thấy, ba mươi mấy loại Thần chúng này, họ đều là Bồ Tát. Lúc nãy có nói, nên dùng thân quỷ thần thì họ liền hiện thân quỷ thần, đồng nam, đồng nữ, một trăm bảy mươi mấy chúng đều là Phật, Bồ Tát hóa thân, đều triển hiện vạn đức vạn năng trong tự tánh của chúng ta. Phổ Hiền tiêu biểu cho Tổng Tướng (tướng Chung), những chúng này tiêu biểu cho Sai Biệt Tướng, trong tổng có biệt, trong biệt có tổng: Tổng là một, Biệt là nhiều, một là nhiều, nhiều là một, một và nhiều chẳng hai.
Phía trước chúng ta thấy hai mươi vị Bồ Tát tiêu biểu pháp, mười vị Bồ Tát trước cùng tên, mười vị sau khác tên, dụng ý ở đâu? Là nói với chúng ta ‘Ðồng’ là ‘Ðồng trong những cái Dị’, Dị là ‘Dị trong những cái Ðồng’, Ðồng và Dị chẳng hai. Hiển thị ra tâm tánh vạn đức vạn năng của chúng ta, chữ ‘vạn’ này chẳng phải là con số, trí huệ đức năng trong tâm tánh là vô lượng vô biên. Từ đó bạn mới biết toàn bộ kinh Hoa Nghiêm nói về cái gì? Nói về Thể, Tướng, Tác Dụng của tự tánh mình, chẳng nói gì khác. Toàn bộ kinh Hoa Nghiêm vốn là nói về chính mình, ngàn kinh vạn luận ngoài kinh Hoa Nghiêm nói về sai biệt; tóm lại Hoa Nghiêm là Tổng, hết thảy kinh luận là Biệt, Biệt là Biệt của Tổng, Tổng là Tổng của Biệt, là một chẳng phải hai. Từ cơ sở này, bạn nghĩ đến tận hư không, trọn khắp pháp giới đều là tự mình, như vậy bạn mới có thể Giải được viên mãn. Giải viên mãn rồi thì bạn phải Tu viên mãn, phải Chứng viên mãn, đây là mục tiêu chung cực của Phật giáo. Tiên sinh Phương Ðông Mỹ nói về: ‘Sự hưởng thọ tối cao của con người’, một tí gì cũng chẳng giả. Tôi có được một chút thọ dụng, nên tôi luôn luôn nhớ đến ân đức của thầy. Phật pháp thù thắng vô cùng, vi diệu hạng nhất trong thế gian và xuất thế gian, nếu chẳng có cao nhân chỉ điểm, bạn làm sao nhận biết được?
Cả đời tôi học Phật chẳng có ý mong cầu, cảm ứng này là cảm ứng tiềm tàng. Tôi chẳng có tâm mong cầu, chắc là thiện căn quá khứ chín muồi nên tôi gặp được những vị thầy này, chư Phật, Bồ Tát hóa hiện. Phương pháp họ dạy cho tôi khác với phương pháp dạy người khác. Tôi theo Phương tiên sinh học Triết Học, ông giới thiệu Phật pháp cho tôi, dạy cho tôi biết Triết học trong kinh Phật là đỉnh cao nhất trong Triết học thế giới, Ngài dùng phương pháp này giới thiệu cho tôi. Ông dạy học trong trường, chẳng dạy việc này cho những học sinh khác. Sau khi tiếp xúc đến Phật pháp, tôi có duyên gặp đại sư Chương Gia, căn cơ của tôi là nhờ đại sư Chương Gia xây dựng. Ðại sư viên tịch cũng là vì tôi, tôi biết rất rõ; vì nếu Ngài không viên tịch thì tâm học Phật của tôi sẽ chẳng khẩn thiết như vậy; khi Ngài ra đi rồi, tôi mất chỗ nương dựa. Tôi cùng Cam Châu Hoạt Phật dựng lều nơi lò thiêu của Ngài, tôi ở đó ba ngày ba đêm, hết sức thành thật và suy tư trong ba năm tôi theo Ngài học, Ngài đã dạy tôi những gì. Moi móc trí nhớ, sắp xếp lại những lời dạy trong ba năm nay, tôi rất cảm kích Ngài, gốc đã được Ngài chôn sâu, rễ được vun bồi vững vàng. Sau đó theo học thầy Lý mười năm mới có được một ít thành tựu. Người theo học thầy Lý rất nhiều, quá nhiều, tại sao không thể thành tựu? Vì chẳng có gốc rễ. Trong ba năm ấy gốc rễ của tôi đã được vun bồi. Tôi học Phật, học Phật pháp theo hai vị thầy, học Thế pháp theo một vị thầy, rất đơn thuần. Tôi có thái độ của một người học trò, y giáo phụng hành, chẳng trái nghịch lời dạy của thầy giáo, tuân thủ lời dạy của thầy, trong Phật pháp gọi là ‘sư tư đạo hiệp’.
Chúng ta giảng kinh dạy học, nhất định phải cúng dường thầy giáo ở một bên, hiện trường này của chúng ta có thầy giáo hiện diện. Thầy giáo dạy chúng ta, nếu chẳng có hộ pháp đắc lực thì cũng chẳng thể thành tựu. Hàn quán trưởng hộ trì ba mươi năm, chúng ta treo ảnh của bà ở đối diện, mỗi lớp bà đều có tham dự và nhìn thấy, tinh thần của bà đích thật tồn tại trong đạo tràng này, trong lớp học chúng ta, chư Phật, Bồ Tát đều hiện diện. Chúng ta dùng tâm niệm gì để học tập? Cảm ân đội đức. Chúng ta biết đời này nhất định thành tựu, chư Phật hộ niệm, long thiên ủng hộ, đâu có lý nào không thành tựu được? Hàn quán trưởng có huệ nhãn, chẳng phải là người thường, lần trước pháp sư Hàn Quốc đến đây, nhìn thấy tấm ảnh này, [bảo Hàn quán trưởng là] Quán Âm Bồ Tát tái lai. Bà giao phó công tác hộ pháp cho cư sĩ Lý Mộc Nguyên, ông Lý chẳng phụ lời ủy thác này. Lần đầu tiên Lý cư sĩ đến thư viện ở Ðài Bắc, Hàn quán trưởng tặng cho ông một bộ Tây Phương Tam Thánh, giao Phật Bảo cho ông. Ðến lần thứ hai tặng ông một bộ ‘Ðại Tạng Kinh’, giao Pháp Bảo cho ông. Sau khi vãng sanh, chúng ta đều đến đây, cũng giao Tăng Bảo cho ông rồi. Ông phải phụ trách hộ pháp nên mới có nhân duyên thù thắng này. Chúng ta trong thời đại ngày nay có nhiều tai nhiều nạn, có thể ở đây giảng kinh Hoa Nghiêm chẳng dễ, bạn phải biết khai giảng kinh này, người ở địa phương này có phước báo bao lớn, thiện căn bao lớn. Nếu thiện căn, phước đức, nhân duyên chẳng đầy đủ thì pháp hội này nhất định sẽ chẳng mở nổi. Pháp hội này có thể xây dựng ở đây, là do hết thảy chư Phật Như Lai hộ niệm, long thiên thiện thần thủ hộ, trong tâm chúng ta biết rất rõ, rất minh bạch.
Ân cha mẹ, ân sư trưởng không thể quên, Phật dạy chúng ta ‘Trên đền bốn ân nặng’. Bốn ân này là ‘Ân cha mẹ’, ‘Ân sư trưởng’; Tam Bảo thuộc phạm vi của Sư Trưởng, Tam Bảo là thầy của chúng ta, ‘Ân quốc gia’, ‘Ân chúng sanh’. Quốc gia bảo vệ chúng ta, làm cho chúng ta an cư lạc nghiệp; chúng sanh, chúng ta không thể xa lìa xã hội, tách rời đại chúng và sinh tồn riêng rẽ. Ẩm thực y phục của chúng ta đều phải nhờ rất nhiều người canh tác, trồng trọt tạo thành, phải thường thường suy nghĩ. Làm sao báo ân? Phải hết lòng học tập, thật sự đoạn phiền não, khai trí huệ, làm Phật, làm Bồ Tát, giống Ðịa Tạng Bồ Tát vậy, được vậy thì mới là ‘Trên đền bốn ân nặng, Dưới độ ba đường khổ’. Ðịa Tạng Bồ Tát làm gương tốt nhất cho chúng ta, chúng ta phải học tập. Ðịa Tạng học theo Phật, học rất giống, bạn coi phía dưới Ngài nói:
Ngã sở phân thân biến mãn bách thiên vạn ức Hằng hà sa thế giới, mỗi nhất thế giới hóa bách thiên vạn ức thân, mỗi nhất thân độ bách thiên vạn ức nhân, lịnh quy kính Tam Bảo, vĩnh ly sanh tử, chí Niết Bàn lạc.
我所分身遍滿百千萬億恒河沙世界。每一世界化百千萬億身。每一身度百千萬億人。令歸敬三寶。永離生死。至涅槃樂。
Các phân thân của con thị hiện ở khắp trăm ngàn vạn ức Hằng hà sa thế giới, trong mỗi thế giới hóa hiện trăm ngàn vạn ức thân, mỗi thân độ trăm ngàn vạn ức người, khiến họ quy kính Tam Bảo, vĩnh viễn xa lìa sanh tử, đến được Niết Bàn an lạc.
Phật độ hóa chúng sanh cũng phân thân như vậy, độ thoát như vậy, Ðịa Tạng Bồ Tát biểu diễn rất hoàn hảo, chân chánh là học trò giỏi của Phật. Ngài cũng giống như Phật, phân thân đến thế giới nhiều như số cát sông Hằng, chẳng nề cực nhọc, độ thoát vô lượng vô biên chúng sanh. Ba câu cuối này nói về thành tích độ thoát chúng sanh của Ngài. Thứ nhất là nhất định phải giúp chúng sanh quy y Tam Bảo, kính ngưỡng Tam Bảo, giai đoạn thứ nhất này tiếp dẫn quảng đại chúng sanh. Quy y Tam Bảo chưa hẳn có thể liễu thoát sanh tử, thoát ly tam giới, sự thật này mọi người đều rất rõ ràng. Có bao nhiêu người quy y nhưng chẳng sửa đổi tập khí, tật xấu, chẳng chịu hết lòng tu học. Giai đoạn thứ nhất, đó là nghiệp chướng nặng nề, họ còn chưa nghĩ đến liễu sanh tử, còn cho rằng sáu nẻo luân hồi cũng khá tốt, chẳng chịu xa lìa sáu nẻo luân hồi, ngu ám. Những người lợi căn đều biết rõ sáu nẻo là khổ, tam giới đều là khổ; ‘Khổ Khổ, Hoại Khổ, Hành Khổ’, họ biết tam giới đều khổ, hạ quyết tâm phải thoát ly biển khổ, như vậy gọi là xuất tam giới, vĩnh viễn thoát ly sanh tử. Trong sanh tử có hai loại, người biết được cũng chẳng nhiều: Một là Phần Ðoạn Sanh Tử, thân này của chúng ta, còn một loại gọi là Biến Dịch Sanh Tử, rất ít người biết đến. Ðoạn dứt sanh tử của thân chúng ta, thì siêu việt sáu nẻo luân hồi được, A La Hán và Bích Chi Phật đều làm được. Biến Dịch Sanh Tử thì hơi phiền phức, mãi cho đến Viên Giáo Ðẳng Giác Bồ Tát vẫn chưa đoạn nổi Biến Dịch Sanh Tử, khi đoạn tận rồi thì mới chứng được Phật quả Viên Giáo. Ðịa Tạng Bồ Tát giúp đến cùng, chẳng phải chỉ giúp bạn một giai đoạn, chẳng thoái tâm giữa đường, một mạch giúp đến cùng.
Ngày nay chúng ta đọc kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện nơi đây, có duyên với Ðịa Tạng Bồ Tát, ở đây có một mật nghĩa. Mật nghĩa là gì? Dạy chúng ta phải phát tâm học theo Ðịa Tạng Bồ Tát, phải phát tâm làm Ðịa Tạng Bồ Tát, cô Bà La Môn, cô Quang Mục đều là gương tốt của chúng ta. Nếu chúng ta đọc kinh này xong, rất cảm động, thật sự cũng phát nguyện này: Chúng ta đến tận cùng kiếp vị lai, độ thoát hết thảy chúng sanh khổ nạn, chúng sanh chưa thành Phật, chúng ta sẽ không thành Phật, như vậy thì hiện tại bạn là Ðịa Tạng Bồ Tát. Ðịa Tạng Bồ Tát được gọi là đại nguyện, bạn phát đại nguyện này thì bạn sẽ được chư Phật hộ niệm, hết thảy Bồ Tát cung kính vây quanh, chúng ta phải học tập ở chỗ này. ‘Chí Niết Bàn lạc’, lìa khổ được vui. ‘Vĩnh ly sanh tử’ là giúp đỡ chúng sanh ‘lìa khổ’, sau đó ‘được vui’. Niết Bàn là niềm vui cứu cánh viên mãn thanh tịnh. Xin xem đoạn kế:
Ðản ư Phật pháp trung sở vi thiện sự, nhất mao nhất đế [1], nhất sa nhất trần, hoặc hào phát hứa, ngã tiệm độ thoát sử hoạch đại lợi.
但於佛法中所為善事。一毛一渧。一沙一塵。或毫髮許。我漸度脫使獲大利。
Những chúng sanh nào ở trong Phật pháp dù làm việc thiện chỉ bằng một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một hạt bụi, hoặc một mảy lông tóc, con đều độ thoát dần, làm cho họ được lợi ích lớn.
Người xưa thường khuyên chúng ta: ‘Ðừng chê việc thiện nhỏ rồi chẳng làm’. Việc này là việc thiện nhỏ nhoi, tôi làm để làm gì? Ðây là quan niệm sai lầm của chúng ta. ‘Ðừng nói việc ác nhỏ rồi cứ làm’, đây là việc ác nhỏ, chẳng sao cả, có hại gì đâu, có thể làm, [nghĩ vậy thì] sai rồi. Chư vị nên biết việc thiện nhỏ bằng mảy tơ cũng trọn khắp hư không pháp giới, ngược lại việc ác bằng mảy tơ cũng trọn khắp hư không pháp giới. Ðừng nói những báo ứng khác, [việc ác này] nhất định sẽ chướng ngại tánh đức của bạn, đó là phiền phức, bạn sẽ chẳng thể minh tâm kiến tánh. Bạn xem Phật, Bồ Tát có từ bi không, bạn chỉ có một chút thiện liền có thể cảm động các Ngài đến bảo hựu cho bạn, giúp đỡ bạn. Do đó có thể biết thiện không thể không tu, ác chẳng thể chẳng đoạn.
Hội này của chúng ta là giảng cho Cửu Hoa Sơn, đạo tràng của Ðịa Tạng Bồ Tát. Nhưng băng thâu hình của chúng ta được lưu thông toàn thế giới, số người tham dự hội giảng kinh này của chúng ta chẳng thể nghĩ bàn. Những người mắt thịt chúng ta nhìn thấy, còn chúng Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, và quỷ thần trong sáu nẻo thì mắt thịt nhìn không thấy. Trong kinh này chúng ta thấy việc còn thù thắng hơn nữa, đó là mười phương hết thảy chư Phật Như Lai đều tham gia. Hội giảng kinh này của chúng ta có thù thắng bằng hội ở cung trời Ðao Lợi không? Nói cho chư vị biết tuyệt đối chẳng khác. Chúng ta không có phước báo, người thường nhìn thấy giảng đường này quá nhỏ, quá xấu tệ, người cõi trời nhìn thấy đạo tràng này xây bằng bảy báu, đây là ghế Sư Tử, vô cùng trang nghiêm, tướng tùy tâm chuyển, một tí gì cũng chẳng giả. Thế nên chỉ cần hiểu rõ những đạo lý, chân tướng sự thật này xong, giống như đã nói trong buổi giảng kinh Hoa Nghiêm ngày hôm qua, chúng ta mới biết tự ái, tự trọng thật sự. Chỉ có người mê mất tự tánh mới chẳng tự ái, chẳng tự trọng, chà đạp chính mình. Từ chỗ này chúng ta cũng hiểu được ‘Giải’ vô cùng quan trọng, ‘Giải’ giúp cho bạn phá mê khai ngộ, ngộ xong mới khởi tu, công phu tu hành sẽ đắc lực, thọ dụng sẽ rất rõ ràng. Phải ghi nhớ câu kinh văn này.
Duy nguyện Thế Tôn bất dĩ hậu thế ác nghiệp chúng sanh vi lự. Như thị tam bạch Phật ngôn: ‘Duy nguyện Thế Tôn, bất dĩ hậu thế ác nghiệp chúng sanh vi lự’.
唯願世尊不以後世惡業眾生為慮。如是三白佛言。唯願世尊。不以後世惡業眾生為慮。
Cúi mong Thế Tôn đừng vì chúng sanh đời sau tạo ác nghiệp mà lo lắng. [Ngài] bạch đức Phật ba lần, nguyện đức Thế Tôn đừng vì ác nghiệp chúng sanh đời sau mà lo lắng.
Thế Tôn xoa đảnh Ðịa Tạng Bồ Tát, xoa đảnh an ủi Ngài, giao sứ mạng độ hóa chúng sanh cho Ngài. Ðịa Tạng Bồ Tát chẳng phụ sự ủy thác của Thế Tôn, ở chỗ này chúng ta thấy Ngài cũng an ủi Thế Tôn, xin Thế Tôn đừng lo âu, đừng vướng bận, việc Thế Tôn giao cho Ngài, Ngài nhất định sẽ làm. Chữ ‘tam bạch’ nghĩa là nói ba lần, cẩn trọng, chân thành nhất định sẽ y giáo phụng hành.
Nhĩ thời Phật tán Ðịa Tạng Bồ Tát ngôn: ‘Thiện tai thiện tai, ngô trợ nhữ hỷ, nhữ năng thành tựu cửu viễn kiếp lai phát hoằng thệ nguyện, quảng độ tương tất tức chứng Bồ Ðề’.
爾時佛讚地藏菩薩言。善哉善哉吾助汝喜。汝能成就久遠劫來發弘誓願。廣度將畢即證菩提。
Lúc ấy đức Phật khen ngợi Bồ Tát Ðịa Tạng: ‘Lành thay, lành thay, Ta hộ trợ cho điều ông muốn, để ông thành tựu các hoằng thệ đã lập từ những kiếp lâu xa đến nay. Khi quảng độ xong ông liền chứng Bồ Ðề’.
Bồ Tát an ủi Thế Tôn, Thế Tôn cũng tán thán Bồ Tát. ‘Thiện tai, thiện tai’ hai lần, dùng cách nói hiện nay của chúng ta thì là ‘Tốt quá, tốt quá’! Ý nghĩa trong đó là Ngài hiểu được tâm ý của Phật, y giáo phụng hành, ghi nhớ và tuân thủ lời dạy của Phật, đây là thiện tai, thiện tai. Còn có thể phân vô lượng thân, giáo hóa hết thảy chúng sanh ương ngạnh, khó giáo hóa. Chúng sanh tuy chỉ tu việc thiện nhỏ như sợi tóc, phước nhỏ như cọng lông, Bồ Tát nhìn thấy đều sanh tâm hoan hỷ, việc thiện nhỏ xíu cũng có thể cảm động đến chư Phật, Bồ Tát. Việc thiện nhỏ còn không xả bỏ, huống chi là việc thiện lớn. Chư vị nên biết tự bạn tu thiện, trong Phật pháp có câu nói: ‘Một người con thành Phật, chín họ sanh lên trời’, lời này là thật, chẳng giả. Tổ tiên của bạn tuy đã qua đời, đọa trong ác đạo cũng sẽ được siêu thoát, không khác gì việc nói trong kinh Ðịa Tạng.
Hôm trước cư sĩ Hồ gọi điện thoại nói với tôi, bà ở Ðài Trung gặp một người có khả năng siêu thường (đặc dị công năng), người này vừa gặp bà liền nói: ‘Nhờ phước bà đã tu bố thí, cha bà đã được sanh lên trời Ðao Lợi rồi’. Bà gọi điện thoại hỏi tôi có thể nào được vậy không? Tôi nói: Có thể. Nhất định là việc thật, chẳng phải giả. Người con thành tâm, thành ý tu phước, những gia quyến đã qua đời đều được lợi ích. Chúng ta muốn độ oán gia chủ nợ, nhất định phải hết lòng nỗ lực tu học, chỉ khi tự mình có thành tựu chân chánh thì mới có thể độ nổi những oan gia chủ nợ nhiều đời; nếu bạn chẳng tu trì chân chánh thì không được. Ðó là giả, chẳng thật. Bố thí, bố thí một cách thanh tịnh thì phước báo lớn nhất. Bố thí còn muốn danh văn lợi dưỡng, phước báo đó rất nhỏ. Tuy nhỏ nhưng Bồ Tát cũng hoan hỷ, việc thiện tí xíu Ngài cũng chẳng bỏ, chúng ta thấy được việc này trong kinh. Việc thiện nhỏ còn không xả huống hồ là việc thiện to lớn khi bố thí thanh tịnh. Những chuyện này, nhân duyên quả báo, chỉ cần chúng ta lắng lòng quan sát cặn kẽ trong xã hội này rất nhiều, nơi nào cũng có, nhưng vì chúng ta quá sơ ý nên không thấy đó thôi. Ðặc biệt là thời đại hiện nay, thiện nhân thiện quả, ác nhân ác báo vô cùng rõ ràng, hoàn toàn phù hợp với lời dạy trong kinh Ðịa Tạng, tơ hào chẳng sai. Chúng ta nên đọc thuộc kinh này, suy nghĩ cặn kẽ, y giáo phụng hành thì mới có thể đạt được lợi ích chân thật.
Trích trong:
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba
Tập 8