Kinh Địa Tạng

Kinh Địa Tạng phẩm 3: Quán chúng sanh nghiệp duyên tập 1

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện quyển thượng phẩm thứ 3: Quán Chúng Sanh Nghiệp Duyên tập 1 – Mục 1: Phật Mẫu Thưa Hỏi.

Kinh văn: (Hán Văn)

Nhĩ thời Phật mẫu Ma Gia phu nhân, cung kính hiệp chưởng vấn Địa Tạng Bồ Tát ngôn: ‘Thánh giả, Diêm Phù chúng sanh tạo nghiệp sai biệt, sở thọ báo ứng kỳ sự vân hà?’

Địa Tạng đáp ngôn: ‘Thiên vạn thế giới nãi cập quốc độ, hoặc hữu địa ngục, hoặc vô địa ngục, hoặc hữu nữ nhân, hoặc vô nữ nhân, hoặc hữu Phật pháp, hoặc vô Phật pháp, nãi chí Thanh Văn, Bích Chi Phật diệc phục như thị, phi đản địa ngục tội báo nhất đẳng’.

Ma Gia phu nhân trùng bạch Bồ Tát: ‘Thả nguyện văn ư Diêm Phù tội báo sở cảm ác thú’.

Địa Tạng đáp ngôn: ‘Thánh Mẫu, duy nguyện thính thọ, ngã thô thuyết chi’.

Phật mẫu bạch ngôn: ‘Nguyện Thánh giả thuyết’.

Dịch: (Bản dịch của HT Thích Trí Tịnh)

Lúc đó, đức Phật Mẫu là bà Ma Gia Phu Nhơn chắp tay cung kính mà hỏi Ngài Địa Tạng Bồ tát: “Thánh Giả! Chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề tạo nghiệp sai khác, cảm thọ quả báo ra thế nào?”

Ngài Địa Tạng Bồ tát đáp rằng: “Trong nghìn muôn thế giới cho đến quốc độ, hoặc nơi thời có địa ngục, nơi thời không địa ngục, hoặc nơi thời có hàng nữ nhơn, nơi thời không có hàng nữ nhơn, hoặc nơi Phật pháp, nơi thời không Phật pháp, nhẫn đến bực Thanh Văn và Bích Chi Phật v.v… Cũng sai khác như thế, chớ chẳng phải riêng tội báo nơi địa ngục sai khác thôi đâu!”

Bà Ma Gia Phu Nhơn lại bạch cùng Bồ tát rằng: “Tôi muốn nghe tội báo trong cõi Diêm Phù Đề chiêu cảm lấy ác đạo”.

Ngài Địa Tạng đáp rằng: “Thánh Mẫu! Trông mong Ngài lóng nghe nhận lấy, Tôi sẽ lược nói việc đó”.

Thánh Mẫu bạch rằng: “Xin Thánh Giả nói cho”.

Ðây là đoạn lớn thứ hai trong kinh này. Ðoạn lớn thứ nhất là hai phẩm trước, Thế Tôn giới thiệu Ðịa Tạng Bồ Tát cho chúng ta nhận biết vị thiện tri thức, vị thầy này. Ba phẩm sau này thuyết minh những chúng sanh được Ðịa Tạng Bồ Tát độ, cũng chính là những chúng sanh được Ngài giáo hóa, ở đây đức Phật nói rất rõ với chúng ta. Xin xem kinh văn:

Nhĩ thời Phật mẫu Ma Gia phu nhân, cung kính hiệp chưởng vấn Ðịa Tạng Bồ Tát ngôn: ‘Thánh giả, Diêm Phù chúng sanh tạo nghiệp sai biệt, sở thọ báo ứng kỳ sự vân hà?’.
爾時佛母摩耶夫人。恭敬合掌問地藏菩薩言。聖者。閻浮眾生造業差別。所受報應其事云何。
Lúc đó Phật Mẫu Ma Gia phu nhân cung kính chắp tay hỏi Ðịa Tạng Bồ Tát rằng: ‘Thánh giả, chúng sanh trong cõi Diêm Phù tạo nghiệp sai khác, cảm thọ báo ứng như thế nào?’.

Ðây là mẫu thân của đức Phật Thích Ca, Ma Gia phu nhân. Ma Gia phu nhân sanh đức Phật xong, phước báo này quá lớn nên vãng sanh đến trời Ðao Lợi, hưởng phước trời. Còn ở nhân gian chúng ta thì chuyện này không phải là một chuyện tốt, tại sao sanh Phật xong qua mấy ngày sau thì mẹ qua đời. [Lúc nhỏ] đức Phật được Di Mẫu (dì) nuôi dưỡng đến lớn, mẫu thân sanh Ngài đã lên trời Ðao Lợi hưởng phước trời. Hiểu được chân tướng sự thật mới biết phước báo của mẹ Ngài lớn. Mắt thịt phàm phu chúng ta nhìn thấy đều nghĩ rằng đây là việc xui xẻo, cách suy nghĩ hoàn toàn khác biệt. Một đời giáo hóa của đức Thế Tôn đến lúc phải tạm ngưng, những người có thể tiếp nhận sự giáo hóa của Ngài, phía trước nói có bảy tám phần đều đã được độ, một hai phần còn lại nghiệp chướng, tập khí quá nặng, khi Phật còn tại thế không được độ. Sau khi Phật diệt độ làm cho những người này nâng cao cảnh giác, sau đó những người này được đệ tử của Phật độ hóa, nhân duyên được độ của mỗi người chẳng giống nhau. Sau khi Phật giáo hóa chúng sanh đến lúc tạm ngưng, tiếp nhận lời mời của Ðao Lợi thiên chủ, mời Ngài đến cung trời Ðao Lợi thuyết pháp cho mẫu thân. Chuyện này đức Phật Thích Ca không thể từ chối, tại sao? Hết thảy chư Phật giáo hóa chúng sanh đến cuối cùng nhất định phải báo đáp ân đức của mẫu thân, đến cung trời Ðao Lợi giảng kinh Ðịa Tạng Bổn Nguyện, có lẽ đây là một quy củ nên Phật lên cung trời Ðao Lợi thuyết pháp cho mẫu thân.

Ma Gia phu nhân cũng trong hội này gặp Ðịa Tạng Bồ Tát, do bà khải thỉnh. Nói thật ra, Ma Gia phu nhân cũng là Phật, Bồ Tát hóa thân, chẳng phải là người thường. ‘Vấn Ðịa Tạng Bồ Tát ngôn: Thánh giả’, Ðịa Tạng Bồ Tát là đại thánh, Ðẳng Giác Bồ Tát. ‘Diêm Phù chúng sanh’, Ma Gia phu nhân là người ở cõi Diêm Phù Ðề, tức là thế giới chúng ta, từ thế giới chúng ta sanh lên cung trời Ðao Lợi. Ở trời Ðao Lợi chẳng quên quê cũ, ân tình này rất nặng, rất sâu, đặc biệt quan tâm đến những chúng sanh tạo tội nghiệp ở quê cũ. ‘Tạo nghiệp sai biệt, sở thọ báo ứng’ những việc này ra sao? Xin Ðịa Tạng Bồ Tát khai thị.

Ðịa Tạng đáp ngôn: ‘Thiên vạn thế giới nãi cập quốc độ, hoặc hữu địa ngục, hoặc vô địa ngục, hoặc hữu nữ nhân, hoặc vô nữ nhân, hoặc hữu Phật pháp, hoặc vô Phật pháp, nãi chí Thanh Văn, Bích Chi Phật diệc phục như thị, phi đản địa ngục tội báo nhất đẳng’.
地藏答言。千萬世界乃及國土。或有地獄。或無地獄。或有女人。或無女人。或有佛法。或無佛法。乃至聲聞。辟支佛亦復如是。非但地獄罪報一等。
Ðịa Tạng trả lời: ‘Trong ngàn vạn thế giới cho đến các quốc độ, nơi có địa ngục hoặc không có địa ngục, nơi có người nữ hoặc không có người nữ, nơi có Phật pháp hoặc không có Phật pháp, cho đến Thanh Văn và Bích Chi Phật đều như vậy, chứ chẳng riêng gì tội báo nơi địa ngục thôi đâu’.

Ðịa Tạng Bồ Tát trả lời, hình như câu trả lời chẳng đáp đúng câu hỏi, tại sao? Ma Gia phu nhân hỏi phạm vi quá nhỏ, chỉ hỏi Diêm Phù Ðề, chúng sanh ở ngoài cõi Diêm Phù Ðề rất nhiều, thế giới vô biên. Ở đây có một ý ngầm, ngầm chỉ tâm lượng chúng ta phải lớn, phải bằng hư không pháp giới, mới có thể dứt trừ hết thảy chướng nạn, tâm lượng nhỏ nhất định tạo nên chướng ngại. Người thế gian tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, bạn nghĩ xem là vì nguyên nhân gì? Ðều vì chính mình, vì cá nhân, vì gia đình, vì đoàn thể nhỏ của mình mà tạo tội nghiệp; vì một quốc gia, quốc gia này xung đột với quốc gia kia, phải đánh nhau, nếu tâm lượng chúng ta mở rộng một chút, vì toàn thế giới, thì sự tranh chấp giữa các quốc gia sẽ bị tiêu trừ, liền được hóa giải. Nhưng chúng ta vì toàn thế giới, sau này tinh cầu của chúng ta cùng tinh cầu khác có chiến tranh, cũng sẽ phiền phức nữa, lại chẳng an toàn. Tâm lượng được mở rộng, chúng ta bao gồm những hành tinh khác, vậy thì chiến tranh giữa các tinh cầu sẽ được tiêu trừ. Hàm ý của kinh văn, nếu có thể làm đến tâm bao trùm hư không, lượng gồm khắp các cõi nhiều như cát giống tâm chư Phật, Bồ Tát, thì hết thảy hiểu lầm, ngăn cách đều bị tiêu trừ, hết thảy chúng sanh mới có thể hưởng được hòa bình vĩnh viễn. Nếu hết thảy chúng sanh, chúng sanh trong mười pháp giới đều có thể hỗ trợ hợp tác, sống chung hòa mục, đây mới là biện pháp căn bản để giải quyết vấn đề. Do đó mới biết tâm lượng nhỏ bé là căn nguyên của hết thảy họa hại, nhất định phải mở rộng tâm lượng. Bao trùm thái không, gồm thâu các cõi là tâm lượng vốn sẵn có, vốn đã vậy. Tâm lượng biến thành nhỏ nhoi là vì mê hoặc, vô tri, chẳng hiểu rõ chân tướng sự thật tạo nên. Tâm lượng nhỏ vốn chẳng có, tâm lượng lớn vốn sẵn có, đạo lý là ở chỗ này. Một người hỏi, một người đáp hiển thị lên ý nghĩa này, Ðịa Tạng Bồ Tát ám chỉ Ma Gia phu nhân tâm lượng phải mở rộng, đừng chỉ quan tâm đến Diêm Phù Ðề thôi, nên quan tâm đến hết thảy chúng sanh khổ nạn ở tận hư không, trọn pháp giới. Chuyện này chẳng phải Ma Gia phu nhân không biết, chỉ giả bộ thôi. Nói chung cảm tình người thế gian rất nặng, rất sâu, rất khó buông xuống.

Ma Gia phu nhân trùng bạch Bồ Tát: ‘Thả nguyện văn ư Diêm Phù tội báo sở cảm ác thú’.
摩耶夫人重白菩薩。且願聞於閻浮罪報所感惡趣。
Ma Gia phu nhân bạch lại với Bồ Tát: ‘Tôi muốn nghe về tội báo trong cõi Diêm Phù chiêu cảm ác đạo’.

Bà vẫn muốn hỏi về chuyện ở quê hương. Hiển thị cái gì? Hiển thị cảm tình sâu nặng đối với nơi mình ở, đặc biệt từ bi. Ma Gia phu nhân và Ðịa Tạng mỗi người hiển thị một bên đều tốt, đều rất sôi nổi, đặc biệt thương xót chúng ta, những chúng sanh tạo tội hiện nay.

Ðịa Tạng đáp ngôn: ‘Thánh Mẫu, duy nguyện thính thọ, ngã thô thuyết chi’.
地藏答言。聖母。唯願聽受。我粗說之。
Ðịa Tạng trả lời: ‘Thánh Mẫu, xin Ngài lắng nghe nhận lấy, tôi sẽ lược nói việc đó’.

Nếu Ma Gia phu nhân không hỏi thêm lần nữa, Ðịa Tạng Bồ Tát chỉ nói tổng quát, không nói chi tiết. Cứ hỏi mấy lần nên Ðịa Tạng Bồ Tát đương nhiên phải mãn nguyện Ma Gia phu nhân. Nói thật ra là mãn nguyện cho chúng ta, những chúng sanh hiện nay, Ma Gia phu nhân thay mặt chúng ta thỉnh pháp. Ðịa Tạng nói: ‘Ngã thô thuyết chi’, ‘thô thuyết’ là lời nói chẳng dễ nghe. Lời nghe hay gọi là ‘tế ngữ’, lời nói ngon ngọt. Thô ngôn tức là lời chẳng dễ nghe, tại sao? Ðều nói về tội lỗi, về tội báo, những lời này gọi là ‘thô ngữ’. Ý nghĩa của Thô và Tế là như vậy.

Phật mẫu bạch ngôn: ‘Nguyện Thánh giả thuyết’.
佛母白言。願聖者說。
Phật mẫu bạch rằng: ‘Xin Thánh giả nói cho’.

Ðây là lời thỉnh cầu chánh thức. Tôi muốn nghe lời nói ‘thô ngữ’ của ông, muốn nghe chuyện này.

Nhĩ thời Ðịa Tạng Bồ Tát bạch Thánh Mẫu ngôn: ‘Nam Diêm Phù Ðề tội báo danh hiệu như thị’.
爾時地藏菩薩白聖母言。南閻浮提罪報名號如是。
Lúc ấy Ðịa Tạng Bồ Tát nói với Thánh Mẫu rằng: ‘Danh hiệu của những tội báo trong cõi Nam Diêm Phù Ðề là như vầy’.

Từ những danh hiệu này, chúng ta phải hiểu ý nghĩa của nó.

Nhược hữu chúng sanh bất hiếu phụ mẫu, hoặc chí sát hại, đương đọa Vô Gián địa ngục, thiên vạn ức kiếp, cầu xuất vô kỳ.
若有眾生不孝父母。或至殺害。當墮無間地獄。千萬億劫。求出無期。
Nếu có chúng sanh chẳng hiếu thuận cha mẹ, thậm chí giết hại cha mẹ, thì phải đọa địa ngục Vô Gián trong ngàn vạn ức kiếp, không bao giờ mong ra khỏi được.

Ðịa Tạng Bồ Tát nói tội nặng hạng nhất chính là ‘bất hiếu cha mẹ’. Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh hiển thị cho chúng ta về Hiếu đạo, Ðịa Tạng Bồ Tát đời đời kiếp kiếp thị hiện, phát thệ nguyện sâu nặng đều vì muốn báo ân cha mẹ, đều vì làm trọn hiếu mới phát hoằng nguyện, thế nên bất hiếu là tội hạng nhất. Ý nghĩa của Hiếu vô cùng sâu. Pháp sư Thanh Liên là người trước tác ‘Ðịa Tạng Kinh Khoa Chú’, Ngài là người đời Thanh trước kia, triều vua Khang Hy. Ngài trích dẫn rất nhiều kinh luận để viết chú giải này, là một chú giải hay nhất cho kinh Ðịa Tạng. Chúng ta muốn báo ân thì phải lưu thông chú giải này, tốt nhất là làm bản in mới cho chú giải này, vì bản cũ đã in nhiều lần, chữ đã bị mờ đi nhiều. Tuy tôi giảng Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh chẳng hoàn toàn y theo chú giải của Ngài, nhưng tôi đọc rất kỹ chú giải này, tôi đọc rất hết lòng.

Ở chỗ này Ngài nêu ra trong phần ‘Chánh pháp niệm kinh’, Phật giảng bốn thứ ân, bốn ân khó báo. Ân thứ nhất là ‘Ân mẹ’, thứ nhì là ‘Ân cha’, thứ ba là ‘Ân Như Lai’, thứ tư là ‘Ân thuyết pháp sư’, pháp sư giảng kinh thuyết pháp, bốn ân này khó báo. Bốn ân này đều rất lớn, cha mẹ, nhục thân chúng ta có được từ cha mẹ, Pháp thân huệ mạng của chúng ta có từ Như Lai. Như Lai chẳng còn tại thế, chúng ta làm sao có được? Chúng ta có được từ pháp sư thuyết pháp, trưởng dưỡng pháp thân huệ mạng. Trong kinh, Phật nói cúng dường bốn hạng người này được vô lượng phước, hiện tiền nhất định được người tán thán, tương lai có thể được Vô Thượng Bồ Ðề. Làm sao có thể quên ơn bội nghĩa được! Thế nên học Phật phải học từ đâu? Từ hiếu thuận cha mẹ, tôn kính thầy giáo. Từ cơ sở Hiếu thân Tôn sư, mở rộng ra có thể hiếu thuận hết thảy chúng sanh, tôn kính xã hội đại chúng. Bạn có thể thương cha mẹ, thương sư trưởng, tự nhiên sẽ có thể thương quốc gia, thương chúng sanh, đây là đạo lý nhất định. Thế nên ‘Bất hiếu cha mẹ’ là tội nặng nhất trong những tội nghiệp, đương nhiên phải đọa ‘Vô Gián địa ngục’. Phía sau sẽ giới thiệu về Vô Gián Ðịa ngục. Tội nặng thứ hai chính là Bất kính Tam Bảo. Ðiều đầu tiên là hiếu đạo, điều thứ hai là sư đạo.

Nhược hữu chúng sanh xuất Phật thân huyết, huỷ báng Tam Bảo, bất kính tôn kinh, diệc đương đọa ư Vô Gián địa ngục, thiên vạn ức kiếp, cầu xuất vô kỳ.
若有眾生出佛身血。毀謗三寶。不敬尊經。亦當墮於無間地獄。千萬億劫。求出無期。
Nếu có chúng sanh làm thân Phật chảy máu, hủy báng Tam Bảo, chẳng kính tôn kinh, cũng sẽ phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn vạn ức kiếp, không bao giờ mong ra khỏi được.

Chư vị nên ghi nhớ thời gian ấy rất dài, ‘thiên vạn ức kiếp’. Tạo tội nghiệp nói thật ra vô cùng dễ dàng, thời gian tạo tội nghiệp vô cùng ngắn ngủi, nhưng tương lai thọ khổ báo sẽ dễ sợ vô cùng. Ðịa Tạng Bồ Tát rát lòng mỏi miệng nói chân tướng sự thật ra cho chúng ta biết, mấy ai tin nổi? Một số người đọc kinh này cứ tưởng là gì? Tưởng đây là Phật giáo khuyên người hướng thiện, nói những lời này để dọa người, khuyên người đừng làm chuyện xấu, chẳng nghĩ có thật như vậy, chẳng cho rằng đây là chuyện thật. Là như trong kinh này nói: ‘Chúng sanh ương ngạnh khó dạy’, cứ cho là mình đúng, đâu biết rằng đây là chân tướng sự thật! ‘Xuất Phật thân huyết’, công án này từ Ðề Bà Ðạt Ða mà ra, lúc Phật còn tại thế. Phật đã nêu nhiều gương tốt cho chúng ta, người học Phật đời sau noi theo, chúng ta phải ghi nhớ, phải học tập. Ðề Bà Ðạt Ða là học trò của Phật, phản bội sư đạo; tương lai chư vị tự mình làm pháp sư, cũng sẽ có học trò, khi học trò phản bội chư vị, có gì là tài giỏi đâu? Học trò của đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đã phản bội Ngài rồi mà? Ðây là thị hiện cho chúng ta xem. Trong số học sinh có học sinh ngoan, nghe lời, có học sinh chẳng ngoan, phản bội thầy giáo, Phật cũng làm ra gương tốt cho chúng ta xem, chúng ta phải rõ ràng, phải minh bạch. Học sinh tốt chúng ta phải lo lắng cho họ, học sinh phản nghịch tuyệt đối chẳng trách mắng họ, tuyệt đối chẳng thể có tơ hào oán hận trong tâm. Họ phản nghịch mình, hủy báng mình, thậm chí còn hãm hại mình, cũng đừng ghi nhớ trong lòng, coi như chẳng có chuyện gì, ai cũng có nhân duyên riêng của người ấy, vĩnh viễn giữ gìn tâm địa thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, như vậy mới gọi là học Phật. Phật dùng tâm niệm, thái độ gì đối xử với Ðề Bà Ðạt Ða, chúng ta phải học theo. Nhất định không được oán hận trong lòng, đó là sai lầm, vậy thì bạn là phàm phu, vậy thì bạn chẳng bình đẳng rồi, chẳng phải là Phật, Bồ Tát; Phật, Bồ Tát đối với hết thảy chúng sanh, oán hay thân gì cũng bình đẳng.

Ðề Bà Ðạt Ða muốn hại Phật, lúc đó dùng những phương pháp như sau. Biết đức Phật mỗi ngày vào thành Xá Vệ khất thực, trên đường phải đi qua một vách núi, Phật đi phía dưới chân núi. Ðề Bà Ðạt Ða liền ở phía trên vách núi chuẩn bị đá lớn, khi đức Phật đi ngang, ông đẩy đá xuống để mưu hại Phật, khởi ác tâm này, làm chuyện này. Phước báo của Phật rất lớn, chẳng ai có thể hại nổi, Phật có thần Kim Cang hộ pháp. Khi đá bị đẩy xuống, thần Kim Cang lấy chùy Giáng Ma đánh tan hòn đá. Ðánh tan xong, mảnh nhỏ văng trúng chân Phật chảy máu, ‘xuất Phật thân huyết’, đây là cốt ý hại Phật. Ông ta xúi giục vương tử A Xà Thế, dùng cách nói hiện nay là khuyên vương tử soán ngôi, hại vua cha, để lên làm vua. Ðề Bà Ðạt Ða muốn hại chết đức Phật để ông ta làm Phật. Họ thương lượng với nhau: Ông thì làm vua mới, còn tôi thì làm Phật mới, chúng ta cùng nhau giáo hóa chúng sanh, thống lý đại chúng. Tạo tác tội nghiệp này, Ðề Bà Ðạt Ða nhiều đời phải đọa lạc vào địa ngục. Ðây chính là không kính Tam Bảo, lấy thí dụ này để nói dụng ý rất sâu, dạy cho chúng ta đối với những người cốt ý hoặc vô ý hại mình đều phải học theo Phật, vẫn phải từ bi thương xót, chẳng có một chút oán hận gì, được vậy thì chúng ta mới đạt được sự thọ dụng chân thật của Phật pháp.

‘Hủy báng Tam Bảo’, Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng. Bịa chuyện, kiếm chuyện, hủy báng. ‘Chẳng kính tôn kinh’, đây là kinh điển, đặc biệt nêu ra Pháp bảo này, chẳng tôn kính, chẳng coi trọng kinh điển. Tại sao hiện nay chúng ta in kinh phải in thật đẹp? Bất luận là trên sự ấn loát, giấy hay bao bìa đều vô cùng đẹp đẽ, đây là tôn kính Pháp bảo, làm cho hết thảy chúng sanh nhìn thấy cuốn sách này bèn sanh tâm quý tiếc, chẳng đến nỗi làm hư, làm rách. Nếu rất bình thường, in rất xấu tệ, mọi người nhìn thấy chẳng sanh tâm tôn kính, thường tùy tiện bỏ bừa bãi, chà đạp kinh điển, đó không phải là chúng ta dạy cho mọi người tạo tác ác nghiệp hay sao, tạo ra cơ hội cho họ, đây là sai lầm. Thế nên phải in cho đẹp, hoàn mỹ, đừng để người ta có cơ hội tạo tội nghiệp, tâm này chính là tâm từ bi. Ðây là nói về chẳng kính Tam Bảo, chẳng biết tôn sư trọng đạo, làm vậy phải đọa địa ngục.

Ðặc biệt là thời đại bây giờ, người biết báo ân đã quá ít rồi, chúng ta phải đề xướng. Ðề xướng nhất định phải làm ra gương mẫu cho mọi người nhìn thấy, chỉ lấy miệng nói thì không được, chẳng có sức khuyến hóa. Tôi báo ân thầy giáo, tôi xây thư viện ở Ðại Lục, quê tiên sinh Phương Ðông Mỹ ở huyện Đồng Thành, tỉnh An Huy. Tôi xây một ‘Thư Viện Ðông Mỹ Tiên Sinh’ ở Ðồng Thành để kỷ niệm thầy. Tôi đã thành lập một Thư Viện Hoa Tạng ở quê tôi để kỷ niệm Hàn Quán Trưởng. Tương lai nếu có cơ hội, tôi cũng sẽ xây một Thư Viện Hoa Tạng ở quê của Hàn Quán Trưởng. Tôi trú ở Thư Viện Từ Quang, do thầy Lý xây dựng, hết mười năm; hiện nay đang liên lạc với người ở Tế Nam, Sơn Ðông để xây một Thư Viện Từ Quang. Phải làm thật sự, không làm không được. Có một vị đồng tu hỏi: ‘Vậy đại sư Chương Gia thì sao?’. Ðúng, mọi người đều nghĩ đến, tôi sẽ xây một ‘Thư Viện Chương Gia đại sư’. Tôi nghĩ đến phải xây ở đâu? Ðại học Nội Mông Cổ, xây một ‘Chương Gia đại sư Đồ Thư Quán’ ở đại học Nội Mông Cổ. Tôi nhất định sẽ làm được, phải dùng hành động cụ thể để thức tỉnh mọi người, phải ‘Tri ân báo ân’. Nếu mỗi người đều có tâm báo ân, xã hội của chúng ta sẽ tương hòa, có lợi ích rất lớn đối với xã hội quốc gia, công đức lợi ích chân chánh. Nếu không tri ân, vong ân phụ nghĩa, thì xã hội này sẽ thành ra như thế nào! Dễ sợ vô cùng. Nhất định phải làm từ chính bản thân mình, đây mới là hoằng pháp lợi sanh, như vậy mới gọi là chân chánh học Phật.

Trích trong:
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba
Tập 8

Bài viết liên quan

Kinh Địa Tạng phẩm 3: Quán chúng sanh nghiệp duyên tập 2

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 2: Phân thân tập hội tập 1

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 2

Thiện Quang

Bổn Nguyện là gì?

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 7

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần Thông trên cung trời Đao Lợi tập 3

Thiện Quang

Ý nghĩa của chữ Kinh trong Phật Pháp

Thiện Quang

Ý nghĩa danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát

Thiện Quang

Kinh Địa Tạng phẩm 1: Thần thông trên cung trời Đao Lợi tập 5

Thiện Quang

Leave a Comment