Kinh Vô Lượng Thọ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm 8: Tích công lũy đức tập 5

Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, phẩm thứ 8: Tích Công Lũy Đức, nhẫn lực thành tựu.

Kinh văn: Bất kế chúng khổ, thiểu dục tri túc, chuyên cầu bạch pháp, huệ lợi quần sanh, chí nguyện vô quyện, nhẫn lực thành tựu.

Dịch: Không nề các khổ, ít muốn biết đủ, chuyên cầu pháp thanh tịnh, đem ân huệ lợi ích quần sanh, chí nguyện không mỏi, thành tựu các nhẫn.

Đoạn nhỏ này rất quan trọng đối với hiện tiền tu học của chúng ta, không chỉ có thể tự lợi mà còn có thể lợi ích tất cả chúng sanh khổ nạn của thế gian này. Tai nạn của chúng sanh từ chỗ nào mà ra? Chúng ta tỉ mỉ mà quán sát tư duy, đều không ngoài ham muốn, không biết đủ; ham muốn hưởng thụ các thứ năm dục sáu trần của thế gian, thế là không thể không làm việc bất thiện trái ngược tánh đức; tranh danh đoạt lợi, ham muốn, tư lợi, vậy mới tạo thành tai nạn hiện tiền khôn tả cho thế gian này. Nếu muốn tiêu trừ tai nạn này, đoạn Kinh văn này tuy là không dài, nhưng đích thực là một thang thuốc tốt.

Thế gian người nhiều, mọi người tạo, đây là cộng nghiệp. Chúng ta có năng lực giúp họ tiêu trừ hay không? Then chốt ở chúng ta chính mình có lòng tin hay không, có thể như lý như pháp mà tu học hay không. Nếu như chúng ta có lòng tin kiên định, nguyện lực kiên cường, đem những tai nạn này triệt để tiêu trừ, việc này chắc chắn chúng ta không thể nào làm được. Thế nhưng nếu muốn làm cho tai nạn này giảm nhẹ một chút, thời gian lùi về sau một chút, điều này khẳng định có thể làm được, có căn cứ của lý luận, có sự thật chứng minh. Nếu như không làm được, thực tế mà nói vẫn là lòng tin của chính chúng ta không kiên định, nguyện lực không khẩn thiết. Chúng ta quay đầu lại chính mình sám hối, dõng mãnh tinh tấn thì chắc chắn có thể tự độ và còn có thể lợi tha.

Hai câu phía trước: “Bất kế chúng khổ, thiểu dục tri túc”. “Kế” là tính toán, là chấp trước. “Chúng khổ” quá nhiều rồi. Chúng ta ở ngay trong đời này gặp phải khổ nạn vô lượng vô biên. Thế Tôn vì chúng ta nói ra những sự tướng này. Thế Tôn Ngài đem tất cả khổ quy nạp lại thành ba loại lớn, thông thường chúng ta gọi là “ba khổ”. Thứ nhất là khổ khổ, thứ hai là hoại khổ, thứ ba là hành khổ. Sự việc khổ nạn có nhiều hơn cũng không ngoài ba loại lớn này.

Loại thứ nhất là “khổ khổ”. Chữ khổ phía sau là danh từ, chữ khổ phía trước là động từ. Nhà Phật thường nói “tám khổ giao nhau”, đây là nhà Phật đem nó phân làm tám loại. Tám loại khổ này đều là thuộc về khổ khổ. Bốn loại phía trước là sanh-lão-bệnh-tử, tất cả chúng sanh đều không thể nào tránh khỏi. “Sanh khổ” chúng ta đều trải qua rồi, thế nhưng đều quên hết, quên sạch sẽ.

Trên Kinh điển Phật nói với chúng ta, Phật dùng lời hình dung để nói, ngay khi thần thức của chúng ta đến thế gian này để đầu thai, tìm kiếm cha mẹ, nếu cha mẹ có duyên với bạn, bạn liền xem thấy một luồng ánh sáng, bạn nương theo ánh sáng này mà đi, bất tri bất giác liền đi đầu thai. Nếu cha mẹ với bạn không có duyên phận thì bạn chắc chắn sẽ không đầu thai vào trong nhà của họ. Đầu thai đến đều là có duyên phận. Duyên này đích thực có thiện duyên, có ác duyên. Thiện duyên thì báo ân, trả nợ. Ác duyên thì báo oán, đời nợ. Nếu như không có bốn loại duyên thì sẽ không đến trong một nhà để trở thành người một nhà. Cha mẹ, chồng vợ, anh em, chị em trở thành người một nhà, Phật nói đều là bốn loại duyên. Phàm phu chúng ta không biết, cho nên có một số con cái rất tốt, rất nghe lời, rất dễ dạy; lại có một số con cái rất khó dạy, không nghe lời, dường như sanh tánh chính là bội nghịch. Chúng ta đọc sách Phật biết được loại tình hình này. Con cái nghe lời, dễ dạy là báo ân đến; con cái sanh tánh bội nghịch là báo oán đến. Hiểu được chân tướng sự thật này thì chúng ta nhất định phải dùng trí tuệ, phải dùng phương tiện từ bi khéo léo để điều giáo, đem thiện ác duyên của quá khứ đều biến thành pháp duyên, vậy thì tốt rồi. Đem quyến thuộc cốt nhục biến thành pháp quyến thuộc. Phật đều là dạy chúng ta làm một sự chuyển biến, như vậy tự nhiên liền có thể chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, đến lúc cùng tột thì chuyển phàm thành Thánh.

Có những lúc chúng ta muốn chuyển, nhưng công phu đạo lực của chính mình không đủ, nên không thể chuyển, thì tâm chí thành mong cầu Phật Bồ Tát cảm ứng. Ngay thế gian Thánh nhân đều nói “thành tắc linh”, chân thành đến tột đỉnh thì không thể không cảm thông. Phàm hễ không thể cảm thông, chúng ta chính mình nhất định phải phản tỉnh, là do tâm chân thành của chúng ta không đủ. Giống như Thế Tôn đã nói trong “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh”, tuy là chúng ta hành thiện, nhưng trong cái thiện này vẫn xen tạp bất thiện, vậy thì gọi là không thành. Trong chân thành không được xen tạp chút nào bất thiện, hay nói cách khác, không thể xen tạp chút nào hư ngụy, tâm chân thành của chúng ta mới có thể cảm động chư Phật Bồ Tát, có thể cảm động tất cả chúng sanh. Đạo lý này chúng ta phải hiểu. Chúng ta phải tu tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi, thì cảnh giới của chúng ta liền có thể chuyển. Đây là nói loại đầu tiên – “sanh khổ”.

“Lão”, con người không thể không già. “Lão khổ”, các bạn hiện tại tuy là tuổi trẻ, bạn xem thấy người già, bạn chính mình bất tri bất giác cũng dần dần trở nên già. Thời gian qua rất nhanh. Tôi học Phật khi tôi hai mươi sáu tuổi, hiện tại nghĩ lại giống như mới ngày hôm qua, bất tri bất giác già yếu. Con người đến sau trung niên, hạnh phúc nhất không phải là tiền tài, địa vị, mà là thân thể khỏe mạnh. Thân thể không khỏe mạnh thì rất là khổ, cho dù có người chăm sóc hầu hạ, lão khổ vẫn cứ không thể tránh khỏi.

Loại thứ ba là “bệnh khổ”. Con người mỗi ngày ăn ngũ cốc tạp lượng, không thể nào không sanh bệnh. Khổ của bệnh đau, tôi nghĩ rất nhiều đồng tu đều có kinh nghiệm, bạn đều đã từng bị bệnh.

Phía sau còn có thêm một loại là “tử khổ”. Thời gian của chúng ta vẫn chưa đến, chúng ta vẫn chưa chết, nên không biết khổ của chết ra làm sao. Phật đã nói sanh và chết; sanh khổ, đầu thai đến mẫu thân. Tình hình của đầu thai, Phật nói, mang thai mười tháng, thai nhi trong mười tháng này trải qua đời sống cũng giống như ở trong địa ngục, cho nên gọi là thai ngục. Mẫu thân uống một ly nước nóng thì thai nhi giống như ở trong địa ngục bạt thục, uống một ly nước lạnh thì chúng liền cảm thấy giống như ở trong địa ngục hàn băng, khổ nói không ra lời. Nếu như không phải Phật nói với chúng ta, chúng ta có nghĩ thế nào cũng nghĩ không ra. Cho đến khổ của cái chết, khi chết thì thần thức của chúng ta rời khỏi thân thể này, dân gian gọi là linh hồn thoát khỏi nhục thể, sự thống khổ đó Phật thí dụ cũng giống như lột mai con rùa ra vậy. Con rùa đang còn sống, bạn kéo cái mình nó ra khỏi mai, Ngài nói thần thức rời khỏi thân thể thống khổ giống y như vậy. Cho nên, người sau khi dứt hơi thở tám tiếng, tốt nhất là mười hai tiếng đồng hồ không nên chạm vào họ. Vì sao vậy? Họ rất là đau khổ. Nếu khi bạn chạm vào họ, thống khổ mà họ cảm nhận được là quá lớn, có lúc không thể chịu nổi. Sau mười hai giờ đồng hồ thì thần thức mới chân thật rời khỏi. Thông thường tám giờ đồng hồ chưa rời khỏi, mười hai giờ thì rất an toàn.

Chúng ta không cách gì tránh khỏi sanh-lão-bệnh-tử. Người chân thật tu hành, tu đến trình độ công phu tương đối thì cái khổ này họ có thể tránh khỏi, tuy là có những sự việc này, nhưng họ sẽ không có thống khổ. Thế nhưng, bốn điều phía sau trước tiên bạn phải làm cho được, sau đó mới có thể tránh được cái khổ của lão-bệnh-tử.

Bốn điều phía sau, điều thứ nhất là “cầu bất đắc khổ”. Trong tâm bạn mong cầu quá nhiều rồi, bạn cầu tiền của, bạn cầu địa vị, bạn cầu thông minh trí tuệ, những sự việc mà bạn mong cầu quá nhiều, không thể thõa mãn nguyện vọng của bạn. Ngạn ngữ thường nói: “Con người ở thế gian việc không vừa ý thường đến tám chín phần”, tám chín phần đều là không như ý, bạn liền biết được khổ của nhân sanh là “cầu bất đắc”. Thế nhưng trong cửa Phật lại thường nói: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Lời nói này có đáng tin hay không? Đích thực là rất đáng tin. Thế nhưng bạn phải hiểu được đạo lý, hiểu được phương pháp để cầu. Nếu bạn không hiểu đạo lý, không hiểu phương pháp, thì sự cầu của bạn là cầu không được. Tuyệt đối không phải nói bạn cầu thăng quan phát tài, bạn ở trước mặt Phật Bồ Tát ngày ngày thắp hương, ngày ngày dập đầu, ngày ngày cúng dường, vậy thì cầu không được. Đây là bạn không hiểu đạo lý, cũng không hiểu phương pháp. Lý luận và phương pháp ở trong Kinh điển Phật đã giảng rất tường tận, bạn không biết được đến nơi nào để học.

Có một quyển sách nhỏ là “Liễu Phàm Tứ Huấn”, ngày trước chúng ta đã giảng qua mấy lần. Tiên sinh Viên Liễu Phàm được giáo huấn của Đại sư Vân Cốc, ông hiểu rõ đạo lý để cầu, cũng hiểu được phương pháp để cầu. Ông cầu công danh được công danh, cầu phú quý được phú quý, cầu con cái được con cái, ông đều có thể cầu được. Đó là chân thật đạt được. Vì sao vậy? Khổng tiên sinh đoán mạng cho ông, trong mạng của ông không có. Trong mạng không có, nhưng bạn có thể cầu được, đây là bạn chân thật đạt được. Nếu như bạn không hiểu phương pháp, không hiểu đạo lý này thì chắc chắn cầu không được. “Liễu Phàm Tứ Huấn” cung cấp cho bạn một phương pháp rất tốt. Chúng ta y theo phương pháp này mà cầu, đương nhiên cũng là hữu cầu tất ứng. Thế gian có rất nhiều người không hiểu phương pháp, cho nên họ cầu không được nên khổ.

Loại thứ hai là “ái biệt ly khổ”. Người mà bạn yêu thích không thể thường ở chung với nhau, hoàn cảnh cư trụ mà bạn ưa thích, bạn cũng không cách gì ở được. Bạn thấy, có rất nhiều người giàu có, ở rất nhiều khu vực phong cảnh đẹp, mua rất nhiều biệt thự, họ rất ưa thích, thế nhưng họ cả đời có thể chỉ có thể ở nơi đó một ngày hai ngày, thậm chí một ngày cũng chưa từng ở, vậy thì rất khổ. Chính mình không thể đến ở, phải mời người đến ở để giúp họ xem phòng ốc, giúp họ chỉnh lý hoàn cảnh, còn phải trả cho họ tiền lương, mời họ đến nơi đó để hưởng phước. Đây đại khái đều là trả nợ, thiếu nợ những người công nhân này nên phải trả nợ cho họ. Chúng ta xem thấy rất nhiều. Ưa thích mà chính mình không thể thường tụ hội, đây gọi là ái biệt ly khổ.

Loại thứ ba là “oán tắng hội khổ”. Oan gia đối đầu, không ưa thích gặp họ nhưng vẫn cứ ngày ngày gặp mặt. Bạn yêu thương hay chán ghét đều là trong đời quá khứ đã tu thiện, hay tạo nghiệp bất thiện. Phật nói với chúng ta, chúng ta đến thế gian này là để làm gì? Có rất nhiều người hỏi: “Nhân sanh có ý nghĩa và giá trị gì? Ở thế gian này có một số thành tựu huy hoàng thì xem là có ý nghĩa, có giá trị hay sao?”. Các vị đồng tu nếu như đọc qua bức thư Đại Sư Ấn Quang gởi cho cư sĩ Vệ Cẩm Châu, bạn tỉ mỉ mà nghĩ tưởng lời của lão Hòa thượng đã nói. Ngài nêu ra rất nhiều nhân vật có danh tiếng ở trên lịch sử đã kiến tạo nên những sự nghiệp vĩ đại, ngay trong tầm nhìn của Phật xem thấy là tạo nghiệp. Ngài nêu Tào Tháo làm thí dụ, ở trên lịch sử cũng là nhân vật rất cừ khôi, chính mình tuy là chưa làm hoàng đế, nhưng con trai của ông làm hoàng đế, xây dựng một chính quyền, do vì tâm thuật của chính mình bất chính, ông giết người quá nhiều, phước báo mà trong nhiều đời quá khứ đã tu, cả đời gần như đã hưởng hết rồi. Ông còn có một chút phước dư, con trai làm hoàng đế, cũng chẳng qua là bốn mươi lăm năm thì mất nước, mất ở Tấn. Vào ngày trước có người giết heo, con heo này sau khi giết, sau khi cạo hết lông, trên thân con heo đó có hai chữ “Tào Tháo”, chứng minh Tào Tháo đã ở trong đường súc sanh, đầu thai làm heo, biến thành súc sanh.

Chúng ta biết, tội nghiệp thâm trọng thì đọa địa ngục trước, sau khi chịu tội địa ngục xong thì biến thành ngạ quỷ, súc sanh để trả mạng. Thiếu tiền thì phải trả tiền, thiếu mạng thì trả mạng. Sự việc này không thể không biết. Tuyệt đối không thể nói sát sanh thì không phải trả mạng, không thể nói bạn giết một con muỗi, giết một con gián thì bạn không phải trả mạng. Trên pháp luật không có qui định phải phán hình bạn, thế nhưng nhân quả thì không thể tránh khỏi. Bạn ngày nay giết chúng, đời sau bạn lại biến thành gián và bị chúng giết lại, bạn biến thành bọ nhảy và bị chúng giết. Việc này chính là như vậy. Cho nên, Phật nói với chúng ta: “Nhân sanh thù nghiệp”. Chúng ta phải hiểu rõ chân tướng của sáu cõi luân hồi, tâm lân mẫn của chúng ta liền sanh khởi, tuyệt đối sẽ không giết hại một chúng sanh. Những động vật nhỏ này chạy đến ngay trước mặt chúng ta, ý niệm giết hại của chúng ta liền khởi lên, đó là gì vậy? Đến để trả mạng. Chúng ta nghĩ xem, hà tất phải vậy? Ngày trước chúng giết ta, hiện tại ta cũng giết chúng, đời sau chúng lại giết ta, giết qua giết lại không có kết thúc, oan oan tương báo không có kết thúc. Việc này không thể giải quyết vấn đề. Chúng ta chân thật giác ngộ rồi, ngay đời này không làm việc khờ này nữa. Quá khứ chúng giết ta, hiện tại ta gặp chúng, ta cũng không giết chúng, món nợ của chúng ta đến chỗ này liền được trả xong rồi. Đây mới là một người chân thật giác ngộ, là một người chân thật tường tận.

Vì sao có ái biệt ly khổ? Cũng là chúng ta chính mình tạo nghiệp bất thiện, phá hoại gia đình của người khác, khiến cho gia đình của người khác không thể đoàn tụ, thế là chúng ta ngay trong một đời này nhận lấy quả báo. Vào ngày trước phá hoại việc gia đình của người ta ít, phá hoại gia đình của súc sanh nhiều, đều nhận loại quả báo này. Đặc biệt là việc săn bắn, chúng ta đọc được ở trong “Cảm Ứng Thiên”, “Âm Trắc Văn”, khi đi săn thường hay phá hoại sào huyệt, đây chính là phá hoại gia đình người, chiêu đến đời sau không như ý. Cho nên, nhân như thế nào thì có quả báo như thế đó. Hiện tại chúng ta nhận quả báo như thế nào thì biết được đời quá khứ đã tạo ra nhân gì, nghiệp nhân bất thiện chúng ta còn dám tạo hay sao? Chỗ sáu căn tiếp xúc sáu trần khởi tâm động niệm nghĩ ngợi nhiều, những việc tổn hoại chúng sanh quyết định không nên làm. Người khác chiếm tiện nghi của chúng ta, người khác tổn hại ta là do đời quá khứ ta đã tổn hại họ, tuyệt đối không nên có chút ý niệm báo thù.

Nhất định phải hiểu được nghịch đến thuận chịu, giải oan thích kết. Oán kết ngay trong đời quá khứ, ở ngay trong đời này đều đem nó giải trừ, chúng ta mới có thể chân thật lìa khổ. Nhất là Phật dạy bảo chúng ta, phương pháp tu hành cơ bản chính là mười nghiệp thiện. Mười nghiệp thiện không phải là giới. Giới và thiện không như nhau. Điều thứ nhất là “không sát sanh”, quyên phi nhuyễn động đều phải nên yêu thương, không nên tùy tiện giết hại. Không những không được giết hại, ở trên Kinh điển Phật nói rất rõ ràng với chúng ta, nếu chúng sanh vì ta mà sanh phiền não thì chúng ta liền có lỗi lầm rất lớn. Cho nên, chúng ta ở trên Kinh thường hay xem thấy, nơi nào chư Phật Bồ Tát ở thì khiến tất cả chúng sanh thường sanh tâm hoan hỉ. Đây là Phật Bồ Tát. Nơi chúng ta ở thì khiến cho tất cả chúng sanh thường sanh phiền não, vậy thì chúng ta sai rồi. Người kia chán ghét ta, không ưa thích ta thì ta phải làm sao? Ta thấy họ đến thì phải mau tránh đi, trốn trước khi họ đến, để họ sanh tâm hoan hỉ. Họ ưa thích gặp mặt với ta thì ta liền chào hỏi họ, không ưa thích thì phải mau tránh đi. Cho nên, Phật dạy chúng ta phải giữ tâm lương thiện, phải nghĩ mười thiện, không sát sanh, không trộm cắp.

Không trộm cắp, quyết không được có tâm chiếm tiện nghi của người khác. Những việc tổn người lợi mình quyết định không nên làm. Khi làm rồi thì về sau phải chịu thiệt thòi lớn, bạn có được chút lợi nhuận, bạn cũng sẽ không thể giữ được, bạn làm thế nào có được thì bạn vẫn như thế đó mà mất đi. Việc này ghi chép trên lịch sử quá nhiều quá nhiều rồi. Dùng thủ đoạn lừa dối mà có được thì sau cùng vẫn bị người lừa đi. Nhân quả tuần hoàn. Ở vào xã hội hiện tiền chúng ta, nếu như chúng ta tỉ mỉ quán sát, loại quả báo này thì quá nhiều rồi. Chúng ta phải rõ lý, phải hiểu rõ chân tướng sự thật, biết được làm thế nào tu phước, làm thế nào gìn giữ phước đức của bạn mà không thể mất đi. Đây mới là người thông minh chân thật.

Điều sau cùng của tám khổ gọi là “ngũ ấm xí thạnh khổ”. Trong tám loại này thì bảy loại phía trước là từ trên quả mà nói, loại sau cùng này là từ trên nhân mà nói. Ngũ ấm xí thạnh, nếu chúng ta dùng lời dễ hiểu mà nói, chính là phiền não tập khí của bạn rất nặng, thân tâm không an. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước vô cùng nặng, bạn mới biết chiêu cảm đến bảy loại khổ báo phía trước. Những thứ này đều xem là khổ khổ.

Dục Giới đầy đủ khổ khổ, còn có hoại khổ. Nếu như bạn tu hành công phu không tệ, chân thật đạt được thiền định, sức định của bạn đã phục được dục rồi, tâm của bạn được thanh tịnh thì bạn sanh đến trời Tứ Thiền. Xem bạn công phu cạn sâu, từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền, đây gọi là trời Sắc Giới. Trong cõi trời này không có tám khổ này, sanh-lão-bệnh-tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh đều không có cho nên rất an vui. Tuy là an vui, thế nhưng thọ mạng của họ có tận. Khi thọ mạng đến rồi thì họ phải chết, thế là khổ liền đến. Người trời Sắc Giới bình thường không có khổ, nhưng khi lâm chung thì có khổ. Khi lâm chung thì thân thể hỏng rồi, họ bị bệnh, những cung điện mà họ cư trụ, tất cả hưởng thụ cũng như vậy, không thể mang đi, chân thật là ở trong Phật pháp thường nói: “Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân”. Cho nên tuy là không có khổ khổ, nhưng họ có hoại khổ.

Phàm phu cao cấp nhất là trời Vô Sắc Giới, ngay đến thân thể họ đều không cần. Lão Tử chúng ta nói rất hay: “Ta có đại hoạn, vì ta có thân”. Ông nói, ta có mối lo lớn nhất bởi vì ta có thân thể. Không có thân thể thì thật tự tại. Tu thiền định của thế gian đến tầng thứ năm thì ra khỏi Sắc Giới, sanh đến trời Vô Sắc. Trời Vô Sắc cũng có bốn cõi, cao nhất là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên. Thông thường nhà Phật nói “tứ thiền bát định”, bát định bao gồm tứ thiền. Tứ thiền hướng lên trên còn có bốn giai tầng thiền định. Thiền định này sâu, ngay thân thể này cũng không cần, cho nên hoại khổ cũng không có. Thế nhưng, họ có hành khổ.

“Hành khổ” là gì? Họ không thể vĩnh viễn giữ được cảnh giới của mình, khi thọ mạng đến rồi thì vẫn phải lưu chuyển, vẫn là phải luân hồi. Không cứu cánh! Phật nói với chúng ta, trời Dục Giới đều có ba loại khổ này, khổ khổ, hoại khổ, hành khổ, ba loại khổ này đều phải chịu. Trời Sắc Giới thì họ chịu hai loại, họ có hoại khổ, hành khổ, nhưng họ không có khổ khổ. Cao nhất là trời Vô Sắc Giới, họ chỉ có hành khổ, còn hoại khổ và khổ khổ đều không có.

Phật ở trên Kinh Đại Thừa thường nói: “Tam giới thống khổ”, trong “Kinh Pháp Hoa” thí dụ nói: “Nhà lửa tam giới”, ở trong đây không an toàn. Ngày nay chúng ta cư trụ trên địa cầu này, chúng sanh trên địa cầu tạo ra nghiệp bất thiện quá nhiều, quá nặng, cho nên địa cầu này rất là không an toàn. Chúng ta ở nơi đây không có cảm giác an toàn, đạo lý là bởi vì chúng ta tạo ra nghiệp bất thiện. Nhân cùng quả chúng ta nhất định phải làm cho rõ ràng, làm cho tường tận. Đây là chúng khổ. Đơn giản cùng với các vị nói đến chỗ này. Cho dù cái khổ có nhiều hơn, tám loại này đều đã có thể bao gồm, tám khổ, ba khổ đều bao gồm hết.

“Bồ Tát bất kế chúng khổ”, chữ “kế” này là không phân biệt, không chấp trước. Phàm phu chúng ta phân biệt, chấp trước đối với những chúng khổ này cho nên bạn liền phải nhận, không thể không nhận. Phật Bồ Tát đến thế gian này của chúng ta, các Ngài là người tái sanh, các Ngài không phải đến để nhận quả báo. Các Ngài là thừa nguyện tái lai, giúp đỡ những chúng sanh mê hoặc điên đảo chúng ta lìa khổ được vui. Biểu hiện của các Ngài có ba khổ và tám khổ hay không? Có! Ngài cũng biểu diễn, như Thích Ca Mâu Ni Phật Thế Tôn Ngài một đời thị hiện, Ngài thị hiện có sanh-lão-bệnh-tử, cũng có cầu bất đắc, cũng có ái biệt ly, cũng có oán tắng hội khổ, thảy đều thị hiện ra hết. Ở trong cảm giác của chúng ta, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng không khác gì với chúng ta, thế nhưng trên thực tế hoàn toàn không như nhau, Ngài là biểu diễn. Ngài không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Ngài biết được “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, như trên “Kinh Kim Cang” nói: “Tam tâm bất khả đắc, vạn pháp vô sở hữu”, cho nên Ngài lìa khổ. Lìa khổ thì là lạc, Ngài đạt được là chân lạc. Chúng ta ở thế gian này là chịu quả báo, là tùy nghiệp chịu báo, còn Ngài thì không phải, Ngài đến là để độ hóa chúng sanh, làm sao giống nhau được? Các loại thị hiện của Ngài đều là giống như diễn kịch cho chúng ta xem, để sau khi chúng ta xem rồi, ở trong đó hoát nhiên đại ngộ, giúp cho chúng ta khai ngộ, vĩnh viễn an trụ ở thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi.

Chúng ta muốn học Phật Bồ Tát thì cần phải đem nghiệp chướng của chính mình buông xả; “nhìn thấu, buông xả”, đem nghiệp chướng của chính mình buông xả, quyết không tùy thuận tập khí của chính mình. Không tùy thuận phiền não tập khí, mà tùy thuận giáo huấn của chư Phật Bồ Tát, tùy thuận tu hành của chư Phật Bồ Tát, chúng ta ở ngay trong một đời liền có thể chuyển thân nghiệp báo thành thân nguyện lực, ngay trong một đời liền có thể chuyển. Vấn đề là bạn hiểu hay không hiểu, bạn biết hay không biết. Hiểu hay không hiểu là nói lý luận, biết hay không biết là phương pháp. Bạn hiểu được đạo lý, biết được phương pháp thì bạn liền biết chuyển. Khi bạn vừa chuyển thì liền được đại tự tại, bạn ở thế gian này cũng giống như chư Phật Bồ Tát vậy, tùy duyên tự tại. Đây là Bồ Tát nói: “Bất kế chúng khổ, thiểu dục tri túc”.

Chư Phật Bồ Tát thị hiện ở thế gian này có dục vọng hay không? Không có, không có bất cứ dục vọng nào. Thân thể ở thế gian này tất cả tùy duyên, vậy mới là tự tại. Chính mình muốn làm như thế nào, như thế nào đó thì không tự tại rồi. Qua lại với tất cả chúng sanh có thể hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, đối với tất cả chúng sanh quyết không chút nào miễn cưỡng. Bạn xem, thái độ của Phật Bồ Tát giáo hóa chúng sanh, Phật Bồ Tát chỉ là tận tâm tận lực hết lời dạy bảo, đối với chúng sanh đích thực không hề có chút can thiệp. Đây là điều chúng ta phải học.

Ngày nay chúng ta dạy học vì sao có thể sanh phiền não? Bởi vì bạn can thiệp học trò. Phật Bồ Tát vì sao không sanh phiền não? Các Ngài không can thiệp học trò. Tôi dạy bạn, nếu bạn hiểu rồi thì rất tốt, nếu bạn không hiểu cũng tốt. Tôi dạy bạn đoạn ác tu thiện, nếu bạn chịu nghe, chịu làm thì rất tốt; bạn không nghe, không chịu làm thì cũng tốt. Cho nên Phật Bồ Tát liền an vui, không sanh phiền não. Ngày nay chúng ta dạy người là dùng tâm phàm phu. Nếu khuyên bạn tốt, khi bạn nghe rồi, bạn làm theo thì rất hoan hỉ. Hoan hỉ là phiền não. Nếu nói cho bạn nghe, bạn nghe rồi mà không chịu làm, vẫn cứ là làm ác, trong lòng liền rất không vui, đó cũng là sanh phiền não. Đây là cái gì? Đây là không thể tùy duyên. Phật Bồ Tát tùy duyên, cho nên không sanh phiền não. Nhất định phải nhìn thấu. Nghiệp chướng của chúng sanh sâu nặng, không phải một đời được độ. Chúng ta thì giận do không thể một đời này độ hết chúng sanh, so với nguyện lực của Phật không biết mạnh hơn gấp bao nhiêu lần. Đây là tự tìm phiền não.

Phật Bồ Tát độ chúng sanh rất có tâm nhẫn nại, nếu ngay đời này không thể được độ thì không hề gì, đời sau lại tiếp tục, đời sau vẫn không thể được độ thì đời sau nữa lại độ tiếp. Phật Bồ Tát có thể đợi đến vô lượng kiếp sau để độ bạn, đến lúc nào bạn chịu nghe lời thì Ngài liền thị hiện, khi bạn không chịu nghe lời thì Ngài không chút nào miễn cưỡng. Chúng ta phải học bản lĩnh này, liền có thể tự tại tùy duyên. Nếu không mà nói, chắc chắn bạn sẽ không được tự tại, bạn sẽ không được thanh tịnh – bình đẳng – giác. Tâm của bạn không thanh tịnh, tâm của bạn không bình đẳng, chính mình không được thanh tịnh – bình đẳng – giác thì làm sao có thể giúp người khác? Khi giúp người khác thì quá có hạn rồi. Đồng tu chúng ta, nhất là đã phát tâm xuất gia, không thể không hiểu đạo lý này. Bạn chân thật đem những đạo lý này làm cho rõ ràng, làm cho tường tận rồi, buông xả phiền não tập khí của chính mình, tùy thuận tâm hạnh của Phật Bồ Tát thì chúng ta ngay trong đời này thật có thành tựu. Quyết định phải “thiểu dục tri túc”.

“Tri túc” không phải nói đời sống của ta có thể qua được thì tri túc. Đây vẫn là không tri túc. Thế nào chân thật gọi là tri túc? Hằng thuận tất cả chúng sanh, trong tùy duyên quyết không khởi tâm động niệm thì bạn chân thật tri túc. Khởi tâm động niệm thì không tri túc, tri túc thì làm sao khởi tâm động niệm? Sẽ không hề tính toán cái này có, cái kia có. Có cũng tốt, không có cũng tốt, tất cả đều tốt.

Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ chú giải ở trong bộ Kinh này, vận dụng lời Phật trên “Kinh Niết Bàn” đã nói: “Thiệu dục giả, bất cầu bất thủ, tri túc giả, đắc thiểu bất hối hận”. “Kinh Di Giáo” nói: “Thiểu dục chi nhân, tắc vô yểm khúc, dĩ cầu nhân ý”. Câu nói này chính là hiện tại gọi là nịnh bợ người, người thiểu dục quyết không nịnh bợ người. “Diệc phục bất vi, chư căn sở khiên, hành thiểu dục giả, tâm đắc thản nhiên, vô sở ưu úy, súc sự hữu dư, thường vô bất túc, hữu thiệu dục giả, tắc hữu Niết Bàn, thị danh thiệu dục”. Đây đều là ở trong Kinh luận Phật đã nói ra. Không luận tại gia hay xuất gia tu hành, đối với đời sống vật chất cần phải đạm bạc. Tuy chính mình đời trước tu phước, được phú quý, cũng phải thiểu dục tri túc, đem phước báo của bạn phân hưởng với tất cả chúng sanh khổ nạn thì phước báo của bạn càng lớn.

Trên bộ Kinh này, Phật dạy bảo “nhữ đẳng Tỳ Kheo” (đây là gọi học trò xuất gia): “Nhược dục, thoát chư khổ não, đương quán tri túc”. Đây là dạy cho chúng ta phương pháp lìa khổ. Bạn quán sát tri túc: “Tri túc chi pháp, tức thị phú lạc, an ẩn chi xứ. Tri túc chi nhân, tuy ngọa địa thượng, do vi an lạc. Bất tri túc giả, tuy xứ thiên đường, diệc bất xứng ý. Bất tri túc giả, tuy phú nhi bần, tri túc chi nhân, tuy bần nhi phú”.

Chúng ta tỉ mỉ mà tư duy đoạn Kinh văn này. Sự việc này, chúng ta thường hay xem thấy động vật nhỏ, chỉ cần lưu tâm quán sát thì chúng ta sẽ khai trí tuệ. Chúng ta xem thấy chim ở trên cây, xem thấy tổ chuột trên cây, chúng có cái gì? Chúng mong muốn điều gì? Chúng ta từ ngay chỗ này có thể thể hội được “thiểu dục tri túc”. Chúng chỉ mong cầu thức ăn, ngoài thức ăn ra thì không mong cầu thứ gì. Lại xem qua Thế Tôn năm xưa ở đời vì chúng ta thị hiện ra, cùng với những động vật hoang dã này gần như không hề khác. Thích Ca Mâu Ni Phật mỗi ngày ra ngoài khất thực, xin được một bát cơm, nửa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm. Phật dạy cho chúng ta thiểu dục tri túc. Thế Tôn Ngài chính mình làm ra tấm gương để cho chúng ta xem. Đó chân thật gọi là tri túc thường phú. Phú là gì? Bạn cho tôi, tôi đều không cần, đây là thật giàu. Trên thế gian, người nào nghèo nhất? Người không biết tri túc là nghèo nhất. Người tri túc thì thường giàu. “Khuyến Phát Phẩm” trong “Kinh Pháp Hoa” nói được càng hay: “Thị nhân thiểu dục tri túc, năng tu Phổ Hiền chi hạnh”.

Chúng ta tu Tịnh Độ, ở chỗ này đọc là “Kinh Vô Lượng Thọ”, Kinh văn của “Kinh Vô Lượng Thọ” vừa mở đầu liền dạy cho chúng ta “tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức”. Câu nói này quan trọng, là câu nói đầu tiên, kế tiếp theo sau 16 Chánh Sĩ. Do đây có thể biết, Thế giới Tây Phương Cực Lạc thảy đều là tu hạnh Phổ Hiền. Phật ở trên đại Kinh nói với chúng ta: “Bồ Tát không tu hạnh Phổ Hiền không thể viên thành Phật đạo”. Hay nói cách khác, nếu chứng được Phật quả viên mãn thì nhất định phải tu hạnh Phổ Hiền.

Hạnh Phổ Hiền từ chỗ nào mà tu? Hạnh Phổ Hiền tu từ thiểu dục tri túc. Một người không thể thiểu dục tri túc thì chắc chắn không thể tu hạnh Phổ Hiền. Bạn nghĩ xem, hai câu nói này quan trọng cỡ nào! Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ tổng kết ý nghĩa Kinh luận của Đại đức xưa, ông nói được rất hay: “Bất ư tâm ngoại thủ pháp, vô nhất pháp đương tình giả danh vi thiểu dục”. Hay nói cách khác, chúng ta đối với pháp thế xuất thế gian còn có chút dục niệm thì không xem là thiểu dục. Cảnh giới này cao.

Tri túc là gì? “Thể lộ chân thường, tịch diệc vi lạc, như như bất động, vi tri túc”. Thiểu dục và tri túc đều là nói xứng tánh. Chúng ta tường tận, thế nhưng chúng ta không làm được. Đây là chỉ người nào? Pháp thân Bồ Tát, Bồ Tát minh tâm kiến tánh, không phải là người thông thường. Đó chân thật là Phật đã nói thiểu dục tri túc. Ý nghĩa của Phật rất sâu rất rộng. Hiện tại chúng ta là phàm phu, là đang sơ học, tận lượng giảm thiểu dục vọng, giảm thiểu mong cầu, có sự giúp đỡ đối với tu hành của chúng ta.

Hai câu phía sau: “Chuyên cầu bạch pháp, chuyên lợi quần sanh”. Đây là “bất kế chúng khổ, thiểu dục tri túc”. Chúng ta có thể dùng một câu tổng kết là: “buông xả vạn duyên”, cũng chính là buông xả tất cả thân tâm thế giới, quyết không nên đem nó để vào trong tâm, trong tâm trong sạch, sạch sẽ không nhiễm một trần. Đây là ý nghĩa thiểu dục tri túc. Sau đó “chuyên cầu bạch pháp”. Trong Phật Kinh gọi là bạch pháp, là đối với hắc pháp mà nói. Trong từ ngữ của chúng ta gọi là thiện ác, thiện pháp, ác pháp. Người Ấn Độ thời xưa không nói thiện ác, mà nói là hắc bạch. Hắc chính là ác pháp, bạch chính là thiện pháp. Chỗ này nói “chuyên cầu bạch pháp” chính là chuyên cầu thiện pháp. Như “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh”, Phật vì chúng ta khai thị, Ngài nói Bồ Tát có một phương pháp “có thể đoạn tất cả khổ của thế gian”, như chúng ta phía trước đã nói ba khổ, tám khổ, tất cả khổ ở thế gian này. Dùng phương pháp gì vậy? “Ngày đêm thường niệm thiện pháp”, chính là chuyên cầu bạch pháp.

Những gì là thiện pháp? Từ nghĩa hẹp mà nói, “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, thường niệm không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không hai chiều, không ác khẩu, không thêu dệt, không tham, không sân, không si. Đây gọi là mười nghiệp thiện. Thường niệm, loại tu này là tiêu cực. Từ tiêu cực chuyển biến thành tích cực chính là “huệ lợi quần sanh”. Huệ là ân huệ, phải bố thí ân huệ. Làm thế nào bố thí ân huệ? Lợi ích chúng sanh, vậy thì biến thành tích cực. Phải đem mười thiện của bạn thực tiễn vào ngay trong cuộc sống thường ngày, thực tiễn trong công việc, thực tiễn vào trong đối nhân xử thế tiếp vật. Nửa bộ sau của “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh” cụ thể nói rõ làm thế nào thực tiễn ở Lục Độ Bồ Tát, thực tiễn ở Từ Bi Hỷ Xả (đây là bốn tâm vô lượng), thực tiễn vào Tứ Nhiếp Pháp (Tứ Nhiếp Pháp chính là người với người qua lại, nhiếp thọ tất cả đại chúng), thực tiễn vào 37 phẩm trợ đạo (37 phẩm trợ đạo là bao gồm toàn bộ Phật pháp. Thiên Thai tông nói 37 phẩm trợ đạo là nói Tạng-Thông-Biệt-Viên, đạo phẩm của Tạng giáo, đạo phẩm của Thông giáo, đạo phẩm của Biệt giáo, đạo phẩm của Viên giáo, đó là bao gồm hết thảy Phật pháp). Chúng ta lại nghĩ tưởng, làm thế nào thực tiễn ở pháp môn niệm Phật của chúng ta? Như vậy mới chân thật làm đến “huệ lợi quần sanh”.

Quần sanh là tất cả chúng sanh, không phân cõi nước, không phân tộc loại, tộc loại bao gồm hữu tình, vô tình, bao gồm hiện tại chúng ta xem thấy là động vật, thực vật. Làm thế nào để lợi ích họ? Trong tộc loại là bao gồm cả bọ nhảy, muỗi, kiến. Chúng ta phải “huệ lợi quần sanh”, không thể tổn hại những động vật nhỏ này. Không những chúng ta không sát sanh, không trộm cắp, mà còn làm thế nào đem mười thiện thực tiễn yêu thương ở trên thân những động vật nhỏ này. Chúng ta có thể cùng với những động vật nhỏ này, cùng với những quỷ thần hòa thuận cùng sống, đối đãi bình đẳng thì thế giới này mới có thể có hòa bình, xã hội mới có thể an định phồn vinh, con người mới có thể có hạnh phúc. Tất cả chúng sanh cả thảy vũ trụ là cùng đồng một thể sinh mạng. Cảm ứng trong đây không thể nghĩ bàn. Chúng ta phải tỉ mỉ mà thể hội.

Làm thế nào chuyên cầu thiện pháp? Căn bản nền tảng của thiện pháp, trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước” Phật nói với chúng ta: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Chúng sanh tạo tác tội nghiệp, tối trọng nhất là sát sanh, đặc biệt là giết hại những động vật nhỏ này. Động vật nhỏ là do quá khứ đã tạo tội nghiệp quá nặng, ở trong cõi súc sanh biến thành những động vật nhỏ yếu này. Đây đều là đền trả nghiệp báo. Chúng đến để trả mạng. Chúng ta trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp thiếu biết bao nợ mạng của chúng sanh, đương nhiên chúng sanh cũng có thiếu chúng ta. Loại oan oan tương báo này vĩnh viễn không kết thúc, rất là tàn khốc. Chúng ta tường tận giác ngộ rồi, chân thật quay đầu. Triệt để quay đầu thì không còn tổn hại những động vật nữa. Không tổn hại động vật chính là không tổn hại chính mình, yêu thương động vật nhỏ là chân thật yêu thương chính mình. Tự – tha là một, không phải là hai. Thiện pháp đến chỗ cứu cánh chính là trì danh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Bao gồm trong tất cả thiện pháp, không có cái gì có thể tốt hơn. Đây là đến đỉnh điểm. Do đó, chúng ta phải tường tận lý luận và chân tướng sự thật này, chúng ta phải chăm chỉ tu thiện pháp cứu cánh viên mãn.

Chúng ta tu như thế nào? Khuyên người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đây là thiện pháp đạt đến cứu cánh viên mãn. Cách khuyên như thế nào? Chúng ta chính mình phải thật làm. Chính mình không chịu tu, khuyên người khác tu thì người ta sẽ không chịu tin tưởng. Chúng ta chính mình phải thật tu. Không những phải thật tu mà chính mình còn phải phát nguyện, khi lâm chung đến biểu diễn một màn để mọi người xem, vậy thì có thể độ rất nhiều chúng sanh. Phải dạy mọi người tin sâu, không nghi. Ngay trong cuộc sống thường ngày, chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực mà làm.

Lão Lâm trưởng của chúng ta, lão cư sĩ Trần Quang Biệt, đã vì chúng ta thị hiện. Tuổi tác của ông đã lớn, ông bị trọng bệnh, bất cứ hành động gì đều không thuận tiện, nằm ở trên giường bệnh xem băng ghi hình giảng Kinh của chúng ta. Ngày trước chúng ta giảng có ghi hình bộ “Kinh Vô Lượng Thọ”. Ông từ đầu đến cuối nghe qua năm lần. Ông tường tận rồi, vạn duyên buông xả, nhất tâm niệm Phật. Ba tháng trước khi ra đi thì biết được. Người nhà của ông nói với chúng ta, lão cư sĩ đã viết mười mấy lần “mùng 7 tháng 8” ở trên trang giấy. Người trong nhà đều không dám hỏi ông. Mùng 7 tháng 8 ngày hôm đó ông đi. Trước ba tháng biết được chính mình ngày hôm nào ra đi. Lẽ ra hai năm trước ông phải đi rồi. Ông nói với Lý Mộc Nguyên: “Tôi muốn vãng sanh Thế giới Cực Lạc rồi”. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên cầu ông ở lại, bởi vì Cư Sĩ Lâm chưa có một người đức cao vọng trọng lãnh đạo, lo là sẽ có khó khăn, nên cầu ông ở thêm vài năm. Ông ở thêm được hai năm, đến lúc đó ông ra đi, đem Cư Sĩ Lâm bàn giao cho cư sĩ Lý Mộc Nguyên quản lý. Hiện tại ông đại diện Lâm Trưởng. Đây là “chuyên cầu bạch pháp, huệ lợi quần sanh”, làm ra tấm gương tốt cho chúng sanh.

Chúng ta niệm Phật cũng phải phát ra nguyện này, nhất định phải nỗ lực y theo đạo lý, phương pháp của Kinh điển mà tu học, tương lai khi ra đi dự biết trước giờ đi. Nếu như chân thật chuyên tu bạch pháp, thiểu dục tri túc, khi bạn lâm chung chắc chắn sẽ không có bệnh khổ. Không có bệnh khổ, biết được giờ ra đi, như vào thiền định, biểu diễn của bạn sẽ cao minh hơn nhiều so với lão Lâm Trưởng. Ông bốn năm trước khi vãng sanh mới chân thật gặp được Phật pháp, cho nên làm cái thị hiện này. Hiện tại chúng ta tuổi tác rất trẻ, thân thể rất khỏe mạnh thì gặp được Phật pháp, khi ra đi còn nằm dài trên giường bệnh, còn bất tỉnh nhân sự, vậy thì hổ thẹn rồi. Đó là đặc biệt sai lầm. Khi ra đi, bạn phải nên đứng mà đi, ngồi mà đi, tự tại an nhàn mà đi. Sự biểu diễn này bạn độ được bao nhiêu người! Mục đích của chúng ta không phải huyễn lộng công phu của chính mình, mà chúng ta chỉ có một nguyện vọng chân thành là hy vọng đại chúng xem thấy ta đi như vậy có thể sanh khởi tín tâm kiên định đối với Tịnh Độ, hy vọng họ cũng phát tâm niệm Phật vãng sanh. Chúng ta có thành ý này, quyết không phải đang huyễn lộng công phu chính mình. “Phật Thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Bạn cầu cái này, tôi nghĩ nhất định sẽ cầu đến được, Tam Bảo sẽ gia trì. Cho nên dùng việc này để giúp đỡ chúng sanh, để bố thí hữu tình, làm lợi ích thù thắng không gì bằng.

“Chí nguyện vô quyện”. “Quyện” là mệt mỏi. Thế gian thông thường khi người mới phát tâm, cái nguyện đó dường như rất kiên định, nhưng thực tế mà nói, không vượt khỏi khảo nghiệm của thời gian. Người xưa có câu: “Học Phật năm đầu, Phật ở trước mặt” (rất thành tâm); Học Phật hai năm, Phật ở chân trời (cự ly cách xa rồi); Học Phật ba năm, Phật hóa mây khói (không còn nữa)”. Đây là nói rõ điều gì? Nói rõ tâm của bạn phát ra gọi là đạo tâm sương sớm. Sương thì rất ngắn, thái dương vừa xuất hiện thì không còn. Vậy thì làm sao có thể thành tựu? Không thành tựu thì thôi vậy. Thế nhưng, bạn không biết được di chứng về sau thật phiền phức. Việc này rất ít người nghĩ đến. Di chứng về sau là gì? Làm cho đại chúng xã hội nhìn thấy hành vi này thì có tâm khinh mạn đối với Phật pháp, sanh tâm hủy báng. Đây là do vì chúng ta chính mình làm không được tốt, làm cho người khác tạo thành khẩu nghiệp. Người tạo ra rất nhiều tội lỗi nghiêm trọng là do chúng ta dẫn phát ra, dẫn khởi cho họ. Chúng ta có trách nhiệm hay không? Không thể nói không có trách nhiệm.

Trong Phật pháp, việc xuất gia không dễ đùa. Việc này nhất định phải biết. Nếu chúng ta làm được không đúng pháp chính là phá hòa hợp tăng. Ta tuy là không phá hòa hợp tăng, thế nhưng ta làm không như pháp. Phật đã dạy cho chúng ta, chúng ta không nỗ lực mà làm, làm cho đại chúng xem thấy nghi hoặc, hủy báng, tạo khẩu nghiệp trùng trùng. Lỗi lầm này của chúng ta thì phải đọa địa ngục rồi. Người xưa đã nói: “Trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều”. Lời nói này không phải không có nguyên nhân. Chúng ta tạo tác tất cả không như pháp, tạo khẩu nghiệp cho đại chúng xã hội, thì chúng ta phải gánh vác cái tội lỗi này. Cho nên, chí nguyện nhất định phải kiên định, không thể nào mệt mỏi.

Phổ Hiền Bồ Tát phát mười đại nguyện, các vị đều biết được, gọi là mười đại nguyện vương. Mỗi nguyện sau cùng đều nói: “Hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, ngã nguyện nãi tận”. Chúng ta thường đọc, nhưng đọc xong lập tức quên hết, không đem nó để vào trong tâm, không hề đem nó cho là việc gì. Thí như lễ kính, “nhi hư không giới, nãi chi phiền não, vô hữu tận cố, ngã thử lễ kính, vô hữu cùng tận, niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn, thân ngữ ý nghiệp, vô hữu bì yễm”. Đây là chí nguyện chân thật không mệt mỏi. Đương nhiên đây là hoằng nguyện của Pháp Thân Đại Sĩ Đẳng Giác Bồ Tát. Chúng ta chưa làm được cũng phải chăm chỉ nỗ lực mà tu học. Không thể nói làm được, không được thì thôi. Các vị nhất định phải biết, Bồ Tát hoằng nguyện không ở hình thức, phải ở thực chất. Người có thể tu hạnh Phổ Hiền, niệm Phật chắc chắn vãng sanh. Không chỉ vãng sanh, bạn sanh đến Thế giới Cực Lạc nhất định là cõi Thật Báo Trang Nghiêm, chắc chắn không phải là ở cõi Đồng Cư hay cõi Phương Tiện, quyết định ở cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Chúng ta chỉ cần chăm chỉ nỗ lực thì thật làm đến được.

“Lễ kính chư Phật”, thế nào là lễ kính thực chất? Trước tiên bạn phải nên biết, hai chữ “chư Phật” này nói bằng cách nào. Chư Phật là nói quá khứ, hiện tại, vị lai, mười phương ba đời tất cả chư Phật. Phật quá khứ, ở trong “Phật Danh Kinh” chúng ta đã xem thấy Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu. Phật hiện tại thì Phật cũng giới thiệu cho chúng ta một số. Phật vị lai là ai? Phật nói với chúng ta, tất cả chúng sanh đều là Phật vị lai. Hay nói cách khác, nếu ta không có kính ý đối với một chúng sanh, lễ kính của chúng ta liền khiếm khuyết. Chúng ta có thể đều có kính ý đối với tất cả chúng sanh hay không. Cái kính ý này và kính ý của chúng ta đối với chư Phật Bồ Tát không hề khác nhau. Việc này thì khó. Nhất là oan gia đối đầu của chính mình, xem thấy liền chán ghét, không báo thù cũng là không tệ, còn phải khoan hồng đại lượng, phải xem họ như là Phật để đối đãi, việc này rất khó. Chúng ta làm không được thì không cách gì tu hạnh Phổ Hiền, vãng sanh phẩm vị liền thấp, không có cao lắm. Thế nhưng, chân thật có thể làm được, vừa rồi nói với các vị, muỗi kiến đều là chư Phật, nếu người tu hạnh Phổ Hiền thì đối với những động vật nhỏ này cũng xem như chư Phật Như Lai, không hề khác biệt, chân thật là cung kính cúng dường. Khi xem thấy chúng đọa vào cõi súc sanh, chính mình nhất định biết sám hối nghiệp chướng. Vì sao chúng bị đọa vào cõi súc sanh? Nghiệp chướng quá nặng. Chúng ta chính mình tạo nghiệp sâu nặng, đời sau cũng sẽ đọa vào cõi súc sanh. Cho nên, xem thấy chúng nó, chính mình phải biết sám hối.

Trong Phổ Hiền mười nguyện, quan trọng nhất chính là bốn nguyện phía trước, nhất định phải thực tiễn. Nghiêm khắc mà nói, tu pháp môn Tịnh Độ cần phải tu hạnh Phổ Hiền. Thế nhưng, tập khí phiền não của chúng ta quá nặng, hạnh Phổ Hiền đích thực có khó khăn với chúng ta, chúng ta chỉ có thể tùy phần tùy lực mà tu học. Thế nhưng nhất định phải hiểu được đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật: “Hư không pháp giới chỉ có riêng ta là phàm phu”. Đây là trên “Kinh Hoa Nghiêm”, Thiện Tài Đồng Tử vì chúng ta thị hiện. Ngoài chính mình ra, không có ai không phải là chư Phật Như Lai, đều là chư Phật Như Lai thị hiện đến dạy chúng ta. Các Ngài thị hiện thiện pháp, ta xem thấy rồi thì ta phải học tập với các Ngài, bắt chước các Ngài. Các Ngài thị hiện pháp ác là đến nhắc nhở ta, để ta phản tỉnh ta có làm pháp ác hay không, nếu ta có cái ác này thì phải mau cải đổi. Cho nên thuận cảnh, nghịch cảnh, người thiện, người ác, thảy đều là chư Phật Bồ Tát thị hiện, ứng hóa. Chúng ta có thể giữ loại tâm này, có thể hiểu được đạo lý này, tu hành như vậy thì một đời viên thành Phật quả. Phàm phu chứng được Phật quả cứu cánh, làm gì cần phải ba A Tăng Kỳ kiếp? Không cần thiết. Cho nên phải ba A Tăng Kỳ kiếp, phải vô lượng kiếp tu hành gian khổ như vậy, đó là do không hiểu được chân tướng sự thật, không hiểu được những đại đạo lý này, không thể nào tùy thuận giáo huấn của Phật Đà, cho nên mới có gian nan đến như vậy, mới tu khổ đến như vậy. Tất cả thông đạt tường tận, quyết định tùy thuận giáo huấn Phật Đà, không còn tùy thuận phiền não tập khí chính mình thì một đời liền thành tựu.

Bạn xem, Thiện Tài một đời viên thành Phật đạo. Trong “Kinh Pháp Hoa” nói được càng thù thắng, Long Nữ tám tuổi thành Phật. Long là cõi súc sanh, tám tuổi là trẻ thơ, không phải là người lớn. Súc sanh tuổi tác nhỏ đến như vậy mà có thể ở ngay trong một đời chứng được Phật quả viên mãn, huống hồ chúng sanh các cõi thiện khác. Đây là Thế Tôn ở chỗ này khuyến khích chúng ta, làm ra một số tấm gương cho chúng ta xem. Ngày nay chúng ta không thể thành tựu, đây là thường nói tiến tiến thoái thoái. Tiến một bước, thoái mười bước, làm sao có thể thành công?

“Chí nguyện vô quyện”. Họ là tinh tấn không thoái. Một người chân thật đến tinh tấn không thoái thì một đời này liền thành tựu. Trong hoàn cảnh của chúng ta, thoái duyên quá nhiều. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, mê hoặc của cảnh giới đều là dạy chúng ta thoái chuyển. Chúng ta không có sức định, không có năng lực khắc phục hoàn cảnh. Hay nói cách khác, nhìn thấu buông xả chúng ta chưa làm được, cho nên tu hành khổ đến như vậy. Tuy là ngày ngày chúng ta dụng công nỗ lực nhưng rất khó thấy được tiến triển. Nếu quả nhiên có thể nhìn thấu buông xả, tiến bộ đó là một ngày ngàn dặm, không có hạn lượng.

Một câu sau cùng nói rất hay: “Nhẫn lực thành tựu”. Nhẫn là phải nhẫn nại, bạn phải có thể nhẫn chịu được. Người xưa nói “nhẫn” có ba loại, thực tế là trong nhẫn nhục Ba La Mật cũng nói ba loại nhẫn.

Loại thứ nhất là trong hoàn cảnh đời sống khốn khó, chúng ta phải có thể nhẫn chịu. Nếu như không thể nhẫn chịu đời sống thanh khổ, tâm của bạn sẽ không thể định lại. Tâm không định lại thì đạo nghiệp liền rất khó thành tựu. Cho nên, phải có thể an ở đời sống bần khổ, không cần nâng cao lên đến mức đời sống của chính mình. Người chân thật tu hành thì đời sống tùy duyên. Vào thời trước là xin ăn, là đi bát. Hiện tại đời sống của chúng ta tùy duyên.

Đời sống của Cư Sĩ Lâm xem là không tệ, như pháp. Vì sao vậy? Bao gồm tất cả cúng dường, cúng dường ăn uống đều là rất nhiều tín đồ đưa đến, rất là đầy đủ. Bạn xem, lần trước Tổng thống tiền nhiệm đến nơi đây để tham gia “Phát Phóng Độ Tuế Kim”, xem thấy nhà bếp của chúng ta, ông rất là ngưỡng mộ. Ông nói: “Các vị ăn nhiều thức ăn đến như vậy à? Tôi ăn chỉ có năm món”. Trong nhà Tổng thống ăn cơm chỉ có năm món, Cư Sĩ Lâm có đến mười mấy món ăn, cho nên ông rất ngưỡng mộ. Thế nhưng, chúng ta ở trong đây tu hành phải hiểu được tri túc. Trong nhiều món ăn như vậy, chọn lấy ba bốn món thì được rồi, không nên chọn hết mọi thứ. Không nên vừa nhìn thấy, tâm tham khởi lên, vậy thì làm sao được? Cũng giống như đi khất thực vậy, chúng ta tự lấy thức ăn, cầm cái đĩa là đi bát, chọn lấy ba bốn món mà mình cần thì được rồi, không nên vượt quá năm món. Năm món thì bạn vượt qua tổng thống rồi! Chúng ta nhất định phải không khởi tâm tham, thức ăn không ngon thì không khởi tâm sân hận. Đạo lý này phải hiểu.

Ngày trước An Thế Cao đến Trung Quốc hoằng pháp, ở hồ Động Đình – Giang Tây độ bạn học của ông, là đồng tham đạo hữu trong đời quá khứ. Hiện tại ông đắc đạo rồi, đạo hạnh của An Thế Cao rất cao, rốt cuộc ông đến quả vị gì thì chúng ta không biết. Thế nhưng cứ xem cả đời của ông tu hành hoằng hóa, khẳng định là từ A La Hán trở lên, quyết không thể ở dưới tứ quả. Ông có dịch “Kinh Vô Lượng Thọ”, rất đáng tiếc là đã bị thất truyền, không có truyền về sau. Nếu như từ trên “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh” mà nói, ông chắc chắn là pháp thân Bồ Tát, không chỉ là A La Hán. Ông độ người bạn học này của ông. Bạn học này của ông bị đọa vào cõi súc sanh, là thần đạo trong cõi súc sanh, làm Long Vương, là một con rắn to. Ông đến độ người bạn học này của ông, đọc Kinh niệm chú để chúc phúc cho ông ấy. Sau khi làm xong pháp sự, ông liền nói với bạn ông: “Ông nên xuất hiện để mọi người xem”. Vị Long Vương này bất đắc dĩ phải xuất hiện, thân thể rất khó coi. Ông nói: “Không cần khẩn trương, để mọi người xem thấy có thể trồng thiện căn, tiêu trừ nghiệp chướng của ông”. Ông ấy liền trong bàn Phật từ từ bò ra, là một con rắn to. Pháp sư này niệm chú cho ông, con rắn này liền vãng sanh. Về sau, thôn trang này gọi là Xà thôn. An Thế Cao ngồi thiền đến Nam Xương, ở trên thuyền xem thấy một người mặc y phục màu trắng, hướng đến ông lạy ba lạy rồi liền bay lên không. An Thế Cao nói với người bên cạnh: “Người vừa rồi đến lạy tôi chính là vị Long Vương này, ông ấy đã sanh trời Đao Lợi rồi”. Các vị phải nên biết, sức mạnh lớn nhất của chúc phúc siêu độ chỉ có thể siêu độ đến trời Đao Lợi, từ trời Dạ Ma trở lên, nhất định phải do công phu chính mình tu hành. Nếu chính mình không có công phu tu hành, chỉ dựa vào siêu độ thì không được. Cho nên, sức mạnh lớn nhất của siêu độ chỉ giúp bạn sanh trời Đao Lợi. Trời Dạ Ma trở lên phải tu định. Định chưa thành công gọi là vị đáo định. Ít nhiều có chút sức định thì mới có thể hướng lên trên siêu thăng.

Có người hỏi: “Bạn của Ngài ngày trước cùng nhau tu hành, vì sao Ngài chứng quả, còn ông ấy thì đọa vào cõi súc sanh?”. Ông liền nói, vị bạn học này của tôi ngày trước thông Kinh, thích bố thí. Các vị nghĩ xem, “thông kinh”, ông ấy là một pháp sư giảng Kinh nói pháp, thông đạt giáo lý, cho nên ông ấy đọa vào cõi súc sanh làm long vương. Vị long vương này rất linh, mọi người đến đó cầu rất có cảm ứng, rất là linh nghiệm. Đây là ông rõ Kinh. Tín đồ của ông rất là nhiều, tín đồ chu vi một ngàn dặm đều đến bái lạy vị long vương này, hương hỏa rất thạnh. Đó là gì vậy? Phước báo lớn. Ông ưa thích bố thí, cho nên phước báo lớn. Pháp duyên thù thắng, “minh Kinh hiếu thí”. Chúng ta nghĩ đây chân thật là pháp sư tốt, chân thật khó được. Tội lỗi như thế nào vậy? Khi khất thực (vào lúc đó đều là đi khất thực), khất được thức ăn không được ngon, trong lòng liền không được vui, cảm thấy chính mình tu hành cũng không tệ, cũng làm được không ít việc công đức, khi khất thực thỉnh thoảng hồi báo đồ ăn không ngon, trong lòng rất khó chịu. Do nguyên nhân này mà đọa vào cõi súc sanh.

Chúng ta chính mình nghĩ tưởng xem, chúng ta tu hành có thể hơn được ông ấy hay không? Ngày nay chúng ta tiếp nhận những vật chất cúng dường này, trong lòng có vừa ý hay không? Nếu như trong lòng vẫn còn chút không vừa ý, bạn liền nghĩ đến tương lai bạn sẽ đi làm long vương rồi. Thật đáng sợ! Không phải là việc dễ đùa. Cho nên, chúng ta chính mình nhất định phải huấn luyện chính mình, đối với mức đời sống vật chất phải giáng xuống thấp, quyết định không thể tham hưởng thụ, quả báo không thể lường.

Loại thứ nhất là phải nhẫn nại với đời sống vật chất.

Loại thứ hai là “bất nhiêu ích nhẫn”, cũng chính là nói bị hại do người làm. Đây là bình thường chúng ta rất có thể tiếp xúc được. Người khác trách cứ bạn, thậm chí vô cớ nhục mạ bạn, hãm hại bạn, chúng ta phải có thể nhẫn. Đặc biệt là chúng ta đối với người khác tốt, thiện ý, người ta hồi đáp lại là ác ý, vậy thì càng phải nhẫn. Đây là loại thứ hai.

Loại thứ ba là “tu pháp”. Chúng ta tu học không thể nhẫn, không thể hành. Phật ở trên “Kinh Kim Cang” dạy bảo chúng ta: “Tất cả pháp đắc thành ư nhẫn”, đó là nói thế xuất thế gian tất cả pháp. Ý nghĩa của chữ “nhẫn” rất là rộng, rất là sâu. Nhẫn nhục đối trị tham sân. Phật pháp thường nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”. Chúng ta xem thấy bạn học của An Thế Cao rơi vào tình huống này, chúng ta chính mình đích thực phải đề cao cảnh giác. Vì sao vậy? Tu hành của chúng ta không bằng người ta, chúng ta tạo tội nghiệp chắc chắn nghiêm trọng hơn ông ấy không biết gấp bao nhiêu lần. Ông ấy đọa vào cõi súc sanh làm thần, có thể tương lai chúng ta biến thành rắn nhỏ, làm binh tôm tướng rùa của long vương, không phải giống như ông ấy làm rắn to, làm long vương. Cho nên, nghĩ lại những nghiệp nhân quả báo của đại đức xưa, cố gắng làm kiểm điểm phản tỉnh xem chúng ta tương lai có thể có thành công gì.

Bao gồm trong thành tựu, vãng sanh là thù thắng đệ nhất. Chúng ta có thể nắm chắc chưa? Bạn muốn hỏi có nắm chắc vãng sanh hay chưa, có thể nói sáu câu Kinh văn này là đáp án cho bạn rất tốt. Sáu câu này bạn chân thật hiểu rồi, bạn chân thật một đời đều có thể phụng hành, đều có thể không trái phạm, vậy thì bạn liền được bảo chứng, bạn ngay đời này chắc chắn vãng sanh làm Phật. Trong đời quá khứ, ngay trong đời này, bạn tạo ra vô số tội nghiệp đều có thể tiêu trừ. Nếu như không làm được sáu câu này, tội nghiệp của chúng ta không cách gì có thể tiêu được. Lâm chung lại không thể vãng sanh thì phiền phức sẽ to, chắc chắn đọa ác đạo.

Ý nghĩa của câu này vẫn chưa thể giảng hết. Lần sau chúng ta lại bổ sung thêm một chút. Hôm nay chỉ giảng đến chỗ này, thời gian đã hết rồi. A Di Đà Phật!

Trích đoạn trong:

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Hòa Thượng – Pháp Sư Tịnh Không
Tập 199-200

Bài viết liên quan

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm 7: Quyết Thành Chánh Giác tập 6

Thiện Quang

Phá tan Ma kiến, thoát dây ràng buộc

Thiện Quang

Nguyện con thành Phật có tiếng tốt

Thiện Quang

Phá thành phiền não, lấp ao tham dục

Thiện Quang

Nguyện 15, 16: Nguyện thọ mạng vô lượng, Thanh văn vô số

Thiện Quang

Thế Tôn diễn thuyết một âm thanh…

Thiện Quang

Đem sức Định Huệ, hàng phục Ma Oán

Thiện Quang

Thế giới Cực Lạc siêu vượt tất cả cõi nước chư Phật

Thiện Quang

Thân Như Lai vi diệu đoan nghiêm

Thiện Quang

Leave a Comment