Pháp Ngữ

Nguồn gốc của thiên tai nhân họa ở đâu vậy?

Thế gian ngày nay, nguồn gốc của thiên tai nhân họa ở đâu vậy? Chúng ta phải nghiên cứu thảo luận thật kỹ, phải tìm cho ra.

Cảm Ứng Thiên Vựng Biên nói rõ chân đế của hai chữ “trung hiếu” này, nên đã chiếm số lượng trang rất lớn. Ở đây đã trích dẫn một câu nói: “Nghiêu Thuấn dùng lòng nhân để trị thiên hạ mà dân theo về”. Câu nói này rất đáng để chúng ta suy nghĩ thật kỹ. Sự thật đã nói rõ, xã hội an định, quốc gia giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc là có quan hệ lớn nhất với người lãnh đạo. Nếu như có một người lãnh đạo hiền minh, có thể chỉ dạy trăm họ thì thiên hạ đại trị. Sự thật này chúng ta thấy trong lịch sử có ghi chép cặn kẽ, xác thực. Vào thời xưa, những vị đế vương tại sao có thể làm được? Ngày nay Dân chủ mà chúng ta đang tôn sùng tại sao không thể làm được? Đây lại là điều đáng để chúng ta suy nghĩ kỹ.

Những người lãnh đạo vào thời xưa đều được tiếp nhận nền giáo dục tốt đẹp nhất (những quốc gia khác chúng ta không nói đến, chỉ nói ở Trung Quốc). Đế vương muốn bồi dưỡng người nối nghiệp thì phải lao tâm khổ tứ đi tìm kiếm vị thầy giỏi nhất trong và ngoài nước; chọn những người có đạo đức, học vấn, kinh nghiệm hơn hẳn người thông thường để đến chỉ dạy, đến bầu bạn dẫn dắt người nối nghiệp, để người nối nghiệp có thể tiếp nhận được nền giáo dục Thánh Hiền, thật sự hiểu được đạo lý lớn của việc làm vua, làm cha mẹ, làm thầy. Cho nên, họ xây dựng một chính quyền có thể duy trì mấy trăm năm mà không suy. Đế vương cuối triều đại quên mất lời giáo huấn của thầy, sống bê tha, buông thả, tùy thuận tập khí phiền não thì quốc gia này liền bị diệt vong.

Trị quốc như vậy, trị gia cũng không ngoại lệ. Gia đình muốn hưng vượng, muốn có thể truyền nhau đời đời thì phải dựa vào điều kiện gì? Con em tốt, con cháu tốt. Con em tốt, con cháu tốt cũng là thành tựu từ trong bồi dưỡng giáo dục. Nếu như không dày công bồi dưỡng thì cũng không thể làm được. Cho nên, cha mẹ hiền minh thì nhất định yêu cầu con cái tiếp nhận nền giáo dục tốt nhất. Ngày nay những người làm cha mẹ không phải không có cái tâm này, nhưng mà quan niệm của chúng ta sai lầm rồi. Ngày nay chúng ta tiếp nhận nền giáo dục khoa học kỹ thuật, nền giáo dục chủ nghĩa công lợi. Nền giáo dục này không thể gìn giữ gia nghiệp. Vào thời xưa, người thế hệ trước lấy giáo dục Thánh Hiền để bồi dưỡng con em. Cái đặc sắc thứ nhất của giáo dục Thánh Hiền là khiến chúng ta hiểu rõ quan hệ giữa người với người. Đây là đại học vấn, là trí tuệ cao cấp.

Người với người rốt cuộc là quan hệ gì vậy? Nói đến điểm cuối cùng, người với người là quan hệ một thể. Đạo lý này, sự thật này có ai biết? Ngày nay chúng ta nói ra, người ta nghe xong sẽ lớn tiếng cười to, sẽ nói đầu óc của chúng ta có vấn đề, đúng như lời mà Lão Tử đã nói: “Kẻ hạ sĩ nghe nói đạo thì cười to, không cười thì không đủ để gọi là đạo”. Đạo lý này, Nho gia và Đạo gia có nói đến, nhưng nói tường tận nhất là ở trong kinh luận Đại Thừa của nhà Phật. Trong Kinh Phật nói với chúng ta: “Tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới cùng với ta là một thể”. Đại Thánh đại Hiền khi nhìn thấy tất cả chúng sanh tâm hạnh lương thiện, hạnh phúc mỹ mãn thì rất hoan hỷ; khi nhìn thấy chúng sanh tạo nghiệp đang thọ khổ báo thì đau lòng, rơi lệ. Đây là tâm nhân từ, là sự bộc lộ của chân tình. Chân tình không phải tình cảm, mà là tánh tình. Xã hội xưa thường nói “tánh tình trung nhân”, không phải nói cảm tình trung nhân. Cảm tình trung nhân biến hóa vô thường, còn tánh tình trung nhân ở trong Phật pháp là Phật Bồ-tát. Các Ngài biết được đúng sai chân thật, tà chánh chân thật, lợi hại chân thật. Việc mà các Ngài hành là đạo, là nghĩa, nhà Nho gọi là “đạo – đức – nhân – nghĩa – lễ”. Ở trong tình cảm không có những điều này. Nếu như tình cảm thuận với “đạo – đức – nhân – nghĩa – lễ”, không trái lại với “đạo – đức – nhân – nghĩa – lễ” thì tình cảm này chính là tánh tình. Ở trong giáo dục xã hội hiện nay, người biết về điều này không nhiều, người giảng những điều này thì càng ít hơn. Đại chúng thông thường cho rằng cách nói này là lạc hậu, lỗi thời. Tôi nghe thấy những lời này cũng gật đầu, nói: “Không sai! Là lạc hậu rồi, là lỗi thời rồi!”. Tại sao vậy? Ngày nay chúng ta đem những đường lối tư tưởng của thời đại thái bình, tư tưởng của thiên hạ đại trị này vứt bỏ hết, tạo thành kết quả là thế giới động loạn, tai nạn bất thường sẽ diễn biến không cách gì tưởng tượng nổi, toàn bộ xã hội loài người phải chịu khổ nạn cực lớn.

Chúng ta nhìn thấy từ trong tư liệu tin tức, hiện nay tần suất tai nạn mỗi năm một nhiều hơn, mỗi lần một nghiêm trọng hơn. Chúng ta nghe thấy, nhìn thấy rồi, chỉ có hoang mang sợ hãi, trở tay không kịp, chẳng biết làm sao, cho rằng đây là tai họa tự nhiên. Tai họa tự nhiên hình thành như thế nào vậy? Tại sao lại có những tai họa này? Những tai họa này có thể tiêu trừ được không, có thể tránh được không? Thánh nhân thế xuất thế gian đều trả lời là khẳng định được. Có một số nhà tiên tri phương Tây đã nói một câu kết luận: “Chúng ta có phải tiếp nhận tai nạn này hay không, đó vẫn là do hành vi của mình quyết định”. Lời kết luận này là chính xác, thế nhưng họ chưa nói được đạo lý tại sao hành vi của chúng ta có thể quyết định tai nạn có phát sinh hay không, đạo lý này họ chưa nói rõ ràng. Đạo lý này, nhà Phật thường nói: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”; lại nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Nếu như chúng ta thật sự hiểu rõ đạo lý này thì biết được khởi tâm động niệm của chúng ta có thể thay đổi hoàn cảnh. Hoàn cảnh là y báo. Y báo chuyển theo chánh báo.

Cách chuyển như thế nào vậy? Triệt để sám hối, thật sự quay đầu thì mới được cứu. Nếu như chỉ sám hối ở ngoài cửa miệng thì chẳng có ích gì. Sau khi thật tâm sám hối thì hành vi, ngôn ngữ của bạn sẽ quay đầu, sẽ hồi tâm hướng thiện một cách rất tự nhiên. Từ nay về sau dùng tâm thuần thiện để đối nhân tiếp vật; dùng tâm thuần yêu người, yêu vật để đối nhân xử thế tiếp vật; dùng tâm vô điều kiện, tâm vô tư, tâm không mong cầu bất kỳ sự báo đáp nào, tận tâm tận lực bố thí cúng dường tất cả chúng sanh. Như vậy mới gọi là chân sám hối, đây mới gọi là thật sự quay đầu. Một người sám hối thì một người được cứu, hai người sám hối thì hai người được cứu. Không nên cho rằng chỉ một người chân thật sám hối thì tác dụng rất yếu kém. Nghiêu Thuấn năm xưa cũng chỉ là một người. Vấn đề là bạn có tâm chân thành hay không? Tâm chân thành tự nhiên có thể cảm được người.

Người tạo ác cũng có Phật tánh, cũng có lương tâm. Phật tánh của họ, lương tâm của họ chỉ bị mê hoặc bởi vật dục, bị chướng ngại bởi tập khí phiền não. Chúng ta dùng tâm thiện, tâm thương yêu chân thành cúng dường bố thí một cách vô tư để đối đãi với họ. Khi mới tiếp xúc, họ sẽ hoài nghi “Tại sao anh đối với tôi tốt như vậy? Anh có ý đồ gì?”, họ vẫn phải phòng bị cẩn thận. Thời gian lâu, dần dần họ nhận ra bạn không có ý đồ gì đối với họ thì họ sẽ cảm động. Đạo của Nghiêu Thuấn, động cơ là ở chỗ này. Chư Phật Bồ-tát ứng hóa ở thế gian, động cơ cũng ở chỗ này. Chúng sanh có cảm, Phật Bồ-tát liền có ứng. Tại sao họ đến ứng, chúng ta phải hiểu rõ. Từ đó cho thấy, phong tục đạo đức xã hội đã bị hủy hoại rồi. Những vấn đề trước tiên là gì? Là chúng ta chưa quan tâm đúng mức đối với con em. Đặc biệt là ở xã hội hiện đại, cha mẹ yêu thương con cái, nhưng họ không quan tâm con cái. Bản thân họ bận bịu công việc, bận bịu việc xã giao, cho nên thuê người giúp việc đến chăm lo con cái của mình. Người giúp việc dù làm tròn trách nhiệm chăm lo, nhưng chắc chắn không bằng một phần tâm thương yêu của người làm cha mẹ đối với con cái của mình, cho nên cái nhân tố thương yêu của thế hệ tiếp đó bị lãng quên, bị vứt bỏ. Con cái từ nhỏ không được sự chăm lo của tình thân, nên sau khi lớn lên mới bất hiếu, mới phản nghịch. Nhân phẩm, nội tâm của chúng bị ô nhiễm, nên đã tạo thành tai nạn to lớn cho xã hội. Cho nên thế gian ngày nay, nguồn gốc của thiên tai nhân họa ở đâu vậy? Chúng ta phải nghiên cứu thảo luận thật kỹ, phải tìm cho ra. Nguồn gốc đó đều ở giáo dục, đặc biệt là giáo dục thời thơ ấu. Cổ nhân hiểu rõ đạo lý này, biết sự đáng sợ của nhân quả, cho nên đối với việc nuôi dạy trẻ thơ, tất cả là toàn tâm toàn lực, xem đó là việc lớn hàng đầu của đời người phải làm.

Từ xưa đến nay là tổ tổ truyền nhau, cho nên mấy ngàn năm nay, quốc gia dân tộc này vẫn không bị diệt vong. Đạo lý gì vậy? Quyết không phải là may mắn, mà đó là nhờ vào nền giáo dục của cổ Thánh tiên Hiền. Thời nay, tại sao dân tộc lại suy yếu như vậy? Chính là trong một vài trăm năm gần đây, chúng ta đã dần dần đánh mất đi nền giáo dục của cổ Thánh tiên Hiền; một mực sính ngoại, ham thích nước ngoài, cho rằng mặt trăng của ngoại quốc tròn hơn mặt trăng trong nước. Ngu muội đến mức này, cho nên người thế hệ này mới sống vất vả như vậy, chịu nhiều tai nạn như vậy. Hiện nay tai nạn nhiều hơn, lại nghiêm trọng hơn; nạn nước, nạn lửa, nạn gió, động đất, tai họa thiên nhiên không có cách gì phòng ngự. Những tai họa này do đâu mà có vậy? Phật nói cho chúng ta biết, nạn nước do tâm tham mà ra, chúng ta đoạn trừ tâm tham thì nạn nước sẽ không còn nữa; nạn lửa do tâm sân hận mà có, chiến tranh là thuộc về nạn lửa, chiến tranh phát sinh từ tâm sân hận; nạn gió phát sinh từ tâm ngu si; động đất sinh ra từ tâm bất bình. Nếu như mọi người đều biết tu tâm “thanh tịnh, bình đẳng, giác” thì những tai nạn này sẽ không còn nữa, hoặc dù có tai nạn thì cũng vô cùng nhẹ, sẽ không tạo thành tổn hại. Lời nói này ai có thể tin được? Nếu không phải người thâm nhập Kinh tạng, người thật sự rõ lý thì khi bạn nói với họ, họ sẽ nói là bạn nói lời điên rồ, bạn là mê tín, không có chứng cứ khoa học. Cho nên chỉ có người thâm nhập Kinh tạng, tâm địa thanh tịnh, nghe thấy lời nói này mới gật đầu, khẳng định là có đạo lý.

Tôi đã nói qua với tất cả đồng học, chúng ta khoác lên người chiếc áo Cà-sa này, làm đệ tử của Phật, vậy thì việc chúng ta phải làm là gì? Sứ mạng của chúng ta là gì? Nếu như không thể nghiêm túc nỗ lực hoàn thành sứ mạng chỉ dạy của Phật-đà, thì chính là điều mà cổ nhân gọi là “dưới áo Cà-sa mất thân người”. “Dưới áo Cà-sa mất thân người” thì đi về đâu vậy? Đều đi đến địa ngục. Cho nên Tổ sư Đại đức là người sáng tỏ, tại sao không khuyên người xuất gia vậy? Khuyên người xuất gia thì dễ, nhưng nếu người xuất gia này không thể hoàn thành sứ mệnh mà Phật chỉ dạy thì chẳng phải bạn đã đưa họ đi vào địa ngục rồi sao? Không xuất gia thì chưa chắc bị đọa địa ngục, nhưng xuất gia là chắc chắn đọa địa ngục. Trong ngạn ngữ có nói: “Trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều”, lời nói này không phải không có đạo lý. Cho nên, người đã xuất gia thì nhất định phải nghiêm túc học tập cho thật đàng hoàng, đem lời giáo huấn của Phật giới thiệu cho tất cả đại chúng, vì tất cả đại chúng mà giảng rõ ràng, nói minh bạch. Hơn nữa, bản thân còn phải nghiêm túc, nỗ lực y giáo phụng hành. Như vậy mới là đệ tử tốt của Phật, mới đích thực là vị Đạo sư của trời người.

Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên tập 23

Bài viết liên quan

Người niệm Phật thân có quang minh, ma chẳng thể phạm

Thiện Quang

Giác mà không mê thì con người này liền thành Phật

Thiện Quang

Niệm danh hiệu Địa Tạng Vương Bồ Tát một muôn biến

Thiện Quang

Làm sao thoát khỏi khổ não, sanh già bệnh chết?

Thiện Quang

Ý nghĩa của việc cúng dường hình tượng của Phật

Thiện Quang

Hộ pháp còn quan trọng hơn so với hoằng pháp

Thiện Quang

Ngồi xếp bằng quay mặt vào vách có phải là Thiền Định?

Thiện Quang

Phàm Thánh chính ở một khoảng mê và ngộ

Thiện Quang

Lục Hòa Kính: 6 pháp lục hòa trong đạo Phật

Thiện Quang

Leave a Comment