Nhất tâm là gì?
Nhất tâm là gì? Một tạp niệm cũng không có, đó mới gọi là nhất tâm. Có một tạp niệm thì tâm không nhất. Sự việc này nói ra thì dễ, khi làm thì sẽ rất khó.
Phật dạy chúng ta làm thế nào để niệm Phật? Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” dạy chúng ta: “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. Trong “Kinh A Di Đà” dạy chúng ta: “Nhất tâm hệ niệm”. Bản dịch của Đại Sư La Thập dịch là “nhất tâm bất loạn”, bản dịch của Đại Sư Huyền Trang là “nhất tâm hệ niệm”. Bạn xem, chú trọng nhiều đến chữ “nhất”. Chúng ta học Phật, thực tế mà nói, chính là lơ là đi chữ “nhất” này.
Chúng ta học được rất khổ, tốn rất nhiều thời gian, rất nhiều tinh thần, nhưng vẫn không thể vào được cửa. Lúc nào thì có thể vào được cửa? Thật không có kỳ hẹn. Thành thật mà nói, đến hôm nào tâm của bạn “nhất” rồi thì liền vào được. Nhất tâm thì liền vào, nhị tâm thì không vào. Nếu bạn muốn nhập môn (Thiền Tông gọi “nhập môn” là “kiến tánh”, Tịnh Tông chúng ta gọi là “nhất tâm bất loạn”), nhất tâm thì liền vào.
Thế nào gọi là “nhất tâm”? Một tạp niệm cũng không có, đó mới gọi là nhất tâm. Có một tạp niệm thì tâm không nhất. Sự việc này nói ra thì dễ, khi làm thì sẽ rất khó. Theo kinh nghiệm tu học của chúng ta, chúng ta hiểu rõ, nhất tâm trong khoảng thời gian ngắn thì được, thời gian dài thì không được. Trong thời gian dài thì liền xen tạp vọng tưởng, như vậy thì không được. Đạo lý này cùng chân tướng sự thật, chúng ta phải rõ ràng.
Vì sao Đại Đức xưa nói với chúng ta: “Đọc Kinh không bằng đọc chú, đọc chú không bằng niệm Phật”? Nói lời nói này có đạo lý gì? Hiện tại chúng ta hiểu được, Kinh thì quá dài, khi tụng rất dễ khởi vọng tưởng; Chú thì ngắn hơn Kinh, hay nói cách khác, cơ hội khởi vọng tưởng tương đối ít, thế nhưng vẫn là dễ dàng khởi vọng tưởng.
Thí dụ nói Chú Đại Bi, mọi người đọc rất thuần thục. Bài Đại Bi Chú đó hơn 80 câu, bạn từ đầu đến cuối đọc qua một lần, trong đó bạn có thể không có một vọng niệm nào hay không? E rằng vẫn là có một hai vọng tưởng.
Các vị phải nên biết, xen tạp một hai vọng niệm thì Chú Đại Bi sẽ không linh. Không thể nói Chú Đại Bi không linh, mà là bởi vì trong đó bạn xen tạp vọng tưởng, cho nên chú đó không linh, không bằng niệm Phật.
Niệm sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”, trong sáu chữ này đích thực là vọng niệm không thể xen tạp vào. Đó là nói rõ sáu chữ này của bạn có hiệu quả tốt hơn nhiều so với niệm chú. Nếu như thấy sáu chữ này vẫn còn hơi nhiều, thì niệm bốn chữ “A Di Đà Phật”, vậy thì vọng tưởng không thể lọt vào.
Cho nên tôi truyền cho các vị đồng tu cách mười niệm. Cách mười niệm chính là mười câu A Di Đà Phật: “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, …”, trong đó một vọng niệm cũng không có. Không nên cho rằng thời gian này quá ngắn, chỉ cần thời gian một hai phút thì rất có hiệu quả. Mỗi ngày tu thêm vài lần, niệm nhiều vài biến, rất có hiệu quả. Vì sao vậy? Bởi vì bạn một lòng chuyên niệm, bạn không có hoài nghi, không có xen tạp, không có gián đoạn. Mười câu không gián đoạn thì phù hợp với tiêu chuẩn của Bồ Tát Đại Thế Chí đã nói: “Tịnh niệm tương tục”, phù hợp với tiêu chuẩn này.
“Tịnh niệm tương tục”, “tịnh niệm” chính là không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Bạn hiểu rõ đạo lý này, sau đó bạn liền có thể thể hội được cộng tu và chính mình tự tu không hề giống nhau.
Trong cộng tu, vọng tưởng sẽ ít. Chính mình một người tu, vọng tưởng sẽ nhiều. Nhất là niệm Phật đường ở lầu bốn của chúng ta. Có đồng tu đến nói với tôi, bước vào niệm Phật đường xem thấy thảy đều là Phật, dường như chính mình cũng là Phật vậy. Tốt quá! Bạn khởi lên ý niệm đó là Phật niệm, bạn không khởi các vọng niệm khác. Đó là tương ưng. Khi bạn ở nhà niệm Phật thì không tương ưng. Đó là nói rõ chúng ta là phàm phu, phàm phu còn bị ảnh hưởng của hoàn cảnh.
Bởi vì các vị còn bị ảnh hưởng của hoàn cảnh, nên chúng tôi cung cấp cho các vị một hoàn cảnh niệm Phật, để Phật đến ảnh hưởng các vị, không để các thứ khác làm ảnh hưởng các vị. Xây niệm Phật đường làm tăng thượng duyên cho mọi người, đạo lý chính ngay chỗ này. Hay nói cách khác, niệm Phật đường này chính là Hoa Nghiêm Tam Muội. Cho nên, nhất định phải nương vào nhất tâm, nương vào chân tánh.
Vô tận duyên khởi chính là nói tận hư không khắp pháp giới tất cả cõi nước chư Phật y chánh trang nghiêm đều là từ nhất tâm biến hiện ra. Nhất tâm này là nhất tâm của chính mình.
Bạn nghe rồi, bạn liền có hoài nghi, tâm của tôi có sức mạnh lớn đến như vậy hay sao? Tôi thật có thể biến hay sao? Tôi muốn biến một con bò, có nghĩ thế nào cũng nghĩ không ra, nó cũng không thể hiện tiền. Cho nên sau khi nghe Kinh rồi, trở về lại khởi vọng tưởng, vậy thì hư rồi. Đó thật gọi là “Ba đời chư Phật đều bị hàm oan”. Phật nói cái tâm này, tâm rốt cuộc là như thế nào? Rốt cuộc là ở nơi đâu? Tìm không ra.
Nếu bạn không tin tưởng thì trở về đọc “Kinh Lăng Nghiêm”. Trong “Kinh Lăng Nghiêm”, Thích Ca Mâu Ni Phật hỏi A Nan tôn giả. Phật hỏi ông: “Tâm ở đâu? ”. A Nan nói ra bảy chỗ, Phật đều lắc đầu phủ định. A Nan vốn dĩ cho rằng chính mình rất thông minh. Phật vừa hỏi, mới biết được chính mình là phàm phu sanh tử, mê hoặc điên đảo, không biết được thứ gì.
Ngài quay lại thỉnh giáo với Phật: “Con không biết được tâm ở chỗ nào? Xin Phật nói cho con biết rốt cuộc tâm ở chỗ nào? ”. Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói một đoạn rất dài, mười lần hiển kiến, nói rõ căn tánh của sáu căn chính là tâm tánh của chính mình. Sáu căn căn tánh chỉ nói một căn, tánh thấy của nhãn căn. Một căn thông suốt thì căn tánh năm căn còn lại đều là chân tâm của chính mình. Đó mới là nói rõ một hiện tượng: “Chân – vọng không hai”. Không chỉ tâm cùng thức không rời khỏi, mà A Lại Da Thức là vọng tâm.
Trong Thiền Tông nói A Lại Da Thức là chân vọng hòa hợp. Vì sao vậy? Thể của A Lại Da Thức là chân tâm, hiện tướng tác dụng của A Lại Da Thức là vọng tâm. Chân vọng hòa hợp, chân vọng không hề lìa nhau. Cũng giống như dùng vàng làm món đồ, vàng cùng món đồ không rời nhau. Hai mà không hai, đó mới là chân tướng sự thật. Phật hy vọng chúng ta hiểu rõ đạo lý này.
Đạo lý này nói rõ, “hư không pháp giới là chính mình”. Nếu như nói hư không pháp giới cùng chính mình là một thể, chỗ này chỉ có thể nói là gần kề, ngay giữa vẫn có một cách biệt. Vì sao vậy? Hư không pháp giới là chính mình, vẫn còn một tầng cách biệt. Hư không pháp giới chính là chính mình, ở trong đây một chút ngăn cách cũng không có.
Sau đó chúng ta mới hiểu rõ, vì sao Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong “Kinh Hoa Nghiêm” rằng: “Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”. Câu nói này rất là khó hiểu, chỉ có người vào được Hoa Nghiêm Tam Muội thì họ mới gật đầu, người chưa vào được Hoa Nghiêm Tam Muội thì càng nghe càng mê hoặc. Chân thật hiểu được thì gọi là “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”.
Ở trong “Kinh Bát Nhã” nói, đó là vào được căn bản trí, đó là thuộc về căn bản trí. Sau đó từ nơi đây khởi hành. Chân tướng sự thật hoàn toàn thông đạt, tường tận thì khởi hành của bạn đương nhiên không như nhau. Khởi hành là gì? Chính là trên Kinh điển Phật đã nói, Như Lai cùng những vị Đại Bồ Tát này ở trong mười pháp giới tùy loại hóa thân, tùy cơ nói pháp. Đó chính là họ khởi hành.
Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký tập 43